Suy ngẫm về việc "từ thiện" qua câu chuyện có thật


“Cô ơi! Cô làm ơn giúp mua dùm con hết thúng đậu nấu này để con có thể về nhà sớm trước khi trận mưa lớn đổ xuống”.

Làm từ thiện là một việc làm cần phải có ở mỗi người con Phật chơn chánh, tuy nhiên khi làm từ thiện, người Phật tử chúng ta cũng cần phải biết tùy vào công việc từ thiện chúng ta làm, và đối tượng của chúng ta đã giúp qua nhiều cách mà không để người thọ ơn có cảm nhận là mình thua kém.

Để tránh sự việc không may có thể xảy ra, chúng tôi xin kể một câu chuyện dưới đây để cùng chung tham khảo.

Có lần đi Nha Trang thăm bà con trong chuyến về Việt Nam cách đây cũng không lâu. Vào một buổi tối nọ, ngoài trời mây đen đã phủ hết bầu trời bên ngoài, và sẽ mưa trong giây lát.

Chúng tôi ghé vào một quán ăn tối ở gần đó, đang ngồi ăn thì có một cô bé khoảng mười bốn mười lăm tuổi đến gần bên chúng tôi và nói là: Cô ơi! Cô làm ơn giúp mua dùm con hết thúng đậu nấu này để con có thể về nhà sớm trước khi trận mưa lớn đổ xuống“.

Lúc đó, chúng tôi suy nghĩ. Nếu mua cả thúng đậu nấu giúp dùm cháu thì làm sao mà ăn hết cho được, dư bỏ thì sợ mang tội, mà ngoài trời mưa cũng đã sắp đổ xuống, đã có vài hạt mưa lâm răm, nên chúng tôi nói với cháu rằng:Cô không mua đậu của con, nhưng cô sẽ cho con số tiền để con về nhà sớm nhe“.

Chúng tôi tưởng làm như vậy, cháu sẽ rất vui mừng, nhưng trong khi mở ví ra để lấy tiền đưa cho cháu thì cháu bé này bỗng nhiên bật khóc và chạy đi thật nhanh. Chúng tôi quá sửng sờ vì không biết lý do gì, mình có làm gì đâu mà sao cháu bé lại khóc và không nhận tiền mà chạy đi?

Chúng tôi hỏi cô chủ quán có biết có cách nào giúp chúng tôi gặp lại cháu bé để giải thích cho cháu hiểu không? Nhưng cô chủ quán thì không biết gì về cháu gái này.

Chúng tôi định để một số tiền nhờ cô chủ quán đưa lại cho cháu ấy, vì cô chủ quán không biết gì về cháu bé nên cô chủ quán không dám nhận. Qua chuyện này mà tối hôm đó, chúng tôi thổn thức và không sao ngủ được vì không biết lý do vì sao mà cháu bé đó lại làm như vậy.

Sáng hôm sau, lúc chúng tôi ra chợ mua đồ thì thấy có một cụ già bán vé số cầm gậy tay chân run rẩy, đến gần chúng tôi mời giúp mua dùm vài tờ vé số. Chúng tôi nghĩ là nếu mua mà không dò thì cũng phí phạm, thà cho bà cụ tiền còn hơn.

Chúng tôi đưa tiền mà trong lòng cứ lo là không biết cụ già có giống như cháu bé mà chúng tôi đã gặp như đêm hôm qua không? hay cụ già vui lòng mà chấp nhận sự giúp đở của chúng tôi?. Cụ già khác với cháu gái đêm qua, cụ nhận tiền với ánh mắt biết ơn, gương mặt tỏ vẻ vui mừng rồi cám ơn chúng tôi.

Ở từ xa, một phụ nữ khoảng tuổi vào hàng bốn mươi hoặc năm mươi, thấy vậy bèn chạy đến gần chúng tôi và mời mua vé số, vì xe gần chuyển bánh.

Chúng tôi vội biếu chị ấy một số tiền thì chị quắc tay chúng tôi với ánh mắt giận dữ và nói: tui đi bán vé số chứ không đi xin“, rồi chị te te bỏ đi. Một cụ già thấy vậy liền bảo: Người ta cho tiền không cám ơn thì thôi, còn bày đặt tự ái“.

Chúng tôi nói với cụ rằng:Ai cũng có lòng tự ái Bác ạ, đó là lỗi của con, đã làn cho chị này sanh ra tự ái“.

Ngồi trên xe, mà chúng tôi cứ suy nghĩ không biết tại sao trong việc mình làm, có người thì vui lòng và có người thì không chấp nhận.

Sự việc xảy ra cho chúng tôi một bài học là; khi giúp ai cũng tùy vào trường hợp và đối tượng và nên để cho người ta có cơ hội làm chi đó giúp mình lại để họ không thấy tủi thân.

Khi đi thǎm các cô nhi viện hay những bịnh viện. Chúng tôi thấy thật sự cảm phục và thương cho những nhân viên chǎm sóc cho các em nhỏ và người già neo đơn cũng như những y tá làm việc trực tiếp với những bịnh nhân. Công việc này thật cao quý, cần sự kiên nhẫn, hy sinh và chịu đựng.

Có lần chúng tôi có nhã ý muốn biếu tiền cho mấy cô y tá, thì họ từ chối và nói rằng: Tụi em công nhân viên nhà nước, không có khả nǎng giúp bịnh nhân mà chị có lòng nghĩ đến họ là tui em cám ơn rồi” .

Qua đó, chúng tôi lại càng cảm phục qua việc làm cao quý của họ hơn. Cũng có những bịnh nhân, không nhận sự giúp đở nếu họ thấy có đủ khả nǎng tự lo cho mình và nhường phần giúp đở đó lại cho những người thật sự cần hơn họ.

Có người quan niệm là không nên cho lặt vặt, mà nên tập trung vào những việc từ thiện lớn như xây trường học, bịnh viện, hoặc cho người ta cái nghề để họ kiếm sống.

Chúng tôi nghĩ là người nào làm được việc gì cũng đều là do có duyên cả, dù là việc nhỏ nhưng làm xoa dịu được một chút khổ đau của ai đó trong khả năng của mình, thì cũng nên làm.

Một kinh nghiệm nữa cho chúng tôi là hồi xưa nếu được ai giúp đở thì chúng tôi luôn lo lắng, tìm cách để trả ơn vì sợ mắc nợ người ta, nhưng bây giờ chúng tôi nghĩ là nếu không trả ơn được cho họ, thì chúng tôi nguyện sẽ giúp người khác lại, để cho người giúp mình cũng được vui lòng và nếu chúng tôi giúp ai mà người đó muốn biếu lại, thì chúng tôi sẽ hoan hỷ nhận để người đó được vui lòng và an tâm. 

Người ta cũng như mình, nếu có khả nǎng thì ai muốn nhận mà không có cơ hội để trả ơn. Cuộc đời này đầy rẫy nghiệp duyên, tất cả đều có sự liên quan với nhau. Người này giúp người kia, người kia giúp người nọ, cứ thế mà xoay vòng. 

Làm từ thiện cũng là một nghệ thuật, phải biết cách cho, cho làm sao cho đúng lúc và đúng chỗ và không làm mất lòng người khác thì sự cho mới có ý nghĩa.

Chúng tôi chia xẻ với quý Phật Tử câu chuyện này và mong rằng mọi người chúng ta sống trong ánh hào quang của Ðức Phật sẽ có sự suy xét và nhận định đúng hơn trong mọi trường hợp.

 

Bạch Ngọc 

 
 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Hits: 13