Thắng Man Phu Nhân – Bậc long tượng nữ giới với mười đại nguyện vì lợi ích chúng sinh

Copy ở http://daibaothapmandalataythien.org/thang-man-phu-nhan-bac-long-tuong-nu-gioi-voi-muoi-dai-nguyen-vi-loi-ich-chung-sinh

Pháp Nhất Thừa là phẩm kinh do phu nhân Thắng Man nói ra và được Phật ấn khả, được ghi chép trong kinh Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng.

Chuyện kể rằng:

Phu nhân Thắng Man là con gái yêu của vua Ba Tư Nặc và Hoàng hậu Mạt Lợi. Khi sinh ra được đặt tên là Thắng Man với ý nghĩa hy vọng là sẽ có tướng tốt, tài cao phúc đức hơn cả cha mẹ. Thắng Man là dịch theo nghĩa, phiên âm theo tiếng Phạn là Thất-lợi Mạt-la (tiếng Trung Hoa dịch nghĩa là Thắng Man – Mạt-la là theo tên của mẹ (Mạt Lợi), dịch là Man. Thất-lợi dịch là Thắng).

Thắng Man lúc nhỏ đã đẹp và thông minh, trưởng thành được gả cho vua nước A-du-xà, trở thành Vương phi của vua nước này. Từ đó được gọi là phu nhân Thắng Man.

Thuở đó, ở nước Xá-vệ nơi tinh xá Kỳ Viên,[1] Đức Phật đang ngồi trên pháp tòa giảng pháp cho thính chúng nghe. Lúc bấy giờ vua Ba Tư Nặc cũng đang có mặt, bỗng nhiên chợt nghĩ đến con, vua bèn nói với hoàng hậu:

  • Đáng tiếc con gái của chúng ta đã gả chồng ở xa. Nó là người thông tuệ, lợi căn mẫn cán, dễ khai ngộ. Nếu bây giờ có cơ hội được thấy Phật, được nghe pháp thì nhất định Thắng Man sẽ sinh lòng tín kính, mau chóng chứng ngộ Phật pháp, được tâm vô ngại.

Hoàng hậu Mạt Lợi cũng hoan hỷ nói:

  • Phải rồi, chính là lúc này! Chúng ta hãy mau viết thư gọi con đến.

Hội ý xong, vua và hoàng hậu lập tức viết thư phái người đem tin đến cho Thắng Man, nhắn Phu nhân về đây để nghe Phật thuyết pháp.

NHẬN ĐƯỢC THƯ CHA MẸ, LÒNG VUI MỪNG KHÔN XIẾT

Đức vua chỉ vội vàng sơ lược tán thán công đức vô lượng vô biên của Phật và khi bức thư được viết xong, vua suy nghĩ nên phái người nào đem đi cho thích hợp. Lúc đó đứng bên cạnh có quan Nội giám là Chân-đề-la, vua liền truyền lệnh cho vị quan này đi làm sứ giả, phải nhanh chóng bất kể ngày đêm gấp rút mang thư đến nước A-du-xà cho Phu nhân Thắng Man.

Đến nước A-du-xà, sứ giả đi thẳng vào cung, dâng thư lên phu nhân Thắng Man. Lúc này vua nước A-du-xà là Hữu Xứng Vương cùng hoàng hậu đang bàn việc nước.

Phu nhân Thắng Man nhận được thư của cha mẹ, lòng vui mừng khôn xiết, còn hơn cả bắt được muôn lượng vàng ròng. Trong thư, vua cha tán thán công đức vô lượng vô biên của Phật, khiến lòng kính tín của Thắng Man đối với Phật càng thêm tăng trưởng. Phu nhân Thắng Man hoan hỷ nói với sứ giả rằng:

  • Ta đã nghe danh Đức Phật là người trên thế gian này chưa từng có, lại thêm cảm nghĩ tới công đức của Ngài mà cha ta đã dùng lời chân thật không hư dối để tán thán, lòng ta rất vui mừng. Ta cám ơn sứ giả đã có công mang thư này tới đây, ông xứng đáng được tặng một chiếc áo để tưởng thưởng công lao đã đem tin tốt lành đến cho ta.

ĐƯỢC THỌ KÝ THÀNH PHẬT HIỆU LÀ PHỐ QUANG NHƯ LAI

Đang ở trong cung, nhưng với lòng cung kính mong được trông thấy Phật, Thắng Man phu nhân liền quỳ xuống hướng về Đức Phật thành khẩn:

  • Kính bạch Thế Tôn! Ngài là đấng cao cả trong muôn loài, bi mẫn như từ mẫu, thuyết pháp hóa độ hết thảy chúng sinh, nay con xin dùng tâm thanh tịnh, một niệm kính tin, ngưỡng mộ công đức của Thế Tôn, xin rủ lòng thương xót khiến con được trông thấy Ngài.

Phu nhân Thắng Man một lòng thành khẩn cầu xin. Liền khi đó Đức Phật hiển hiện trên không, phóng hào quang soi sáng khắp nơi. Từ trong cung điện, Thắng Man phu nhân và mọi người đều thấy rõ kim thân của Đức Phật, tướng hảo quang minh vi diệu không gì sánh bằng, ai nấy vô cùng xúc động, hoan hỷ khôn lường. Tất cả một lòng chiêm ngưỡng lễ lạy dưới chân Phật và xin được quy y. Chúng ta nên hiểu rằng, dù phu nhân Thắng Man đã nhiều kiếp gieo trồng căn lành, nhưng nếu bà không có lòng thành tha thiết cầu khẩn thì không thể thấy được Phật.

Đức Như Lai hoan hỷ nhận lời thỉnh cầu quy y tín kính của phu nhân Thắng Man và thọ ký:

  • Này phu nhân Thắng Man! Bà đã nhiều đời kính tín và gieo trồng phước lành với chư Phật, công đức tán thán chân thật ấy là do chính bởi thiện căn này, nay Ta đã thấy biết rõ trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp bà sẽ được làm vua Tự Tại trong loài trời người, sinh ra chỗ nào cũng thường được thấy Phật như hiện nay không khác. Sau khi tiếp tục cúng dường vô lượng a-tăng-kỳ đức Phật, trải qua hai vạn a-tăng-kỳ kiếp sau đó bà sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Như Lai.

Phu nhân Thắng Man được thọ ký rồi vô cùng hoan hỷ, vô cùng biết ơn Đức Phật vì đối với giáo pháp của Ngài, nam nữ đều được bình đẳng, ai cũng có thể thành Phật được. Bà đã được Phật thọ ký rồi, thấy được con đường tương lai của mình sẽ hướng đến đỉnh cao của sự giải thoát. Phu nhân liền suy nghĩ phải tập trung tất cả các cung tần mỹ nữ lại để cho họ cũng được nghe Phật thuyết giảng. Mọi người trong cung từ bảy tuổi trở lên sau đó đều được Đức Phật độ cho quy y hết.

THỤ NHẬN GIỚI PHÁP VÀ PHÁT MƯỜI ĐẠI NGUYỆN

Lúc bấy giờ Phu nhân Thắng Man được Phật thọ ký xong liền đứng dậy cung kính đối trước Phật mà thọ nhận mười đại giới và phát nguyện:

  • Bạch Đức Thế Tôn! Con từ nay cho đến khi chứng đạo quả Bồ-đề, trong khoảng thời gian tu học, đối với tất cả giới pháp con đã thọ, quyết không vi phạm.
  • Bạch Đức Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng đạo quả Bồ-đề, đối với các bậc tôn trưởng không khởi tâm khinh mạn.
  • Bạch Đức Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng đạo quả Bồ-đề, đối với các chúng sinh không khởi tâm tức giận.
  • Bạch Đức Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng đạo quả Bồ-đề, đối với sắc thân và sự thọ dụng phong phú của người khác, con không khởi tâm đố kỵ
  • Bạch Đức Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng đạo quả Bồ-đề, đối với tất cả các pháp môn mà con đã học, hiểu, thông suốt, nếu có người cần cầu học, con nguyện bố thí pháp ấy mà không khởi tâm tiếc lận.
  • Bạch Đức Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng đạo quả Bồ-đề không có tâm vị kỷ nhận chứa tài vật cho riêng mình. Nếu con có nhận những tài vật đó thì thảy đều vì lợi ích cho chúng sinh.
  • Bạch Đức Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng đạo quả Bồ-đề, không vì lợi ích riêng mình mà hành Tứ nhiếp pháp. Chỉ vì tất cả chúng sinh nên đem tâm không ái nhiễm, tâm không nhàm chán, tâm không trở ngại để nhiếp thọ chúng sinh.
  • Bạch Đức Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng đạo quả Bồ-đề, nếu nhìn thấy chúng sinh cô độc, tật bệnh, lầm than, tối tăm cùng các thứ gian nan khốn khổ đeo đuổi buộc ràng không lúc nào dứt, con quyết làm cho họ được an ổn, lấy việc nghĩa làm cho họ ấm no, lợi ích, thoát ly các khổ thì tâm con mới an.
  • Bạch Đức Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng đạo quả Bồ-đề, nếu nhìn thấy chúng sinh bắt nuôi sinh vật làm các ác luật nghi và phạm các giới, thì con trọn không xa lánh xả bỏ họ. Khi con có được năng lực, thì đối với tất cả chỗ nào có những chúng sinh như trên đây, có thể ngăn chặn, nhiếp thọ được thì con nhiếp thọ cho họ.
  • Bạch Đức Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng đạo quả Bồ-đề, con nguyện nhiếp thọ Chính pháp trọn không để cho tiêu mất.

Phu nhân Thắng Man sau khi phát mười hoằng thệ xong, trên hư không hoa trời liền rơi, nhạc trời liền trỗi, chúng sinh thấy điềm lành đó cũng đồng phát nguyện: “Nguyện cùng phu nhân sinh ra chỗ nào cũng cùng chung hạnh nguyện”. Sở dĩ phu nhân Thắng Man thọ giới và phát mười thệ nguyện như vậy là hoàn toàn vì lợi ích cho chúng sinh. Phu nhân Thắng Man chẳng những là một người phụ nữ mẫu mực mà còn là một bậc thánh xứng đáng là hàng long tượng trong nữ giới, đáng cho chúng ta kính phục, tôn thờ.

Chú thích:

(1): Tinh xá này được ông cấp Cô Độc mua lại phần đất của thái tử Kỳ-đà để xây dựng, nhưng cây cối là do thái tử hiến cúng, nên gọi đầy đủ là Kỹ thọ Cấp Cô Độc viên (vườn ông cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ-đà). Kinh điển thường nhắc đến nơi đây với tên ngắn gọn là tinh xá Kỳ Viên.

(Nguồn: “Khả triết các bậc long tượng – Hình tượng người phụ nữ trong Phật giáo”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)

Hits: 34