Giáo pháp của Đức Phật bị chia rẽ thành các Tôn Phái trong dòng lịch sử (P2)

Trung thừa Tân Tiến

Mādhyamika: Tam Luận tông

‒ Mādhyamaki có nghĩa là Trung đạo, nhưng thường kêu là Tam Luận tông, bởi tông này căn cứ nơi ba cuốn luận của ông giáo tổ viết ra làm giáo khoa cho đạo của ông.

Tam Luận tông lập ra cuối thế kỷ thứ I (70) kỷ nguyên này, bởi ông Nagarjuna, thuộc dòng Bà-la-môn, sanh trước tại Bera (Trung Ấn Độ), lớn lên ông xuống miền Nam lập giáo, tại Nagarjunikonda, gần thành Amaravati, và sau lại ông đi truyền bá tận miền Bắc. Tên ông đặt ra do một tích nói rằng ông ra đời dưới cột cây kêu là Arjuna và khi lớn lên được thần Naga, là Long vương rước ông xuống tận thủy cung dạy ông những pháp huyền bí, người Tàu dịch Nagajuna là Long Thọ.

Tích trên có thêm rằng: Giáo pháp xâu xa của Phật Thích Ca bị Long vương thâu đoạt, gìn giữ tới tận đáy biển, nay nhờ ông Long Thọ đem trở lên phổ cập trên mặt đất. Đây là lý thuyết để khởi đầu vượt khỏi tôn chỉ Phật Thích Ca đang khuyết trương đạo giáo siêu hình dưới danh từ Phật giáo.

Ba tác phẩm của ông Long Thọ là: cuốn Mādhyamika castra: Trung luận; cuốn Dvādaca Nikāya Cāstra: Thập nhị môn luận; cuốn Prajnā Paramitā Sutra Cāstra: Bát-nhã-ba- la-mật-đa luận. Ông Long Thọ còn viết rất nhiều quyển khác, nhất là quyển: Pancakrama, dạy về phù chú. Mahācintya castra, luận về chơn lý huyền diệu ngoài phạm vi lý trí con người, gọi là Bất khả tư nghì luận. Avatamsaka sutra, Hoa Nghiêm kinh, của Long vương truyền lại, về thuyết chơn không (Cunya), v.v…

Tam Luận tông được truyền bá cùng khắp Ấn Độ, Trung Á và Cực Đông, nhờ các đồ đệ trứ danh của ông Long Thọ, như thầy Arya Deva, Candrakirti, Canti Deva. Qua thế kỷ thứ IV thầy Suryasama đến Thổ-nhĩ-kỳ tự thân thâu được thầy Kumārajiva (Cưu-ma-la-thập), con của một người Ấn Độ và một vị công nương tại Koutcha. Chính ông Cưu-ma- la-thập này là Sứ đồ của Tam Luận tông tại Trung Hoa. Ông dịch ba quyển giáo khoa ra Hán văn, được người Tàu nhiệt liệt hoan nghênh.

Qua thế kỷ thứ VII (625) có nhà sư Nhựt Bổn tên Eikwan (Kiết-tạn) qua tàu thỉnh trọn bộ Tam Luận về xứ mở đạo lấy tên là Sanron.

Tam Luận tông cũng như Phật giáo Bảo Thủ, không nhìn nhận có linh hồn và sự thực tại của vạn hữu. Nhưng trong khi Bảo Thủ nói rằng nội tâm và ngoại cảnh đều là hiện tượng, thì Tam Luận tông lại nói không có hiện tượng, không có ta, không có ngũ uẩn, chỉ Niết-bàn là thật có thôi. Ông Long Thọ dùng biện chứng lật đổ tất cả những quan niệm, những nền móng triết học trong thời đại của ông, luôn cả giáo lý của Phật Tổ Gotama.

Về linh hồn, ông Long Thọ biện rằng: kẻ nào nhìn nhận có linh hồn là quấy. Nếu hẳn thật có linh hồn, thì hoặc nó ở trong thân, hoặc nó bao bọc cái thân. Có linh hồn ở trong thân hoặc ở ngoài thân, thì xác thân không bao giờ tiêu hoại, bởi theo sự tin tưởng của con người, linh hồn là một vật tồn tại. Dầu ở trong thân hoặc ngoài thân, khi một cánh tay hoặc một bàn chơn bị chặt, linh hồn ấy cũng phải bị đứt đoạn một phần. Bằng nói rằng trong khi tay hoặc chơn bị chặt, linh hồn rút vào ẩn trú trong thân. Vậy khi cái đầu bị chặt, linh hồn ẩn chỗ nào, để cho xác thân phải hư thúi? Hơn nữa, linh hồn của kẻ điên ở đâu?

Về vật chất, ông Long Thọ nói không có (sắc thị không). Nếu đem ngũ uẩn ra phân tích đến phần vi tế gọi là nguyên tử, rồi kết luận rằng ngũ uẩn là có cũng chưa nhầm, bởi trong khi nguyên tử này ở kế cận với các nguyên tử khác, thì mỗi nguyên tử phải có nhiều mặt đối diện nhau, tất cả còn có thể phân tích ra được nữa. Càng phân tích tế biệt chừng nào, càng thấy không có cái nguyên tử đầu tiên. Tất nhiên là ngũ uẩn giai không. Hơn nữa, những hiện tượng sanh ra bởi sự biến đổi của các nguyên tử đều là không thực thể, tức là không có. Cái chi thật có chẳng bao giờ biến đổi. Nếu nói như Phật Gotama, vạn hữu là vô thường, thì vô thường là thật tướng của vạn hữu, tức là thú nhận rằng chẳng có chi hết. Từ đây ông Long Thọ đổi Phật giáo làm cái đạo Cunyavada (đạo hư vô hay chơn không).

Hiện tượng theo Phật giáo Nguyên Thủy, là sự liên kết của nhân và quả trong thời gian. Ông Long Thọ cho rằng thời gian không có, quá khứ, hiện tại và vị lại cũng không có. Nếu có thì hiện tại phải có trong quá khứ và vị lai cũng phải có trong hiện tại. Vật bị chứa đựng trong vật khác, không thể ra khỏi vật khác ấy được. Vật thì quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ có một. Tức là không có trước, không có nay, không có sau, không có thời gian.

Ông Long Thọ cũng không nhìn nhận có quả có nhân. Nếu có quả thì quả ấy có trong nhân hoặc ở ngoài nhân. Quả có trong nhân thì quả với nhân là một, quả không thể phát sanh ngoài nhân được. Quả ở ngoài nhân, thì nhân đâu có quả. Nhân không thể có trước, hoặc có một lượt, hoặc có sau quả, thì mối quan hệ giữa nhân và quả là vô lý. Kết luận không quả, cũng không nhân.

Ông Long Thọ còn một lý luận nữa để thủ tiêu luật nhân quả: Đã nói là vạn vật là vô thường biến đổi, thì làm sao trong chỗ vô thường ấy lại có một cái định luật lâu dài, như luật nhân quả được? Làm sao từ trong cái chớp nhoáng này qua cái chớp nhoáng khác, lại có thể nảy sinh ra những kết quả vô cùng được? Hơn nữa, cái chớp nhoáng trước không thể sanh ra cái chớp nhoáng sau được. Cho nên không có nhân, không có quả, cũng không có gì sanh, không có gì diệt, không có gì trường cửu, không có gì không trường cửu.

Sau khi triệt các nền móng của tư tưởng, ông Long Thọ chỉ còn bứng gốc cái tư tưởng là xong cuộc khai thác rừng triết lý để trống chỗ cho ông lập điền địa mới của ông: Cái biết (thức) không thể nhờ ngoại trần và nội tri mà thực hiện được. Trí cũng không thể biết được sự vật bên ngoài, vì ngũ quan, trí não và sự vật chẳng bao giờ kề sát nhau, tức là không thể phù hợp tương đồng với nhau, thì sự quy nhứt của cả ba phần ấy không thành tựu được. Như thế, nếu nói có cái biết, xin hỏi cái gì biết? Cái trí không biết lấy nó được, cũng như cái đầu ngón tay không thể tự rờ đụng lấy nó được: lưỡi dao không thể tự cắt lấy nó được.

Có người hỏi ông Long Thọ vậy chớ những biện luận của ông ở đâu ra? Ông trả lời: Nếu tôi nói rằng biện luận ấy phát sinh do cái biết thì tôi là kẻ nói bậy. Bấy nhiêu đủ biết rằng ông Tổ sư Tam Luận tông ỷ tài ỷ tận nói cho hoác xước, đến nước bí phải tự thú rằng ông là người nói bậy. Nếu ông không phải là người điên chữ, thì ông cũng là một phần tử phá hoại Phật giáo chơn truyền.

Ông Long Thọ không biết có trời đất vạn vật, không nhìn nhận có nhân có quả, có thời gian không gian, không tin có tư tưởng và sự hiểu biết, để lập ra một đạo giáo gọi là chơn không. Nhưng cái chơn không của ông là cái vừa có mà cũng vừa không, hoặc không có mà cũng không không. Riêng cái có hoặc riêng cái không chẳng phải chơn lý. chơn lý là trạng thái của người đã vượt khỏi hai cái quan niệm Có và Không, nghĩa là chỗ không thể lo nghĩ được, gọi là “bất khả tư nghì”, là Niết-bàn.

Lý luận của ông Long Thọ có thể gọi là kỳ quái. Một mặt ông bài xích tất cả những bằng cứ về vũ trụ, về nhân sanh, về tư tưởng; mặt khác ông lại nói rằng: Nếu đời là một cơn ác mộng, sự làm lành hẳn thật là một giấc chiêm bao tốt nhứt, còn vạn vật là bào ảnh, thì tham thiền nhập định khác nào ở cảnh giới thần tiên.

Từ thuyết Hư vô, ông trở lại chỗ thực tại. Bề ngoài là ảo mộng, sau cái ảo mộng đó chính là Niết-bàn tuyệt đối. Đời là rỗng không, mà rỗng không là Niết-bàn. Niết-bàn là Phật, ta cũng là Phật, bởi ta cũng là rỗng không. Chính đây là then chốt thần bí của Tam Luận tông. Luận như ông Long Thọ cũng đủ chứng Niết-bàn rồi, cần gì phải tu. Biện chứng phá hoại của ông Long Thọ là một lối đàm thoại dễ mà chơi. Chính ông nói như thế.

Thấy Phật Gotama đóng chặt gầm trời Phật giáo trong giới, định, huệ, giết chết linh hồn và cầm cố con người trong thế giới hiện tượng, muốn được tự do, ông Long Thọ phải tìm phương pháp giải thoát khỏi phạm vi nghiêm túc của Phật giáo, ông nhứt định đạp đổ cái thế giới hiện tượng, để thực hiện ý muốn của ông và mở đường tẩu thoát qua cảnh giới siêu hình. Ông cũng không ngờ rằng ông là người dọn đường khai thác cho những thuyết Duy tâm tự do phát triển, trong giới Tân Tiến.

Đức Phật đã nói rằng có biện chứng nào đem con người đến đạo quả Niết-bàn. Tài trí của ông Long Thọ đã không đem lại lợi ích cho ông, mà còn lây mầm tà kiến, ngã mạn cho những người chạy theo biện chứng của ông.

Vijnānavada: Duy Thức hay Pháp Tưởng tông, cũng gọi là Yogacāra

– Dù Dà tông: Tông này lập ra bởi hai anh em ông Asanga (Vô Trước) và Vasubandhu (Thiên Thân). Hai ông này sanh trưởng tại Peshawer, xứ Gandhara, là nơi Phật giáo Tân Tiến phát triển mạnh bạo theo phong tập người Hy Lạp, trong thế kỷ thứ IV, kỷ nguyên này, vì thời ấy Ấn Độ bị người Hy Lạp xâm chiếm. Ông Thiên Thân sống dưới sự bảo hộ của hoàng tử Gupta Samudragupta Ier. Khi ông hoàng này lên ngôi năm 326, ông Thiên Thân được bổ sung làm chức Thái phó. Dưới chế độ đô hộ có lẽ ông gặp uất trắc, nên ông và anh ông bỏ nơi chôn nhau cắt rún, đến Behar là chỗ Phật Địa, xuất gia theo Tiểu thừa Tân Tiến.

Ông Thiên Thân lập ra Câu Xá tông, tưởng cùng anh mình xây dựng mối đạo cho lâu dài, chẳng dè ông Vô Trước bỏ ra đi nơi khác, tạo lập một sự nghiệp riêng, là Duy Thức tông vậy. Thấy sự nghiệp này có mòi thạnh đạt, ông Vô Trước trở lại cảm hóa em, để cùng nhau đi chung một đường. Ông Thiên Thân bỏ Câu Xá tông qua phụ giúp cho ông Vô Trước rất đắc lực. Hai anh em viết ra nhiều quyển sách giáo khoa cho phái Duy Thức. Tác phẩm của ông Vô Trước là: quyển Yogācāra Bhūmi Cāstra – Dù Dà Sư Địa Luận (của Bồ tát Di Lạc hiện xuống (1) đọc cho ông chép ra), dạy về phương pháp tu tâm. Quyển Yoga Cāstra:

(1) Triệu chứng thiên về Huyền bí.

Dù Dà Luận. Quyển Mahāyāna Sutralamkāra Catra: Đại thừa Trang Nghiêm Luận, nói về giáo lý tổng quát Đại thừa Duy thức. Quyển Mahāyāna Abhidharma Sangiti Castra: Đại thừa A-Tì-Đạt-Ma kết tập, dạy về các phép siêu hình Đại thừa. Quyển Mahāyāna Samparigraha Cāstra: Nhiếp Đại thừa Luận, dạy về ý nghĩa bao quát Đại thừa. Quyển này được ông Paramārtha (Chơn Đế) dịch ra hán văn trong năm 563 và truyền bá qua Nhựt Bổn làm sách giáo khoa cho phái Shoron và phái Kegon.

Ông Thiên Thân cũng viết nhiều bộ sách về Duy Thức như quyển: Saddharmapundarikopadesa Diệu Pháp Liên Hoa kinh Ưu Bà Đề Xá. Dasadhūmika Sutra Cāstra: Thập Địa Kinh Luận. Sukhāvativyunopadcsa: Vô Lượng Thọ kinh Ưu-bà-đề-xá nguyệt sanh kệ. Nirvāna castra: Niết-bàn Luận. Gayāsirsasutratika: Văn-Thù Sư -Lợi Bồ tát vấn Bồ đề kinh luậnv.v… Ông có rất nhiều đệ tử đại tài, như các ông: Dinnaga. Sthiramati, Dharmapala (Đàm-ma Ba-la), Ciladhara (Giới Hiền), Jayasena, Candragomin (thế kỷ thứ V tới thứ VII).

Lúc ông Huyền Trang qua Ấn Độ (630) gặp ông Cilabhadra, đương làm Hiệu trưởng Đại học đường Nalandā, tại Berar, là một trường triết học danh tiếng nhứt, đã sản xuất rất nhiều bực kỳ tài về văn chương và triết học. Sau khi khảo cứu Duy Thức Luận tại Đại học Đường Nalanda thầy Huyền Trang rất vui mừng gặp được môn sở thích, liền xin thọ giáo với ông Cilabdadra (Giới Hiền), lúc ấy ông này được 106 tuổi (633) (2).

(2) Thầy Huyền Trang đến đây học đạo trong thời kỳ cách xa ngày Phật Gotama nhập Niết-bàn 1.257 năm, là thời kỳ chánh pháp không còn tồn tại ở Ấn Độ.

Duy Thức tông được thầy Huyền Trang đem về truyền bá ở Tàu từ năm 645. Một nhà sư Nhựt tên là Doshô thỉnh bộ Duy Thức về mở đạo tại nước nhà, lập ra phái Hossô. Qua năm 712, phái Hossô được thạnh hành nhờ một danh sư trổ tài giảng giải, là ông Genhô.

Tuy rằng Duy Thức tông nhìn nhận cái thuyết “Chơn không” (Cunya) của ông Long Thọ, nhưng họ không chịu cái biện chứng nghịch ngợm và trái ngược với lý trí của ông Long Thọ. Họ giải thích thuyết chơn không một cách khác. Cũng như ông Tổ sư Tam luận, họ công nhận vạn hữu là ảo giác, nhưng nếu nói ảo giác, hay ảo tưởng, tức là phải có cái gì khác, cái gì tưởng. Cũng như khi nói hư vô hay chơn không tất phải hiểu rằng có một vật chứa đựng mà trong ấy.

Không có đồ bị chứa. Vật chứa đựng chính là cái tư tưởng rỗng không: Không có khách quan, chủ quan và sự biết. Chơn không là cái tuyệt đối không phát biểu. Từ trong cái tuyệt đối không phát biểu ấy, mới nảy sanh cái tuyệt đối phát biểu, là cái Alaya Vijinama (A-lại-da thức) (3).

Thế giới bên ngoài không có, chẳng những không có về phần siêu hình, lại cũng không có về phần phương diện sắc tướng và kinh nghiệm. Cái thật có là cái tư tưởng, chẳng những nó tự biết lấy nó, mà nó còn biết luôn cả biểu tượng của nó.

(3) Đây là cách tu chính, sửa chữa biện chứng của Tam Luận tông để ứng dụng qua Duy thức. Duy Thức tông cũng có thể coi như một nhóm đứng ra hòa giải hai thuyết Hư vô của ông Long Thọ và Như Lai tự tánh của ông Mã Minh mà chúng ta sẽ có dịp bàn đến.

Ông Thiên Thân nói: Cái hiện hữu của một quan niệm được xác định, là khi nào ta biết rằng phần khách quan của quan niệm ấy là hư ảo. Ta biết có một vật bên ngoài, hoặc ta tự cho ta có một cái bản ngã, là nhớ những hiện tượng phát sanh trong trí não. Hiện tượng trong trí não ấy có thật, nhưng chẳng gọi rằng có một cách tuyệt đối; bởi vật được biết và cái biết đều là hình thức của tư tưởng; phần khách quan, chủ quan và cái biết, cả ba đều là ba cái tưởng của một tư tưởng thôi. Nhưng ba tưởng ấy không thật có. Cái được gọi là thật có là cái tư tưởng rỗng không (4). Tư tưởng rỗng không ấy chính là cái A-lai-da thức, là nơi chứa đựng tất cả những hình ảnh, nơi phát sanh vũ trụ và tâm thức. Toàn thể các pháp, hiện tượng, dục giới, sắc giới, vô sắc giới mà có ra cũng do nơi tâm thức.

(4) Ông Long Thọ đã thủ tiêu cái tư tưởng và cái thức, bây giờ tới phiên ông Thiên Thân tái lập. Cậm cụi đọc qua tác phẩm của các triết gia này thật mệt trí lao công, nhưng cũng ráng đọc để chỉ cho các bạn tu hành thấy rõ nó là món thuốc độc của tin thần.

Ông Thiên Thân nói rằng thế giới chỉ là quan niệm, là tư tưởng, là ý, là thức. Ông Vô Trước cho biết rằng học thuyết của ông không ngoài cái thức. Vũ trụ của Duy Thức Luận bao hàm tất cả hiện tượng, tất cả động tác của tư tưởng, thì cái A-lại-da thức hay cái tiềm thức của vũ trụ chính là cái bản tính siêu việt, là chủ quan tuyệt đối duy nhứt, là mẹ sanh của muôn loài vạn vật, là nơi chứa đựng các quả báo để bây giờ chuyển hóa ra nhân.

Cái ta hư hoặc đã bị phá hủy và được thay thế bằng cái tâm phổ biến không phân chia bỉ thử, gồm cả chúng sanh đồng nhứt như nhau. Cũng như biển cả vừa trường tồn vừa biến đổi, A-lại-da thức là một thực thể vừa vô hình, vừa sanh ra vạn trạng. Nó là cái tinh hoa của cái biết, mà chính nó không biết chi cả. Không thể xem nó như cái Thức, nhưng nó là chủ tể của tinh thần và vật chất, của tư tưởng và không gian.

Cái tinh hoa của sự vật là tư tưởng: Sự phân biệt và chủ quan, khách quan và tâm thức của mỗi cá nhân là vô minh. Tư tưởng rỗng không là trạng thái cao cả hơn cái ngã và cái vô ngã, một trạng thái siêu việt, tuyệt đối, không thể dùng biện chứng mà ngộ được, chỉ có trực giác mới đưa hành giả đến chỗ tiêu giao khoái lạc.

Tóm lại cái A-lại-da thức này là một danh từ đồng nghĩa với cái chơn không của Tam Luận tông và cái Brahina (Thần Bà-La-Ma) của Bà-la-môn giáo.

Hai anh em ông Vô Trước và Thiên Thân dựa theo triết lý của các bậc tiền bối, mong đi sâu thêm một đôi dặm đường vào cõi siêu hình, chẳng dè cũng bị chặn đứng dưới chơn tường bí mật làm ranh giới giữa cảnh tương đối và tuyệt đối. Màn vô minh chưa vén hé được, hai ông vẫn còn ở trong vòng lẩn quẩn của lý trí. Câu chuyện sau đây là một bằng chứng mà nhiều Phật tử không muốn hiểu sự thật:

Chúng ta còn nhớ hai anh em ông Vô Trước và Thiên Thân đã bỏ xứ Gandhara đến Behar lập sự nghiệp. Ông Thiên Thân khởi dựng ra Câu-Xá tông. Ông Vô Trước thấy phận làm anh không lẽ nương nhờ nơi em, nên tách ra đi lập thân. Đến xứ Oude, ông dựng lên Duy Thức tông được nhiều người sùng mộ. Đôi phen ông rủ em ông đến hiệp tác với ông để khuyết trương mối đạo. Ông Thiên Thân tiếc cơ đồ không chịu theo anh.

Ngày nọ, ông Vô Trước sắp đặt mưu chước cám dỗ rồi mời em đến chơi tại chùa Ayodhia, xứ Oude. Khi ông Thiên Thân đến nơi, ông Vô Trước tiếp rước em một cách niềm nỡ trọng hậu, và trong khi chuyện vãn với em, ông chẳng hề đàm luận về đạo lý. Sau khi cơm nước xong xuôi, ông đưa em ông lên an nghỉ trên một tòa lầu, dựa mé sông Hằng (Gange). Đêm ấy nhằm trăng thu rạng tỏ, trời thanh trong trắng. Giữa khoảng trống của nhành cây bồ đề và thốt nốt, bóng trăng chiếu rọi mặt nước ao hồ, đầy hoa sen đua nở. Ông Thiên Thân mới ngồi dựa cửa sổ trầm ngâm niệm tưởng. Thình lình có một chú tiểu đến đứng ngay dưới cửa sổ cất tiếng tụng một bài kinh huyền bí. Ông Thiên Thân lấy làm lạ, lóng tai nghe. Ban đầu ông ngạc nhiên, sau lại càng nghe càng thấm, càng mê, càng thích, cho đến nỗi nước mắt tuôn rơi hai hàng. Chừng chú tiểu dứt đọc rồi, ông mới nghĩ và so sánh thì ông nhận thấy triết lý Tiểu thừa của ông rất khô khan cạn cợt, không thể sánh với bài kinh của ông vừa nghe, và than rằng: Trước kia ta trót lầm tưởng rằng con người không thể trọng vây nương nhờ nơi oai lực thần thông của Phật, và kết quả của sự tu hành là đến chỗ không không. Chẳng dè đức Phật từ bi vô lượng, bằng thị hiện luôn luôn giữa tín đồ và phận sự của người Phật tử là phải tìm con đường huyền bí, để quy hồi theo Phật (5). Rồi ông nghĩ cho ông là người đã mang tội phỉ báng Phật Pháp, nên ông chụp bẻ lá sậy dựa hiên nhà, quyết cắt bỏ cái lưỡi của ông để đền bù tội lỗi. Ông Vô Trước chực sẵn sau lưng, bước tới chụp tay em và nhỏ nhẹ thốt rằng: Em, chẳng nên làm vậy, từ đây cái lưỡi của em sẽ được dùng để thuyết minh chơn lý. Từ đó trở về sau, Ông Thiên Thân bỏ Câu Xá tông theo anh đi mở đạo, hoằng hóa Pháp Tướng tông cùng khắp xứ Cachemir, Nepal, Behar, cho đến ngày lìa bỏ thế gian tại chùa Ayodhia, năm 350.

(5) Một bằng thứ nhứt chỉ rằng ông Thiên Thân chưa thông hiểu giáo pháp của Phật Gotama.

Trước kia ông Vô Trước, Thiên Thân và đệ tử ruột của hai ông là thầy Buddhasimha, cùng nhau thệ nguyện và giao kết rằng trong ba thầy trò nếu ai chết trước, phải trở về cho biết những huyền vi bí ẩn của bên kia lằn mức thế gian, để chỉ dạy cho nhau (6). Ít ngày sau khi ông Thiên Tân qua đời, một đêm nọ ông Vô Trước đương ngồi mật niệm với các đồ đệ của ông, bỗng thấy hào quang chiếu sáng cả tịnh thất, hồn Ông Thiên Thân hiện về cất tiếng dạy rằng: Ta nay đã gặp được đức Phật Maitreya (Di Lạc) rồi (7). Gương mặt ông quang minh tươi sáng, người người dòm xem không mỏi mắt. Lại có đủ thánh thần đông đầy hầu hạ, dâng hoa cúng trầm và ca tụng vang rân. Người mê tín cho đó là linh thiêng, bực chánh tín xem như tiểu thuyết.

Mục đích của các triết học gia này là viết sách nuôi mạng. Người ta còn nhớ trong quyển Dù Dà Luận (Yoga castra), ông Vô Trước có dạy rằng: Vì mục đích cao thượng và bác ái, các thầy tu phải rứt bỏ cái nghèo của mấy ông Tỳ khưu phái xưa, để thâu thập tài sản, sự nghiệp, vàng bạc, châu báu, hầu giúp ích cho kẻ khác. Và trước kia Ông Thiên Thân có viết trong cuốn A-Tì-Đạt-Ma Câu-Xá Luận (Abhidharma kosa Castra) rằng giáo pháp của đức Phật đã tới ngày cùng, giờ đây là thời kỳ của tật xấu, ai muốn giải thoát phải tu cho gấp. Ý ông muốn biểu người ta với ông. Lúc ấy đốt đuốc kiếm Phật pháp chánh truyền cũng không ra, bởi Bà-la-môn đã bứng tận gốc rễ, thánh kinh còn lại đã bị đốt hết, cổ pháp chùa thờ Phật Gotama đều bị phá hủy tan nát.

(6) Bằng chứng thứ hai chỉ rằng thầy trò ông Vô Trước, ông Thiên Thân còn ở trong vòng luẩn quẩn của triết lý.

(7) Phật Di Lạc chưa ra đời mà ông Thiên Thân lại gặp. Ông không thể gặp được Phật Tổ Gotama, trong giới huyền bí, là giới đại kỵ của người đã tìm được chơn lý. Đây để chứng tỏ rằng hai ông Tổ sư Duy Thức tông đã lập đạo ở bên ngoài giáo pháp của Phật Thích Ca.

Nguồn: Chọn Đường Tu Phật (Trung Quang Cư Sĩ)

Hits: 37

Trả lời