4 điều Phật không làm được !
Có một đệ tử hỏi Phật rằng : “Ngài có thần thông và từ bi, vì sao vẫn còn những kẻ chịu khổ vậy?”
-Phật rằng : “Ta tuy có sức thần thông rất lớn ; nhưng có bốn điều là vẫn không thể thực hiện được, chính là :
- Nhân quả không thể đổi thay, tự gieo nhân thì tự nhận quả, người khác không thể nhận thay.
- Trí tuệ không thể cho được, bất kỳ ai muốn có trí tuệ thì phải tự mình tu, học.
- Diệu pháp không thể diễn tả được, Bản thể chân thật của vũ trụ dùng ngôn ngữ không thể cắt nghĩa mà hiểu được, chỉ có thể dựa vào thực chứng mà thôi.
- Không có duyên thì không thể độ, người không có duyên thì họ không bao giờ nghe những lời nói mà ta chia sẻ. Mưa trời tuy lớn, cây không rễ khó mà thấm nước ; Phật môn tuy rộng mở, khó độ người vô duyên.
3 điều theo chùa Giác Ngộ ( TT Thích Nhật Từ)
Tối ngày 4/4/2019 (30/02 Kỷ Hợi) chùa Giác Ngộ tổ chức sám hối và thuyết pháp định kỳ với đề tài: “NẾU CÓ BA ĐIỀU ĐỨC PHẬT KHÔNG LÀM ĐƯỢC THÌ CHÚNG TA LÀM GÌ” gắn liền với trách nhiệm tu học để giải quyết vấn nạn khổ đau cá nhân mở ra an vui, hạnh phúc.
Một là “Không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh”. Kinh Trường Bộ phê phán “thuyết định mệnh” mà cho rằng những điều con người trải nghiệm trong đời này phụ thuộc hoàn toàn vào các nhân duyên đã tạo trong quá khứ. Nhờ vào sự siêng năng tu tập đạo đức quý hành giả có thể khai mở được trí tuệ và làm mới cuộc sống bằng những thiện sự đối lập tương đương, bất kì ai muốn có trí tuệ phải tinh tấn tu tập.
Hai là “Không thể độ người không có duyên với Phật pháp”. Phật nói không thể độ thoát cho những chúng sinh mà Ngài không có duyên độ họ, nên chúng sinh phải tự tạo nhân duyên vào Phật pháp, thực hành giáo pháp, thực lòng muốn được hóa độ, thể hiện trách nhiệm tu học, cam kết chuyển hoá chính mình bằng sự nỗ lực nghiêm túc.
Ba là “Không thể độ được hết thảy chúng sinh” vì lời phát nguyện “độ chúng sinh” chỉ có nghĩa là đem ngọn đèn trí tuệ đi giáo hóa chúng sinh. Nhưng chúng sinh nghiệp lực sâu dày, không thể nghe được chân lý để tự tu tập do đó nhân quả sinh khởi trùng trùng không bao giờ dứt. Như vậy, hành giả cần trao dồi thực hành theo kinh điển để giải quyết các vấn nạn trong đời sống, đề cao phương diện tự tu tập thân – khẩu – ý mở ra trí tuệ trong đời sống tu học và phụng sự của quý hành giả.
Sau thời pháp thoại, Tăng đoàn và Phật tử bước vào thời khoá tụng niệm kinh sám hối.
Tin:Liên Nhi ; ảnh: Ngộ Trí Thuận
Hits: 166