Đạo đức không chỉ là không làm những điều xấu, điều tiêu cực cho mình và cho người. Đạo đức còn là làm điều tốt, điều tích cực cho mình và cho người. Thế nên thế giới này phát triển được, sống lành mạnh được, sống hạnh phúc được là do có đạo đức. Nhìn một cách sâu xa hơn, đạo đức chính là hạnh phúc.
Là một nước kém phát triển sau một thế kỷ chiến tranh, một số người trong xã hội ta không nhìn thấy đạo đức có chỗ đứng nào trong cuộc đời của mình. Chúng ta dễ nghĩ rằng đạo đức là một thứ mà xã hội, nhất là qua pháp luật, gán ghép vào thân tâm chúng ta. Nó không cần thiết, nó xưa rồi, lỗi thời rồi.
Thật ra, đạo đức rất quan trọng cho đời sống mỗi người. Đạo đức là một trong vài ba yếu tố chính phân biệt con người với con vật. Con vật thì giành ăn, bất kể cha mẹ, già trẻ; sinh hoạt tình dục thì bừa bãi, bất cứ chỗ nào; sống không có kỷ luật, không trật tự; không tự chế và sống không có mục đích.
Chúng ta để ý rằng, khi kết tội một người nào bị án tử hình, thì ngoài những tội trầm trọng gây tác hại lớn cho xã hội, còn có một lý do ngầm ẩn sâu xa, là con người đó không còn là con người nữa rồi, không thể cứu chữa được nữa rồi, con người đó đã gần với thú vật lắm rồi.
Mà còn hơn cả thú vật, vì thú vật không giết đồng loại, thú vật không biết tính toán để phạm tội tiếp, không biết sử dụng hung khí. Thế nên, việc quyết định án tử hình là do người ta ngầm hiểu đây không phải là một con người nữa, không thể để nó sống chung trong xã hội loài người nữa.
Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy một cường quốc hàng đầu như nước Mỹ, những vấn nạn của họ cũng là vấn đề đạo đức. Cuộc suy thoái kinh tế của Mỹ năm 2008, kéo theo sự suy thoái của cả thế giới, là do sự làm ăn phiêu lưu vô trách nhiệm của một số công ty tài chánh.
Rồi sau đó, bắt đầu phục hồi thì sự “chơi xấu” lẫn nhau của hai đảng khiến thỏa hiệp chỉ được chấp nhận hai ngày trước khi chính phủ Mỹ hết ngân sách, khiến niềm tin vào sự vững chắc của nền kinh tế phải lao đao. Rồi bây giờ là tranh cãi trong hỗ trợ thất nghiệp. Người ta đã đặt lợi ích cá nhân và phe phái của mình lên trên lợi ích của quốc gia, của nhân dân Mỹ và của cả thế giới.
Từ riêng bối cảnh này, chúng ta có thể định nghĩa đạo đức là vượt qua được sự tham lam ích kỷ không hợp lý, sự tức giận thù ghét, sự ngoan cố, sự kiêu căng, sự ghen tỵ… là những cái che chướng đối với Trí huệ và Tình thương, theo Phật giáo.
Chúng ta cũng thấy những nhân vật vĩ đại như Mahatma Gandhi của Ấn Độ, vua Trần Nhân Tông của Việt Nam… là những người mà đạo đức là sự phấn đấu trọn đời, cho đến hơi thở cuối cùng
trên trần thế.
Trong mọi lĩnh vực xã hội không ai đạt đến thành công, có uy tín, mà yếu kém về đạo đức cả. Thế nên, đạo đức là cái mà chúng ta phải trau dồi trọn đời trên con đường tự hoàn thiện chính mình. Mục tiêu của xã hội chúng ta là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Suy nghĩ chín chắn, chúng ta thấy “giàu, mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” nếu không hoàn toàn là những khái niệm đạo đức thì cũng có phần lớn chất liệu là đạo đức.
2.
Đạo đức có mặt ở khắp mọi nơi trong đời sống chúng ta. Thế nên chúng ta không thể kể hết những hành vi có đạo đức và những hành vi không có đạo đức. Chúng ta chỉ kể ra một số những điều nên làm và phải làm từ tuổi ấu thơ của chúng ta để hình dung đạo đức là cái gì.
Từ rất nhỏ, chúng ta phải học tập để tiểu tiện, đại tiện đúng nơi đúng chỗ. Tập viết chữ đẹp, rõ ràng, không bị nhểu mực. Ăn uống thì ngồi ở dưới, chờ người lớn gắp thức ăn rồi mới được gắp, không ồn ào. Rồi vào lớp tiểu học, không nói chuyện khi thầy cô dạy, áo quần đúng đồng phục, sạch sẽ. Làm một bài toán, viết bài làm văn thì cũng phải có thứ tự, trật tự, trình bày phải sạch sẽ, không cẩu thả. Mọi thứ đều dạy cho chúng ta trật tự, sạch sẽ, kỷ luật, tự chế, lễ phép. Đây là những điều chúng ta phải học tập để sau này ra xã hội, càng lúc càng hoàn chỉnh hơn.
Chúng ta thấy người Hàn Quốc ngày nay họ vẫn giữ được truyền thống này. Họ tự hào thuộc về truyền thống Khổng giáo. Chúng ta vẫn thấy một cô một cậu sinh viên Hàn Quốc khi tặng người Việt món quà, họ đặt món quà lên ngang mày và cúi gập nửa mình khiến cho nhiều người Việt phải ngạc nhiên. Chắc chắn chính những kỷ luật đạo đức này tạo nên sức mạnh kinh tế của Hàn Quốc.
Chúng ta thấy những đức tính trật tự, sạch sẽ, kỷ luật, tự chế, lễ phép… được dạy kỹ lưỡng cho người mới tu ở chùa qua cuốn luật Sa-di. Và cho đến mục đích của Phật giáo thành hiền, thành thánh thì cũng là trật tự, sạch sẽ, kỷ luật, tự chế… sâu sắc ở cả thân và tâm. Đối với người ở đời, cánh cửa đi vào đời sống Phật giáo là cánh cửa đạo đức: năm giới, mười điều thiện… Giới (mà Tây phương thường dịch là Discipline, kỷ luật) là một trong ba cột trụ (Giới, Định, Huệ) để hoàn thiện hóa con người.
Những lộn xộn chúng ta vẫn thấy hàng ngày ngoài đường là do thiếu đạo đức. Chạy vô trật tự đưa đến kẹt xe, bằng cớ khi có cảnh sát giao thông thì không kẹt xe. Uống rượu say gây tai nạn, phóng nhanh vượt ẩu, cãi cọ đánh lộn…
Nhìn rộng ra, không có một nền kinh tế nào phát triển vững chắc, mạnh mẽ mà lại khuyến khích buôn lậu, làm hàng giả, vi phạm những điều cấm của y tế, tham nhũng… Thế giới này sống được, sống hạnh phúc được, cả vật chất lẫn tinh thần, là do đạo đức.
Đạo đức không chỉ là không làm những điều xấu, điều tiêu cực cho mình và cho người. Đạo đức còn là làm điều tốt, điều tích cực cho mình và cho người. Thế nên thế giới này phát triển được, sống lành mạnh được, sống hạnh phúc được là do có đạo đức. Nhìn một cách sâu xa hơn, đạo đức chính là hạnh phúc.
Vai trò của Phật giáo là rất quan trọng trong đời sống xã hội, vì nó giữ gìn và phát huy đạo đức ở từng con người và ở xã hội.
Phật giáo đã có mặt với con người từ lúc sinh ra, trong gia đình, ở trường học, ngoài xã hội, phát triển cho đến khi chết, cho nên nó có hiệu lực hơn những thể chế của xã hội, dù đó là giáo dục, kinh tế hay chính trị. Đó là lý do khiến Phật giáo còn tồn tại và phát triển đến ngày nay, trải qua 2.000 năm, với bao nhiêu triều đại, bao nhiêu thể chế kinh tế, bao nhiêu cải cách giáo dục, bao nhiêu thay đổi trong sinh hoạt của đời sống con người.
Nguyễn Thế Đăng/ Vườn hoa Phật Giáo
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Hits: 5