Tiểu Sử Đại Đức Hộ Tông Vansarakkhita Mahathera


Đại Đức Hộ Tông, Mahāthera Vansarakkhita, thế danh Lê Văn Giảng, sinh năm 1893 tại làng Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Ngài xuất thân trong một gia đình trung lưu trí thức, thân phụ là ông Lê Văn Như, thân mẫu là bà Ðinh Thị Giêng.

Ngài trưởng thành và lập nghiệp tại Phnom Penh (Nam Vang), xứ Cam Bốt. Năm 20 tuổi, Ngài kết hôn. Mặc dù là một công chức uy tín, một bác sĩ tài năng mà đường công danh đang mở ra rạng rỡ, nhưng vốn có túc duyên với Đạo nên Ngài thấy công danh chỉ là ảo ảnh, hạnh phúc chẳng khác mây sương, Ngài thường tự nhủ:

“Đường thế mịt mù trăm năm đầy tội

Cửa thiền thanh tịnh muôn kiếp nên duyên”.

Đến năm 32 tuổi, Ngài quyết thoát ly những cám dỗ trần tục và phát tâm tìm đạo.

Ngài thử qua nhiều pháp môn như ăn cơm lạt với nước, ăn cơm với giấm, ăn toàn rau cải và trái cây, tuyệt dục, tu niệm chú, tu niệm Phật… với tất cả nỗ lực chuyên cần của một người cư sĩ tại gia, nhưng Ngài sớm nhận ra rằng đó cũng chỉ là ảo ảnh như chính ảo ảnh cuộc đời mà trước đây Ngài đã thấy.

Do nhân duyên đưa đẩy, Ngài đến gặp vị Phó Tăng Thống Cam Bốt ở chùa Unalom. Sau khi nghe vị sư giảng về Bát Chánh Ðạo, Ngài cảm thấy thơ thới hân hoan và phấn khởi. Vị sư giới thiệu Ngài tìm đọc một quyển sách viết về Bát Chánh Ðạo bằng tiếng Pháp tại thư viện của chùa. Ngài đọc say mê và từ đó quyết tâm hành trì theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy Theravāda.

Trong thời gian kế tiếp, Ngài tiếp tục lui tới chùa Unalom học tập kinh điển Pāli. Ngài được một vị thiền sư tại đó truyền dạy pháp quán niệm hơi thở “Ānāpānasati” và chẳng bao lâu Ngài đạt nhiều kết quả rất tốt trong việc nhập định.

Từ đó, Ngài chuyên tâm thực hành hạnh bố thí, trì giới, tham thiền. Ngài cúng dường đến hàng ngàn Tăng chúng, xây dựng trường Phật học, trùng tu chùa, tháp và Tăng đường, tạo lập liêu thất và tịnh xá trong rừng sâu cho các vị thọ hạnh đầu đà, chuyên tu thiền quán. Và chính Ngài, mặc dù còn là một cư sĩ tại gia, có gia đình với 6 người con, đã nổi tiếng về công năng hành thiền.

Gặp được chánh pháp, Ngài phấn khởi khuyến khích bạn bè thân hữu cùng nhau tu tập. Năm 1934, Ngài về làm việc tại tỉnh Prey Veng. Nơi đây, Ngài giúp thành lập Trung tâm Thiền định tại chùa Ruong Damrey và giảng dạy Phật Pháp và pháp môn hành thiền.

Năm 1936, Ngài trở lại Phnom Penh, cùng với một nhóm bạn đạo cư sĩ người Việt tu bổ lại một chùa Bắc Tông cũ, tên là chùa Sùng Phước, để làm nơi truyền giảng đạo Phật Nguyên Thủy cho người Việt trên đất Cam Bốt.

Bấy giờ, chư Tăng và thiện tín gọi Ngài là A-cha Giảng với lòng mến mộ biết ơn. Chùa dần dần thu hút chư Tăng và thiện tín. Ngài bắt đầu dịch kinh sách ra tiếng Việt, trong đó có Kinh Nhựt Hành cư sĩ, Kinh Tụng Chư Tăng và bộ Luật Xuất Gia là những dịch phẩm đầu tiên vô cùng quý giá.

Khoảng thập niên 1930, Ngài và một số đạo hữu uyên thâm đạo lý thường về Sài Gòn thuyết giảng, nhờ thế đã quy tụ đông đảo Phật tử hướng về giáo lý uyên nguyên của Đức Phật.

Cũng trong những năm đó, nhận thấy đã đến lúc không còn thích hợp với đời sống tại gia mà Đức Phật gọi là “dễ lấm bụi trần,” Ngài quyết chí xuất gia. Ngày 15 tháng 10 năm 1940, Ngài xuất gia với vị thầy truyền giới là vị Phó Tăng Thống Cam Bốt, pháp danh Hộ Tông (Vansarakkhita).

Rằm tháng 10 năm 1941, Ngài thọ đại giới Tỳ Khưu với Hòa thượng Chuon Nath, Tăng Thống Cam Bốt (Đức Vua Sãi).

Đức Vua Sãi nhận ra người đệ tử mới xuất gia của mình là bậc pháp khí có thể lãnh trọng trách Như Lai sứ giả, nên không ngần ngại giao phó cho Ngài sứ mạng truyền trao Chánh Pháp Nguyên Thủy về xứ Việt Nam. Nhân duyên đầy đủ, ngôi chùa Phật Giáo Nguyên Thủy đầu tiên tại Việt Nam đã được thành lập năm 1941 tại Gò Dưa, Thủ Đức, đó là Tổ Đình Bửu Quang ngày nay. Nơi đây Tỳ khưu Hộ Tông cùng với các Tỳ khưu Việt Nam khác như Ngài Bửu Chơn, Thiện Luật, Huệ Nghiêm bắt đầu truyền giảng Phật Pháp Nguyên Thủy cho người Việt tại Việt Nam.

Năm 1944, Ngài trở sang Cam Bốt, thực hành hạnh du tăng đầu đà (dhutanga), chu du khắp nơi trong rừng sâu vắng vẻ, độc cư hành thiền.

Năm 1949, Ngài trở về Việt Nam. Cùng với chư Phật tử và thiện tín, Ngài xúc tiến xây cất một ngôi chùa mới rộng lớn hơn ngay tại thành phố Sài Gòn. Ngài đặt tên chùa là Kỳ Viên (Jetavana Vihara). Chùa Kỳ Viên được hoàn tất vào năm 1950.

Năm 1954, cùng với Hòa thượng Bửu Chơn, Ngài đến tham dự Ðại Hội Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển Pāli Lần VI tại Yangon, Miến Ðiện. Tại đây, Ngài đã đọc diễn văn trong ngày bế mạc Đại Hội. Sau đó Ngài đi thăm các thánh tích tại Ấn Ðộ đồng thời dự các khóa tu học ngắn hạn về hành thiền và kinh điển Pāli tại Tích Lan và Thái Lan.

Ngày 18 tháng 12 năm 1957, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam được chính thức thành lập, đặt trụ sở tại Chùa Kỳ Viên. Toàn thể chư Tăng suy cử Ngài vào chức vụ Tăng Thống của Giáo Hội, khóa I.

Trong suốt cuộc đời từ khi bắt đầu thấm nhuần Phật Pháp, Ngài luôn sống cho Ðạo, vì Ðạo, xây dựng thêm chùa, khuyến khích xuất gia, soạn thảo kinh sách, truyền giảng giáo pháp. Ngoài hai ngôi chùa đầu tiên, Ngài còn trực tiếp tham gia và đóng góp xây dựng nhiều chùa Nguyên Thủy khác như chùa Bửu Long (Thủ Ðức), Tam Bố (Lâm Ðồng), Phi Nôm (Ðịnh Quán), Bồ Ðề (Vũng Tàu), Tam Bảo (Ðà Nẵng), Giác Quang (Chợ Lớn), Pháp Quang (Gia Ðịnh), Tăng Quang (Huế), Thiền Lâm (Huế), Nguyên Thủy (Vàm Ông Tố), Long Khánh (Bà Rịa), v.v.

Trong suốt bốn mươi mốt hạ của Tỳ khưu, Ngài không bao giờ rời kinh sách. Mỗi nơi Ngài đến ngụ đều có một tủ kinh. Ngài sống một đời giản dị, ba y một bát như một vị Tỳ khưu mẫu mực của truyền thống Nguyên Thủy. Hằng ngày, Ngài thức giấc lúc 3 giờ sáng, tụng niệm và tham thiền. Sau đó bắt đầu viết và phiên dịch kinh sách, không lúc nào chểnh mảng.

Đến năm 80 tuổi, Ngài vẫn được chư Tăng thỉnh cầu đảm nhiệm chức vụ Tăng Thống 2 nhiệm kỳ từ năm 1971 đến năm 1974, và Ngài đã giữ vững con thuyền Giáo Hội giữa cơn phong ba bão táp của thời cuộc lúc bấy giờ.

Năm 1981, Ngài về ngụ tại chùa Bửu Long, Thủ Ðức. Tại đây dù tuổi già sức yếu, Ngài lại ra công giúp tu bổ chùa.

Ngài hưởng thọ 89 tuổi đời, 41 tuổi đạo.

Thơ Khuyến Tu (Đại Đức Hộ Tông)

Đường trần sao lắm cuộc bi ai

Thế sự khác nào chốn chông gai

Mịt mịt hơi sầu vòng gác tía

mù gió thảm vẻ cân đai

Trăm lo nghìn liệu gây oan trái

Năm mỏi tháng mòn vướng nghiệp tai

Đầy đủ phước hồng rồi cũng bỏ

Tội trường oan trái khổ liền tay.

Cửa Phật tháng ngày chẳng thảm ai

Thiền môn nào phải chốn chông gai

Thanh sơn đâu quản khanh cùng tướng

Tịnh thất nào hay mão với đai

Muôn thuở an vui hành Bát Chánh

Kiếp trần thong thả lánh tam tai

Nên chăng hỡi khách công hầu gẫm

Duyên kết Niết bàn được rảnh tay.

0 0 Bình chọn

Article Rating



Nguồn : Source link

Hits: 91

Trả lời