ĐẠI TRƯỞNG LÃO SĀGATA
Nguyện vọng quá khứ
Sāgata đương lai sanh vào một gia đình danh giá trong kinh thành Haṃsavatī, thời của Đức Phật Padumuttara. Trong một dịp khi đang nghe Đức Phật thuyết pháp và chứng kiến Đức Phật tôn vinh một vị tỳ khưu là Tối thắng trong số những vị tỳ khưu thuần thục về sự nhập định đề mục lửa (tejo kasina dhatu). Người đàn ông danh giá ấy khởi tâm ao ước được vinh dự ấy và đã phát nguyện trở thành vị tỳ khưu Tối thắng về sự tinh thông của định ấy. Đức Phật đã thọ ký cho vị ấy.
Đời sống Sa-môn trong kiếp chót
Người đàn ông danh giá ấy cống hiến hết cuộc đời còn lại của mình cho những việc phước. Sau khi chết vị ấy chỉ tái sanh vào cõi chư thiên và nhân loại, và trong thời của Đức Phật Gotama vị ấy sanh vào gia đình Bà-la-môn tại Sāvatthi, tên là Sāgata. Trong một dịp nọ đã nghe Đức Phật thuyết pháp và đã khởi tín tâm mạnh mẽ với Đức Phật đến nỗi vị ấy đã xin xuất gia và trở thành tỳ khưu. Vị ấy đã đạt đến mức tự tại trong tám thiền chứng và trở nên thuần thục về năm phép thần thông.
Sự nhiếp phục một con rồng
(Trích dẫn từ Luật tạng Vinaya Piṭaka, Pācittiya division, Surāpāna Sikkhāpada).
Một hôm nọ, trong chuyến đi về miền quê thuộc tỉnh Cetiya, Đức Phật đến tại ngôi làng Bhaddivatika (sở dĩ có tên ấy vì ngôi làng có hàng rào vững chắc). Những người chăn bò, những người chăn dê, những người làm ruộng và những bộ hành trông thấy Đức Phật đang đi đến từ một khoảng xa và đã cấp báo với Ngài rằng có một con rắn lớn độc, hung dữ và nhanh tại bến phà qua sông ở chỗ có cây xoài, và họ lo lắng rằng Đức Phật có thể gặp nguy hiểm nếu Ngài đi con đường ấy. Đức Phật không nói gì với họ.
Con mãng xà độc ở bến phà cây xoài, trong kiếp quá khứ của nó là một người lái phà ở đó. Ông ta mâu thuẫn với khách đi phà và bị giết chết trong cuộc ẩu đả ấy. Trước khi chết, ông ta thề sẽ trả thù những người đã tấn công ông ta và kết quả là ông ta tái sanh làm một con mãng xà hung dữ tại chỗ đó.
Bởi vì người đàn ông kia đã nuôi dưỡng hận thù với dân địa phương, khi ông ta sanh làm một con mãng xà hung dữ, ông vận dụng những năng lực của mình để tạo ra gió lùa trong mùa mưa và tạo ra cơn mưa nặng hạt sái mùa. Các mùa vụ bị thất bại và dân chúng đi đến để cúng hiến vị ấy hằng năm. Họ cũng xây dựng một miếu thờ cho vị ấy ở chỗ bến phà – Chú giải của bộ Anguttara).
Đức Phật đi qua con sông ở bến phà Cây Xoài cùng với chúng tỳ khưu, dự định trú ngụ qua đêm tại chỗ ấy. Những người chăn bò, chăn dê và những khách bộ hành đều khuyên can Đức Phật ba lần đừng đi con đường ấy, nhưng Ngài biết rõ cách đối phó tình huống, đã không nói gì.
Khi ấy Đức Phật, trải qua những chặn đường và đến ngôi làng Bhaddivatika. Đại đức Sāgata trú ngụ ở trong ngôi đền đã được dâng hiến cho con mãng xà ở bến phà Cây Xoài. Vị ấy đi vào bên trong chỗ con mãng xà sống, trải tấm chiếu bằng cỏ lên mặt đất, ngồi kiết già, và với thân thẳng đứng, vị ấy nhập thiền.
Con mãng xà tức giận với người không mời mà đến và phun ra khói nóng. Đại đức Sāgata đáp lại bằng những luồng khói nóng hơn.
Con mãng xà nổi cơn lôi đình thịnh nộ phun ra những ngọn lửa. Nhưng đại đức Sāgata đang nhập định đề mục lửa nên đã phát ra những ngọn lửa dữ dội hơn.
Rồi con mãng xà nhận ra rằng nó đang đối diện với một người hùng mạnh hơn nó. Nó nói: “Thưa đại đức, con xin quy y đại đức.” Đại đức Sātaga bèn nói rằng: “ Ngươi không cần quy y nơi ta, hãy quy y Đức Phật.” “ Lành thay, thưa đại đức,” con mãng xà đáp lại. Nó đã trở thành đệ tử của Đức Phật, an trú trong Tam Quy, và trở nên thân thiện với dân địa phương. Nhưng cơn mưa rơi đúng mùa và những vụ mùa bội thu được thu họach. (Chú giải về bộ Aṅguttara). Sau khi đại đức Sāgata đã nhiếp phục con rồng, vị ấy đi đến Đức Phật tại ngôi làng Bhaddivatika.
Chuyến viếng thăm của Đức Phật đến Kosambī
Sau khi đem sự giác ngộ đến những chúng sanh đáng được giác ngộ, Đức Phật đi tiếp đến Kosambī. Dân chúng trong kinh thành Kosambī đã nghe được thông tin quan trọng là đại đức Sāgata đã chiến đấu với vị rồng và nhiếp phục được nó. Khi Đức Phật đi vào Kosambī, dân chúng đón tiếp. Họ đến yết kiến đại đức Sāgata, đảnh lễ vị ấy, và khi đã ngồi xuống nơi phải lẽ, bèn nói với đại đức Sāgata: “ Thưa đại đức, đối với đại đức món gì là hiếm hoi? Món gì làm hài lòng đại đức?” Mặc dầu đại đức Sāgata không nói gì, nhưng các vị tỳ khưu trong nhóm Lục Sư đã can thiệp vào và nói rằng: “ Thưa các thiện tín, có một loại thức uống màu đỏ giống như chân của chim bồ câu và trong. Loại thức uống lên men ấy vật hiếm đối với các vị tỳ khưu, nó khả ái. Hãy làm loại nước giải khác ấy.”
Điểm chú thích về nhóm Lục Sư
Tại Sāvatthi có sáu người bạn cho rằng việc kiếm sống là gánh nặng và thích làm những vị tỳ khưu có cuộc sống nhàn nhã. Họ là những vị tỳ khưu (1&2) cặp đôi Paṇḍuka và Lohitaka; (3&4) cặp đôi
Mettiya và Bhūmajaka; và (5&6) cặp đôi Assaji và Punabbasuka. Họ tìm đến những vị trưởng lão có uy thế lớn, đó là hai vị Thượng thủ Thinh văn, làm những vị thầy tế độ của họ, là những người mà họ có thể trông cậy vào lúc gặp rắc rối.
(Sau năm năm xuất gia làm tỳ khưu và sau khi nắm vững các điều luật cơ bản của vị tỳ khưu, ( bộ Mātikā), họ thỏa thuận với nhau là chia thành ba nhóm phụ đóng chốt ở những nơi thịnh vượng. Họ làm như vậy để đảm bảo sự nuôi mạng cho chính họ.
(Nhóm phụ thứ nhất dẫn đầu là hai vị tỳ khưu Paṇḍuka và Lohitaka, do sự thỏa thuận của nhóm sáu, được phân công đến Sāvatthi vì những lý do sau đây: Sāvatthi là một thành phố có 5.7 triệu ngôi nhà gồm những gia đình danh giá trú ngụ ở đó. Nó có quyền bá chủ đối với các tỉnh Kāsi và Kosala với tám mươi ngàn ngôi làng. Paṇḍuka và Lohitaka sẽ xây dựng những tịnh xá ở những chỗ có lợi tại Sāvatthi, tại đó các loại cây ăn trái sẽ được trồng, có những khu vườn thu hút các Phật tử. Những trái cây và hoa này sẽ làm quà đều đặn cho đến các Phật tử khiến họ khi trở nên thân thiện, sẽ cho những đứa con trai của họ đến tịnh xá để làm giới tử và sau đó được thâu nhận vào Tăng chúng. Bằng cách này một hội chúng tùy tùng đông đảo gồm những vị tỳ khưu đệ tử được thành lập bởi hai vị tỳ khưu lãnh đạo.
Tương tự, nhóm phụ thứ hai gồm hai vị tỳ khưu Mettiya và Bhūmaka, qua sự thỏa thuận của nhóm sáu, được phân công đến Rājagaha vì những lý do sau đây: Rājagaha là kinh đô có 130 triệu người sinh sống. Nó có quyền bá chủ đối với các tỉnh Aṅga và Magadha, rộng ba trăm do tuần với tám chục ngàn ngôi làng. Mettiya và Bhūmaka sẽ dựng lên những tịnh xá ở những chỗ có lợi ích tại Rājagaha, tại đó các loại cây ăn trái sẽ được trồng, có những khu vườn thu hút các Phật tử. Những trái cây và hoa này sẽ làm quà đều đặn cho đến các Phật tử khiến họ khi trở nên thân thiện sẽ cho những đứa con trai của họ đến tịnh xá để làm giới tử và sau đó được thâu nhận vào Tăng chúng. Bằng cách này một hội chúng tùy tùng đông đảo gồm những vị tỳ khưu đệ tử được thành lập bởi hai vị tỳ khưu lãnh đạo.
Kiṭāgiri là một thị trấn có đất đai rộng lớn ở quanh nó. Bởi vì nó có được mùa mưa cũng như mùa lạnh nên nó sản xuất được ba mùa lúa trong một năm. Tại đó nhóm phụ thứ ba do hai vị tỳ khưu Assai và Punabbasuka dẫn đầu sẽ định cư ở đó. Họ sẽ dựng lên những khu tịnh xá tại những nơi có lợi ích gần thị trấn, tại đó các loại cây ăn trái sẽ được trồng, có những khu vườn thu hút các Phật tử. Những trái cây và hoa này sẽ làm quà đều đặn cho đến các Phật tử khiến họ khi trở nên thân thiện sẽ cho những đứa con trai của họ đến tịnh xá để làm giới tử và sau đó được thâu nhận vào Tăng chúng. Bằng cách này một hội chúng tùy tùng đông đảo gồm những vị tỳ khưu đệ tử được thành lập bởi hai vị tỳ khưu lãnh đạo.
Sáu vị sư lãnh đạo của nhóm thực hiện kế họach trên với một số thành công. Mỗi nhóm trong ba nhóm phụ có thể xây dựng năm trăm tỳ khưu đệ tử hoặc nhiều hơn, gộp chung ba nhóm lại là một ngàn năm trăm tỳ khưu đệ tử, họ được gọi là người trong phe của ‘nhóm sáu vị tỳ khưu’
(Trong sáu vị sư lãnh đạo của phái ấy thì Paṇḍuka và Lohitaka cùng với năm đệ tử của họ là có đạo đức tốt. Họ thường đi theo Đức Phật trong những chuyến đi của Ngài. Dầu họ có thể phạm những lỗi lầm mới trong luật của tỳ khưu nhưng những điều vi phạm ấy chưa được Đức Phật ban hành. Nếu điều luật chưa ban hành thì không vi phạm. Bốn vị sư lãnh đạo kia của phái và đệ tử của họ thì không quan tâm các điều Luật – Chú giải Vinaya, cuốn II).
Dân cư của thành phố Kosambi là những người dân chất phát mộc mạc. Họ chân thành nghe theo lời khuyên của những vị sư trong nhóm lục sư. Họ làm ra một loại rượu đỏ trong suốt có màu như màu chân chim bồ câu, và nó được gọi là rượu Kapotika. Khi đại đức Sāgata đi ngang qua cửa nhà của họ thì mỗi nhà đều dâng cúng loại thức uống hiếm hoi ấy đến đại đức. Lúc bấy giờ chưa có điều luật nào cấm các vị tỳ khưu uống chất say. Đại đức Sāgata không cho rằng uống nó là không thích hợp. Vị ấy đã ban phước cho các thí chủ bằng cách uống một ít rượu ở mỗi nhà. Khi vị ấy rời khỏi thành phố thì vị ấy ngã nhào xuống ở cửa thành.
Khi Đức Phật rời khỏi thành cùng với chúng Tăng, Ngài trông thấy đại đức Sāgata đang nằm trên đất. Ngài bảo các vị tỳ khưu khiêng vị ấy vào tịnh xá. Ở đó các vị đặt đại đức Sāgata nằm xuống đầu hướng về phía Đức Phật, nhưng đại đức Sāgata do say xỉn đã xoay người đạp chân về phía Đức Phật. Khi ấy Đức Phật nói với các vị tỳ khưu như vầy:
Đức Phật: “ Này các tỳ khưu, Sāgata thường có sự tôn kính đối với Như Lai, đúng không?”
Các tỳ khưu: “ Dạ đúng, bạch Thế Tôn.”
Đức Phật: “ Bây giờ, Sāgata có tỏ sự tôn kính đối Như Lai không?”
Các tỳ khưu: “ Thưa không, bạch Thế Tôn.”
Đức Phật: “ Này các tỳ khưu, Sāgata đã nhiếp phục con rồng ở bến phà Cây Xoài, đúng không?”
Các tỳ khưu: “ Dạ đúng, bạch Thế Tôn.”
Đức Phật: “Trong hoàn cảnh hiện tại của vị ấy, liệu Sāgata có khả năng nhiếp phục con rồng không?”
Các tỳ khưu: “ Thưa không, bạch Thế Tôn.”
Đức Phật: “ Này các tỳ khưu, do uống rượu khiến người ta bị mất tự chủ do bởi sự say xỉn. Vậy, uống rượu có thích hợp không?”
Các tỳ khưu: “ Thưa không, bạch Thế Tôn.”
Đức Phật nói tiếp: “ Này các tỳ khưu, uống vào những loại thức uống có chất rượu là không thích hợp, sái quấy, là phi pháp đối với vị tỳ khưu. Tuy nhiên tỳ khưu, người sở hữu năm pháp thần thông, lại uống nó. Tại sao vị ấy làm điều đó? Này các tỳ khưu, đây là hành động không thích hợp với sự tôn kính bởi những ai chưa có sự tôn kính đối với vị tỳ khưu…” Và sau khi đã phê phán hành động ấy, Đức Phật công bố rằng bất cứ vị tỳ khưu nào mà uống chất say thì phạm tội Ưng đối trị (trích dẫn từ tạng Vinaya Piṭaka, Pācittya, Surāpāna Sikkhāpada).
Sự chứng đắc Đạo quả A-la-hán
Ngày hôm sau, khi đại đức Sāgata tỉnh rượu và hối hận về lỗi lầm của mình. Trạng thái xấu hổ và ghê sợ tội lỗi tràn ngập trong tâm của vị ấy. Sau khi sám hối lỗi lầm này với Đức Phật và đảnh lễ Ngài, vị ấy có sự thức tỉnh sâu sắc. Và với sự siêng năng trong việc tu tập thiền quán, vị ấy đã sớm chứng đắc đạo quả A-la-hán.
Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga
Vào một dip, khi Đức Phật ngồi giữa chúng Tăng tại tịnh xá Jetavana, Ngài tuyên bố rằng:
Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ tejodhātu-kusalānaṃ yadidaṃ Sāgato.
Này các tỳ khưu, trong các hàng Thanh văn đệ tử của Như Lai mà thiện xảo trong việc trú trong thiền chứng đề mục lửa, thì tỳ khưu Sāgata là Đệ nhất.
Hits: 28