Pháp “Niệm Phật” trong Kinh tạng Nikaya

Pháp “Niệm Phật” trong Kinh tạng Nikaya (tapchinghiencuuphathoc.vn)

Pháp “Niệm Phật” trong Kinh tạng Nikaya

Niệm Phật là một pháp môn dễ học, dễ tu, được đức Phật dạy rất sớm, rất nhiều trong các kinh, từ kinh Nikaya hệ thống ngôn ngữ Pali của Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Nam tông) đến kinh A Hàm, kinh Đại thừa thuộc hệ thống ngôn ngữ tiếng Phạn (Sanskrit) Phật giáo Phát triển (Phật giáo Bắc tông).

Bài viết sẽ tìm hiểu Pháp niệm Phật trong kinh Nikaya. Nikaya là tạng kinh của Phật giáo Nguyên thủy gồm có năm bộ là Tiểu Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Trường Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tương Ưng Bộ Kinh.

Kinh Tiểu Bộ, đức Phật dạy:

“Này các Tỳ kheo, có một pháp, nếu được tu tập, và được làm cho viên mãn, đưa đến hoàn toàn yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, Giác ngộ, Niết bàn. Thế nào là một Pháp? Chính là niệm Phật”[1].

Đoạn Kinh Tiểu Bộ này đức Phật dạy có một pháp đó là niệm Phật, nếu ai tu tập, tu tập thành công, viên mãn thì sẽ đoạn diệt phiền não, tâm được thanh tịnh, trí huệ khai mở, đạt đến giác ngộ, Niết Bàn.

Như vậy, chúng ta thấy Pháp niệm Phật đã được đức Phật dạy trong kinh tạng Nikaya mà cụ thể là Kinh Tiểu Bộ. Pháp niệm Phật trong kinh Nikaya cũng rất rốt ráo, viên mãn, nếu như tu tập thành công thì đạt được Giác ngộ, Niết Bàn.

Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy:

“Có một pháp, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, Giác ngộ, Niết bàn”[2].

Nội dung đoạn Kinh Tăng Chi này giống như đoạn Kinh Tiểu Bộ ở trên, nhưng được trích ra đây để chứng minh, khẳng định Pháp niệm Phật được đức Phật dạy nhiều lần, nhiều bộ Kinh để thấy được giá trị, tầm quan trọng của Pháp niệm Phật. Trong Kinh Tiểu Bộ và Kinh Tăng Chi, đức Phật đều khẳng định ai tu Pháp niệm Phật thành công, viên mãn thì sẽ diệt trừ phiền não, tâm được thanh tịnh, trí huệ phát sinh và đạt đến giác ngộ, Niết bàn.

Lại Kinh Tăng Chi, đức Phật dạy:

Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai:

Ðây là Thế Tôn, bậc A La Hán, Chính Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”[3].

Đoạn Kinh Tăng Chi này đức Phật dạy cách tu cụ thể của Pháp niệm Phật. Niệm Phật ở đây là niệm và quán chiếu đời sống thực hành như Phật. Đó là niệm Phật. Ngoài ra, niệm hồng danh mười hiệu của Như Lai. Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Chư Phật, khi các Ngài tu hành thành Phật đều có đầy đủ mười hiệu này. Người phật tử hàng ngày niệm mười danh hiệu Phật, hay tưởng nhớ ân đức mười hiệu Phật.

Ý nghĩa mười danh hiệu Phật:

  1. A La Hán (Ứng Cúng): Đức Phật xứng đáng thọ sự cúng dường của chúng sinh.
  2. Chánh Biến Tri: Đức Phật hiểu biết tất cả một cách chân chính.
  3. Minh Hạnh Túc: Đức Phật tu tập đầy đủ trí tuệ và phước đức.
  4. Thiện Thệ: Đức Phật là bậc đã vượt qua tất cả.
  5. Thế Gian Giải: Đức Phật hiểu biết tất cả pháp thế gian.
  6. Vô Thượng Sĩ: Đức Phật là bậc trên hết, trong tất cả thánh phàm không ai bằng Phật.
  7. Điều Ngự Trượng Phu: Đức Phật giáo hóa điều phục những người khó điều phục, hay những người tri thức cao quý.
  8. Thiên Nhân Sư: Đức Phật là bậc thầy của chư thiên và loài người.
  9. Phật: Đức Phật là bậc giác ngộ trên ba phương diện là tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.
  10. Thế Tôn: Đức Phật được mọi loài tôn trọng quý mến.

Tuy mười hiệu này là danh hiệu chung của Chư Phật. Nhưng chúng ta ở vào thường kỳ giáo pháp của đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, nên ý nghĩa niệm tưởng ở đây là niệm tưởng đức từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Mi là chủ yếu.

Kinh Tương Ưng, đức Phật dạy:

“11) Và này các Tỳ kheo, Ta nói như sau: Này các Tỳ kheo, khi các ông đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: “Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.

12) Này các Tỳ kheo, khi các ông niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt”[4].

Pháp niệm Phật ở đoạn Kinh Tương Ưng này giống Pháp niệm Phật của Kinh Tăng Chi ở trên, nghĩa là niệm mười hiệu của Như Lai, hay nói cụ thể là niệm mười hiệu của đức Phật Bổn Sư. Đức Phật dạy, khi tâm chúng ta đau khổ, sợ hãi, bất an thì hãi niệm tưởng mười danh hiệu của Ngài thì tâm sẽ được bình an.

Chúng sinh, chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay trôi lăn trong sinh tử luân hồi, chịu nhiều đau khổ là do vọng tưởng dẫn dắt, trói buộc. Vọng tưởng là những suy nghĩ, tưởng tượng ở trong tâm, tuy nó không hình không tướng nhưng nó chi phối chúng ta. Hôm nay, người tu muốn được giác ngộ giải thoát thì phải buông bỏ, diệt trừ những vọng tưởng này. Đức Phật dạy nhiều pháp tu tập mục đích để diệt trừ vọng tưởng, phiền não. Pháp niệm Phật là một trong những pháp diệt trừ vọng tưởng, phiền não.

Vọng tưởng, phiền não của chúng sinh, chúng ta là tham, sân, si, ngũ dục, lục trần. Hôm nay người tu Pháp niệm Phật, hàng ngày tâm luôn nhớ Phật, niệm Phật, tưởng Phật thì tâm không còn niệm tưởng những thứ xấu xa ở trên, và một ngày nào đó chúng sẽ bị tiêu diệt, khi đó người tu sẽ được giác ngộ, giải thoát.

Qua những đoạn kinh được trích dẫn ở trên, chúng ta thấy Pháp niệm Phật đã được đức Phật dạy trong kinh tạng Nikaya của Phật giáo Nguyên thủy. Chính Pháp niệm Phật này là cơ sở, nền tảng để đến thời kỳ Phật giáo Phát triển hay còn gọi là Phật giáo Bắc tông, Pháp niệm Phật phát triển rực rỡ và trở thành một tông phái lớn là Tịnh độ tông?

Tác giả: Thích Chiếu Nguyện

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 11/2019

———————————————————————–

[1] Thích Minh Châu (dịch), (2001), Kinh Tiểu Bộ, Tập IV, Nxb TP. HCM, trang 14.

[2] Thích Minh Châu (dịch), (2005), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập I, Nxb Tôn giáo, trang 64.

[3] Thích Minh Châu (dịch), (2005), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập III, Nxb Tôn giáo, trang 14.

[4] Thích Minh Châu (dịch), (2000), Kinh Tương Ưng Bộ, Tập I, Nxb Tôn Giáo, trang 485.Thẻ tìm kiếm: Số tháng 11/2019

Hits: 24