Giáo pháp của Đức Phật bị chia rẽ thành các Tôn Phái trong dòng lịch sử (P3)

Đại thừa Tân Tiến

Avatamsaka: Hoa Nghiêm tông

Kinh Avatamsaka (Hoa Nghiêm) là tác phẩm của ông Long Thọ luận về Cunya (Chơn không), hồi thế kỷ thứ I, kỷ nguyên này. Nhưng đây lại nói về thuyết Bhuta Tathata (Phật tánh) của ông Acvaghosa (Mã Minh), trong th́ế kỷ thứ II. Bởi hai thuyết chơn không và Phật tánh hay Như Lai tự tánh mường tượng nhau, nên có nhiều soạn giả lầm dịch là Hoa Nghiêm tông, nên để Phật Tánh tông hay Như Lai Tự Tánh tông mới đúng cho.

Tổ Sư tông này, ông Acvaghosa: Mã Minh, là một người Bà-la-môn, sanh trưởng tại Caketa, trong tỉnh Oude, giữa thế kỷ thứ II, kỷ nguyên này. Ông là vị quân sư của vua Kaniahka, trị vì xứ Behar. Nhờ một đồ đệ của ông Long Thọ khuyến dụ ông gia nhập môn theo Đại thừa Tân Tiến.

Ông Mã Minh là tác giả của: quyển Buddha Carita (Phật sở hành tán), là một tập thi ca khen ngợi đời sống của đức Phật. Quyển Mahāyāna Craddhotpāda (Đại thừa khởi tín luận, là một tập luận đầu tiên của Đại thừa Tân Tiến, nói về thuyết Bhuta Tathātā (Phật tánh). Thuyết này mường tượng với thuyết chơn không của ông Long Thọ và cũng tương tợ với thuyết A-lại-da thức của ông Vô Trước. Thuyết A-lại- da thức chính của ông Mã Minh bày ra, sau lại ông Vô Trước lấy đó mà lập luận thêm.

Ông Mã Minh phân tư tưởng ra hai cảnh tượng: cảnh tượng thay đổi, tức là luân hồi và cảnh tượng vĩnh viễn tức là Phật tánh. Phật tánh tự hiển xuất, bất biến và bao quát cả vạn vật. Nó là cái định lý của sanh mạng. Là bản thể siêu hình, không thể dùng trí óc (1) mà hiểu được, chỉ có trực giác mới chứng ngộ được thôi. Tùy theo mỗi biểu hiện của nó, người ta đặt cho nó nhiều tên khác nhau. Nếu nói về cái tinh hoa của chư Phật, gọi nó là Phật tánh (Bhuta Tathātā), về sự tồn tại của thực vật, gọi nó là Pháp (Dharma), về nguyên lý của trí tuệ, gọi nó là Bồ đề (bodhi), về trạng thái của tâm đã đoạn tuyệt ái dục, gọi nó là Niết-bàn (Niryana), về chủ trì sáng suốt theo triều lưu vạn vật, gọi là Bát nhã (Prajha). Về sự không chấp Có và chấp Không, gọi nó là chơn như (Cunyata), về phôi chủng của càn khôn vạn vật, gọi nó là Như Lai tạng (Tathāgatagarbā).

(1) Tổ sư cũng nói như các ngài đã có trực giác và chỉ một luận điệu in nhau.

Hình thức hữu lậu của Phật tánh là thế giới hiện tượng, có tâm thức làm chủ quan, và ngoại trần làm khách quan, tức là cái chơn không hay cái luân hồi. Hình thức vô lậu của Phật tánh là trạng thái bất khả tư nghì, tức là Niết-bàn. Ngoài Phật tánh không có vật chất và tin thần, Phật tánh vừa là trạng thái tuyệt đối và tương đối, vừa là bản thể mà cũng vừa là hình thức biến chuyển của sự vật. Nó là vật chất và tinh thần, là sống và chết, là luân hồi và Niết-bàn, là tương đối và tuyệt đối. Đây là một biện chứng mù mờ, không ranh giới, không phân minh, muốn dễ hiểu người ta thường so sánh Phật tánh như nước yên lặng, và hình thức thay đổi của nó sóng chao trên mặt nước.

Theo ông Mã Minh thì trạng thái khách quan của Phật tánh là cái Như Lai tạng, tức là mẹ sanh của thế giới bên ngoài, còn hình trạng chủ quan của nó là cái A lại da thức, tức là mẹ sanh của nguồn tư tưởng. Đại thế giới là con người, hai bên mà vẫn một thể tánh.

Tóm lại lý thuyết Phật tánh của ông Mã Minh, là đường lối khai thác cho Đại thừa Tân Tiến trở về với giáo lý phiến thần cũ kỹ của đạo Bà-la-môn. Chính trong kinh Upanishads (Ưu-ba-ni-tat) đã có ghi chép những câu: Tương đối và tuyệt đối vốn chẳng phải hai, nước biển và sóng biển vẫn đồng nhứt thể.
Ông Mã Minh, cũng như các tổ khác, thuộc dòng Bà-la- môn nên chỉ ông dùng tài biện luận, gạt tín đồ Phật giáo theo về với Bà-la-môn. Trong quyển Buddha carita (Phật sở hành tân) ông đã khởi xướng truất phế Phật Thích Ca để thay thế vào ngôi vị giáo chủ một ông Phật khác. Từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XX, trong giới thiện tri thức Cao Ly, Trung Hoa, Nhựt Bổn không ai để ý đến mưu mô xảo quyệt của bọn Bà-la-môn và đứng ra kêu gào tín đồ trở về nguyên bổn.

Thiên Thai tông

Cuối thế kỷ thứ VI, một nhà sư Tàu tên Trí Khải sáng tạo một ngôi chùa nguy nga trên núi Thiên Thai, tại tỉnh Chiết Giang. Ông lập ra một tông mới cũng lấy tên là Thiên Thai tông (570). Ông chiết trong giáo lý của Tam Luận tông, Hoa Nghiêm tông và Thiền Na tông, để lập ra một đạo tổng hợp. Chế độ tu hành của Thiên Thai tông được nhiều người hoan nghinh ưa thích. Đến năm 805 có vị tăng Nhựt Bổn tên Dengyo Daishi qua Tàu khảo cứu Thiên Thai tông đem về xứ mở đạo. Ông cũng theo gương ngài Trí Khải, chọn hòn núi Hieizan, lập một cảnh chùa đồ sộ có danh tiếng nhứt, tên Enryakuji, được nhiều người thọ giáo nhập đạo.

Thấy rằng Phật giáo Tân Tiến chia ra hai phe đối chọi, một phe nhìn nhận có sự vật bên ngoài, mặc dầu là tương đối; phe khác lại cho rằng không có chi hết, Đại đức Trí Khải căn cứ vào thuyết Như Lai Tự Tánh để dung hòa cả hai bên. Với thuyết Như Lai Tự Tánh, muốn luận xuôi cũng được mà muốn giải ngược cũng xong. Dùng thuyết ấy làm nền tảng lập pháp, ngài Trí Khải thừa nhận những lý lẽ bài bác đối chọi của chánh đề và phản đề, rồi áp dụng biện pháp hòa giải các đạo giáo tương phản. Thành ra Thiên Thai tông là một đạo rất hoan hỷ, dễ dãi, khỏi phải mệt lòng lo nghĩ bao la, khỏi phải bận trí tìm hiểu xa vời, con người được thảnh thơi an nhàn, thì bề tu tâm dưỡng tánh mới được mau chứng ngộ Phật tánh. Tìm được Phật tánh, cũng tìm được nguồn cội của cái Có và cái Không và trong ấy Có và Không là đồng nhứt.

Trong khi tọa thiền, hành giả phải tự thấy và chắc rằng mình sẽ thành Phật, miễn là tâm trụ được trong danh hiệu Phật, dầu là một lần cũng đủ thành Phật, vì Phật và ta là đồng nhứt. Theo học thuyết người Nhật thì súc vật, cây cỏ, đất đá thì cũng có thể thành Phật cả.

Có, không, phải, quấy, hư, thật, một khi vào lò Thiên Thai rồi thì hết còn tương phản, xung khắc, hết còn giá trị cao thấp, lại được đồng hóa ra một màu, một giống in nhau; Chính đây là phương pháp tối thượng, để chứng ngộ cái Như Lai tự tánh vậy.

Phá tan được sự tranh chấp giữa tông này phái nọ, Tổ sư Trí Khải chứng tỏ rằng tinh thần của ngài cao cả hơn các Tổ khác, cho nên Thiên Thai tông đáng gọi là tối thượng vậy.

Muốn học đạo tối thượng, phải biết phân biệt phải quấy chánh tà. Khi gặp quấy, không bất bình với cái quấy, lúc gần tà, không cảm nhiễm theo tà; thấy phải, học đòi theo cái phải, gặp chánh, rước lấy cái chánh. Không dùng trí tuệ suy xét phán đoán, đạo nào cũng theo, tôn chỉ nào cũng cho là của Phật; vì đó mà Phật giáo đồ không đồng nhứt, không đồng tâm, cũng không đồng một như như tự tánh.

Mặc tình thế gian bài bác biện luận, Tổ sư Trí Khải không thiên không chấp, giữ tâm thanh tịnh theo về với Phật. Làm sái tôn chỉ của ngài là bội sư phản Phật vậy.

Chơn Ngôn tông hay Mật Tông hay Phù Chú giáo

Một cái thuyết về Phật tánh chưa đủ cho sự tiến triển của Thần Bí giáo, bởi một khi nó được khai thác rồi, thì càng ngày nó càng phải tiến bộ thêm lên. Giai đoạn mới trong sự biến chuyển của Đại thừa Tân Tiến, chính là sự thành lập Chơn Ngôn tông vậy.

Tổ sư của tông này không ai khác hơn là ông Long Thọ. Những đồ đệ kế thừa chuyên môn của ông về tông này là: Ô.Ô.Nagabodhi (Long Trí), Vajrabodhi (Kim Cang Trí), Amoghavajra (Bất Không Kim Cang).

Năm 719 ông Kim Cang Trí qua Tàu truyền bá giáo pháp Mật tông. Qua năm 733, đệ tử của ông là ông Bất Không Kim Cang nối gót theo thầy qua Tàu. Hai thầy trò chung lo hoằng dương Mật tông, thâu được rất nhiều tín đồ.

Qua năm 805, một nhà sư Nhật tên Kôbô Daishi sang Tàu học đạo đem về xứ lập ra phái Shingon, và cất một cảnh chùa đồ sộ đặt tên là chùa Kôyasan. Chùa này thờ Adibouddha (Bố Di Sơ Phật) và chuyên dạy toàn là phù chú.

Mật tông dạy rằng Phật tánh, cái thật tướng tuyệt đối hay cái tinh hoa của sự vật chính là đức Maha Vairocana (Đại Nhựt Phật). Ngài là cái bản thể siêu hình, cái tâm linh của vũ trụ. Mối liên quan giữa Ngài và nhân loại, kết cấu do ba (2) điều bí mật về thân, về khẩu, về ý . Phát giác được ba điều bí mật này, thì đắc Niết-bàn, nghĩa là vào cảnh giới siêu hình (3) của Đại Nhựt Phật.

Đại Nhựt Phật là ngôi Toàn Tri, Hóa Công của càn khôn vạn vật. Tất cả chúng sinh: Trời, người, thú đều là biểu hiện của toàn năng và ý muốn của ngài (4), cho đến trong hột cát, trong nhỏ nước cũng có bản thể và sinh lực của ngài. Thân khẩu ý của ngài bao hàm cả vũ trụ và cả mỗi phần vi tế trong vũ trụ.

(2) Bí mật về ý của linh phù, về khẩu là chơn ngôn thần chú, về thân là pháp ấn.
(3) Phương pháp hợp hóa siêu hình này là thiền định theo Dù Dà.
(4) Đây là hình thức phổ biến của thầy Bà la môn.

Đại Nhựt Phật là thực thể, khi thực thể ấy biểu hiện, thì vạn vật sanh hóa. Người hành đạo phải tự biết mình là Phật và phải tự tôn mình như Phật. Muốn thực nghiệm phải tùy theo phương pháp ma thuật, phải có dùng linh phù, chơn ngôn thần chú và pháp ấn, thì hành giả mới siêu thoát sanh tử luân hồi gọi là con đường tu tắt về Niết-bàn.

Mật tông còn kêu là Kim Cang tông. Hai chữ Kim Cang có nhiều nghĩa: hột xoàng, sét (búa) của Trời Đế Thích hoặc của các vị thần, quyền trượng ngọc ấn của các thầy cầm tay trong khi hành lễ, phù hiệu của chơn không tuyệt đối. Kim Cang là một tông cao cả hơn các tông khác, bởi hành giả tiến đến mức cứu cánh mau lẹ. Tu theo hạnh Bồ tát còn phải trãi qua nhiều đời kiếp để thực hành lục độ, tu theo Kim Cang thành Phật trong nháy mắt. Không bắt buộc trau dồi hạnh kiểm, được phép uống rượu, được phép có vợ, miễn là, trong khi hành đạo, biết cố gắng mở mang trực giác chứng được chơn không thì đắc quả Phật chẳng sai. Dầu tin hay không tin có sự linh nghiệm huyền bí, trong lúc niệm phù bắt ấn phải làm cho đúng và phải tưởng rằng linh, thì có kết quả.

Một vị Đại sư Nhật, tên Tomika Kojun có viết trong quyển Kim Cang (Himitsu Hyakuwa) như vầy: Mật tông không buộc diệt bỏ những lầm lạc và tình dục, trái lại phải gìn giữ nó nguyên vẹn và luyện lọc cho nó tinh vi. Khi nước ngập đến chót nước bên này, tự nhiên nó tuôn chảy qua bên kia; tình dục cũng như thế ấy, khi nó phát triển đến cực điểm, nó hết còn là chướng ngại vật nữa. Nếu muốn tiến tới, phải biết chịu đựng với khổ và phải trãi qua bao nhiêu lầm lạc, khổ và lầm lạc là mẹ của sự thành công.

Ông Aryadeva (Đề Bà), đệ tử của ông Long Thọ cũng có nói rằng thau có thể trở thành vàng y, nếu biết sơn nó bằng một lớp sơn huyền bí, bực trí tuệ nên biết rằng tình dục là vật hỗ trợ của hạnh phúc. Tình dục làm say đắm người đời, nhưng chỉ có tình dục mới giải thoát cái đời. Vì đó mà điện trong chùa có thờ nhiều vị thần tình dục và có chưng những tranh ảnh về tình dục.

Kinh Pháp Hoa dạy rằng người phụ nữ không thể thành Phật được, trước phải tu và nguyện thành người nam rồi mới có thể thực hành chí nguyện. Nơi Tây phương Cực lạc cũng chẳng có phụ nữ, chính đó là lời nguyện của Phật Di Đà. Phật Thích Ca cũng cấm một cách nghiêm ngặt không cho các thầy tỳ khưu mơ tưởng gần gũi phụ nữ.

Bậc xuất gia trong Phật giáo nhất định phải giữ tròn trinh tiết. Cư sĩ mỗi tháng cũng có tám ngày xuất gia tạm, mà Mật tông lại xem sự giao cấu như một phương pháp huyền diệu để tiến vào cõi siêu hình. Người tu của tông này, khi rèn đúc tinh thần được cứng rắn, không để cho thú tánh làm chủ, có thể ăn ở với phụ nữ mà không phạm giới luật. Cho nên khi Phật giáo bị bứng gốc rồi, tại Népal các thầy tu ở chung với vợ trong chùa, tu sĩ ở Tây Tạng và Nhựt Bổn cũng đồng noi gương tốt đẹp ấy tới giờ.

Ông thầy dạy Mật tông được coi như Phật sống, tượng trưng của Tam bảo. Thờ Phật gỗ Phật đá đến ngàn năm muôn kiếp, cũng không giải thoát được, chỉ nhờ thầy mà thành Phật, nên phải kính trọng và cúng dưỡng ông. Có vật chi quý báu phải dâng cúng cho thầy: vàng ngọc, tượng voi, tôi tớ cho đến vợ đẹp, con xinh. Thầy thọ hưởng là chư Phật thọ hưởng, phước báu vô lượng. Thầy không dạy bùa chú, ấn pháp và huyền bí của đạo, không ai khám phá được bí mật siêu hình. Kinh sách toàn dạy những lời u uẩn, bùa chú kỳ quái, không thể đoán được.

Kinh Samyutta Nikaya dạy rằng: hành động của mỗi người bằng thân khẩu ý, là tài sản sự nghiệp của họ. Nó dính theo họ như bóng theo hình. Mật tông lợi dụng chỗ này, lập ra ba pháp huyền bí để hủy diệt cái nghiệp do thân khẩu ý tạo ra:

a) Miệng đọc chơn ngôn để cầu đồng hóa với Phật. Muốn hành Đại Nhựt Phật thì đọc: a-va-ra-ha-kha. A là đất; va là nước; ra là lửa; ha là gió; kha là hư không. Lục tự đại minh chơn ngôn trong kinh Phổ Môn (Pháp Hoa) cũng là một câu chú của Mật tông. Chúng ta thường đọc: Án ma ni bát mi hồng, không trúng giọng, nên đọc Ôm ma ni pad me hum. Câu này có nghĩa là cầu xin thông hóa với vị Nữ thần Manipadma (Ngọc trong Hoa Sen), chúng ta ám hiểu là Phật Bà Quan Âm. Chữ Om (a.u.m) theo Tây Tạng có nghĩa là Phật Pháp Tăng. Chữ “Hum” có quyền lực đánh đuổi tà ma.

b) Linh phù đặt trong một vòng tròn, có hoa sen, để làm đề mục gom thần định trí (về phần ý).

c) Tay thì bắt ấn cho thân chuyển động (về phần thân).

Còn rất nhiều ấn chú để trừ ma, ếm quỷ, trục thần, khiển tướng, Đại bi chú, Lư hương tán, Tịnh khẩu nghiệp, Tịnh tam nghiệp, Án thổ địa chơn ngôn trong kinh Kim Cang, đều là thần chú của Mật tông, do tác giả lượm lặt để vào. Những sự huyền diệu phi thường trong Pháp Hoa cũng do ảnh hưởng của Mật tông mà đặt ra.

Về phương pháp tu luyện theo Mật tông, nếu không có thần chỉ dạy, coi theo kinh sách làm càng ắt nguy hại tánh mạng, không điên khùng cũng thổ huyết ho lao. Tuy vậy trong nhóm tu Phật của chúng ta cũng có một ít người còn mê theo Mật tông, và cũng có người chết rất oan uổng. Hiện giờ cũng thấy một vài tu sĩ trẻ tuổi chuyên tu theo Mật tông. Mấy ngài đã chặt hết đôi ba ngón tay cúng dường cho Phật, mà dường như cũng chưa liễu phù siêu chú, không khéo có ngày các ngài chặt luôn cả cánh tay như thầy Huệ Khả. Các ngài in bùa chú phát cùng chùa, bảo cho người ta coi, hoặc dán trên vách mỗi ngày ra vô dòm xem được phước vô lượng vô biên. Ai có tiền cho mấy ổng làm việc lỗi thời, đã không có phước, lại còn un đúc mấy ổng tự làm cho có tật nguyền, thêm nặng gánh cho xã hội phải nuôi báo cô trọn đời.

Thiền tông

Đầu thế kỷ thứ VI, kỷ nguyên này, ông Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) sanh trưởng tại Dékan, học trò của ông Prajñatara, một vị trưởng lão Đại thừa Tân Tiến, lập ra tại Trung Hoa một đạo mới gọi là Thiền tông. Trước kia ông ở Ấn Độ đến năm 520, vì có gây ra một việc bất hòa giữa Tăng chúng, có chỗ nói ông xích mích với nhà vua và sợ tai hại xảy đến, nên ông trốn qua Tàu, nhầm trào vua Lương Võ Đế. Không được vua này nạp dung, ông sang lên miền Bắc mở đạo. Ông tịch tại Hồ Nam trong năm 529, mật truyền giáo pháp lại cho một đồ đệ Trung Hoa là thầy Huệ Khả. Từ đó, Thiền tông được lưu truyền xuống cho các Tăng Xán, Đạo Tín, Hoàng Nhẫn, Huệ Năng. Khi Lục tổ Huệ Năng qua đời (703) phái Thiền tông chia ra nhiều phe, lần lần suy đồi.

Giáo lý của Thiền tông căn cứ vào một nguyên tắc với chơn Ngôn tông: tâm tức Phật, Phật tức tâm, ngoài tâm không Phật. Tưởng Phật trong tâm là có Phật, tìm Phật ngoài tâm là ảo mộng, phải phản chiếu hồi quang, mới gặp Phật. Đại cương giáo lý Thiền tông chỉ có bấy nhiêu, chính là lời của ông Đạt Ma giảng cho vua Lương Võ Đế nghe.

Tư cách của ông Bồ Đề Đạt Ma đối với Phật Tổ Gotama rất lạ kỳ. Nhà sư này xóa bỏ giáo lý cổ truyền, muốn riêng một mình ông tự tìm giáo lý ấy thôi, nên ông có nói rằng: Đạo quả của Phật Gotama là đạo quả cá nhơn, ai đạo lại không được. Vả lại tiếng Buddha (Phật) chỉ là một danh từ Ấn Độ chẳng phải tên của một người, nó có nghĩa là Toàn giác, mà ai ai cũng có thể chứng được. Ta đây đương thực hành thiền định để chứng đạo quả ấy. Thế thì cần chi phải theo đạo pháp cổ truyền, thánh giáo chẳng lợi ích chi, bởi đó là tượng trưng của một cái Toàn giác đã chết mất rồi, là di tích của một pháp thiền định đã cứng sẵn như đá rồi: Ta cần phải thay thế bằng một pháp thiền định kim thời, một cái Toàn giác cá nhân mới khác.

Phật Gotama xưa kia, nhờ đêm thanh vắng, ngồi trầm tư mặc tưởng dưới cội Bồ đề mà thành đạo quả, bây giờ ai muốn chứng đạo quả Toàn giác, cứ lặng xét tự tìm lấy trong tâm. Lặng xét thế nào, cũng không thấy Thiền tông chỉ dạy một phương pháp nhứt định, gọi là đạo pháp mới, cứ để mạnh ai nấy tự tìm theo sáng kiến riêng của mình vậy thôi. Ông Đạt Ma nói: Không có cách nào dạy làm Phật, bởi chẳng ai cho ai cái bản thể thần bí được, mỗi người mỗi tự tìm lấy thôi. Người nào ngộ được thì đối với họ không Thiên đàng, không địa ngục, không bỉ thử, không có chi ở ngoài tâm cả. Nhưng muốn thâu đoạt được cái huyền vi ấy, phải có đức tin, một đức tin trọn vẹn, không còn một bợn hoài nghi. Bởi thế nên tụng kinh, khổ hạnh và học hành chẳng bổ ích chi cả. Cảm hứng trong cảnh thần bí là đủ rồi, và cũng trong lúc cảm hứng mà ông Bồ Đề Đạt Ma thuyết pháp cho vua Lương Võ Đế nghe: tâm ơi! Khi lớn ngươi bao gồm cả vũ trụ, lúc nhỏ mũi kim không qua lọt ngươi. Tâm ơi! Phật ơi! Bởi ngươi mà ta đến đây (Tàu) lập giáo truyền đạo.
Tôn chỉ của Thiền tông rất giản dị, phải có một đức tin trọn vẹn, không còn một mảy hoài nghi, chẳng cần thờ cúng, bố thí, trì giới, xem kinh, nghe pháp. Nói cho ngay ra thì không cần trau dồi hạnh kiểm đạo đức. Về Thiền định thì tùy nơi hành giả tự tìm Phật trong tâm. Trước mặt vua Lương Võ Đế, Tổ sư Đạt Ma đã tỏ ra là một người không định tĩnh tinh thần:

‒ Từ khi tức vị đến nay, trẫm đã lập ra rất nhiều cảnh chùa và ấn tống vô số kinh sách, chẳng hay công đức ấy sẽ đem kết quả chi trong kiếp vị lai?

‒ Tâu bệ hạ, chẳng có kết quả chi hết. Đời người như bóng tối, công đức của bệ hạ chẳng khác nào như cái bóng tối của một bóng tối.

‒ Vậy thì trẫm phải làm điều chi đáng gọi là cao quý?

‒ Chẳng có chi là cao quý. Điều chi cũng rỗng không cả thảy.

‒ Vậy chớ Thiền sư sống cách nào?

‒ Bần tăng sống trong giấc mộng, và ráng sức cho đừng nằm mộng nữa và muốn cho chung quanh bần tăng được yên lặng như Niết-bàn.

‒ Vậy Thiền sư là người gì?

‒ Bần tăng cũng chẳng biết bần tăng là người gì.

Đây là câu chuyện gặp gỡ đầu tiên giữa ông Đạt Ma và vua Lương Võ Đế. Từ Ấn Độ mới bước chơn lên kinh thành Nam Kinh, với mục đích khai đạo lập giáo, trên lãnh thổ Trung Hoa, được một vị đế vương tiếp rước trọng hậu, mà vua ấy lại là một tín đồ rất nhiệt thành với Phật pháp, ông Đạt Ma không biết thừa cơ hội duy nhất, để cảm hóa vị chúa tể Trung Quốc, lại chọc cho ông này nổi trận lôi đình, cho quân hầu đánh gãy răng, đuổi ra khỏi xứ. Người ta nói ông Đạt Ma là Phật sống, có đủ thần thông phép lạ, biết quá khứ, vị lai, nhưng ông lại không biết tâm lý của vua Lương Võ Đế, nên ông thử lòng vua để học một bài học đích đáng. Ông chưa có tha tâm thông, nên lên miền Bắc, ông cũng phải thử lòng người để tìm kẻ có duyên với ông hầu truyền tâm pháp. Đi đến đâu cũng bị bạc đi đánh đập. Ông từ bi nhẫn nại, cố tìm cho ra người kế nghiệp. Từ khi truyền đạo được cho thầy Huệ Khả rồi, ông xoay mặt vô vách, cố tìm đạo quả Niết-bàn, không biết ông tìm ra chưa, rồi kế ông qua đời.

Thầy Huệ Khả, trong lúc hành thiền, cảm hứng thế nào mà sanh ra cuồng tâm, tự lấy dao chặt đứt hết một cánh tay. Để tránh tiếng, người ta nói Tổ sư Đạt Ma thử lòng thầy, thầy muốn tỏ lại cho Tổ biết dạ nhiệt thành của thầy, nên thầy phải hy sinh một cánh tay cúng dường cho Phật. Hy sinh này, đi tới đâu cũng nghe người người ca tụng, cho nên mới có mấy vị tu sĩ thanh niên, noi gương chặt một vài ngón tay, để cầu đạo.

Thiền tông ở Ấn Độ và Tàu là một đạo không mấy thích hợp với người tu Phật, bởi người ta sợ bị tán thất tinh thần. Khi truyền bá qua Nhựt Bổn nó trở thành một học phái hoạt bát phi thường.

Năm 729, thầy Dôsen (Đạo Tuyên) khai đạo Thiền tông ở Nhật, nhưng không được thạnh đạt. Qua năm 1168, thầy Eisai (Huệ Khai ?) sang Tàu khảo cứu đem về sáng lập đạo Zen. Đến năm 1225, đoàn thể Zen, được thầy Dôgen (Đạo Lẫm) chỉnh đốn và sửa đạo hiệu lại là Sôtô. Không còn là một thần bí giáo, học phái Sôtô chuyên lo đào tạo phẩm hạnh con người, bằng cách trau dồi đức tánh tối cao và tự chủ.

Lý tưởng của đoàn thể Sôtô vượt khỏi các điều lành dữ, tội phước, để khắc chế những vận mạng tốt xấu. Bạo hành, can đảm và thản nhiên trước mọi hoàn cảnh. Tâm hồn nào được đào luyện cứng rắn và giác ngộ rồi thì nó sẽ đồng nhất với càn khôn vạn vật. Nó chẳng còn bối rối trước sự thắng bại, sống chết, dõng mãnh trước những tai ách, họa hoạn, cứng cõi trước các hy vọng và cám dỗ. Người trong đạo Sôtô sánh đời họ như một núi đá giữa biển, không lay chuyển trước các phong ba bảo tố. Họ chẳng chịu ngồi im một chỗ, thích quay cuồng trong chốn hồng trần, để đương đầu với cảnh huống khó khăn với một tinh thần bình tĩnh, nhứt quyết, dũng cảm, khí khái. Các bực anh hùng võ sĩ đều dùng giáo pháp Sôtô để làm quyển kinh nhật tụng của họ. Khí phách của người Nhật được hùng dũng là nhờ nơi đạo Sôtô vậy.

Ngoài học phái Sôtô còn một đoàn thể khác gọi là Hokke do ông Nichiren (Nhựt Liên) lập ra trong thời kỳ 1222-1282, người Nhật coi ông này như ông thánh. Hai phen ông đứng ra chỉ trích Giáo hội tu sĩ do chánh phủ nhìn nhận; hai phen ông bị tù đày và đến năm 1271, cũng vì nhục mạ Giáo hội nói trên, ông bị án tử hình. Khi đem ông ra pháp trường, giám sát vừa sắp khai đao, trời bỗng nhiên u ám, sấm sét nổ vang, làm cho giám sát kinh sợ buông đao. Nhờ vậy ông được ân xá, trở về hăng hái tiếp tục thực hành nhiệm vụ sứ đồ của ông. Ông có viết một tập vần thư, đầy biện chứng châm chích thành kiến, tập tục trong thời kỳ ấy và giục lòng thiên hạ theo về với tôn chỉ của ông. Nhờ dĩ vãng của ông mà nhiều người phục tùng và cảm mộ.

Giáo lý của ông thuộc loại phiếm thần, thiên về Thiên Thai và Mật tông. Theo Tổ sư Nhựt Kiên, Phật là bản thể của vũ trụ, là tâm hồn của vạn vật. Phật quá khứ, hiện tại, vị lai vẫn có một. Toàn thể vũ trụ là thân của Phật; hồn của con người là hồn của Phật; tâm của con người là tâm của Phật, bởi thế nên ai ai cũng có thể thành Phật. Người nào được Phật khai ngộ, thì sống một cách tương thân tương ái với đồng loại vì đức tánh của Phật là đức tánh cố hữu của trời người, súc sanh ngạ quỷ.

Chủ nghĩa của ngài Nhựt Liên là chủ nghĩa bình dân, đạo đức. Chính ngài cũng không tĩnh tọa tham thiền như các nhà sư, suốt đời ngài vẫn tranh luận với các nhà quyền thế, để binh vực quyền lợi dân chúng, nên được nhiều người kính mến.

Tóm tắt, đạo của Tổ sư Nhựt Liên không còn tánh cách thoát ly thế tục như giáo pháp của Phật Gotama, mà nó là một chủ nghĩa Hoạt động của người hoạt động, cũng như đạo Zen, đạo Sôtô, là một giáo khoa riêng biệt cho người Nhựt Bổn tu bồi khí phách anh dũng vậy thôi.

Ông biết lợi dụng triết học Tân Tiến để huấn luyện tinh thần chủng tộc. Ông đã làm lợi ích cho quê hương xứ sở về phương diện thế gian. Thà làm như ông, hơn là lợi dụng áo cà sa hoặc danh từ Phật giáo để xã hội nuôi dưỡng cho phì da ấm cật, cùng xây dựng thế lực cá nhơn, trên hậu thuẫn là kẻ cuồng tín.

Tịnh Độ tông hay là Chơn tông hay là Tịnh Thổ chơn tông

Tịnh Độ tông là một đạo hoàn toàn mới lạ, không giống với Đại thừa Tân Tiến, cũng như Đại thừa Tân Tiến không giống với Phật giáo Nguyên Thủy. Đại thừa Tân Tiến không giống với Phật giáo Nguyên Thủy thế nào, chúng ta đã biết rồi. Bây giờ thử hỏi Tịnh Độ tông khác hẳn và đối chọi với Đại thừa Tân Tiến chỗ nào? Bởi một đằng thờ Phật A Di Đà như một vị thần độ mạng, đằng khác lấy Phật tánh làm ngôi tuyệt đối vô ngã.

Tông nào cũng có ông Tổ sư sáng lập, riêng về Tịnh Độ tông không thấy kinh sách nào ghi chép ai là người đề xướng tôn thờ Phật A Di Đà. Các tác giả quyển Pháp Bửu Nghĩa Lâm đã tìm trong 200 bộ bí giáo Tịnh Độ, và trong 180 quyển kinh, 20 quyển luận của Phật giáo Đại thừa, từ quyển Hoa Nghiêm, Niết-bàn, Pháp Hoa v.v… chẳng thấy ai là ông giáo tổ.

Trong Tam tạng Pāḷī của Phật giáo Nguyên Thủy cũng chẳng thấy chỗ nào đề cập đến Phật A Di Đà, nên giới Bảo thủ không quan tâm đến vị Phật ấy.

Các nhà sư Tàu và Nhựt viết rất nhiều sử tích của Phật A Di Đà, mà chẳng có tích nào giống nhau, và chẳng biết họ căn cứ vào đâu. Có thật ra đây cũng không thấy bổ ích, vì không có bằng chứng để làm tin, lại còn gieo thêm cái hoang mang vào trí óc người nhẹ tánh.

Xưa nay ai có từng xem tích nào, cứ gìn giữ tích ấy cho vững lòng, và nhất là ghi nhớ 48 lời thề nguyện của Phật A Di Đà, làm kim chỉ nam để tiến đến Cực Lạc Quốc độ. Tuy không đề cập đến sự sanh trưởng của Phật A Di Đà, đã khuất lấp trong đêm tối của thời gian tối cổ, thiết tưởng cũng nên cho biết quan niệm của một vài tác giả về Phật A Di Đà theo phương diện siêu hình. Có người nói rằng Phật A Di Đà là Thiền Na của Phật Thích Ca, nghĩa là người dắt dẫn ông Thích Ca xuống trần làm người Phật. Một tác giả Nhật cho rằng Phật A Di Đà mượn thân ông Thích Ca để giáng phàm độ thế. Chỗ khác nói rằng chính Phật Thích Ca đã mách bảo cho tín đồ biết Phật A Di Đà tại Tây phương và khuyên họ nên tu theo pháp môn Tịnh Độ cho dễ thành Phật, hơn là theo giáo pháp khô khan cạn cợt của Ngài. Ai muốn biết từ đâu Tịnh Độ tông xuất phát, Pháp Bửu Nghĩa Lâm khuyên đừng tìm trong xứ Ấn Độ, mà nên theo dõi sự phát triển của Phật giáo Tân Tiến nơi các xứ ngoài.

Vị sứ đồ đầu tiên đem kinh Di Đà truyền bá tại Trung Quốc, trong năm 147, kỷ nguyên này, là một ông hoàng Ý Lăn (Iran), tên Ngan-Che-Kao, sanh trưởng tại Kushan.

Qua thế kỷ thứ V, ông Cưu Ma La Thập, nhân dịp đi truyền bá Tam Luận tông tại Trung Hoa có giảng kinh Di Đà và cho biết rằng Phật A Di Đà là một đấng hộ mạng tối cao của mọi người. Ông Cưu Ma La Thập, như đã có nói rồi, là con của một vị công chúa tại Koutcha, thuộc xứ Ý Lăn. Do hai nguồn gốc này, mà Tịnh Độ tông được nảy nở trước nhứt tại Trung Hoa, nên các nhà khảo cứu Phật giáo, không còn nghi ngại gì mà không cho rằng đạo A Di Đà phát sanh tại Ý Lăn. Người xứ này nửa Ấn Độ, nửa Ý Lăn, nửa tu theo Phật giáo, nửa tu theo đạo Mazdeisme (Thiện Ác nhị nguyên). Chúng ta sẽ có dịp nói đến đạo này.

Bắt đầu từ năm 252, kỷ nguyên này, kinh Da Đà được ông Sanghavarman (Khương Tăng Khải?) phiên dịch ra chữ Hán. Ông Cưu Ma La Thập, khi qua Tàu, cũng có dịch cuốn A Di Đà kinh ra chữ Hán. Đến năm 424, tới phiên ông Kalayassas (Cương Lương Da Xá) dịch cuốn Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh ra chữ Hán. Đến thế kỷ thứ VI, có ông sứ đồ khác tên Bodhisri sang Hồ Nam truyền bá đạo A Di Đà, thâu được một người đồ đệ tên Tan Loan, là một tu sĩ danh tiếng tu theo đạo Lão. Ông này truyền giáo lại cho nhiều đệ tử, tới ông Chan-tao được vua Đường Cao Tông ủng hộ. Từ đó đạo Di Đà được thành lập chánh thức tại Trung Hoa (thế kỷ thứ VII), với hai quyển kinh chánh là Vô Lượng Thọ kinh và Đại A Di Đà kinh. Qua thế kỷ thứ IX và X, đạo A Di Đà truyền bá qua Nhựt được thạnh vượng mau chóng nhờ hai ông Ganshin và Ryônin. Đến thế kỷ thứ XII, một nhà sư danh tiếng tên Hônen (Pháp Nhiên) truyền bá Tịnh Độ tông được đông người tìm xin quy y thọ giáo, và tôn ông là một vị thánh. Đạo hiệu của ông là Jôđô (Tịnh Thổ) hay là Shin (Chơn tông). Thánh Pháp Nhiên truyền rằng các pháp hành không còn áp dụng được, vì thời kỳ đã xa Phật, đời mạt pháp không còn ai hiểu thấu đạo Phật, chỉ tỏ lòng tin Phật là đủ rồi.

Đệ tử kế thừa của ông Pháp Nhiên là ông Fujiwara Shinran (Chơn Loan 1173-1262). Ông này sửa đạo hiệu lại là Jôdô Shinshu (Tịnh Thổ chơn tông). Tuy ông là thầy tu, nhưng ông vẫn có vợ con như người thế; ông dạy cứ tin tưởng nơi Phật A Di Đà là đủ, khỏi phải cắt ái ly gia cũng không cần kiêng cử trong sự ăn uống. Theo ông chơn Loan, đạo đức và hạnh kiểm không bằng đức tin. Đức tin không do nơi sự tinh tấn mà ra, chỉ nhờ sự gia hộ của Phật A Di Đà mới có.

Việc lành điều phải phát sanh từ trong tinh hoa của con người, là cái bản chất phát biểu ra ngoài; còn điều ác là sắc tướng bề ngoài, chẳng khác nào cái bọc tạm, mà mình có thể bỏ bằng cách không nhân nhạn trong thâm tâm rằng: “Chẳng phải ta là người đã làm các điều ác ấy”. Không có điều ác nào làm cho nhơ đục cái bản thể, vì bản thể là trọn lành, là tinh vi và không thể làm điều tội lỗi. Cái tinh hoa của chúng sanh là tinh hoa của vũ trụ, của chư Phật, chư Bồ tát, của Phật A Di Đà và Phật Quan Âm. Hai vị Phật này vẫn là một (5) thường xem chúng sanh như bản thể của ngài, và đem lòng từ bi thương xót khi thấy họ bị vô minh che ám mà làm những điều tội lỗi. Một khi biết tự hối thì tội lỗi, là cái học bên ngoài, đã tiêu ma.

(5) Nhiều cổ tượng Quan Âm có hình Di Đà trên trán.

Hai yếu luận: lành và dữ nói trên chỉ rằng đạo Di Đà phát sanh từ trong chủ nghĩa của đạo Mazdéisme, gọi là Thiện Ác nhị nguyên giáo. Đạo này nhìn nhận hai nguyên lý: lành (ormazd) và dữ (ahriman). Nguyên lý lành tạo tác và cai quản càn khôn vũ trụ; có sáu vị thần cao cấp (amshaspands) và sáu vị thần hạ cấp (yazatas) chuyên lo về việc lành trong thế gian. Nguyên lý dữ cũng có sáu hung thần cao cấp và sáu hung thần hạ cấp phụ giúp để phá hoại nguyên lý lành. Rốt cuộc cái lành thắng cái dữ.

Đối chiếu hai giáo thuyết lành dữ nói trên của đạo Di Đà và đạo Mazdéisma người ta tự hỏi hai đạo này có liên quan nhau như Tân Tiến và Bà-la-môn giáo không? Theo lời của Tổ sư Pháp Nhiên, đạo giáo của Phật Gotama khó thực hành, và khó hiểu. Có lẽ vì đó mà người ta dùng phương tiện thỉnh một vị Phật, từ bên kia mười muôn triệu sa bà thế giới (6) về ngự tại Tây phương, chờ tiếp dẫn tín đồ ra ngoài vòng thống trị cả Ma vương, hưởng mọi hạnh phúc khoái lạc, chờ ngày trực chỉ về Niết-bàn.

(6) Ngoài phạm vi của Phật Thích Ca, rộng lớn không thể nghĩ ngợi được.

Thật chẳng có vị Phật nào gần gũi với tín đồ hơn Phật A Di Đà. Chẳng có chi làm cho con người hoan hỷ, khoan khoái, bằng sự phó thác tâm hồn cho Phật A Di Đà, là đấng từ bi vô lượng. Niệm danh hiệu của ngài, chỉ niệm một lần cũng đủ cho ngài cứu độ. Vừa tỏ lòng ăn năn cải hóa và thành thật sám hối thì bao nhiêu tội lỗi cũng tiêu. Nhứt là tin tưởng và nguyện cầu siêu thăng về Cực Lạc Quốc độ, thì chắc chắn, trong giờ lâm chung có Phật A Di Đà đến rước về Tây phương Tịnh thổ, y theo lời thệ nguyện của ngài. Phương tiện dụ dỗ này thật là thiện xảo, nhưng nó vẫn là một phương tiện. Khi tín đồ mê thích, vui thú với đạo rồi, ít ra cũng cho họ biết đây là giả cảnh (7) và dạy họ xoay về Niết-bàn tuyệt đối của Phật Gotama mới phải cho. Có lẽ người đề xướng cái phương tiện này cũng tính như thế, nhưng giữa chừng người ấy đã chết mất, thành ra phương tiện kia trở thành một đạo thần giáo thật thụ, rất lạc quan, với một đấng cứu thế, một cảnh giới cực kỳ vui thú, chứa đầy những người có đức tin trọn vẹn nơi Phật A Di Đà. Thế thì muốn cho được lòng người, cho vừa yêu sách của kẻ phàm tục, chỉ có cách xóa bỏ luật nhân quả và hiểu rằng gặt hái không còn là trồng tỉa nữa, mà chỉ là tin tưởng, cầu khẩn và van lạy thôi.

(7) Có người hỏi tại sao Tây phương là cảnh Phật mà còn có nhà cửa, có ăn mặc? Có câu trả lời rằng đó là giả cảnh. Phật tại tâm là rất phải tìm Phật tại Tây phương.

Đức tin trong sự ăn chay, đức tin trong sự tụng kinh, đức tin trong sự niệm Phật thật là quý báu vô cùng. Nhưng thiếu chánh kiến, chánh tư duy, nên nhiều người lấy cái ăn làm thuốc rửa lòng, lấy sự tụng kinh làm phép chuộc tội, lấy sự niệm Phật làm đường về Tây phương. Lê hoát là vật chất, không thể sửa trị tinh thần được, như đã có nói rồi. Kinh là lời của Phật dạy, không chịu xem cho hiểu nghĩa lý để thực hành theo, cứ tụng suốt đời cho Phật nghe, nghĩa có tội nghiệp cho cái dốt của mình không? Đêm nào cũng niệm Phật lần chuỗi, mà không thấy minh tâm kiến tánh, cũng không ai chịu tìm một lối niệm khác để đăng cảnh Phật.

Đức tin có hai thứ: chánh tín và mê tín. Trong Bát chánh đạo, Phật để chánh kiến, chánh tư duy trước nhứt, chỉ là đạo của Ngài là đạo trí tuệ. Muốn học làm Phật phải dùng trí tuệ suy xét mới phân biệt chánh tà, mới thấu lý cao siêu. Tu mà không gia công tầm đạo học pháp, cũng không trì chí thực nghiệm pháp hành, mà ai ai cũng muốn thành đạo chứng quả, trách sao cho khỏi nhóm tà sư thừa cơ lợi dụng tâm lý mình ngồi không thọ của cúng dường và bày những trò mê hoặc. Cho đến các bậc tu hành chơn chánh cũng vẫn vui chịu cho thần linh chi phối, không thấy các ngài vượt khỏi tập tục để tìm đạo pháp tận cửa chơn lý.

Trong kinh Anguttara Nikāya có một đoạn Phật ngôn như vầy: “Này các thầy Kalāmas, các thầy chớ nên lầm lạc nghe theo những điều thu thập, những lời truyền thống, những tiếng phong văn. Các thầy chẳng nên lầm lạc theo những sưu tập lưu truyền, hoặc những lý sự suy đoán, hoặc sau khi quan sát lý do, hoặc sau khi suy gẫm một kiến giải ngôn luận nào và thừa nhận nó hạp với trào lưu, hoặc bởi kiến giải ấy do thầy tổ các ngươi đưa ra. Khi nào các ngươi tự biết rằng các điều ấy không tốt, hoặc sai lầm, hoặc không được bậc trí tuệ ngợi khen, và chắc chắn rằng khi các điều ấy được đem ra thực hành, truyền bá, nó sẽ đem lại thất bại và khổ não, các thầy nên xua rảy nó ra”.

Những lời kim ngôn cao thượng của đấng Chí tôn thốt ra với tấm lòng từ bi, mong cho môn đệ hậu lai của Ngài tạc dạ ghi nhớ, để tránh những lầm lạc theo cổ tục tập quán, theo kinh điển lưu truyền, theo lời thầy tổ. Bởi Ngài biết trong thời đại nào cũng có mê tín dị đoan, và ngoài bậc Chánh đẳng Chánh giác không có ông giáo tổ nào (8) đưa người đến cửa chơn lý. Trong muôn việc đức Thế Tôn khuyên chẳng nên bỏ vội, cũng chẳng nên tin vội, và nên dùng trí tuệ suy xét cho chu đáo; nếu đúng với lẽ phải thì nên theo, bằng trái với lý trí thì bỏ ra, dầu là việc ấy được phần đông công nhận, hoặc thích hợp với trào lưu xã hội.

(8) Nên biết rằng trong mười muôn triệu sa ba thế giới chỉ có một bậc Chánh đẳng Chánh giác ra đời.

Ai lại không tìm sự thật, ai lại không dùng trí tuệ để tìm sự thật. Nhưng bao giờ trí tuệ bị chút tự ái, chút thiên vị cùng quyền lợi che án, thì sự thật không còn là sự thật; Bởi nó có phải mà cũng có quấy: Phải theo cái óc chấp nê, quấy với cái trí bình đẳng.

Bồ tát Sĩ Đạt Ta phải luôn luôn tinh tấn tu hành trên bốn A tăng kỳ kiếp mới thành Phật được, nghĩa là quả vị Phật không phải dễ mua chuộc, nhưng vẫn có người thiện trí thức tin rằng trọn đời tu niệm qua loa, đến phút lâm chung cũng thành Phật được.

Kinh sách đã ghi chép như thế ấy, thầy tổ đã dạy như thế ấy, phần đông tin như thế ấy, lý trí cũng phải thừa nhận như thế ấy. Cho nên chơn lý không còn là lẽ phải nữa, mà nó là đức tin.

Trích: Chọn Đường Tu Phật (Trùng Quang Cư Sĩ)

Hits: 64

Trả lời