Chết vì việc nghĩa

Ngày xưa, Ấn Độ có một khu rừng rậm to lớn, vô cùng rậm rạp, có hàng ngàn hàng vạn chim chóc, thú rừng sống ở trong ấy. Đây là thế giới của loài động vật, từ đời này sang đời khác, chúng sinh sôi nẩy nở trong khu rừng này.

Mùa xuân, mầm lá non mềm mại xuất hiện trên mỗi cành cây, trăm hoa tỏa hương ngào ngạt, chim con theo mẹ tập bay, thú con theo bố tập chạy, giống như một cảnh thiên đường, hài hòa và tràn ngập hạnh phúc.

Có một hôm, khu rừng bỗng nhiên bốc lửa. Chim chóc, thú rừng nào bay nào chạy, tìm đường thoát tử trong một khung cảnh hỗn loạn, trong tiếng khóc than thảm thiết.

Những ngọn lửa không khác gì những chiếc lưỡi rắn cuộn tròn bay lượn khắp mọi nơi thiêu đốt, ánh lửa rực trời, sức nóng mãnh liệt.

Lúc ấy trong rừng có một con chim trĩ, cứ bay đi bay lại giữa khu rừng cháy với dòng nước sông, nhúng mình trong nước sông để thấm ướt lông cánh rồi bay về rừng rùng mình cho nước rơi xuống, những mong dùng những giọt nước ấy để dập tắt lửa.

Nhưng làm sao có thể dập tắt được biển lữa dữ dội mênh mông ấy với một lượng nước nhỏ bé như thế? Thế mà chim trĩ vẫn cứ bay đi bay về, như thể không hề thấy đó là một điều mệt mỏi khổ nhọc.

Trời Đế Thích thấy được việc ấy bèn hỏi:

– Này chim trĩ, ngươi đang làm gì thế?

– Tôi đang cứu lửa trong khu rừng cháy!

– Thôi ngừng lại đi, đừng có ngu si như thế, với cái sức bé nhỏ yếu ớt của ngươi thì làm sao dập tắt được ngọn lửa kia để mà cứu rừng được chứ! Ngươi có thể bay ra khỏi đây mà thoát thân, như thế chưa đủ cảm thấy mình may mắn lắm rồi sao?

Chim trĩ không đồng ý, trả lời rằng:

– Khu rừng này đã nuôi nấng tôi, có rất nhiều bà con thân hữu của tôi sống trong đó, nhà cửa của họ, con cái của họ, tất cả đều nương dựa vào khu rừng này mà sinh sống an lạc, tôi có sức khỏe, làm sao tôi có thể thấy nạn mà không cứu? Làm sao tôi có thể khoanh tay mà đứng nhìn được? Tôi không thể ích kỷ và lười biếng! Tôi phải cứu hỏa!

– Vậy thì với cái sức bé nhỏ yếu ớt của ngươi, ngươi tính chừng nào thì dập tắt được lửa?

– Tới chết mới thôi!

Con chim trĩ trả lời không chút do dự.

Trời Đế Thích nghe thế, hết sức kinh ngạc lại cũng hết sức bội phục. Vua của trời Tịnh Cư biết chim trĩ có thệ nguyện và tâm từ bi rộng lớn như thế bèn dập tắt lửa trong rừng giùm nó.

Về sau, khu rừng ấy vĩnh viễn xanh tươi, rậm rạp, dầu mùa thu gió có thổi hay mùa đông trời có tuyết, nhưng sinh khí trong rừng vẫn tràn trề như thể đang giữa một mùa xuân trường cửu.

Các loại chim bay, thú chạy vẫn từng đời, từng đời sinh sôi nảy nở, và nạn cháy rừng không bao giờ xảy ra nữa.

Con chim trĩ có tinh thần Bồ Tát ấy được các loài cầm thú trong rừng tưởng niệm muôn đời.

Biết trước rằng có những việc mình không thể làm được nhưng vẫn quyết tâm làm tới chết mới thôi, đó thật là một tinh thần cao cả!

Với cái tinh thần cúc cung tận tụy, tới chết mới thôi ấy, thì ai cũng có thể thành tựu được Phật đạo!

Hits: 23

Trả lời