Lược khảo về “kinh điển phi Phật thuyết” trong kinh tạng Nikaya

NSGN -Trong nhiều cách hiểu khác nhau về cụm từ kinh điển phi Phật thuyết, thì cách hiểu, đó là những kinh điển không phải do chính Đức Phật tuyên thuyết, mà do những đệ tử có thẩm quyền của Ngài thuyết giảng, là nghĩa cơ bản được sử dụng trong bài viết này. 

Đã có nhiều hoài nghi xoay quanh về nguồn gốc, cũng như quá trình hình thành một vài bộ kinh Đại thừa, của nhiều nhà nghiên cứu Phật học. Cụ thể, đó là những quan điểm cho rằng, kinh điển Đại thừa được hình thành là do các vị Bồ-tát, hoặc do những luận sư có thẩm quyền trước thuật(1). Và cũng từ đây, đã mở ra một nếp nghĩ không chính thức, khi cho rằng, chỉ có những kinh điển thuộc hệ Đại thừa, mới có những bản kinh không phải do chính Đức Phật tuyên thuyết. Đây là một nếp nghĩ chưa thấu đạt, tinh tường. Vì lẽ, khi khảo sát bốn bộ kinh Nikaya, chúng tôi đã phát hiện ra có khá nhiều kinh văn không phải do chính Đức Phật tuyên thuyết.

Về số lượng kinh điển

Từ kết quả khảo sát bước đầu cho thấy: 

– Kinh Trường bộ có 6 kinhBao gồm: kinh Subha, số 10; kinh Tệ-túc, số 23; kinh Tự hoan hỷ, số 28; kinh A-sá-nang-chi, số 32; kinh Phúng tụng, số 33 và kinh Thập thượng số 34. 

– Kinh Trung bộ có 31 kinhBao gồm: kinh Không uế nhiễm, số 5; kinh Chánh tri kiến, số 9; kinh Tư lượng, số 15; kinh Mật hoàn, số 18; kinh Trạm xe, số 24; Đại kinh dụ dấu chân voi, số 28; Đại kinh Phương quảng, số 43; Tiểu kinh Phương quảng, số 44;kinh Hàng ma, số 50;kinh Bát thành, số 52;kinh Hữu học, số 53; kinh Gulissani, số 69;kinh Sandaka, số 76;kinh Ratthapala, số 82; kinh Madhura, số 84; kinh Bahitika, số 88; kinh Pháp trang nghiêm, số 89;kinh Bhrahmayu, số 91;kinh Ghotamukha, số 94;kinh Dhananjani, số 97;kinh Gopaka Moggallana, số 108;kinh Hành trì không nên hành trì, số 114; kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp, số 123; kinh Bạc Câu La, số 124;kinh A Na Luật, số 127; kinh Đại Ca Chiên Diên nhất dạ hiền giả, số 133; kinh Tổng thuyết và biệt thuyết, số 138; kinh Phân biệt về sự thật, số 141;kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, số 143;kinh Giáo giới Channa, số 144;kinh Giáo giới Nandaka, số 146. 

– Kinh Tăng chi bộ, có 23 kinh. Bao gồm: chương 2 pháp, phẩm Tâm thằng bằng, kinh Đất, phần 6; chương 3 pháp, phẩm Người, kinh Chứng thực với thân; chương 3 pháp, phẩm Ananda, kinh Tà mạng đệ tử; chương 3 pháp, phẩm Ananda, kinh Người họ Thích; chương 3 pháp, phẩm Ananda, kinh Vị lõa thể; chương 4 pháp, phẩm Các căn, kinh Thối đọa; chương 4 pháp, phẩm Các căn, kinh Tỳ-kheo-ni; chương 4 pháp, phẩm Đại hành, kinh Gắn liền cột chặt; chương 4 pháp, phẩm Tư tâm sở, kinh Kotthita; chương 4 pháp, phẩm Tư tâm sở, kinh Upavana; chương 4 pháp, kinh Niết-bàn; chương 4 pháp, Đại phẩm, kinh Các vị Sapuga; chương 5 pháp, phẩm Năm phần, kinh Giải thoát xứ; chương 6 pháp, phẩm Dhammika, kinh Mahacunda; chương 9 pháp, phẩm Chánh giác, kinh Tôn giả Nandaka; chương 9 pháp, phẩm Chánh giác, kinh Cần phải thân cận; chương 9 pháp, Đại phẩm, kinh Niết-bàn; chương 10 pháp, phẩm Lớn, kinh Những câu hỏi lớn (2); chương 10 pháp, phẩm Tâm của mình, kinh Tổn giảm; chương 10 pháp, phẩm Song đôi, kinh Tại Nalakapàna (1); chương 10 pháp, phẩm Trưởng lão, kinh Nói lên chánh trí; chương 10 pháp, phẩm Trưởng lão, kinh Khoe khoang; chương 10 pháp, phẩm Trưởng lão, kinh Câu hỏi về chánh trí.

– Kinh Tương ưng bộ, có 16 kinh. Bao gồm: tập 1, chương 1, Tương ưng chư thiên, phẩm Quần tiên, kinh Lòng tin; tập 1, chương 1, Tương ưng chư thiên, phẩm Quần tiên, kinh Tụ hội; tập 1, chương 1, Tương ưng chư thiên, phẩm Quần tiên, kinh Miếng đá vụn ; tập 1, chương 1, Tương ưng chư thiên, phẩm Quần tiên, kinh Con gái của Pajjunna; tập 1, chương 1, Tương ưng thiên tử, phẩm Các ngoại đạo, kinh Jantu; tập 1, chương 9, Tương ưng rừng, kinh Viễn ly; tập 1, chương 9, Tương ưng rừng, kinh Ananda; tập 1, chương 9, Tương ưng rừng, kinh Sen hồng hay sen trắng; tập 1, chương 10, Tương ưng Dạ-xoa, kinh Sukka; tập 3, chương 1, Tương ưng uẩn, phần a, Năm mươi kinh căn bản, phẩm Nakulapita, kinh Nakulapita; tập 3, chương 1, Tương ưng uẩn, phần a, Năm mươi kinh căn bản, phẩm Nakulapita, kinh Hàliddikàni; tập 3, chương 1, Tương ưng uẩn, phần e, phẩm Trưởng lão, kinh Khemaka; tập 4, chương 1, Tương ưng sáu xứ, phần g, phẩm Rắn độc, kinh Dục lậu; tập 4, chương một, Tương ưng sáu xứ, phần b, phần 2, Năm mươi kinh thứ hai,Phẩm thế giới dục công đức, kinh Lohicca; tập 4, chương 1, Tương ưng sáu xứ, phần b, phần 2, Năm mươi kinh thứ hai,phẩm Thế giới dục công đức, kinh Verahaccàni; tập 4, chương 4, Tương ưng Jambukhàdaka, kinh Nibbana.

Như vậy, qua khảo sát sơ bộ, hiện có 76 kinh phi Phật thuyết trong bốn bộ Nikaya. Thực ra, số lượng kinh phi Phật thuyết trong bốn bộ Nikaya còn gấp nhiều lần như thế. Vì lẽ, do tính chất đặc thù và số lượng phong phú của hai bộ kinh Tăng chi và Tương ưng, nên chúng tôi chỉ khảo sát hai bộ kinh này mang tính chọn điểm, trên một số khu vực hạn định.

Về tác giả, bối cảnh xuất hiện, tính chất và niên đại

Thành phần tác giả của những kinh văn phi Phật thuyết rất phong phú, đa dạng, bao gồm các đại đệ tử của Đức Phật cho đến các vị Thiên, quốc vương và ngay cả hàng Bà-la-môn ngộ đạo. Có thể điểm qua một số tôn danh như: Tôn giả Kumàra Kassapa(2), tôn giả Sariputta(3), Tôn giả Maha Moggallana(4), Tôn giả Ananda(5), Tôn giả Maha Kaccana(6), Tôn giả Anuruddha(7), Tôn giả Bakkula(8), tôn giả Nandaka(9),  Tôn giả Ratthapala(10), Tôn giả Udena(11), Tỳ-kheo-ni Dhammadinna(12), Tỳ-kheo-ni Sukka(13), Tỳ-kheo-ni Kajangalà(14) Đại vương Vessavana(15), Vua Pasenadi(16), Bà-la-môn Bhrahmayu(17) và đông đảo chư Thiên(18).

Về bối cảnh xuất hiện những bài kinh do đệ tử Phật tuyên thuyết cũng rất phong phú. Thứ nhất, đôi khi Đức Phật bị đau lưng nên đã chỉ định các đệ tử thay Ngài thuyết giảng(19). Thứ hai, có lúc vì thấy Như Lai không khỏe nên các đệ tử đã chủ động thay Ngài thuyết giảng cho người cầu pháp(20). Thứ ba, các vị Thánh đệ tử trên bước đường du hóa, do yêu cầu của tha nhân nên đã tùy nghi thuyết giảng(21). Thứ tư, Đức Phật chỉ dạy những điểm căn bản, vắn tắt, và sau đó có một vị Thánh đệ tử mở rộng ý nghĩa này ra(22). Thứ năm, trong một số trường hợp đặc biệt, có những vị đệ tử tự thuật lại nguyên nhân mình đến với Đạo, hoặc tôn vinh Đức Phật, hoặc cống hiến những giải pháp nhằm hộ trì Tam bảo. Những sự kiện đó chuyên chở chất liệu phạm hạnh, đem đến mục tiêu giải thoát cho nhiều người, nên cũng được xác lập như những bản kinh(23).

Trong những trường hợp vừa nêu, có những bản kinh sau khi các đệ tử tuyên thuyết, thì được Đức Phật ấn chứng và đôi lúc không có được sự ấn chứng cần thiết này. Ở đây, có một đặc điểm dễ nhận thấy, đó là những bản kinh thuộc dạng này, phần lớn là sự trùng tuyên, hoặc mở rộng, giải nghĩa những giáo lý căn bản như Duyên sinh, Vô thường, Vô ngã, Tứ đế… mà Đức Phật đã giảng dạy trước đó. Đây là thuộc tính quan trọng của những bộ kinh này. Nói rõ hơn, mặc dù mang danh là những bộ kinh do đệ tử Đức Phật tuyên thuyết, thế nhưng phần lớn chỉ là sự quảng diễn những giáo nghĩa căn bản, mà Đức Phật là người đầu tiên đã phát kiến ra.

Xét về thời điểm xuất hiện, thì phần lớn những kinh văn phi Phật thuyết ra đời trong khi Đức Phật còn tại thế. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, thì ít nhất có bốn bản kinh ra đời trong bối cảnh đặc biệt. Đó là những trường hợp, mặc dù Đức Phật đã nhập Niết-bàn, nhưng các đệ tử của Ngài vẫn còn độc lập thuyết kinh. Đó là bài kinh Subha, số 10, thuộc tập 1 trong kinh Trường bộ, do tôn giả Ananda tuyên thuyết. Ba bài kinh còn lại đều nằm trong kinh Trung bộ. Đó là kinh Madhura, số 84 do Tôn giả Maha Kaccana thuyết giảng, kinh Ghotamukha, số 94, do Tôn giả Udena thuyết giảng và cuối cùng là kinh Gopaka Moggallana, số 108 do Tôn giả Ananda thuyết giảng.

Từ sự kiện này cho thấy, mặc dù Đức Phật đã diệt độ, nhưng các đệ tử của Ngài có đủ năng lực tuệ giác, vẫn có thẩm quyền thuyết giảng kinh điển. Theo chúng tôi, đây là một trong những cơ sở làm tiền đề, để các bộ kinh điển thuộc hệ Đại thừa xuất hiện về sau.

Kết luận

Từ khảo sát bước đầu cho thấy, kinh tạng Nikaya không chỉ lưu lại những bài kinh do chính Đức Phật tuyên thuyết, mà còn bao hàm nhiều bài kinh của những đệ tử của Ngài, hiện được trân trọng giữ gìn trong Kinh tạng. Mặc dù thể loại này chiếm một số lượng khá khiêm tốn như khảo sát đã chỉ ra, nhưng qua đó đã cho thấy, tạng kinh Nikaya cũng còn nhiều vấn đề cần phải khảo cứu, mà cụ thể là đối với những bản kinh không phải do chính Đức Phật tuyên thuyết.

Trên một phương diện khác, cần phải thấy rằng, chân lý mà Đức Phật thân chứng không hẳn chỉ gói gọn trong Ba tạng kinh điển Nikaya. Chiêm nghiệm sâu thêm lời dạy của Đức Phật, khi Ngài so sánh những điều mà Ngài đã thắng tri thì nhiều vô số như lá trong rừng, còn những điều mà Ngài đã dạy thì ít ỏi như lá trong tay(24). Ẩn dụ này đồng thời chuyên chở một thông điệp quan trọng, gián tiếp cho phép các vị Thánh đệ tử đầy đủ năng lực tuệ giác, có thể triển khai và chỉ bày chân lý.

Từ bốn bài kinh do nhưng cao đệ của Đức Phật thuyết giảng sau khi Ngài viên tịch, được phát hiện từ việc khảo sát(25), đã mở ra một hướng lý giải về những tồn nghi, xoay quanh những bộ kinh có niên đại xuất hiện khá muộn, trong dòng chảy của các kinh văn thuộc hệ phát triển, Đại thừa. Ở đây, mặc dù có những bản kinh xuất hiện sau khi Đức Phật nhập diệt, do các vị Thánh đệ tử tuyên thuyết, nhưng khoan vội quy kết cho rằng, nội dung của chúng trái ngược với tôn chỉ căn bản của Đức Thế Tôn. Với tinh thần đó, người học Phật cần có một thái độ tỉnh táo và cân nhắc, trong khi tiếp cận với tư liệu kinh văn của các truyền thống Phật giáo.

Tin được kinh giáo là điều khó, thế nhưng tin một cách có chọn lọc, có thẩm sát, là tâm thế cần có của bất cứ ai khi dấn thân học Phật.  

 Chú thích

(1) Đó là trường hợp kinh Hoa nghiêm, tương truyền là do ngài Long Thọ trước thuật.

(2) Kinh Trường bộ, kinh Tệ túc, số 23.

(3) Kinh Trường bộ: kinh Tự hoan hỷ, số 28, kinh Phúng tụng, số 33, kinh Thập thượng số 34. Ở Trung bộ: kinh Không uế nhiễm, số 5; kinh Chánh tri kiến, số 9; kinh Trạm xe, số 24; Đại kinh dụ dấu chân voi, số 28; Đại kinh Phương quảng, số 43; kinh Gulisani, số 69; kinh Dhananjani, số 97; kinh Hành trì không nên hành trì, số 141; kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, số 143; kinh Giáo giớiChanna, số 144.

(4) Kinh Trung bộ: kinh Tư lượng, số 15, kinh Hàng ma, số 50.

(5) Kinh Trường bộ: kinh Subha, số 10. Ở Trung bộ: kinh Bát thành, số 52; kinh Hữu học, số 53; kinh Sandaka, số 76; kinh Bahitika, số 88; kinh Golaka Moggallana, số 108; kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp, số 123.

(6) Kinh Trung bộ: kinh Mật hoàn, số 18; kinh Madhura, số 84; kinh Ca Chiên Diên nhất dạ hiền giả, số 133; kinh Tổng thuyết và biệt thuyết, số 138.

(7) Kinh Trung bộ: kinh A Na Luật, số 127.

(8) Kinh Trung bộ: kinh Bạc Câu La, số 124.

(9) Kinh Trung bộ: kinh Giáo giới Nadakasố 146.

(10) Kinh Trung bộ: kinh Ratthapala, số 82

(11) Kinh Trung bộ: kinh Ghotamukha, số 94.

(12) Kinh Trung bộ: Tiểu kinh phương quảng, số 44.

(13) Kinh Tương ưng, tập 1, chương 10, Tương ưng Dạ xoa, kinh Sukka.

(14) Kinh Tăng chi, chương 10 pháp, phẩm Lớn, kinh Những câu hỏi lớn.

(15) Kinh Trường bộkinh A-sá-nang-chi,số 32.

(16)Kinh Trung bộ: kinh Pháp trang nghiêm, số 89.

(17) Kinh Trung bộ: kinh Bhrahmayu, số 91.

(18 Kinh Tương ưng, tập 1, chương 1, Tương ưng chư Thiên, phẩm Quần tiên.

(19) Đó là trường hợp được ghi lại trong bài kinh Phúng tụng, số 33, thuộc Trường bộ. Trường hợp khác, Đức Phật cũng bị đau lưng nên chỉ định Tôn giả Moggallana thuyết giảng thay Ngài. Trường hợp này xuất hiện trong bài kinh Hữu học, số 53, thuộc kinh Trung bộ.

(20) Kinh Tăng chi, chương 3 pháp, phẩm Ananda, kinh Người họ Thích.

(21) Kinh Trung Bộ, Tiểu kinh phương quảng, số 44.

(22) Xem thêm, kinh Mật hoàn, số 18.

(23) Xem thêm, kinh Trung bộ, kinh Ratthapala, số 82; kinh Pháp trang nghiêm, số 89; kinh Brahmayu, số 91; kinh Trường bộ, kinh A-sá-nang-chi, số 32.

(24) Kinh Tương ưng, tập 5, chương 12, Tương ưng sự thật, phần a, phẩm Rừng Simsapa, kinh Simsapa.

(25) Kinh Trường bộ, kinh Subha, số 10; kinh Trung bộ, kinh Madhura, số 84; kinh Trung bộ, kinh Ghotamukha, số 94; kinh Trung bộ, kinh Gopaka Moggallana, số 108.Chúc Phú

Hits: 32