BỒ TÁT VĂN THÙ SƯ LỢI – ĐẠI BIỂU CHO TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT

Theo Phật Giáo, mỗi vị Phật thường có hai vị Bồ tát làm thị giả. Nếu như Ðức Phật A Di Ðà có ngài Quán Thế Âm Bồ Tát và ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát làm thị giả thì hai vị thị giả của Ðức Phật Thích Ca chính là Phổ Hiền Bồ Tát và Văn Thù Bồ Tát. Người đời thường xưng là Hoa Nghiêm Tam Thánh.

Cùng với Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát là một trong hai hai vị thị giả của Ðức Phật Thích Ca

1. Truyền thuyết và ý nghĩa danh xưng của Bồ Tát Văn Thù

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tên đầy đủ là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát, tên tiếng Phạn là Mañjuśrī, hoặc Maṃjuśrīdịch âm là Văn Thù Thi Lợi, Mạn Thù Thất Lợidịch ý là Diệu Cát Tường, Diệu Đức. Do Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là Thượng Thủ trong hết thảy các vị Bồ Tát Đệ Tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, phụ giúp Đức Thế Tôn hoằng Pháp nên được xưng là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát.

Trong tất cả các kinh điển quan trọng của Đại Thừa Phật giáo như kinh: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật,… có lúc thì Ngài Văn Thù Bồ Tát thay mặt Ðức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp, có lúc thì Ngài làm người dẫn dắt giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng của Ðức Bổn Sư. Căn cứ vào kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn, vị Bồ Tát này đã được sinh vào nhà Bà La Môn Phạm Đức, thuộc nước Xá Vệ. Khi Bồ Tát thị hiện, ngôi nhà bỗng chốc hóa thành hoa sen. Điều đặc biệt hơn nữa là Ngài được sinh ra từ sườn phải của Mẫu Thân. Khi đó, Ngài có tướng mạo trang nghiêm, đủ 32 tướng tốt và sắc thân màu vàng tím lấp lánh. Vừa mới sinh ra đã biết nói, không lâu sau Ngài đã xuất gia và trở thành thị giả của Thế Tôn.

Do Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là Thượng Thủ trong hết thảy các vị Bồ Tát Đệ Tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, phụ giúp Đức Thế Tôn hoằng Pháp nên được xưng là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát

2. Hình tượng Bồ Tát Văn Thù

Bồ Tát Văn Thù là vị Bồ Tát đại diện cho Trí Tuệ. Trí tuệ ở đây là sự thấu hiểu tường tận chân lý, có khả năng soi rọi, chuyển hóa vô minh, phiền não, dục vọng, tham ái thành thanh tịnh, đưa nhận thức vượt lên mọi phạm trù và được giải thoát. Trong nhân gian, Bồ Tát Văn Thù thường được miêu tả với nhiều loại hình tượng đa dạng, tiêu biểu nhất phải nhắc đến là vẻ ngoài thanh tú, trang nghiêm. Ngài ngồi kiết già trên một chiếc bồ đoàn bằng hoa sen và trên đầu đội mũ ngũ Phật, tượng trưng cho ngũ trí Phật; còn năm kế trên đỉnh đầu ý chỉ nội chứng ngũ trí (nhứt thiết chủng trí, đại viên kính trí, bình đẳng tánh trí, diệu quan sát trí, thành sở tác trí). Bên tay phải của Ngài nâng cao lưỡi kiếm bát nhã đang bốc lửa (một biểu tượng đặc thù để phân biệt Bồ Tát Văn Thù với các vị Bồ Tát khác) mang hàm ý rằng chính lưỡi kiếm sắc bén này sẽ chặt đứt tất cả những vô minh phiền não đã cột chặt con người vào những khổ đau và bất hạnh của vòng sinh tử luân hồi, đưa con người ta đến trí tuệ, viên mãn. Bên tay trái của Ngài kết ấn chuyển pháp Luân, cầm cành hoa sen xanh cao ngang tai và trên hoa sen là kinh Bát Nhã biểu trưng của sự tỉnh thức và giác ngộ cùng với trí tuệ sâu rộng.

Bồ Tát Văn Thù là vị Bồ Tát đại diện cho Trí Tuệ

Dù hiện thân ở hình tượng nào, Bồ Tát cũng đều ngồi trên lưng con sư tử. Con sư tử chính là biểu tượng của công năng của trí tuệ. Bồ Tát do trí tuệ viên mãn hay thuyết pháp phá dẹp tất cả tà thuyết. Một phen chánh pháp vang lên, mọi tà thuyết đều ẩn náu cũng giống như con sư tử khi rống lên thì muôn thú phải nép phục.

3. Tinh thổ của Bồ Tát Văn Thù

Theo ghi chép trong kinh Phật giáo, chương 29 “Bồ Tát trụ xứ phẩm” trong Kinh Hoa Nghiêm cũ có nói: “Phía Đông Bắc có nơi ở của Bồ Tát, tên là Thanh Lương Sơn. Xưa kia các vị Bồ Tát thường ở đó, hiện nay có vị Bồ Tát hiệu là Văn Thù Sư Lợi cùng ở với 1000 Bồ Tát quyến thuộc, thường làm công việc thuyết pháp”. Núi Ngũ Đài, thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây – Trung Quốc, nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên kỳ thú như chốn bồng lai tiên cảnh. Núi Ngũ Ðài từ đời nhà Tùy đã được coi như là thánh địa của Bồ Tát Văn Thù và đến giữa đời nhà Ðường (cuối thế kỷ thứ bảy) đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng lớn, một địa điểm hành hương mang tầm vóc quốc tế. Vào ngày 4/4 âm lịch hằng năm, núi Ngũ Đài đón hơn hàng trăm ngàn chư Tăng cũng như Phật tử từ khắp nơi trên thế giới đổ về nơi đây để kính lễ Ngài Bồ Tát Văn Thù.

Núi Ngũ Ðài từ đời nhà Tùy đã được coi như là thánh địa của Bồ Tát Văn Thù

4. Bồ Tát Văn Thù trong văn hóa Phật giáo

Giáo pháp của Phật Đà chủ yếu được chia thành hai dòng truyền thừa lớn: Phái Thâm Quán và phái Quảng Hành. Trong đó, Bồ Tát Văn Thù đã kế thừa và phát dương phái Thâm Quán. Trong các ghi chép của kinh điển nhà Phật, Ngài từng là thầy của vô số chư Phật. Điển hình là trong Phóng Bát Kinh, Phật Đà cũng nói: “Nay ta đắc đạo thành Phật, đều là nhờ ân đức của Bồ Tát Văn Thù. Vô số chư Phật quá khứ cũng đều là đệ tử của Văn Thù Sư Lợi, những Phật vị lai cũng nhờ vào uy lực của Ngài mà đạt được”. Giống như những đứa trẻ trên thế gian có cha mẹ, Bồ Tát Văn Thù là cha mẹ trong đạo Phật của tất cả chúng sinh. Ngoài ra, Văn Thù Sư Lợi còn là một trong bốn vị Bồ Tát lớn, được tôn lên làm “Biện tài đệ nhất”. Phật giáo cho rằng nếu ta siêng năng tu trì pháp môn của Bồ Tát Văn Thù thì có thể đạt được sự gia trì, từ đó có được trí tuệ thế gian. Theo văn hóa Phật giáo Việt, Bồ Tát Văn Thù là Phật bản mệnh của người tuổi Mão, có địa vị hiển hách và uy danh lẫy lừng.

Hình tượng Bồ tát Văn Thù Sư Lợi từ lâu đã được người đời, đặc biệt là ở Tây Tạng thể hiện trên những bức tranh Thangka và cả những bức tượng tinh xảo

The Silk Road sưu tầm & Tổng hợp

https://thesilkroad.vn/bo-tat-van-thu-su-loi-dai-bieu-cho-tri-tue-sieu-viet/



Theo Kênh An Viên

Hits: 556

Trả lời