Những Chuyển Biến Quan Trọng Trong Lịch Sử Phật Giáo (Phần 1)
Chương này góp nhặt những biến chuyển tồi tệ đã xảy ra sau khi Phật Gotama nhập Niết-bàn.
Phật tịch vừa bảy ngày, đã phát sanh triệu chứng suy đồi. Số là, khi Phật đi hóa độ về miền Kusinara. Đại đức Kassapa (Ca-Diếp) cũng dắt 500 đồ đệ theo về hướng ấy. Khi đi gần đến Kusinara, trong lúc dừng chân nghỉ mát. Đại đức Kassapa được tin người đi đường cho hay rằng Phật Gotama đã nhập diệt được bảy hôm rồi. Ngày ấy là ngày đức vua Malla cử hành đại lễ trà tỳ (9).
(9) Lễ hỏa táng.
Khi hay tin Phật đã tịch diệt, các thầy tỳ khưu khóc lóc, thương tiếc đức Thầy. Trong ấy có một người lão niên xuất gia, tên Subhatā, đứng ra khuyên giải: “Này chư huynh đệ, chớ nên buồn thảm làm chi, hôm nay đức Thầy Gotama đã hóa ra người thiên cổ rồi, chúng ta không còn ai la rầy và bó buộc trong chế độ nghiêm khắc quá lẽ. Chúng ta sẽ được tự do hành động, ấy là một điều hạnh phúc, các bạn thương tiếc nỗi gì mà khóc than”.
Đại đức Kassapa nghe được rất lo ngại cho tiền đồ Phật giáo. Tuy không nói ra chớ cũng lập tâm duy trì chánh pháp, không cho hư hoại, nên sau khi dự lễ trà tỳ và chia xá lợi rồi được ba tháng, ngài triệu tập các vị Thinh văn đại A- la-hán tại thành Rājagaha (Vương-Xá) để ôn cố các lời giáo huấn của đức Thế Tôn, hầu nhắc nhở tăng chúng hành theo,gọi là Hội nghị Kết tập Pháp bảo lần đầu tiên 10.
(10) Đại đức Kassapa làm chủ tọa; Đại đức Ananda (A-Nan) lãnh trọng trách lập lại các lời thuyết pháp, giảng đạo của Phật, gọi là tạng Kinh. Tạng kinh này chia làm hai phần, phần phổ thông là Kinh, phần vi tế là Vi diệu pháp mà người ta thường gọi là tạng Luận. Đại đức Upali (Ưu-bà-li) nhắc lại những quy tắc của Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia hành theo trong phạm vi đạo đức, gọi là tạng Luật.
Một trăm năm sau, tại xứ Vesali (Tỹ-da-lị), có một nhóm thầy tỳ khưu gọi là nhóm Vajjiputta sanh tâm sửa đổi 10 điều luật của Phật. Trong 10 điều sửa đổi ấy, có hai điều quan trọng: Phật dạy các thầy tỳ khưu không được thọ thực lúc quá ngọ và không được cảm xúc hoặc thọ lãnh tiền bạc châu báu. Các thầy Vajjiputta sửa lại: Dầu quá ngọ các thầy cũng còn ăn được, và nếu có ai cho tiền bạc, các thầy được tự do thọ lãnh. Vì vậy mà hiện nay, các thầy tu theo nhóm Vajjiputta có thể ăn chiều, ăn tối, ăn khuya và tích trử tiền bạc, thâu góp lúa ruộng để tự ý tiêu xài. Nếu biết trọng giới luật, thì các thầy tỳ khưu chỉ được phép ăn trong khoảng từ mặt trời mọc đến đứng bóng thôi, và không cất giữ vật thực để dành ngày mai. Tiền bạc cũng chẳng được rờ đụng, huống hồ là thọ lãnh.
Còn tám điều sửa đổi khác về sự cất giữ đồ ăn như muối, ăn nơi này rồi còn đi ăn nơi khác, ở chung một chùa mà làm lễ phát lồ riêng theo bè đảng, không chịu chờ đợi cho đủ mặt tăng chúng để sám hối tội lỗi, hành đạo theo thói quen không kể kinh luật, uống rượu non chưa đúng chữ, ăn rồi mà còn đi kiếm sữa nguội để uống thêm, dùng tọa cụ không đúng thể thức của bậc tu hành. Các điều sửa đổi nói trên tuy không mấy trọng yếu, chớ cũng là một khởi điểm trên bước đường trụy lạc của nhóm tăng đồ không theo Chính pháp, khiến cho đoàn hậu tấn phải chịu ảnh hưởng tối đen đến ngày nay, mà mấy ai biết được nguyên do.
Đại đức Yassa thấy vậy sợ Phật pháp suy đồi, nên triệu tập Hội nghị Thánh tăng tại Vesali để kết tập kinh luật kỳ nhì, và thảo luận 10 điều sửa đổi của nhóm Vajjiputta. Chư tăng bác bỏ, không công nhận 10 điều phi pháp ấy, nhưng nhóm Vajjiputta không chịu tuân theo.
Sự chia rẽ tăng đồ bắt đầu từ đây. Phái Đại đức Yassa, gồm các vị Thánh tăng và phàm tăng chơn chánh, cố gìn giữ nguyên vẹn thực hành kinh luật của Phật di truyền, gọi là phái Theravāda (Bảo Thủ). Phe các thầy Vajjiputta, tự đem mình ra khỏi hệ thống Tăng già 11, mạnh ai nấy tự do canh cải kinh luật, lần lần họ lập ra chế độ riêng tư, phân phái nhiều tôn chỉ khác nhau. Các nhóm này gọi chung là phái Acariyavadā (Tân Tiến).
(11) Tiếng nói Tăng già chớ kỳ dư các thầy Tân Tiến sống rời rạc; không chịu đoàn kết để lập ra Giáo hội Tăng già, vì họ đã sống tự do, quen tu theo một lối riêng và không thích ai dòm ngó hành vi của họ.
Y như lời tiên đoán của Đại đức Yassa, sự sửa đổi 10 điều luật của nhóm Vajjiputta đưa Phật pháp lần đến chỗ suy vong. Cho nên xứ nào bị ảnh hưởng của nhóm tà sư phản bội Vajjiputta truyền thống lưu lại, thì hình thức và chế độ Tăng già11 chẳng còn một mảy may nào giống theo khuôn khổ chế định của Phật Tổ Gotama.
Giới luật sửa đổi được, đến kinh pháp cổ truyền họ cũng phế bỏ, để theo về với triết lý huyền học của Bà-la-môn giáo và những lý lẽ biện hộ cho sự hư hỏng trụy lạc của họ, nào là cố chấp giới luật là hạ căn ngu xuẩn 12; tự mình chưa được độ, mà trước nhất phải lo độ người 13, dụng huyễn độ chơn 14 . Tóm lại, họ thiên về đường ngụy biện, luận giải triết lý cho nhiều mà chẳng bày được cho người đời một đạo chánh đáng để cầu sự giải thoát. Họ cố khuyến khích tín đồ ỷ lại nơi thần quyền, cúng tế cầu đảo, phú thác tương lai cho những tha lực mù mờ.
Phái Tân Tiến của nhóm Vajjiputta chia nhau đi truyền bá học thuyết sai lạc trong các nước thuộc miền Bắc Ấn Độ, lần lần đến Tây Tạng, rồi sang qua Cao Ly, Trung Hoa, Nhựt Bổn. Các nhà sư đến đâu, tùy theo sự tín ngưỡng và phong tục của mỗi xứ, chế biến thêm bớt kinh luật cho tiện bề thâu thập tín đồ. Khi truyền bá đến Tây Tạng, các thầy thâu nhập thêm môn phù chú, qua Trung Quốc gia nhập Đạo giáo, Khổng giáo làm ra Tam giáo hiệp nhứt là Nho-Thích-Đạo 15. Nhờ hai chữ “Phương Tiện“, họ quy tụ được tín đồ đông dày, nên phái Tân Tiến tự cho họ cái danh hiệu là Mahāyāna (Đại thừa). Đây nói qua phái Theravāda (Bảo Thủ) từ khi chia rẽ hai phái, và thấy phái Tân Tiến tràn lan lên miền Bắc Ấn Độ, họ lại truyền bá về phương Nam, để tránh sự xung đột, lần lần sang qua Lăn Ca, Thái Lan, Miến Điện, Ai-Lao, Cao Miên. Nhân mỗi phái đi mỗi hướng, nên có chỗ gọi phái Tân Tiến là Bắc tôn, phái Bảo Thủ là Nam tôn.
(12) Bậc tu cao, dù phạm điều giới luật nào cũng không tội lỗi vì tâm không cố chấp. Đây là nói càng nói bướng, bao giờ cũng chủ tâm trước rồi mới hành động sau, kêu là trí hành hiệp nhứt.
(13) Tự mình chưa sáng mà phải lo khai sáng cho người, ấy mới từ bi bác ái.
(14) Tu cách nào cũng được, ỷ lại nơi đâu cũng xong, khi chết cũng được làm Phật trên Liên đài. Dùng đủ ngón thiện xảo phương tiện để dắt dẫn tín đồ đi lạc đã mấy ngàn năm, mà chưa thấy ai tỉnh ngộ trở về với Chánh pháp.
(15) Họ không ái ngại đem Quan Công vào chùa làm Phật Già Lam. Một tướng của Lưu Bị đã giết người vô số kể, tu hồi nào mà thành Phật? Họ quên câu: ngũ giới bất trì nhơn thiên lộ triệt.
Phái Bảo Thủ vì trung thành với giáo pháp của Phật Gotama, lo nghiêm trì giới luật, gìn giữ cổ điển để bảo tồn Phật pháp, mà nghiêm trì giới luật là một điều phiền phức khó khăn 16 , nên chẳng mấy ai theo nổi cho bền bỉ. Vì vậy mà sự hoằng dương không được mau chóng, số tăng đồ và tín đồ rất ít. Nhân đó phái Tân Tiến mới đặt cho phái Bảo Thủ danh hiệu là Hinayana (Tiểu thừa) 17 cố ý để khinh bỉ và thường hay kích bác chê bai, cho phái Bảo Thủ là ích kỷ nhị thừa 18.
Từ khi hai bên chia rẽ nhau, phái Bảo Thủ tìm nơi thuận cảnh, ẩn náu chuyên lo tu niệm giải thoát không quan tâm đến hành vi của nhóm Vajjiputta. Cho nên mặc dù nhóm này nổi lên công kích dữ dội nhóm của Đại đức Yassa, họ vẫn không hay biết, hoặc có hay biết đi nữa, cũng nhịn nhục giả lơ điếc, một mực giữ phận bảo tồn Chánh pháp bằng sự thực hành y theo Tam tạng Pháp bảo của chư Thinh văn La-hán kết tập.
(16) Tại gia hay xuất gia cũng lấy giới luật làm thầy.
(17) Đại thừa là cổ xe lớn; chở nhiều người: Tiểu thừa là cổ xe nhỏ, chật hẹp, không chở được mấy người. Hội Phật giáo, hoàn cầu, trong phiên Đại hội kỳ nhứt, tháng 5 năm 1950, tại Tích Lan đã quyết định xóa bỏ tiếng Hinayana (Tiểu thừa), vì danh từ ấy biểu lộ tư cách đê hèn của bọn phá hoại Phật pháp, lại là một sự trở ngại trong sự đoàn kết tín đồ.
(18) Nên cố ý xem trong kinh sách Đại thừa, nhiều nơi lộ vẻ khinh bỉ Tiểu thừa. Trái lại trong kinh Nam tông chẳng hề thấy đề cập đến môn phái nào cả.
Trong phái Tân Tiến của nhóm Vajjiputta có nhóm thiên về Luật, có nhóm thiên về Kinh, phần đông lại thiên về Luận. Những nhóm tu theo Kinh theo Luật có lẽ vì quen theo đường cũ trước ngày chia rẽ, hoặc kém tài năng, nên bị các thầy chuyên về Luận khinh bỉ, liệt họ vào hàng Tiểu thừa, hoặc Trung thừa, còn các thầy thì tự xưng là Đại thừa, hoặc Tối Thượng thừa. Sự chia rẽ này phát sanh trong chỗ đua nhau lập giáo đặng tranh giành quyền lợi cùng uy tín của tín đồ. Nhờ thiên tài xuất chúng, học thức uyên thâm, các Luận sư chuyên giải những pháp sâu xa bí ẩn, lạm dụng những giả thuyết hư huyền của Bà-la-môn giáo, gây ra một cuộc đấu tài luận biện giữa phái Tân Tiến, chẳng khác nào một trận trường kỳ luận chiến: Thầy trò nối tiếp nhau, đời này qua đời nọ, truyền bá ca tụng đạo pháp mình và chỉ trích mạt thị giáo lý đối lập.
Cuộc luận chiến giữa các nhà sư Ấn Độ kéo dài từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ IV (kỷ nguyên này) thì chấm dứt, dường như hết tác giả biệt tài. Giữa thời kỳ nói trên (thế kỷ thứ II), nhờ có vua Yuetchi Kaniska xứ Purusapuri sùng mộ Phật giáo dục lòng chư tăng chỉnh đốn kinh sách, nên các ngài gom tất cả những tác phẩm của các vị Tổ sư ba phái kết tập làm Tam tạng Pháp bảo Tân Tiến. Sự kết hợp này là lần đầu tiên mà cũng là lần chót. Thật ra chẳng phải là một sự kết tập Pháp bảo của Phật Tổ Gotama, như hai kỳ hội nghị của các bậc Thánh tăng “vô học” do Đại đức Kasspa và Yassa triệu tập. Đây chỉ là một sự thu thập những tác phẩm về Kinh, Luật, Luận của các thầy Tân Tiến trong ba phái viết ra làm nền tảng cho đạo giáo của họ.
Khi Phật giáo Tân Tiến được truyền bá qua Trung Hoa lại có thêm nhiều vị Tổ sư khác ra đời lập giáo. Các ngài canh cải tôn chỉ Tân Tiến Ấn Độ theo phong tục tập quán người Tàu, viết ra nhiều bộ kinh luận mới, được liệt vào Tam tạng Tân Tiến đã phiên dịch ra Hán văn. Tam tạng này không nhất định rằng mỗi tạng có mấy bộ, mỗi bộ có mấy pháp môn, mỗi pháp môn có mấy chữ như Tam tạng Bảo Thủ. Thành ra sau này có vị Tổ sư nào viết ra bao nhiêu kinh luận đều được liệt vào Pháp bảo, vì đó mà sau lại, ngoài kinh, luật, luận Sanskrit (Bắc Phạn) của các vị Tổ sư Ấn Độ, trong phái Tiểu-Trung-Đại thừa viết ra, người ta tự tiện thêm vào những tác phẩm chữ Hán của các vị Tổ sư Trung Hoa và Nhựt Bổn. Tam tạng Tân Tiến không có số Kinh, Luật, Luận nhất định như Tam tạng Bảo Thủ, dầu cho có hạn định cũng tùy số kinh sách thu góp trong thời kỳ soạn giả in ra, chẳng phải do nơi Hội nghị Tăng chúng nào quyết định cả, bởi Tân Tiến kết tập một lần một, trong thế kỷ thứ hai tại xứ Purusapuri (Ấn Độ) như đã nói trên.
Kinh sách ba thừa đã kết tập làm một Tam tạng, thành ra Phật giáo Tân Tiến gồm cả Tiểu thừa, Trung thừa và Đại thừa. Hiện giờ Tiểu thừa và Trung thừa không còn kế tự nên Đại thừa hưởng trọn gia tài triết lý ba thừa, như con một của ba dòng.
Trong khi thừa nhận giáo lý của hai phái Hạ thừa làm của chung cho nền đạo giáo mình, tăng đồ Đại thừa Trung Hoa và Nhựt Bổn vẫn giữ cái quy luật cũ của các vị Tổ sư Ấn Độ Tân Tiến, là tiếp tục chê bai, khinh thị các phái đàn em, để nâng cao giá trị mình. Nghĩ lại cũng hổ thầm, hổ vì mình không đủ tư cách là anh cả trong gia đình. Đã giành phần làm anh lại được hưởng cả gia tài sự nghiệp, còn ức hiếp nỗi gì mà phải lên giọng cho ra người ta khiếm nhã, trong khi chẳng bị ai biếm nhẽ hoặc tranh giành ngôi thứ Đại thừa của mình. Chỉ vì chỗ các vị Tổ sư tự nhắc mình lên cao và có lẽ cũng tự thấy cái cao của mình không ai công khai thừa nhận, hoặc trong khi lên giọng chê bai đàn em mà chẳng thấy ai dĩ hơi phản đối, họ tự thấy bị khinh ngầm mà sanh tâm thù hiềm ganh ghét chăng? Tiếc một điều là trong mấy thế hệ, từ trên đến dưới chẳng ai biết tông chi tộc phái của gia đình Phật tử, cứ gây ra mầm chia rẽ với đàn em, không người kế tự.
Phật giáo Đại thừa gồm các phái sau:
- Tiểu thừa Tân Tiến: Vaibhāshika (Câu- Xá tông) Ấn Độ, Sautrāntika (Thành Thật tông) Ấn Độ, Vinaya (Luật tông) Ấn Độ.
- Trung thừa Tân Tiến: Madhyamika (Tam Luận tông), Vijnānavada hay là Yogācāra (Duy thức hay Pháp tướng tông) Ấn Độ.
- Đại thừa Tân Tiến: Avatamsaka (Hoa Nghiêm tông) Ấn Độ, Dhyana (Thiền tông) Ấn Độ, Thiên Thai tông Trung Hoa, Chơn Ngôn tông Trung Hoa, Tịnh Độ tông Trung Hoa, Chơn tông Trung Hoa, Pháp Hoa tông Nhật Bổn.
Trong khi Tân Tiến tranh giành nhau lập giáo và chia thừa, nhóm Bảo Thủ cố duy trì nên đạo pháp nguyên thủy của Phật Tổ Gotama di truyền. Nếu cần phải đặt nhóm Bảo Thủ trong một thừa nào, thì có thể gọi nhóm ấy là Phật Thừa.
Cũng đồng là môn đồ Phật giáo, mà Tân Tiến và Bảo Thủ thờ hai chủ nghĩa khác nhau một trời một vực. Tân Tiến thực hành theo tôn giáo Đa thần, thờ Phật Di Đà, Quan Âm, Thế Chí, Ngọc hoàng, Diêm chúa, Địa Tạng, Quan Công, Tiêu Diện, Hộ Pháp v.v… ưa thích triết lý huyền ảo, lấy sự ăn chay 19 làm trọng, lấy Tam tạng Bắc Phạn (Sanskrit) và Hán văn làm nền tảng. Bảo Thủ chủ trương chống thuyết Đa thần, chỉ nhìn nhận Phật Gotama là Giáo chủ, chú trọng về giới luật, căn cứ vào Tam tạng Nam Phạn (Pāḷī).
(19) Thay thế cho giới luật.
Tam tạng Pāḷī này khác hẳn với Tam tạng Tân Tiến về mọi phương diện:
- Xưa kia Phật Tổ Gotama dùng toàn tiếng Magadha là tiếng phổ thông trong thời kỳ ấy, nên sau lại chư Thánh tăng kết tập dùng thứ tiếng ấy, đến khi chép ra cũng dùng thứ tiếng phổ thông là chữ Pāḷī của xứ Magadha, chớ không có dùng chữ Sanskrit, chữ này là chữ của dòng Ba-la-môn giữ độc quyền sử dụng.
- Tam tạng Pāḷī được kết tập nhiều lần, mỗi khi có triệu chứng suy đồi hoặc có sự biến chuyển quan trọng có thể sai lạc Chánh pháp: lần thứ nhất, 3 tháng sau khi Phật nhập Niết-bàn do 500 vị A-la-hán tại Rajagaha; lần thứ nhì, 100 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn do 700 vị A-la-hán tại Vesali; lần thứ ba, 218 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn do 1000 vị A-la-hán tại Patalliputta, hiện giờ là Patna; lần thứ tư, 514 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, do 500 vị Thượng tọa Tích Lan, tại Malaya, lần này Hội nghị kết tập Tam tạng quyết định viết ra trên lá thốt nốt; lần thứ năm, 2414 năm sau khi Phật viên tịch do 2400 vị Tỳ khưu Miến Điện, tại Mandalay và khắc toàn bộ Tam tạng trên 729 bia đá cẩm thạch; hiện giờ tại Rangoon cho tới ngày kỷ niệm năm thứ 2500 của Phật lịch (là 2500 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn) cho hoàn thành Kỳ kết tập thứ sáu này sẽ được khánh thành ngày 23 tháng 5 năm 1956, vía Phật nhập Niết-bàn.
- Tam tạng Pāḷī toàn là Phật ngôn do chư vị Thánh Tăng thuộc nằm lòng, đọc lại trong ba kỳ kết tập đầu, đúng theo số pháp môn, theo số chữ, và theo thứ tự nhất định của Hội nghị thứ nhất. Đến lần thứ tư, chư tăng nhận thấy đạo quả Tứ thánh lần lần giảm bớt, sợ phàm tăng không đủ trí tuệ nằm lòng tròn đủ Tam tạng, nên viết ra bằng chữ, để ngày sau dễ bề dò xét, khi có kết tập, hầu tránh sự canh cải của các nhà sư trụy lạc. Các lời chú giải của chư vị A-la-hán cũng viết ra chữ, nhưng không được liệt vào Tam tạng Pháp bảo, cho nên dầu có vị tăng nào nuôi mộng lập giáo, làm Tổ sư cũng không thể được.
Trích: Chọn Đường Tu Phật (Trùng Quang Cư Sĩ)
Hits: 56