Trích trong Đại Phật sử do tỳ kheo Minh Huệ dịch
Năm phần công việc của Đức Phật
Nói về những công việc hay những sở hành của Đức Phật, bộ Chú giải Saṃyutta Nikāya và những bộ Chú giải khác nêu ra năm phận sự; bộ Chú giải Sutta Nipāta kết hợp với bốn phận sự sau chỉ nêu ra hai loại phận sự đó là phận sự buổi sáng và phận sự sau bữa ăn trưa. Tuy nhiên, quan niệm thì giống nhau. Cho nên, nói hai phận sự theo bộ Chú giải Sutta Nipāta và năm loại phận sự theo những bộ Chú giải khác. Đó những công việc trong canh đầu của đêm (purima-yāma- kicca), những công việc trong canh giữa (majjhima-yāma-kicca), những công việc vào canh cuối (pacchima-yāma-kicca). Năm loại phận sự này sẽ được mô tả lần lượt theo thứ tự để độc giả khởi tâm tịnh tín.
(1) Những công việc buổi sáng của Đức Phật
(Pure-bhatta Buddha-kicca)
Đức Phật dậy sớm và để ban phước cho vị tỳ khưu thị giả của Ngài cũng như sự chăm lo sự an lạc về thân của Ngài, Ngài làm vệ sinh thân thể rồi nhập vào Quả Định (phala-samāpatti) cho đến giờ đi khất thực. Khi đến giờ, Ngài sửa soạn y nội cho ngay ngắn, buộc lại dây thắt lưng đắp y vai trái rồi mang bát đi vào làng. Có khi Ngài đi khất thực một mình, và có khi Ngài đi cùng với chúng tỳ khưu. Phương tiện đi lại của Ngài có khi đi bộ và đôi khi Ngài đi bằng thần thông.
Ví dụ: Khi Đức Phật đi khất thực, những làn gió nhẹ thổi qua làm sạch những chỗ phía trước con đường đi của Ngài, những đám mây phun xuống những giọt nước li ti làm lắng dịu bụi bặm trên lối đi của Ngài. Những đám mưa ấy theo sát Đức Phật giống như cái lọng che trên đầu Ngài. Những ngọn gió thổi qua chở theo những bông hoa
từ khắp nơi và rải chúng xuống đất tạo thành tấm thảm hoa trên khắp lối đi. Những chỗ đất cao tự hạ thấp xuống và trở nên bằng phẳng. Những chỗ đất hõm xuống thì tự nó cao lên và ngang bằng với đất xung quanh. Sỏi đá, những mảnh vụn sành sứ, ụ cây đều tự động dời đi chỗ khác.
Khi Đức Phật đặt bàn chân xuống đất thì mặt đất trở nên bằng phẳng, hoặc những hoa sen lớn bằng bánh xe bò khi chạm vào đem lại cảm xúc khả ái, chúng nỗi lên và đỡ lấy bàn chân của Đức Phật.
Ngay khi Đức Phật đặt bàn chân phải của mình xuống ngưỡng cửa của ngôi làng, thị trấn thì hào quang sáu màu từ thân Ngài phát sáng ra. Tựa như có nước vàng hòa tan đổ lên tòa lâu đài mái vuông góc nhọn, hay như toà nhà đang được che phủ bằng những tấm vải lụa nhiều màu xinh xắn. Những tia hào quang ấy tỏa ra làm khắp nơi sáng rực lên. Những con ngựa, voi, chim chóc và những loài thú khác đều cất lên những âm thanh khả ái khi đang ở trong khu vực của chúng. Tương tự, những cây đàn Beluva và những loại nhạc cụ khác đều phát ra những tiếng nhạc khả ái mà không cần đến nhạc công. Những đồ trang sức như vòng đeo cổ, khuyên tai, vòng đeo tay, đeo chân, bằng tay, v.v… được mang trên thân của mọi người tự động ngân lên những âm thanh khả ái. Từ những hiện tượng này, người ta biết rằng: “Hôm nay Đức Phật đi vào làng (hay thị trấn) của chúng ta để khất thực.”
Mọi người ăn mặc xinh đẹp và trang sức lộng lẫy đi ra khỏi nhà mang theo những vật thơm như tràng hoa và những vật cúng dường khác. Họ tụ họp trên con đường chính, trong trung tâm của thành phố và thành kính dâng lên Đức Phật những lễ vật cúng dường. Họ hỏi có bao nhiêu vị tỳ khưu, tùy theo khả năng họ cúng dường vật thực “Bạch chư đại đức! Chúng con xin thỉnh mời mười vị tỳ khưu.” “Chúng con xin thỉnh hai chục vị tỳ khưu.” “Chúng con xin thỉnh một trăm vị tỳ khưu,” v.v … họ cũng thỉnh lấy bát của Đức Phật và sắp đặt những chỗ ngồi để dâng cúng vật thực đến chư Tăng.
Sau khi thọ thực xong, Đức Phật thuyết pháp đến chư thiện tín phù hợp với căn tánh của họ để giúp họ an trú trong Tam quy, Ngũ giới và những tầng thánh nào đó trong bốn tầng Thánh quả. Như vậy,
Đức Phật đã nâng cao tâm linh cho họ bằng cách thuyết pháp đến họ rồi sau đó Ngài trở về tịnh xá.
Về đến tịnh xá, Đức Phật ngồi xuống Phật tọa đã được soạn sẵn trong giả ốc hình tròn ngát hương và đợi đến khi các vị tỳ khưu thọ thực xong. Khi bữa ăn của họ đã xong, vị tỳ khưu thị giả bèn báo tin này đến Đức Phật và Ngài đi vào Hương Phòng.
(Tất cả những công việc này là những sở hành của Đức Phật trong buổi sáng. Ngoài ra còn có những công việc chi tiết khác nhưng không được kể ra ở đây. Những công việc chi tiết ấy được ghi lại trong bài kinh Brahmāya của bộ kinh Majjhima Paṇṇāsa Pāḷi).
(2) Những công việc sau bữa ăn trưa của Đức Phật (Pacchā-bhatta Buddha-kicca)
Khi công việc độ thực đã xong, Đức Phật ngồi vào chỗ đã được vị thị giả soạn sẵn gần Hương phòng (tại chỗ hội họp của các vị tỳ khưu) và rửa chân của Ngài. Khi đứng trên tấm ván rửa chân, Ngài khuyến giáo các vị tỳ khưu như vầy:
“Này các tỳ khưu! Hãy cố gắng hoàn thành ba học pháp bằng Chánh niệm. Quả thật là hy hữu khi được sống trong thời kỳ có Đức Phật xuất hiện trong thế gian. Khó thay được sanh làm người. Khó thay có được đức tin. Khó thay có được đời sống Sa-môn. Khó thay được nghe Chánh Pháp.”
Trong những trường hợp như vậy, một số tỳ khưu hỏi Đức Phật về pháp môn Thiền, và Đức Phật bèn chỉ dạy cho họ những đề mục thiền thích hợp với căn tánh của họ. Sau đó tất cả đảnh lễ rồi đi đến chỗ ngụ riêng của họ, một số đi vào rừng, một số đi đến cội cây, một số đi đến những ngọn đồi, trong khi những vị tỳ khưu khác thì đi đến cõi Tứ đại thiên vương (catummahārājikā), Đạo lợi (tāvatiṃsā), Dạ ma (yāmā), Đâu suất (tusitā), Hóa lạc thiên (nimmānarati) và Tha hóa tự tại thiên (paranimmitavasavattī).
Sau đó Ngài đi vào Hương phòng, và nếu muốn Ngài sẽ nằm nghỉ một lát bằng cách nghiêng mình về bên phải mà không hề xa rời
Chánh Niệm. Khi thân đã được thư giãn, Ngài ngồi dậy và dò xét thế giới hữu tình trong bước thời gian thứ hai của ngày. Tuy nhiên, phần thời gian thứ ba của ngày, dân chúng nơi các làng mạc hay thị trấn nơi mà Đức Phật đến khất thực, họ đi đến tịnh xá mang theo vật thơm, tràng hoa và những thứ cúng dường khác để nghe Ngài thuyết pháp vào buổi chiều. Khi Đức Phật đi vào hội chúng bằng phương tiện siêu phàm và ngồi vào Phật tọa đã được soạn sẵn trong Chánh pháp đường (đó là một giả ốc hình tròn làm nơi để thuyết pháp). Nơi đây, Đức Phật thuyết pháp trong thời gian thích hợp rồi cho thính chúng ra về khi Ngài biết thời gian đã hết. Dân chúng đảnh lễ Đức Phật rồi kính cẩn cáo từ ra về. (Tất cả những công việc này được Đức Phật thực hiện sau bữa ăn).
(3) Những sở hành của Đức Phật trong canh đầu của đêm
(Purima-yāma Buddha-kicca)
Sau khi làm xong mọi phận sự ban ngày sau bữa ăn. Nếu muốn, Đức Phật có thể đi tắm, Ngài đi đến chỗ mà vị thị giả đã chuẩn bị sẵn nước tắm, lấy chiếc y tắm từ tay của vị thị giả rồi đi vào phòng tắm.
Trong khi Đức Phật đang tắm như vậy, vị thị giả bèn khiêng một cái ghế cho Đức Phật và đặt vào một nơi nào đó trong Hương phòng. Sau khi tắm xong, Đức Phật mặc y nội, buộc dây thắt lưng, đắp y vai trái và đắp y Tăng-già-lê rồi Ngài ngồi một mình trên Phật tọa đã được soạn sẵn trong Hương phòng trong chốc lát.
Một lát sau, các vị tỳ khưu từ những chỗ ngụ riêng của họ đi đến hầu Đức Phật. Trong những lúc hội họp như vậy, một số tỳ khưu xin Đức Phật chỉ dạy đề mục thiền, trong khi những vị khác thì thỉnh Ngài thuyết pháp. Đức Phật giúp các tỳ khưu viên mãn ước muốn và trải qua thời kỳ đầu của đêm.
(Đây là sở hành của Đức Phật trong canh đầu của đêm).
(4) Những sở hành của Đức Phật trong canh giữa của đêm
(Majjhima-yāma Buddha-kicca)
Các vị tỳ khưu ra về sau khi đảnh lễ Đức Phật trong canh đầu của đêm, các chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới tranh thủ đi đến Đức Phật để đặt ra những câu hỏi mà họ ấp ủ trong tâm. Họ cũng đưa ra những thắc mắc mà trong đó tối thiểu là bốn mẫu tự. Đức Phật giải đáp tất cả những nghi vấn và thắc mắc của họ không bỏ sót một vấn nạn nào. Như vậy, Đức Phật trải qua canh giữa của đêm theo cách như thế.
(Đây là sở hành của Đức Phật trong canh giữa của đêm)
(5) Sở hành của Đức Phật trong canh cuối của đêm
(Pacchima-yāma Buddha-kicca
Canh cuối của đêm được chia làm ba phần: giai đoạn đầu Đức Phật đi kinh hành để thư giãn cơ thể vì Ngài đã ngồi liên tục suốt đêm; giai đoạn hai Ngài nằm nghỉ nghiêng mình về bên phải trong Hương phòng mà không xa rời chánh niệm; giai đoạn ba, sau khi ngồi dậy Ngài dò xét thế gian hữu tình bằng Phật nhãn để tìm xem những nhân vật đã từng làm những việc đặc biệt như là Bố thí, giữ Giới trong thời gian những vị Phật quá khứ. Đây là bài Chú giải được nêu ra trong các bài Chú giải Saṃyutta, Sīlakkhandha và những tác phẩm khác.
Trích dẫn trong Chú giải Sutta Nipāta như sau:
Thời gian buổi sáng được chia làm bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất Đức Phật đi kinh hành; giai đoạn thứ hai Đức Phật nằm nghỉ với tư thế nghiêng mình bên phải trong Hương phòng mà không rời xa chánh niệm; giai đoạn thứ ba được Ngài sử dụng để nhập thiền quả (arahatta-phala-samāpatti); giai đoạn thứ tư, Ngài nhập vào Đại bi định (mahākaruṇā-samāpatti) và dò xét thế giới hữu tình của Ngài bằng Phật nhãn để xem chúng sanh nào có ít ‘bụi’ trong mắt và chúng sanh nào có nhiều ‘bụi’ trong mắt…
(Đây là sở hành trong canh cuối của Đức Phật).
Chấm dứt năm loại phận sự của Đức Phật
*************
Như vậy, theo thông lệ chư Phật hằng ngày thường làm năm phận sự dù ở bất cứ nơi nào mà các Ngài ngự đến. Theo đúng thông lệ nên Đức Phật của chúng ta cũng vậy. Khi Ngài trải qua mùa an cư thứ mười một, hằng ngày Ngài làm năm phận sự. Một hôm, khi Ngài dò xét thế giới hữu tình bằng Phật nhãn, Ngài trông thấy ông Bà-la-môn Kasibhāradvāja là người có phước adhikara đặc biệt giúp ông ta chứng đắc đạo quả A-la-hán. Khi suy xét thêm, Ngài biết trước như vầy: “Ông Bà-la-môn ngày hôm nay sẽ tổ chức lễ canh điền. Khi Như Lai đến mảnh ruộng đang cày của ông ấy thì cuộc đàm đạo giữa Như Lai và ông ta sẽ xảy ra. Vào lúc kết thúc buổi pháp đàm, nhờ nghe thời pháp của Như Lai, ông ta sẽ đắp y và trở thành vị thánh A-la- hán.” Rồi Đức Phật ở lại tịnh xá Dakkhiṇagiri và chờ cơ hội ấy
Hits: 74