Đại Đức Giới Nghiêm (Thitasīla Mahāthera) thế danh là Nguyễn Đình Trấn, sinh ngày 5/5/1921 tại làng Gia Lê Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Ngài xuất thân trong một gia đình có truyền thống đạo đức lâu đời tại một quê hương nghèo khổ nhưng lại phát tích rất nhiều tu sĩ và cao tăng thuộc cả hai truyền thừa Nguyên Thủy và Bắc Tông.
Năm 9 tuổi, cậu bé Nguyễn Đình Trấn xuất gia Sa di tại một ngôi chùa hẻo lánh nổi tiếng nhiều thú dữ, ma thiêng nước độc thuộc làng Bãng Lãng, huyện Hương Trà, thành phố Huế theo truyền thống Phật giáo Bắc tông.
Tại cố đô Huế, một ngày nọ Ngài Giới Nghiêm được trông thấy hình bóng các Sa môn của Phật Giáo Nguyên Thủy Lào được Hoàng hậu Từ Cung thỉnh vào Thành Nội tụng kinh đầu năm cầu quốc thái dân an. Hình ảnh những vị tu sĩ Phật giáo Lào là một nhân tố vô cùng tươi đẹp thôi thúc Ngài Giới Nghiêm trở thành một tu sĩ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Sau lần gặp gỡ đó, Ngài có ước nguyện được theo giáo phái giống như những vị tu sĩ Lào có Tam y và Quả bát, mà ở Việt Nam lúc bấy giờ vẫn chưa có.
Đến năm 1940, vì chiến tranh loạn lạc nơi làng quê của Ngài nên sự tu hành bị trở ngại. Ngài đã vào Đà Nẵng xin thọ giới Tỳ Khưu ở chùa Phổ Đà thuộc hệ phái Bắc truyền.
Lúc bấy giờ Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravāda) bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Ngài Giới Nghiêm rất mừng khi nghe tin ở Sài gòn có phái đoàn truyền giáo của Phật Giáo Nguyên Thủy do người Việt Nam tu tập ở Cam Bốt mang về. Ngài cùng chín huynh đệ vào Sài Gòn để tận mắt nhìn thấy những vị chân tu theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Ðó là các Ngài Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Hộ Tông và Hòa thượng Huệ Nghiêm.
Nhìn oai nghi tế hạnh của những vị này, Ngài nhớ đến những tu sĩ Lào mà Ngài đã trông thấy ở Huế gần mười năm trước. Ôi! Pháp tướng của quý Hòa thượng sáng đẹp và thanh tịnh làm sao. Ngài nghĩ thầm: “Ta đã tìm đúng giáo phái mà ta đã mơ tưởng trước đây rồi; vậy ta hãy lập tức hành động.”
Ngài chắp tay xá chào các vị trong phái đoàn quý Hòa thượng và tự giới thiệu về mình và các huynh đệ của Ngài. Hòa thượng Hộ Tông giải đáp cho Ngài Giới Nghiêm những thắc mắc đã cưu mang trong lòng nhiều năm qua. Hòa thượng Hộ Tông nói: “Những thắc mắc của thầy cũng giống như những thắc mắc của tôi ngày xưa khi chưa gặp Phật Giáo Nguyên Thủy.”
Lời lẽ, đạo hạnh của phái đoàn truyền giáo đã thu hút Ngài Giới Nghiêm và chín huynh đệ. Ngài Giới Nghiêm hỏi Hòa thượng Thiện Luật: “Chúng tôi muốn tu theo quý Ngài có được không và thủ tục như thế nào?”
Hòa thượng Thiện Luật đáp: “Ðược. Nhưng theo giới luật, thầy phải làm giới tử 3 tháng. Quý thầy nên sang Cam Bốt làm giới tử và xuất gia ở đó, vì chúng tôi tu theo đạo Phật Nguyên Thủy chưa được bao lâu. Nếu quý vị đồng ý, chúng tôi sẽ giới thiệu chùa và bổn sư để quý vị tu học.”
Ngài Giới Nghiêm trầm tư suy nghĩ trong giây lát và nói: “Vậy xin các Ngài hoan hỷ giới thiệu cho chúng con.”
Năm 1944, Ngài Giới Nghiêm giã từ quê hương. Trước ngày Ngài rời quê hương sang Cam Bốt tu học chỉ còn ba huynh đệ thôi; những vị kia còn nặng nợ đời thường nên ở lại Việt Nam. Khi sang đến Cam Bốt tu học chỉ còn lại một mình Ngài Giới Nghiêm, hai vị kia cũng bùi ngùi chia tay trở về đời thường. Nhìn những huynh đệ ra đi, Ngài rất động tâm, lấy điều đó để tự thức tỉnh cho mình, dũng mãnh viên thành hạnh nguyện xuất gia và tinh tấn tu học không biết mệt mỏi.
Năm 1947, Ngài Giới Nghiêm được thầy Bổn sư cho thọ đại giới Tỳ khưu theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy – thầy Tế độ là Hòa thượng Visuddhiransī và thầy Yết ma là Ngài Candavijīra.
Sau đó, do nhu cầu trí tuệ, hiếu học, hiếu tu, Ngài rời Cam Bốt và tiếp tục sang Thái Lan, Miến Điện để tầm sư học đạo.
Năm 1954, Ngài tham dự Đại Hội Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển Lần Thứ Sáu tại Miến Ðiện. Sau Đại Hội, Ngài xin ở lại tu học pháp môn thiền Minh Sát Tuệ với Thiền sư Mahāsi Sayadaw.
Sau hơn mười năm bôn ba xứ người tầm cầu, tu học Chánh Pháp, Ngài hồi hương để chia sẻ hương vị Pháp bảo của Phật giáo Nguyên thủy với chư Tăng và thiện tín trong nước.
Việc du nhập luồng tư tưởng Phật Giáo Nguyên Thủy vào cố đô Huế của Hòa thượng Giới Nghiêm là cả một quá trình nhiều thử thách trong lịch sử hoằng pháp của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Nguyên do là Phật Giáo Nguyên Thủy rất xa lạ, mới mẻ đối với cư dân địa phương và có nhiều điểm tu học khá quan trọng tương phản với Phật giáo Bắc tông vốn có nguồn gốc lịch sử lâu đời trên mảnh đất này.
Tuy nhiên, đồng bào đã rất tín mộ, đến tìm hiểu và học Đạo khá đông. Đây là vì Giáo lý Nguyên Thủy giải đáp những nghi vấn thực tế trong cuộc đời với ngôn từ bình dị, dễ hiểu. Giáo lý hướng đến tinh thần tự giác, vô ngã, vị tha, lấy nhân quả làm đầu, không chấp nhận mê tín dị đoan. Lại nữa, giới đức,phương pháp tu tập và nghi lễ của Ngài Giới Nghiêm và chư Tăng hoàn toàn giản dị nhưng vô cùng từ hòa và trang nghiêm.
Tại Sài Gòn, năm 1957, Ngài cùng với các vị trưởng lão cao tăng, thạc đức thành lập Giáo hội Tăng già Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravāda) Việt Nam. Ngài Giới Nghiêm đã đảm nhiệm chức vụ Tăng Thống của Giáo hội qua nhiều nhiệm kỳ và là vị Tăng Thống có uy tín được chư Tăng tín nhiệm lâu nhất trong các vị Tăng Thống.
Ngài có số đệ tử xuất gia đông đảo nhất của Phật giáo Nguyên Thủy. Nhiều đệ tử do Ngài tế độ hoặc hướng dẫn đã trở nên những bậc trưởng lão cho tứ chúng y chỉ, hoặc đạo cao đức trọng, hoặc trì đức uyên thâm, hoằng pháp khắp nơi trên quê hương cũng như hải ngoại.
Năm 1984, Ngài đã an nhiên viên tịch tại chùa Phật Bảo, hưởng thọ 63 tuổi.
Lòng từ bi vô lượng, giới đức nghiêm minh và sự nghiệp hoằng pháp của Ngàinhư bóng mát của tàng đạithụ mãi mãi còn che phủ các ngôi già lam nơi Ngài đã dày công kiến tạo và giáo huấn môn đồ suốt một đời không mệt mỏi. Ân đức của Ngài sáng mãi trong lòng toàn thể chư Tăng và thiện tín từng được Ngài hướng dẫn pháp học hay pháp hành hoặc từng được nghe biết đến hạnh nguyện và đạo nghiệp của Ngài.
Nguồn : Source link
Hits: 41