MƯỜI VỊ ĐỆ TỬ LỚN CỦA PHẬT
Nguyên tác Hán Văn: Tinh Vân Pháp Sư – Việt dịch: Cư Sĩ Hạnh Cơ
và biên soạn phần Phụ Lục – Hiệu đính: Nữ Cư Sĩ Tịnh Kiên
Chùa Liên Hoa, Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County xuất bản 2005
PHỤ LỤC
(Do cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn thêm)
Ni sư DA DU ĐÀ LA
(Yasodhara) (Người vợ hiền đức và can đảm, đã giúp chồng thành công trong sự nghiệp cao cả)
Công chúa Da Du Đà La cùng tuổi với thái tử Tất Đạt Đa. Nàng là con của vua Thiện Giác và hoàng hậu Cam Lộ (Amita), trị vì vưong quốc Câu Lị, nước láng giềng ở phía Đông của vương Thích Ca. Vua là hoàng hậu của cả hai nước đối xử với nhau thật là thân thiết, vì hai vương quốc này vốn đã là thông gia của nhau từ lâu đời. Hiện tại, hoàng hậu Ma Ha Ma Da của vua Tịnh Phạn là em của vua Thiện Giác cũng là em của vua Tịnh Phạn.
Năm thái tử Tất Đạt Đa được hai mươi bốn tuổi, cua Tịnh Phạn và vua Thiện Giác đã cho tổ chức một cuộc thi võ nghệ. Thái tử đã chiếm giải nhất trong cuộc thi này, và được giải thưởng là con con voi trắng quí báu của triều đình. Da Du Đà La đã được ban tổ chức chỉ định đem phần thưởng voi trắng đến trao cho thái tử. Hai người cảm thấy gần gũi nhau từ lúc ấy.
Một tháng sau, hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề lại cho tổ chức một cuộc thi sắc đẹp và trình diễn quốc phục phụ nữ. Thaí tử là người được ban tổ chức đề cử đứng ra phát thưởng cho các cô. Số thiếu nữ trong vương quốc tham dự đêm hôm đó rất đông, nên khi đến người cuối cùng là công chúa Da Du Đà La thì phần thưởng đã hết. Sau phút luống cuống, thái tử đã cởi chính xâu chuỗi ngọc đang đeo trên cổ mình để đeo vào cổ công chúa.
Sau buổi dạ hội này, triều đính hai nước Thích Ca và Câu Lị đã quyết định tổ chức đám cưới cho thái tử Tất Đạt Đa và công chúa Da Du Đà La.
Đến năm hai mươi chín tuổi, công chúa sinh con đầu lòng, đó là hoàng tôn La Hầu La. Từ lúc còn niên thiếu, thái tử đã nhận thức được, và đã có những suy tư sâu sắc về những bất công của xã hội, về những khổ đau thường trực của cuộc sống nhân sinh, Chàng không tha thiết với đời sống vương giả đầy phú quí, quyền uy, mà chỉ muốn thoát khỏi cái ngục tù đó để sống đời tu sĩ, mong tìm đạo giải thoát để cứu thoát nỗi đau khổ cho mọi người. Công chúa là một người đằm thắm, dịu dàng, đức hạnh, lại rất thông minh; cho nên, trải mấy năm chung sống với thái tử, bà đã thấu hiểu tâm trạng đó của chồng. Bà biết thế nào thái tử cũng sẽ ra đi tìm kiếm con đường giải thoát. Điều đó làm cho bà cảm thấy đau buồn, nhưng bà đã không làm điều gì để ngăn cản, lại còn ngấm ngầm tán trợ cho quyết tâm của chồng. Bà còn tin tưởng chắc chắn vào sự thành công của chồng.
Sau khi bà sinh La Hầu La được bảy ngày thì thái tử âm thầm từ giã hoàng cung, dấn thân vào con đường tìm đạo giải thoát. Đêm đó trăng sáng lắm. Nằm bên đứa con thơ, bà đoán biết thái tử sẽ ra đi trong đêm đó, và bà đã cố gắng nằm im như say ngủ, tạo cơ hội dễ dàng cho chồng trong giờ phút ra đi. Bà buồn đau vô hạn, nhưng vẫn quyết tâm chịu đựng, mong chồng thành công trở về.
Từ đó, bà trọn vẹn gánh lấy trọng trách nuôi dưỡng và giáo dục con thơ, và cũng từ đó, tuy ở trong cung vàng điện ngọc, nhưng bà đã sống một đời sống giản dị, không vui theo những dục lạc trần thế; chỉ có cha mẹ và con thơ là niềm an ủi thường xuyên của bà. Bà rất mực trung thành với chồng. Có nhiều người quí tộc nhờ mai mối đến hỏi, bà đều làm ngơ. Biết tin chồng sống đời tu sĩ, khổ cực, bà cũng bỏ hết vàng ngọc châu báu, chỉ khoác tấm áo vàng đơn sơ, ăn uống đạm bạc, không nằm giường cao sang. Trong lúc sa môn Cồ Đàm, cố gắng phấn đấu để đạt đạo thì bà cũng cố gắng phấn đấu với những yếu đuối của mình như vậy.
Khi Phật trở về thăm hoàng cung lần đầu tiên sau ngày thành đạo, bà đã cho sửa soạn phòng ốc, ra lệnh cho các thị nữ đều mặc áo vàng để tiếp đón Ngài. Khi Phật vào phòng và ngồi vào chỗ đã dọn sẵn, bà nhẹ nhàng đến trước Ngài, quì xuống và đảnh lễ trên bàn chân của Ngài. Lúc ấy vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Kiều Đàm Di mới tán dương với Phật về lòng trung thành cùng đức hạnh thanh cao của bà. Đức Phật liền kể một câu chuyện tiền thân có liên quan đến duyên kiếp của hai người, vừa để an ủi bà, vừa để cám ơn bà đã giúp Ngài trong ý chí tìm đạo giải thoát.
Trong thời gian Phật ở Ca Tì La Vệ, bà đã nhiều lần được nghe giáo pháp, và đã thấm nhuần rất mau chóng. Ngay trong lần đó, tuy vẫn thương con thơ đứt ruột, nhưng chính bà đã cho La Hầu La xuất gia theo Phật.
Sáu tháng sau khi thái hậu Kiều Đàm Di xuất gia và thành lập ni đoàn, công chúa Da Du Đà La cũng xin được xuất gia, trở thành một vị tì kheo ni. Trong những năm đầu, ni sư tu học tại một ni viện ở vùng ngoại ô phía Bắc thành Ca Tì La Vệ do ni trưởng Kiều Đàm Di tạo lập. Dưới sự chăm sóc của ni trưởng, ni sư Da Du Đà La đã tu học rất tinh tấn, chẳng bao lâu thì đắc quả A la hán, và trở thành một trong những ni sư xuất sắc, có tài lãnh đạo trong ni đoàn. Về sau, khi đức Phật được thỉnh về an cư hàng năm tại tu viện Kì Viên, ni sư Da Du Đà La cũng thường về an cư tại các ni viện ở thành Xá Vệ để thừa hưởng sự giáo huấn của Phật. Ni sư viên tịch năm bảy mươi tám tuổi, tức trước đức Phật hai năm.
Hits: 266