Ví dụ về an tâm trong tổ thiền
” ĐEM TÂM RA TA AN CHO “.
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Quốc chín năm ngồi quay mặt vào vách ở Thiếu Lâm. Sau này có ngài Thần Quang đến hỏi đạo, được thu nhận làm đồ đệ, và được đổi tên là Huệ Khả.
Một hôm Huệ Khả bạch với Tổ Bồ-đề- đạt-ma: “Bạch Hòa thượng, tâm con không an, nhờ Hòa thượng dạy con phương pháp an tâm.” Đây là chúng tôi muốn nói thẳng vào đạo sĩ chấp tâm. Tất cả chúng ta nếu biết tu thì người nào cũng khổ sở về chỗ tâm không an.
Tụng kinh, niệm Phật, trì chú gì tâm cũng bất an. Giờ đây làm sao mà an tâm? Khi xưa chính Tổ Huệ Khả ngồi thiền quên ăn quên ngủ mà tâm vẫn không an. Vì vậy khi được thu làm đồ đệ, câu hỏi đầu tiên và có thể là quan trọng nhất của đời Ngài là cầu xin “Phương pháp an tâm”. Làm sao học được phương pháp an tâm, đó mới là an ổn, đó mới là cái chủ yếu của Ngài nhắm.
Ngài hỏi với một lòng thiết tha như vậy, mà Tổ Bồ-đề- đạt-ma chỉ trả lời: “Đem tâm ra ta an cho”. Nhưng ngài Huệ Khả đâu dám xem thường. Lâu nay mình nói tâm không an, hiện nay tìm lại xem nó ở đâu. Tìm tới tìm lui, tìm hoài nó mất tăm mất dạng, Ngài đành trả lời: “Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.”
Tổ Bồ-đề-đạt-ma chỉ nói một câu nhẹ: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Liền đó Tổ Huệ Khả ngộ được phương pháp an tâm.
Như vậy ai đọc lịch sử Thiền tông đến chỗ này, thấy nó lạ lùng bí mật làm sao! Tại sao tâm ngài Huệ Khả đang bị xao xuyến loạn động, Ngài thành thật thiết tha cầu Tổ dạy cho phương pháp an tâm, Tổ không chịu dạy, chỉ bảo: “Đem tâm ra ta an cho”. Ngài tìm mãi không được, nói: “Con tìm tâm không được”, thì Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Ngài Huệ Khả liền ngộ. Vậy ngộ tại chỗ nào?
Hiện nay nghe như vậy chúng ta có ngộ chưa? Chúng ta nghe thì ngẩn ngơ không biết Tổ nói cái gì. Thế thì câu nói: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi” là câu nói đùa hay là câu nói thật? Ngài đã nói tìm tâm không được, tại sao Tổ bảo “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”?
Thật tình ai nghe câu nói này, đều không hiểu chi hết. Nhưng từ ngày Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền Thiền tông vào Trung Hoa đến nay gần hai ngàn năm rồi, câu nói đó vẫn là câu nói bất hủ. Nhưng người thường đọc thì thấy lạ đời, như là câu nói vô nghĩa. Trước khi giải thích, chúng tôi dẫn một câu chuyện khác ở trong kinh để quí vị khám phá từ từ về câu nói đó.
Trong kinh Lăng Nghiêm có một đoạn đức Phật dùng ví dụ: Một sáng nọ có anh chàng Diễn-nhãđạt- đa đứng trước mặt gương nhìn vào, thấy đầu mặt của anh hiện rõ trong gương; một lát úp mặt gương lại anh thấy đầu mặt mất, hốt hoảng điên lên ôm đầu chạy la: Tôi mất đầu, tôi mất đầu!
Chúng ta nghe Phật thuật câu chuyện đó có lý hay vô lý, chúng ta có điên như anh chàng đó hay không? Ví dụ này mới nghe qua dường như ngớ ngẩn, không gần với thực tế, nhưng thật sự là thực tế một trăm phần trăm. Tại sao vậy? Tất cả chúng ta hiện giờ đều là hiện thân của chàng Diễn-nhã-đạt-đa ôm đầu chạy la mình mất đầu. Tại sao?
Sở dĩ Diễn nhã- đạt-đa điên là vì nhận lầm cái bóng đầu và mặt trong gương là thật đầu mặt của chính mình. Bởi nhận lầm như vậy nên khi mất cái bóng ấy thì hoảng hốt điên lên, la mình mất đầu. Nếu anh chàng đó biết rõ bóng trong gương chỉ là bóng thôi thì anh có điên không?
Cũng như tất cả chúng ta khi nhìn vào gương thấy đầu mặt mình trong gương, biết cái đó là bóng thì khi bóng mất mình có điên bao giờ đâu? Sở dĩ anh chàng Diễn-nhã-đạtđa điên lên là vì cho đầu mặt trong gương là thật, bởi tưởng là thật cho nên khi mất hoảng la lên thành điên.
Cũng như vậy, giả sử chúng tôi hỏi cái gì là tâm của quí vị, quí vị sẽ trả lời làm sao? Quí vị thường nói tâm tôi suy nghĩ, tâm tôi phán đoán. Vậy có phải cái suy nghĩ, cái phán đoán, cái tính toán v.v… là tâm của mình hay không? Ở đây chúng tôi hỏi, quí vị có thể lắc đầu.
Nhưng khi ra về nói chuyện với nhau, quí vị sẽ bảo tâm tôi nghĩ thế này, tâm tôi nghĩ thế kia. Quí vị chấp nhận cái nghĩ đó là tâm của mình một trăm phần trăm. Nó là tâm mình, nó phải thật vì mình là thật. Nhưng tại sao khi tìm lại thì không thấy nó? Nếu nó không thật thì làm sao nói nó là mình được?
Trong bài giảng hôm nay, chính chỗ này khó thật là khó, nếu quí vị chịu khó nghe thì sẽ có giá trị vô cùng. Đây là một vấn đề hết sức là khó, không phải thật bản chất nó khó, mà vì cái mê lầm của mình quá sâu dày cho nên chúng ta nghe không thâu vào được.
Như vậy cái mà chúng ta chấp nhận là tâm mình hoàn toàn là cái suy nghĩ phân biệt.
Trong kinh Lăng Nghiêm, chính ngài A-nan thuở xưa cũng nói như vậy. Phật hỏi: “Cái gì là tâm của ngươi?” Ngài thưa: “Chính cái hay suy nghĩ là tâm của con.” Ngài bị Phật quở, Phật bác luôn bảy chỗ chỉ tâm của Ngài.
Chúng ta hiện nay cũng như thế. Ngay chính Tổ Huệ Khả cũng cho cái suy nghĩ là tâm của mình. Vì vậy Tổ Bồ-đề-đạt-ma không cần dạy, chỉ bảo “Đem tâm ra, ta an cho”.
Nếu thật là tâm ông thì ông cứ đưa ra đây. Nhưng khi tìm nó, thì mất tiêu không bóng không hình. Đã không bóng không hình thì làm sao đưa ra được . Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Ngài Huệ Khả liền ngộ. Quí vị có thấy con đường của Tổ Huệ Khả ngộ pháp an tâm chưa?
Vì cho bóng là mình, cho nên chúng ta mới điên cuồng, nếu biết bóng là bóng, không thật, thì điên cuồng tự hết. Nếu chúng ta chấp nhận vọng tưởng là tâm của mình thật, nó dẫn chúng ta chạy từ nơi này đến nơi khác.
Nếu biết rõ vọng tưởng không phải là tâm của mình thật, chỉ là bóng dáng của sáu trần thì nó hết khả năng lôi cuốn mình. Như vậy không phải an tâm là gì? Nói là phương pháp an tâm mà thật không phương pháp chi hết, chỉ là nhìn đúng lẽ thật, biết đúng lẽ thật thì chúng ta đã an tâm rồi.
Lâu nay chúng ta nhận lầm kẻ giặc làm con, nên nó phá hết sự nghiệp khiến chúng ta đau khổ. Giờ đây chúng ta biết nó là giặc, không lầm nữa thì nó còn hại gì mình được đâu. Vọng tưởng vừa dấy lên, chúng ta biết nó là hư giả, không thật thì nó tự an liền, không cần phải đè dẹp.
Như vậy an tâm mà không có phương pháp chi hết.
Sở dĩ lâu nay chúng ta dùng phương pháp này đè, dùng phương pháp kia dẹp, mà vọng tưởng cứ bừng dậy hoài tại vì chúng ta thấy nó là thật. Cũng như đứa giặc, đứa trộm mà chúng ta tưởng nó là con ruột của mình, cho nên hôm nay chúng ta mất vật này, ngày mai mất vật khác, rồi chúng ta rầy nó.
Nghĩa là ngày nào còn chứa kẻ trộm ở trong nhà là ngày đó chúng ta còn bị mất đồ, bị khổ sở. Chỉ cần biết nó là kẻ trộm, đuổi ra khỏi nhà thì tự nhiên hết mất đồ, hết khổ sở. Chỉ chừng ấy việc quí vị thấy tu có khó không?
Chỉ cần nhận đúng lẽ thật, biết rõ mặt thật của vọng tưởng, chúng ta đã biết tu rồi.
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ
Hits: 42