Đức Pháp Vương khai thị: Cốt lõi của trí tuệ Bát Nhã (P2)


 

 

Xá Lợi Tử là một đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Xá Lợi Tử được nhắc đến hai lần, mỗi lần nêu biểu cho một bước phát triển quan trọng về ý nghĩa của “Không” trong lịch sử Phật giáo.

 

Con đường Trung đạo

 

Lần này, Không được đưa từ cực đoan triệt tiêu, đối nghịch với Có trở lại con đường Trung đạo, như được thấy trong những câu dưới đây:

 

“Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc.

Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”

 

 

Sắc gồm hai nghĩa: Nội sắc và Ngoại sắc. Nội sắc chỉ phần xác thân con người, là một trong năm uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) tạo nên chúng ta. Ngoại sắc là một trong sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) tạo nên vũ trụ.

 

Toàn bộ tư tưởng của Bát Nhã Tâm Kinh nói lên sự cân bằng giữa Sắc và Không. Ở đây, chữ “Sắc” mang hai ý nghĩa:

 

– Thứ nhất, Sắc được dùng để đối nghĩa với Không;

– Thứ hai, Sắc nêu biểu từ tính không hình thành nên cả vũ trụ.

 

Trong câu đầu, bản thể của con người là Không (Ngũ uẩn giai không). Tuy nhiên, câu thứ hai cho thấy chắc chắn rằng Không chẳng mang nghĩa là “không có gì” hay “không hiện hữu”. Bởi vì, Không chẳng khác Sắc, chẳng khác với màu sắc, hình dạng, tướng phần của vạn pháp, những gì chúng ta có thể quan sát bằng mắt. Và ngược lại, Sắc chẳng khác Không.

 

Nói cách khác, Không và Sắc, hai khái niệm tưởng chừng như trái ngược, thực sự lại nhất như. Sự lặp lại bằng cách nói phủ định: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”, chính là để khẳng định rằng Sắc và Không chỉ là một, là nhất như. Ở những câu tiếp theo, “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”, khẳng định lại lần nữa, lần này bằng cách nói khẳng định, rằng Sắc và Không chỉ là một, là nhất như.

 

Chẳng những Sắc (biểu tượng cho phần xác thân vật lý của chúng ta) là Không và ngược lại, mà những yếu tố tinh thần của chúng ta cũng vận hành theo cách tương tự – thụ, tưởng, hành, thức và Không là nhất như: thụ, tưởng, hành, thức là Không và Không là thụ, tưởng, hành, thức. Đó là ý nghĩa đoạn tiếp theo của Bát Nhã Tâm Kinh: “Thụ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế”.

 

 

Tại sao Sắc và Không lại là nhất như? Tại sao hai phạm trù tưởng đối nghịch nhau thực ra lại bất nhị? Chúng ta cần đi vào Tam Pháp Ấn để tìm câu trả lời. Tam Pháp Ấn là ba dấu ấn để xác nhận lời giảng chân chính của Đức Phật, bao gồm: Vô thường, Vô ngã và Niết bàn. Nếu lời giảng về Phật pháp thiếu một trong ba dấu ấn này thì đó không phải là một lời giảng Phật pháp chân thực.

 

Quán chiếu Năm uẩn là Không

 

Vậy tại sao khi Bồ tát Quán Tự Tại quán chiếu Năm uẩn là Không, Ngài liền vượt qua mọi khổ ách? Bởi vì khi nhận ra rằng bản ngã của mình là tính không, Ngài không còn bất kỳ chấp luyến nào nữa. Trong cuộc đời, ta có thể chấp vào hàng triệu thứ xung quanh mình – của cải, sắc đẹp, tình yêu, quyền lực, tư tưởng… Nhưng khi phân tích đến tận cùng, ta sẽ thấy rằng lý do ta cố nắm giữ mọi thứ là bởi chấp vào bản ngã của chính mình. Vì cố chấp vào bản ngã nên ta muốn mọi thứ cho mình, trở thành sở hữu của mình. Nếu không chấp vào bản ngã – vì nhận ra bản ngã đó chỉ là duyên hợp như huyễn, là tính không – ta có thể tự động buông bỏ sự bám chấp vào “cái tôi” cũng như không còn dính mắc vào tất cả mọi thứ khác, nhờ đó mà siêu việt khổ đau, đạt giải thoát, giác ngộ. Đó là ý nghĩa của việc quán chiếu Không dẫn đến không còn bám chấp, từ đó dẫn đến Niết bàn.

 

 

Nhưng, liệu triết lý Sắc – Không có liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta? Triết lý Sắc – Không hàm chứa nhiều ý nghĩa quan trọng về cuộc sống.

 

– Thứ nhất, triết lý Sắc – Không khẳng định cuộc sống. Ngôn ngữ liên tục phủ định của Bát Nhã Tâm Kinh – với những từ như “trống”, “rỗng” và “không” – khiến nhiều người hiểu lầm rằng Bát nhã phủ nhận mọi thứ, nhưng nếu đọc kỹ Bát Nhã Tâm Kinh, ta sẽ thấy rằng Bát nhã không phủ nhận bất cứ điều gì. Thực ra, Bát nhã xác nhận mọi thứ trong cuộc sống. “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng về cả Sắc và Không, hai thái cực hiển nhiên của đời sống. Vì thế, Bát nhã xác nhận mạnh mẽ về cuộc sống và mọi sắc thái của cuộc sống.

 

– Thứ hai, triết lý Sắc – Không giúp chúng ta có thái độ sống tự do, tự tại: Bát nhã giúp ta tránh khỏi chấp luyến, vướng mắc. Ta không chấp vào Sắc mà phủ nhận Không, bởi vì Không là Sắc. Ta không chấp vào Không mà phủ nhận Sắc, bởi vì Sắc là Không.

 

 

Bởi Bát nhã có nghĩa là chẳng chấp Sắc mà cũng chẳng chấp Không, ta gọi Bát nhã là Trung đạo. Trung đạo của Bát nhã không có nghĩa là bám chấp vào cái ở giữa. Tất cả mọi bám chấp, gồm cả sự chấp trước như thế, cũng đều gây khổ đau. Với quan kiến Trung đạo của Bát nhã, chúng ta có thể vẫn buôn bán mà không bám chấp vào tiền bạc, đọc mà không bám chấp vào sách hay văn tự, ăn mà không bám chấp vào thực phẩm, lái xe mà không bám chấp vào xe, có địa vị mà không bám chấp vào quyền lực. Mỗi ngày trong cuộc sống, chúng ta phải lựa chọn, phải đưa ra những quyết định, thường xuyên đứng trên một quan điểm nào đó. Tuy nhiên, chúng ta không nên chấp trước vào những điều này để tâm được thanh tịnh, giải thoát.

 

 

Trung đạo của Bát nhã khác với thờ ơ hay lãnh đạm. Người sống với tinh thần Bát nhã không phải là người thờ ơ lãnh đạm, không quan tâm gì đến cuộc đời. Tuy nhiên, họ không chấp vào “lẽ phải” của mình đến mức phải loại trừ tất cả những quan điểm khác biệt.
 





Nguồn : Source link

Hits: 48

Trả lời