MANDALA CỦA MẬT TÔNG VÀ KHỞI NGUYÊN CỦA MỘT BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA – Năng lượng sống

MANDALA CỦA MẬT TÔNG VÀ KHỞI NGUYÊN CỦA MỘT BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA – Năng lượng sống


Mạn đà la là một loại đàn tràng của Mật giáo Tây Tạng. Từ tiếng Hán của nó phiên âm ra là Luân viên cụ túc (輪圓具足), nghĩa là một vòng tròn viên mãn.

Cuốn Mật mã Tây Tạng của Hà Mã đã cấy vào óc tôi hai niềm si mê: một cho vẻ đẹp của đất và người Tây Tạng, một cho những giai thoại về Mật Tông Phật Giáo. Trong quá trình tìm hiểu về Mật Giáo, tôi bắt gặp một khái niệm có tên là Mạn-đà-la (Mandala). Trong bài viết này, tôi muốn trình bày những đọc hiểu và cảm nhận của mình về khái niệm này.

Mạn-đà-la là gì?

Để tiện cho việc định nghĩa Mạn-đà-la, có lẽ cần khoanh vùng bối cảnh mà khái niệm này xuất hiện và tồn tại. Trong Kalachakra Initiations, phần Introduction to Kalachakra, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 có nói Phật Pháp có thể chia thành hai thừa, Tiểu Thừa và Đại Thừa. Trong đó, Đại Thừa lại có thể phân chia thành hai thừa là Ba La Mật Thừa hiển giáo Kim Cương Thừa mật giáo, hay còn gọi là Mật Tông.

Sự phân chia này của Đại Thừa, theo ngài, là xuất phát từ những khác biệt trong phương pháp tu tập để đạt đến thành tựu viên mãn. Trong đó, khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ Mật Tông có sử dụng những phương pháp gọi là tantra (có tài liệu dịch là Đát-đặc-la, có nơi dịch là Thành tựu pháp). 

Tantra được phân làm bốn loại: hạ, trung, cao và tối cao, được thực hành tùy theo căn cơ của người tu tập, là: kriyā-tantra, caryā-tantra, yoga-tantra và anuttarayoga-tantra (hay còn gọi là Tối Thượng Du Già).

Trong anuttarayoga-tantra lại có một phép tu gọi là Kalachakra, dịch là Thời Luân Kim Cương Pháp. Và để thực hiện Kalachakra, cần có một đàn tràng, là một đồ hình với tên gọi Mạn-đà-la.

Trích dẫn sau trong Đại Nhật Kinh nói về ý nghĩa của đồ hình Mạn-đà-la với việc tu tập:

Mandala là nơi tâm thức của chư đại bồ tát an trụ. Nó cũng là nơi an trụ tâm thức của tất cả hành giả du già. Do biết như vậy, hành giả chứng ngộ toàn giác… Sự quán tưởng mandala trong tâm hành giả lành trị cơn bịnh mê muội. Nó sẽ lập tức lành trị sự mê 4 muội trong tâm chúng sinh, và giải trừ mọi nghi nạn. Mandala không khác gì tâm thức, và tâm thức chẳng khác gì mandala. Vì sao vậy? Vì tâm thức và mandala là một. (Trích Đại Nhật Kinh, Taisho 18:41) 

Trong cuốn Bóng Trúc Bên Thềm, tác giả Tâm Chơn mô tả Mạn-đà-la như sau:

Mạn-đà-la là một hình vẽ mang tính nghệ thuật và tâm linh tôn giáo sâu sắc. Nơi đó có sự hợp nhất giữa thế giới bản thể và thế giới hiện tượng, giữa tâm thức và vũ trụ. Trong ý nghĩa thực tiễn, Mạn-đà-la còn là một đàn tràng để hành giả cúng dường, cầu nguyện và tu tập thiền quán. Mạn-đà-la là phiên âm từ chữ Phạn Mandala, có nghĩa là vòng tròn, vòng cung. Trung Hoa dịch là luân viên cụ túc, nghĩa là vòng tròn đầy đủ. Đây là một biểu tượng của sự biến hiện nơi tâm thức của ta mà cũng là biểu thị một vũ trụ thu nhỏ qua cái nhìn của bậc giác ngộ. Theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, có nhiều loại Mạn-đà-la như Mạn-đà-la bằng cát màu hay bột đá quý màu, Mạn-đà-la bằng tranh vẽ, Mạn-đà-la bằng vật thể ba chiều, thường là kim loại hoặc gỗ và Mạn-đà-la tập trung tinh thần qua sự thiền định. Và chỉ có Mạn-đà-la được làm bằng cát màu là nổi tiếng và phổ biến nhất.

Và đây là một Mạn-đà-la cát khi gần hoàn thiện:

Tiếp theo đây, tôi muốn nói về sự lan truyền của biểu tượng này đến phương Tây qua cuốn The Wheel of Time Sand Mandala: Visual Scripture of Tibetan Buddhism của Barry Bryant.

Sự ra đời của một biểu tượng văn hóa

Năm 1988, với tâm niệm bảo vệ hòa bình thế giới, xóa tan những thị phi về Kalachakra, cũng như để giữ gìn di sản của Mật Tông Tây Tạng sau biến cố những năm 50, đức Đạt-lai Lạt-ma đã đồng ý lời mời của Samaya Foundation, cử bốn nhà sư ở tu viện Namgyal Monastery đến American Museum of Natural History ở New York để trình bày cho công chúng thấy về Mạn-đà-la Kalachakra.

Tháng 7 năm 1988, nhà sư đầu tiên từ Namgyal Monastery là Lobsang Samten đáp xuống sân bay JFK với 2 vali chưa cát màu. Theo lời chỉ dẫn của Lobsang Samten, Mạn-đà-la đầu tiên phải được làm là Mạn-đà-la Guhyasamaja. Vì một là, Mạn-đà-la này không quá phức tạp và có thể thực hiện bởi chỉ cần một nhà sư; hai là, có một đức tin là nếu tantra Guhyasamaja được hoàn thành, thì mọi tantra khác cũng sẽ được hoàn thành.

Lobsang Samten đang dựng Mandala.
Để dựng Mạn-đà-la, trước hết cần xây dựng một cái nhà để chứa Mạn-đà-la gọi là Thekpu, dịch là Tứ giác đài. Phương pháp xây dựng thekpu được chuyển ngữ sang các khái niệm của kỹ thuật phương Tây bởi kiến trúc sư Stan Bryant. Thekpu được làm ra có chỗ để đặt hệ thống đèn lẫn các thiết bị thu hình, thu tiếng khác. Sau đó, Thekpu được nghệ nhân Tây Tạng Phuntsok Dorje trang trí bằng các vật phẩm từ gỗ và lụa.

Các bước tiếp theo trong việc xây dựng Mạn-đà-la có thể thấy được thông qua video sau (trích từ phim House of Cards):

Sau khi Mạn-đà-la được hoàn tất, sẽ có một nghi thức phá hủy được thực hiện. Các nhà sư dùng pháp khí và cọ để quét đi tác phẩm được làm ra một cách vất vả trong nhiều tuần thành một đụn cát lẫn lộn, rồi bỏ những thành phẩm này vào những cái lọ để mang đi rải xuống sông.

Sự kiện này nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng Mỹ Quốc. Barry Bryant, tác giả của cuốn sách về Mạn-đà-la mà tôi nói ở trên mô tả:

Suốt sáu tuần liền ở American Museum of Natural History, không lúc nào có dưới 100 người có mặt ở triển lãm Mạn-đà-la. Người ta chiêm ngưỡng những nhà sư kiến tạo Mạn-đà-la cát với thái độ thành kính, như xem một nghi lễ thực sự trong đền thờ. Mỗi sáng lúc 10 giờ đã có khoảng 50 người chờ để cùng dự buổi cầu nguyện buổi sáng của những nhà sư mà có khi dài đến 45 phút. Sau đó, tấm màn bảo vệ được vén lên để các nhà sư tiếp tục công việc xây dựng Mạn-đà-la. 

Hơn 50,000 người đã đến xem triển lãm. Những gì họ thấy trong căn phòng là một nhà sư ngồi bên một cái bệ cao đến thắt lưng, khẽ khàng rắc cát màu qua một cái phễu hình trụ để vẽ nên một đồ hình gồm những hình tròn và vuông có đường kính hơn 2 mét.

Báo chí Mỹ cũng viết nhiều về sự kiện này. Phóng viên Dennis Hevesi của tờ NY Times viết “Giữa cái ồn ào xô bồ của thành phố, một điểm sáng tinh khôi – một cửa ngõ đến Niết Bàn – đang thành hình”.

Sau khi Mạn-đà-la được hoàn thành, nó được mang đi từ bảo tàng, ngang qua World Trade Center, để đến dòng sông Hudson. Tại con sông, Lobsang niệm chú và đưa tiễn những hạt cát màu về với dòng nước, giữa ánh hoàng hôn cuối ngày của New Jersey.

Tác giả Bryant gọi đây là một sự kiện có tính lịch sử vì lần đầu tiên một nghi thức tôn giáo bí truyền của Mật Tông Tây Tạng được thực hiện ở một quốc gia phương Tây. Nó đánh dấu sự ban tặng một “nghệ thuật linh thiêng” của Tây Tạng đến di sản văn hóa và nhân học thế giới. 

Chính đây cũng là khởi nguyên cho hành trình biến Mạn-đà-la trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng, xuất hiện phổ biến trên các vật phẩm tâm linh, hình xăm, tranh vẽ và cả phim ảnh phương Tây.



Nguồn : Source link

Hits: 37

Trả lời