CÂY CỐI TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT VÀ KINH ĐIỂN

CÂY CỐI TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT VÀ KINH ĐIỂN

SAMĀDHIPUÑÑO

Tìm về cuộc đời đức Phật, có thể khẳng định rằng cả cuộc đời của Ngài, từ lúc đản sanh, cuộc đời hoằng pháp và đến ngày cuối cùng khi viên tịch Níp-bàn, luôn dính liền hoặc có sự hiện diện của các loài cây xanh. Tuy không nói ra, nhưng có thể biết rằng đức Thế Tôn luôn là một người rất yêu thích thiên nhiên, sống gần gũi với môi trường xanh. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều và vô số các loại cây được đề cập đến trong kinh điển Phật giáo và cả trong cuộc đời của Ngài.

I. Cuộc đời gắn liền với thiên nhiên

  1. Đản sanh nơi vườn hoa ở Lumbini

Lịch sử ghi lại, khi mang thai thái tử được gần mười tháng, hoàng hậu Mahāmāyā xin phép được trở về quê hương ở Devadaha[1] để chuẩn bị cho sự ra đời của hoàng nam. Đoàn người đi đến vườn cây Sāla thuộc hoa viên Lumbini[2], ở giữa biên giới giữa hai dòng tộc Sākya và Koliya, hoàng hậu thấy trăm hoa đua nở, thơm nức cả một vùng, lòng cảm thấy hân hoan nên bà ra lệnh đoàn người tạm nghỉ ngơi để lệnh bà có thời gian tham quan du lãm. Hoàng hậu Mahāmāyā ngự đến một cây Sāla có thân to, đầy hoa đang nở rộ. Khi đứng đưa cánh tay phải lên, thì cành cây tự nhiên sà xuống, lệnh bà đưa tay nắm lấy cành cây với tư thế dáng đứng rất đẹp và rất vững vàng. Liền lúc ấy, hoàng hậu trở dạ, các cung nữ lập tức che màn xung quanh nơi đang đứng[3]; khi ấy, đức Bồ-tát cao quý đản sinh ra đời khỏi lòng hoàng hậu Mahāmāyā một cách nhẹ nhàng, thảnh thơi với bàn chân phải bước xuống trước, ví như một vị Pháp sư rời khỏi pháp tòa. Khi ấy, là vào ngày thứ sáu, ngày trăng tròn tháng Vesākha (nhằm ngày Rằm tháng Tư) năm 623 trước tây lịch, đúng mười tháng trụ thai trong lòng mẹ.

Hoàng hậu đến cội sala Thấy nhành xinh xắn tay ngà với vin Bồ tát lập tức đản sinh Oai hùng như vị Pháp sư rời tòa Bước đi bảy bước là kỳ Hoa sen nâng gót tiên tri mấy lời “Chúng sanh khắp cõi sa bà Chỉ ta quý nhất hơn là nhân thiên Kiếp này đoạn tuyệt nhân duyên Dứt dòng sanh từ triền miên luân hồi”

Cây Sāla đôi khi được phiên âm là cây ta-la hoặc tha-la, tên khoa học là Shorea Robusta, là một loài cây gỗ trong họ Dipterocarpaceae. Đây là một loại cây ở Ấn Độ, vùng miền nam dãy núi Hy Mã Lạp. Về sau Sāla được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á, và ngày nay là một loại cây được trồng để cung cấp gỗ. Loại cây có hương hoa này, đôi khi còn được dùng làm vật thực. Gia chủ Ugga đã từng nấu món cháo từ hoa cây Sāla và cúng dường đến đức Thế Tôn[4]. Cho đến giờ, cây Sāla vẫn là một nguồn thực vật cung cấp gỗ ở Ấn Độ. Tinh dầu từ ​​hạt cây Sāla được sử dụng cho đèn và chất nhựa của nó còn được sử dụng như một loại thuốc, hoặc để tạo mùi thơm và một loại nước hoa gọi là dammar ở tiếng Hindi. Bơ làm từ Sāla được chiết xuất từ ​​hạt, có thể được sử dụng thay thế ca-cao trong sản xuất Chocolate.

Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là đa số chúng ta lại bị nhầm lẫn một loại cây hoàn toàn khác xa với cây Sāla huyền thoại trong kinh điển. Rất dễ nhìn thấy là trong các bức hình về sự kiện Bồ-tát đản sanh, Ngài được vẽ dưới một cây khác xa với cây Sāla đúng hiệu. Cây Sāla nhầm lẫn mà chúng ta tôn sùng và quý trọng bây giờ thật ra là cây đầu lân, còn gọi là ngọc kỳ lân, hàm rồng; tên khoa học là Couroupita Guianensis. Loại cây này phổ biến trong khu rừng tân nhiệt đới, đặc biệt là ở lưu vực sông Amazon. Nó có nguồn gốc ở Guyana (Nam Mỹ). Ngày nay cây này có thể tìm thấy ở Ấn Độ, miền nam dãy núi Hy Mã Lạp, và về sau được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á.[5]

  1. Đắc sơ thiền năm bảy tuổi

Khi thái tử được bảy tuổi, nhân dịp lễ hạ điền[6], thái tử Siddhattha được theo phụ vương và cả hoàng tộc ra ngoài kinh thành để thực hiện nghi thức cúng tế cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu và bắt đầu lễ hội vui chơi tưng bừng cho toàn dân trước khi bước vào vụ mùa. Thái tử Siddhattha cũng được theo vua cha, hoàng hậu ra đến chỗ làm lễ để chứng kiến không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội. Thái tử được đặt ở dưới bóng mát của cây Jambu to lớn có cành lá sum suê. Chỗ đất dưới cây ấy có trải những tấm thảm nhung và Bồ-tát an ngự trên đó. Vì cuộc lễ quá tưng bừng hấp dẫn các thị nữ và lính canh được chỉ định để bảo vệ thái tử cũng rời bỏ phận sự của họ để xem đức vua chủ trì lễ hạ điền. Lúc ấy, tâm Ngài rất thanh tịnh, Ngài ngồi ngay thẳng hướng nhìn ra cánh đồng bát ngát. Từ những luống đất mới cày lên, Ngài thấy những côn trùng bò ra, theo đó có nhiều giống chim nhỏ bay đến đuổi bắt để ăn. Cặp trâu đang kéo cày vất vả còn bị những lằn roi vút lên lưng đau đớn. Phần người nông dân thì nhễ nhại mồ hôi, quả là mệt nhọc. Ngài mới nghĩ rằng: “Trên đời này vì lẽ sống còn mà chúng sanh giết hại lẫn nhau, không chút thương xót; kẻ mạnh hiếp kẻ yếu; kẻ có quyền hiếp kẻ cô thế. Đời người quả thật là trường tranh đấu, mạnh được yếu thua. Chén cơm mà ta đã dùng đây, có biết bao nhiêu là cay đắng, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của người và vật tạo nên. Ta phải làm sao để cứu vãn được tình thế này, cho chúng sanh thoát vòng thống khổ”. Nghĩ đến đấy, Thái tử nhanh chóng ngồi thẳng dậy và xếp chân trong tư thế kiết-già của bậc hành giả. Rồi Ngài an trú vào pháp niệm hơi thở, tập trung vào hơi thở vô, hơi thở ra, và nhờ vậy Ngài chứng được sơ thiền sắc giới. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng và ảnh hưởng đến việc Bồ-tát sẽ từ bỏ pháp tu khổ hạnh sau này[7]. Lễ hạ điền xong thì trời cũng xế chiều, đức vua trở lại rước thái tử, ngài nhận thấy rằng bóng của tất cả cây cối đều ngả về phía Đông theo hướng chiếu của mặt trời, vậy mà chỉ có duy nhất bóng mát của cây Jambu che cho thái tử vẫn không chuyển đổi theo sự chuyển động của mặt trời, nó vẫn phủ bóng mát bao trùm thái tử như một tàn lọng vĩ đại. Đức vua tận mắt trông thấy điều kỳ diệu như thế đã thốt lên rằng: “Hỡi này con yêu quí! Đây là lần thứ nhì, phụ vương đảnh lễ con đây!”[8] Rồi đức vua đảnh lễ hoàng nhi của mình với lòng trìu mến và tôn kính.

Cây Jambu, phiên âm là diêm-phù; là loại cây Eugenia Jambolana có tên thực vật là Syzygium Cumini, tiếng Anh là Rose-apple. Cây Jambu còn được gọi với các tên khác là Jambul, Jambolan, Jamblang hoặc Jamun. Đây là loại cây có nguồn gốc trong vùng tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng lân cận như India, Bangladesh, Pakistan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Philippines, Indonesia. Nếu tìm trên Internet, cây Syzygium Cumini được biết ở đây có tên thông dụng là Java plum, Portuguese plum, Malabar plum, Black plum, Purple plum, Damson plum, và Indian blackberry. Nếu dịch tiếng Việt là cây trâm (trâm mốc) hoặc vối rừng. Đây là loại cây gỗ lớn, lá bầu dục, tròn hay hơi thót nhọn ở gốc, tù, có mũi hay xoan ngược, rất tù ở đầu, dài khoảng 8-10cm, rộng 3-9cm, bóng và sẫm ở trên, nhạt màu hơn ở dưới, mỏng nhưng cứng, có điểm tuyến; cuống lá dài 10-20mm. Hoa của cây này nở thành cụm, dạng tháp, gần như không cuống, dài 5cm, ở nách các lá đã rụng. Quả hơi cong, dài 13-15mm, dày 10mm, thắt lại dưới chỗ lõm ở đỉnh, màu tím tối, nạc màu xanh – vàng tới tím, thường không mùi, hơi se, chua. Hạt 0-5, thuôn dài tới 3,5cm, màu xanh tới nâu. Ở Ấn Độ, dịch quả dùng chế giấm có vị dễ chịu, dùng ăn lợi tiêu hóa, lợi trung tiện và lợi tiểu.

Nếu tìm bằng tiếng Anh, cây Rose apple thì chúng ta sẽ thấy có bốn loại gần như tương tự nhau: cây mận (Syzygium aqueum – Watery rose apple), cây lý (Syzygium jambos – Rose apple hoặc jamb), cây điều đỏ (Syzygium malaccense – Malay rose apple) và cũng là một loại mận (Syzygium samarangense – Java rose apple). Từ tên của bốn loại giống mận ở trên, chúng ta có thể thấy rằng cây Jambu cũng khó có thể là bốn loại cây này vì đa số chúng xuất phát từ vùng nhiệt đới chứ không phải tiểu lục địa Ấn Độ. Như vậy, tạm thời chúng ta có thể tin rằng cây Jambu là cây trâm như đã đề cập ở trên.

  1. Khổ hạnh chốn rừng già Uruvelā

Năm ba mươi lăm tuổi, vào đêm trăng tròn tháng Sáu, Bồ-tát Siddhattha rời bỏ hoàng cung, ngai vàng và quyền lực để lên đường tầm đạo giải thoát. Lần đầu tiên được làm cha, chưa biết mặt hoàng nam của mình, nhưng biết đó là sợi dây trói buộc[9] nên Ngài đã ra đi ngay đêm ấy. Sau khi xuất gia, cạo bỏ râu tóc, Bồ-tát lên đường đến học đạo lần lượt với hai vị đạo sư nổi tiếng đương thời là Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta. Nhưng rồi một thời gian, biết đây không phải là con đường giải thoát, Bồ-tát rời bỏ hai vị thầy của mình rồi ra đi tiếp tục tầm đạo[10]. Bỏ lại sau lưng những gì mình đã đạt được, một thân một mình tiếp bước hành trình đi tìm con đường giải thoát, Bồ-tát lần theo con đường mòn đi dần đến làng Senānī[11] nằm về hướng đông-nam kinh thành Rājagaha. Gần ngôi làng này có một khu rừng Uruvela khả ái, yên tịnh và thanh bình, là nơi mà nhiều vị ẩn sĩ và đạo sĩ thường đến trú ngụ để tu tập và thực hành phương pháp ép xác khổ hạnh, cho nên khu rừng này còn được gọi là khổ hạnh lâm. Bên cạnh khu rừng già Uruvela còn có một dòng sông Nerañjara uốn lượn chảy dài miên man, trong xanh không chút bùn nhơ, hai bên bờ toàn là cát trắng mịn khiến cho khung cảnh không những trở nên hữu tình mà còn là một nơi tu tập thích hợp cho những vị ẩn tu sơn lâm. Ngoài ra đó, ven sông Nerañjara còn có những ngôi làng trù phú của những người dân quên thật thà, chất phác. Quả thật là một vùng đất tốt đẹp vì nó giúp cho các ẩn sĩ dễ dàng trong việc kiếm tìm vật thực. Bồ-tát khởi lên ý nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn”[12]. Do đó, Ngài dựng lên một thảo am nhỏ bằng củi khô và lá có sẵn, rồi trú ngụ khu rừng Uruvela ấy để tu tập thiền tịnh. Ngài bắt đầu một cuộc tranh đấu quyết liệt để khắc phục thân xác, với niềm hy vọng rằng một khi đã làm chủ được mọi nhu cầu phức tạp và phiền toái của thân thì tâm sẽ được giải phóng khỏi sự thống trị của vật chất để đạt đến mức độ giải thoát cao siêu. Ngài cố gắng đến mức cùng tột của lối tu khổ hạnh. Chỉ ăn lá, rễ cây, vài hột mè, hột đậu mỗi ngày, ngủ rất ít, suốt ngày ngồi thiền hoặc đi kinh hành. Thân hình ngài chỉ còn da bọc xương, cái rốn gần đụng xương sống.

  1. Thành đạo dưới cội Bồ-đề

Sau sáu năm tìm đạo, con đường ép xác khổ hạnh không phải là chánh đạo, Bồ-tát khám phá ra con đường Trung đạo – Majjhimapatipadā, con đường có tám chi phần có thể đưa chúng sanh thoát ly dòng sanh tử. Dưới cội cây Assattha, Bồ-tát ngồi yên lặng trên bồ đoàn, Ngài chứng đắc Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa) vào canh đầu, Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuvijjjā) vào canh giữa và Lậu tận minh (Āsavakkhayañāṇa) vào canh cuối của đêm Rằm tháng Tư. Như vậy là vào canh cuối, khi trăng sắp lặn, sao mai vừa mọc, tháng Vesākha, dưới cội cây Assattha, bên sông Nerañjarā, gần Uruvelā, đức Bồ-tát Gotama đã chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Giác; lúc ấy Ngài vừa đúng ba mươi lăm tuổi.

Từ đấy về sau, cội cây Assattha được gọi là Bodhirukkha – cội Bồ-đề. Dưới cội cây nào mà đức Bồ-tát chứng đắc thành Bậc Chánh Đẳng Giác thì cây ấy đều được gọi là Bodhirukkha – cây Bồ-đề. Mỗi một vị Phật sẽ có một cây Bồ-đề khác nhau, ví dụ như: cội Bồ-đề của đức Phật Gotama và đức Phật Koṇḍañña là cây Assattha, cội Bồ-đề của đức Phật Dīpaṅkara là cây Sirīsa , cội Bồ-đề của chư Phật Maṅgala, Sumana, Revata, và Sobhita là cây Nāga, cội Bồ-đề của đức Phật Anomadassī là cây Ajjuna, cội Bồ-đề của đức Phật Paduma và Nārada là cây Mahāsoṇa, cội Bồ-đề của đức Phật Padumuttara là cây Salada, cội Bồ-đề của đức Phật Sumedha là cây Nimba, cội Bồ-đề của đức Phật Sujāta là cây Velu, cội Bồ-đề của đức Phật Piyadassī là cây Kakudha, cội Bồ-đề của đức Phật Atthadassī là cây Campaka, cội Bồ-đề của đức Phật Dhammadassī là cây Bimbajalā, cội Bồ-đề của đức Phật Siddhattha là cây Kaṇikāra, cội Bồ-đề của đức Phật Tissa là cây Asana, cội Bồ-đề của đức Phật Phussa là cây Āmaṇḍa, cội Bồ-đề của đức Phật Vipassī là cây Pāṭalī, cội Bồ-đề của đức Phật Sikhī là cây Puṇḍarīka, cội Bồ-đề của đức Phật Vessabhū là cây Sāla, cội Bồ-đề của đức Phật Kakusandha là cây Sirisā, cội Bồ-đề của đức Phật Koṇāgamma là cây Udumbara, và cội Bồ-đề của đức Phật Kassapa là cây Nigrodha.

Cây Assattha hay cây Bồ-đề tên khoa học là Ficus religiosa, là một loài cây thuộc chi Đa đề (Ficus) có nguồn gốc ở Ấn Độ, tây nam Trung Quốc và Đông Dương về phía đông tới Việt Nam. Nó là một loài cây rụng lá về mùa khô hoặc thường xanh bán mùa, cao tới 30m và đường kính thân tới 3m. Lá của chúng có hình tim với phần chóp kéo dài đặc biệt; các lá dài 10–17 cm và rộng 8–12 cm, với cuống lá dài 6–10 cm. Quả của cây bồ đề là loại quả nhỏ giống quả vả đường kính 1-1,5cm có màu xanh lục điểm tía. Cây Assattha trong Sanskrit được gọi là Aśvattha. Śvaḥ có nghĩa là “ngày mai”, a chỉ sự phủ nhận, và tha có nghĩa là “người hay vật dừng lại hay tồn tại”. Nhà triết học nổi danh thuộc hệ phái Advaitavedānta (Bất nhị phệ-đà) là Śaṅkara diễn giải tên gọi này là “Người hay vật không thể tồn tại giống như thế vào ngày mai”, cũng giống như toàn thể vũ trụ.

  1. Bảy tuần lễ xung quanh cội Bồ-đề

Vào buổi sáng trước ngày thành đạo, lúc Bồ-tát đã thọ dụng bát cơm sữa do nàng Sujātā cúng dường. Ngài chia bát cơm sữa ấy thành bốn mươi chín vắt và sau khi thọ xong bữa ăn có nhiều chất dinh dưỡng ấy, đức Phật nhịn đói luôn suốt bảy tuần lễ. Ngài trải qua thời gian bốn mươi chín ngày quanh quẩn tại bảy nơi xung quanh cội Bồ-đề, Ngài suy niệm và an hưởng hương vị giải thoát.

Từ ngày 16 đến ngày 22 tháng Tư, bảy ngày đầu tiên sau khi thành đạo, đức Phật ngồi không lay động dưới tàng cây của cội Bồ-đề để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát (Vimuttisukha)[13]. Điểm dưới cội Bồ-đề nơi thành đạo và tọa thiền trong trong tuần lễ đầu tiên sau khi giác ngộ được gọi là Bodhimaṇḍa; về sau, tại nơi này cũng được xây dựng một Tự viện có tên là Bodhimaṇḍavihāra. Tuần lễ đầu tiên, đức Thế Tôn ngồi trên bồ đoàn suốt bảy ngày để chiêm niệm về pháp thập nhị nhân duyên nên tuần lễ này còn được gọi là Tuần lễ bồ đoàn chiến thắng – Pallaṅkasattāha.

Từ 23 đến ngày 29 tháng Tư, đức Phật trải qua tuần lễ thứ hai một cách bình thản, Ngài đứng cách cây Bồ-đề khoảng 100m về hướng Bắc của cội Bồ-đề, chăm chú nhìn cây Bồ-đề trọn một tuần không nháy mắt, hồi tưởng lại cuộc trường kỳ chiến đấu cam go, gian khổ, với tự thân, tự tâm, trong vô lượng kiếp, cho đến ngày nay thành đạo dưới cội Bồ-đề, để rút tỉa kinh nghiệm hầu tìm ra một con đường giải thoát cho chúng sanh khỏi luân hồi đau khổ. Hiện nay nơi đây còn có tháp kỷ niệm do vua Asoka dựng lên, tên là Animisacetiya – Bảo tháp không nháy mắt. Và tuần lễ thứ hai này được gọi là tuần lễ không nháy mắt – Animisasattāha.

Đến tuần lễ thứ ba, từ ngày 30 tháng Tư đến ngày 6 tháng Năm, chư Thiên và Phạm thiên hóa ra con đường kinh hành bằng bảy loại ngọc báu chạy từ hướng Đông sang hướng Tây ở khoảng giữa của Bảo tọa chiến thắng (aparajitapallaṅka) và nơi Đức Phật nhìn không chớp mắt để cúng dường đến Thế Tôn. Ngài đi kinh hành trên con đường châu báu này, rồi an trú tâm trong quả định (phalasampatti). Nơi đức Phật đi kinh hành, sau này được thành lập một bảo tháp có tên là Ratanacaṅkamacetiya và tuần lễ thứ ba này được gọi là Tuần lễ kinh hành – Caṅkamasattāha.

Kể từ ngày 7 đến 13 tháng Năm, Thế Tôn đi đến hướng Tây Bắc cội Bồ-đề, chư Phạm thiên và chư Thiên cúng dường đến Thế Tôn tòa bảo điện bằng bảy loại ngọc báu. Ngài ngự trong bảo điện và suốt tuần lễ này để quán xét về Vi diệu pháp – Abhidhamma. Khi Ngài bắt đầu quán, hào quang sáu màu của phát ra sáu màu rực rỡ nhu là: xanh dương (nīla), vàng (pīta), đỏ (lohita), trắng (odata), cam (mañjittha) và màu chói sáng (pabhassarā)[14]. Về sau, nơi Đức Phật ngồi quán xét Thắng Pháp, được xây dựng ngôi tháp châu báu – Ratanacetiya. Và tuần lễ này được gọi là Tuần lễ bảo điện châu báu – Ratanagharasattāha.

Từ ngày 14 đến ngày 20 tháng Năm, đức Phật đi đến hướng Đông của cội bồ-đề, tọa thiền dưới bóng cây si của những người chăn dê – Ajapālanigrodha[15] để thọ hưởng hạnh phúc vô vi, giải thoát[16]. Và chính vì thế tuần lễ thứ năm này còn được gọi là Tuần lễ tại cây Ajapālanigrodha – Ajapālasattāha.

Cây Nigrodha tức là cây si hoặc cây đa (cây da), tên khoa học là Ficus bengalensis, một loài cây thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Đây cũng là một cây cùng họ với cây Assattha. Cây đa có nguồn gốc từ Ấn Độ, nó sinh sống được với cao độ tới khoảng 600 m, đặc biệt trong những khu vực khô ráo. Chúng là loài cây lớn mà thông thường bắt đầu sự sống như là loại cây biểu sinh trồng từ hạt trên các loại cây khác (hoặc trên các công trình kiến trúc như nhà cửa, cầu cống) do các loài chim ăn quả phân tán hạt. Cây trồng từ hạt nhanh chóng phát triển các rễ khí từ các cành cây, và các rễ khí này sẽ phát triển thành thân cây thực thụ khi chúng chạm tới mặt đất. Cây chủ cuối cùng sẽ bị bóp nghẹt hay bị phân chia ra bởi sự phát triển nhanh của cây đa.

Sau bảy ngày thiền tịnh ở dưới cội cây Ajapālanigrodha, Thế Tôn xuất khỏi thiền tịnh. Ngài đi đến cội cây Mucalinda ở cạnh bờ hồ nằm về hướng Đông cội Bồ-đề. Từ ngày 21 đến ngày 27 tháng Năm, Thế Tôn trải qua bảy ngày ngồi kiết già thọ hưởng sự an lạc của đạo quả giải thoát. Lúc bấy giờ, một cơn giông tố lớn trái mùa khởi lên[17] và trong bảy ngày, trời mưa gió lạnh, bầu trời u ám. Rồi rắn chúa Mucalinda ra khỏi chỗ ở của mình, với thân cuốn vòng quanh bảy vòng thân của Thế Tôn, và đứng thẳng, vươn cao các mang lớn trên đầu Thế Tôn với ý nghĩ: “Mong Thế Tôn khỏi lạnh! Mong Thế Tôn khỏi nóng! Mong Thế Tôn khỏi xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng, các loài bò sát”. Như vậy, đức Phật đã trú ngụ bên trong bảy vòng thân của long vương Mucalinda và trải qua suốt bảy ngày thọ hưởng sự an lạc của giải thoát tựa như Ngài đang ở trong một hương phòng không quá hẹp. khi long vương nhìn lên trời cao và thấy không còn những đám mây mưa, vị ấy bèn bỏ thân long vương và hoá ra một chàng trai trẻ tuấn tú, đứng chấp tay trước đức Phật[18]. Suốt tuần thứ sáu, Thế Tôn an tịnh dưới cội cây Mucalinda nên Tuần lễ này gọi là Tuần lễ Mucalinda – Mucalindasattāha.

Cây Mucalinda thật ra là không biết cây này tên Mucalinda hay là cây được đặt tên vì có long vương Mucalinda trú tại đây, nhưng dù sao thì cây hay long vương cũng đều được gọi là Mucalinda. Cây Mucalinda không thấy đề cập là giống cây gì nhưng bên Thái Lan có một loại cây gọi là Jik (จิก) hay Jikmuchalin (จิกมุจลินท์) được cho là cây Mucalinda. Theo tiếng Việt, thì đó là cây lộc vừng, tên khoa học là Barringtonia acutangula, là một loài thuộc chi Lộc vừng, là loài cây bản địa của các vùng đất ẩm ven biển Nam Á và Bắc Úc, từ Afghanistan đến Philippin và Queensland. Ngoài ra, theo Đại đức S.Dhammika, cây Mucalinda là một cây khác, còn được gọi là Mucala, tiếng Hindi là Muchukundi, tên khoa học là Pterospermum acerifolium mà người Việt gọi là cây lòng mang lá phong. Loại cây này xuất phát từ Ấn Độ đến Myanmar, có xu hướng phát triển tự nhiên dọc theo các bờ suối. Như vậy, cả hai loại cây này đều là loại cây mọc nơi ẩm ướt, suối hay biển cũng được. Không biết chính xác là cây nào, vì theo truyền thống của Thái Lan thì là cây lộc vừng, nhưng theo tên gọi tìm được thì lại là cây lòng mang lá phong. Thôi thì để các vị học giả muốn nghiên cứu thì có thể nghiên cứu thêm vậy.

Sau khi trải qua bảy ngày thọ hưởng sự an lạc của đạo quả A-la-hán dưới cội cây Mucalinda và đến tuần lễ thứ bảy, đức Phật rời khỏi chỗ đó và đi đến cội cây Rājāyatana ở về hướng Nam của đại thọ Bồ-đề và ngồi dưới cội cây ấy thọ hưởng sự an lạc của đạo quả A-la-hán trong bảy ngày, kể từ ngày 28 tháng Năm đến ngày 5 tháng Sáu. Tuần lễ thứ bảy này được gọi là Tuần lễ Rājāyatana – Rājāyatanasattāha.

Cây Rājāyatana là cây mèn văn hoặc cây chây lá rộng, tên khoa học là Buchanania latifolia. Đây là một loại cây gỗ, có chiều cao khoảng 15-20m, với các nhánh có lông mềm, mang nhiều lá sít nhau. Lá dài 15-25cm, rộng 6-12cm, hình bầu dục thuôn, tròn hay thon hẹp ở gốc, tròn và có thể lõm ở đầu, dai, nhẵn ở mặt trên, có lông ngắn ở mặt dưới, cuống lá rộng và gần như dẹp. Hoa thành chùy ngắn hơn lá, các nhánh thứ cấp dạng bông, phủ lông tơ màu gỉ sắt dày đặc. Hoa màu xanh, không cuống, đường kính 4-6mm. Quả hạch, có lông, có vỏ quả trong hoá gỗ. Hạt có vỏ dạng màng. Loài phân bố ở Việt Nam, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Miến Điện. Cây thường mọc trong các rừng mưa mùa nửa rụng lá, rất ít gặp trong rừng thường xanh hoặc rừng thưa. Ở Việt Nam, chúng ta có thể bắt gặp cây này ở Quảng Ninh, Nghệ An tới Thừa Thiên và hầu hết các tỉnh miền núi ở phía Nam. Hạt của cây này được ưa chuộng ở Ấn Ðộ, dùng để ăn và làm mứt. Người ta cũng dùng dầu nhân hạt thay thế dầu hạnh nhân và dùng trong y học cổ truyền. Nhân hạt cũng được sử dụng làm thuốc mỡ bôi trị bệnh ngoài da và gôm của thân dùng trị bệnh tiêu chảy. Vỏ cây chứa nhiều tanin có thể dùng để thuộc da. Ở nước ta, quả cũng được dùng để ăn.

Suốt bốn mươi chín ngày này, đức Phật không làm công việc gì khác như súc miệng, rửa mặt, đại tiểu tiện, tắm, độ thực, uống nước và nằm. Ngài trải qua thời gian ấy chỉ thọ hưởng sự an lạc của thiền (jhāna) và quả. Khi bốn mươi chín  ngày đã kết thúc, đến ngày mồng năm tháng năm, trong khi đức Phật đang trú ngụ ở Rājāyatana, vua trời Sakka đến và dâng đến Ngài trái thuốc Myrobalan vì vị ấy biết Đức Phật muốn rửa mặt và vệ sinh thân thể. Đức Phật nhận lấy trái Myrobalan. Khi Ngài vừa độ xong trái Myrobalan thì Ngài đi đại tiện và tiểu tiện. Sau đó Sakka dâng cây chà răng lấy từ cõi rồng, và nước từ hồ Anotatta để rửa mặt. Đức Phật dùng cây chà răng, súc miệng và rửa mặt bằng nước ở hồ Anotatta và vẫn ngồi dưới cội cây Rājāyatana.

Trái thuốc Myrobalan là một loại trái cây có tác dụng như là một loại thuốc xổ. Cây Myrobalan là cây kha tử, hoặc cây chiêu liêu, tên khoa học là Terminalia chebula. Đây là một loài là một loài thực vật có hoa trong họ Trâm bầu.  Nó là loài bản địa miền nam châu Á từ Ấn Độ và Nepal kéo dài về phía đông tới miền tây nam Trung Quốc (Vân Nam), và về phía nam tới Sri Lanka, Malaysia và Việt Nam. Chiêu liêu là cây gỗ nhỡ có thể cao tới gần 30m, đường kính thân cây có thể tới 1m. Vỏ thân cây màu xám tro, có nứt dạng vảy hình chữ nhật không đều. Lớp vỏ thân cây dày tới 2cm có nhiều tầng màu đỏ và nâu nhạt xen kẽ nhau. Hoa xếp thành bông đơn ở nách lá, có lông vàng; hoa nhỏ, có lông, không có cánh hoa; nhị 10. Quả có cánh, dạng bầu dục với hai cánh rộng đối nhau, hình chữ nhật, trải ra, rộng 3-4cm, có lông mịn trắng. Mùa hoa của cây này vào tháng 5-6 và quả chín vào tháng 8-9, khi chín có màu vàng đến cam hơi nâu. Vỏ cây và hạt được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc, Việt Nam như là trị bệnh lỵ và bổ sức cho phụ nữ sau khi sinh đẻ.

  1. Trúc Lâm – ngôi tự viện đầu tiên của Phật giáo

Sau khi thành đạo, như lời mong cầu của vua Bimbisāra, đức Thế Tôn đã trở lại kinh thành Rājagaha để tế độ đức vua. Vua Bimbisāra rất hân hoan và thỉnh đức Phật và chúng Tỳ-khưu đi vào hoàng cung, rồi tận tay dâng cúng các ngài vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm. Khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ngồi xuống ở một bên. Khi đang ngồi như vậy, đức vua chợt nảy lên ý nghĩ như sau: “Đức Thế Tôn nên ngụ ở nơi nào đây? Đối với Ngài, chỗ ấy không nên xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh. Khu vườn Veḷuvana (Trúc Lâm) này của chúng ta là không xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh, hay là ta nên dâng khu vườn Veḷuvana đến hội chúng Tỳ-khưu có đức Phật đứng đầu?”

Sau đó, vua Bimbisāra cầm cái bình bằng vàng đựng nước thơm, vừa rót vào bàn tay của đức Phật vừa tác bạch những lời sau đây:

Etāhaṃ bhante veḷuvanaṃ vyānaṃ Buddhappamukhassa Bhikkhusaṅghassa dammi – Bạch ngài, trẫm dâng khu vườn Veḷuvana này đến hội chúng Tỳ-khưu có đức Phật đứng đầu. Xin đức Thế Tôn thọ lãnh khu vườn.

Như vậy, Trúc lâm này trở thành ngôi tự viện đầu tiên trong Phật giáo và cũng là ngôi tự viện duy nhất được đức Phật tận tay thọ lãnh do đức vua Bimbisāra cúng dường.

Trúc Lâm là ngôi ngự uyển của vua Bimbisāra với khung cảnh thiên nhiên rất đẹp và thơ mộng. Những thi sĩ đã viết nên các vần thơ sau để mô tả về vẻ đẹp của khu vườn ấy:

Rammaṃ veḷuvanaṃ yena, na diṭṭhaṃ sugatālayaṃ;

Na tena nandanaṃ diṭṭhaṃ, iti maññāmase mayaṃ.

Chúng tôi quan niệm rằng: Người nào chưa nhìn thấy Veḷuvana đáng yêu, chốn ngụ cư của đấng Thiện Thệ, thì người ấy chưa nhìn thấy vườn hoa Nandana của cõi trời.

Yena veḷuvanaṃ diṭṭhaṃ, narĀnandanĀnandanaṃ;

Sudiṭṭhaṃ nandanaṃ tena, amarindasunandanaṃ.

Người nào đã nhìn thấy Veḷuvana là vườn hoa hoan lạc Nandana của nhân loại, người ấy đã nhìn thấy vườn hoa Nandana vô cùng hoan lạc của vị Thiên Vương.

Vihāya nandanaṃ devā, otaritvā mahītalaṃ;

Rammaṃ veḷuvanaṃ disvā, na tappanti suvimhitā.

Chư Thiên sau khi rời vườn hoa Nandana ngự xuống mặt đất và đã nhìn thấy Veḷuvana đáng yêu thì vô cùng sửng sốt và không còn tiếc nuối nữa.

Rājapuññena nibbattaṃ, buddhapuññena bhūsitaṃ;

Ko vattā tassa nissesaṃ, vanassa guṇasañcayaṃ.

Veḷuvana đã được sanh lên do phước báu của đức vua, được làm đẹp nhờ vào phước báu của đức Phật, có ai là người thuật lại một cách trọn vẹn về tổng thể các đức tính tốt đẹp của khu vườn ấy?[19]

Tại tự viện này, Thế Tôn đã an cư mùa mưa năm lần, và còn nhiều tự viện khác nữa như đại tự viện Jetavana (hai mươi lần), tự viện Pubbārāma (sáu lần), Nigrodhārāma (một lần).

  1. An cư mùa mưa trong rừng sâu

Lúc bấy giờ, ở tự viện Ghositārāma[20] trong thành Kosambī, có sự chia rẽ của chư Tăng. Nguyên nhân là do sự bắt lỗi lẫn nhau giữa hai Tỳ-khưu, mỗi vị dẫn đầu nhóm năm trăm vị Tỳ-khưu, một vị là luật sư, vị kia là pháp sư. Đức Phật khuyên dạy nhưng các vị không nghe theo nên Thế Tôn đã đi vào khu rừng Pārileyya. Đức Thế Tôn đã an cư mùa mưa nơi đó, dưới gốc cây Sāla xinh đẹp trong khu rừng Rakkhitavanasaṇḍa gần vùng Pārileyyaka có con voi chúa Pārileyyaka hộ độ.

Nếu không thiện hữu đồng hành
Đường đời muôn nẻo một mình tốt hơn

Đức Thế Tôn an cư một mình trong rừng được an vui nhờ có voi chua chúa Pārileyyaka hộ độ. Con voi này là voi đầu đàn đã rời bầy và vào rừng với lý do độc nhất là muốn được an vui. Nó tự nghĩ: Ở trong đàn chung chạ bực bội quá! Nào là voi đực voi cái voi lứa voi con… bao nhiêu đầu ngọn cỏ của ta đều bị chúng gặm trước, bao nhiêu nhánh cây ta bẻ sẵn xuống đều bị chúng dành nhau ăn, chỗ ta uống nước đều bị chúng quậy cho nổi bùn. Ta xuống ngâm mình dưới ao hồ nào cũng bị con voi cái đeo theo kỳ cọ trên mình ta. Hay là ta hãy lánh đi, tìm chỗ sống riêng biệt một mình”. Rồi con voi đầu đàn bỏ bầy, đến gần Pārileyyaka, vào rừng Bảo Hộ, dưới gốc cây Sāla đẹp đẽ, ngay nơi Thế Tôn ngụ, thân cận với Ngài. Ðến trước Thế Tôn, nó đảnh lễ Ngài, rồi nhìn quanh quất tìm chổi, không thấy chổi, nó bèn đạp cây Sāla phía dưới và dùng vòi quật phía trên cho ngã xuống rồi lấy một nhánh cây quét đất. Sau đó, nó lấy vòi quấn bình nước mang đi lấy nước. Vài khi cần đến nước nóng, nó nấu nước nóng. Ðầu tiên nó dùng vòi kéo dùi lửa cho bật lửa ra và nhen củi chà vào. Nó nhóm lửa như thế và nung những hòn đá nhỏ rồi dùng một cây gậy lăn vào một lõm đá có nước để có nước nóng cho Thế Tôn tắm rửa. Khi đức Phật vào làng thì voi đứng đó đợi Ngài trở lại, tiến tới đón Ngài, để y bát lên đầu như lúc trước và đem về chỗ Phật ngụ, hầu hạ Ngài như thường lệ rồi quạt hầu Thế Tôn với một nhánh cây. Ban đêm, để ngừa thú dữ, nó dùng vòi nắm một cây gậy lớn tự nhủ: “Ta sẽ bảo hộ Phật”. Và đi tới lui trong khu rừng cho tới khi mặt trời mọc. Buổi sáng, mặt trời lên, voi lấy nước cho Ngài rửa mặt, và theo cách như đã nói trên, nó làm tròn mọi bổn phận khác.

Bấy giờ, một con khỉ thấy cử chỉ và hành động mỗi ngày của voi, làm những bổn phận nhỏ nhặt hầu đức Thế Tôn, bèn phát tâm sẽ làm giống như vậy. Một hôm, trong lúc chạy nhảy tình cờ nó gặp một tổ mật trên cây không có ong. Nó bẻ cành cây xuống, cầm tổ mật còn nguyên trên cành cây, hái một lá chuối, đặt tổ ong trên lá và mang dâng đến Phật. Ðức Phật nhận lấy. Khỉ trố mắt xem Phật có dùng không và ngạc nhiên thấy Ngài không ăn. Khỉ thắc mắc không biết có chuyện gì đây, bèn lật qua lật lại tổ ong, vừa xem xét cẩn thận, và khám phá có vài trứng sâu. Nhẹ nhàng lấy trứng sâu ra, khỉ lại dâng tổ mật lên Thế Tôn và Ngài hoan hỷ độ. Khỉ vui sướng chuyền từ cành này sang cành khác và nhảy nhót hân hoan vô kể. Nhưng đâu ngờ những nhánh cây khỉ vừa nắm và đạp lên bỗng gãy lìa. Khỉ rơi xuống một cọc cây, bị đâm xuyên người và chết tức khắc. Vì đặt niềm tin trọn vẹn vào Phật, nó được tái sinh vào cõi trời Tāvatiṃsa, trong một cung điện bằng vàng cao ba mươi dặm với một đoàn gồm một ngàn thiên nữ hầu cận.

  1. Đức Phật viên tịch Níp-bàn giữa hai cội Sāla

Vào ngày trăng tròn tháng Tư, khi Thế Tôn được tám mươi tuổi thọ, chuyến hành trình cuối cùng của Ngài, Thế Tôn đã viên tịch Níp bàn dưới hai cội Sāla trong rừng ở Kusinārā. Kinh điển ghi lại rằng: đức Thế Tôn lên đường qua bờ bên kia sông Hiraññavatī, đến ở Kusinārā – Upavatama – rừng Sāla của dòng họ Mallā. Khi Phật và các vị Tỳ-khưu đến rừng cây sāla thì trời đã xế chiều. Thế Tôn bảo Đại đức Ānanda:

 Này Ānanda, hãy trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sāla. Này Ānanda, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.

Đại đức Ānanda vâng lời Thế Tôn, trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sāla. Và Thế Tôn nằm xuống, về phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, hai chân để lên nhau chánh niệm và giác tỉnh.

Lúc bấy giờ, cây sāla trổ hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Những thiên hoa Maṇḍārava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài, nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.

Rồi Như Lai nói với Đại đức Ānanda:

– Này Ānanda, các cây sāla song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Maṇḍārava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên-đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai. Nhưng, này Ānanda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ānanda, nếu có Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ānanda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp.[21]

Sơ bộ qua những nét chính trong cuộc đời của đức Phật, chúng ta có thể thấy rằng Ngài luôn chủ trương sống gần với thiên nhiên và môi trường xanh. Những khóm rừng, những ngọn núi hay dòng sông đều lưu dấu chân của Thế Tôn để đem chánh pháp bất tử đến cho nhân thiên. Thực tế, khi đức Phật còn tại thế, bảo vệ môi trường sinh thái chưa trở thành vấn đề như ngày nay, thế nhưng đức Phật với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi cứu khổ của Ngài, Ngài đã là bậc vĩ nhân hướng dẫn con người thực thi nếp sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi sinh là bảo vệ sự sống con người. Cụ thể, với trách nhiệm của bậc Đạo sư, Ngài đã chủ động tạo ra một môi trường tu học thích hợp cho những đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài, đức Phật đã chủ động tìm cách xây dựng cho mình và cho hội chúng Tăng già một nếp sống hòa hài với thiên nhiên.

  1. Hình ảnh cây xanh trong kinh điển

Đi dọc theo lịch sử, chúng ta đã biết được về cuộc đời của Thế Tôn luôn gần gũi với thiên nhiên, chẳng những vậy mà trong chính những bài giảng của Ngài, hình ảnh cây xanh luôn hiện hữu và sử dụng chúng để bài giảng thêm sinh động hơn. Không khó để tìm được rất nhiều bài kinh như thế. Ở đây, chúng ta sẽ khảo sát một số bài kinh tiêu biểu; còn nếu quý vị nào muốn hiểu thêm thì đừng ngại ngùng gì mà không kiếm để nghiên cứu nhé.

Trước tiên, nói về cây xanh, trong kinh có mô tả những thành phần của một cây xanh gồm có: rễ cây (mūla), trunk (daṇḍa or khandha), vỏ ngoài (papaṭikā), vỏ trong (taca), giác cây (pheggu), lõi cây (sāra), cành cây (sākhā), nhánh cây (pasākhā), lá cây (paṇṇa, palāsa). Đức Phật sử dụng những bộ phận của một cây xanh để ám chỉ đến những vấn đề của đời sống tu học mà một người tu Phật cần phải phân biệt rõ đâu là cái mình đang tầm câu: cành lá (sākhāpalāsa) là lợi dưỡng, cung kính, danh vọng; vỏ ngoài là sự thành tựu giới đức; vỏ trong là sự thành tựu thiền định; giác cây là sự thành tựu tri kiến; lõi cây là bất động tâm giải thoát – mục đích của đời sống phạm hạnh.[22]

Như trong chuyện bổn sanh có bài kệ rằng:

Sākhāhi rukkho labhate samaññaṃ, pahīnasākhaṃ pana khāṇumāhu.

Nhờ vào những cành cây mà cây cối đạt được tên gọi riêng; hơn nữa, khi cành cây bị chặt bỏ thì người ta đã gọi là gốc cây.[23]

Gốc rễ ở đây chính là ám chỉ cho ái dục (taṇha). Bao giờ chưa chặt đứt được gốc rễ thì các loại dây leo vẫn có thể sanh sôi nảy nở trong tương lai; chúng ta sẽ vẫn còn mãi bị khổ đau chình vì ái dục đó. Chi khi nào mình diệt tận gốc, bứng nhổ hoàn toàn mọi ái dục thì các khổ đau mới không còn cơ hội nảy mầm.

Yathāpi mūle anupaddave daḷhe, Chinnopi rukkho punareva rūhati;

Evampi taṇhānusaye anūhate, Nibbattatī dukkhamidaṃ punappunaṃ

Giống như khi bộ rễ vẫn chưa bị tổn hại và còn vững chắc,

cội cây, mặc dầu đã bị đốn ngã, cũng vẫn đâm chồi trở lại,

cũng như vậy, khi sự tiềm ẩn của tham ái chưa bị tận diệt,

khổ đau này còn sanh lên đợt này này đến đợt khác.[24]

Nhìn lại cuộc đời đức Phật, chúng ta sẽ nhận ra Ngài là một bậc Giáo chủ độc nhất sinh ra dưới cội Sāla tại vườn Lumbini, thành tự giác ngộ dưới cội cây Bồ-đề, thuyết bài pháp lần đầu tiên tại vườn Nai ở Isipattana, và cuối cùng viên tịch Níp-bàn dưới hai cây Sāla tại Kusinārā. Đời sống của Ngài là gần gũi thiên nhiên, thân cận núi rừng, xa chốn phồn vinh. Chứng tỏ rằng vào thời đó rừng xanh rất là nhiều và rộng lớn, điển hình là Đại lâm (Mahāvana) rộng lớn ở Vesāli và trải dài đến tận Hy-mã-lạp sơn.[25] Hay là khu rừng Pārileyya mà đức Phật an cư mùa mưa thứ mười tại đấy và được hai con voi chùa cùng khỉ chúa hộ độ suốt ba tháng.[26] Ngoài ra, còn một số khu rừng khác được nói đến như là khóm rừng Baliharaṇa ở Kusinārā[27], rừng cây Sāla Gosiṅga ở Vesāli[28], rừng Sīta ở Rājagaha – nơi mà triệu phú Anāthapiṇḍika đã yết kiến đức Thế Tôn lần đầu tiên[29], vườn xoài của nàng kỹ nữ Ambapāli ở Vesāli[30], rừng Siṃsapā ở Kosambi[31]

Chính đức Phật cũng đã từng khuyên dạy các Tỳ-khưu đệ tử của mình nên lựa chọn những trú xứ nơi thanh vắng như là rừng cây, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm[32] để trú ngụ và tu tập thiền định. Tự thân Ngài đã rời bỏ cung vàng điệ ngọc để dấn thân vào con đường giải thoát và đem pháp giải thoát ấy đến cho mọi người. Ngài từ bỏ những lối sống xa hoa và khuyến khích các đệ tử của mình cũng vậy.

Này các Tỳ-khưu, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỳ-khưu, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có để về sau phải hối tiếc. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Thầy.[33]

Một lần nọ, Thế Tôn trú tại khu rừng Sāla ở Kosala, khi ấy có một vị Bà-la-môn Navakammika Bhāradvāja thấy Thế Tôn độc cư trong rừng liền khởi nên ý nghĩ và bạch hỏi Thế Tôn rằng: Ngài trú một mình trong rừng Sāla này để làm gì và có niềm vui gì nơi đây? Đức Thế Tôn liền nói bài kệ này:

Ta không phải làm gì, Trong khu rừng sa-la.

Với Ta, rễ đã cắt, Cả khu rừng rậm rạp,

Như vậy Ta được thoát, Mọi rừng rú chông gai.

Tâm Ta không bị đâm, Một mình sống an lạc,

Ðoạn trừ mọi bất mãn, Sống thích thú hoan hỷ.[34]

Hoan hỷ sống độc cư trong rừng vì thế vị trú trong rừng cũng mang một tâm hồn yêu mến thiên nhiên và bảo vệ hệ sinh thái môi trường. Không phải chỉ ngay kiếp này, mà trong quá khứ, Bồ-tát của chúng ta đã từng hy sinh thân mạng để bảo vệ đàn con cháu khỏi phải bị mất trú xứ. Một thuở nọ, vua Brahmadatta trị vì Bārānasī muốn xây dựng một cung điện chỉ có một trụ chống đỡ nên bảo các quan thần đi kiếm cho bằng được một thân cây to lớn về làm trụ cột cho cung điện của ông. Có rất nhiều cây to lớn trong rừng nhưng không thể nào vận chuyển về cung được nên mọi người mới đến thượng uyển của vua để xem. Trong vườn ấy cố một cây Sāla to lớn, là chỗ trú của thần cây (Bồ-tát) và các con cháu. Bồ-tát nghĩ rằng mình đã già, con cháu lại đông, nếu cây này bị đem đốn thì con cháu sẽ bị hủy diệt nên ngài hiện vào cung trong một đêm tối để yêu cầu đức vua bỏ ý định ấy. Vua Bārānasī không chịu, lúc ấy Bồ-tát yêu cầu hãy chặt mình thành từng mảnh chứ đừng đụng đến con cháu của mình. Vì xúc động với tấm lòng hy sinh cao cả của Bồ-tát mà đức vua hoan hỷ và không ra lệnh chặt cây nữa.[35]

Đức Phật từng nói rằng Ngài rất hoan hỷ với trú xứ trong rừng của chư Tỳ-khưu. Ngài không hoan hỷ với trú xứ trong làng bởi vì nơi ấy không phải là chỗ thanh tịnh, yên lặng, có thể sẽ bị người coi vườn hay ai đó quấy nhiễu, hoặc lo kiêm sống nuôi mạng, không thể an trú trong đề mục thiền định được. Còn với trú xứ trong rừng, là các trú xứ nơi rừng núi, cao nguyên xa vắng, là nơi thiền tịnh hợp lý.[36]

Gāme vā yadi vāraññe, Ninne vā yadi vā thale;

Yattha arahanto viharanti, Taṃ bhūmi­rāma­ṇeyya­kaṃ.

Cho dầu ở làng, hoặc là ở rừng, cho dầu ở thung lũng hoặc ở cao nguyên,

nơi nào các vị A-la-hán cư ngụ, vùng đất ấy thật đáng ưa thích.

Ramaṇīyāni araññāni, yattha na ramatī jano;

Vītarāgā ramissanti, na te kāmagavesino.

Các khu rừng đáng ưa thích là nơi dân chúng không ưa thích.

Những vị có tham ái đã lìa sẽ thích thú, họ không có sự tầm cầu dục lạc.[37]

Có những chòi lá trong rừng (araññakuṭikā) là những am thất làm bằng lá ở khu rừng; đây là những nơi ẩn cư trong rừng vào thời Phật. Đức Phật có lần cũng an trú trong những chòi lá như thế gần Dīghambalika (DhpA.ii.235) và nơi khác gần Himavā (DhA.ii.31,129). Ngoài ra, chư vị Tỳ-khưu khác cũng có những chòi lá khác như Tôn giả Mahāmoggallāna (JA.iii.33), Tôn giả Mahākassapa (JA.iii.71) hay là Sa-di Aciravata (M.iii.128). Những trú xứ như vậy rất thuận tiện và cũng rất dễ làm vì chư vị thường là những vị không ở thường xuyên một chỗ. Một trú xứ làm bằng lá như thế cũng dễ để bỏ đi sau vài tháng sử dụng mà không phải dính mắc.

Uyyuñjanti satīmanto, na nikete ramanti te;

Haṃsāva pallalaṃ hitvā, okamokaṃ jahanti te.

Các vị nỗ lực, có niệm, các vị ấy không thích thú về chỗ ở.

Ví như những con thiên nga từ bỏ hồ nước, các vị ấy từ bỏ mọi trú xứ.[38]

Chính đời sống trong lành, thanh tịnh của rừng núi là những trú xứ, là những môi trường thích hợp nhất để thành tựu chánh trí. Đó là lý do tại sao Tôn giả Kassapa, sống trọn đời ở rừng núi nói lên vì sao ngài ưa thích núi rừng:

Khu đất thật khả ái, Với những vòng tràng hoa,

Hoa tên Ka-rê-ri, Trải rộng ra cùng khắp,

Với voi rú khả ý, Ðồi núi ấy ta thích

Những hồ nước trong mát, Tuyệt đẹp, màu mây xanh,

Che kín bởi loài bọ, Tên ‘kẻ chăn In-đa’

Những ngọn núi đá ấy, Làm tâm ta thích thú.

Giống đồi mây xanh biếc, Ví tháp đẹp lâu đài,

Với vượn hú khả ý, Ðồi núi ấy, ta thích.

Ðất bằng thật khả ái, Ðược mưa ướt thấm nhuần,

Ðồi núi được ẩn sĩ, Làm thành nơi trú xứ.

Vang lên tiếng chim công, Ðồi núi ấy ta thích.[39]

Ai đã từng đi đến xứ Ấn thì chắc có dịp chứng kiến những người bán hàng hai bên đường ra bến sông Hằng buôn bán những cây chà răng (dantakaṭṭha). Cây chà răng này đã có từ xa xưa và vẫn còn được sử dụng đến hiện tại. Đức Phật đã cho phép chư Tỳ-khưu sử dụng loại cây này để làm vệ sinh răng miệng. Và Thế Tôn đã dạy vê năm điều lợi ích của việc vệ sinh răng miệng: có ích lợi cho mắt, miệng không có mùi hôi, vị giác được tinh tế, mật và đờm không che lấp thức ăn, cảm giác ngon miệng.[40] Dantakaṭṭha có thể là loại cây duối (Streblus asper) hoặc cây sầu đâu (Azadirachta indica) và những loại cây này đều có tác dụng chữa bệnh, điển hình là răng miệng.

III. Không chủ trương phá hoại cây xanh

Thái độ sống mà đức Phật giảng dạy cho mọi ngườilà luôn ý thức sống hài hòa với thiên nhiên. Muốn hài hòa với thiên nhiên, thì con người phải tôn trọng sự sống ngay cả loài vật và cỏ cây, một thái độ trên tinh thần duyên khởi. Đức Phật dạy không nên đổ đồ ăn dư thừa trên cỏ xanh và trong nước có côn trùng, sợ làm hại cỏ và côn trùng.[41] Ngài dạy các đệ tử xuất gia phải dùng vải lọc nước để ngăn chặn giết hại các sinh vật. Trong thời gian an cư ba tháng mùa mưa, đức Phật khuyên các Tỳ-khưu không nên đi ra ngoài vì sợ dẫm đạp trên cỏ cây hoặc các loài côn trùng nẩy nở rất nhiều trên đất và trong không khí ẩm ướt. Lúc bấy giờ, khi mùa mưa đến, các Tỳ-khưu nhóm lục sư vẫn đi du hành, khiến cho những người dân phàn nàn: “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo này có giáo lý được thuyết tồi tệ vẫn bám víu và sống cố định trong mùa cư trú mưa, ngay cả những con chim này sau khi làm tổ trên các ngọn cây cũng bám víu và sống cố định trong mùa cư trú mưa; còn các sa-môn Thích tử này lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa. Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi”. Vì nguyên nhân đó mà đức Thế Tôn ban hành học giới là chư Tỳ-khưu phải ăn cư ba tháng mùa mưa, nếu không thì phạm Dukkaṭa.[42]

Không sát hại cây xanh, không hủy hoại môi sinh, đức Phật còn khuyên dạy và khuyến khích việc trồng rừng, làm đường xá, cầu cống, đào giếng… và dĩ nhiên đó chỉ là những việc dành cho những người tại gia cư sĩ mà thôi.

Những ai ngày lẫn đêm, Công đức luôn tăng trưởng,

Trú pháp, cụ túc giới, Kẻ nào sanh thiên giới?

Ai trồng vườn, trồng rừng, Ai dựng xây cầu cống,

Ðào giếng, cho nước uống, Những ai cho nhà cửa,

Những vị ấy ngày đêm, Công đức luôn tăng trưởng,

Trú pháp, cụ túc giới, Những vị ấy sanh Thiên.[43]

Kết luận

Tóm lại, có thể thấy rõ cuộc đời và những lời dạy của đức Phật thì Ngài chắc chắn là một nhà tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái của trái đất này. Sống theo Phật là sống tỉnh giác và sống yêu thương muôn loài, cho nên hiểu rõ những gì nên làm và làm những gì lợi ích cho nhiều người mà không gây tổn hại đến người khác, đến môi trường sống của muôn loài. Thế giới sống tốt đẹp hoàn hảo như vậy thì tự thân chúng ta xây dựng và bảo hộ cho chính mình an trú và cho mọi người, mọi loài cùng sinh tồn, cùng thăng hoa trong cuộc sống hạnh phúc, an lạc.

Bhik. Samādhipuñño Định Phúc

_______________________________

[1] Devadaha là kinh thành của dòng tộc Koliya do vua Suppabudda trị vì, tức là quê ngoại của Bồ-tát. Sở dĩ có tên Devadaha là vì có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc tên này như sau: thuở xa xưa, vùng đất này có một hồ nước tự nhiên chảy ra từ trong Hy-mã-lạp sơn, nước hồ luôn trong sạch và mát lạnh, các tiên nữ thường đến hồ này tắm nên gọi là hồ thiên. Ngoài ra, có một cách giải thích khác là: các vị vua thường đến nơi này để hưởng an lạc của hồ nước thiên nhiên, cảnh trí quanh hồ rất thu thái, yên bình nên hồ nước có tên là Devadaha.

[2] Ngày nay Lumbini được gọi là công viên Rummindei, thuộc quận Rupandehi của nước Cộng Hòa Dân Chủ Liên Bang Nepal, cách Bhagavanpura hai dặm về phía Bắc và cách biên giới Sonauli của Ấn Độ 36 km. Về sau, chính tại nơi này, vào năm 245 trước tây lịch, vua Asoka đã ngự đến đây và cho xây dựng một thạch trụ cao 6,5m với những hàng chữ Brahmi được dịch như sau: “Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến, tức A-dục) ngự đến đây chiêm bái, vì đức Phật Thích-ca Mâu Ni, bậc Hiền Nhân của bộ tộc Thích-Ca, đã đản sinh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc một tượng bằng đá và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường xuống 1/8″ (theo The Historical Buddha, H.W. Schumann – Ðức Phật Lịch Sử , Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt).

[3] “Trong khi các người đàn bà khác, hoặc ngồi, hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát đứng mà sanh vị Bồ-tát” – D.ii.14 (Mahāpadānasutta).

[4] A.iii.49 (Manāpadāyīsutta).

[5] Xem thêm bài CỘI SĀLA HUYỀN THOẠI https://spunno.wordpress.com/2017/04/29/coi-sala-huyen-thoai/

[6] Theo phong tục lúc ấy, hằng năm, trước khi vào mùa làm lúa, người ta sẽ tổ chức lễ hạ điền để cầu nguyện nữ thần Kālī hộ trì cho dân chúng được một vụ mùa bội thu. Và nhân dịp lễ hội, dân chúng tổ chức vui chơi trước khi bắt tay vào làm công việc đồng áng.

[7] Này Aggivessana, ri Ta suy nghĩ như sau: “Ta biết, trong khi ph thân Ta, thuc giòng Sākya đang cày và Ta đang ngi dưới bóng mát cây jambu, Ta ly dc, ly pháp bt thin, chng và trú Thin th nht, mt trng thái h lc do ly dc sanh, có tm, có t“. Khi an trú như vy, Ta nghĩ: “Ðo l này có th đưđến giác ng chăng?” Và này Aggivessana, tiếp theo ý niy, ý thc này khi lên nơi Ta: “Ðây là đo l đưđến giác ng” – M.i.246 (Mahāsaccakasutta).

[8] Rājā vegenāgantvā pāṭihāriyaṃ disvā – ‘‘idaṃ te, tāta, dutiyaṃ vandana’’nti puttaṃ vandi. (JA.i.57)

[9] Ito paṭṭhāya me nattā ‘rāhulakumāro’tveva nāma hotū’ti – T nay tr đi, đa cháu ni trai ca ta s được gi tên là hoàng t Rāhula. (BvA.i.280)

[10] M.i.165f (Ariyapariyesanāsutta).

[11] Làng Senānī của vị thôn trưởng Senāni, cha của nàng Sujātā, người dâng cháo sữa lên Bồ-tát. Làng nằm trên bờ sông Nerañjara gần Uruvelā. (JA.i.68)

[12] M.i.167 (Ariyapariyesanāsutta).

[13] (Vin.i.2)

[14] Từ hào quang sáu màu này, một Đại tá Hải quân người Mỹ tên Henry Steel Olcott nảy ra sáng kiến tạo ra lá cờ Phật giáo. Ông thảo luận cùng ngài Đại trưởng lão Sumaṅgala của xứ Tích Lan để phác họa ra lá cờ Phật giáo gồm sáu màu. Lá cờ này được Tích Lan công nhận và được treo tại các tự viện vào ngày lễ Tam hợp (Vesak) từ năm 1889. Năm 1950, tại Đại hội Phật giáo Thế giới lần đầu tiên tổ chức ở Colombo thủ đô Tích Lan, toàn hội nghị đã thống nhất chọn lá cờ ấy làm lá cờ Phật giáo toàn thế giới.

[15] Ajapālanigrodha được giải thích như sau: 1. gốc cây si của những người chăn dê ngồi nghỉ ngơi; 2. cây si nơi những con dê đến để tránh nắng.

[16] (Vin.i.2)

[17] Cơn mưa lớn như vậy chỉ xảy ra trong hai trường hợp: trường hợp thứ nhất là khi vị chuyển luân vương xuất hiện và trường hợp thứ hai là khi đức Phật xuất hiện.

[18] Ud.10 (Mucalindasutta).

[19] Ap.ii.547

[20] Tự viện Ghositārāma do triệu phú Ghosaka ở thành Kosambī xây dựng và cúng dường đến đức Phật cùng Tăng chúng để làm nơi trú ngụ khi các ngài đến Kosambī.

[21] D.ii.136 (Mahāparinibbānasutta).

[22] M.i.193 (Mahāsāropamasutta).

[23] J.509; JA.iv.483 (Hatthipālajātaka).

[24] Dhp.338.

[25] DA.i.309

[26] Ud.41 (Nāgasutta).

[27] A.v.79 (Kusinārāsutta). Khu rừng này được gọi như vậy là bởi vì (bali=cúng dường) vì dân chúng thường đến đây để cúng dường (bali) đến các thần linh (AA.i.457).

[28] M.i.205 (Cūḷagosiṅgasutta).

[29] Vin.ii.156.

[30] Vin.i.231ff.

[31] A.v.437 (Siṃsapāsutta).

[32] M.iii.3 (Gaṇakamoggallānasutta).

[33] A.iii.88 (Dhammavihārīsutta).

[34] S.i.179 (Navakammikasutta).

[35] JA.iv.154ff (Bhaddasālajātaka).

[36] A.iii.341ff (Nāgitasutta).

[37] Dhp.98-99.

[38] Dhp.91.

[39] Thag.94 (Mahā­kassa­pat­thera­gāthā).

[40] A.iii.250 (Dantakaṭṭhasutta).

[41] M.i.13 (Dhammadāyādasutta).

[42] Vin.i.138.

[43] S.i.33 (Vanaropasutta).

Hits: 21