Bối cảnh văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng thời Đức Phật


Lục địa Ấn Độ hay bán đảo Ấn Độ là một vùng đất mênh mông, rộng lớn. Bắc là dãy Himalaya cao ngất tầng mây, quanh năm tuyết phủ. Tây Bắc là những sa mạc thiêu đốt bốn mùa. Nam và Đông Nam tiếp Ấn Độ Dương và cũng là con đường của những thương thuyền sang các nước Malaysia,

Indonesia, Myanmar, Thailand…từ nhiều thế kỷ trước Tây lịch.

1. Đặc Trưng Văn Hoá

Ưu thế địa lý là nhờ con sông Gaṅgā và con sông Indus có những bình nguyên màu mỡ, trú phú; nơi đây phát tích nhiều nền văn minh cổ xưa; mà, xã hội đã được tổ chức rất cao, nền văn minh đô thị phát triển, đông đúc và thịnh cường. Có một vài sử gia nói rằng, thời vương triều đại đế Asoka, lãnh thổ Ấn Độ bao gồm các nước Pakistan, Bangladesh, Afghanistan, kể cả Iran, Irak, Syrie… ngày nay.

Từ mấy ngàn năm trước Tây lịch, cư dân bản xứ có hằng trăm sắc tộc, nhưng người Dravidien chiếm đa số và có một nền văn hóa nổi trội nhất. Người ta đã khai quật quanh lưu vực các con sông Gaṅgā và Indus đã phát hiện dấu tích các thành phố cổ cách đấy bảy đến tám ngàn năm mà nền văn minh của nó còn rực rỡ hơn cả Ai Cập và Babylon. Đây là nền văn minh bản địa của tộc người Dravidien trước khi giống dòng Aryan từ Tây Bắc tràn xuống, xâm lăng và chinh phục xứ này, khoảng 1500 đến 2000 năm trước Tây lịch.

Theo với gót ngựa viễn chinh, với sức mạnh võ lực, người Aryan thống trị vùng đất trù phú ấy và áp đặt lên kẻ bị trị nền văn hóa của họ ấy là ngôn ngữ, tín ngưỡng và tập quán sinh hoạt…

Nhiều thời đại và thế hệ qua đi, sự pha trộn chủng tộc, pha trộn văn hóa với người Dravidien cùng hằng trăm tộc người khác – trước khi Đức Phật ra đời – xã hội Ấn Độ, sau đó phân thành bốn giai cấp, lấy kinh Vệ-đà làm tín ngưỡng và lấy ngôn ngữ cổ Ấn Độ (gần giống Phạn ngữ) làm chính văn.

2. Tôn Giáo, Tín Ngưỡng

Tín ngưỡng các dân tộc cổ sơ ở đâu cũng tương tợ nhau, họ thờ cúng thần sông, thần biển, thần núi non, thú vật (vật tổ)… hoặc các hiện tượng tự nhiên của trời đất như thần sấm sét, thần gió, thần mưa, thần mặt trời, mặt trăng…

Song song với tín ngưỡng dân gian ấy, giới thượng lưu, trí thức Aryan lấy bộ thánh thư Vệ-đà làm cơ sở giáo điển. Họ nói là thánh thư Vệ-đà của họ đã có mấy ngàn năm trước, là niềm tin thiêng liêng, là tôn giáo của dân tộc thượng đẳng. Và quả thật vậy, ngày nay, các giới trí thức, học giả cũng phải thừa nhận thánh thư Vệ-đà là tập-đại-thành công trình có giá trị nhiều đời của nhân loại.

Thánh thư Vệ-đà có 4 bộ chính:

  1. Rigveda: Gồm 1028 bài thánh ca, tế tự, cầu nguyện dài ngắn khác nhau; trong đó chỉ một phần là thế tục, chín phần còn lại là những bài tụng niệm tôn giáo.
  2. Yajuveda: Nói về các nghi thức tế lễ và một số huyền thoại về thần linh.
  3. Samādeva: Gồm 1549 bài thánh ca, là những câu tụng đọc dành cho việc hiến tế thân Agi, thần lửa (Có nguồn gốc Bái hỏa giáo Ba Tư).
  4. Atthadeva: Gồm 20 quyển, có 731 bài thánh ca. Nội dung là thần chú và “mật ngữ chơn ngôn”, khi đọc tụng nhất tâm chí thành là có thể khống chế ma quỷ và giải ách trừ tà (Dấu tích mật chú, mật ngữ của Mật tông).

3. Giai Cấp Xã Hội

Xã hội trong thời kỳ này có bốn giai cấp nên phát anh sự kỳ thị rất phức tạp:

1- Bà-la-môn (p.Brāhmaṇā): Đầu tiên, họ chỉ là “ông từ” lo việc thờ cúng, quét dọn đền miếu, dần dần trở thành giáo sĩ tư tế, chủ tế các nghi thức tôn giáo có uy tín trong quần chúng. Lợi dụng được lòng tin ấy, họ đã tạo thế lực cho mình, khoác hào quang cho mình! Thế là hình thành giai cấp Tăng lữ, đứng đầu xã hội. Họ bảo là họ được sinh ra từ miệng phạm thiên, đấng vô thượng chí tôn, Thượng Đế, cha sinh của muôn loài.

2. Sát-đế-lỵ (p.Khattiya; s.Kṣtriya): Đây là giai cấp của vua chúa, tướng lãnh, chiến sĩ nắm quyền điều hành, lãnh đạo, quản lý xã hội. Giới bà-la-môn cho rằng, giai cấp này được sinh ra từ ngực và cánh tay của đấng phạm thiên.

3. Vệ-xá (p.Vessa; s.Vaiśya): Gồm giới thương buôn, buôn bán sỉ và lẻ, các ngành nghề thủ công, canh tác… Họ là giai cấp trung lưu, là hạng có của ăn, của để nhưng vẫn bị giới Bà-la-môn khinh thường – vì họ vốn là cư dân bị trị – cho hạng người này được sanh ra từ bắp vế của Phạm thiên.

4. Thủ-đà-la (p.Sudda, Sūdra; s. śūdra): Gồm những nghề lao động tay chân nặng nhọc. Đây là giới lao động hạ cấp, chỉ được làm những công việc nặng nề, thấp hèn trong xã hội: Như khuân vác, tá điền, nô bộc. Họ “bị” sinh ra từ bàn chân của phạm thiên.

Ngoài ra còn có hạng tiện dân, nô lệ Chiên-đà-la (p.Caṇḍāla) ở tận đáy xã hội, không được 4 giai cấp trên thừa nhận. Họ là “giai cấp” tiện nhân, hạ liệt, sống cơ cực, bần cùng, đói rét và luôn bị xã hội coi khinh, rẻ rúng.

Tuy nhiên, đến thời Đức Phật Sakyā Gotama xuất hiện, giai cấp Sát-đế-lỵ nắm quyền thống lãnh, đứng đầu 4 tập cấp, lãnh đạo xã hội thì giới Bà-la-môn đã sa sút, bị tụt hạng, đến nổi có rất nhiều Bà-la-môn phải đi xin ăn! Và thời nào cũng vậy, giai cấp Thủ-đà-la luôn bị coi khinh, kỳ thị; riêng giới Chiên-đà-la thì sống ngoài rìa xã hội, đến nổi luật maṇu của Vệ-đà có điều khoản: “Giết một người Caṇḍāla không phạm tội giết người, vì Caṇḍāla không phải là người!”

Nói tóm lại, thánh thư Vệ-đà và tình trạng bốn giai cấp xã hội sơ dẫn đủ nói lên tình hình tín ngưỡng và tập quán sinh hoạt thời tiền Đức Phật của Ấn Độ.

Thế là từ thần mặt trời, thần măt trăng… của tín ngưỡng cổ sơ, qua sự giao thoa văn hóa bản địa, giới Aryan đã đưa thêm vào các thần Indra, Varuna, Rudra… có vóc dáng và biểu tượng thần Zeus và thần Jupiter của Hy Lạp cổ, dần dần qua thời gian, họ hình thành bộ Upaniṣads, sau đó, đã trở thành kinh gối đầu giường của các tu sĩ Bà-la-môn, một thời đã là nền tảng tư tưởng triết học Ấn Độ; xuất hiện vào khoảng thế kỷ VI-VIII trước Tây lịch.

Đấng Thượng Đế, Phạm thiên – là đức Brāhman, vẫn không thay đổi. Dưới ngài có 3 vị Thượng Đẳng thần, là thần Sáng Tạo (Brāhmā), thần Bảo Tồn (Viṣṇu), và thần Hủy Diệt (Śiva) – theo đó cũng được triển khai thành tư tưởng triết học: Sanh, trụ và diệt cho phù hợp với các định luật tự nhiên của vạn hữu.

4. Những Bộ Phái Triết Học

4.1 Sáu bộ phái triết học trong truyền thống

Thánh thư Vệ-đà và Upaniṣads là hệ tư tưởng dẫn đầu thời đại, tuy nhiên, chỉ có sáu hệ phái sau đây chấp nhận quyền uy của Vệ- đà và Áo-nghĩa-thư.

1.1- Phái Vệ-đàn-đà (Vedānta): Giáo chủ là Bādarāyaṇa. Quan điểm tư tưởng dựa trên bộ Upaniṣads, lấy Brāhman làm tổng nguyên lý của trời đất, là thực thể siêu việt, từ ý chí của ngài mà sinh vạn hữu. Còn con người, một chúng sanh, một Atman (tiểu ngã) là một đơn vị cô đơn, riêng lẻ, trôi dạt, được tách rời từ Brāhman, bị đọa đày rơi xuống cảnh trần do nghiệp ác và do si mê của mình. Khi nào Atman ý thức được rằng mình là-một-với- Brāhman, cùng với thể tánh thanh tịnh, thường hằng với ngài, biết tu tập, biết cầu nguyện, biết tế lễ thì Atman sẽ được trở về cố hương, thể nhập với ngài (Tư tưởng này gần giống với quan điểm của các tôn giáo hữu thần. Và, “bản lai thanh tịnh, thường hằng” này là dấu ấn đâu đó trong một số trường phái Phật học ảnh hưởng Bà-la-môn giáo.)

1.2- Phái Lý luận (Nyāya): Giáo phái này là cội nguồn phát sinh môn học lý luận của Ấn Độ. Quan điểm của nó có vẻ rất hay là lấy nhân sinh mà lập thuyết, giải thích mọi khổ vui, phiền não trên trần thế. Vì vô minh, si mê dẫn đến đắm say, đọa lạc, con người tạo ra nhiều hành động tội lỗi. Ai giàu lòng nhân ái, hỷ xả, vị tha, chân thật, thông suốt Vệ-đà, biết tu tập thì được gọi là người hiền, lên thiên đường. Trái lại, ai độc ác, gian tham, bủn xỉn, kiêu căng thì tái sanh vào cảnh giới đau khổ, đọa địa ngục.

Tuy nhiên, nó lại thiên về lý luận. Trình độ lý luận của họ là cơ sở cho vài triết gia sau này thiết lập cơ sở “ngũ đoạn luận” (Là lối lý luận đi qua 5 bước: Luận đề, nhân đề, ví dụ, suy đoán, kết luận. Ví dụ: 1. Đồi có lửa cháy.2. Vì đồi bốc khói. 3. Cái gì bốc khói đều có lửa, ví như bếp lò. 4. Đồi bốc khói thì không thể không có lửa. 5. Do đó, đồi có lửa cháy) mà sự logic và chặt chẽ của nó vượt xa “tam đoạn luận” – (Là lối lý luận đi qua 3 bước: Đại tiền đề, tiểu tiền đề, kết luận. Ví dụ: 1.  Có khói là có lửa. 2. Trên núi có khói. 3. Vậy trên núi có lửa.) của Aristote cổ Hy Lạp. Còn tư tưởng thì rất gần với đạo Phật. Tuy nhiên, con đường diệt khổ, trình tự tu tập, sự giác ngộ, giải thoát như thế nào thì họ rất mù mờ. Lạ lùng làm sao, tổ sư của giáo thuyết có lý luận hay ho này lại cùng họ với Đức Phật: Gautama (Gotama). Triết hệ Nyāya, môn luận lý học này là sự kế thừa mấy ngàn năm trước của thời tiền Vệ-đà, muốn sử dụng phương pháp lý luận qua năm giai đoạn chặt chẽ như là công cụ chính đáng để mang đến sự lợi ích thực tiễn cho tri thức và tư tưởng hoạt dụng. Còn sau đó thì sao? Ngày nay thì tiện ích của nó là để cho người ta đấu khẩu với nhau, chỉ trích những lỗi lầm lập thuyết của nhau, hạ bệ nhau để gây tiếng vang, tạo địa vị độc tôn trên luận trường! Và ngay chính Nyāya nguyên thủy, dù lý luận hay cách mấy, giá trị tri thức và tư tưởng có được xác lập thì để mà làm gì? Trái đất vẫn quay, tham sân si vẫn còn đấy, và sầu bi khổ ưu vẫn tồn tại hiện thực trong lòng người!

1.3- Phái Thắng luận (Vaiśeṣika): Giáo phái này có đầy đủ quan điểm về vũ trụ, nhân sinh.

Khái niệm về vũ trụ, tương tợ các giáo phái khác trong truyền thống, là có một năng lực vô hình, thiêng liêng, cao cả chi phối vạn hữu. Chúng hiện hữu và vận động theo ba nguyên lý: Thực thể, đức tướng và nghiệp dụng.

Về nhân sinh quan thì họ cho rằng, con người được kết hợp bởi tám yếu tố: Atman (linh hồn, tự ngã), ý, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và nghiệp lực. Vì nghiệp lực, hành động bởi thiện ác nên chúng sanh bị luân hồi sinh tử trong các cảnh giới. Muốn diệt nghiệp phải tu trì khổ hạnh mới đạt được phúc lạc tối cao, thực thể thường hằng (Brāhman).

Triết hệ Vaiśeṣika, thắng luận, người sáng lập là Kaṇāda, có những sai lầm khá nghiêm trọng, nhất là cái cực vi nguyên tử và chân không, là hai yếu tố tạo nên vạn hữu. Tại sao, cái năng lực mù quáng, vô tri của một phần triệu hạt bụi cộng với cái chân không mà nó có thể tạo ra thế gian, thế giới? Rồi khi không giải thích được sự trật tự của thế giới, ông sáng tổ lại viện dẫn đến Thượng Đế siêu năng điều hành!

1.4- Phái Nhĩ-mạn-sai (Mīmāmsā): Họ chú trọng phương diện lý luận và triết học của thánh thư Vệ-đà, tuân thủ nghiêm nhặt các hình thức tế lễ, cầu nguyện thuộc truyền thống. Họ cũng có quan niệm về hạnh phúc thế tục, đồng thời, phải hướng đến các kiếp  sống mai sau bằng hy sinh, khổ hạnh, niệm chú hoặc cầu nguyện các vị thần linh, Thượng Đế. Khi đề cập đến triết hệ Mīmāmsā, có người đã nói rằng: Jaimini, vị giáo chủ đã không bàn đến triết lý vớ vẩn, chỉ chú trọng và tuân thủ nghiêm nhặt các hình thức tế lễ, cầu nguyện, bùa chú, bí thuật mà thôi! Nó không phải là một hệ tư tưởng. Họ nói rất hay rằng: Nó chỉ phản kháng lý trí, đầu óc con người chật hẹp, giới hạn mà hay kiêu căng tự mãn; cái bầu tham dục, bản năng động vật vô độ của con người, không tự biết mà thường hay huênh hoang mở miệng là chân lý và thánh đức! Ông Jaimini dạy như thế rồi khuyên chúng đồ tế lễ, tế lễ và cầu nguyện đi thôi!

1.5- Phái Số luận (Sāmkhya): Giáo chủ là Kapila, chủ trương tinh thần và thể xác là hai phần tách biệt nhị nguyên. Nó là hai “thực thể” chủ đạo tác thành vạn hữu và con người.

Phần tinh thần là 6 thức. Phần vật chất có 15 yếu tố, đó là: Đất, nước, lửa, gió, hư không, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc.

Lúc nhân tính và hiểu biết kết hợp với 6 thức và 15 vật chất thì con người thăng hoa, đạt được các cảnh giới siêu nhiên.

Lúc bản năng kết hợp với 21 yếu tố tâm vật thì tạo tác kiếp sinh tồn khổ đau cho con người.

Gọi là số luận vì họ thường tính đếm, cọng trừ các yếu tố trên lộ trình tu tập.

1.6- Phái Du-già (Yoga): Giáo chủ là Patañjali. Đây là giáo phái của các đạo sĩ Bà-la-môn chú trọng luyện tâm, tu tập thiền định. Họ có giới luật và các phương pháp tu thiền định.

Giới của họ là: Không sát sanh, không trộm cắp, không gian dâm, không nói dối, không tham lam.

Định là mục đích hướng đến phạm thể chí tôn (Brāhman), hòa đồng vào chân ngã. Họ có tám con đường thực hành Yoga: Điều vận cơ bắp trong thân thể; trầm tư về trí thức Yoga, khổ hạnh, triệt tiêu nhu cầu thân xác; tọa thị bất động; giảm thiểu hơi thở, nín thở; bế tỏa giác quan (đóng kín ngũ căn); niệm đề mục, công án; tịnh hóa nội tâm bằng thiền định.

Làm được như vậy thì được gọi là bậc Yogi – tức hành giả Du- già. Họ quan niệm là phải đình chỉ tuyệt đối mọi hoạt động của tâm, lúc ấy, Atman mới thăng hoa, thể nhập với Brāhman thường còn  bất hoại.

Sáu phái này thuộc duy tâm luận, rơi vào thường kiến.

4.2  Sáu bộ phái triết học ngoài truyền thống

Thời Phật, trong kinh sách gọi họ là lục sư ngoại đạo:

2.1- Pūraṇa-Kassapa (phái Phú-nan-đà Ca-diếp): Chủ trương vô hành kiến (akiriyādiṭṭhi) tức là không có hành động, nghiệp báo gì. Ác hay thiện cũng chẳng có kết quả đời này và đời sau.

2.2- Makkhali-Gosāla (phái Mạt-già-lê Câu-xá-lợi): Chủ trương vô nhân kiến (ahetukadiṭṭhi). Con người thanh tịnh hay nhiễm ô chẳng có nguyên nhân nào cả. Người ngu hay người trí cũng thế. Sau quá trình luân hồi, hết cái quá độ của nó, ai ai cũng thoát khổ cả.

2.3- Ajitakesa-Kambalī (phái A-di-đa-kế-xá Khâm-bà-la): Chủ trương đoạn diệt luận, hư vô luận (natthikadiṭṭhi). Việc bố thí, cúng dường, tế tự, hy sinh, nghiệp báo, kẻ tốt, người xấu đều chẳng là gì cả. Khi chết là hết, chẳng còn gì nữa.

2.4- Pakudha-Kaccāyana (phái Bà-phù-đà Ca-chiên-diên): Chủ trương bảy nguyên tố: Đất, nước, lửa, gió, khổ, lạc, sanh mạng là thường hằng, bất hoại, bất động. Khi chúng kết hợp thì tạo nên cái này, cái kia, chẳng do kết quả, hành động, nghiệp báo gì cả. Sinh tử cũng vậy, chỉ do tụ tán của bảy nguyên tố đó mà ra.

2.5- Sañjaya-Belaṭṭhiputta (phái Tán-nhạ-gia-tỳ La-lê-tử): Thuộc ngụy biến kiến. Thường trả lời quanh co, tránh né, trườn uốn như con lươn. Về lập ngôn, họ quan niệm không cần biết gì cả – gần với thuyết bất khả tri – nên chỉ tu tập thiền định để thọ hưởng an lạc của Niết bàn hiện tại.

>>

2.6- Nigaṇṭha-Nātaputta (phái Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử): Phái này xây dựng từ quan điểm “vô thần” như Phật giáo. Họ không có thần linh, không có Thượng Đế tối tôn, tối thượng. Họ tu tập ép xác, khổ hạnh để giải thoát, đạt cứu cánh Niết-bàn. Nhưng họ có một “bản-ngã-Niết-bàn” là điểm khác với Phật giáo. Về lập thuyết, họ nói rằng tinh thần vốn sáng láng, tinh anh, thuần tịnh, nhưng do bị trói buộc vào trong thân xác vật chất nên mới bị vấy bẩn, hoen ố, khổ đau, phiền não. Muốn thoát khổ thì phải giải thoát tinh thần ra khỏi thân xác bằng cách thực hành các pháp môn khổ hạnh, Yoga hay thiền định để chấm dứt sinh tử luân hồi.

Cả sáu phái này thiên về duy vật luận, đa phần rơi vào đoạn kiến rất nguy hiểm cho đạo đức, nhân luân vậy.

Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức – Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu

Hits: 87