Dai hoc Na-lan-da dang hoi sinh tu dong tro tan


image

Đại học Na-lan-đà (Nalanda) từng chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử Phật giáo nhưng đã bị các đạo quân xâm lược Thổ nhĩ kỳ và A phú hãn (Afghanistan) san bằng thành bình địa cách nay đây 800 năm. Ngày nay những dấu hiệu vô cùng khích lệ cho thấy Đại học này lại đang hồi sinh.

Vào ngày 13 tháng 9 vừa qua hãng thông tấn AFP đã đưa ra những tin tức vô cùng phấn khởi liên quan đến sự hồi sinh của Na-lan-đà. Bản tin được loan tải nhanh chóng khắp thế giới và cũng đã được Đại học Phật giáo Âu châu thông báo qua bức thư tháng 10 gửi cho các thành viên.

Bản tin của AFP dưới ngòi bút tường thuật của ký giả Rupam Jain NAIR tại Ấn độ được chuyển ngữ sau đây và tiếp theo là phần trình bày tóm lược về Đại học lừng danh này.

 

Bản tin của thông tấn xã AFP

Viện đại học Na-lan-đà mang đầy huyền thoại đã bị tàn phá cách nay 800 năm và dự án xây dựng lại từng được mọi người chờ đợi suốt nhiều thế kỷ nay vừa mới được chính quyền New Delhi chính thức chấp thuận. Đó là dự án tái tạo khu đại học Na-lan-đà với mục đích làm biểu tượng cho cả nước Ấn tân tiến ngày nay.

Na-lan-đà được thành lập vào thế kỷ thứ III tại tiểu bang Bihar (đông bắc nước Ấn). Nhờ vào chương trình giảng dạy thật ưu tú về khoa học, triết học, văn chương và toán học mà đại học này đã từng thu hút được 10 000 sinh viên và thật nhiều giáo sư thường trú đến từ khắp các quốc gia Á châu.

Thanh danh của Na-lan-đà vượt xa khỏi biên giới của nước Ấn và tiếp tục lớn mạnh cho đến năm 1193 thì các đạo quân xâm lược từ các vùng Trung Á kéo vào nước Ấn cướp phá và đốt sạch thư viện. Lúc bấy giờ đại học Oxford chỉ mới bắt đầu khai sinh.

Na-lan-đà được xây dựng tại một nơi cách thủ đô Patna của tiểu bang Bihar ngày nay khoảng 90 cây số mà giờ đây chỉ còn lại một vài di tích đổ nát gồm một số cột trụ xây bằng gạch đỏ và một vài điêu khắc trên những phiến đá hoa.

Amartya Sen là giáo sư về kinh tế học và triết học, đoạt giải Nobel năm 1998, là một trong những người vận động và thúc đẩy chương trình xây dựng lại Đại học Na-lan-đà, đã tuyên bố như sau : “Na-lan-đà từng là một trong những cơ sở thượng thặng chuyên về khảo cứu và luận giải triết học trong lịch sử nhân loại, do đó chúng tôi quyết định phải làm cho Đại học này sống lại”.

Amartya Sen, đoạt giải Nobel về kinh tế,
là một trong những người tích cực tranh đấu để xây dựng lại Na-lan-đà.

Trong bản dự án đệ trình lên chính phủ New Delhi ông có viết một câu như sau : “Đại học từng có hơn 2000 giáo sư giảng dạy về tất cả các môn học thuộc tín ngưỡng Phật giáo, tương tợ như Đại học Oxford trước đây đã từng giảng dạy về truyền thống Thiên Chúa giáo”.

Quốc hội Ấn độ biểu quyết cấp cho dự án Đại học Na-lan-đà 200 mẫu đất ngay bên cạnh vị trí lịch sử của Đại học này. Tuy nhiên từ nhiều năm nay những ai đã tranh đấu cho sự hồi sinh của Na-lan-đà đều hiểu rằng ngoài mảnh đất trên đây thì còn phải tìm ra một nguồn tài trợ lớn lao nữa.

Những gì còn lại của đại học Na-lan-đà nhìn từ vệ tinh.

Giáo sư Amartya Sen cho biết : “Sở dĩ ngày xưa Na-lan-đà tồn tại và sinh hoạt được là nhờ một phần vào nguồn thu nhập từ ruộng vườn trong các làng mạc chung quanh và một phần nhờ sự cúng dường của các vua chúa thời bấy giờ. Ngày nay thì nhất định phải nhờ vào trợ cấp của chính phủ, của tư nhân và các tập thể tôn giáo”.

Sự hồi sinh của Na-lan-đà phù hợp với nhu cầu vô cùng cấp bách về giáo dục đại học tại Ấn. Ủy ban quốc gia về học vấn cho biết trong các thập niên sắp tới nước Ấn cần phải có thêm 1500 trung tâm giảng huấn cấp đại học. Dân số lên đến 1,2 tỷ người, kinh tế thì đang trên đà bộc phát, nhưng hiện nay chỉ vỏn vẹn có 350 trường đại học cho cả nước Ấn.

Nhiều gia đình khá giả [người Ấn] phải gửi con cái du học ở các nước ngoài – như Hoa kỳ, Úc và Anh quốc – nhưng sau khi tốt nghiệp thì lại chỉ có một số nhỏ sinh viên trở về nước.

Những người phụ trách chương trình Na-lan-đà hy vọng rồi đây ngôi trường Na-lan-đà tương lai sẽ đủ sức đảo ngược lại phong trào đưa con cái đi du học như hiện nay và biết đâu còn có thể thu hút được sinh viên từ các nước khác đến Ấn.

Một giáo sư nổi tiếng ở Delhi là Phagun Pathak đã tuyên bố với phái viên AFP như sau : “Việc tái lập Na-lan-đà thật là một sáng kiến tuyệt vời, tuy nhiên cũng không nên quên tính cách toàn cầu tượng trưng cho cốt tủy của Đại học này. Na-lan-đà phải mở rộng cửa để trao đổi với các đại học khác và đón rước sinh viên quốc tế”.

Số tiền dự trù cho việc xây dựng là 500 triệu đô-la (390 triệu euros) và còn phải thêm vào đó 500 triệu đô-la nữa  để trang bị và chỉnh trang môi trường chung quanh vì Na-lan-đà nằm tại một trong những tiểu bang nghèo nhất nước Ấn.

Một số nhà trí thức cho rằng nếu Đại học mới Na-lan-đà được thành hình thì nó phải xứng đáng với cái danh hiệu trước đây của nó. Một giáo sư về sử học của một cơ sở giáo dục tư nhân tại tiểu bang Bihar đã nhắc lại cho mọi người biết rằng : “Trên dòng lịch sử tiến hóa của sự hiểu biết và nền học vấn toàn cầu, Na-lan-đà hiện ra như một biểu tượng thiêng liêng nhưng cũng vừa tượng trưng cho một thảm kịch”

Vị giáo sư ấy còn nói tiếp :”Tất cả đều đã bốc cháy, tuy nhiên cái di sản lừng danh đó vẫn còn lưu lại trong tâm trí chúng ta mãi đến ngày hôm nay”.

Bài viết của Rupam Jain NAIR





Source link

Hits: 31

Trả lời