Suốt cuộc đời hoằng hóa độ sinh Bồ tát chỉ hành trì một câu nhưng vô lượng chúng sinh được lợi lạc không thể nghĩ bàn: “Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài sẽ thành Phật”. Còn chúng ta thì sao? Từ sáng sớm cho đến chiều tối, hễ gặp nghịch duyên là ta nổi nóng, thậm chí giận cá chém thớt, chuyện không đâu lại trút đổ lên người. Đây là thói quen thâm căn cố đế của nhiều người vì không biết tu tập từ-bi-hỷ-xả để biết kính trên nhường dưới mà yêu thương, nâng đỡ cho nhau.
Phật pháp cũng giống như cái cây có ba phần: Gốc cây, thân cây và phần ngọn gồm nhiều cành lá, hoa trái. Phần gốc là phần cốt tuỷ của Phật pháp, phần thân cây lá là phương tiện độ sinh hay còn gọi là tuỳ bệnh cho thuốc. Cái cây muốn sống và tồn tại thì phải có gốc, nhưng nếu chỉ có gốc mà không có thân, cành lá thì cây ấy coi như hết sức sống. Thân và cành lá sum suê, tươi tốt sẽ giúp con người nghỉ ngơi thoải mái giữa buổi trưa hè nóng bức.
Chúng ta tu theo đạo Phật là để thành Phật mà cứu độ chúng sinh, nhưng muốn thành Phật thì phải đi con đường Bồ tát đạo dấn thân vào đời tuỳ duyên giáo hoá. Ta muốn thành Phật thì phải phước huệ song tu, có lòng tin sâu sắc với Tam bảo, tin sâu nhân quả và tin chính mình là Phật nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, giữ gìn giới pháp trọn vẹn, tham thiền nhập định, mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn và tu hạnh kham nhẫn.
Muốn chuyển hóa sân giận và đạt được kết quả như ý thì trước tiên chúng ta phải quán sát rõ ràng, phải thấy tất cả người nam là cha ta và tất cả người nữ là mẹ ta. Ta sống được là nhờ cha mẹ mỗi đời đã sinh ra ta và không quản ngại công lao nuôi dưỡng. Công ơn mang nặng đẻ đau, công lao làm lụng nhọc nhằn, vất vả nuôi ta khôn lớn không ngôn từ nào kể xiết.
Nếu ta thường xuyên quán chiếu như vậy thì sẽ thấy rõ chúng sinh trong sáu đường luân hồi đều là cha mẹ của ta. Khi thấu hiểu công ơn cha mẹ ta sẽ bớt si mê, nóng giận rất nhiều. Nhờ vậy, ta và người luôn sống với nhau bằng trái tim yêu thương, biết kính trên nhường dưới, sống vui vẻ, thuận thảo với mọi người.
Chúng sinh luân hồi trong ba cõi, sáu đường do nghiệp duyên chi phối nên đã từng làm cha mẹ, anh em, người thân với nhau. Chính vì thế ta phải biết sống yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bởi tất cả đều là những người có ân nghĩa với mình. Nhờ quán sát tất cả chúng sinh là cha mẹ nhiều đời nên ta dễ dàng thông cảm mà từng bước tìm cách chuyển hóa tâm sân giận, oán ghét, thù hằn thành vô lượng tình yêu thương chân thật.
Đức Phật đã từng nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh như nhau, nếu ai làm đúng theo lời Ngài thì sẽ thành Phật trong tương lai. Nhận thức rõ điều này nên chúng ta thường xuyên quán sát chúng sinh là chư Phật vị lai, ta thấy ai cũng là Phật thì làm gì còn sinh tâm nóng giận mà thù hằn, ghét bỏ.
Một vị Bồ tát tên là Thường Bất Khinh đã tu hạnh khai mở Phật tính sáng suốt cho mọi người nên lúc nào cũng kính trên nhường dưới, Ngài một bề sống khiêm hạ thấp mình, không bao giờ nóng giận hay phiền muộn một ai. Khi làm việc lợi ích cho chúng sinh dù bị mắng chửi, đánh đập Ngài vẫn vui cười, không bao giờ buồn khổ hay oán hờn, trách móc mà còn trải lòng từ bi thương xót hết tất cả mọi người.
Suốt cuộc đời hoằng hóa độ sinh Bồ tát chỉ hành trì một câu nhưng vô lượng chúng sinh được lợi lạc không thể nghĩ bàn: “Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài sẽ thành Phật”. Còn chúng ta thì sao? Từ sáng sớm cho đến chiều tối, hễ gặp nghịch duyên là ta nổi nóng, thậm chí giận cá chém thớt, chuyện không đâu lại trút đổ lên người. Đây là thói quen thâm căn cố đế của nhiều người vì không biết tu tập từ-bi-hỷ-xả để biết kính trên nhường dưới mà yêu thương, nâng đỡ cho nhau.
Còn một pháp quán nữa ta có thể hành trì là quán tình thương, nhìn thấy ai ta cũng nghĩ là người thương của mình nên đã thương thì không giận, mà đã giận thì không thương. Tình thương này không phải tình thương vị kỷ mà là tình thương không phân biệt màu da, dòng máu, chủng tộc. Nếu ai đã từng có con chung và con riêng với nhau thì sẽ biết rõ tình thương yêu đó có ích kỷ hay không? Vì lúc nào ta cũng thấy con mình hơn nên đôi khi phân biệt đối xử mà làm mích lòng nhau. Pháp quán tình thương sẽ giúp ta mở rộng tấm lòng từ bi thương xót bình đẳng mà biết cảm thông và yêu thương nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Cách thức chuyển hóa cơn giận mỗi khi có điều gì đó làm ta bực tức thì mình chỉ cần nói thầm trong miệng giận là ngu, không giận là khôn, cứ như thế ta lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây cũng là một phương pháp các Thiền sinh thường dùng để chế ngự cơn giận khi mới vào chùa mỗi khi gặp chuyện bất bình. Cách này tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả, nhất là đối với người có bản tính nóng nảy, hay để cơn giận lấn át lấy mình. Khi đối diện với lỗi lầm hoặc sai sót của người khác ta có khuynh hướng hay chỉ trích, giận dữ rồi làm lớn chuyện ra; khi bình tĩnh lại mới thấy ăn năn, hối tiếc nhưng đã quá muộn màng.
Do đó, muốn chuyển hóa cơn nóng giận chúng tôi khuyên các bạn hãy thực hành phương pháp dùng trí tuệ soi sáng bằng cách nói giận là ngu, không giận là khôn để kiềm chế lại phản ứng của mình trong các tình huống xấu. Chúng ta có thể kết hợp với phương pháp quán tình thương để tâm từ phát khởi, nhờ vậy dễ dàng làm lắng dịu cơn giận.
Mỗi khi cảm thấy cơn giận có nguy cơ bùng nổ các bạn hãy hít một hơi thật sâu và đồng thời nói thầm trong miệng “ai cũng có tính biết thanh tịnh sáng suốt”. Các bạn nhắc đi nhắc lại nhiều lần như thế rồi thở ra từ từ để cơ thể hoàn toàn thư giãn. Đây chính là một hình thức Thiền đơn giản giúp đầu óc thoải mái và ngăn chặn bớt những cơn kích động mạnh dễ làm ta nóng giận.
Hít thở sâu chính là bí quyết giúp ta bình tĩnh, sáng suốt để thấy biết rõ trạng thái, cảm xúc bên trong. Việc kiểm soát cơ thể sẽ giúp đẩy lùi những cơn giận không như ý. Trên thực tế, các Thiền sinh khi thực hành những bài tập này phổi sẽ tiếp nhận một khối lượng lớn dưỡng khí rồi nhanh chóng lan tỏa khắp cơ thể. Thời gian tĩnh lặng giữa lúc bạn đang tức giận cho đến lúc bạn hoàn thành bài tập sẽ giúp bạn lấy lại bình tĩnh, nhờ vậy tâm tư lắng dịu nên biết cách chuyển hóa và dừng hẳn cơn giận.
Mỗi khi thấy mình căng thẳng và sắp nổi nóng bạn hãy thử thực hành bài tập này xem. Với chúng tôi đây là bài tập có thể thực hành hằng ngày vì nó đem lại cảm giác an bình, thư thái, đồng thời giúp tôi lấy lại trạng thái cân bằng để có cái nhìn toàn diện mà đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống.
Nóng giận là một tập khí thâm căn cố đế thuộc căn bản phiền não lâu đời, có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp. Chúng ta có mặt trên cuộc đời và trôi lăn trong sinh tử cũng bởi ba thứ tham-sân-si là nguyên nhân khiến mình lẩn quẩn trong ba cõi sáu đường. Tập khí nóng giận hầu như ai cũng có, kể cả các bậc hiền Thánh. Vì thế, khi gặp những điều không được hài lòng, như ý ta thường nổi nóng, giận dữ như ngọn lửa cháy phừng bốc lên cao ngọn. Dù ta cố gắng điều phục cơn giận bằng nhiều hình thức nhưng cũng không thể dừng hẳn trong một chốc, một hồi.
Muốn chuyển hóa ngọn lửa sân hận kinh Phật có nêu ra nhiều phương pháp. Tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người mà ta áp dụng phương cách trị liệu khác nhau, nhưng mọi phương pháp Phật đều chỉ dạy phải dùng trí huệ quán chiếu sâu vào nội tâm. Ta tuyệt đối không nên ức chế, đè nén vì đè nén chỉ làm cơn giận càng thêm sâu nặng. Đạo Phật rất tối kỵ và không chấp nhận việc đè nén, dằn ép.
Đó không phải là phương cách hữu hiệu tuyệt hảo làm cho ta hết đau khổ bởi cơn giận. Càng ức chế, đè nén chừng nào thì lòng sân hận càng tăng trưởng và lớn mạnh chừng nấy. Một lúc nào đó khi sự ức chế, đè nén đến tột cùng nó sẽ nổ tung và tàn phá rất mãnh liệt. Ðây là một kết cục bi thảm, tai hại mà không ai có thể lường được hậu quả ra sao. Bằng chứng là những thảm cảnh khủng bố với sự tàn sát, giết hại dã man biết bao con người gây nên cảnh tan nhà nát cửa.
Đạo Phật dạy ta cần phải nhận diện và chuyển hóa cơn sân giận. Khi ta giận ai mình có thể nói cho đối phương biết ta đang bực tức, không hài lòng về họ. Ta có nỗi khổ, niềm đau riêng của mình nên cần phải trình bày một cách chân tình và thật thà cùng người đang giận. Ta giận họ vì họ không làm cho mình vừa ý, hài lòng một vấn đề nào đó nên cần nói rõ lý do để họ hiểu và cảm thông với mình nhiều hơn.
Hoặc ta giận họ có thể vì sự chấp trước của mình về những sai lầm trong quá khứ. Cho nên, ta cần phải thiết lập truyền thông, tìm hiểu cặn kẽ, kỹ càng để hai bên cùng nhau cảm thông và tha thứ. Ta không nên nuôi dưỡng, chất chứa thù hận trong lòng mà sanh tâm oán ghét dài lâu. Đó không phải là thái độ khôn ngoan trong cách hành xử của người Phật tử chân chính.
Ta hãy biết rằng, khi người nào có thái độ và hành động làm mình đau khổ bằng sự giận dữ thì người đó đã tự chuốc lấy đau khổ trước rồi. Do đó, ta cần phải nên cảm thông, thương xót họ nhiều hơn. Vì họ đang bị vô minh chi phối nên họ mới hành động nông nỗi như vậy. Có thể họ có quá nhiều nỗi khổ, niềm đau bởi sự đè nén chất chứa lâu ngày nên lời lẽ không được văn hoá cho lắm.
Hạt giống giận hờn của họ luôn ẩn tàng sâu kín tận tâm thức nên ta phải thương yêu họ nhiều hơn là ghét bỏ. Muốn nhận diện được bản chất của sân hận thật không phải dễ dàng. Nó vốn dĩ không hình không tướng, không có chỗ nơi, chỉ đối duyên xúc cảnh mới phát sinh. Muốn vô hiệu hóa cơn giận trước khi nó bộc phát Phật dạy ta hãy thường xuyên quán chiếu, xem xét sâu vào nội tâm để luôn tỉnh giác từng tâm niệm của mình.
Ta phải ý thức được lời nặng nề, cay cú, ác độc chỉ làm cho ta và người khổ đau. Ta phải sáng suốt trước khi nói và làm bất cứ điều gì để tránh gây thiệt hại cho người khác. Chỉ cần mình khéo nhận diện mặt mũi trước khi cơn giận nổi lên thì khả năng nóng nảy sẽ không còn cơ hội để bộc phát.
Ta hãy thường xuyên quán chiếu sâu nơi tâm của mình và mọi người thật kỹ, ta cần lấy gương soi lại mặt mình khi sự bực tức, nóng giận nổi lên. Nếu ta nhìn thấy một gương mặt hình thù quỷ quái, hung dữ thì ta biết nhân hiện tại thế nào sẽ cho ra quả đời sau thế ấy. Chắc chắn ta sẽ trở nên xấu xí bởi những lần sân hận như thế và trên mặt ta thêm nhiều vết hằn. Nhận thức rõ điều này một phần cũng giúp ta bớt đi phần nào sân hận, bởi đâu có ai muốn mình thành một kẻ xấu xí như quỷ La Sát.
Tóm lại, muốn chuyển hóa cơn giận hiệu quả ta có thể ứng dụng thực tập các nguyên tắc căn bản sau đây:
_ Ta phải thường xuyên giữ chánh niệm tỉnh giác bằng cách theo dõi hơi thở, thở vào mình biết thở vào, thở ra mình biết thở ra. Trước khi nói hay hành động gì ta phải xem xét kỹ càng liệu điều đó có tính chất nóng giận để làm khổ cho người khác hay không.
_ Ta hãy thường xuyên quán niệm, thực hành trải rộng lòng từ thương yêu đến tất cả mọi người, mọi vật. Hãy mở rộng trái tim để yêu thương, hiểu biết và đối xử với nhau bằng sự cảm thông và tha thứ.
_ Ta hãy quán chiếu thật sâu vào tâm thức nhằm thấy rõ hạt giống sân hận nếu để nẩy mầm sẽ chỉ làm cho mình và người đau khổ. Chính vì vậy, mình cần phải nên chuyển hóa ngay từ khi còn trong trứng nước.
Tôn giả Phú Lâu Na là người thuyết pháp đệ nhất trong mười vị đệ tử xuất cách của Phật, nhưng một khía cạnh khác rất tuyệt vời mà chúng ta ít lưu tâm tới là tinh thần “cầu thầy học đạo”, một đức tính cần thiết và quan trọng nhất trong đời sống tu hành của chúng ta. Tôn giả sinh ra trong một gia đình Bà La Môn giàu có gần kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Ngài có gương mặt đẹp, đôi mắt từ ái cùng hình dáng trang nghiêm. Dù được cha mẹ thương yêu, chiều chuộng hết lòng nhưng Tôn giả vẫn không sinh tâm ỷ lại mà một lòng quy hướng Tam bảo, suốt đời đem ngọn đèn Chánh pháp soi sáng khắp nơi, phá tan bóng tối vô minh khắp các vùng xa xôi hẻo lánh cùng các miền sông núi bao la.
Với lòng tin sâu Tam bảo cùng biện tài vô ngại, sau khi chứng quả giác ngộ, giải thoát Ngài bắt đầu lên đường thuyết pháp độ sinh và được mọi người tôn xưng, tán thán với danh hiệu “đệ nhất thuyết pháp”. Với ba y, một bát Ngài dân du khắp nơi để thuyết pháp độ sinh giúp mọi người sống an vui, hạnh phúc. Sau những giờ thuyết pháp hay đi qua những chặng đường dài gian khổ, Ngài chỉ cần ngồi lại dưới gốc cây nhập định là đủ sức để tiếp tục lên đường.
Trên bước đường tha phương cầu thực và hoằng hóa độ sinh, Ngài như một cơn gió thoảng, một áng mây bay không trụ lại bất cứ nơi nào. Nơi nào cần có Tịnh xá để tiện việc tu tập thì Ngài xây dựng, xây xong Ngài xin đức Phật cử một vị khác đến hướng dẫn Pháp rồi lại ra đi. Ngài đã thành lập rất nhiều Tịnh xá, hướng dẫn cho rất nhiều người phát tâm thành kính và quy y Tam bảo. Thời gian cứ thế trôi qua, sự nghiệp giáo hoá của Tôn giả Phú Lâu Na ngày càng lan rộng khắp các vùng xa xôi hẻo lánh.
Vào một ngày nọ sau mùa an cư kiết hạ, chư Tăng lại tiếp tục lên đường du hoá. Tôn giả Phú Lâu Na xin đức Phật cho Ngài đến hướng dẫn ở xứ Du Na, một nơi miền rừng núi hiểm trở, sự đi lại khó khăn, người dân đa số sống bằng nghề săn bắn, nhận thức còn chậm lụt và tính tình thô ác bởi nghiệp sát sinh hại vật.
Đức Phật bảo với Ngài rằng: “Ta biết người xứ Du Na rất hung dữ và độc ác. Nếu họ không muốn nghe lời ông nói mà còn nặng lời mắng chửi, xua đuổi thì ông sẽ xử lý ra sao?” “Kính bạch Thế Tôn! Con sẽ chấp nhận chịu đựng vì họ chỉ nói lời nặng nề mắng chửi, xua đuổi chứ họ chưa dùng cây gậy để đánh đập thương tổn đến con.” “Nếu họ đánh đập ông thì sao?” “Kính bạch Thế Tôn! Con vẫn chấp nhận chịu đựng được vì họ chưa giết hại con.” “Nhưng nếu họ giết ông thì sao?” “Kính bạch Thế Tôn! Con không có gì để oán than hay trách móc họ vì con biết xác thân tứ đại này là vô thường, huyễn hóa. Con phải cám ơn họ nhiều hơn vì đã giúp con xả bỏ xác thân ô uế này.”
Đức Phật khi nghe Tôn giả nói vậy liền mỉm cười, vui vẻ nói: “Lành thay, Phú Lâu Na! Ông hãy mau lên đường vì Ta tin chắc ông đủ sức giáo hóa người dân nơi xứ ấy.” Khi đến nơi, Ngài Phú Lâu Na không vội vàng thuyết pháp mà chỉ lân la tìm hiểu phong tục, tập quán và sở thích của người dân. Thấy họ thường hay bệnh hoạn, đau yếu nên mỗi ngày Tôn giả vào tận rừng sâu hái thuốc và làm thầy chữa bệnh. Thấy trẻ con dốt nát, thất học Tôn giả nhiệt tình tận tâm chỉ dạy. Thấy dân thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc Tôn giả động viên, khích lệ họ gieo mạ cấy lúa, làm nương làm rẫy. Cứ như thế từ ngày này qua tháng nọ, Ngài đã được mọi người tôn trọng và quý kính.
Trước kia, vì thiếu hiểu biết nên người dân xứ Du Na cực kỳ hung ác và làm nghề sát sinh hại vật. Sau thời gian gặp được Tôn giả, họ đã lần hồi thay đổi tâm tư và hiểu biết mà bắt chước làm theo lời Ngài chỉ dạy. Ngày trở về, Tôn giả cùng dẫn theo 500 người xứ Du Na đến xin đức Phật xuất gia. Ngài đã để lại hình ảnh tốt đẹp đối với toàn thể người dân xứ này vào phút chia tay rất thấm đậm nghĩa tình. Tôn giả đã trao cho họ một món quà vô giá về đạo lý làm người, sự yêu thương và hiểu biết. Ngài lại tiếp tục cuộc hành trình dấn thân vào vùng sâu, vùng xa để thuyết pháp độ sinh. Sách sử không ghi rõ Ngài nhập diệt nơi đâu vì với Ngài bất cứ nơi đâu cũng chính là quê hương thân yêu của mình.
Hits: 37