ĐẠI TRƯỞNG LÃO NANDAKA – đệ nhất về giáo giới tỳ kheo ni

ĐẠI TRƯỞNG LÃO NANDAKA

Nguyện vọng quá khứ

Nandaka tương lai, sanh vào trong một gia đình danh giá trong kinh thành Hamsavati, thời của Đức Phật Padumuttara. Khi đang nghe Đức Phật thuyết pháp, vị ấy chứng kiến một vị tỳ khưu được Đức Phật vinh danh là vị tỳ khưu Tối thắng về việc giáo giới các tỳ khưu ni. Vị ấy có ước muốn tha thiết được danh hiệu ấy trong thời của một vị Phật tương lai. Do đó vị ấy đã tổ chức cúng dường to lớn đến Đức Phật và bày tỏ ước nguyện trước Đức Phật. Đức Phật thấy nguyện vọng của vị ấy sẽ được thành tựu và đã thọ ký cho vị ấy.

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót


Người đàn ông danh giá ấy sống cuộc đời còn lại làm những việc phước cho đến chết và chỉ tái sanh vào các cõi hạnh phúc. Trong thời của Đức Phật Gotama, vị ấy sanh vào một gia đình danh giá ở Sāvatthi. Khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy nghe pháp của Đức Phật đã khởi sanh lòng tịnh tín đến mức vị ấy từ bỏ thế gian và sống đời xuất gia. Không bao lâu, nhờ tinh cần hành đạo, vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán. Vị ấy có khả năng đặc biệt về Túc mạng minh. Vị ấy cũng là một nhà diễn thuyết thiên phú có khả năng thu hút sự chú ý của bốn chúng mà hội tụ trước Đức Phật hay chúng Tăng bằng tài năng diễn thuyết của vị ấy. Như vậy vị ấy nổi tiếng là trưởng lão Nandaka -Người thuyết giảng Chánh pháp.

Một thời nọ, Đức Phật đã phải can thiệp vào hai nhóm đang tranh chấp là những hoàng tử Sakyan thuộc bộ tộc Koliya và những người thuộc bộ tộc Kapilavatthu sống ở hai bên của con sông nhỏ tên Rohini, vì họ không thể hòa giải trong việc phân phối con nước ít ỏi đến mỗi nhóm chuyên trồng trọt. Sau khi hòa giải hai bên, Đức Phật bảo 250 hoàng tử ở mỗi phe nên xuất gia Sa-môn. Năm trăm hoàng tử Sakyan vẫn còn trẻ. (Họ còn luyến ái gia đình), và không thấy hạnh phúc trong đời sống của tỳ khưu. Đức Phật dẫn họ đến hồ Kuṇāla. Tại đó Ngài thuyết Bổn sanh Kuṇāla Jātaka làm khởi dậy sự thức tỉnh về tình cảm trong họ. Đức Phật biết rõ điều này và đã giảng dạy cho họ về Tứ Thánh Đế khiến họ được an trú trong thánh quả Nhập lưu. Rồi Đức Phật thuyết đến họ bài kinh Mahāsamaya trong khu rừng Mahāvana, cuối bài pháp cả năm trăm vị tỳ khưu đều trở thành A-la-hán.

Năm trăm người vợ của những tỳ khưu đã từ bỏ đời sống thế tục, họ không tìm thấy lý do nào để ở lại trong những lâu đài cao vút. Thế nên, tất cả họ đều kéo đến bà Mahāpajāpati Gotamī, là dưỡng mẫu của Đức Phật, để cầu xin Đức Phật cho phép họ được xuất gia.

Họ đi đến khu rừng Mahāvana ở đó, theo sự thỉnh cầu tha thiết của bà Mahāpajāpati Gotamī, Đức Phật cho phép họ trở thành những tỳ khưu ni sau khi ban hành tám Trọng pháp mà họ phải thọ trì. Vì trước họ không có tỳ khưu ni nên lễ thâu nhận của họ chỉ được tổ chức

bởi các vị tỳ khưu. (Về sau, sự thâu nhận các tỳ khưu ni đòi hỏi phải có cả hai chúng tỳ khưu và tỳ khưu ni). Điều quan trong liên quan đến trưởng lão Nandaka là tất cả năm trăm vị tỳ khưu ni ấy trong những kiếp quá khứ, họ đều đã từng làm hoàng hậu của trưởng lão Nandaka khi vị ấy làm vua.

Rồi Đức Phật bảo các vị tỳ khưu giáo giới cho các tỳ khưu ni. Khi đến phiên trưởng lão Nandaka giáo giới cho năm trăm tỳ khưu ni thì vị ấy không đi mà ủy nhiệm một vị khác làm phận sự. Sở dĩ như vậy, vì vị ấy biết bằng Túc mạng minh rằng năm trăm tỳ khưu ni ấy đã từng là vợ của vị ấy trong kiếp quá khứ. Vị ấy e rằng, nếu một vị tỳ khưu khác có Túc mạng minh nhìn thấy vị ấy được vây quanh bởi những tỳ khưu ni này, thì vị ấy có thể bị hiểu lầm là vẫn còn luyến ái với những bà vợ cũ.

Năm trăm tỳ khưu ni đều nhiệt tâm khi thọ lãnh lời giáo giới từ trưởng lão Nandaka. Khi ấy Đức Phật nói với trưởng lão Nandaka: “ Này Nandaka, hãy đích thân giáo giới các tỳ khưu ni, đừng phó thác cho vị khác khi đến phiên của con.” Trưởng lão Nandaka tôn kính làm theo lời dạy của Đức Phật, đi đến các vị tỳ khưu ni vào phiên của vị ấy, là ngày thứ mười bốn âm lịch, nhằm ngày Bố tát (uposatha). Vị ấy giáo giới họ về chủ đề Sáu nội xứ (āyatana), vào lúc kết thúc bài pháp năm trăm tỳ khưu ni, là những công chúa dòng Sakya trước kia, đều chứng đắc quả thánh Nhập lưu.

Các vị tỳ khưu ni rất hoan hỉ với bài Pháp của trưởng lão Nandaka. Họ đi đến Đức Phật và bày tỏ sự tán thán của họ về Đạo và Quả siêu thế mà họ đã trải nghiệm. Khi ấy Đức Phật xem xét trường hợp của họ, và thấy rằng cũng bài pháp ấy do trưởng lão Nandaka thuyết giảng, nếu được thuyết lại, thì sẽ đưa họ đến đạo quả A-la-hán. Bởi vậy vào ngày hôm sau, Đức Phật bảo họ nghe lại bài pháp ấy từ trưởng lão Nandaka, kết quả là năm trăm vị tỳ khưu ni đều trở thành những vị A-la-hán.

Vào ngày hôm ấy khi năm trăm tỳ khưu ni đi đến Đức Phật, Ngài biết rằng bài pháp được lập lại đã đem lại lợi ích cho họ và Ngài nói: “ Này các tỳ khưu, bài pháp do tỳ khưu Nandaka thuyết ngày hôm

qua giống như trăng tròn xuất hiện vào ngày mười bốn của tháng; bài pháp mà vị ấy thuyết ngày hôm nay giống như trăng tròn xuất hiện vào ngày mười lăm của tháng.” Như vậy Đức Thế Tôn đã tán dương phước đức về bài pháp của trưởng lão Nandaka.

(Bài pháp đầy đủ của trưởng lão Nandaka có tìm thấy ở bài kinh Nandakovāda Sutta, Uparipaṇṇāsa.)

(e) Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Liên quan đến sự kiện trên, vào một dịp, khi ngồi giữa chúng tỳ khưu, Đức Phật đã công bố:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ bhikkhunovādakānaṃ yadidaṃ Nandako.

Này các tỳ khưu, trong số các Thinh văn đệ tử của Như Lai mà giáo giới đến các tỳ khưu ni, thì tỳ khưu Nandaka

là Đệ nhất.

Hits: 20