II. NỘI DUNG MI-TIÊN VẤN ĐÁP (GỒM 244 CÂU HỎI): TỪ CÂU HỎI SỐ 178 ĐẾN 207
NHỮNG CÂU HỎI VỀ VÍ DỤ
– Thưa đại đức! Một vị tỳ khưu muốn chứng đắc A-la-hán, cần phải thành tựu mấy điều kiện?
– Nhiều lắm, tâu đại vương. Muốn tỏ ngộ Niết bàn, vị tỳ khưu ấy phải cần bắt chước:
Những tập tính của con lừa,
Những tập tính của con gà,
Những tập tính của con sóc,
Tập tính của cọp cái,
Tập tính của cọp đực,
Tập tính của con rùa,
Như cây kèn,
Như cây súng,
Như con quạ,
Như con khỉ v.v…
* * *
178. VỀ CON LỪA
– Ý nói tập tính như con lừa, là thế nào hả đại đức?
– Tâu, nghĩa là vị tỳ khưu phải tập theo, phải sống theo một điểm, một điều, một chi đặc biệt của con lừa. Con lừa không bao giờ kén chọn chỗ nằm. Nó có thể nằm nơi đống rác, nơi ngã tư đường, nơi pháp trường, nơi cửa nhà hoặc nơi đống trấu, hay bất kỳ đâu cũng được cả. Nhưng lừa thường không nằm lâu quá, nằm nhiều quá, nó đứng dậy rồi đi sang chỗ khác. Vị tỳ khưu sống đời tri túc, không dính mắc chỗ ở, đừng quan trọng hóa cái thân, không ở lâu một nơi, ngủ nghỉ chút ít cũng y như thế. Nằm trên lớp cỏ, nằm trên cây trải ra, trên giường ghế hoặc trên đống lá… Nghĩa là ở đâu cũng được, ở đâu cũng vô ngại. Điều quan trọng là đừng ngủ nghỉ quá lâu, quá nhiều, thường thức tỉnh để đi kinh hành, thiền tọa hoặc dời sang trú xứ khác.
Đức Phật có dạy rằng: “Này các thầy! Các thầy hãy coi thân này như khúc cây, như khúc củi, để ở đâu cũng đặng, đặt ở đâu cũng được, nằm ở đâu cũng xong; nhưng các thầy phải cố gắng tu tập chỉ tịnh, quán minh. Ấy mới thật là chỗ nằm, chỗ nghỉ của các thầy đấy”.
Đức Pháp chủ Xá-lợi-phất cũng dạy, là các vị tỳ khưu ở đâu cũng phải tọa thiền, phải biết xa lìa niềm vui hời hợt, phù phiếm; phải biết quên cái thân đi vì hạnh phúc tối thượng là Niết bàn.
Tâu đại vương! Một điểm, một điều, một chi của con lừa là như thế ấy!
– Thưa, vâng.
* * *
179. VỀ CON GÀ
– Thế như con gà là sao ạ?
– Con gà có những năm điểm, năm điều, năm chi đặc biệt, tâu đại vương.
– Xin cho nghe
– Vâng, đại vương hãy nghe đây:
Suốt đêm gà luôn luôn tỉnh thức, chỉ một tiếng động nhẹ là nó biết ngay. Trời còn mờ mờ sáng, gà không bước ra khỏi chuồng. Một vị tỳ khưu cũng cần phải tỉnh thức như thế. Trời còn sớm không nên ôm bát khất thực ra khỏi chùa, phải lo các công việc quét liêu thất, vườn, chùa, bảo tháp v.v… Rồi còn làm vệ sinh, múc nước đầy chỗ này chỗ kia, tìm đảnh lễ thầy tổ hoặc các vị tỳ khưu cao hạ…
Điểm thứ hai của gà là trời sáng rõ đường mới xuống chuồng đi kiếm ăn, nó lang thang từ chỗ này sang chỗ khác. Một vị tỳ khưu cũng nên như thế, sau công việc ở chùa xong mới đi trì bình khất thực; cũng lang thang từ nhà này sang nhà nọ, từ con đường này sang con đường khác. Gà tuy kiếm miếng ăn nhưng luôn luôn đề phòng kẻ thù tấn công như chồn, cáo, diều hâu v.v.. Vị tỳ khưu cũng y như vậy, dầu khất thực xin ăn nhưng cũng phải cảnh giác đề phòng tâm hươu ý vượn, phải thu thúc thân khẩu ý v.v…
Điểm thứ ba, khi ăn vật thực, gà rất chăm chú, rất cảnh giác. Nó lấy chân khều vật thực, bươi vật thực ra rồi mới ăn; ngon cũng ăn, dở cũng ăn, nhưng chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Vị tỳ khưu cũng như thế nào có khác gì? Khi ăn cũng phải chánh niệm, tỉnh giác. Ngon cũng ăn mà dở cũng ăn. Vật thực kiếm được chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Khi ăn cũng phải “Khều” phải “Bươi” vật thực ra mà quán tưởng: “vật thực này có gì đâu, nó là đất, nước, lửa, gió đấy thôi; thích thú mà làm gì, thỏa mãn mà làm gì! Ta ăn là để duy trì sức khỏe và sự sống mà tu hành; chẳng nên ăn để trang điểm cái thân, dưỡng cái thân cho mập mạp; chẳng nên ăn để mà chơi, để nô đùa, lêu lỗng… Ăn để giảm trừ thọ khổ do đói gây nên, để khỏi ảnh hưởng đến việc tu tập…” Đức Phật còn dạy các vị tỳ khưu, ăn chỉ là chuyện bất đắc dĩ: “Này các thầy! Các thầy còn phải quán tưởng sự ăn, như là ăn thịt con mình trên lộ trình qua sa mạc, chẳng sung sướng, khoái khẩu gì đâu. Rơi nước mắt xót thương cho chúng sanh là khác. Miếng ăn cũng tương tự như tra dầu và mở vào trục xe, giúp cho chiếc xe có trớn mà lên đường. Cũng vậy, các thầy chỉ nên coi sự ăn là tra dầu và mở cho chiếc xe trên lộ trình vượt qua sinh tử mà thôi!”
Điểm thứ tư, ban đêm gà mắt mờ nhưng ban ngày mắt gà rất sáng, rất tỏ tường cả cây kim, sợi chỉ. Chạng vạng tối, khi gà lên chuồng là mắt mờ hẳn, dường như đui hẳn. Các vị tỳ khưu cũng nên mượn con mắt sáng của gà trong ban ngày, mượn con mắt đui của gà ban đêm. Khi trì bình khất thực trong xóm làng, vào thành phố… tâm các thầy rất tỉnh thức, mắt các thầy rất sáng nhưng cũng phải làm như đui, không thấy, không biết gì hết. Khi giao tiếp với ngũ trần: Sắc tướng, âm thanh, khí, vị v.v… các vị tỳ khưu giả đui, giả điếc, giả câm v.v…
Thật đúng như Đức Đại Ca-chiên-diên (Màhà Kaccàyana) đã dạy: “Hành giả tu tập, có con mắt sáng cũng làm như mờ, có lỗ tai tốt cũng làm như điếc, có miệng lưỡi thiện thuyết cũng làm như câm; có sức mạnh, dũng cảm cũng nên làm như kẻ yếu đuối; có sự việc gì xẩy ra thì thân tâm đều nằm ngủ yên lặng, như mẹ ru con ngủ vậy.”
Điểm cuối cùng. Dù ai lấy cây, lấy gậy xua đuổi gà đừng cho ngủ trong cái chuồng của nó, nó vẫn không đi, không bao giờ muốn bỏ cái chuồng cũ. Bám chặt, dính chặt vào chuồng cũ là một tập quán tính khác của gà. Một vị tỳ khưu khi làm bất cứ một công việc gì cũng phải bám chặt, kết dính, chú tâm vào công việc ấy. Khi đang mang y, bát hoặc sửa sang tu viện, tự viện, học Pàli, học chú giải… cũng phải nhất tâm bám chặt vào đấy, dù cho các ý niệm nổi trôi, dù cho những sự quyến rủ bên ngoài muốn xua đuổi rời khỏi công việc, cũng không đi!
Đúng như Đức Phật đã dạy: “Nầy các thầy! Bất cứ cái gì là “Lộ hành”, là chỗ ở, là cảnh giới của thầy tỳ khưu; “Lộ hành” ấy, chỗ ở ấy, cảnh giới ấy, tức tứ niệm xứ – dù ai đuổi, ai xua, ai quăng cục đất, cục đá; các thầy cũng cương quyết không bỏ đi, kiên định bám vào chỗ trú xứ của mình.”
Đức pháp chủ thượng thủ cũng có dạy: “Con gà hằng biết rõ vật đáng ăn và vật không đáng ăn; dù hoàn cảnh nào cũng không bỏ cái chuồng cũ của mình. Phàm những người con của đức Xuất thế-sư cũng phải làm được như thế. Phải tuân thủ theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn để biết việc này đáng làm, việc kia không đáng làm. Phải khởi tâm, phải chú ý, phải bám chặt chỗ trú xứ cũ của mình, ấy là Tứ niệm xứ vậy.”
Đức vua Mi-lan-đà tán thán:
– Thật tuyệt vời thay là con gà này cùng với năm đức tính của nó. Tập tính mà biến thành phẩm chất cao quý thì chỉ có ở nơi những bậc thầy thông tuệ mà thôi!
* * *
180. VỀ CON SÓC
– Con sóc thì chỉ có một điểm, một điều, một chi cần phải học hỏi thôi, tâu đại vương!
– Phải cái đuôi của nó không?
– Hay lắm! Đại vương thật tinh mắt. Cái đuôi của sóc thật đặc biệt. Khi thấy kẻ thù, kẻ nghịch, kẻ lạ đến… sóc thường phồng cái đuôi của mình lên để hăm dọa hoặc chống cự lại! Cũng tương tự thế, các vị tỳ khưu khi gặp ngoại trần hung dữ, cường liệt, rất mạnh – cũng phồng cái đuôi Tứ niệm xứ của mình cho to lên để chiến đấu chống chọi lại.
Đúng như lời dạy của đại đức Cullapanthaka. “Khi nào phiền não là kẻ thù xâm lăng, loại trừ, họa hại các sa môn quả, đến gần, chư tỳ khưu phải dùng Tứ niệm xứ mà đương cự lại.”
* * *
181. VỀ CON CỌP CÁI
Đại đức Na-tiên mỉm cười:
– Bây giờ đến lượt con cọp cái nhé, đại vương?
– Cọp cái này cũng chỉ có một điểm cần phải nghiên cứu thôi, phải không đại đức?
– Vâng! Con cọp cái thường chỉ mang thai một lần, không mang thai lần thứ hai! Vị tỳ khưu hành sa môn quả cũng tương tự thế, nghĩa là không còn muốn vào một thai bào nào nữa, không còn muốn tái sinh vào cõi luân hồi thống khổ một lần khác nữa; phải chấm dứt tái sanh, cấu sanh. Đúng như Phật ngôn mà Đức Đạo sư đã thuyết: “Bò chúa Usabha đã vùng đứt dây thừng buộc cổ để trốn thoát, không bao giờ nó qua lại chỗ ấy nữa. Cũng vậy, các ngươi đã cố gắng đoạn lìa dây buộc phiền não rồi thì đừng nên trở lại cõi luân hồi tái sanh thống khổ làm gì!”
* * *
182. VỀ CON CỌP ĐỰC
-Tâu đại vương! Con cọp đực thì có hai tập tính!
– Vâng, xin đại đức giảng cho nghe!
– Thứ nhất, cọp đực thường tìm chỗ nương trú nơi động thẳm, hang sâu, chỗ núi rừng, suối khe thanh vắng! Cũng vậy, bậc hành giả sống đời khổ hạnh, khước từ, cũng phải biết tìm chỗ vắng lặng, xa chỗ loài người, như núi rừng, tha ma mộ địa, sơn động, cốc đạo… để tu tập, bổ túc công hạnh cho mình. Đúng như các vị kết tập kinh điển có dạy rằng: “Loài cọp đực thường ở chỗ kín đáo, kiếm vật thực sinh sống ở chỗ vắng lặng; cũng vậy, chư Phật tử phải biết xa phố chợ ồn ào, xa chỗ thị phi huyên náo, tìm chỗ thanh tịnh để siêng tu thiền định và minh sát tuệ”.
Thứ hai, loài cọp đực có một tính kỳ lạ, là khi chụp mồi, nếu con thú ngã xuống bên trái hay bị sứt tai trái – thì nó bỏ đi, không thèm xơi! Cũng tương tự thế, các vị sa môn yêu mến chánh pháp, mong được đạo quả vô thượng – không bao giờ thọ dụng tứ sự được phát sanh trái lẽ, không chính đáng, phát sanh do tà mạng và tà hạnh! Nếu cái gì có được do trái pháp, trái đạo – các vị sa môn cũng bỏ đi, không thèm thọ dụng! Đúng như đấng đệ nhất trưởng tử của Đức Thế Tôn đã thuyết: “Tôi biết tôi dùng loại cơm sữa kia là tôi sẽ lành bệnh, nhưng tôi không thể dùng, tại sao? Vì cơm sữa ấy được phát sanh do khẩu cử động có tội, tức thuộc tà mạng! Tôi thà chịu chấp nhận đứt ruột hoặc lòi ruột ra ngoài, chấp nhận hy sinh thân mạng – chứ không thể làm cho hư hỏng chánh mạng để các bậc trí giả chê trách!”
Đại đức Upasena cũng nói tương tự thế: “Tôi thà bể ruột mà chết, chứ không thể kiếm ăn thấp thỏi, trái lẽ, tà mạng làm cho chánh mạng bị hủy hoại!”
* * *
183. VỀ CON RÙA NƯỚC
– Thưa đại đức! Về con rùa nước thì có bao nhiều điều cần phải học hỏi?
– Học hỏi rùa thì có năm điều, tâu đại vương.
Thứ nhất: Thế giới của rùa ở trong nước, là nơi mát mẻ. Bậc hành giả cũng thế, nên ở trong cõi từ bi trú, là cõi mát mẻ an lành; và nên rải tâm từ ấy đến cho tất cả chúng sanh, không được thù hại ai, không gây oan trái, oán độc với ai.
Thứ hai: Rùa ở trong nước, chìm trong nước, thỉnh thoảng ló đầu lên khỏi mặt nước; nếu thấy có gì nguy hiểm thì rùa cảnh giác, lặn xuống ngay. Vị tỳ khưu tu tập cũng hằng như thế, khi thấy phiền não đến thì phải tức khắc lặn vào trong thiền cảnh của mình.
Thứ ba: Khi rùa lên khỏi mặt nước, nếu thấy không có người hoặc thú thì rùa nằm phơi mình trên bãi một cách an toàn. Tương tự thế, vị tỳ khưu tu tập chánh niệm chỗ yên tịnh, thanh vắng; khi cảm thấy an toàn không sợ ngoại trần quấy nhiễu, có thể đem tâm ra khỏi các oai nghi, nghỉ ngơi chút ít nhưng mà cũng phải thường trực tỉnh giác.
Thứ tư: Rùa thường đào lỗ trong bùn, trong đất, hoặc trong các kẹt đá để ở; là vì chỗ ấy không có ai quấy nhiễu, xâm hại. Bậc sa môn hành Tứ niệm xứ cũng y như thế, phải trốn khỏi lợi lộc, tiếng khen của thế gian… vào ẩn trong hang sâu, động vắng thì khỏi sợ nguy hiểm. Đúng như đại đức Upasena đã thuyết: “Bậc xuất gia phạm hạnh phải biết xa lìa nơi ồn ào, huyên náo… tìm chỗ ẩn cư miền cô quạnh như hoang thú giữa rừng sâu.”
Điều thứ năm: Phàm khi thấy người, thú hoặc cái gì có vẻ nguy hiểm, rùa thường thu gọn đầu và bốn chân vào trong chiếc vỏ bọc của mình, nằm yên lặng như thế để tự bảo vệ sự an toàn. Hành giả tu tập chỉ tịnh và quán minh cũng nên bắt chước như rùa. Lúc nào thấy lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp) – có vẻ nguy hại, liền thu rút lục căn (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) vào trong đề mục thiền định hoặc thiền quán để bảo vệ cho sa môn hạnh của mình. Đúng như lời Đức Phật dạy: “Tỳ khưu là bậc tiến tu thoát khổ, nếu có khởi tâm thì đừng nên để cho dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy xâm chiếm; đừng nên để rơi vào cái bẩy tà kiến, khinh bỉ hoặc châm biếm kẻ khác. Không như vậy thì hoàn toàn thu rút lục căn, như con rùa nằm trốn cái đầu và bốn chân trong chiếc mu của nó.”
Đại vương đã hoàn toàn lãnh hội năm điều ấy về con rùa rồi chứ?
– Vâng ạ!
* * *
184. VỀ CÁI KÈN
Đức vua Mi-lan-đà hỏi:
– Một chi của cây kèn là thế nào hở đại đức?
– Tâu, cái kèn sở dĩ được phát ra thành tiếng, thành âm thanh trầm bỗng là tùy thuộc vào hơi gió của người thổi. Nói cách khác, cái kèn không thể tách rời hơi gió thổi, hơi gió thổi không thể tách rời cái kèn. Phàm sa môn tu hành giải thoát cũng y như thế, hạnh sa môn phải được dính chặt, không được buông lơi pháp hành. Nói cách khác, vị tỳ khưu là pháp hành, pháp hành là vị tỳ khưu. Cái kèn không thể rời hơi gió, rời hơi gió thì cái kèn không có âm thanh. Sa môn hạnh mà rời pháp hành thì không thể gọi là sa môn. Đúng như đại đức Ràhula đã thuyết: “Là tỳ khưu trong hàng ngũ sa môn, phải lấy pháp hành làm y chỉ, cả ngày lẫn đêm đừng rời khỏi pháp hành, phải tinh tấn để tăng trưởng và hoàn thiện pháp hành của mình.”
* * *
185. VỀ CÂY SÚNG
– Cái kèn thì trẫm hiểu rồi, nhưng còn một chi của cây súng là sao?
– Tâu, cây súng tùy thuộc nòng súng, nòng súng phải thông suốt từ đầu này đến đầu kia, cây súng mới sử dụng được. Cũng vậy, vị tỳ khưu trong giáo hội của Đức Tôn sư phải biết thích ứng, tôn trọng phẩm vị, thứ tự hạ lạp từ dưới lên trên, từ thấp lên cao y như thế. Nòng súng thông suốt, không bị vướng mắc, trở ngại, đạn mới được ra khỏi nòng. Thứ tự hạ lạp thông thuận từ dưới lên trên, không có lộn xộn, vướng mắc, mới đem đến hữu ích cho chính mình và đại dụng cho cuộc đời. Đúng như Đức Thế Tôn đã thuyết trong kinh Vidhurapunnaka Jàtaka: “Các sa môn Thích tử thuộc giống giòng trí thức, phạm hạnh… thật không nên có hành động sai trái, tà vạy; phải biết tôn trọng, cung kính thứ tự hạ lạp, phải biết thông thuận, ngay thẳng như nòng súng của cây súng vậy.”
* * *
186. VỀ CON QUẠ
– Tâu đại vương! Về con quạ thì chúng ta có hai điều cần phải lấy đó để làm gương!
– Vâng, xin đại đức cho nghe.
– Con quạ có hai tập tính sau đây:
Thứ nhất là khi đậu một chỗ nào, con quạ thường đưa mắt lấm lét, đảo qua đảo lại đầy vẻ nghi ngờ, sợ sệt tất cả mọi thứ xung quanh. Nó luôn luôn đề phòng, giữ mình trước bất kỳ hoàn cảnh nào. Một vị tỳ khưu cũng cần phải làm như thế, phải luôn luôn phòng hộ giữ mình, hằng có chánh niệm, thu thúc lục căn trong mọi oai nghi, trước các đối tượng ngoại trần luôn đầy những bất trắc có thể tác hại đến phẩm hạnh sa môn.
Thứ hai, khi quạ được một món ăn gì, dù là tử thi, dù là vật thực dư thừa, dù là bắp đậu… quạ thường kêu gọi đồng loại đến để cùng ăn. Một vì tỳ khưu sống trong giáo hội bình đẳng, đầy tình nghĩa đệ huynh của Đức Tôn Sư cũng phải nên bắt chước như quạ. Khi được thọ dụng tứ sự, lợi lộc, nhất là vật thực, dù là một bình bát hay nửa bình bát – cũng nên chia sớt vật thực ấy đến các vị đồng phạm hạnh thiếu thốn hơn mình. Đúng như đức pháp chủ Xá-lợi-phất đã từng thuyết: “Nếu có nam nữ thí chủ nào có lòng tin mà dâng cúng vật thực đến Xá-lợi-phất tôi; vì tôi là người sống hạnh khước từ, xả ly để tiêu hủy phiền não – nên tôi sẽ chia sớt phần vật thực ấy đến cho tất cả bằng hữu phạm hạnh đều nhau cả. Và tôi sẽ là người thọ dụng sau cùng.”
* * *
187. VỀ CON KHỈ
– Bây giờ chúng ta học về con khỉ, tâu đại vương!
– Con khỉ thì tốt đẹp gì mà học! Suốt ngày cứ chạy nhảy leo trèo từ cây này sang cây khác, từ cành này sang cành khác – giống như tâm ý lăng xăng của chúng sanh vậy, có hay hướm gì!
Đại đức Na-tiên gật đầu:
– Vâng, điều ấy thì chúng ta không học. Ta sẽ học ở hai điểm khác.
Một, là nó hằng lựa tìm những cội cây rất to, có rất nhiều cành nhánh vững chắc và xanh tốt, sum suê để làm chỗ ở. Các vị tỳ khưu cũng hằng nên như thế, phải lựa tìm những bậc phạm hạnh có đạo cao đức cả – như là gốc đại thụ vậy – để nhờ nương, làm chỗ ở cho mình. Bậc phạm hạnh có cành nhánh vững chắc và tàng lá sum suê xanh tốt, ấy là đầy đủ: Giới đức, có tàm quý, nhiều pháp lành, đa văn, là người giữ gìn pháp, nâng đỡ pháp; có ngôn ngữ từ ái, tự mình tinh tấn và dìu dắt mọi người tinh tấn đi theo con đường phạm hạnh.
Hai, khỉ thường tìm về chỗ ngụ của mình vào lúc hoàng hôn rồi nghỉ qua đêm ở đấy. Các vị tỳ khưu trong hàng ngũ sa môn cũng phải nên làm như thế. Nghĩa là một ngày, lúc hoàng hôn xuống cũng phải biết trở về trú xứ vắng lặng của mình như rừng, nghĩa địa v.v… để nghỉ qua đêm. Khỉ không bao giờ rời bỏ cây ấy lúc ban đêm – thì vị tỳ khưu cũng không bao giờ rời bỏ pháp tu Tứ niệm xứ của mình. Suốt đêm, dù đi, đứng, ngồi, nằm cũng hằng phải chánh niệm, tỉnh giác. Đúng như đại trưởng tử của Đức Thế Tôn đã thuyết: “Vị tỳ khưu nên hoan hỷ, mến thích khu rừng và cội cây của mình. Lúc tọa thiền, lúc đi kinh hành hoặc ngủ nghỉ đều không được rời bỏ pháp hành.”
Đức vua Mi-lan-đà tán thán:
– Những ví dụ ấy rất hay, rất dễ nhớ, thế đại đức có còn những ví dụ như thế nữa chăng?
– Tâu, những ví dụ ấy chẳng phải của bần tăng, mà do Đức Thế Tôn hoặc các vị Thánh A-la-hán nói ra, bàng bạc trong kinh điển. Còn bần tăng chỉ là người nói lại.
– Vậy thì cho trẫm được nghe tiếp.
– Vâng, ngoài những ví dụ trên, phạm hạnh của sa môn còn phải được ví như:
Giây bầu leo;
Hoa sen;
Hạt giống;
Cây sàla xanh tốt;
Thuyền bè;
Ghe mắc đá ngầm;
Cột buồm;
Người cầm lái thuyền;
Người làm công;
Biển lớn.
* * *
188. VỀ DÂY BẦU LEO
– Xin đại đức giải về dây bầu leo?
– Vâng, giây bầu leo có một điểm rất đặc biệt, là ban đầu nó bò trên đất, trên cỏ, cái vòi của nó lần tìm những cành nè, những cành cây khô để leo lên. Sau khi bò lên cao hoặc trên chót đọt của cây; thì cành, nhánh lá của nó mới tỏa ra, xanh tốt rồi đơm hoa kết trái. Phàm người tu phạm hạnh cũng như thế, ban đầu, tu tập những pháp nhỏ, pháp thấp… rồi lần hồi, biết vươn lên cao, đến chót đỉnh để tỏa cành nhánh xanh tốt, đơm hoa rồi kết A-la-hán quả. Đúng như tôn giả Xá-lợi-phất có dạy: “Dây bầu leo thường dùng cái vòi bắt dính những cành nhánh khô rồi bò lên cao, xanh tươi tốt đẹp; vị tỳ khưu mong được quả A-la-hán cũng phải biết vin vào những pháp tu tập ban đầu, nắm bắt từng thành quả từ thấp lên cao để tiến triển đến quả vị của bậc Vô học.”
* * *
189. VỀ HOA SEN
– Về hoa sen thì – đại đức Na-tiên nói – có ba đức tính: Từ trong bùn sinh trưởng, lớn lên mà không hôi mùi bùn; lên khỏi nước mới nở hoa, và khi gió thổi thì lay động nhẹ!
Đức vua Mi-lan-đà hỏi:
– Vậy gì là bùn, thưa đại đức?
– Bùn hàm chỉ tất cả những gì thuộc về thế gian. Ví dụ như gia đình, chủng tộc, dòng họ, giai cấp, danh vọng, lợi lộc, tứ sự cúng dường hoặc tất cả những gì, tất cả những pháp dễ phát sanh đắm lụy, cấu uế như sắc đẹp, âm thanh quyến rũ, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái v.v…
– Có nghĩa là từ thế giới ấy lớn lên, từ thế gian trần lụy ấy mà sống đạo, nhưng không nên để cho cấu uế vẩn đục, lấm nhơ phạm hạnh…
– Vâng, đúng như thế! Đôi khi có những vị tỳ khưu xuất thân trong giai cấp, dòng họ… nào đó, sau khi xuất gia phạm hạnh rồi cũng không bước ra khỏi được giai cấp và dòng họ của mình, vẫn mang bản ngã giai cấp, dòng họ ấy. Và bị quyến niệm, hệ lụy bởi giai cấp, dòng họ của mình, tâu đại vương!
– Vâng, trẫm hiểu rồi, còn đức tính thứ hai?
– Sau khi nở hoa trên mặt nước, không bao giờ hoa sen rơi trở vào nước, chìm lại trong nước. Cũng y như thế, vị tỳ khưu đã sống đời phạm hạnh không nên rơi trở vào cuộc đời, bị những ưu sầu, sợ hãi từ cuộc đời làm chìm đắm, chi phối nữa.
– Vâng, trẫm hiểu rồi.
– Điều thứ ba, khi có gió thổi, những hoa sen lay động nhẹ. Có nghĩa là bậc hành giả, khi bị các phiền não thế gian, tám ngọn gió thế gian lay động phải biết ngay, tỉnh thức ngay. Nói cách khác, phải biết sợ hãi chút ít đối với các pháp trần làm cho lay động tâm, đúng như Đức Chánh đẳng giác đã thuyết: “Các thầy tỳ khưu nên thọ trì điều học, dù có giới phạm, tội lỗi chút ít cũng phải biết sợ hãi nhiều.”
Đấy là tất cả ba đức tính của hoa sen, tâu đại vương!
* * *
190. VỀ HẠT GIỐNG
– Về hạt giống thì có hai điều cần phải học hỏi, tâu đại vương!
– Trẫm đang nghe đây.
– Vâng. Thứ nhất, hạt giống thường nhỏ, ít mà thâu hái kết quả bao giờ cũng lớn, nhiều. Tương tự vậy, một vị tỳ khưu khi thọ trì những điều học, đừng coi thường những nhân phạm tội, dù rất nhỏ, ít; vì kết quả của nó sẽ rất lớn, có thể tác hại phạm hạnh trọn đời của vị sa môn. Và cũng chính nhờ ngăn giữ những điều học nhỏ và ít ấy – mà kết quả sẽ thành tựu viên mãn sa môn hạnh rất cao thượng, rất cao quý sau này.
Thứ hai, hạt giống ấy nếu được gieo xuống một thửa ruộng được chuẩn bị tốt về nhiều mặt, như: cày bừa kỹ, nước và phân đầy đủ; thì hạt giống ấy sẽ sanh trưởng rất mau lẹ, xanh tốt, đơm hoa kết quả viên mãn. Tương tự thế, thửa ruộng chính là tâm của vị tỳ khưu, phải được chuẩn bị tốt về nhiều mặt: có đức tin trong sạch, vắng lặng, ở nơi chỗ yên tĩnh thì hạt giống Tứ niệm xứ sẽ dễ dàng phát triển xanh tốt, đơm hoa kết quả Thánh đạo. Đúng như đại đức Anuruddha (A-nậu-đà-la) đã thuyết: “Gieo hạt giống xuống đám ruộng tốt, phân nước đầy đủ, kết quả thu hái sẽ làm vừa ý người chủ ruộng. Cũng như vậy, gieo hạt giống Tứ niệm xứ vào tâm của một hành giả có trạng thái tâm tốt: trong sạch, thanh tịnh, ở nơi vắng lặng – thì đạo quả Thánh nhân sẽ phát triển rất mau lẹ, sẽ đơm hoa kết quả như ý nguyện!
* * *
191. CÂY SÀLA XANH TỐT
– Một chi của cây sàla xanh tốt là thế nào hở đại đức?
– Tâu, vì ngài Ràhula có thuyết với đại ý rằng: “Sở dĩ có cây Sàla phát triển sung mãn, xanh tốt, thân cây chọc thủng lên trời cao một trăm hắt tay, xòe táng rộng vững chãi, cành nhánh to mạnh, lá xanh tốt tươi – là vì rễ nó đâm sâu trong lòng đất, rễ vươn dài trong đất đến một trăm hắt tay! Bậc hành giả tu tập cũng vậy, muốn đạt được thành quả cao siêu thì cũng phải đâm sâu vào lòng đất, vươn dài trong lòng đất. Đất ấy chính là ở nơi chỗ thanh vắng, có đức tin, nội tâm trong sạch và an tĩnh vậy.”
– Thưa, trẫm đã hiểu.
* * *
192. VỀ CHIẾC THUYỀN
Đại đức Na-tiên nói:
– Về chiếc thuyền thì có ba điều, tâu đại vương.
– Vâng, cho trẫm nghe.
– Điều thứ nhất, một chiếc thuyền được gọi là tốt, có thể vượt được biển khơi – thì chiếc thuyền ấy phải được đóng bằng loại gỗ tốt, chắc bền, sắt thép tốt, nhựa tốt… nói chung là mọi vật liệu phụ tùng đều phải hoàn bị. Có được chiếc thuyền như thế mới đưa được người, vật đến nơi an toàn. Một vị tỳ khưu cũng y như thế, chuẩn bị tốt cho mình về hạnh kiểm, giới đức, pháp học, pháp hành, trí tuệ… mới có khả năng tự cứu độ mình, đưa chúng sanh, người, trời vượt thoát khỏi đại dương sinh tử.
– Điều thứ hai, chiếc thuyền ra khơi dĩ nhiên là phải sẵn sàng chịu đựng mọi phong ba bão táp, phải đương đầu các bãi đá ngầm, dòng nước xoáy v.v… Tương tự thế, vị tỳ khưu cũng phải sẵn sàng chịu đựng mọi sóng gió phiền não, những cạm bẫy, những hệ lụy phát sanh từ lợi lộc, danh vọng, lời khen, sự cung kính, lễ bái, tứ sự cúng dường v.v…
Điều thứ ba, ra khơi, chắc hẳn thuyền phải đi qua những vực nước sâu đầy những cá sấu, thuồng luồng, cá mập hung dữ như thế nào cũng không nên sợ hãi, không thể sợ hãi. Cũng vậy, vị tỳ khưu nắm chắc Tứ diệu đế, thấy rõ Tứ diệu đế – đồng thời phải thấy rõ, biết rõ ba luân, mười hai chuyển [*], đồng thời phải huân tập ba la mật khả dĩ vượt qua tất cả các hành (sankhàra) mà không sợ hãi, không thể sợ hãi.
Đấy là tất cả ba chi về chiếc thuyền, tâu đại vương!
– Cảm ơn đại đức.
[*] Có thể gọi là ba sắc thái và mười hai phương thức:
Tuệ tri: Khổ: Đấy là khổ, phải được thấy, đã thấy.
Tuệ diệt: Tập: Đây là nguyên nhân khổ, phải được tận diệt, đã tận diệt.
Tuệ chứng: Diệt: Đây là diệt khổ, phải được chứng ngộ, đã chứng ngộ.
Tuệ hành: Đạo: Đây là Đạo diệt khổ, phải được thực hành, đã thực hành tốt.
* * *
193. VỀ GHE THUYỀN DÍNH ĐÁ NGẦM
– Xin đại đức cho nghe về trường hợp ghe thuyền dính đá ngầm?
– Thế nếu thuyền dính đá ngầm thì tình trạng nó ra sao hở đại vương?
– Thưa, ghe, thuyền mà dính đá ngầm rồi thì không tới, không lui được.
– Tâu, vâng. Khi tâm của một hành giả đã diệt thảy tất cả mọi tà tư duy, đã làm cho yên lặng luyến ái, sân hận, đã phá vỡ si mê rồi – thì tâm ấy sẽ trạm nhiên, bất động, thanh tịnh; sẽ ở yên một chỗ, chẳng còn xao động, chẳng còn lăng xăng đi chỗ này, chỗ nọ, chỗ kia, chỗ khác nữa!
– Vâng, vâng! còn điểm nào nữa không hở đại đức?
– Tâu, còn điểm hai nữa. Là khi thuyền dính đá ngầm rồi, hẳn là thuyền phải chìm xuống. Cũng thế, một hành giả khi tâm đã trạm nhiên, thanh tịnh, bất động rồi, sẽ từ từ chìm lắng vào trong pháp. Khi tâm đã chìm lắng trong pháp, vững chắc trong pháp, thì không gì có thể lay động được nữa. Đúng như ngài Xá-lợi-phất đã thuyết: “Thuyền khi chìm trong biển thì không có gì lay động được. Một vị tỳ khưu tâm đã chìm vào trong pháp rồi, những lợi lộc, danh vọng, khen tặng… chẳng thể làm cho giao động được.”
* * *
194. VỀ CỘT BUỒM
– Còn về cây trụ buồm, thưa đại đức? Nó liên hệ gì với sa môn hạnh?
– Tâu, cây trụ buồm sở dĩ nâng được lá buồm to nặng, là do bản thân nó kiên cố, vững chắc; đồng thời có sự liên kết đồng bộ bởi dây neo chắc bền, các trụ phụ, dây ròng rọc để kéo v.v… Tương tự thế, một vị tỳ khưu sở dĩ nâng đỡ được pháp hành cao thượng, thành tựu sa môn hạnh thiêng liêng, là do tâm và tuệ của vị tỳ khưu ấy vững chắc, đồng thời nhờ sự hỗ trợ thường trực của chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm, tỉnh giác khi đi tới, đi lui, lúc ngồi nằm, đắp y vai trái, tăng già lê, lúc ôm bát khất thực, lúc uống nước, ăn cơm, lúc đại tiện, tiểu tiện, khi đang nói, lúc im lặng v.v… Đúng như Đức Thiện Thệ đã thuyết: “Này các thầy tỳ khưu! Các thầy phải thường trực chánh niệm, tỉnh giác; hãy bổ túc sa môn hạnh bằng chánh niệm, tỉnh giác. Chánh niệm, tỉnh giác chính là giáo huấn tinh tủy của giáo pháp Như Lai.”
* * *
195. VỀ NGƯỜI CẦM LÁI THUYỀN
– Thưa đại đức! về người cầm lái thuyền thì có ba chi, mong đại đức cho nghe luôn thể.
– Vâng, thứ nhất, người cầm lái thuyền phải cẩn trọng, cẩn thận, tỉnh thức, chú ý đúng, hướng tâm đúng để dẫn con thuyền đến nơi an toàn. Tương tự thế, vị tỳ khưu phải cẩn trọng, thận trọng, tỉnh thức, hướng tâm đúng, chú ý đúng để dẫn mình đến nơi hạnh phúc tối thượng là Niết-bàn.
Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Các thầy chớ nên dễ duôi, giải đãi mà hãy tinh cần, nỗ lực, tỉnh thức, kiên trì để giải thoát tâm ra khỏi mọi phiền não; như con tượng vương dù bốn chân bị dính chặt trong bùn, vẫn cố nỗ lực, kiên trì để thoát ra.”
Điều thứ hai, người cầm lái thường biết rành rẽ nơi nào có đá ngầm, nơi nào có nước xoáy, nơi nào có dòng nghịch lưu…; để biết cách tránh né, chuyển phương, chuyển hướng v.v.. Vị tỳ khưu nào có khác gì? Phải biết rành rẽ chỗ này nguy hiểm, nơi kia không nguy hiểm, điều này tốt, điều kia xấu, cái này tội, cái kia không phải tội, người này nên thân cận, kẻ kia không nên gần gũi, pháp này cao thượng, pháp kia là hạ liệt vv… để tránh né đúng, viễn ly đúng, hướng tâm đúng, v.v…
Điều thứ ba, người cầm lái hằng điều chỉnh kim vận tốc, kim phương hướng; tự tay mình điều chỉnh các loại kim đồng hồ chứ không dám tùy tiện giao phó cho ai. Các vị sa môn cũng y như thế, phải tự động điều chỉnh tâm mình, ý mình, phải tự thu thúc, điều chỉnh lục căn, cẩn thận cả từng suy tư, niệm tưởng để khỏi rơi vào tà tư duy, ác tưởng, tạp tưởng – chứ không thể nhờ cậy ai, phó thác cho ai. Đức Phật cũng có dạy trong kinh Samyutta rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Các thầy đừng tư duy đến các điều ác, bất thiện pháp, vì ác, bất thiện là có tội báo. Những ác tư duy, những bất thiện tư duy ấy là gì? Đó là dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy!”
Đấy là ba chi về người cầm lái thuyền, tâu đại vương.
– Rất rõ, cảm ơn đại đức!
* * *
196. VỀ NGƯỜI LÀM CÔNG
– Về người làm công thì phải biết chăm lo công việc của mình. Người làm công muốn nhận được tiền công xứng đáng, muốn nhận được sự khen thưởng thì phải siêng năng, cần mẫn, chăm lo từng công việc, từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, từ ngoài vào trong v.v… Một vị tỳ khưu muốn được qủa vị xứng đáng, muốn được phần thưởng tôn vinh cao quý là Niết-bàn, phải biết chăm lo bổn phận của sa môn. Các công việc thường xuyên như quán thân là bất tịnh, quán thân chỉ là đất, nước, lửa, gió; hoặc thực hành chỉ tịnh, quán minh v.v… mỗi mỗi, vị tỳ khưu phải làm cho tốt, làm cho thiện xảo… để thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, thóat khỏi sầu, bi, ưu, não v.v… Đúng như tôn giả Xá-lợi-phất đã thuyết: “Các thầy phải thường xuyên quán tưởng thân để thấy rõ sự thật về thân. Khi thấy rõ sự thật về thân rồi thì các thầy sẽ diệt tận mọi nỗi khổ đau trên trần thế.”
– Trẫm đã hiểu, thưa đại đức!
* * *
197. VỀ BIỂN CẢ
– Tâu đại vương! Biển cả có năm đặc tính, năm điều cần phải ghi nhớ, chắc đại vương đã hiểu rõ, không cần phải giải bày, phải chăng?
– À, có thể trẫm đã hiểu rồi. Năm điều của biển cả là:
Đẩy những xác chết bất tịnh lên bờ;
Biển chứa trong lòng nó những loại ngọc quý báu;
Nơi cư trú của nhiều loại động vật, thực vật;
Luôn luôn đầy nước;
Không bao giờ tràn bờ.
Có phải thế không, đại đức?
– Phải rồi, nhưng đại vương liên hệ, tương quan năm điều ấy với phẩm hạnh sa môn như thế nào?
– Thưa, vâng. Năm điều trên tương quan với năm điểm của sa môn như sau:
Thứ nhất, tâm của một tỳ khưu luôn đẩy những tham lam, sân hận, si mê, ngã chấp, bạc nghĩa, quên ơn, bỏn xẻn, ganh tỵ, điệu bộ, khoe khoang, kiêu ngạo, nói dối, trược hạnh… ra bên ngoài. Tâm ấy luôn luôn bảo vệ sự thanh khiết cho mình.
Thứ hai, tâm của vị sa môn hằng cất giữ những pháp quý báu như thiền định, quán minh, thần thông, đạo quả v.v..
Thứ ba, tâm của vị sa môn là nơi cư trú của những thiện pháp như: tri túc, thiểu dục, tàm quý, nhẫn nại, tinh tấn, đức tin, từ, bi, hỷ, xả v.v…
Thứ tư, tâm của vị sa môn luôn đầy đủ học giới, dù bị đe dọa sanh mạng cũng không để cho học giới của mình bị khiếm khuyết.
Thứ năm, tâm của vị sa môn không bao giờ tự mãn rằng kiến thức, hiểu biết của mình đã đầy, đã đủ, nên vẫn chăm chuyên nghe chú giải, học Pàli, kinh, bổn sanh, vi diệu tạng v.v…
Năm điều ấy của sa môn khả dĩ so sánh với năm tính chất của biển, phải vậy không, đại đức?
– Tâu, vâng, chính xác lắm.
Đức vua Mi lan đà lại hỏi tiếp:
– Đại đức còn nhiều ví dụ về sa môn hạnh lắm phải không?
– Vâng, còn, rất nhiều.
– Đại đức có thể liệt kê tiêu đề cho nghe được chăng?
– Được. Vậy đại vương hãy nghe. Sa môn hạnh còn có thể được ví với những điều sau đây:
Năm điều của quả đất;
Năm điều của nước;
Năm điều của lửa;
Bốn điều của gió;
Năm điều của núi;
Năm điều của hư không;
Năm điều của mặt trăng;
Sáu điều của mặt trời;
Ba điều của trời Đế thích;
Bốn điều của vua Chuyển luân;
Một điều của con mối;
Hai điều của mèo;
Một điều của chuột;
Một điều của bò cạp;
Một điều của chồn;
Hai điều của chó rừng;
Ba điều của bò;
Hai điều của heo;
Năm điều của voi;
Bảy điều của sư tử;
Ba điều của vịt nước;
Hai điều của chim Venàhikà;
Một điều của chim sẻ;
Hai điều của chim cu;
Một điều của con rít;
Hai điều của con dơi;
Một điều của con đĩa;
Ba điều của con rắn;
Một điều của con trăn;
Một điều của nhện giăng lưới;
Một điều của trẻ ngậm vú mẹ;
Một điều của rùa vàng;
Năm điều của rừng già;
Ba điều của cây đại thọ;
Năm điều của mưa;
Ba điều của ngọc ma ni;
Bốn điều của người săn thú;
Hai điều của người câu cá;
Hai điều của người thợ bào;
Một điều của người thợ gốm;
Hai điều của con quạ;
Ba điều của cái dù;
Ba điều của ruộng;
Hai điều của thuốc trị rắn độc ;
Ba điều của vật thực;
Bốn điều của người bắn cung v.v…
Nghe đến ngang đây, đức vua Mi lan đà nói:
– Vậy là quá nhiều rồi, thưa đại đức. Có thể trong số ví dụ ấy, trẫm đã được nghe vài lần rồi; nhưng mà vì lợi ích cho phần đông, đại đức bi mẫn nói lại, lặp lại cũng không sao. Trẫm sẵn lòng rửa tay để lắng nghe.
– Tâu, vâng!
* * *
198. VỀ QUẢ ĐẤT
– Về quả đất thì có năm điều, tâu đại vương!
Nó tương tự với năm đức tính của sa môn hạnh như sau:
Thứ nhất, dù ai quăng bỏ lên đất những vật bất tịnh như đàm, dãi, nước mũi, đại tiểu tiện… quả đất cũng không hề khởi tâm thương hoặc ghét, vừa lòng hoặc không vừa lòng.
Một vị sa môn nên học hạnh quả đất. Dù ai khen, chê, dù được lợi lộc hay mất lơi lộc, dù được danh hay mất danh, dù bị ai nguyền rủa, phỉ báng, không vì vậy mà vị sa môn dậy tâm bất bình, thương ghét v.v…
Thứ hai, quả đất không hề trang sức, trang điểm cho mình; nhưng quả đất có đầy đủ ngọc ngà châu báu, đầy đủ tất cả vật thoa, vật thơm.
Một vị sa môn không nghĩ rằng mình có một cái ngã để trang điểm, một cái ngã để trang sức; nhưng quả thật vị sa môn luôn trang sức, trang điểm cho mình những hương liệu quý báu được toát ra từ giới đức, phẩm hạnh của mình.
Thứ ba, quả đất hằng nâng đỡ, che chở cho quốc độ, xóm làng, châu quận, người vật, núi sông, cây cỏ, vạn loài…
Cũng vậy, vị sa môn phạm hạnh là người hằng siêng năng làm nơi nâng đỡ, che chở cho chúng sanh, giáo huấn chúng sanh, nhắc nhở chúng sanh tinh tấn tu tập thiện pháp.
Thứ tư, quả đất đầy đặc cả một khối, không chắp vá, không vỡ vạc, không rời từng mảnh. Tương tự như vậy, học giới của vị sa môn phải được đúc thành một khối thuần nhất, không thể bị khuyết phạm, bể lủng, chắp vá hoặc đứt rời ra từng điều được.
Thứ năm, quả đất luôn luôn bình đẳng, không thiên vị, không hiềm hại ai mà cũng chẳng luyến ái chúng sanh nào. Cũng vậy, tâm vị sa môn cũng phải bình đẳng, không thiên vị; chẳng thương bên này ghét bên kia, thích chỗ này, bất bình chỗ kia v.v…
Cận sự nữ Culasubhaddà có nói: “Trước đây, tôi có vọng động giết hại chúng sanh bằng đùi gậy hay bằng giáo mác; tôi đeo tràng hoa, tôi thoa vật thơm và cảm thấy thỏa thích.Bây giờ học Phật, tâm tôi không còn bất bình, sân hận, không còn ngã chấp, luyến ái. Tâm của tôi giống như quả đất vậy, đúng là tâm của một bậc sa môn!”
* * *
199. VỀ NƯỚC
Đại đức na-tiên nói:
– Nước có năm điều cần phải được học hỏi, đại vương còn nhớ chứ?
– Vâng, còn nhớ, nhưng xin đại đức cứ giảng cho.
– Cũng được, tâu đại vương.
Thứ nhất, bản chất của nước vốn trong trẻo do nhiễm bẩn mà trở nên đục vẩn. Vị sa môn sống giữa thế gian cũng cần phải giữ tâm trong trẻo, đừng vì lời nói hay đẹp mà vừa lòng, đừng vì lời nói xấu ác mà mếch lòng.
Thứ hai, tính nước thường mát mẻ, dịu hòa; bậc sa môn phải biết giữ tâm nhu hòa, từ ái, mát mẻ đối với tất cả chúng sanh.
Thứ ba, nước có công năng tẩy sạch, giặt rửa những dơ bẩn; vị sa môn cũng hằng tẩy rửa những bất tịnh, xấu xa trong lòng mình y như thế.
Thứ tư, nước là nhu cầu thiết yếu duy trì sanh mạng của tất cả chúng sanh; vi sa môn cũng phải là nơi cho chư thiên và loài người nương nhờ để duy trì phước mạng và tuệ mạng của họ.
Thứ năm, nước hằng đem đến lợi ích, an vui cho người, vật, chim muông, cây cỏ – từ việc ăn uống, giặt rửa, trồng hoa qủa, rau trái v.v… cho đến sông ngòi, suối khe, khí hậu v.v… Vị sa môn cũng phải biết dùng lời từ ái, tâm bi, tâm hỉ, thuyết pháp, sống đời tri túc, nhẹ nhàng, an tịnh… để ban rãi sự sống trong lành, cao đẹp cho tất cả chúng sanh. Đúng như đức Bồ tát có lần nói với trời Đế Thích: “Ngài là vị trời có nhiều quyền năng và quyền lực, nếu ngài muốn thành tựu cho tôi một ước nguyện, thì tôi sẽ không mong ước nguyện ấy thành tựu cho mình, tốt đẹp cho mình. Tôi sẽ ước nguyện rằng, cầu cho tất cả chúng sanh biết thương yêu nhau, đừng ai quấy phá, bức hại ai; đừng có chúng sanh này làm cho đau đớn chúng sanh khác, dù là tí chút.”
Đấy là tất cả 5 điều về nước, tâu đại vương!
* * *
200. VỀ LỬA
– Về lửa cũng có năm điều, tâu đại vương.
Thứ nhất, lửa có tính năng là đốt cháy, thiêu hủy mọi vật không phân biệt sạch, dơ, khô hoặc tươi. Vị sa môn cũng cần phải dùng tuệ diệt, tuệ thiêu hủy để đốt cháy tất cả phiền não bên trong và bên ngoài; cả chuyện vừa lòng lẫn cảnh nghịch ý.
Thứ hai, lửa không có lòng dạ thương xót cỏ rác, gỗ mục hay hoa đẹp, cây xanh. Nó đốt hết. Cũng vậy, vị sa môn cũng không nên có lòng dạ thương tưởng đến các loại phiền não, dù phiền não ấy thô thiển hay tế vi, có sắc xấu hay sắc đẹp. Phải đốt hết, không một loại trừ nào cả.
Thứ ba, lửa có tính năng đối đãi với lạnh, đối trị với lạnh, ngăn sự lạnh. Cũng vậy, vị sa môn cũng phải khởi lên sức lửa của tinh tấn để ngăn ngừa, đối trị với phiền não.
Thứ tư, lửa tỏa nhiệt, tỏa hơi nóng. Người ta có thể dùng lửa để nấu ăn, để đốt vật dơ uế, để sưởi ấm, đem đến lợi ích cho nhiều người. Cũng vậy, vị sa môn cũng phải biết lấy lửa nhiệt tình, lửa ấm áp… ấy để đem đến lợi ích cho chư thiên và loài người.
Thứ năm, lửa hằng chiếu sáng, soi rọi được những chỗ tối tăm. Cũng vậy, vị tỳ khưu phải biết dùng trí tuệ, tuệ minh để chiếu rọi mọi ngõ ngách thâm u của vô minh, ái dục và tà kiến. Tương tự như lời Đức Phật dạy cho Ràhula như sau: “Này Ràhula! Con hãy thường xuyên tham thiền về lửa, quán tưởng về lửa, đến một lúc, tâm con sẽ giống như lửa; khi ấy, các bất thiện pháp sẽ không còn đè nén, bức hại tâm con được.”
* * *
201. VỀ GIÓ
– Về gió cũng có bốn điều cần phải học hỏi, đại đức hãy giảng tiếp cho nghe?
– Tâu, vâng.
Thứ nhất, gió mạnh làm cho cây gãy, lá rụng, đôi khi bật luôn cả gốc rễ; vị sa môn cũng phải tu tập, tạo sức gió mạnh – do định lực và tuệ lực – để cành nhánh, lá, gốc rễ của những pháp hành (Sankhàra), của phiền não bị rơi rụng, bậc gốc đi cũng y như thế!
Thứ hai, gió thường ngao du, đi khắp giữa hư không, cũng vậy, vị sa môn cũng phải để tâm tiến tu, phải đi khắp vào các cõi xuất thế gian.
Thứ ba, gió thổi mang mùi hương hoa rừng thơm ngát đi nơi này nơi kia; vị ẩn sĩ sa môn cũng phải mang hương hoa trong lành của giới, của giải thoát tỏa đi khắp các cõi người và trời y như thế.
Thứ tư, gió không có trụ xứ, không lưu luyến chỗ ở, thanh thoát đi nơi này đến nơi kia, không ai tìm ra dấu vết. Cũng vậy, vị tỳ khưu không nên có chỗ ở, không lưu luyến trụ xứ, không quyến niệm ai, không ràng buộc bởi ai, thanh thản đi nơi này đến nơi kia không hề dính mắc. Đúng như lời Đức Tôn sư đã thuyết: “Không có chỗ ở thì sẽ không có chuyện lưu luyến chỗ ở. Khi không có lưu luyến chỗ ở thì trần cấu, phiền não sẽ không có. Đấy là cảnh giới của bậc Mâu ni.”
* * *
202. VỀ NÚI
– Về núi cũng có năm điều, tâu đại vương!
Thứ nhất, núi thường ở một chỗ, không chuyển động, không lay động,không dời đổi dù gió to hay bão dữ. Vị sa môn cũng phải biết học núi. Phải biết trụ tâm vững chắc, kiên định, không lay chuyển, không chấn động, không dời đổi giữa cõi thiện ác, phải trái, khổ vui, được danh, mất danh, được lợi, mất lợi; giữa tham và sân, giữa đúng và sai v.v… Đúng như Đức Đại Bi đã thuyết: “Núi đầy đặc không trống bộng ở giữa, không hề di động hay chuyển động. Bậc trí tuệ cũng nên như thế, phải đầy đặc giới định tuệ, không trống rỗng ở giữa; khả dĩ an nhiên, tự tại… trước lời khen, tiếng chê của cuộc đời.”
Thứ hai, núi là một khối thuần nhất, độc lập; không thể dời núi đi đâu, không thể dồn núi vào chung một quần cư, không thể chất đống núi lại. Tương tự thế, vị sa môn không thể thay đổi, di dời chí nguyện và phẩm hạnh, không thể quần cư hỗn tạp chung với bất cư ai, dù là giới xuất gia hay là cư sĩ, người đời!
Thứ ba, trên đỉnh núi không cây gì mọc được, cũng vậy, vị sa môn phải giữ tâm mình như đỉnh núi, không thể cho bất kỳ hạt giống phiền não nào nẩy mầm, tăng trưởng được.
Thứ tư, đỉnh núi là chỗ cao nhất của ngọn núi, bởi vậy, hành giả cũng phải nên tu tập, tiến hóa đến đỉnh cao của trí tuệ. Đúng như Đức Đạo Sư đã thuyết: “Bậc trí thức ở đời phải biết khắc phục sự dễ duôi, giải đãi, buông thả, khi ấy mới có thể lên được trí tuệ đỉnh cao. Ở đấy, sẽ không còn si mê, ưu sầu; nhìn xuống thế gian thì chúng sanh đang si mê, ưu sầu … khổ đau không thể tả.
Thứ năm, một ngọn núi cao thì không bao giờ tự làm mình trở thành bình địa, cũng vậy, vị sa môn sống hạnh khước từ, xuất ly thế gian, không bao giờ để cho tâm mình đồng hóa với thế gian, biến thành như thế gian. Tương tự thế, nàng cận sự nữ Subbaddà có nói rằng: “Phàm tình chúng sanh ở trong đời, nếu được lợi thì kiêu mạn, cuồng vọng; nếu mất lợi thì ưu sầu, thở than. Là sa môn, chúng ta không như thế, không bao giờ vì lợi lộc, khen tặng mà để tâm trôi nổi theo thế gian thường tình.”
Tất cả đấy là năm chi về núi, tâu đại vương!
* * *
203. VỀ HƯ KHÔNG
Đại đức Na-tiên nói:
– Về hư không thì chắc đại vương còn nhớ chứ?
– Vâng, còn nhớ. Nó có năm điều là:
Thứ nhất, không ai nắm bắt được.
Thứ hai, là nơi dạo chơi của chư thiên hoặc người có thần thông.
Thứ ba, không có chỗ ở.
Thứ tư, không cùng tột.
Thứ năm, trống rỗng, không ngăn lại.
Đại đức na-tiên đáp:
– Đúng vậy. Một vị tỳ khưu với sa môn hạnh của mình cũng không để tâm cho phiền não nắm bắt; phải dạo chơi ở chốn không bị ràng buộc bởi vô thường, khổ não, vô ngã; lìa tất cả mọi cảnh giới, không trú vào một cõi nào, tài tình danh lợi không vướng mắc; phải có tâm vô lượng, giới vô lượng, tuệ vô lượng, không có mé bờ.Thứ năm là tâm phải rỗng không, hoàn toàn không ngăn ngại trước mọi phe nhóm, thân quyến, lợi lộc v.v…
Tất cả năm điều ấy, đúng như Đức Đạo sư đã dạy Ràhula: “Này Ràhula! Con nên thực hành, tiến tu, làm thế nào cho tâm trở nên rỗng không, như hư không vậy.”
* * *
204. VỀ MẶT TRĂNG
– Về mặt trăng, xin đại đức giảng giải cho, nó có mấy điều cùng sự liên hệ với sa môn hạnh?
– Tâu, vâng. Mặt trăng cũng có năm điều:
Thứ nhất, những đêm đầu tháng, trăng thượng huyền tỏa ánh sáng rất yếu; nhưng rồi nó sẽ sáng dần lên cho đến khi trăng tròn. Phàm sự tu tập cũng y như thế. Pháp học, pháp hành đều y như thế. Giới định tuệ cũng y như thế. Nghĩa là từ từ mà trau giồi học giới, từ từ mà an trú tâm định, từ từ trí tuệ sẽ sáng tỏ viên mãn.
Thứ hai, mặt trăng là một vật rất lớn, phàm hành giả tu tập sa môn hạnh phải nuôi dưỡng đề mục, tinh tiến trong đề mục để thành tựu quả lớn lao cho mình.
Thứ ba, mặt trăng mọc vào ban đêm, di chuyển trong đêm và sáng dần lên trong đêm; cũng vậy, vị tỳ khưu phải ở nơi thanh vắng, thực hành nơi thanh vắng, từ từ trí tuệ sẽ sáng dần lên nơi thanh vắng.
Thứ tư, mặt trăng tự sáng cho chính mình, tự thắp lên ánh sáng cho chính mình, tự dựng ngọn cờ cho chính mình; vị tỳ kheo cũng nên như thế, tự trong sạch giới cho chính mình, tự tỏa hương giới cho chính mình, tự dựng ngọn cờ giới cho chính mình.
Thứ năm, dù chẳng ai cầu thì mặt trăng vẫn cứ soi sáng cho thế gian; vị tỳ khưu cũng vậy, chẳng ai cầu vẫn mang ánh sáng trí tuệ ban rãi cho thế gian. Đúng như Phật ngôn trong Samyutta Nikàya: “Này các thầy tỳ khưu! Các thầy nên đi đến mọi nơi, mọi gia đình, mang ánh sáng mặt trăng mà đi; phải thu thúc, gìn giữ phẩm hạnh của mình, đừng buông thả, đừng khoe khoang hay kiêu ngạo.”
Đấy là năm đức tính của mặt trăng ở nơi một vị sa môn, tâu đại vương!
* * *
205. VỀ MẶT TRỜI
– Về mặt trời thì có sáu chi,như sau:
Thứ nhất, mặt trời có tính dụng làm cho khô, thiêu đốt mọi vật; vị tỳ khưu cũng phải làm cho khô ráo nước ái dục, phải thiêu cháy tất cả mọi phiền não.
Thứ hai, mặt trời trừ diệt những chỗ tối tăm; vị tỳ khưu cũng phải trừ diệt những tham lam đen tối, những sân hận đen tối, những si mê đen tối, những tà kiến đen tối, trược hạnh đen tối.
Thứ ba, mặt trời hằng có kỷ luật của mình, hằng xoay vần quanh chính mình; vị tỳ khưu cũng phải như thế, phải sống theo giới luật của mình, phải xoay quanh phận sự của mình, đừng nên để cho giới luật mình hư hỏng, phận sự của mình trái lệch.
Thứ tư, mặt trời có tính năng tỏa nhiệt, nung nóng trái đất, mọi loài, mọi vật; vị tỳ khưu khi tu tập phải nung nóng nhiệt tình làm cho chư thiên và nhân loại cũng phải nóng lên do hạnh kiểm, giới đức, thiền định, lục căn thanh tịnh, thất giác chi, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc và giải thoát của mình.
Thứ sáu, mặt trời trong hành trình của nó, nó sợ nhất là mặt trăng che ám; vị tỳ khưu cũng phải thế, phải hằng kinh cảm, thương xót chúng sanh lặn hụp trong bốn đường ác, đầy dẫy chấp thủ, tà kiến, phiền não, đi sai lầm đường nên phải chịu những thống khổ.
Thứ sáu, mặt trời hằng soi chiếu, tỏ rõ mọi vật, vị tỳ khưu cũng phải soi chiếu, tỏ rõ tâm mình, pháp thực hành của mình v.v…
Tôn giả Vangìsa có thuyết rằng: “Khi mặt trời mọc lên, soi rõ thấy sắc của tất cả vật hữu sắc, xấu tốt, sạch dơ nó đều thấy cả. Vị tỳ khưu cũng phải vén mở vô minh và ái dụcđể nhìn thấy pháp, tỏ rõ pháp, đồng thời cũng phải giúp chúng sanh thấy rõ như mình đã thấy.”
* * *
206. VỀ TRỜI ĐẾ THÍCH
– Tâu đại vương! Trời Đế Thích có ba điều là, thứ nhất, hằng mãn nguyện trong phước báu an lạc của mình.Thứ hai, ngài là vị vua lớn của chư thiên, khi gặp chánh pháp rồi thì hằng tán dương chánh pháp, làm cho phước báu an lạc kia được tăng trưởng hơn nữa. Thứ ba là trời Đế Thích không bao giờ chán nản trong địa vị của mình, trong sự an lạc của mình.
Tương tự thế, trước hết, vị tỳ khưu cũng phải thỏa thích, an lạc trong cõi vắng lặng của mình. Thứ hai là hằng tán dương pháp, xem pháp là cao quý to lớn; luôn luôn hoan hỷ, tươi vui, giải trừ lười biếng, giải đải để cho an lạc, vắng lặng kia cũng được phát triển thêm nữa. Thứ ba là không bao giờ chán nản trong cõi thanh vắng, cõi an lạc mà mình đang thọ hưởng.
* * *
207. VỀ CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG
– Về Chuyển luân Thánh vương thì có bốn điều, tâu đại vương!
– Vâng, trẫm xin nghe.
– Thứ nhất là, đức Chuyển luân cai trị quốc độ, sở dĩ muôn dân thuần phục là do bốn pháp tế độ (Tứ nhiếp pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự); vị tỳ khưu cũng hằng nên như thế, dùng bốn pháp tế độ để sống chan hòa với tứ chúng, môn đệ.
Thứ hai, trộm cướp không bao giờ phát sanh trong quốc độ của vua Chuyển luân; vị tỳ khưu cũng phải làm cho “Quốc độ lòng mình” yên vui, thanh bình; đừng để cho các loại đạo tặc là các tà tư duy (Dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy) phát sanh nhũng loạn, tác hại.
Thứ ba, Đức Chuyển luân mỗi ngày thường nghĩ đến thiện ác, nghĩ đến phước tội; và thường giáo huấn, nhắc nhở muôn dân trong quốc độ của mình, rộng cho đến biên cương, hải đảo, sống đời hiền lương, trong sạch. Vị tỳ khưu cũng mỗi ngày phải giáo dục, nhắc nhở thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp cho tốt đẹp thêm, hoàn thiện thêm. Đúng như lời của Đức Tôn sư thuyết trong Anguttara: “Bậc xuất gia phải luôn luôn nghĩ rằng, ngày và đêm trôi qua, ngày và đêm cứ trôi qua như thế, ta phải làm gì với phẩm hạnh sa môn?”
Thứ tư, đức Chuyển luân tuy sống trong quốc độ thái bình, an lạc, nhưng ngài luôn đề phòng cả bên trong lẫn bên ngoài không để cho bất cứ một hiện tượng xấu, ác nào phát sanh có thể làm nguy hại cho quốc gia. Cũng vậy, vị tỳ khưu phải thường trực chánh niệm và tỉnh giác để canh giữ giặc trong cũng như giặc ngoài, đừng để cho phiền não có cơ hội khởi động, tác hại quấy phá mình. Đúng như Đức Thế Tôn đã thuyết: “Này các tỳ khưu! Các vị Thinh văn, A-la-hán thường có chánh niệm và tỉnh giác, thường trực ngăn niệm ác, giữ niệm lành; thường dứt pháp có tội và tiến tu pháp không tội, luôn để cho tâm mình thuần khiết, trong sạch.
Hits: 859