Sách pdf thanh tịnh tâm – Lê Sỹ Minh Tùng

Link đọc online : https://thuvienhoasen.org/p21a9688/loi-mo-dau

Link down pdf : https://phapthihoi.org/kinh/Ebooks/Thuyet-Phap/Nghiep/Thanh-Tinh-Tam-Cs-Le-Sy-Minh-Tung.pdf

hoặc https://images.mtviet.com/filechiase/Thanh-Tinh-Tam-Cs-Le-Sy-Minh-Tung.pdf


THANH TINH TÂM

Lê Sỹ Minh Tùng

Lời Mở Đầu

Con người càng được kính trọng càng được khen ngợi thì bản ngã càng có cơ hội phát triển nhiều. Mà chạy theo bản ngã là chạy theo sinh tử luân hồi.

Khi từ bi và trí tuệ được phát triển trọn vẹn thì con người sẽ không còn phân biệt nữa vì bắt đầu từ thời điểm ấy từ bi là trí tuệ mà trí tuệ cũng là từ bi và họ sẽ thấy rõ ràng tất cả bản thể Chân Như của vạn pháp. Hình tướng bề ngoài tuy khác nhau nhưng Thể Tánh bên trong chỉ là một. Đó chính là :”Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” vậy.

Điều qua trọng nhất con người cần phải biết là tất cả mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật vì ai ai cũng đều có sẵn Phật tính trong mình, chỉ vì mê lầm không thấy rõ tính chất cao quý thiêng liêng nơi mình mà chúng sinh mới bị mê đắm vào vòng đau khổ luân hồi.

Nguyên nhân của tất cả sự khổ đau bắt đầu từ bản ngã vì nó vốn có khuynh hướng phân biệt thân sơ, tốt xấu, giàu nghèo, ta và người…và từ đó nẩy sinh các tham vọng, ái dục, đố kỵ, tranh chấp đẩy con người lún sâu vào vòng sinh tử khổ đau.

Con người nên quay vào bên trong để lắng nghe tiếng gọi của Chân Tâm mà sống với tự tánh thanh tịnh thì không bị lôi cuốn của thế gian. Một người chết đuối không thể cứu một người khác cũng đang chết đuối. Một việc làm cao đẹp chỉ có nghĩa khi nó được làm bởi một cái tâm vị tha chân thật.

Làm sao biết rằng việc làm của mình là hoàn toàn vô vị lợi? Chỉ khi nào làm mọi việc mà không thấy có mình làm, không thấy có chúng sinh được cứu độ, không thấy mình và chúng sinh có sự khác biệt đó mới là vô ngã.

Con người đều là những giọt nước trong đại dương của sự sống, tuy là một thành phần nhỏ bé nhưng chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm được toàn thể sự sống của đại dương. Chúng ta có thể mang những thể xác khác nhau, trải qua nhiều kiếp sống khác nhau và thâu nhập học hỏi những kinh nghiệm khác nhau nhưng chúng ta đều là thành phần của một sự sống vĩ đại, của một Chân Như Đại Thể.

Khi lòng từ bi phát triển trọn vẹn, con người không còn ao ước sự giải thoát cho chính mình vì họ thấy mình và chúng sinh là một không hề khác nhau và khi chúng sinh còn vướng mắc trong vòng đau khổ thì làm sao mình có thể giải thoát được?thientructieuduky-06-23
Đức Phật thuyết pháp cho 5 vị đệ tử đầu tiên tại vườn Lộc UyểnLời Mở Đầu


Đã là con người sống trong thế gian nầy thì ai ai cũng ước mơ cho mình được giàu sang sung sướng, công danh thành đạt và sức khỏe dồi dào để sống cho đến trăm tuổi bạc đầu. Nhưng đâu phải giấc mơ nào cũng thành sự thật đâu? Nếu chúng ta may mắn được giàu sang phú quý thì lại không thông minh đĩnh đạt, còn kẻ thông minh trí tuệ thì lại phải sống thanh bần và người sống thọ thì nay đau mai yếu khó được yên vui. Vậy tất cả sự giàu sang, danh vọng và sống trường thọ có thật sự đem đến những hạnh phúc chân thật cho con người không? Hay là càng giàu thì con người càng có nhiều cơ hội để tạo nghiệp, địa vị càng cao thì dễ dàng gây cảnh đau thương cho người khác và thọ mạng càng lâu thì càng dễ gây khổ cho nhiều người. Nhưng trong thế gian nầy không phải không có người giàu sang với tâm hồn cao thượng, hay không có kẻ nắm quyền cao thế trọng mà có lương tâm bởi vì họ đã đạt được tâm thanh tịnh.

Tâm thanh tịnh có nghĩa là người có tâm hồn trong sáng, cuộc sống của họ không chạy theo bản ngã và nội tâm không bị kích động bởi tham lam, giận hờn và si mê. Người biết xả kỷ vị tha thì lúc nào cũng an vui tự tại vì đối với họ tiền tài danh vọng cũng chỉ như bóng trăng dưới nước hay hoa đóm trên không mà thôi. Khi mê chúng ta cho cuộc đời là thật, là chắc chắn, là bền vững ngàn năm đến khi mất mới biết đời chỉ là ảo mộng. Thân thì mất, tiền tài danh vọng cũng chẳng còn, chẳng đem theo được vì thế cho dù con người có tiền rừng bạc biển, danh vọng cao sang thì đến lúc chết cũng trở về với cái Không mà thôi. Còn cái Có mà họ chắc chắn sẽ mang theo chỉ là cái nghiệp để thọ lãnh cảnh khổ cho đời sau. Chỉ có tâm thanh tịnh mới tác tạo một tâm hồn trong sáng để làm việc thiện, tránh xa việc ác và dĩ nhiên không còn tạo nghiệp. Không tạo nghiệp là không còn khổ, không còn luân hồi sanh tử và đây chính là hạnh phúc viên mãn mãi mãi cho ngày sau. Đạo Phật không chủ trương dạy con người làm giàu hay đạt công hầu khanh tướng vì đây chỉ là những hạnh phúc tạm bợ, giả dối để gánh chịu những cái khổ về sau, mà đạo Phật chỉ hướng dẫn con người tránh xa mọi ô nhiễm và biết kiềm chế ái dục để tâm được thanh tịnh. Vì thế người Phật tử luôn lấy câu:”tri túc thiểu dục” làm nền tảng cho cuộc sống của mình. Tâm thanh tịnh tức là chơn tâm, là Phật tánh, là hạnh phúc vĩnh hằng trong mỗi chúng ta.

Hưởng thọ phước báu nhân gian như bắn tên lên trời, khi hết đà sẽ rơi xuống đất, không bền không chắc, nay có mai không. Cái chân thật mà con người nên tựa vào là sống trong nhân thế mà không hề rời tự tánh và đi vào chốn bụi trần mà không hề rời Niết bàn. Bồ tát đến thế gian cứu độ chúng sinh là nhờ vào nguyện lực, còn phàm phu thọ báo trong thế gian là do nghiệp lực. Bồ Tát tuy sống trong quần chúng, nhưng không bị sinh tử trói buộc và phiền não thiêu đốt.

Phần thứ hai của sách nầy, chúng tôi vừa soạn lại tiểu sử mười vị đại đệ tử của Đức Phật. Thiển nghĩ trong thời mạt pháp nầy, nếu có thể hình dung lại cuộc sống của những vị Thánh Tăng để chúng ta có cảm tưởng như đang sống trong thời Đức phật còn tại thế cách nay trên 2500 năm về trước ngỏ hầu giúp chúng ta học hỏi, nghiền ngẫm và tư duy về tất cả những phương cách tu tập khác nhau để đạt được tâm thanh tịnh và đoạn trừ phiền não. Họ là những tấm gương sáng chói cho chúng ta noi theo để đạt đến đạo quả Bồ-đề.

Nói về đạo thì không có đạo nào cao siêu bằng đạo Phật, còn nói về lý thì không có lý nào uyên thâm bằng giáo lý Phật. Vì thế cốt tủy của đạo Phật là khuyên bảo con người nên làm lành, hướng thiện, lìa xa tội lỗi và tu tập để tâm mình được hoàn toàn thanh tịnh. Do đó một người Phật tử chân chính là người chẳng những thấm nhuần giáo lý Đức Phật, mà phải dùng triết lý mầu nhiệm nầy để sống với mọi người với tấm lòng từ bi vô ngã và chắc chắn sẽ mang lại an vui tự tại cho chính mình và cho tất cả mọi người.

Căn nhà giác ngộ có tới tám vạn bốn ngàn cánh cửa để vào. Căn cơ của chúng sinh thì cao thấp khác nhau vì vậy chúng sinh muốn tu theo pháp môn nào cũng đều là chánh đạo cả. Muốn tu theo thiền thì phải đoạn cho được mọi phiền não, sám hối cho hết tất cả nghiệp căn mới mong đốn ngộ. Nhưng chứng ngộ ở đây chỉ là Lý còn Sự thì phải tu mới thành. Nếu không thì khó lòng mà đạt được Minh Tâm Kiến Tánh, tức là cảnh vô sanh vô diệt. Còn pháp môn Tịnh Độ thì chỉ cần niệm Phật A Di Đà, giữ tâm thanh tịnh, đừng tạo nên nghiệp mới thì sẽ được vãng sanh vào cõi Tây Phương Cực Lạc. Nhất tâm là đối với tán tâm mà nói bởi vì nếu miệng niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà trong tâm lại vọng tưởng đủ thứ, đó chính là tán tâm niệm Phật. Còn nếu niệm Phật đạt đến tâm và miệng tương ưng, không có vọng tưởng tạp loạn, chỉ có danh hiệu Phật không gián đoạn, niệm mà không niệm, không niệm mà niệm thì đạt đến trình độ công phu Nhất Tâm Bất Loạn. Lúc chết họ sẽ được Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát hay Chư Thánh đến tiếp dẫn. Thêm nữa, người tu theo Pháp môn Tịnh Độ được mang cả nghiệp cũ vào cõi Thánh nên được gọi là đối nghiệp vãng sanh. Trong thời mạt Pháp, Đức Phật dạy rằng niệm Phật là pháp môn thù thắng trong tất cả các pháp môn. Xin nhắc lại, từ vô lượng kiếp về trước, có một kiếp Đức Phật A Di Đà và Đức Phật Thích Ca đồng tu với nhau. Lúc ấy vua Vô Trách Nhiệm, tức là tiền thân Phật A Di Đà kết bạn rất thân với vị đại thần tên là Bảo Hải, tức là tiền thân Phật Thích Ca. Khi ấy có Phật Bảo Tạng ra đời để hóa độ chúng sinh thì hai vị cùng đến chỗ Phật Bảo Tạng mà phát Bồ Đề Tâm.Vua Vô Trách Nhiệm phát nguyện rằng:”Tôi

nguyện tu pháp chứng để ứng hóa về cõi Tịnh Độ, chẳng nguyện về cõi Uế Độ. Nếu tôi chứng được bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì tôi nguyện độ chúng sinh trong cõi Tịnh Độ không có một điều khổ não, nếu chẳng được như vậy, tôi thề chẳng thành Phật”. Còn đại thần Bảo Hải thì nguyện ứng hóa về cõi Uế Độ, tức là thế giới Ta Bà nầy để hóa độ chúng sinh.

Sau bao nhiêu kiếp tinh tấn tu hành, cả hai nay đã thành Phật. Ngày nay nhân tròn quả mãn, phần tự giác đã xong, Phật Thích Ca đã dùng Phật nhãn mà xem xét cõi tịnh độ của Phật A Di Đà để độ chúng sinh trong cõi Ta bà đang gánh chịu bao nhiêu điều thống khổ được vãng sanh về cõi Thánh. Đây chính là con đường Liễu Sanh Thoát Tử, chuyển phàm đạt Thánh vậy.

Chúng tôi kính nguyện tất cả chúng sinh Bồ- đề tâm luôn luôn tăng trưởng, chánh tín chánh kiến chưa sinh sẽ sinh và nếu đã sinh thì càng kiên cố bất thoái cho đến ngày viên thành Phật đạo.
Xin hồi hướng và cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho quý vị và gia đình được vô lượng an lạc, vô lượng phước báu trong ánh từ quang của chư Phật.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Lê Sỹ Minh Tùng

Chúng sinh vô-biên thệ nguyện độ, Phiền não vô-tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô-lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô-thượng thệ nguyện thành.

Hits: 112