Vọng tưởng nhị nguyên
Chúng ta đã biết tâm phóng chiếu ra vạn pháp, dù xấu hay tốt, và sau đó vạn pháp có tác động trở lại đối với tâm, khiến chúng ta thấy vui, buồn… Khi biết tâm tạo ra vạn pháp, thì không những chúng ta dừng phóng chiếu ra các vọng tưởng nhị nguyên về tốt – xấu, to – nhỏ… mà nhờ hiểu biết đó, chúng ta sẽ hiểu thêm về tự tính của vạn pháp. Ví dụ như khi chúng ta nghĩ rằng một cái cây tốt hay xấu thì không những chúng ta vọng tưởng về tốt hay xấu, mà chúng ta còn vọng tưởng về cái cây. Cái cây chỉ là một khái niệm do tâm gán ghép. Cái cây không tồn tại độc lập với tâm, chứ chưa nói gì đến sự tốt hay xấu của cái cây này. Ngay cả khi nói về màu sắc hay hình dáng của cái cây đó, thì chúng ta cũng chỉ đang gán ghép những khái niệm về màu sắc và hình dáng của cây, trong khi bản thân cái cây không tồn tại thực chắc mà chỉ là khái niệm do tâm gán ghép.
Nhiều người tu tập có thể tinh tấn trong một số nội dung thực hành, nhưng không thể tiến xa hơn nữa khi gặp trở ngại này. Ví dụ như họ có thể hiểu rằng tốt xấu, to nhỏ… đều chỉ là những vọng tưởng do tâm tạo ra. Thế nhưng họ lại không thể nghĩ rằng cây cối, nhà cửa, núi sông… tức là những sắc tướng lớn hơn trong cuộc sống cũng đều do tâm tạo ra. Điều đó có nghĩa là trí tuệ của những người đó chưa đủ lớn, thế nên họ không thể nghĩ vạn pháp đều là Không. Vì thế mà sự thực hành của họ chưa thể tiến xa hơn. Chúng ta cần có đủ năng lực để quán chiếu ngày càng sâu hơn cho đến khi hiểu được tính không thực sự. Chúng ta có thể đạt được hiểu biết đó, nhưng quá trình này phải diễn ra từ từ, quán chiếu dần từ đối tượng này sang đối tượng khác. Đầu tiên chúng ta có thể quán chiếu một đối tượng như cái cây, nhưng hãy quán chiếu đối tượng đó từ nhiều góc độ khác nhau như màu sắc, hình dáng, mùi vị, sự tốt xấu…
Bóc tách những lớp vỏ khái niệm
Sau khi có hiểu biết đúng đắn, bóc tách những vọng tưởng được gán ghép cho một sắc tướng, chúng ta có thể thực hành quán chiếu thêm các sắc tướng khác. Tất cả những gì chúng ta nghĩ về vạn pháp đều chỉ là những khái niệm do chúng ta gán ghép, vì thế chúng ta có thể loại bỏ những vọng tưởng đó để vạn pháp dần dần hiển lộ tự tính chân thật. “Tự tính chân thật của vạn pháp” là cách gọi trong thực hành Đại Toàn Thiện và Đại Thủ Ấn. Khi đã bóc tách những lớp vỏ khái niệm che phủ bên ngoài, vạn pháp để lộ ra tự tính chân thật. Đó là điều chúng ta có thể thực chứng được.
Chúng ta có thể thực hành nội dung trên bằng thiền quán. Đó là lý do tại sao tôi luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng của thiền quán. Nếu không thực hành thiền quán, chúng ta không thể bóc tách các lớp vỏ bọc khái niệm, vọng tưởng mình đã gán ghép ra khỏi vạn pháp.
Không chỉ trong đời này mà từ vô thủy đến nay trong luân hồi, chúng ta đã gán ghép các danh ngôn, khái niệm cho vạn pháp. Vì vọng tưởng sâu dày đến như vậy, bây giờ chúng ta cần nỗ lực lớn để gỡ bỏ các vọng tưởng đó và làm hiển lộ thực tại của vạn pháp.
Ví dụ như khi tôi nói bóc đi vọng tưởng về màu sắc của cái cây, đó là vì bản thân cái cây không có màu xanh, mà màu xanh của cái cây là do chúng ta gán ghép cho nó. Ai đã nói cái cây có màu xanh? Chính chúng ta đã nghĩ và đã nói như vậy. Thực ra chẳng có thứ gì là màu xanh tồn tại độc lập cả, nhưng chính tâm của chúng ta đã phóng chiếu ra màu sắc đó, cùng các đặc điểm khác về cái cây, như “Đó là một cái cây màu xanh đẹp. Đó là một cái cây màu vàng đẹp”. Nên nhớ màu sắc và những đặc điểm đó không thực sự là bản chất của cái cây. Những tính chất như màu xanh hay vàng, xấu hay đẹp không phải là tự tính của cái cây. Khi thực hành quán chiếu, chúng ta bóc tách các vọng tưởng, khái niệm đã gán ghép cho cái cây. Tương tự như vậy, chúng ta cũng bóc tách các vọng tưởng, khái niệm đã gán ghép cho vạn pháp, và hơn thế nữa chúng ta còn quán chiếu để thấy rằng vạn pháp cũng chỉ là danh ngôn, khái niệm do chúng ta gán ghép mà thôi.
Tính không của vạn pháp
Nhờ thực hành quán chiếu mà chúng ta dần đi đến hiểu biết rằng vạn pháp không hề thực chắc, độc lập. Ví dụ như chúng ta không chỉ nói rằng màu sắc hay hình dáng của cái cây là không thực chắc, mà chúng ta còn có thể nói rằng không có cái cây thực chắc nào cả. Không có mắt, mũi, người, núi non… Tại sao lại có thể nói vậy? Bởi vì khi đã quán chiếu, bóc tách những danh ngôn, khái niệm thì cuối cùng chẳng còn gì cả. Đây chính là ý nghĩa của câu “Sắc tức là Không”.
Mọi đặc điểm của vạn pháp, ví dụ như như những cái cây, đều do tâm chúng ta gán ghép, và thực hành quán chiếu giúp chúng ta bóc tách những vọng tưởng đó ra khỏi vạn pháp. Khi không còn vọng tưởng, chúng ta thấy vạn pháp không thực sự tồn tại như vẻ bề ngoài của chúng. Vì “cây” cũng chỉ là một khái niệm do tâm ta gán ghép, nên thực ra cũng chẳng có cái cây nào cả. Sau khi đã bóc tách như vậy, chúng ta thấy chẳng còn gì hết cả. Đây được gọi là tính không của vạn pháp, trong tiếng Phạn là shunyata, trong Kim cương thừa còn gọi là nhất như.
Nhờ vậy, chúng ta có thể hiểu rằng vạn pháp là không sinh, không diệt, và không trụ. Đây là một giáo pháp rất nổi tiếng. “Không sinh” không có nghĩa gì cả nếu chúng ta vẫn dùng tâm bám chấp thông thường. Nhưng nếu quán chiếu sâu thì chúng ta sẽ hiểu được thông điệp thực sự của giáo lý này. Bát Nhã Tâm Kinh dạy: “Tướng không của mọi Pháp, không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt”. Đây là cách chúng ta cần hiểu về vạn pháp, nhưng “chúng ta cần hiểu” không có nghĩa là chúng ta có thể ép bản thân hiểu theo cách đó. Chúng ta cần đạt được hiểu biết đó bằng trí tuệ quán sát.
Nguồn : Source link
Hits: 49