LỊCH SỬ NGÀI A NẬU LÂU ĐÀ (ANURUDDHA) P3

LỊCH SỬ NGÀI A NẬU LÂU ĐÀ (ANURUDDHA)

Đức ngữ: Hellmuth Hecker
Anh ngữ: Nyànaponika

Việt ngữ: Nguyễn Ðiều (1993)

cuoc-doi-duc-a-nau-lau-da-03

-ooOoo-

PHẦN 3

5. A NẬU LÂU ÐÀ VÀ NỮ PHÁI

Tuy hầu hết những mẫu chuyện của A Nậu Lâu Ðà được thuật lại trong kinh điển, chỉ liên quan đến các đề tài Thiền pháp, nhưng cũng có một số ít bản kinh nói về thái độ, hay tư cách của vị Thánh Tăng này đối với nữ giới.

Chẳng hạn như một bản văn đã kể lại giai thoại sau đây:

Một lần nọ, A Nậu Lâu Ðà ẩn tu đơn độc trong một ngôi rừng vắng. Lúc ấy có một tiên nữ tên là Jàlinì từ cõi trời thứ ba mươi ba hiện xuống cứ quanh quẩn bên ông.

Vị tiên nữ này vốn trong kiếp trước, khi tiền thân A Nậu Lâu Ðà làm vua trời Ðế Thích (Sakka), thì nàng chính là chánh cung Hoàng hậu. Vì tuổi thọ của loài người so với tuổi thọ của cõi Trời rất ngắn, chỉ như chốc lát trên Thiên giới mà thôi, và nghiệp lực đưa “Thiên linh” đi đầu thai xuống trần gian cũng hằng làm cho “Thiên linh” ấy quên hết mọi việc kiếp trước, nên A Nậu Lâu Ðà đã không lập tức nhận ra nàng là ai. Còn vị tiên nữ Jàlinì kia thì cứ tưởng “Ðế Thích” chồng mình, mê ngao du địa giới bị đọa, để nàng đi tìm.

Kết quả, do tính luyến ái vợ chồng trên thiên cảnh trong lòng nàng chưa dứt, nên vị tiên nữ ấy sau khi nhận ra A Nậu Lâu Ðà là hậu thân của Ðế Thích, bèn yêu cầu ông phát nguyện làm sao cho sớm hết tuổi thọ làm người để thoát sinh lên cõi trời, sum họp với nàng.

Giọng yêu cầu của tiên nữ rất ngọt ngào tha thiết, hòa với nét đẹp của một đệ nhất hoa khôi Thiên giới giáng trần khiến cho bất cứ phàm nhân nào nghe cũng phải say đắm, huống chi “phàm nhân” ấy từ tiền kiếp đã có duyên phu thê với nàng!

Thế nhưng A Nậu Lâu Ðà thản nhiên trả lời bằng câu kệ rằng:

“Này tiên nữ, đừng mê lầm vướng mắc
Nơi Thiên cung còn tội báo nghiệp thân
Nàng tăm tối nên tình tiên ôm chặt
Phu thê ư, hay nhân quả xoay vần?”.

Tuy nhiên, tiên nữ Jàlinì vẫn không hiểu A Nậu Lâu Ðà nói gì, bèn dịu dàng phân bua, âm thanh ngọt ngào như tiếng đàn:

“Thiếp chẳng thấy trong cõi trần hạnh phúc,
Tại sao người không bỏ xác về tiên?
Nơi đó Thiên Vương cao cả uy quyền,
Ðầy phép lạ và tuổi đời vô tận!”.

A Nậu Lâu Ðà lại phải giảng giải bằng ba câu kệ ngôn nữa rằng:

“Nàng đã bị lậu vô minh che áng
Chẳng hiểu thông lời chân thật Thánh nhân
Pháp vô thường không phân biệt tiên, trần
Duy điều kiện hợp tan là định luật!
*
Bốn giai đọan sinh, già, và bệnh, chết

Từ điểm “không”, tạo khổ, để hoàn “không”
“Thân kiến” phù du như kiếp nắng hồng
Buổi trưa nóng, buổi chiều tàn lạnh ngắt.
*
Nàng có biết đường luân hồi muôn mặt

Bần Tăng giờ, tâm quyết dứt đăng trình
Kiếp chót này tu, tận diệt duyên sinh,
Vượt ba cõi, chỉ vào trong “không” tịnh”.

(N. Ð. Thoát dịch ra văn vần, theo Tạp A Hàm,
số 9/6 Samyutta Nikàya No. 9/6)

Một lần khác, một đám tiên nữ được mệnh danh là “Thiên Thần kiều diễm”, rủ nhau xuất hiện trước mặt A Nậu Lâu Ðà. Sau khi đã chào kính vị Thiền Tăng, những tiên nữ này liền thay phiên nhau khoe khoang với A Nậu Lâu Ðà rằng họ có nhiều khả năng tuyệt diệu. Chẳng hạn như họ có thể trong nháy mắt, thay đổi màu da, mái tóc, hoặc họ có thể tự biến giọng nói thanh tao, ngọt ngào, theo ý muốn v.v… Nghĩa là họ mỗi khi ao ước hưởng thụ một khoái lạc gì, thì tức khắc họ sẽ được toại nguyện.

Ðể thử xem những điều các tiên nữ vừa khoe là thật hay giả, A Nậu Lâu Ðà liền “nói” trong tâm tư rằng: “Vậy các nàng hãy hóa ra màu xanh đi!” thì lập tức họ hóa ra màu xanh. Rồi Thiền Tăng muốn thứ lại một vài lần nữa, ông “đổi ý” bảo thầm với các tiên nữ chuyển ra màu đỏ, màu vàng, màu tím v.v… thì họ cũng đều làm được. Ðặc biệt hơn là họ còn có “Tha Tâm Thông”, biết rõ những gì loài người đang suy nghĩ.

Chứng kiến sự thật ấy, Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà liền cảnh giác, để tâm hồn thanh tịnh, an trú vào thiền pháp “Phi Tưởng”, không cho tâm mình tư duy bất cứ một chuyện gì cả nên ông ngồi im.

Lúc bấy giờ các tiên nữ cảm thấy vô cùng sung sướng (vì đã chứng minh được phép thuật của họ). Ðoạn các tiên nữ vui thích, bắt đầu ca hát và khiêu vũ xung quanh vị Thiền Tăng. Lời lẽ và điệu bộ vô cùng hấp dẫn, không kể là một phàm nhân, ngay cả các tiên nam trên cõi trời Dục giới nhìn thấy cũng phải say đắm, mê mẫn!

Thế mà A Nậu Lâu Ðà vẫn ngồi im, bất động. Vì ông đã an trú vững chắc Lục thức vào trong một cõi thiền. (Lục thức là Nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức). Nhất thời tuy Lục căn của ông vẫn bình thường, nhưng “Lục thức” không có mặt để tiếp xúc với “Lục trần” nên ngoại cảnh chẳng thể nào quấy nhiễu tâm linh ông được. (Lục căn là Nhãn căn, nhĩ căn, tỵ căn, thiệt căn, thân căn, và ý căn. Lục trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, và pháp. Lục căn có thể ví như sáu cái cửa, và Lục trần là sáu đối tượng đập vào sáu cửa ấy).

Các tiên nữ sau một hồi ca vũ, xét thấy A Nậu Lâu Ðà không chú ý đến họ. Do đó, ông cũng chẳng chiêm ngưỡng gì sắc đẹp và pháp thuật kỳ diệu của họ nên tất cả tự động biến mất, quay về Thiên giới.! (theo Tạp A Hàm số 9/6: Samyutta Nikàya 9/6).

Nếu chúng ta nhớ lại thời A Nậu Lâu Ðà còn làm một Hoàng tử đẹp trai, sống trong nhung lụa vương cung, hằng ngày được nuông chìu, hầu hạ bằng ăn sung, mặc sướng, gái đẹp và nhạc hay, thì chúng ta sẽ hiểu sâu xa hơn cái khung cảnh tiên nữ ca vũ, mơn trớn xung quanh ông, có thể là một thách đố đối với Thiền Tăng. Chính những gì ngày xưa A Nậu Lâu Ðà đã say mê ưa thích thì bây giờ ông lại dẹp bỏ. Phải chăng nhờ Phật giáo mà A Nậu Lâu Ðà đã sớm được giải thoát? Nếu không do thiện hạnh đã gieo trồng từ nhiều kiếp trước, ông có thể sẽ bị vướng mắc vào trong các lạc thú trên những cõi trời đầy quyền uy và hạnh phúc (Ám chỉ các tầng trời từ thứ ba mươi ba trở lên).

A Nậu Lâu Ðà sau đó nghĩ rằng sự xuất hiện cám dỗ của các tiên nữ vừa qua đáng nhắc lại như một đề tài để cho đức Phật chỉ dạy. Vì vậy, khi gặp Phật, ông đã tường thuật đầy đủ câu chuyện, và đặt câu hỏi rằng:

– Bạch đức Bổn Sư! Nhờ những đức hạnh gì mà một người đàn bà có thể được sinh lên cái cõi Nữ Thần đẹp nhất Thiên giới?

A Nậu Lâu Ðà nêu câu hỏi ấy, không phải vì lòng còn ưa thích sắc đẹp của các tiên nữ mà vì tính tò mò, muốn biết rõ nhân lành nào đã dẫn đến một kết quả đặc biệt như thế!

Ðức Phật từ bi trả lời:

– Này A Nậu Lâu Ðà! Có tám phẩm hạnh khiến cho một nữ nhân sẽ thoát sinh lên cõi trời mỹ sắc ấy là:

1. Người đàn bà sau khi lập gia đình, phải có nết hạnh chìu chuộng và thân ái đối với chồng.

2. Người nữ phải luôn luôn tỏ ra lịch sự, và hiếu khách đối với những thân nhân mà chồng mình quí mến, nhất là cha mẹ chồng và các hàng phạm hạnh đạo sĩ.

3. Người nữ phải chu toàn mọi việc gia đình một cách cẩn thận và siêng năng.

4. Người nữ phải biết chăm sóc và hướng dẫn kẻ ăn người ở trong nhà một cách có kế hoạch.

5. Người nữ phải có tính không phung phí tài sản của chồng, và biết cách gìn giữ an toàn.

6. Người nữ không thích cờ bạc rượu chè, và làm mọi cách để tránh cho chồng khỏi mắc phải tật rượu chè cờ bạc, nguyên nhân làm cho chồng sạt nghiệp.

7. Người nữ nếu không “xuất gia” thì phải biết qui y, nương nhờ nơi Tam bảo, và nhất là nghiêm giữ năm giới cấm, và

8. Người nữ phải có lòng rộng lượng, thương người, cũng như biết chia sớt sự sống của mình cho những ai đói rách

(theo Tăng Chi A Hàm số 8/46 Anguttara Nikàya 8/46).

Ngoài hai câu chuyện nói trên liên quan đến các tiên nữ hiện ra thân người trước mặt A Nậu Lâu Ðà, còn có nhiều điển tích trong kinh sách thuật lại khả năng dùng “Thần nhãn” của ông để nhìn thấy những “linh hồn nữ” thoát sinh lên Thiên giới, hay bị đọa xuống các cảnh khổ (nhất là cõi địa ngục) nhu thế nào.

Một lần nọ, A Nậu Lâu Ðà cũng hỏi Phật người nữ vì phạm trọng tội gì mà họ phải sinh vào địa ngục thì được Phật trả lời rằng:

“Này A Nậu Lâu Ðà! Có năm nguyên nhân làm cho một người đàn bà sẽ bị sa đọa là:

1. Thiếu niềm tin trong chánh pháp.
2. 
Không biết hỗ thẹn khi đã lỡ làm điều bất thiện.
3. 
Chẳng ghê sợ tội lỗi.
4. 
Người thường nóng giận.
5. 
Ðầu óc không bình tĩnh, dễ tin nhảm.

– Này A Nậu Lâu Ðà! Xa hơn nữa, một người đàn bà, do năm tật xấu nói trên, có thể sinh ra nhiều ác tính khác, như thù vặt, ganh tị, keo kiệt, lang chạ, vô luân lý, lười biếng, và đãng trí. Rồi khi hết tuổi thọ, họ chắc chắn sẽ bị đọa vào địa ngục.

Nhưng ngược lại, này A Nậu Lâu Ðà! Nếu một người đàn bà biết tu sửa, phát triển những đức tính đối trị như sau:

1. Vững niềm tin trong chánh pháp.
2. 
Tự hổ thẹn với lỗi lầm của mình.
3. 
Ghê sợ tội lỗi.
4. 
Hoà dịu không nóng giận.
5. 
Tinh thần bình tĩnh sáng suốt.

Rồi từ đó các nết tốt của họ cũng hiện ra, là không chấp nhất thù hằn, không ganh tị, không keo kiệt, trung thành với chồng, biết tôn trọng luân lý, siêng năng và chăm chỉ. Những đức tính ấy sẽ giúp họ tiến hóa lên thiên đường (theo Tạp A Hàm số 37/5-24: Samyutta Nikàya 37/5-24).

Và nhân một cuộc “Pháp đàm” khác, A Nậu Lâu Ðà lại thuật cho đức Phật nghe rằng: Trong đời sống hằng ngày có nhiều người đàn bà bề ngoài rất nghiêm trang, cử chỉ cũng hòa dịu, thế mà khi họ hết tuổi thọ thì ông “thấy” họ lập tức sinh vào địa ngục, là bởi làm sao?

Ðức Phật trả lời:

– Này A Nậu Lâu Ðà! Có ba nết xấu rất nguy hiểm trong một người đàn bà, luôn luôn dắt dẫn họ đi thẳng vào con đường địa ngục là: Buổi sáng họ keo kiệt, buổi trưa ham muốn của cải danh vọng, và buổi tối đòi hỏi tình dục (theo Tăng Chi A Hàm số 3/127: Anguttara Nikàya 3/127).

Ngoài ra, những thuật sự nói về kiếp trước của A Nậu Lâu Ðà cũng mô tả mối liên quan sâu xa của tiền thân ông với phái nữ. Tất cả đều chứng tỏ A Nậu Lâu Ðà xuyên qua những kiếp xa xưa đã được phái nữ ngưỡng mộ rất nhiều. Và trong những tiền kiếp ấy, ông đã bị đầu thai làm thú vật chỉ có một lần:

Khi ấy ông sinh làm chim câu rừng và bồ câu mái, bạn ông, đã bị một diều hâu sát hại. Ðể đối phó với nỗi khổ buồn thương, biệt ly bạn đồng hành, tiền thân làm chim câu trống của ông, đã quyết định nhịn đói cho đến khi vơi đi mọi cô độc sợ hãi.

Câu chuyện buồn thương và nhịn đói vì nhớ bạn của tiền thân làm chim (A Nậu Lâu Ðà) đã được kể lại bằng những câu kệ sau đây:

“Trong kiếp ấy vì ham vui mà khổ
Tôi đã làm chim, cùng bạn bay xa
Gặp phải diều hâu, cái chết xóa nhòa
Một sinh mạng theo tử thần tan tác.
*
Sống thơ thẩn, nhớ bóng hình đã mất
Kiếp cô đơn, ngày tháng lạnh lùng trôi
Tuyệt thực cho vơi bất hạnh cuộc đời
Mong cái khổ đừng bao giờ trở lại…”.

(N. Ð. thoát dịch ra văn vần, theo Túc Sinh truyện số 490)

Còn một câu chuyện tái sinh, rồi vì đa tình mê sắc, đã gây oan nghiệt, cũng xin kể ra đây, để quí vị Phật tử thấy rằng A Nậu Lâu Ðà trước khi trở thành Thánh nhân, trong vô lượng kiếp luân hồi, ông cũng đã từng có tâm ác độc, như bao nhiêu chúng sanh tội lỗi khác:

Kiếp ấy, tiền thân A Nậu Lâu Ðà sinh làm vua, trong khi săn bắn giữa rừng, ông gặp phải một người đàn bà cực đẹp, đẹp đến nỗi mà ông lập tức si tình.

Và để chiếm hữu giai nhân tuyệt sắc, nhà vua liền giương cung bắn vào chồng nàng, gây trọng thương. Nhưng người đàn bà đã không sợ sệt trước quyền uy của một vị vua, cũng như không mê mờ trước cảnh sống vương giả, mà nhà vua sẵn sàng cống hiến. Nàng mạnh dạn tố cáo sự ác độc của nhà vua, và tuyên bố quyết chết theo chồng, chứ không để tấm thân mình bị kẻ tàn bạo làm hoen ố. Kết quả, nhà vua đã thức tỉnh, rồi hối hận bỏ đi, để lại sau lưng một người đẹp, bên cạnh một nạn nhân của tính háo sắc. Cũng may là chồng người đàn bà ấy bị vết thương không ở chỗ tán mạng.

Và người đẹp trong “đoản kịch” nghiệt ngã ấy không ai khác hơn là tiền thân của Da Du Ðà La (Yasodharà), cùng chồng nàng là tiền thân đức Bồ Tát Sĩ Ðạt Ta, người mà trong kiếp chót đã viên tròn Phật quả, đồng thời trở thành Bổn Sư của Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà (theo Túc Sinh truyện số 485: Jàtaka 485).

Xong chuyện gây oán, giờ xin thuật qua chuyện tạo ân:

Một kiếp nọ, tiền thân A Nậu Lâu Ðà sinh làm vua trời Ðế Thích, rồi tìm cách tiếp độ tiền thân đức Bồ Tát, tái sinh làm một nhạc sĩ, thổi tiêu rất hay, tên là Guttila.

Lúc ấy Ðế Thích dụng tâm khuyến khích cho ba trăm nữ thần giáng trần để luân vũ, theo giọng tiêu trầm bổng, réo rắt của Guttila. Và họ đã hòa điệu nhạc vũ một cách liên hoan như thế đến ba lần. Qua lần thứ tư theo lời yêu cầu của toàn thể tiên nữ, Ðế Thích đã mời và dùng thần thông đưa nhạc sĩ Guttila, lên thổi tiêu trên Thiên cảnh, do ông ngự trị.

Khi kết thúc âm nhạc, Guttila động tính tò mò bèn hỏi các nữ thần, do phước báu nào mà họ được sinh lên cõi trời, thì được trả lời rằng: “Chúng tôi sở dĩ hưởng được hạnh phúc này là nhờ kiếp trước thường xuyên cúng dường các bậc phạm hạnh, cũng như thường xuyên nghe Chánh Pháp, thường xuyên bố thí đến kẻ nghèo, nhất là bố thí bằng sự kính trọng, không nóng giận và ngạo mạn”.

Chỉ nghe câu trả lời ấy, nhạc sĩ Guttila (tiền thân đức Bồ Tát) liền sinh lòng thỏa thích, và hạt giống “thiên tánh” tự nhiên sống lại trong tâm hồn ông. Từ đó về sau, tuy làm người nhưng nhạc sĩ Guttila vẫn thỉnh thoảng lên thổi tiêu trên cõi trời. (theo Túc Sinh truyện số 243: Jàtaka 243)

Trở lại đời sống Sa-môn hiện tại của A Nậu Lâu Ðà. Những đặc điểm nổi bật và những khả năng xuất chúng của ông, đã được đề cập rồi. Bây giờ xin nói qua một biến cố có liên quan đến ông, mà từ đó đức Phật đã chế ra một điều luật.

Số là A Nậu Lâu Ðà và sư đệ là Tôn giả A Nan Ðà (Ànanda) (tức hai trong số những đại đệ tử thân cận nhất của đức Phật), một hôm là duyên cớ để đức Phật chế ra hai điều luật. Cả hai điều luật ấy đều áp dụng cho Tỳ-khưu Tăng trước phái nữ. Ðiều luật thứ nhất gọi là Pàcittiya 83 (Ưng Ðối Trị 83), và A Nan Ðà là “chứng nhân” trong đề tài. Ðiều luật thứ hai do câu chuyện sau đây:

Một thời Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà có việc phải du hành xuyên qua vương quốc Kosala, hướng về thành Xá Vệ (Sàvatthì). Vào một buổi tối mưa gió, ông đến ngôi làng kia, và không tìm ra một tu viện, tịnh xá hay một nơi nào thích hợp cho các hàng đạo sĩ cư ngụ. Thiền Tăng bắt buộc phải xin tạm trú tại phòng ngoài của một quán trọ do một người đàn bà xinh đẹp quản lý. A Nậu Lâu Ðà yên trí rằng “Phòng ngoài là một khoảng cách biệt, Tăng sĩ có thể tá túc qua đêm được“.

Nhưng chẳng bao lâu sau, số người lỡ đường xin vào ngủ trọ càng lúc càng đông, khiến cho nữ chủ nhân bỗng đổi ý mời Thiền Tăng vào nghỉ tận phòng trong. Bà viện cớ rằng ở đó yên tịnh, và giường chiếu cũng tươm tất hơn. A Nậu Lâu Ðà, trước hoàn cảnh đông người như thế vẫn trầm tĩnh, yên lặng, tức là ông mặc nhiên chấp thuận, chẳng tìm hiểu “ẩn ý” của nữ chủ quán. Tuy nhiên nữ chủ quán ấy trước khi mời Thiền Tăng vào nghỉ bên trong, bà đã quan sát thấy ông là một tu sĩ khôi ngô, tuấn tú, nên sinh lòng ái cảm.

Thế là, khi mọi người ai về giường nấy, nữ chủ nhân bèn vô tư phòng trang điểm, mình ướp đầy dầu thơm, và mang hết những nữ trang đẹp nhất. Ðoạn bà bước vào phòng A Nậu Lâu Ðà nhoẻn miệng cười, nói:

– Này đạo sĩ đáng kính! Ngài vừa hiền hậu, vừa anh tuấn, vừa khoẻ mạnh. Mới trông thấy Ngài là tiện nữ đã yêu mến rồi. Thật là một đại hạnh cho tiện nữ, nếu được Ngài xem như một hiền phụ.

A Nậu Lâu Ðà nhất thời ngồi im.

Nữ chủ quán thấy vậy tưởng lầm rằng sự “im lặng” ấy là chấp thuận. Bà lập tức mở hết đồ nữ trang, gom tất cả tiền bạc, đem để trước mặt A Nậu Lâu Ðà, rồi tiếp:

“Xin quí nhân hãy nhận lãnh những lễ vật mọn này, cho thiếp được an lòng.

Nhưng A Nậu Lâu Ðà vẫn ngồi yên. Vì Lục căn của ông lúc đó đã được an trú vững chắc trong một cõi Thiên nên ông chẳng hay biết gì cả.

Sự “im lặng” lần thứ hai càng làm cho người đàn bà khích động. Bà vội vàng cởi hết quần áo ngoài ra, để lộ một tấm thân diễm kiều khêu gợi, rồi bắt đầu khiêu vũ xung quanh chiếc giường A Nậu Lâu Ðà.

Tuy nhiên, vị Sa-môn trước sau vẫn bất động. Ông như một tượng đá uy nghi trước mọi cám dỗ xác thịt, trước mọi vàng bạc hào nháng và mê hoặc của cuộc đời.

Lần này nữ chủ quán bất chợt ngạc nhiên. Bà ngạc nhiên tột cùng vì nhận thấy không một cử chỉ lả lơi, mời mọc nào của bà được đối tượng chú ý! Thật là một chuyện phi thường, bởi bà rõ ràng là một giai nhân tuyệt sắc, chứ không phải là kẻ xấu xí hèn mọn.

Từ ngạc nhiên người đàn bà ngưỡng mộ. Bất thần bà quỳ xuống trước mặt A Nậu Lâu Ðà tán dương:

– Thật là thánh thiện! Thật là cao thượng! Này bậc đạo sĩ, Ngài là một siêu nhân, một Thiên thánh không lệ thuộc giác quan mới có tư cách như thế đối với tiện nữ! Vì trên đời này từ trước tới nay, chỉ có những nam nhân giàu sang, quyền quí mang đầy của cải và danh vọng đến mọp bên chân của tiện nữ để xin xỏ tình yêu, chứ chưa bao giờ có một người thờ ơ trước sự phủ phục của chính tiện nữ cả.

Sau đó người nữ chủ nhân quán trọ bỗng tỏ ra hối hận. Bà chậm chạp mặc tất cả quần áo cùng đồ nữ trang trở lại, rồi một lần nữa phủ phục dưới chân A Nậu Lâu Ðà để xin Thiền Tăng tha thứ cho những hành động cám dỗ vừa qua.

Lúc bấy giờ A Nậu Lâu Ðà mới mở mắt ra và thanh tịnh xá lỗi cho người đàn bà lầm lạc. Ðồng thời ông cũng khuyên bà nên sáng suốt chỉ huy lấy tâm tư mình. Vì bà còn trẻ và rất đẹp, nếu không cẩn thận, bà có thể bị khổ lụy bởi tình yêu trong tương lai…

Tất nhiên vở kịch tình cảm bồng bột được kết thúc ở đó, và người đàn bà đã trở về phòng mình một cách yên tâm “giác ngộ”.

Sáng hôm sau, mọi người đều thấy nữ chủ nhân quán trọ phong độ rất khiêm cung, nét mặt rất vui vẻ mang thức ăn điểm tâm đến cúng dường tận tay A Nậu Lâu Ðà. Vị Thiền Tăng cũng thuyết cho nàng một bài pháp khiến cho nữ chủ nhân quán trọ bỗng chốc trở thành Phật tử và tình nguyện suốt đời sống đúng theo lời Phật dạy.

A Nậu Lâu Ðà sau đó tiếp tục cuộc hành trình. Ông đến tu viện Phật giáo ở Xá Vệ (Sàvatthì) vào một buổi chiều. Khi ông thành thật kể lại chuyện ấy cho một đồng đạo nghe, thì được đức Phật kêu vào quở trách:

– Này A Nậu Lâu Ðà! Một Tỳ-khưu xuất gia theo Phật giáo không được ở đêm trong ngôi nhà do người nữ làm chủ, cũng không được ngủ chung phòng có nữ nhân! Như Lai chế ra luật cấm này kể từ ngày hôm nay, và gọi đó là giới Ưng Ðối Trị (theo Tạng Luật phẩm Vibhanga, phần điều răn Pàcittiya đọan số 6).

Thuật sự này chứng tỏ rằng Thiền Tăng A Nậu Lâu Ðà đã nhờ Thiền pháp chỉ huy tâm mà ông tránh khỏi cảnh khổ làm nô lệ cho dục vọng. Sức mạnh an trụ của ông đã đánh thức và cảm hoá được người đàn bà lửa dục đang bừng cháy, khiến đương sự tỉnh ngộ, ăn năn, trở về với chánh pháp, rồi quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Do đó, chúng ta có thể nói rằng Thiền pháp của A Nậu Lâu Ðà không những đem lại an vui cho chính ông, mà còn mang đến giác ngộ cho người khác. Người khác ở đây nếu căn cứ theo câu chuyện vừa kể là phái nữ vậy.

Tuy nhiên, khi đức Phật chế ra điều luật nói trên, Ngài đã “quở trách” A Nậu Lâu Ðà chỉ như một duyên cớ mà thôi, chứ không phải Phật chẳng tin vào đức hạnh của vị Ðại đệ tử này. Vì rằng, các phàm Tăng, tốt hơn là nên tránh trước, đừng để rơi vào một tình trạng cám dỗ không lối rút lui, như thế họ có thể gục ngã bởi dục vọng dễ dàng.

Nghĩa là đức Thế Tôn, do lòng từ bi, Ngài đã không muốn cho chư đệ tử sơ cơ rơi vào vòng nguy hiểm. Nếu đọc kỹ trong kinh điển, chúng ta sẽ thấy rằng: Lúc sinh tiền đức Phật thường khi đã ngăn ngừa cho những phàm Tăng một số “trợ duyên” gây tội hơn là để cho họ tự biết tự tu.

Câu chuyện định tâm của Thánh Tăng A Nậu Lâu Ðà ở phương Ðông, hơn 2500 năm trước, có nhiều điểm tương đồng với đức tánh của Thánh Bernard De Clairvaux trong sử Pháp. Vào đầu thế kỷ thứ XII, năm 1115: Một hôm, vị ẩn sĩ trẻ tuổi này (Bernard De Clairvaux) dừng chân nghỉ đêm trong một quán trọ. Ông đã được chủ quán dành cho một chiếc băng nơi phòng khách, vì những chỗ khác đã có người chiếm trước. Thình lình nửa đêm, cô con gái của chủ quán, vốn tính thích những nam nhân đẹp trai, tự mò đến tỏ tình. Nhưng Bernard De Clairvaux đã ôn hòa từ chối. Và vì trời rét, ông đã buộc lòng phải kéo lại tấm chăn bông, và nói với cô gái:

– Nếu cô chỉ cần một chỗ ngủ thì cái băng này có thể đủ cho hai người! Nhưng nếu cô tìm một cái gì khác thì cô sẽ thất vọng.

Sự thản nhiên hoàn toàn trước cám dỗ xác thịt của Bernard De Clairvaux đã làm cho cô gái kính trọng, và hổ thẹn bỏ đi. Ðiểm giống nhau của hai vị Thánh, một ở phương Ðông và một ở phương Tây là họ tự chỉ huy được tâm hồn mình, rồi thuyết phục người khác bằng tinh thần và hạnh kiểm trong sạch, thánh thiện, chứ không phải bằng giảng đạo.

-ooOoo-

Hits: 57

Trả lời