Những Chuyển Biến Quan Trọng Trong Lịch Sử Phật Giáo (Phần 2)

Tân Tiến và Bảo thủ chia rẽ nhau về hai phương diện tôn giáo và triết lý.

Tôn giáo ‒ Phật giáo nguyên Thủy chẳng đề cập đến thần linh, tạo hóa. Phật Gotama chẳng hề dạy đệ tử thờ một thần linh nào cả. Bỏ tục lệ thờ cúng, tức là không nhìn nhận thuyết thần học của Bà-la-môn giáo, là thuyết chuyên dạy về cúng tế thần linh. Đức Phật cũng chẳng hề đặt mình vào để thay thế cho vị thần linh nào và cũng không bắt buộc tín đồ thờ Ngài.

Trước giờ nhập diệt tại Kusinara. Nhân có đủ hạng trời và người nô nức đến thành tâm lễ bái cúng dường Thế Tôn, Ngài mới gọi Ānanda lại di chúc rằng: “Này Ānanda, sau khi Như Lai diệt độ rồi, sẽ có những người thương tưởng Như Lai, bằng cách sùng bái chiêm ngưỡng trọng thể như hiện giờ. Tôn kính Như Lai như thế ấy, chẳng gọi tôn kính bằng cách cao thượng đâu. Này Ānanda, tỳ khưu, tỳ khưu ni, thiện nam, tín nữ nào cố tâm thực hành đúng đắn theo giáo pháp của Như Lai, ấy mới gọi là tôn kính Như Lai bằng cách cao thượng vậy.”

Thuở ấy, có nhiều người đinh ninh rằng bậc Chánh đẳng Chánh giác chẳng bao giờ chết, nên sau khi hay tin đức Phật đã định ngày giờ nhập diệt (1), họ lấy làm ngạc nhiên, tìm đến hỏi Phật: “Bạch đức Thế Tôn, Ngài là bậc hoàn toàn giác ngộ, mà Ngài cũng không thoát khỏi tay tử thần hay sao?” Phật đáp: “Này các con, những cái chi đã sinh thì phải diệt là lẽ thường.”

(1) Ngày 15 tháng Giêng năm Tỵ, trong hang Pāvāceliya; Đức Thế Tôn định trong kỳ hạn ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết-bàn.

Bởi cớ ấy phái Bảo Thủ xem đức Phật như một người đã tiến hóa đến mức cùng tột, cao cả hơn loài người và chẳng hề tôn phong Ngài là bậc Thần. Nhưng đây chỉ nói về phương diện học lý. Về mặt thực hành, phái Bảo Thủ cũng không tránh khỏi sự thờ phượng đức Phật Gotama và để Ngài chiếm cả gầm trời Phật giáo. Ý nghĩa sự thờ cúng đức Phật bằng nhang đèn và các thứ bông hoa, chẳng ngoài sự biết ơn đối với vị Giáo chủ. Kim thân Phật đối với phái Bảo Thủ là tượng trưng của đức từ bi, bác ái nên họ không tưởng tượng rằng sự tôn thờ vị Giáo chủ của họ là trái nghịch với giáo lý vô thần.

Đi ngược với giáo pháp ấy chính là phái Tân Tiến. Phật Tổ Như Lai không tự xưng là một vị thần, vì đó mà phái Tân Tiến chẳng hề tạo tượng thờ Ngài (2). Trái lại họ thờ chẳng biết bao nhiêu Phật quá khứ, vi lai, Bồ tát và những thần linh mà họ cho rằng quyền sửa đổi số mạng, ân xá tội lỗi và cứu vớt họ về nơi Cực lạc. Tưởng Phật cũng như thần linh, nên họ cúng tế đủ thứ xôi chè, bánh trái, cơm nước và tiêu phí chẳng biết bao nhiêu giấy tiền vàng bạc. Hằng năm họ gửi trước vào ngân khố của Diêm Vương cả vạn ức đồng “vãng sanh”, mong ngày kia dùng thế lực kim tiền để trông cậy thần linh sửa đổi luật nhân quả. Phải chăng, trước khi vong kỷ độ tha, đầu tiên phải cầu thân cho có tha lực gia hộ?

(2) Chẳng biết trong chùa Tân tiến, tượng Bồ tát Siddhatha mới sinh ra, tay chỉ thiên, tay chỉ địa có ý nghĩa chi?

Phật Gotama dạy những phương pháp tự độ, chẳng bao giờ hứa độ ai. Ai khôn cứ tự đi theo con đường của Ngài đã vạch sẵn, thì ngày kia họ sẽ đến chỗ giải thoát. Bằng chẳng vậy, Ngài cũng không có quyền lực nào cứu vớt ra khỏi luân hồi. Thế thì cầu Ngài và thờ Ngài, mà chẳng hành theo giáo pháp của Ngài, tưởng cũng vô ích. Lúc Ngài còn tại thế, nhiều môn đệ đã không ưa vì Ngài nghiêm minh quá lẽ. Sau khi Ngài viên tịch, họ cố quên Ngài. Trách sao ở Ấn Độ, là nơi Ngài ra đời khai đạo, chẳng còn mấy ai tưởng nhớ đến Ngài.

Các chùa Tân Tiến không thờ Ngài cũng không ngoài lẽ nói trên. Không thờ, mà các thầy Tân Tiến còn viết sách bịa đặt rằng sự canh cải của họ, những sự thờ cúng ông Phật này, bà Phật nọ, đều do nơi lời chỉ dạy của Phật Gotama (3). Như chữ Buddha (Phật Đà), theo lập thuyết của Tân Tiến là tuệ giác trường tồn, ứng hiện mọi nơi, biến hóa vô cùng trong thời gian và không gian, khi biến làm ông Phật này, lúc hóa ra vị Bồ tát nọ. Hơn nữa, Phật là người đã thành, chúng sanh sẵn có Phật tánh, nên ai ai cũng sẽ thành Phật (4).

(3) Với những câu: Như thị ngã văn (Ta có nghe như vậy), ai lại không am hiểu đó là lời của Ānanda. Có xem lịch sử mới nhận thấy ngón xảo quyệt của đám hậu duệ, kế thừa cho bọn Vajjiputta.

(4) Thành Phật một cách dễ dàng, nhưng không có sử tích để lại như Phật Gotama vì người ta thành trong giờ lâm chung, không ai được hay biết.

Trong thời gian qua rồi và sẽ đến, ắt có vô số người thành Phật. Bởi đó nên Tân Tiến lập ra một vạn thần miếu, thờ đủ Phật quá khứ, vị lai. Phật vị lai chưa ra đời, mà họ cũng tạo tượng thờ và đặt ra những kinh sám, ngày vía, ngày giỗ. Ngoài các vị Phật, các vị Bồ tát, họ còn thờ các vị Jhāni Bouddhas (Thiền na Phật) là những vị Phật do các ông thiền sư trừu tượng trong lúc công phu hành đạo. Người ta còn ước đoán rằng mỗi vị Phật thật, đều có một vị Thiền na đối ứng, như Phật Amitabha (Di Đà) là Thiền na của Phật Gotama vậy. Người ta còn đặt ra một ngôi cao cả hơn nữa là Adi-Bouddha (Bố Di Sơ Phật) (5) để tế độ quần sanh. Nhờ thuyết ấy, một lúc nọ Tân Tiến trở thành nhất thần giáo, trong một thời gian, rồi vì tập quán cũng huờn trở lại Đa thần giáo đến ngày nay.

(5) Có sách dịch Adi- Buddba là A Di Đà Phật, thật không đúng.

Các vị Phật quá khứ, vị lai, Thiền na, Bồ tát và Bố Di Sơ Phật nói trên thuộc về trừu tượng phi thường, chẳng phải như Phật Gotama, là một vị Phật có thật.

Chữ Bouddha theo Bảo Thủ là một danh từ phổ thông dành riêng cho các vị Chánh đẳng Chánh giác ba đời, và nhất là để chỉ danh hiệu Phật Tổ Gotama, là bậc thông thấu lý Tứ diệu đế mà Ngài đã đem ra giáo hóa chúng sanh.

Danh từ Boddhisatta (Bồ tát hay Bồ đề Tát đỏa), theo Tân Tiến có nhiều nghĩa. Tự mình chưa được độ, trước đã độ người, đây là tôn chỉ của Bồ tát. Những người mê đạo, đều nhiệt liệt hoan nghênh chủ nghĩa cao thượng này, và cương quyết thệ nguyện giữ hạnh Bồ tát, mong ngày kia làm Phật Tổ Như Lai. Kẻ có óc suy nghĩ, lại rụt rè trước bổn nguyện vĩ đại ấy. Đã vậy, họ nghĩ một cách mỉa mai rằng: thân này chưa độ, mong độ thân nào? Lời nói vừa nghe qua, thấy nó thấp hèn ích kỷ làm sao, nhưng nó bắt buộc suy nghĩ. Và sau khi để ý nhòm ngó những người tu hạnh Bồ tát, từ bậc xuất gia đến hàng cư sĩ rõ là họ năng thuyết bất năng hành. Các nhà sư còn phải lo tu, lo học chưa xong, lâu lâu họ giảng cho một thời kinh, một câu kệ để trả ơn áo cơm cho tín đồ. Nhiều khi những lời đạo đức của họ không đi đôi với việc làm là khác.

Về phần tín đồ thì khỏi nói. Cha mẹ vợ con, gia đình và thân sống của họ, họ độ không rồi, mong gì độ ai. Ngoài đời họ còn phải chạy theo danh lợi quyền tước; vào chùa họ còn ỷ lại nơi sự ủng hộ của thần linh.

Trong muôn vạn người họa may tìm ra được vài ông Bồ tát xuất gia hoặc tại gia. Bậc cao thượng này thường hành sáu pháp ba-la-mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Các vị Bồ tát nói trên, khi đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác, dòm lại thấy chúng sanh còn chìm đắm trong bể khổ luân hồi, đem lòng từ bi, không vội nhập Niết-bàn, như hạng ích kỷ nhị thừa là Thinh văn Duyên giác, nên tự nguyện luân chuyển theo các loại chúng sanh để tế độ họ (6). Chừng nào tất cả chúng sanh thành Phật rồi (7). các vị Bồ tát đó mới thành Phật. Như thuở giờ có Bồ tát Quan Âm lo việc cứu khổ, cứu nạn cho giới tín đồ Phật giáo, và Bồ tát Địa Tạng thường ra vô trong các cửa địa ngục độ những tội nhân về miền lạc cảnh.Theo trên thì Tân Tiến có hai dạng Bồ tát: Hạng thứ nhất gồm cả tăng đồ và tín đồ, là Bồ tát xuất gia và tại gia; hạng thứ nhì là Bồ tát thuộc giới siêu hình, như Quan Âm và Địa Tạng thường thị hiện ở thế gian, chờ cơ hội thuận tiện tế độ chúng sanh, mà chúng sanh ấy chẳng ai khác hơn là những người tu Phật, tức là các Bồ tát xuất gia và tại gia nói trên. Vì lẽ đó mà người ta thường thờ cúng các vị Bồ tát ấy, để nhờ ân huệ của các Ngài.

(6) Phật Tổ Gotama, mặc dầu đã độ chúng sanh trong vô số kiếp, nhất là trong kiếp chót, nhưng chúng sanh vẫn còn luân hồi mà Ngài lại vội nhập Niết- bàn, phải chăng Ngài thuộc hạng ích kỷ nhị thừa, như chư vị Thinh văn là đồ đệ của Ngài? Để giải quyết cái thắc mắc này, người ta nói tuy tịch rồi mà vẫn không tịch, bởi Ngài còn thị hiện giữa tín đồ cùng khắp cõi Ta-bà, chờ độ hết chúng sanh rồi mới vào an nghỉ trong Niết-bàn.

(7) Đố ai biết chừng nào bánh xe luân hồi hết quay? Và chừng nào tín đồ của các tôn giáo bỏ đạo họ, để theo về với Phật giáo?

Trích: Chọn Đường Tu Phật (Trùng Quang Cư Sĩ)

Hits: 28

Trả lời