Giáo pháp của Đức Phật bị chia rẽ thành các Tôn Phái trong dòng lịch sử (P1)

Chúng ta bị cảm nhiễm lâu đời theo Phật giáo Tân Tiến, nên cứ giữ mực: ăn chay, niệm Phật (Lục tự Di-Đà), tụng kinh, để chờ đến giờ lâm chung, có Phật đến rước. Như thế cũng vừa sức công phu hành đạo mỗi ngày cho đến trọn đời và có đức tin vững chắc sẽ thành Phật.

Kinh đã chép rằng Phật dạy như thế, và thầy tổ xưa nay cũng vẫn đi theo con đường duy nhứt ấy, thì còn tìm đâu nữa.

Con đường giải thoát này, nếu không phải đốn ngộ chớ cũng hơn tiệm tu, bởi nó đầy hứa hẹn, đối với đức tin, mặc dầu không có bằng cớ xác thật. Đây là con đường thông dụng, ngoài ra còn có nhiều lối đốn ngộ của các vị Tổ sư Tiểu thừa, Trung thừa và Đại thừa Tân Tiến.

Bởi là giáo pháp Đốn ngộ, nên không có phương châm rõ rệt, như đường lối chỉ dẫn của Phật Tổ Gotama. Giáo pháp Đốn ngộ toàn là những luận cứ triết lý, hành giả cứ đọc sách giáo khoa của Tổ sư mình, dùng trí tuệ khám phá những ý tứ ẩn vi trong đó; ai tìm được những lý nhiệm mầu sâu kín của đạo, người ấy phải là người đã phát tuệ, mới ngộ được mối huyền vi của đạo. Trò nào thông đạt được cơ mầu, thầy mới truyền tâm ấn cho, để nối nghiệp qua đời sau.

Đạo bí ẩn, nên chỉ dùng thông cảm tương giao, không thể giải thích cho rõ rệt; có viết ra cũng dùng lối bí ẩn, cho nên khi các ông giáo tổ qua đời, mà không người kế nghiệp, kinh sách để lại, đoàn hậu tấn tùy theo trình độ, nhận định khác nhau, trúng thì nhờ, sai thì chịu. Thật ra không ai hiểu được rốt ráo; nếu hiểu được thì đã chứng đạo rồi, và nếu có người ngộ đạo, thì sự nghiệp Tổ tổ tương truyền vẫn còn nối tiếp đến ngày nay.

Tuy không ai hiểu được, nhưng người vẫn ưa thích học Đốn giáo, hy vọng có ngày thành Tổ nên Phật. Đốn giáo đòi hỏi một trí tuệ rất cao siêu, mà người trong thời buổi này lại kém phần học lực về Hán văn, nên tuy cố gắng xem kinh học pháp, mà dường như không thông hiểu nghĩa lý xâu xa, nên chưa gặp ai ngộ đạo liễu pháp. Mặc dù ở trong vòng lẩn quẩn, nhưng nhiều người có thiện chí sưu tầm học hỏi. Khi gặp nhau thì cật vấn luận biện, vui thú với đạo mầu. Kẻ thấp thừa dịp học thêm, người cao đắc chí nói nhiều, tối ngày không biết mệt mỏi.

Triết lý có năng lực hấp dẫn, tâm hồn cao hứng trong mộng huyền vi, nhưng rốt cuộc chưa ai nếm được hương vị của đạo quả nào. Cho biết rằng ngoài giới và định không có tuệ, cũng như ngoài tuệ không có Niết-bàn. Bỏ giới chấp định, ai nói mình đã đắc tuệ, người đó phải là người cao siêu hơn Phật. Chúng ta có nên tin rằng các vị Tổ sư Đốn giáo đã hoàn toàn sáng suốt hơn Phật chăng?

Xem qua những giả thuyết triết học sau đây của các vị Tổ sư ba thừa, chư độc giả sẽ có dịp suy xét để chọn lựa đường chánh nẻo tà.

Tiểu thừa Tân Tiến

1) Vaibhāshika: Câu Xá tông – Tông này lấy Tạng luận làm nền tảng.

Xin nhắc lại, trong khi kết tập Pháp bảo lần đầu tiên, do Đại đức Kassapa làm chủ tọa, chỉ có Pháp và Luật. Qua đời Hoàng đế Asoka, thế kỷ thứ III, trước Giatô, phái Bảo Thủ Sthavirāvada (hay là Theravāda) chia Pháp ra hai phần: Kinh (Suttas) và Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Phần Vi Diệu Pháp gồm cả những pháp vi tế cao siêu của đức Phật giảng giải cho Phật Mẫu và chư Thiên nghe, trong hạ thứ 7, về Tâm, Sở hữu tâm, Sắc pháp và Niết-bàn.

Cách hơn 400 năm về sau, thế kỷ thứ II kỷ nguyên này, phải Tiểu thừa Tân Tiến Sarvāstivada (Tát Bà Đa Sa) dựa theo Tạng Vi Diệu Pháp nói trên, làm ra một Tạng luận riêng biệt bằng chữ Sanskrit.

Qua thế kỷ thứ IV, kỷ nguyên này, ông Vasubandhu (ThiênThân), một nhà triết lý học sanh trưởng tại Peshawer, xứ Gandhara, thuộc miền Tây Bắc Ấn Độ, lập ra phái Vaibhāshika (Câu-Xá-tông), nối truyền cho phái Sarvāstivada, viết ra một bộ giáo khoa, làm nền tảng cho đạo của ông, gọi là bộ Abhidharma Koca Castra, tức là bộ A-tì-đạt-ma Câu-xá-luận, có nghĩa là kho chứa huyền học.

Qua thế kỷ thứ VI (563), ông Paramartina (Chơn Đế) truyền bá Câu-Xá-tông qua Trung Hoa và chính ông dịch bộ A-tì-đạt-ma Câu-xá-luận ra chữ Hán. Không biết với lý do gì, nên đến năm 654 thầy Huyền Trang phải dịch lại một lần nữa.

Từ đây Phật giáo không còn là một chủ nghĩa thực nghiệm của hai vấn đề: Khổ và diệt khổ, lại trở thành một trường luận biện rất thạnh hành, nghĩa là không còn đề cập đến bố thí, trì giới, tham thiền, nhập định nữa.

Câu-Xá-tông chủ trương về thực thể, tức là thiên qua duy vật. Đại cương thuyết giáo này là: không có cái ta, mà có những thể chất làm ra cái ta. Cái ta chỉ là sự phối hợp của năm uẩn. Chính năm uẩn mới đáng gọi là thực thể, vì năm uẩn cấu thành bởi nhiều nguyên tử. Những nguyên tử ấy có thật, trừ ra những vật cấu hợp mới coi là bào ảnh.

Linh hồn cũng như xác thân, đều do những nguyên tử phối hợp, một ngày kia sẽ sụp đổ, để nhường chỗ cho vật cấu tạo mới khác. Triết lý này chủ trương phân tích phần phức tạp trong thân, là cái ta, rồi phân loại những nguyên tố làm ra cái ta, như sắc, thọ tưởng, hành, thức. Năm nguyên tố này còn bị phân tích ra 18 nguyên tố và 75 đặc thể vi tế nữa; Trong đó có 72 loại của ngũ uẩn và 3 loại ngoài ngũ uẩn, như hư không và hai trạng thái Niết-bàn.

Đức Phật dạy rằng tâm thức, cũng như vạn vật, đều tiến triển không ngừng nghỉ, Câu-Xá-tông cũng nhìn nhận rằng không có linh hồn bất di bất dịch, nhưng lại tin có nguyên tố, tức là họ mở đường thiên về duy vật. Họ còn cho rằng đức Phật là một bậc siêu nhân đã chết mất trong hư vô, cho nên Niết-bàn đối với họ là hư vô.

Theo Bắc Phạn (Sanskrit) chữ Vaibhāshika có nghĩa là minh thuyết, đủ cho chúng ta biết tâm trạng của họ ra thế nào.

Từ chỗ có của nguyên tử, đến chỗ không của Niết-bàn. Ông Vasubandhu (Thiên Thân) muốn để cho môn đệ ông tự lực khám phá cho ra chơn lý. Vì không ai tu chứng, nên sự nghiệp của ông không người kế thừa. Ông buộc lòng phải bỏ giả thuyết của ông, để hiệp tác với anh ông là ông Asanga (Vô Trước) lập ra một giáo phái khác, mà chúng ta sẽ có dịp xem qua.

2) Sautrantika: Thành Thật tông

-Tông này lập ra trong thế kỷ thứ I, kỷ nguyên này, do ông Kumāralahdha (Cưu-ma-la-đa). Danh từ Sautrāntika nghĩa là sự thật, sự thật phát minh sau khi khảo cứu bộ Abhidhamma (Vi diệu pháp) của Phật giáo Bảo Thủ. Có lẽ ông dùng cách khẩu khẩu tương truyền, nên không có kinh sách để lại. Qua thế kỷ thứ IV, học trò của ông tên Harivarman (Ha lỹ bạt ma) viết ra cuốn Satyasiddhi Castra: Thành Thật Luận, có nghĩa là quyển sách luận về chơn lý rốt ráo.

Qua thế kỷ thứ V (411) có ông Kumārajiva (Cưu-ma-la- thập) truyền bá Thành Thật tông qua Tàu và dịch quyển Thành Thật Luận ra Hán văn.

Qua thế kỷ thứ VII (625), một nhà sư Nhựt Bổn tên Eikwan (Kiết Tạn) qua Trung Quốc khảo cứu quyển ấy đem về xứ được ông Hoàng Shôtoku Taishi truyền bá cùng khắp nhân gian, dưới cái đạo hiệu là Jô Jitsou.

Thành Thật tông cho rằng đức Phật là bậc siêu phàm, thường thị hiện giữa tín đồ. Họ không nhìn nhận có linh hồn và có ngũ uẩn: Cái ve không, không đựng chi hết, cũng như trong thân ngũ uẩn chẳng có cái chi gọi là cái ta. Thể chất của cái ve chẳng có thật, cũng như các pháp là ngũ uẩn, chỉ có tên rỗng không thôi.

Theo Phật Gotama, cái ta là những trạng thái của tâm thay đổi như chớp nhoáng. Thành Thật tông dạy chẳng những không nên nói như đức Phật rằng sự vật biến đổi vô thường, mà phải hiểu rằng sự vật chỉ có trong sát-na thôi. Quá khứ, hiện tại, vị lai không có; trạng thái hiện hữu của sự vật mới có thể gọi là có, bởi sự vật vừa là có, vừa là không; vừa sanh, lại diệt đi. Mỗi hành động làm cho thay đổi cả thân tâm. Nhưng thân là một, tâm là một; ví như khúc dây luột bị đốt một đầu, đầu kia có người cầm và quây tròn. Mắt dòm thấy một vòng lửa. Vòng ấy là một đơn vị (một chúng sanh), sanh ra bởi nhiều đốm lửa liên tiếp. Vòng lửa liên tiếp ấy chẳng khác nào những hột chuỗi xỏ bằng chỉ. Các hột chuỗi đều riêng biệt nhau, nhưng bị kết chùm lại một xâu. Cũng ví như con sông, thật ra không có chi gọi là sông, đó chỉ là những giọt nước chảy kế tiếp nhau thôi. Mắt thấy có người, thật ra đó là một đứa bé biến đổi liên tiếp ra một thanh niên, một ông già, là ba trạng thái khác hẳn nhau. Thế thì có chi bền vững mà gọi là ta. Nhưng, mặc dầu cái ta ấy là những trạng thái thay đổi liên tiếp, nó vẫn biết lấy nó, như ngọn đèn tự rọi sáng lấy nó vậy.

Không nhìn nhận có cảnh giới bên ngoài, Thành Thật tông cho rằng sự vật là có, là do hình ảnh phát hiện trong tâm.
Ông Hariwarman (Ha-lỹ-bạt-ma) có nhấn mạnh rằng: Cái tiếng ta của đức Phật thường dùng, chỉ là một danh từ thường thôi, vũ trụ chỉ là ảo mộng, nhận thức của con người là cơn mộng trong khi thức thôi. Nhất thiết là rỗng không, chẳng có một chúng sanh nào, chẳng có chi gọi là ta. Vũ trụ là bào ảnh trong những sát-na, một diễn tuồng thay đổi của các pháp hợp tan liên tiếp, tùy theo sự hóa hợp của các nguyên tố tinh thần và vật chất, do nghiệp lực kết tụ và tung tán, cho đến chừng nào sự vật huờn lại nguyên bổn, là chỗ không không.

Tiếp theo thuyết không không, ông Ha-lỹ-bạt-ma biện rằng: Nếu nói như Phật rằng con người từ kiếp này còn phải trôi dạt qua kiếp khác, thì không thể được; bởi Phật còn nói rằng khi chết, tâm thức cũng tan rã như xác thân. Nếu không có cái chi tồn tại, thì không thưởng phạt, không nghiệp báo, không luân hồi và cũng không Niết-bàn. Phải chăng giáo lý của Phật Gotama là một xảo thuyết à? Nếu trong con người chẳng có chi tồn tại, thì cần chi phải xem kinh, cần chi phải tham thiền, cần chi phải khổ hạnh. Rồi ông Ha-lỹ-bạt-ma kết luận: Thuyết của Phật và thuyết của ta đối chọi nhau, vậy thuyết nào phải, thuyết nào quấy? Thế thì cũng chưa giải quyết được, vậy ta nên nghe lời Phật dạy: chẳng nên biện luận về triết lý.

Sau khi luận xuôi rồi luận ngược, nhà triết lý học Ha-lỹ- bạt-ma nhìn nhận rằng biện thuyết của ông vẫn không đem đến một tia sáng nào và khuyên: Hãy tin nơi lời Phật dạy và chẳng nên vượt khỏi giáo lý Phật Đà. Luận thuyết này có vẻ thành thật, nhưng cũng không bổ ích cho sự giải thoát. Biện luận về Phật pháp để nhận thức một phần nào, tùy theo giới hạn của lý trí phàm nhơn, rồi cần phải tu giới, định, huệ mới thấy rõ chơn lý.

Tới đây ông Ha-lỹ-bạt-ma dừng chơn cũng vừa; và cũng lẽ ông cũng chưa khám phá được tuệ giác của Phật, nên lập giáo của ông tới đây cũng chấm dứt.

3) Vinaya: Luật tông

– Trước giờ nhập diệt tại Kusinara, Phật Gotama đã di chúc cho các vị tỳ khưu: “Sau khi Như Lai diệt độ rồi, các con hãy lấy giới luật làm thầy, cố gắng tu hành chớ nên dể duôi”.

Đối với những Phật tử chưa chứng đạo quả Tứ Thánh, hai chữ “dể duôi” có nghĩa rất quan trọng về phương diện giải thoát. Giới luật là nấc thang đầu tiên để tiến đến mức cứu cánh giới luật là nền tảng, là tuổi thọ của Phật giáo. Không có giới luật để thôi thúc cho lục căn thanh tịnh, người Phật tử đã không nhờ đâu mà tu định, tu huệ hầu chứng đạo quả Niết-bàn được, và luôn đó cũng không duy trì Chánh pháp được trường tồn hưng thịnh.

Tâm của chúng sanh bao giờ cũng ưa thích tự do phóng túng theo ngũ trần lục dục, chẳng hề chịu trói buộc trong khuôn khổ giới luật. Vì đó mà nhóm Vajjiputta mới tách ra lập phái Tân Tiến, để canh cải cho bớt phần nghiêm khắc và tiện bề quay trở theo dục vọng. Khởi đầu họ sửa đổi 10 điều răn cấm, để thâu nạp tiền bạc và tự do ăn uống. Sau lại, khi tách ra khỏi hệ thống Nguyên Thủy, họ lập nhiều điều luật riêng bằng chữ Sanskrit. Lẽ tự nhiên, luật này không giống với luật của Phật ngự chế, chỉ mường tượng chút ít thôi.

Luật căn bản gồm có 250 khoản (luật Tây Tạng có 253), nhiều hơn của Phật 23 điều luật. Các bộ luật Tân Tiến lập ra trong khoảng từ 844 tới 1088 sau khi Phật nhập Niết- bàn.

Qua thế kỷ thứ III, kỷ nguyên này, có ông Dharmakala (Đàm Ma Ca La) tục gọi là Pháp Thời, đem Luật tông qua Tàu truyền bá. Đến thế kỷ thứ V, ông Bhuddhayacas (Phật Đà Da Xà hay là Giác Minh) phiên dịch ra Hán văn. Qua thế kỷ thứ VIII (754), Luật tông được truyền sang Nhựt Bổn, dưới hiệu Ritsu, bởi nhà sư tên Ganjin (Đạo Tuyên).

Tông này không được phổ thông vì người Tàu cũng như người Nhựt, ít chịu giam mình trong giới luật. Người nào tinh tấn lắm, chỉ giữ một vài điều luật, lâu ngày mòn mỏi, không ai còn biết những điều răn cấm của Phật ra sao. Các nhà sư giấu mất tạng Luật, và dối với tín đồ rằng Phật cấm không cho cư sĩ để ý đến phận sự của thầy tỳ khưu. Sợ tín đồ biết Luật xuất gia, dòm ngó hành vi của họ; họ còn hăm dọa: nếu các người lỡ phạm lỗi với Phật, có tăng cứu rỗi cho; bằng phạm với tăng, thì không còn ai che chở, ắt phải sa địa ngục. Tín đồ lại càng sợ thêm, nên chẳng ai dám tọc mạch, để cho các thầy tha hồ phá giới. Sau này nhờ có Hội Phật giáo Hoàn cầu cổ động chỉnh đốn chế độ Tăng già cho thích hợp với quy tắc của Phật di truyền, nên hiện giờ có vài trường Phật học đem giới luật ra giảng giải cho tăng ni nghe. Nghe để cho biết, chớ cũng chưa dám thực hành. Dường như người ta còn e lệ, hoặc không đủ can đảm để áp dụng, bởi xưa nay họ thường cao rao rằng Đại thừa không cố chấp giới luật như Tiểu thừa, nếu trở lại thực hành giới luật, sợ hổ ngươi với Tiểu thừa. Hơn nữa, đã quen tự do phóng túng, có ai đủ nghị lực cột trói thân khẩu trong vòng kỷ luật gắt gao.

Hạng người, một khi biết rằng mình làm quấy, mà không mạnh dạn trở về theo cái phải, không thể gọi là người tu chơn chánh. Vì tự ái, tín đồ cũng đồng ý cho thầy mình giữ vững tinh thần Đốn giáo, nên các thầy cũng vui lòng nghe theo. Đã đứng vào hàng mô phạm mà còn phải chịu ở dưới quyền chi phối của thế tục, nên có tiếng mỉa mai: các thầy thích tu theo tín đồ, hơn là theo Phật. Xét ra hành vi của họ không phải vô ý nghĩa, bởi họ còn phải nhờ tín đồ sống cho qua ngày.

Nay cũng như xưa, vì sống ngoài vòng giới luật nên các thầy Tân Tiến không muốn cho tín đồ trong sạch với giới luật cư sĩ. Nên trong luật tại gia của các thầy lập ra có dạy rằng: mỗi khi tín đồ đến xin thọ ưu bà tắc giới, trước thầy tỳ khưu sau mỗi câu hỏi và câu trả lời cương quyết của giới tử, thầy tỳ khưu cho biết rằng: “Giới ưu bà tắc thật rất khó. Một khi phá hủy năm giới thì trong vô biên đời kiếp phải đọa ba đường ác, chịu khổ vô cùng” (1). Những lời ấy chẳng khác nào hăm dọa cho giới tử ghê sợ, chán nản, không dám đèo bồng. Phật chẳng hề dạy các thầy tỳ khưu nhát tín đồ như thế ấy, trái lại phải ca tụng và phải giải thích quả báo cao thượng của sự trì giới, cho tín đồ phấn khởi, trong sạch, yêu mến giới luật của họ.

(1)  Phá giới tại gia còn tội ác như vậy, phá giới xuất gia tội đến đâu.

Đành rằng: ngũ giới bất trì nhân thiên lộ triệt. Nhưng câu này chỉ dùng để thức tỉnh, răn đe những tín đồ nào, đã thọ quy giới rồi mà còn trụy lạc, hư hỏng cho họ hồi đầu hướng thiện, chẳng phải để ngăn rào đón ngõ, cho tín đồ mất sự cương quyết của họ. Mỗi lần mỗi bị hăm dọa, làm cho tín đồ phải ghê sợ giới luật như sợ rắn độc. Rung nhát họ được rồi, không lẽ công khai khuyên họ bỏ giới, các thầy khôn khéo hạn chế: Các người nên thận trọng liệu sức thọ không nổi năm giới, thì nên giữ một vài giới cũng được vậy. Nhờ cái biệt tài cám dỗ, lần lần không còn ai biết ngũ giới cấm là gì, cũng như trong Tăng già không còn một ông thầy nào biết cụ túc giới ra sao. Cả thầy lẫn trò đồng chung một xuồng, còn ai dòm ngó ai, thế là các thầy Tân Tiến đã thắng trận. Tín đồ như con chiên, thầy nói sao hay vậy, không ai chịu gia công tham khảo Phật pháp, nên thời buổi nào họ cũng bị bọn dối thế gạt đời lợi dụng. Gặp đời vua nào sùng mộ Phật pháp, bọn ấy phải tiêu diệt. Như vua A Dục (Ấn Độ) và vua Lương Võ Đế (Tàu) hai phen trục xuất cả mấy vạn ký sanh trùng, Phật pháp được tẩy uế một thời gian, rồi thứ sâu mọt ấy cũng nảy sanh lại. Thương hại cho những người mộ đạo, có đức tin gieo giống lành trong Phật pháp, mà phước đâu không thấy, chỉ thấy cái tội duy trì ung thư cho xã hội.

Trong Hạnh Phúc kinh, Phật có dạy: Sự thông suốt giới luật xuất gia và tại gia, là một điều hạnh phúc cao thượng. Xứ nào có được nhiều bực thông hiểu phận sự của người tại gia và xuất gia, xứ ấy Phật pháp mới được thạnh hành. Tăng tục đều biết luật tu theo đường chơn chánh, hai bên nâng đỡ thức tỉnh lẫn nhau. Nhà sư không dám dể duôi vì có tín đồ dòm ngó, nên cố lo tròn phận sự, tín đồ tinh tấn giữ đạo, nhờ có các nhà sư ở kế cận nhắc nhở luôn khi.

Cư sĩ có phận sự bảo tồn ngôi Tam bảo, mà không biết phận sự, cứ phó thác cho mấy ông thầy vẽ rắn vẽ rồng, bảo chi làm nấy, lui cui ra tiền cho mấy ổng chôn sâu Phật pháp dưới đáy bùn lầy. Ai muốn xuất gia cứ tự tiện cạo đầu đắp y, ai muốn làm Hòa thượng, cứ mua áo mão mang vô. Có kẻ lại bắt chước Tiểu thừa, cầm tích trượng mang bát đứng lim dim nơi đầu đường góc chợ, khêu gợi tấm lòng từ thiện của Phật tử. Theo luật Phật di truyền, trong Tăng già không có những chức tước Hòa thượng, Yết ma, Giáo thọ, cũng không có Khất sĩ cầm tích trượng (2) đi trong châu thành, hoặc đứng giữa chợ xin ăn (3). Không thông hiểu giới luật mà muốn thực hành giới luật là một điều nguy hiểm rất lớn. Riêng mình đã tỏ ra không có giá trị lại còn khêu gợi cho kẻ khác khinh khi Phật pháp.

Phật dạy: Thầy tỳ khưu nào tu hành không chí nguyện giải thoát mà ăn của thập phương bá tánh, thà là lấy sắt nấu ra cho đỏ nuốt vào bụng còn hơn. Nếu có chí nguyện giải thoát, phải thông hiểu kinh luật, phải biết phương pháp tu hành. Chưa thông hiểu kinh luật, xin ai kia chớ dể duôi lợi dụng Phật pháp làm nghề nuôi mạng. Đối với thế gian, mình là kẻ lừa gạt tín đồ mê muội; Đối với đạo giáo, mình là kẻ cướp di sản (sự nuôi mạng) của đức Phật để lại cho hàng Tăng bảo chơn chánh vị lai.

(2) Tích trượng là một cây gậy thường để cầm tay lúc đi trong rừng, đặng đỡ gạt thú dữ và rắn rít.
(3) Thầy tỳ khưu thuộc dòng cao thượng đâu có đứng góc chợ xin cơm chay ăn mày.

Tóm lại, hiện giờ phái Tân Tiến không còn duy trì được một giới luật nào. Trọn 250 điều luật đều gồm thâu trong sự ăn chay ăn lạt. Ăn chay để tránh sự sát sanh, thật là đúng với chủ nghĩa từ bi bác ái. Ăn chay lại còn hạp vệ sinh, cần ích cho sức khỏe để tu hành. Nhưng nếu ăn chay mà tín đồ không kiêng cử năm điều răn cấm và nhà sư không thọ cụ túc giới, thì không thể gọi lài tu Phật. Giới luật là nền tảng của Phật giáo để trau dồi thân khẩu thanh tịnh, ăn chay là phương pháp tinh khiết để nuôi dạ dày. Nếu trọng chay khinh giới, thì căn bản của sự tu hành chỉ gồm trong một vấn đề “ăn” hay sao?

Kinh sách thường dạy: Đại thừa không chấp giới như Tiểu thừa, và vì không chấp giới nên, dầu không thọ giới, chớ cũng không phạm giới. Bậc siêu phàm liễu đạo thốt những lời ấy, ai lại không tin. Mà người Đại thừa dùng lời ấy, cũng có lý, bởi họ có thọ giới nào đâu mà gọi là phạm.

Tu để phá chấp, mà dường như toàn thể Phật tử Đại thừa đều đặc biệt chú trọng về sự ăn chay, như thế có phải là chấp chay bỏ giới chăng?

Trích: Chọn đường tu Phật (Trùng Quang Cư Sĩ)

Hits: 52

Trả lời