Công đức chép kinh

  05/07/2012 22:10:00 Quảng TánhĐã đọc: 5350          https://tamhoc.org/dulieu/giaophap/phuocduc-congduc/Congducchepkinh_files/like.htmlCỡ chữ: 

Trong các việc làm phước thiện thì biên chép và ấn tống kinh điển luôn được khuyến khích và ca ngợi, vì lợi lạc của nó đối với người làm phước thật nhiệm mầu, không thể nghĩ bàn. Thời xưa, khi các phương tiện ấn loát còn thô sơ thì chép kinh thành nhiều phiên bản để tụng đọc là hình thức phổ biến.

Ngày nay, hình ảnh đẹp đẽ và cổ kính của người ngồi chép kinh không còn nhiều nhưng những người phát tâm ấn tống, cúng dường băng đĩa, kinh sách Phật giáo nhằm truyền trao giáo pháp trí tuệ và từ bi đến với mọi người thì không thiếu. Bởi việc làm này bao hàm những giá trị cao cả, giúp cho mình và người đều hướng thiện, tạo ra phước báu vô lượng.

Truyện Sự tích cứu vật phóng sinh kể rằng: “Vào đời Đường, có một người tên Phan Quả, ở tại kinh đô. Lúc còn trẻ, tính tình hiền lành nhưng khi lớn lên nhờ biết chút ít võ nghệ nên xin được một chân tiểu lại ở tại huyện đường và thường giao du với một số thanh niên đồng lứa rồi nhiễm theo thói ác.

Một ngày kia, trông thấy một con dê lạc đàn đang ăn cỏ và lá cây tại bãi tha ma, Phan Quả cùng bè bạn liền bắt dê đem về nhà. Dọc đường, dê cất tiếng kêu be be, sợ chủ nó nghe được, Quả hoảng quá bèn cắt đứt lưỡi dê rồi tự cho mình có trí hơn người, xử lý công việc một cách gọn gàng, độc đáo.

Sau khi dắt dê về tới nhà, Quả cùng bè bạn giết dê bày tiệc rượu nhậu nhẹt vui vẻ với nhau. Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến một năm sau, Phan Quả đột nhiên phát hiện lưỡi mình dần dần teo lại, nói năng ngọng nghịu. Quả biết mình mắc bệnh kỳ quái, mang phải ác tật, liền xin từ chức tiểu lại ở huyện đường.

Quan huyện lệnh Phú Bình bấy giờ là Trịnh Dư Khánh nghi Quả có điều gì dối trá bèn khám nghiệm thì quả thực, lưỡi y teo lại chỉ còn nhỏ xíu như hạt đậu. Quan huyện liền hỏi nguyên nhân, Phan Quả dùng bút kể lại đầu đuôi câu chuyện, biết vậy, quan huyện liền bảo thuộc hạ của mình làm phước, chép kinh Pháp Hoa. Quả phát tâm kính tín, giữ gìn trai giới, siêng năng tu phước, chép kinh. Sau một năm, lưỡi của y dần dần bình phục lại như trước.

Phan Quả thấy thế vui mừng khôn tả, vội vã đến quan huyện trình bày tất cả sự việc và quan huyện cũng vô cùng hoan hỷ liền thăng chức cho Quả…”.

Chép kinh là một hình thức công phu. Muốn chép kinh trước phải đọc, ghi nhớ rồi sau đó mới nắn nót lời kinh. Chữ kinh phải ngay thẳng, chân phương và rõ ràng. Muốn được vậy, người chép kinh phải toàn tâm toàn ý với công việc. Chính nhờ quá trình tập trung đó nên ý kinh bùng vỡ, người chép kinh ngộ ra những thâm ý mà so với khi đọc tụng hàng ngày khó có thể nhận ra. Đồng thời nhờ chép kinh mà chuyển hóa được ba nghiệp, thân tâm trở nên an ổn, nhẹ nhàng. Đây cũng là cơ sở cho sự hình thành phước báu, công đức chép kinh.

Trong cuộc đời của mỗi con người, có lẽ không ai tránh khỏi những sai phạm, lỡ lầm. Có những sai phạm dẫn đến quả báo hiện tiền và có những lầm lỗi đang kết trái đắng ở tương lai. Tất nhiên, đạo lý ở đời thì “nhân nào quả ấy” và muốn cải thiện những điều xấu ác đã làm chỉ còn cách là tích cực làm thêm những điều lành. Chép kinh, in kinh là một trong những điều lành ấy.

Chuyện của Phan Quả là một điển hình. Vì theo bạn xấu mà tạo nghiệp ác nên bị quả báo hiện tiền. Nhờ gặp bậc thiện tri thức chỉ cho cách tu tập sám hối bằng cách biên chép kinh Pháp Hoa mà bạt được nghiệp chướng bệnh tật nan y lại còn được thăng chức. Cho nên, những ai đủ phước duyên ấn tống kinh pháp thì nên thực hành và nhất là nên “hạ thủ công phu” tự tay biên chép một bộ kinh nào đó để làm kỷ niệm trong đời và cũng để cảm nhận sự chuyển hóa nhiệm mầu của công đức chép kinh.

Hits: 44

Trả lời