20/10/2009 10:06:00 Nguyên ThảoĐã đọc: 7472 https://tamhoc.org/dulieu/giaophap/giacngogiaithoat/Xuatthegianpphan2_files/like.htmlCỡ chữ:
Lời Thưa đầu: Đây là phần cuối của một tập tài liệu mà chúng tôi cố gắng đúc kết lại trong khi đi ‘tìm hiểu’ về Đạo Phật. Tập tài liệu ấy bao gồm phần ‘Nhập Thế Gian’ (Đạo Phật Ngày Nay đã đăng tải vào tháng 4/09) và 2 phần của ‘Xuất Thế Gian (Phần I, Phần II).
Phần II: Con Đường giải thoát.
I/ Diệt Đế và Đạo Đế.
II/ 25 Phép tu trong Kinh Lăng Nghiêm.
III/ Nguyên tắc giải thoát: Lục độ.
IV/ Sát- Đạo- Dâm- Vọng.
V/ Tướng Nhân- Ngã- Chúng sinh- Thọ giả, và Vô Ngã.
VI/ Phật và Bốn Đức Niết Bàn.
Lời Thưa đầu: Đây là phần cuối của một tập tài liệu mà chúng tôi cố gắng đúc kết lại trong khi đi ‘tìm hiểu’ về Đạo Phật. Tập tài liệu ấy bao gồm phần ‘Nhập Thế Gian’ (Đạo Phật Ngày Nay đã đăng tải vào tháng 4/09) và 2 phần của ‘Xuất Thế Gian (Phần I, Phần II). Đó là một chu trình mà Đức Phật đã nêu ra trong các kinh điển về chúng sinh đã ‘khởi đi’ từ cõi Chân Tâm, để rồi tìm được đường về với cõi Chân Tâm. Chúng tôi mạo muội gọi tài liệu này với cái tên gọi là ‘Tổng quan về giáo lý đạo Phật’, và chúng tôi cũng hi vọng tập tài liệu này dự phần đóng góp thêm vài ý kiến trong sự tìm hiểu về đạo Phật của Quý độc giả. Riêng trong phần này, ‘phần lớn của bài’ chúng tôi dành cho phần ‘tóm lược’ các điều quan trọng về phần thực hành tu tập trong các tài liệu tham khảo, cũng như ‘trích dẫn’ các đoạn kinh để dẫn chứng cho các đề mục, với ý nghĩ ‘để Quý Vị nhân đó mà suy nghĩ, nhận xét’ và có thể Quý Vị sẽ tìm thấy nhiều đoạn kinh khác sẽ minh chứng thêm cho đề mục ấy. Theo như vậy, hi vọng Quý Vị sẽ thấy tập tài liệu này nó là tài liệu thật sự, tóm tắt về những điều cơ bản trong đạo Phật. Tất nhiên, tài liệu này không thể tránh khỏi nhiều sai sót, mong Quý vị độc giả tha thứ ‘sự múa rìu qua mắt thợ’, và cũng mong mọi sự góp ý để sửa sai qua Email: [email protected].
Thành thật cám ơn và trân trọng kính chào!
Nguyên Thảo.
I/-Diệt Đế và Đạo Đế:
Trong các kinh điển của Đạo Phật ta thường thấy có câu: “Các Đức Phật trong ba đời đều bảo hộ kinh nầy. Mười phương các vị Bồ Tát đều quy y kinh nầy”. Điều nầy cho chúng ta có thể hiểu được rằng:
-Kinh mà Đức Phật Thích Ca nói ra không phải chỉ riêng một mình Ngài biết, mà tất cả các Đức Phật ở thời quá khứ, hiện tại kể cả vị lai cũng đều biết, đều ngộ được như vậy. Và nếu các vị Phật đó có thuyết pháp thì cũng đều nói như thế không sai khác. Các vị Bồ Tát trong mười phương đều nương vào đó để tu tập và đạt được Đạo.
-Chúng sinh tiến tu và thành Đạo cũng sẽ ngộ và nhận biết được như vậy (Ngộ- Nhập Phật tri kiến).
Theo như thế thì Đức Phật sau khi thành đạo chỉ nói đến những “Chân lý” hiển nhiên, “Những con đường tất yếu” để hướng dẫn chúng sinh tiến đến con đường giải thoát (Khai- Thị) mà thôi. Thế cho nên Đức Phật chỉ là một “Đạo sư” làm nhiệm vụ “Giáo chủ” trong giai đoạn của Ngài ở cõi Ta bà để độ chúng sinh nơi thế giới “đầy đau khổ trầm luân” nầy.
Chân lý ấy là gì?
Sau thời gian dài tìm học đạo không có kết quả, Thái tử Siddartha từ bỏ hình thức tu lợi dưỡng, hoặc khổ hạnh mà chọn con đường “trung đạo”. Với ý chí dũng mãnh, trong 49 ngày nhập định dưới cội Bồ Đề Ngài đã đạt được đạo: “Phật Thích Ca đã chứng ngộ!”.
Bài thuyết giảng đầu tiên là bài đề cập đến con đường trung đạo ấy và bốn chân lý “bất di bất dịch”, ấy là “Tứ Diệu Đế” hay là “Tứ Thánh Đế”. Tại sao gọi là “Tứ Diệu Đế” hay là “Tứ Thánh Đế”? Vì bốn Đế đó là bốn sự thật hoàn toàn chính xác, quý báu và chắc chắn nhất để chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử, luân hồi. Bốn Đế đó cũng là chân lý trong mọi thời gian mà các bậc “Đại giác” nào cũng nhìn thấy ra như vậy; và nếu chúng sinh thực hiện tu hành như thế thì sẽ được “giác ngộ” không sai khác.
Bốn Đế ấy chính là: Khổ đế- Tập đế- Diệt đế- và Đạo đế.
Trong cuộc sống nhân gian, con người lúc nào cũng vì “cái ngã”, lúc nào cũng muốn cái “Ta” được sung sướng, thành công, có danh phận, giàu sang phú quý; muốn mình hơn những người khác; muốn người khác phải tùng phục phục vụ hầu hạ mình, ngay cả dùng người khác để mình đạt được ý nguyện…, nên người ta không từ nan tất cả những “thủ đoạn” để đạt đến thành công, ước muốn. Lòng tham ấy lại “không đáy”, vì vậy mà đưa đến những khổ não cho người và cho mình; đồng thời cũng là nguyên nhân tạo nên nghiệp, làm “nhân” cho những kết “quả” trong hiện kiếp hoặc về sau. Cũng do lòng”Tham” (tham danh, tham tiền, tham lợi) mà người ta gây những xáo trộn, tạo những bất ổn; hoặc họ lừa dối, gian trá, thủ đoạn để tranh phần thắng, hơn thua hay đoạt lợi; đôi khi người ta còn trở nên hung hãn đánh đập, chém giết lẫn nhau. Nếu không thành công, đạt được kết quả như ý muốn họ trở nên “Sân” hận, hờn dỗi, thù hằn, oán ghét. Rồi với những ngấm ngầm đó đợi đến lúc có dịp bộc phát, họ bị “Si” mê, cuồng loạn, không đủ tỉnh táo để gây nên những hành động mà người ta gọi là tội ác để thỏa mãn căm tức của họ. Họ đang lấy nghiệp hay nhân xấu đem bỏ vào trong túi A Lại Da Thức của họ để đợi chờ “được” luân hồi trong những kiếp sau hầu trả quả đã gieo!
Tham, Sân, Si nầy đóng góp rất nhiều vào sự luân hồi của chúng sinh, vì thế Đức Phật gọi chúng là “Ba món độc”. Tuy nhiên trong Duy Thức, chúng sinh còn có ba tâm sở thiện để kềm chúng lại là “Vô tham, vô sân và vô si”, cùng với hai tâm sở khác là Tàm, Quý khiến hành động ác cũng được giảm bớt đi!.
“Mạn”, nhất là những người thành công, có tài, khả năng hơn người thường sinh ra kiêu mạn, khinh thường người khác, coi người dưới tầm mắt của mình…, vô tình đem đến sự khổ cho người khác, đôi lúc chính vì điều đó mà lại làm khổ cho chính mình. Mạn có: Mạn, Ngã mạn, Quá mạn, Mạn quá mạn, Tăng thượng mạn, Ty liệt mạn và Tà mạn.
“Nghi” nghi ngờ, không có lòng tin nơi người, không tin nơi thiện chí của người khác (nghi có Tự nghi, Nghi pháp, Nghi nhơn).
“Thân kiến” chấp vào cái Ta, thấy chỉ có Ta mà sinh ra coi thường, chà đạp người khác; “Biên kiến” chấp một bên, có thành kiến cực đoan (có Thường kiến, Đoạn kiến); “Kiến thủ” chấp chặt sự hiểu biết sai lầm của mình; “Giới cấm thủ” giữ những giới cấm không hợp lý, cuồng tín chỉ làm cho cuộc đời thêm đen tối, khổ đau hơn mà thôi; “Tà kiến” chấp theo lối tà, không chơn chánh, mê tín dị đoan.
Trong phần trước, chúng tôi đã đề cập đến ‘Khổ đế’ và ‘Tập đế’ như là ‘Hai Chân Lý’ hiển nhiên của cuộc sống con người trên thế gian, bất cứ một ai được sinh ra thì cũng phải lớn lên, già, bệnh, chết… ngay cả những giáo chủ các tôn giáo khác cũng như vậy (trong đó có cả Đức giáo Hoàng John Paul II). Chính vì cái khổ về thân xác ấy mà Thái Tử Siddartha mới bỏ hoàng cung, vợ đẹp con thơ đi tìm đạo. Khi đạt được đạo, Ngài khám phá ra và giảng một cách rõ ràng về cái khổ của con người, chúng sinh trong cuộc sống; đồng thời phân tích, nói rõ nguyên nhân của các sự khổ ấy. Đó là hai chân lý hiển nhiên dù cho Đức Phật có nói ra hay là không nói ra. Như vậy, hai chân lý ấy không phải là quan niệm của Đức Phật hay như người ta nói Phật giáo chủ trương bi quan ‘cho cuộc đời là khổ’! Vì thế, nếu một người nào đó cho rằng ‘Đạo Phật là Đạo bi quan’ thì chẳng là sai lầm và thiển cận lắm ư?
Cái cốt lõi của Đạo Phật không phải ở chỗ Khổ Đế và Tập Đế mà chính là Hai Đế sau, tức là Diệt Đế và Đạo Đế.
Thế nào gọi là ‘Diệt’? Trong Hán Việt Từ điển của Nguyễn Văn Khôn ghi rằng:
Diệt: Dứt, mất; (lửa) tắt; tiêu mất, tiêu diệt
Diệt tuyệt: Làm cho mất hết, thủ tiêu tận gốc.
Như vậy, sau khi phân tích những cái khổ trong cuộc sống của con người, Đức Phật nêu rõ những nguyên nhân gây nên những cái khổ đó và nói đến ‘Diệt’, tức là diệt những cái khổ kia đi. Thế là ‘chủ trương bi quan’ ư? Thật là lạ lùng không thể tưởng tượng!
Đó là chúng ta chưa nói đến những điều mà Đức Phật nói tiếp theo. Diệt những cái khổ để rồi chúng ta được những gì? Chúng ta sẽ đạt đến Niết Bàn, chúng ta sẽ rời khỏi những khổ đau; xa lìa những huyễn hoặc của những gì giả tạm mà ta cứ tưởng là ‘thật’ của mình. Chúng ta sẽ trở về với Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Mãi mãi không còn Luân Hồi trong các cõi đau khổ nữa. Ta được ung dung tự tại, thân biến khắp pháp giới hư không mà không có gì ngăn ngại được, hoặc ta cùng thế giới thu nhỏ ngồi trên đầu ngọn lông mà trong đó ta có thể đang hành việc lớn là: ‘Chuyển đại pháp luân’! Tâm ta luôn được ‘Sáng suốt, chiếu soi’!
Từ một cuộc đời hay một cuộc sống đầy đau khổ, người ta phân tích nguyên nhân của những sự đau khổ và cương quyết để diệt khổ tìm đến nơi an vui hơn. Ấy là chủ trương khổ và bi quan đấy ư? Chắc ta phải xét lại hệ thần kinh của những người đó xem sao? Không khéo nó đã có vấn đề!
Muốn đạt đến Niết Bàn, chúng ta phải chọn con đường duy nhất để đạt đến. Đó là Đạo Đế vậy!
Sau đây là các phần:
a-Diệt Đế: Trong Phật Học Phổ Thông khóa III, ở trang 95 và 96 Hòa Thượng Thích Thiện Hoa kết luận về phần Diệt Đế như sau:
“Nói tóm lại, Diệt Đế là chân lý chắc thật nói về quả vị mà một kẻ tu hành có thể chứng được. Quả vị ấy tức là Niết bàn.
Nhưng vì sự tu hành có thấp có cao, có rộng có hẹp, nên quả chứng tức là Niết bàn cũng có thấp có cao, có hoàn toàn, có chưa hoàn toàn.
Đối với hàng Tiểu thừa, thì ba quả đầu: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm là thuộc về Hữu dư y Niết bàn, vì phiền não chưa hoàn toàn tuyệt diệu. Chỉ đến quả vị A la hán là quả vị mà mọi phiền não đã tuyệt diệt, mới thuộc về Vô dư y Niết bàn.
So với Đại thừa, thì Niết bàn của A la hán cũng còn là Hữu dư y Niết bàn, vì các vị A la hán mặc dù phiền não đã dứt sạch, ngã chấp đã hết, nhưng pháp chấp hãy còn, còn thấy có pháp mình tu, có Niết bàn mình chứng, nên chưa có thể gọi được là Vô dư y Niết bàn. Chỉ có Niết bàn của Đại thừa mới là Vô dư y Niết bàn, vì ở đây đã dứt sạch ngã chấp, pháp chấp, không còn thấy có pháp mình tu, Niết bàn mình chứng.
Niết bàn của Đại thừa có hai loại: Vô trụ xứ Niết bàn của các vị Bồ tát, và Tánh Tịnh Niết bàn là chân tánh bản lai thanh tịnh và sáng suốt của vũ trụ, mà các Đức Phật đã thể chứng.
Trên đây kể sơ qua các loại Niết bàn, là các quả vị của Diệt Đế Niết bàn mà chúng tôi diễn tả bằng văn tự ở đây so với Niết bàn thật, còn xa cách muôn trùng. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, không có phương tiện nào khác hơn, để trình bày và tìm hiểu Niết bàn, thì đành phải dùng văn tự vậy.
Muốn thấy được Niết bàn thật, phải tự mình thân chứng, phải thể nhập Niết bàn. Muốn thân chứng, thể nhập Niết bàn, cần phải tu theo phương pháp mà đức Phật đã dạy trong phần Đạo đế,…”.
b-Đạo Đế: Đạo Đế là chân lý chắc thật, đúng đắn để diệt trừ đau khổ và tu hành để tiến đến Niết bàn.
Đạo đế gồm có 37 pháp trợ đạo (các pháp chỉ hỗ trợ, giúp đỡ người tu thực hành đường tu được dễ dàng hơn) và chia làm 7 loại sau: Tứ niệm xứ, Tứ chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, và Bát Chánh Đạo.
-Tứ Niệm Xứ: Là bốn điều mà người tu hành thường xuyên nhớ đến. Đó là “Quán thân bất tịnh” (tập trung tư tưởng quán sát thân không phải là cái gì được trong sạch mà ta cần phải cung phụng, nâng niu, chăm sóc nó thái quá; hoặc vì muốn ăn ngon mặc đẹp, sung sướng mà ta phải làm lụng quần quật để kiếm đủ tiền chi phí, đáp ứng cho nó; hay cũng vì nhu cầu cho thân mà ta phải sát, đạo, dâm, vọng, lường gạt kẻ khác tạo nên nhiều nghiệp trong cuộc sống. Thực ra, thân chẳng qua là chứa những gì ô uế bên trong cái dáng đẹp đẽ ở bên ngoài, nhất là khi chết đi thì thân xác nầy sẽ bị thối rữa gớm ghiết mà thôi. Phép quán nầy giúp người tu hành đối trị được bệnh tham sắc dục và cả lòng tham, giảm được sân và si). “Quán Tâm vô thường” (Tâm của chúng ta thường thay đổi, không cố định, lúc vui khác, lúc buồn l?i khác. Trong mỗi hoàn cảnh cũng đã khác thì với thời gian lại thay đổi khác hơn. Phép quán nầy giúp người tu đổi tâm mê lầm thành tâm giác ngộ, đồng thời loại trừ được tâm ngã chấp). “Quán Pháp vô ngã” (Pháp là phạm vi, cách thức riêng; ngã là tự tướng của mình. Nếu thấy cái “ngã” riêng của mình thì sinh ra phân biệt ta, người, của ta của người nên xã hội thường xảy ra tranh chấp, giành giựt, chém giết…tạo nên nghiệp, nghiệp dẫn dắt đến luân hồi. Nhưng cái ngã, cái tự tướng chỉ là giả hợp, hư vọng không phải thật là của ta mà là do “nhân duyên hòa hợp”, nên “ngã” thực ra là “vô ngã” (không phải của ta); và pháp cũng là “pháp vô ngã”! Nếu nhận thức được pháp “vô ngã” thì sẽ ung dung tự tại không còn vướng mắc những buồn phiền, lắm sự của thế nhân). “Quán Thọ thị khổ” (Thọ là nhận tất cả những gì mà ta có thể nhận trong cuộc sống. Nếu ta nhận cái thân xác thì đã nhận cái khổ của sinh lão bệnh tử, phải làm việc để cung phụng từ cái ăn, ngủ, mọi nhu cầu của nó; ở thuận cảnh thì còn có chút vui vẻ, gặp nghịch cảnh thì lại càng thấy khổ hơn. Phép quán nầy để đối trị lòng tham, ham muốn).
-Tứ Chánh Cần: Là bốn phép siêng năng tinh tấn để quyết xa lánh những điều dữ (những điều có thể làm tổn hại cho mình, cho người trong hiện tại cũng như tương lai); làm những điều lành (có lợi ích cho mình, cho người trong hiện tại và tương lai). “Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh” (khi tâm khởi điều sai trái thì cố tìm lý do hay tưởng nghĩ đến hậu quả mà cố dập tắt không để nó phát sinh ra hành động). “Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh” (cố gắng tìm hiểu để chấm dứt tận gốc rễ những điều ác phát sinh ở thân khẩu và ý). “Tinh tấn làm phát sinh những điều lành chưa phát sinh” (cố gắng thực hiện những ý định làm điều thiện, điều hay hợp lẽ phải với những thiện tâm, không chần chờ hoặc giãi đãi). “Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh” (đã làm điều lành thì đừng cho là đủ mà cần cố gắng phát triển nhiều hơn nữa).
-Tứ Như Ý Túc: Tứ như ý túc, có nghĩa là bốn phép làm nơi nương tựa cho các công đức thiền định, thần thông được thành tựu mỹ mãn như ý muốn của mình (PHPT, khoá III trang 130). Bốn định ấy là: “Dục như ý túc” (mong muốn một cách thiết tha, mong muốn cho kỳ được, mong muốn cho đến khi mãn nguyện mới thôi- PHPT). Sự mong muốn ở đây có nghĩa là mong muốn được thành đạo, chóng giải thoát thoát khỏi cảnh luân hồi sinh tử. “Tinh tấn như ý túc” (cố công, gắng sức, bền chí để đạt được ước nguyện, đạo quả). “Nhất tâm như ý túc” (Tâm chuyên nhất vào định cảnh, không bao giờ tán loạn-PHPT, trang 132). “Quán như ý túc” (Dùng trí tuệ sáng suốt quán sát pháp mình đang tu- PHPT, trang 133).
-Ngũ căn – Ngũ lực:
*Ngũ căn: là năm căn bản, gốc rễ, là nguồn gốc để tất cả các thiện pháp phát xuất. “Tín căn”(lòng tin mạnh mẽ, vững chắc dựa trên cơ sở lý trí, suy luận sáng suốt, quan sát kỹ càng; chứ không phải lòng tin mê tín, mù quáng. Tin ở Phật, Pháp và tăng). “Tấn căn” (tinh tấn vững chắc trên con đường tu tập, không nản chí thối lui. Có Bị giáp tinh tấn, Gia hạnh tinh tấn và Vô hỷ túc tinh tấn). “Niệm căn” (Niệm là ghi nhớ. Thứ nhất niệm thí; Thứ hai niệm giới (có: nhiếp luật nghi giới- nhiếp thiện pháp giới- nhiêu ích hữu tình giới); Thứ ba niệm thiên). “Định căn” (Định là lắng tâm yên tịnh, chuyên chú vào chánh pháp, để suy đạt thật nghĩa của nó (PHPT). Định có: An trụ định- Dẫn phát định- Thành sở tác sự định). “Huệ căn” (Huệ là trí huệ sáng suốt, thâm nhập được chân tướng của vạn pháp. Trí huệ ấy không có sự phân biệt, vì phân biệt là tác dụng của vọng thức, là mê lầm. Huệ có: Vô phân biệt gia hạnh huệ- Vô phân biệt huệ- vô phân biệt hậu đắc huệ).
*Ngũ lực: là năm năng lực vĩ đại, năm thần lực của ngũ căn (PHPT). “Tín lực” (thần lực của đức tin); “Tấn lực” (thần lực của đức tinh tấn, sức mạnh bất thối chuyển, kiên cố); “Niệm lực” (thần lực của ghi nhớ, của niệm căn); “Định lực” (thần lực của tập trung tư tưởng, sức mạnh vĩ đại của định căn); “Huệ lực” (thần lực của trí huệ hay sức mạnh vô biên của huệ căn).
-Thất Bồ Đề Phần: Bảy pháp tu hướng dẫn người tu hành tiến đến thành đạt đạo quả. chúng gồm có: “Trạch pháp” (dùng trí huệ để lựa chọn pháp tu); “Tinh tấn” (luôn tiến trên bước đường tu tập, không sợ khó nhọc thối chuyển hay tự mãn); “Hỷ” (đoạn được phiền não, sinh tâm hoan hỷ mà quyết chí tu hành); “Khinh an” (Tâm cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái trong tu tập); “Niệm” (luôn ghi nhớ điều tâm niệm, đeo đuổi theo chánh pháp); “Định” (chuyên chú tập trung vào sự tu tập); “Xả” (bỏ hết những vướng bận, không bận tâm vào các thứ ngay cả quả vị mình đã chứng).
-Bát Chánh Đạo: là pháp môn phổ biến nhất trong những pháp môn của Đạo Đế. Nó luôn được những nhà tu hành áp dụng để diệt trừ những phiền não, khổ đau để tiến vào đường an vui tự tại. Bát Chánh Đạo gồm có: “Chánh Kiến” (nhận thức một cách chính xác, ngay thẳng, không tạp nhiễm); “Chánh Tư Duy” (Suy nghĩ, nhận đoán thật đúng đắn, đúng lẽ phải); “Chánh Ngữ” (lời nói chân thật, ngay thẳng hợp chân lý); “Chánh Nghiệp” (hành động, việc làm chân chính có ích cho mình cho người); “Chánh Mạng” (sinh sống một cách chân chính, lợi người lợi mình, có ý nghĩa, cao đẹp); “Chánh Tinh Tấn” (siêng năng, tinh chuyên theo con đường mình đã chọn để tu tập); “Chánh Niệm” (ghi nhớ những điều tốt, tâm niệm, đạo lý chân chánh. Có Chánh ức niệm, và Chánh quán niệm); “Chánh định” (Tập trung tư tưởng vào vấn đề chính đáng, hợp chân lý có ích cho mình, cho người).
Tám yếu tố nầy được phân chia thành:
Giới: Chánh ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.
Định: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
Tuệ: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy.
Giới, Định, Tuệ nầy được gọi là “Tam Vô Lậu Học”.
2/- 25 phép tu trong kinh “Lăng nghiêm”:
-Chứng được Đạo quả do 6 trần:
*Do Thanh trần: Kiều Trần Na nghe âm thanh của Phật thuyết pháp mà ngộ đạo.
*Do Sắc trần: Ông Ưu Ba Ni Sa Đà quán tướng bất tịnh, xương trắng rồi từ vi trần trở về hư không; do sắc tướng mà thành bậc A La Hán.
*Do Hương trần: Ông Hương Nghiêm Đồng Tử nghe mùi hương, quán mùi hương không là gỗ, chẳng là hư không; không là khói chẳng là lửa; đi không chỗ tới đến không chỗ bắt đầu mà chứng A La Hán.
*Do Vị trần: Pháp vương tử Dược vương và Dược Thượng từng nếm các vị thuốc từ cỏ cây vàng đá. Sau nhờ Đức Như Lai mà hiểu rõ vị tánh, chẳng có cũng chẳng không, chẳng phải thân cũng chẳng rời thân, do phân biệt vị trần mà khai ngộ.
*Do Xúc trần: Ông Đạt Đà Bà La vào nhà tắm, ngộ biết thủy trần vốn không rửa hay không rửa bụi trần, tâm thường vắng lặng, không có tướng mà ngộ đạo.
*Do Pháp trần: Ma Ha Ca Diếp và Tỳ kheo Ni Tử Kim Quang thấy thế gian sáu trần biến hoại nên chí tâm tu hành, thành diệt tận định. Do quán pháp không tịch mà thành A La Hán.
-Chứng được đạo quả do 6 Căn:
*Do Nhãn căn: Ông A Na Luật Đà hư cả hai mắt học phép Tam muội nhạo kiến chiếu minh kim cang mà thành bậc A La Hán.
*Do Nhĩ căn: Quán Thế Âm học từ nơi nghe rồi nhớ và tu (văn, tư, tu) mà được vào chánh định.
*Do Tỹ căn: Ông Châu Lợi Bàn Đặc Ca do nơi trí nhớ không có, lại hay quên được Phật dạy pháp an cư, điều hòa hơi thở ra vào; quán hơi thở đến cùng tột mà thành A La Hán.
*Do Thiệt căn: Ông Kiều Phạm Bác Đề học môn Nhứt vị thanh tịnh tâm địa, quán sát cái tánh biết của “vị” mà vượt bỏ các lậu của thế gian mà thành A La Hán.
*Do Thân căn: Ông Tất Lăng Già Bà Ta đạp gai độc làm thân bị đau, ông suy nghĩ về tánh biết của “đau” mà thành A La Hán.
*Do Ý căn: Ông Tu Bồ Đề đem các tướng qui vào phi tướng, xoay tánh biết nơi ý căn về không vô mà chứng A La Hán.
-Chứng được đạo quả do 6 Thức:
*Do Nhãn thức: Ông Xá Lợi Phất do tâm thấy pháp sáng, sáng cùng tột các pháp sở tri sở kiến mà thành đạo quả.
*Do Nhĩ thức: Ông Phổ Hiền Bồ Tát dùng tâm mà nghe và phân biệt mọi niệm lự và tri kiến của chúng sinh, phát minh tánh nghe, phân biệt tự tại mà chứng ngộ Bồ Tát.
*Do Tỹ thức: Ông Tôn Đà La Nan Đà cùng ông Câu Thi La quán tướng trắng trên chót sống mũi mà tiêu trừ hơi thở khiến tâm phát sáng, dứt các lậu mà thành A La Hán.
*Do Thiệt thức: Ông Phú Lâu Na- Di Đa La Ni Tử dùng âm thanh tuyên nói pháp luân, hàng phục lũ ma oán, tiêu diệt các lậu thành A La Hán.
*Do Thân thức: Ông Ưu Ba Ly trước giữ thân được tự tại, sau chấp giữ tâm, tâm được thông suốt, tâm thân thông lợi mà thành A La Hán.
*Do Ý thức: Ông Đại Mục Kiền Liên xoay ý thức về tánh viên trạm, tam quang mở bày mà chứng A La Hán.
-Chứng được đạo quả do 7 Đại:
*Do Lửa: Ông Ô Sô Sắc Ma quán khí lạnh, nóng và tinh thần bề trong được ngưng tịnh hóa tâm đa dâm thành lửa trí huệ mà thành A La Hán.
*Do Đất: Ông Trì Địa Bồ Tát “bình tâm địa thì thế giới đại địa tất cả đều bình”, Ngài đế quán hai thứ vi trần của căn thân và thế giới bình đẳng như nhau mà thành đạo quả.
*Do Nước: Ông Nguyệt Quang Đồng Tử quán được nước trong thân (nước miếng, mồ hôi, tinh huyết, đại tiểu tiện đồng tánh nước hương thủy ngoài thế giới bình đẳng không sai khác mà chứng Bồ Tát.
*Do Gió: Ông Lưu Ly Quang Pháp Vương Tử do quán sát phong lực giả dối không chỗ nương ngộ tâm Bồ Đề mà chứng đạo.
*Do Hư không: Ông Hư Không Tạng Bồ Tát quán tứ đại không chỗ nương; thấy hư không và cõi Phật vốn đồng mà chứng vô sanh nhẫn.
*Do Thức đại: Ngài Di Lặc Bồ Tát tu tập pháp định “Duy Tâm Thức” (Duy Thức) mà chứng, thấy khắp hư không các cõi nước dù uế, tịnh, có, không thảy đều do tâm thức biến hóa hiện ra; nên xa lìa tánh y tha và biến kế chấp mà ngộ vô sanh pháp nhẫn.
*Do Kiến đại: Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử học phép tu “Niệm Phật Tam Muội”. Phật lúc nào cũng nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con, tìm con; nếu chúng sinh đem tâm nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại hay tương lai sẽ thấy Phật không xa giống như con tìm mẹ, mẹ tìm con thì tất nhiên “phải” gặp.
Theo như chúng ta biết Đức Phật đã nói trong vũ trụ có 7 đại: Đất, lửa, gió, nước, kiến đại, hư không và thức đại. Thức tâm của mỗi chúng sinh mượn 6 đại kia làm thành thân xác (đất, lửa gió, nước); nhận thức (kiến đại) và để trưởng thành, đi đứng nằm ngồi (hư không). Và trong thân xác có 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) để nhìn vào 6 trần (sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần); và nhận thức được 6 trần ấy bằng 6 thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức); thì như trên chúng ta thấy các vị Bồ Tát, A La Hán đã nương vào 25 yếu tố đó để tu hành đạt được đạo; tức là dùng hết chỗ nương tựa trong thế gian để tu hành, thế mà: Sao Đức Phật lại nói có đến “tám vạn bốn nghìn” phép tu?
Trong Kinh điển thường hay sử dụng đến từ “Bát vạn tứ thiên” (tám vạn bốn nghìn) mà theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì:
Bát vạn tứ thiên: Tám mươi bốn ngàn (84.000). Bên Thiên-trước, muốn tỏ ra vật chi rất nhiều, người ta thường dùng con số Bát vạn tứ thiên. Trong văn chương Phật học cũng hay nêu con số ấy mà chỉ những vật khó đếm, khó tính, như Bát vạn tứ thiên trần lao, Bát vạn tứ thiên pháp môn….
Như thế thì có rất nhiều pháp tu, điều nầy khiến chúng ta có thể hiểu được rằng: Trên căn bản không ngoài 25 pháp tu trên, tức là những pháp dựa trên các yếu tố “thế gian” để “xuất thế gian”. Nhưng vì căn cơ của mỗi chúng sinh mỗi khác và cấu tạo cơ thể của mỗi chúng sinh cũng khác nhau; cho nên phương pháp tu hành cũng phải thích hợp với họ vì thế mỗi chúng sinh cần có phương pháp riêng. Có thể do đó mà Đức Phật đã nói đến “bát vạn tứ thiên pháp môn”.
3/- Nguyên tắc giải thoát: Lục Độ Ba La Mật:
Lục độ là 6 phép tu giúp cho người tu hành thực hiện để vượt qua được những tệ hại nặng nề mà con người rất khó khăn từ bỏ (Dĩ lục độ, độ lục tệ), và có thể tự độ mình đồng thời giúp người khác tu hành cho đến chỗ cứu cánh, đạt được Đạo Vô Thượng Bồ Đề. Lục độ có:
*Bố thí Ba La Mật: Để đối trị tham lam, bỏn sẻn. Bố thí là cho, tặng; Ba La Mật là tận cùng, đáo bĩ ngạn hay đến bờ bên kia. Bố thí Ba La Mật có nghĩa thực hành pháp bố thí; cho, nhưng không hề nghĩ đến công ơn, hay nhớ đến sự thi ân của mình. Giúp đỡ mà không mong đền đáp, không cầu danh vọng hoặc một sự đáp đền. Bố thí có “Tài thí” (tiền bạc, của cải, vật thực); “Pháp thí” (đem những lời hay, lẽ phải, giáo lý giúp người khác làm đúng hay bỏ dữ theo lành); “Vô uý thí” (làm cho người khác không còn sợ sệt).
*Trì giới Ba La Mật: Để khỏi phạm giới luật. Đức Phật đặt ra giới luật là để người tu hành vào “con đường cần thiết đi đúng hướng” để đến bờ giải thoát. Trì giới như là một bổn phận của mình không nề hà, bị ép buộc, háo thắng, tự kiêu hay thấy mình giỏi hơn người mà khinh người. Đó là trì giới Ba la mật vậy.
*Tinh Tấn Ba La Mật: Để tránh được tệ biếng nhác, giải đãi. Tinh tấn là làm càng ngày càng tiến hơn, không dừng lại, thối lùi; luôn siêng năng chuyên cần. Tinh tấn ngăn các điều ác đừng sanh; tinh tấn diệt các điều ác; tinh tấn làm cho các điều lành phát sanh và tinh tấn các điều ấy được tăng trưởng. Tinh tấn một cách chân thành, mong mỏi được tiến bộ không vì có người mới tinh tấn, hoặc cần tiến bộ mới sửa chữa.
*Nhẫn Nhục Ba La Mật: Để tránh khỏi nóng nảy, sân hận. Nhẫn nhục là chịu đựng những nghịch cảnh, tủi hổ làm tổn thương đến tự ái, danh dự của mình đến tột cùng. Có thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn. Nhẫn mà không thấy mình nhẫn và cảnh nhục để nhẫn là Nhẫn nhục Ba La Mật.
*Thiền Định Ba La Mật”: Thiền định là tập trung tâm và ý vào một đối tượng duy nhất, không để tán loạn trong trầm tư yên lặng để quán sát và suy nghiệm chân lý. Thiền có: Thế gian thiền, Xuất thế gian thiền và Xuất thế gian thượng thượng thiền. Thiền để tránh được tệ tán loạn, phiền não, được vui vẻ lạc thú, xa lìa ái dục, nhất là phát được trí huệ, tiến đến giải thoát thành thục.
*Trí Huệ Ba La Mật: Là thể tánh của sự sáng suốt có thể thấu đáo sự vật đến nơi đến chốn một cách chính xác, đúng đắn. Pháp nầy để đối trị với si mê. Trí huệ có: “Căn bản trí” (giác tính mà chúng sinh đã có sẵn, nhưng vì phiền não, vô minh che lấp nên chưa chưa phát khởi ra được), và “Hậu đắc trí” (trí huệ có được nhờ công phu tu tập). Muốn có được trí huệ thì có hai phương cách: “Văn, Tư, Tu” (Nghe, suy nghĩ tìm hiểu, và tu tập) hay “Giới, Định, Huệ” (giữ giới luật theo lời chỉ dạy của Đức Phật; Thiền định cho tâm không loạn động, suy nghiệm vấn đề; và đạt được sự phát chiếu của Trí dứt trừ phiền não và vô minh).
4/- Sát- Đạo- Dâm- Vọng:
Trong “Tam vô lậu học” (Giới, Định, Huệ) thì Giới là điểm đầu tiên trong ba điểm cần yếu mà người tu hành phải giữ để đạt được Đạo giải thoát, vì có giữ Giới thì tâm mới Định; nhơn Định thì tâm mới phát Huệ.
Tại vì sao phải giữ Giới?
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã giảng rõ như sau:
“Dầu cho ông (A Nan) hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định”:
-Đoạn dâm dục:
“Nếu tâm dâm dục không trừ” thì “cũng sẽ đọa vào ma đạo. Thượng phẩm làm ma chúa, trung phẩm làm ma dân, hạ phẩm làm ma nữ”.
“Ông đem tâm dâm dục để cầu quả Phật, dầu cho ông có được diệu ngộ đi nữa, cũng không ra khỏi tam giới, vì gốc của nó là dâm thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được; huống chi quả Niết bàn của Phật, ông làm sao chứng được.
Nên quyết định phải đoạn trừ dâm cơ; trong tâm ngoài thân đều đoạn, cho đến cái biết đoạn cũng không còn, được như thế thì đối quả Phật Bồ đề, ông mới có hi vọng”.
-Đoạn lòng sát hại:
“Nếu không đoạn tâm sát hại, thì ông chỉ đọa vào thần đạo. Bực thượng làm Đại lực quỷ, bực trung làm phi hành dọa xoa và các loài quỷ soái, bực hạ làm Địa hành La sát và các quỷ thần.”
“A Nan, những người ăn thịt, dầu cho có đặng tâm trí khai ngộ, cũng thành quỷ Đại la sát, đến khi mãn kiếp quỷ La sát rồi, quyết định phải trầm luân trong biển khổ sanh tử. Giết hại ăn thịt lẫn nhau, thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được.”
-Đoạn trừ trộm cướp:
“Nếu không đoạn tâm trộm cướp thì quyết định đọa vào tà đạo. Bực thượng làm loài tinh linh, bực trung làm loài yêu mỵ, bực hạ làm người tà, bị các loài tinh yêu này nhập”.
-Đoạn trừ vọng ngữ:
“A Nan, nếu các chúng sanh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng ngữ, thì tâm cũng không thanh tịnh, mất hột giống Phật thành ma ái kiến”.
Vả lại, trong thuyết nhân quả. nếu những hành động sát hại, trộm cướp, vọng ngữ đã được tạo tác thành nhân; thì nó phải tạo “quả” trong một kiếp nào đó ở tương lai, như vậy “có kiếp sau để trả quả” thì vẫn chưa ra khỏi luân hồi được. Và với “dục, ái”, nếu ham mê dâm dục thì với điều “thích” hay “ghét” cũng khiến chúng ta “muốn” có được kiếp sau, thì cũng khiến chúng ta còn trong sinh tử luân hồi. Thế cho nên trong giữ giới, chỉ năm giới của người “Phật tử đã quy y” cũng đã có ngăn cấm sát, đạo, dâm, vọng rồi. Năm giới đó là: -Không được giết hại; -Không được trộm cướp; -Không được tà dâm; -Không được nói sai sự thật; -Không được uống rượu. Đó là chưa nói đến Bát quan trai giới; Bồ tát giới hay Giới của những bậc Xuất gia, Giới luật của những bậc nầy càng nhiều và càng tinh tế hơn.
5/- Tướng Nhân, Ngã, Chúng sinh, Thọ giả- và Vô Ngã:
Nói đến các tướng Nhân, Ngã, Chúng sinh, Thọ mạng, thiết nghĩ chúng ta cũng nên lược qua các đoạn kinh sau để có thể hiểu Đức Phật đã nói rõ hơn về chúng như thế nào.
-“Nầy Thiện nam! Tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, do vọng tướng điên đảo, chấp bốn tưóng: Ngã, Nhân, Chúng sanh và Thọ mạng, cho là thật thể của ta, rồi sanh ra hai cảnh: Thương và ghét. Thế là ở nơi thân thể này đã hư vọng, lại càng thêm cái hư vọng nữa.
Bởi hai lớp vọng nương nhau, sanh ra các vọng nghiệp. vì có vọng nghiệp nên vọng thấy có sanh tử luân hồi. Những người nhàm chán sanh tử luân hồi thì lại vọng thấy có Niết bàn” (Kinh Viên Giác, PHPT, khóa VIII trang 158).
-“Bởi chấp thân tâm này là Ta, nên cảnh nào thuận với ta thì sanh ra thương yêu; còn cảnh nào nghịch với ta thì lại sanh ra oán ghét. Do tâm thương ghét này, trở lại tiếp tục nuôi dưỡng Vô minh. Vì thế nên chúng sanh cầu đạo, đều không thành được đạo” (Kinh Viên Giác, PHPT, trang 160).
-Nếu tâm phân biệt ta (Ngã), người (Nhân), và chúng sanh (Chúng sanh) đã được thanh tịnh, “nhưng còn cái trí giác ngộ tướng chúng sanh trước. Bởi còn có cái “trí giác ngộ”, tương tục tu tập các nghiệp vô lậu, chưa có thể tự trừ được; cũng như mạng căn tương tục, không tự đoạn được, nên gọi là “Thọ mạng tướng” (Viên Giác, PHPT, trang 165).
-Nầy Thiện nam! Các chúng sanh đời sau, bởi không rời được bốn tướng, nên tuy trải qua nhiều kiếp, siêng năng tu hành khổ hạnh, nhưng chỉ thành hữu vi mà thôi, chớ không thể chứng được Thánh quả” (Viên Giác, trang167).
Và trong Kinh Kim Cang (Phật Học Phổ Thông Khóa XII), Đức Phật cũng có thuyết như sau:
-“Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật” (trang 109). Hay:
-“Phật dạy:”Tu Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hóa độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát”. (Trang 134-135). Và:
-“Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Pháp này bình đẳng không có cao thấp, không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả, tạm gọi là Đạo Vô Thượng Bồ Đề” (Trang 164).
Hoặc:
-“Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: “Ta độ chúng sanh”. Tại sao vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: “Ta độ chúng sanh”, thì Như Lai còn chấp bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả.” (Trang 168).
Theo như thế: Khi người tu hành còn thấy có người, có ta, có chúng sinh và “trí giác ngộ” chưa dứt được thọ mạng tướng thì vẫn chưa đạt được Đạo. Vì vọng tưởng và tâm phân biệt ta, người… hãy còn; mà vọng tưởng và tâm phân biệt chính là nguồn gốc của Vô minh, điều mà đã đưa chúng sinh rời khỏi Chơn Tâm rơi vào cõi Luân hồi sinh tử. Thế nên “Vô ngã” là điều kiện tất yếu để đạt Đạo Vô Thượng Bồ Đề. Vì sao? “Vì: “Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật” hay như trong Kinh Viên Giác: “Phật tùy cảnh Bất Nhị (không hai) là chỗ thể tánh bình đẳng của chúng sanh và chư Phật. Thể tánh này thanh tịnh viên mãn khắp giáp cả mười phương, tâm và cảnh đều vắng lặng (ngã pháp đều không)”.
Cảnh “Bất Nhị” là gì? Là cảnh chỉ có một mà không hai, hay là “Tất cả là một và một là tất cả”. Nếu ở trong đó mà còn có phân biệt là hai thì phải bị đào thải ra khỏi đó, không còn là Phật nữa; đó là bước khởi đầu khiến chúng sinh đã “đi vào cõi luân hồi sinh tử”. Mà khi chúng sinh tu hành giải thoát đạt được “Giác Ngộ” để trở về với “Chơn Như” thì Đức Phật đã ví như là “quặng vàng đã được luyện thành vàng ròng thì không trở lại làm quặng nữa”, vì “Tính Giác” đã được hiểu rõ và không lập lại “Vô minh” lần nữa. Chúng sinh ấy đã “thoát ra khỏi giấc mộng đêm qua” mà trở về với “Tĩnh thức”, với “Chơn Tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi” (Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu), cùng đầy đủ tính: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Trong các tướng ‘nhân, ngã, chúng sinh và thọ mạng’ thì có thể ‘thọ mạng tướng’ là tương đối khó hiểu nhất. Nhưng nếu chúng ta để ý thêm một chút thì mới thấy rằng: Không có gì là lạ cả! Vì trong cõi Chân Tâm hay Niết Bàn chỉ có các vị Phật hoàn toàn ‘viên dung’ (hoàn toàn hòa lẫn) với sáu đại khác; không hề có ‘tâm phân biệt’ hay ‘vọng tưởng’ nữa. tức là không còn phân biệt: Người hay ta, hoặc ta với chúng sinh khác mà chỉ có ‘Một’ mà thôi. Tuy nhiên, thời gian ‘viên dung’ ấy là bao lâu. Nếu chúng ta nghĩ rằng: 100 hay 1000 năm hoặc lâu hơn cả tỉ năm, hoặc vô số tỉ năm; thì đó vẫn là hạn định vẫn là ‘thọ mạng tướng’. Thọ mạng tướng có hạn định thì khi Tâm mọi cá thể hết hạn định lại tách ra để ‘phân biệt’ nữa thì nó lại vào vấn đề của ‘Vô Minh’ nữa rồi! Rồi Tâm lại rơi vào vòng Luân Hồi nữa hay sao? Do đó mà ‘phải diệt thọ mạng tướng’ ở đây. Cho nên Phật không thể còn phân biệt tướng nhân, ngã, chúng sinh ngay cả thọ mạng tướng là vì vậy!
6/- Phật và Bốn Đức Niết Bàn:
Trong phần nầy chúng tôi thiết nghĩ chúng ta tìm đến những lời Phật dạy trong các Kinh để thấu được ý nghĩa của Chân Lý; vì đây là phần “Xuất Thế Gian”, là kết quả thực hiện “Triết lý nhân sinh giải thoát” của Đạo Phật hay Đạo Giác Ngộ: Tự con người, tự chúng sinh sẽ chứng ngộ được qua sự hướng dẫn của Đạo Sư, chứ không do một “Đấng Thần thoại nào trong mộng tưởng” của con người đem đến. Sự ban bố của “Đấng Thần Thoại” ấy chỉ có chăng là “ảo tưởng, huyền hoặc” mà thôi!
Sau đây là những đoạn Kinh ấy:
-“Này Thiện nam! Nếu có Bồ Tát giữ tâm rất vắng lặng, nhờ sức vắng lặng này, mà đoạn các phiền não, được vĩnh viễn thành tựu rốt ráo tánh Viên giác, thì vị Bồ Tát ấy lúc bấy giờ chẳng rời chỗ ngồi mà vẫn nhập được Niết bàn. Bồ Tát tu như thế, gọi là chỉ tu một pháp “Xa Ma Tha”(tu chỉ). (Kinh Viên Giác-VG, trang 135 Phật Học Phổ Thông khoá VIII).
-Này Thiện nam! Nếu có Bồ Tát, dùng trí huệ yên tịnh chứng đặng thể tánh rất tịnh, rồi đoạn các phiền não vĩnh viễn ra khỏi sanh tử. Bồ Tát tu như thế, gọi là trước tu “Xa Ma Tha” (chỉ) sau tu Thiền na (chỉ, quán song tu) (VG, trang 138).
-Này Thiện nam! Nếu có Bồ Tát, dùng trí huệ thanh tịnh, lấy sức huyễn hoá biến hiện ra các hình thức, để hoá độ chúng sanh; sau đoạn các phiền não, rồi nhập vào cảnh giới tịch diệt. Bồ Tát tu như thế, gọi là trước tu “Xa Ma Tha”(chỉ) thứ tu “Tam Ma Bát Đề”(quán), sau tu “Thiền Na”(chỉ, quán song tu) (VG, 138).
-Này Thiện nam! Các Bồ Tát và chúng sanh đời sau, khi diệt hết các ảnh tượng vọng huyễn rồi thì tánh “Viên giác thanh tịnh” hiện ra, khắp cả vô biên hư không, không có ngằn mé và phương hướng” (VG, 46).
-Từ nơi Chơn Tâm, vì hư vọng nên hiện ra các cảm giác thấy, nghe, hay biết. Do hoà hiệp vọng sanh ra, rồi cũng do hoà hiệp vọng diệt đi.
Nếu các ông xa lìa được các duyên hòa hiệp cùng bất hòa hiệp, và trừ hết các nhơn sanh tử rồi, thì cái chơn tâm thường trụ thanh tịnh, bất sanh bất diệt hiện ra, và các ông được viên mãn đạo Bồ Đề.” (Kinh Lăng Nghiêm LN, Phật Học Phổ Thông, Khóa VI-VII, trang 88 hay LN, 88).
-A Nan, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ vì mê mình (tâm) làm vật, bỏ mất chơn tâm của mình, bị cảnh vật xoay chuyển (chi phối) nên thấy có lớn nhỏ, rộng hẹp, tốt xấu v.v…Nếu ai chuyển xoay được cảnh vật, thân tâm được sáng suốt viên mãn, thì đồng với chư Phật. Lúc bấy giờ không rời nơi đạo tràng (chỗ này) mà ở trên đầu một mảy lông, có thể chứa đựng khắp cả mười phương thế giới.” (LN, 60).
-Này Phú Lâu Na, các ông khi đối với trần cảnh (thế giới, chúng sanh, nghiệp quả) chỉ đừng có khởi vọng niệm phân biệt thì tham, sân, si (ba duyên) không khởi. Ba duyên không khởi, thì ba nhơn sát, đạo, dâm chẳng sanh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn Nhã Đạt Đa (mê) ở trong tâm các ông tự hết, mà hết tức là Bồ Đề (sáng suốt). Khi ấy chơn tâm của ông thanh tịnh sáng suốt tự hiện bày khắp cả pháp giới, không cần phải cực nhọc khó khăn tu chứng hay xin cầu nơi ai cả.” (LN, 143).
-Thế nên Ta nói: “Ba duyên: Tham, sân, si đoạn hết, tức là tâm Bồ Đề”. Nếu cái “Vọng tâm sanh diệt kia diệt, mà tâm Bồ Đề sanh”, như thế cũng còn ở trong vòng sanh diệt. Phải diệt và sanh đều hết, mới được vô công dụng đạo (chỗ cứu cánh).” (LN, 147-148).
-Ba Món Tiệm Thứ là:
*Trừ các trợ duyên bên ngoài: Ăn, không nên ăn những vật không hợp với người tu hành, như ăn thịt uống rượu và ngũ vị tân v.v… Ngũ vị tân, ăn sống thì nó tăng trưởng tánh nóng giận, ăn chín hay sanh tham dục, tụng kinh trì chú chẳng hiệu nghiệm, Thánh Thần không bảo hộ. Còn chỗ ở tu thì phải tìm chỗ nào cho hợp với hoàn cảnh của người tu hành.
*Trừ các chánh nhơn bên trong: Cốt yếu là hành giả phải nghiêm trì tịnh giới, không dâm, sát, đạo và vọng, gìn giữ ngoài thân không phạm, trong tâm không động, thân và tâm đều thanh tịnh như băng tuyết.
*Trừ các nghiệp hiện tiền: Khi tiếp xúc với trần cảnh, không khởi vọng niệm phân biệt theo sáu trần, xoay các cảm giác trở về bản tâm thanh tịnh, Do ngoài không duyên theo trần cảnh, trong sáu căn không vọng động, đồng một thể thanh tịnh, nên mười phương thế giới đều được thanh tịnh sáng suốt; cũng như trong ngọc lưu ly có hàm chứa mặt trăng sáng. Hành giả lúc bấy giờ thân tâm thơ thới, chứng đặng Vô sanh pháp nhẫn, mười phương chư Phật đều hiện trong tâm người ấy. Từ đây hành giả lần lần tăng tiến tu hành, tiến lên các quả Thánh (LN, 265-266).
-Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao. Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma Đăng già ở trong mộng kia làm gì bắt ông được! (LN, 235).
Và sau đây là trích đoạn quan trọng mà Đức Phật đã nói về những tính chất của mọi Đức Phật khi đã thành đạo đạt được:
-“Còn ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với Chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy! (LN 132-133).
Và:
-Này Thiện nam! Vì tánh viên giác kia mầu nhiệm viên mãn không hoại, nên bản thể của các căn, bản thể của trần, không có một pháp nào hoại diệt và lộn lạo; cho đến pháp môn Đà La Ni, cũng không có hoại diệt và lộn lạo. Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau. (VG, 51-52).
Đó cũng là hình ảnh của những Đức Phật trong hư không pháp giới, cùng chiếu sáng khắp hư không pháp giới, nhưng cũng không hề lộn lạo, lấn diệt lẫn nhau vì các Đức Phật không còn có chấp các tướng ngã, nhơn, chúng sinh, và thọ giả (vô ngã) hay một cách tổng quát hơn: “Một là tất cả, tất cả là một”! “Hư không pháp giới” ấy được gọi là:
-(A Nan) Bạch Thế Tôn! Bồ Đề, Niết Bàn, Chơn Như, Pháp Tánh, Yêm Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, và Đại Viên Cảnh Trí, bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại . (LN, 162).
-Phật kêu Ngài Văn Thù và đại chúng, dạy rằng: “Mười phương các Đức Phật và các vị Đại Bồ Tát an trụ trong Chơn Tâm rồi, thời không còn thấy thật có các cảnh vật là căn, trần thức nữa. Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy, nguyên là “Chơn tâm”. Đã là chơn tâm, thì đâu còn có “phải” hay “không phải” nữa. Như ông là Văn Thù, vậy có thể nói ông là “thật” Văn Thù hay “không thật” Văn Thù được không? (LN, 69).
-Tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng trong thế gian này, đều ở trong chơn tâm; chơn tâm bao trùm khắp giáp cả mười phương thế giới. (LN, 111)
-“Chơn tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi.” (LN, 119)
-Phật dạy: Chơn tâm phi tất cả tướng. (LN, 137)
-Phú Lâu Na, cái chơn tâm này lại rời tất cả “tức” và “phi, mà cũng là “tức” và “phi tức”
Chơn tâm như thế, thì từ kẻ phàm phu cho đến các vị Thánh: Thinh văn, Duyên giác, làm sao lấy tâm trí suy nghĩ cho đến đạo Vô Thượng Bồ Đề của Như Lai, hay dùng lời nói luận bàn của thế gian mà ngộ nhập của tri kiến Phật cho được? (LN, 139)
Qua các đoạn kinh trích dẫn ở trên, chúng tôi hi vọng Quý vị có thể tìm thấy những đặc điểm của Phật và nơi trụ xứ của chư Phật hay là Niết bàn với một số tính chất của Niết Bàn. Ngoài ra Đức Phật còn nêu một số điểm như sau đây:
-Bởi thế nên biết “Sanh tử và Niết Bàn” cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. (VG, 56).
-Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.
Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế. (VG, 70).
-Tu Bồ Đề! Người ưa pháp Tiểu Thừa, chấp bốn tướng: Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, nên đối với Kinh này (Kinh Kim Cang), họ không thể tin hiểu hoặc đọc, tụng, hay giảng dạy cho người. (KC-PHPT Khoá XII- 129).
-Phật dạy tiếp: “Tu Bồ Đề! Có người nói “Như Lai đặng quả Bồ Đề”. Thật ra, Như Lai là bản thể như như của các pháp, nên Như Lai không đặng pháp gì cả.
Tu Bồ Đề! Như Lai đặng đạo Bồ Đề, không phải hư, không phải thật”. (KC, 137).
-Tu Bồ Đề! Như Lai nghĩa là không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai. (KC, 181).
Tại sao Như Lai “không từ đâu đến và cũng không đi về đâu”? Ở trên, chúng ta đã có “Thân ta (Phật) bao trùm mười phương hư không vô tận” thì ở đâu cũng có thân Phật cả, thì Như Lai sao gọi là đến và sao gọi là đi! Và Như Lai trụ xứ trong cõi Niết Bàn. Vậy Niết bàn ở đâu? Niết Bàn cũng lại là hư không vô tận. Mà muốn tìm Niết Bàn chúng sinh phải quay trở lại Tâm của mình để tìm. Nên chắc chắn Niết Bàn cũng chẳng xa xôi gì với chúng sinh cả, Niết Bàn “ở ngay trong tâm” của chúng sinh mà thôi! Nhưng “nắm bắt” được Niết Bàn hay không là do chính chúng sinh đó vậy!
Do đó trong Kinh Tạp A Hàm Đức Phật đã nói:
“Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng.”
Và:
“Có hai hình thức chứng nghiệm Niết Bàn là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn và chứng nghiệm Niết Bàn lúc không còn thân ngũ uẩn nữa.
Nầy chư Tỳ Khưu, chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn là gì?
Là nơi đây, nầy chư Tỳ Khưu, một thầy tỳ khưu đắc quả A La Hán, đã tận diệt mọi ô nhiễm, đã sống đời thiêng liêng cao thượng, đã làm những việc cần phải làm, đã bỏ gánh nặng, đã thành đạt mục tiêu, đã tận diệt mọi trói buộc của đời sống, một thầy tỳ khưu hiểu biết chơn chánh và đã được giải thoát. Ngũ quan của thầy vẫn còn và vì chưa xa lìa hẳn ngũ quan, thầy còn hưởng những quả lành và chịu những quả dữ. Sự chấm dứt tham, sân, si của thầy tỳ khưu ấy gọi là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn.
Nầy chư Tỳ Khưu, chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc không còn thân ngũ uẩn là gì?
Nơi đây, nầy chư Tỳ Khưu, một thầy tỳ khưu đắc quả A La Hán…đã được giải thoát. Trong chính kiếp sống ấy thầy không còn thích thú với những cảm giác của thân nữa, thầy mát mẽ. Đó là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc không còn thân ngũ uẩn”. (Đức Phật và Phật Pháp, trang 466).
Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn đó là: “Hữu Dư Y Niết Bàn” và “Vô Dư Y Niết Bàn” là Niết Bàn khi không còn thân ngũ uẩn.
Nói về Niết Bàn, người ta thường đề cập đến bốn tự tánh của Niết Bàn như sau:
-Thường: là tánh không sanh diệt, đổi thay, già trẻ
-Lạc: Không còn có khổ não, lo buồn.
-Ngã: Được tự tại, không bị ngoại cảnh hay nội tâm chi phối.
-Tịnh: Thanh tịnh, trong sáng, không còn ô nhiễm.
Và ở đây chúng ta cũng nên trở lại vấn đề, vì sao Đức Phật đã nói:
-Bởi thế nên biết “Sanh tử và Niết Bàn” cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. (VG, 56).
-Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.
Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế. (VG, 70).
Tại sao “Chúng sanh vốn thành Phật từ xưa đến giờ” và “Sanh tử và Niết Bàn đều như giấc mộng hôm qua”. Vì chúng sinh chẳng từ cõi “Chơn Như” (tên khác củaNiết Bàn) bởi do Vô minh mà đi vào vòng sinh tử luân hồi sao? Như vậy nguyên thủy chẳng từ cõi Phật mà ra đi ư? Không phải Phật sao ở trong cõi Phật? Và ở trong cõi luân hồi: Tâm, vật, cảnh chẳng đều là huyễn hoặc, không thật giống như là một giấc mơ ư? Thì bỏ sinh tử luân hồi để trở về cõi Phật chẳng là “thoát khỏi giấc mơ qua một đêm dài” sao?
Nhưng cõi luân hồi cũng đã “dạy” cho chúng sinh bài học “Hậu quả của vô minh” để chúng sinh “giác ngộ” mà không bao giờ dám “si mê” nữa, giống như quặng vàng đã được tôi luyện lại thành vàng ròng qua lò luyện kim “thế gian” thì sẽ không bao giờ trở lại thành quặng nữa.
Ôi! Ra đi là “U mê” mà trở về là “Giác Ngộ”, quả thật là một đoạn đường quá dài và đầy đau khổ, mà nếu không có Phật thị hiện để “Khai, Thị” để biết mà “Ngộ, Nhập Tri-kiến-Phật” thì chúng sinh còn lăn lộn đến bao giờ?
Thế mà chúng sinh vẫn hãy còn mê muội theo những huyễn ảo, huyền hoặc không thôi! Ôi! Thật là điều đáng buồn cho nhân thế!
04-08-09.
Tài liệu tham khảo:
-Kinh “Hoa Nghiêm”, HT. Thích Trí Tịnh dịch, GH-PGVN thực hiện, Nhà xuất bản TP.HCM xuất bản, 1999.
-Kinh “Đại Bát Niết Bàn”, HT. Thích Trí Tịnh dịch, GH-PGVN thực hiện, Nhà xuất bản TP.HCM xuất bản, 1999.
-“Kinh Vô Lượng Thọ; Kinh Kiến Chính; Tây Phương Xác Chỉ”, Sa môn Trí Hải dịch, Liên danh ấn tống, USẠ 2003.
-“Pháp Bảo Đàn Kinh”, Lục Tổ Huệ Năng do HT. Thích Từ Quang diễn âm, diễn nghĩa, yếu giải sự lý, Tổ đình Minh Đăng Quang, Tịnh xá Ngọc Xá Lợi phát hành, 1996.
-“Phật Học Phổ Thông”, HT. Thích thiện Hoa biên soạn, GH-PGVN thực hiện, Thành hội PG/ TP. HCM ấn hành, 1997.
-Băng giảng “Duy Thức Học”, HT. Thích Tâm Thanh – Đại Ninh – Lâm Đồng.
-“Đức Phật và Phật Pháp”, Narada Thera (Phạm Kim Khánh dịch), Nhà xuất bản Thuận Hóa, Thành hội PG/ TP. HCM, 1994.
-“Từ Điển Phật Học Hán Việt”, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, GH-PGVN, Nhà xuất bản KH Xã hội, Hà Nội 1998.
-“Phật Học Từ Điển”, Đoàn Trung Còn, Nhà xuất bản TP. HCM, 1992.
-“Mười Tôn giáo lớn trên thế giới”, Hoàng Tâm Xuyên chủ biên (Dương Thu Ái, Phùng Thị Huệ dịch), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Hà Nội, 1999.
-Băng giảng ‘Tương quan giữa sống và chết’ của HT. Thích Tâm Thanh – Đại Ninh – Lâm Đồng.
-‘Như Lai là bậc toàn trí, toàn giác chứ không toàn năng’, Quảng Hiền, http://www.giaodiemonline.com đăng ngày 12/03/2009.
Hits: 36