Phật Dạy Nhân Quả Nghiệp Báo

  09/02/2018 21:23:00 Thích Đạt Ma Phổ GiácĐã đọc: 2019          https://tamhoc.org/dulieu/giaophap/nhanqualuanhoi/Phatdaynhanquanghiepbao_files/like.htmlCỡ chữ: 

image

1-Nhân quả là gì? Nhân là nguyên nhân; quả là kết quả; nhân quả là mối quan hệ mật thiết do nhiều yếu tố kết hợp mà đưa đến kết quả tương xứng. Thí dụ: Hạt bắp thì sẽ trồng lên cây bắp chứ không thể ra cây xoài.

2-Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về mối quan hệ của nhân quả?

-Nhân và quả có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời nhau theo nguyên lý duyên sinh, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Trong nhân có quả, và trong quả có nhân.

-Nếu chúng ta hiểu theo ý nghĩa thông thường và cố định thì nhân nào sẽ cho ra quả nấy không thể thay đổi được.

 Thí dụ: Ta nhìn vào hạt mít thì biết nó hàm chứa quả mít trong tương lai. Ngược lại, nhìn quả mít ta biết trước kia nó xuất phát từ  nhân là hạt mít.

Cũng tương tự như thế, nhìn vào một người đang làm việc siêng năng, sống đời đạo đức vị tha, ta sẽ đoán biết kết quả trong tương lai là “sống an lạc, hạnh phúc”. Hoặc nhìn vào một người khác, thấy họ nghèo khổ thiếu thốn khó khăn, thì ta có thể đoán biết nhân duyên trước kia là gây tạo nhiều tội lỗi.

3-Vậy quá trình từ nhân đến quả diễn biến như thế nào? Từ nhân đến quả không có một thời gian nhất định, có thể chậm, có thể nhanh, tùy theo sự kết hợp của các duyên mà cho ra kết quả tốt hay xấu.

Nhân quả rất đa dạng và phức tạp, tùy theo những nguyên nhân và các yếu tố phụ tác động vào mà có sự thay đổi về thời gian. Thí dụ, cây mít trồng đúng bốn năm thì có quả, nhưng do người chủ siêng năng chăm sóc đúng quy trình biết kết hợp theo thời tiết nóng lạnh mà thường xuyên bón phân, tưới nước, làm cỏ, nên 3 năm cây mít đã trổ quả trước kỳ hạn. Chính các duyên này tác động mạnh mẽ đã làm thay đổi thời gian của chu kỳ nhân quả, khiến cây mít có trái sớm hơn dự tính ban đầu.

Cũng tương tự như thế, một người làm ác nhưng chưa kịp trả quả xấu thì họ đã gặp các bậc thiện hữu tri thức giúp họ hồi tâm hướng thiện, khiến nhân quả xấu không có cơ hội trổ quả ngay nơi kiếp hiện tại. Những người thầy đạo đức đó đã tác động mạnh mẽ vào quá trình thay đổi nhân quả của họ.

4-Chúng ta có thể dựa vào yếu tố thời gian mà chia nhân quả ra làm mấy loại? Ta có tạm thời thể chia làm 3 loại nhân quả:

-Nhân quả hiện báo hay còn gọi là nhân nào quả nấy, khi tạo nhân sẽ có kết quả ngay trong đời này. Có loại nhân quả gần, tất là khi ta làm điều gì thì có kết quả liền trong hiện tại, không phải chờ đợi lâu xa. Thí dụ, như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu hay còn gọi là nhân nào quả nấy. Trường hợp thứ hai như khi ta đang đói bụng, ta ăn cơm vào thì liền là no hoặc ta đánh trống thì nghe được âm thanh của trống ngay tức khắc. Ta gọi là nhân  quả hiện tiền hay nói ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão. 

-Nhân quả sinh báo: khi tạo nhân trong đời này, sẽ có quả trong đời sau. Có những nhân, nếu ta gieo trong hiện tại có khi ta phải trả quả trong một thời gian ngắn từ năm ba tháng cho đến vài năm mới cho ra kết quả.

-Nhân quả hậu báo: khi tạo nhân trong đời này, đến nhiều đời sau mới cho ra kết quả. Còn có những nhân ta gieo tạo thì phải trải qua một đời, hai đời hoặc vô số kiếp về sau thì quả mới trổ ra. Và có điểm đặc biệt là khi chúng ta gieo nhân mà không có kết quả do thiếu những duyên phụ hoặc ta tu hành quá tinh tấn nên nhân xấu không đủ sức trổ quả.

Như trường hợp trong một lúc ta cùng gieo ba thứ hạt giống cây lúa, cây chuối, cây mít đồng thời ta chăm sóc kỹ càng nhưng kết quả cho ra không cùng một thời gian. Cây lúa khi gieo xuống thì từ ba tháng cho đến sáu tháng có kết quả, cây chuối phải từ chín tháng đến một năm, còn cây mít ít nhất phải từ hai năm trở lên, đó là nhân quả thuận chiều theo nhân duyên. Nhưng có những nhân mà ta đã gieo lại không có kết quả, nửa chừng cây bị chết hoặc bị trường hợp rủi ro khác.

Nhân quả rất đa dạng và phức tạp, chúng ta là những phàm phu mắt thịt, không thể nào nhìn thấy hết tất cả tiến trình chi phối và diễn biến của luật nhân quả.

Điều này thực tế trong cuộc sống, tuy có nhiều người làm việc thiện mà cuộc đời vẫn gặp bất hạnh khổ đau, bởi quả thiện lành tốt đẹp của kiếp này chưa đủ duyên để kết thành quả trong hiện tại, mà họ đang phải nhận chịu quả xấu của kiếp trước còn xót lại. Sau khi trả hết quả xấu đó, ta sẽ nhận quả thiện mà sống vui vẻ hạnh phúc.

5-Nghiệp là gì? Nghiệp phát khởi từ đâu?

-Nghiệp là những hành động có chủ ý, sẽ đưa đến những quả báo tương xứng trong hiện tại và mai sau. Nghiệp nói cho đủ gọi là nghiệp quả báo ứng được tạo ra từ thân, miệng, ý của chính mình. Bởi vì nghiệp nhân chúng ta đã gây thì nghiệp quả phải đến chỉ sớm hay muộn mà thôi. Là người Phật tử chân chính, chúng ta phải thận trọng trong từng ý nghĩ lời nói, cho đến hành động do mình tạo ra trong từng phút, từng giây… Ta phải thường xuyên xem xét, quán chiếu, soi sáng lại chính mình để không vấp phải lỗi lầm đáng tiếc.

6-Thế nào là biệt nghiệp và cộng nghiệp?

-Biệt nghiệp là nghiệp riêng của từng cá nhân chúng sinh. Cộng nghiệp là nghiệp chung của nhiều chúng sinh. Cùng sinh ra trong một gia đình, sống chung một đất nước, nói cùng một ngôn ngữ, người thích cờ bạc thì chỉ muốn giao du với người chơi cờ bạc, còn kẻ ham rượu chè thì lân cận ăn chơi với người uống rượu. Người thích đi chùa tụng kinh niệm Phật thì kết bạn với người đi chùa tụng kinh niệm Phật. Như vậy, cộng nghiệp đưa đẩy con người thân cận, kết bạn với nhau và biệt nghiệp khiến chúng ta có dáng mạo, tánh tình, năng khiếu và trí tuệ khác nhau.

a-Nghiệp: là dịch nghĩa chữ Karma tiếng Phạn, chỉ hành động tạo tác được lập đi lập lại nhiều lần lâu ngày trở thành thói quen của mỗi người. Nghiệp có nghiệp thiện, nghiệp ác, nghiệp chung, nghiệp riêng, định nghiệp và bất định nghiệp… Nghiệp thiện là hành động lành đem lại sự an vui hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Nghiệp ác là hành động dữ làm đau khổ cho tất cả chúng sinh. Định nghiệp là hành động lành hay dữ có chủ tâm của ý thức mà tạo thành nghiệp quyết định. Bất định nghiệp là hành động tốt hay xấu mà không có ý thức cố tâm, nên thành nghiệp không quyết định (như người bệnh tâm thần).

b-Báo: là đền trả một cách công bằng, không sai chạy, không tiêu mất khi đủ nhân duyên. Báo chia làm ba thứ: hiện báo, sinh báo và hậu báo.

-Hiện báo là quả báo trong hiện tại, do những hành động tốt hay xấu mình đã làm ra.

-Sinh báo là quả báo mình phải chịu trong đời sau, do hành động tốt hay xấu của ba nghiệp, đến đời sau mới chịu quả báo.

-Hậu báo là qua nhiều đời kiếp mới chịu quả báo.

7-Nghiệp có thể thay đổi được không hay cố định mãi mãi?

Trong Kinh A-hàm, đức Phật đưa ra ví dụ rất hay: “Có một nắm muối, nếu ta bỏ vào ly nước nhỏ thì ly nước ấy sẽ bị mặn, ta không thể uống được. Cũng cùng một nắm muối đó, nếu ta bỏ vào một lu nước lớn, tuy có nắm muối hoà tan nhưng vì nước trong lu quá nhiều, cho nên nước hơi măn mẳn ta có thể dung xài hoặc giải khát tạm thời được. Cũng cùng một nắm muối đó, ta đem bỏ vào một hồ lớn, tuy có nắm muối bỏ vào, nhưng nước trong hồ quá nhiều, vì vậy nắm muối không thể chi phối được, do đó ta có thể dùng xài bình thường.

Nhà Phật dụ cho nắm muối là nghiệp xấu ác, còn nước là nghiệp thiện lành và khả năng tu tập của mỗi người. Tuy trong nhà Phật có nói rằng, gieo nhân nào gặt quả nấy, nhưng nhân quả do hành động của mình tạo ra từ thân, miệng, ý thì cũng từ chính mình ta có thể thay đổi, chuyển hóa được. Cũng như trước kia, lúc còn nhỏ, chúng ta chưa biết hút thuốc, uống rượu, cờ bạc… đến khi lớn lên, hòa vào đời sống cộng đồng, ta thấy mọi người làm điều đó, rồi ta bắt chước làm theo lâu ngày trở thành thói quen thế là ta bị nghiệp xấu chi phối.

Rồi thời gian trôi qua theo năm tháng, chúng ta có duyên được đến chùa học hỏi, nghe pháp và biết tu tập, ta thấy được sự tác hại của nó mà dứt khoát từ bỏ.

Nắm muối bỏ vào ly nước là đức Phật dụ cho nhân nào quả nấy để ám chỉ cho hạng người buông trôi theo số phận, chẳng chịu cố gắng làm lại cuộc đời vì nghĩ rằng số tôi như thế mà chấp nhận sống trong đau khổ lầm mê.

Nắm muối bỏ vào lu nước lớn là dụ cho người đã cố gắng thay đổi bỏ bớt, nhưng không bỏ được hoàn toàn dù sao cũng đỡ hơn hạng người trước.

Hạng người thứ ba là hạng người hoàn toàn chuyển nghiệp xấu ác do biết tu thân, tu giới và tu tâm niệm rộng lớn cho nên đức Phật dụ cho nắm muối bỏ vào một hồ nước lớn.

Người đã tạo nghiệp thì phải nhận quả báo tương ứng. Nhưng nếu người đó biết ăn năn, tu tập và làm những nghiệp thiện để bù đắp lại thì quả báo sẽ xoay chuyển, có thể giảm nhẹ đi. Thế cho nên Phật nói tu là chuyển nghiệp.

8-Khi hiểu rõ luật nhân quả nghiệp báo, chúng ta sẽ không bị những thứ mê lầm chi phối?

-Không mê tín dị đoan vì biết chính ta là chủ của bao điều họa phúc.

-Không than trách, oán giận thù hằn khi gặp chướng duyên nghịch cảnh, không thấy ai là kẻ thù mà chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi.

Hits: 25

Trả lời