Nhục thân của thiền sư Huệ Năng đặt tại chùa Hoa Nam huyện Thiều Quang, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc(ở đây cũng lưu giữ nhục thân của sư Hám Sơn và Đan Điền)
Đại sư Huệ Năng (Năng, zh. huìnéng/ hui-neng 慧能, ja. enō), 638–713, là một vị Thiền sư vĩ đại trong lịch sử Thiền Tông Trung Hoa. Sư kế tiếp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, trở thành vị Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Quốc.
Trước Huệ Năng, Thiền còn mang nặng ảnh hưởng Ấn Độ nhưng đến đời Sư, Thiền bắt đầu có những đặc điểm riêng của Trung Quốc. Vì vậy mà có người cho rằng sư mới thật sự là người Tổ khai sáng dòng Thiền tại đây. Huệ Năng không chính thức truyền y bát cho ai, nên sau đó không còn ai chính thức là truyền nhân. Tuy nhiên sư có nhiều học trò xuất sắc. Môn đệ chính là Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng là hai vị Thiền sư dẫn đầu hầu như toàn bộ các dòng Thiền về sau.
Sư được coi là người sáng lập Thiền Đốn Ngộ (Thiền Nam Tông)- với chủ trương đạt giác ngộ trực tiếp, nhanh chóng. Sư tác giả của tác phẩm chữ Hán duy nhất được gọi là “Kinh“, một danh từ thường chỉ được dùng chỉ những lời nói, bài dạy của chính Phật Thích-ca, đó là Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh, một tác phẩm với ý nghĩa rất sâu xa về thiền. Cũng nhờ Pháp bảo đàn kinh mà người ta biết được ít nhiều về Huệ Năng.
Mục lục
Đạo nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Sư họ Lô (zh. 盧), tổ tiên người Phạm Dương, sinh trong một gia đình nghèo, cha sư làm quan bị giáng chức tới Tân Châu, Nam Hải và định cư tại đây.
Khi sư lên 3 tuổi thì cha mất, lớn lên giúp mẹ bằng cách bán củi. Một hôm, trong lúc bán củi, nghe người ta tụng kinh Kim cương, sư bỗng nhiên có ngộ nhập. Nghe người đọc kinh nhắc đến Hoằng Nhẫn, sư liền đến tìm học. Hoằng Nhẫn nhận ra ngay căn cơ của Sư, nhưng không truyền pháp ngay, bắt tiếp tục chẻ củi, vo gạo. Truyền thuyết nổi tiếng về việc truyền tâm ấn cho Huệ Năng và việc phân đôi hai phái Thiền Nam-Bắc được kể lại như sau:
Hoằng Nhẫn biết tới lúc mình phải tìm người kế thừa nên ra lệnh cho học trò mỗi người viết kệ trình bày kinh nghiệm giác ngộ. Cuối cùng chỉ có Thần Tú, một đệ tử với tri thức xuất sắc mới dám làm. Thần Tú viết bài kệ, so sánh thân người như cây Bồ-đề và tâm như tấm gương sáng và người tu hành phải lo lau chùi, giữ tấm gương luôn luôn được trong sáng. Sư đang làm việc trong bếp, nghe đọc bài kệ, bèn nhờ người viết bài kệ của mình như sau:
菩提本無樹。 明鏡亦非臺 本來無一物。 何處有(匿)塵埃 | Bồ-đề bổn vô thụ,Minh kính diệc phi đàiBổn lai vô nhất vật,Hà xứ hữu (nặc) trần ai? | Bồ-đề vốn chẳng phải cây,Gương sáng chẳng phải đàiXưa nay vốn không phải vật,Nơi nào dính bụi trần? |
Nghe bài kệ, Hoằng Nhẫn biết căn cơ của sư vượt hẳn Thần Tú, nhưng sợ di hại nên nửa đêm gọi sư vào thất và thuyết trọn kinh Kim cương cho sư. Đến câu “Đừng để tâm vướng víu nơi nào” (ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm 應無所住而生其心), sư hoát nhiên đại ngộ.
Ngũ Tổ nói: ” Chư Phật xuất thế là một việc trọng đại, nên tùy theo căn cơ cao thấp khác nhau mà hướng dẫn, cho nên mới có các chỉ ý mười địa, ba thừa, nhanh chậm làm Giáo môn. Nhưng Thế Tôn đã đem pháp môn vô thượng thâm diệu, trong sáng sâu xa là Chánh pháp nhãn tạng chân thực truyền đạt cho đệ tử thứ nhất là Đại Ca-diếp Tôn giả, lần lượt truyền qua 28 đời. Đến Tổ Đạt Ma thì sang tới Đông Độ này, được Khả đại sư nối tiếp đến hôm nay. Nay ta đem Pháp bảo cùng với Cà-sa trao lại cho ông. Hãy khéo giữ gìn, đừng để pháp đứt đoạn “. Rồi đọc kệ truyền pháp:
Phiên âm:
Hữu tình lai hạ chủng
Nhân địa quả hoàn sinh
Vô tình ký vô chủng
Vô tính diệc vô sanh.
Tạm dịch:
Hữu tình đến gieo mầm
Nhờ đất trái nẩy sinh
Vô tình đã không giống
Không tính cũng không sinh.
Sư quỳ xuống nhận y và pháp, nói:”Pháp, con đã nhận, còn y sẽ trao cho ai?”.
Tổ nói: “Xưa, lúc đầu Tổ Đạt Ma đến đây, vì chưa ai tin nên phải truyền y làm biểu minh đắc pháp. Nay tín tâm mọi người đã muồi, chiếc y sẽ là đầu mối tranh giành. Vậy nên đến ông thì dừng lạy không truyền nữa. Ông nên đi xa ẩn lánh, đợi thời cơ mà hành đạo, bởi lẽ người nhận y, mạng như tơ mành”.
Sư hỏi: “Nên ẩn nơi đâu?”, Tổ nói: “Gặp Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn”. tức là muốn khuyên sư đi về phương Nam. Khi tiễn sư xuống thuyền, Tổ muốn tự chèo đưa sư sang sông, sư bèn nói: “Khi mê thầy độ, ngộ rồi tự độ” và tự chèo qua sông.
Suốt 15 năm sau, sư ở ẩn, và trong thời gian này vẫn là cư sĩ. Sau đó, sư đến chùa Pháp Tính ở Quảng Châu. Đó là nơi sản sinh công án nổi tiếng “chẳng phải gió, chẳng phải phướn” (Vô môn quan, công án 29). Sau khi sư chen vào nói “tâm các ông động” thì Ấn Tông, vị sư trụ trì của chùa hỏi sư “Nghe nói y pháp Hoàng Mai đã truyền về phương Nam, phải chăng là hành giả?” Sư không thể giấu giếm, bèn thuật nguyên do việc đắc Pháp. Ấn Tông bèn tự chấp lễ đệ tử, thỉnh cầu được nhận pháp yếu của Thiền và nói với chúng: “Ấn Tông ta đây thực là phàm phu, nay mới được gặp Bồ-tát thân phàm” Và thỉnh sư đưa y bát ra để cho chúng được chiêm ngưỡng.
Ngày 15 tháng giêng, Ấn Tông mời các bậc danh đức đến làm lễ cạo tóc cho sư. Đến ngày 8 tháng 2, Trí Quang Luật sư chùa Pháp Tính đứng ra làm lễ thọ cụ túc giới cho sư. Giới đàn này do Ngài Tam Tạng Cầu-na-bạt-đà-la triều (Lưu) Tống thiết lập. Ngài Tam Tạng Bạt-đà-la từng thọ ký: “Sau này sẽ có Bồ- tát thân phàm thọ giới tại đàn này”. Và cuối thời Lương, có Chân đế Tam tạng đã tự tay trồng hai cây Bồ-đề bên cạnh đàn và nói với chúng: “Sau 120 năm, sẽ có bậc Đại pháp sĩ dưới cội cây này diễn pháp vô thượng thừa độ vô số chúng sinh”, tức là chỉ cho Lục Tổ Huệ Năng vậy..
Hoằng Pháp[sửa | sửa mã nguồn]
Sau khi thọ giới cụ túc xong, sư ở lại chùa Pháp Tính giảng về giáo pháp của Thiền Tông, chúng học giả tăng tục đến dự nghe pháp rất đông.
Sang năm, vào ngày 8 tháng 2, Sư nói với môn nhân: “Ta không định lưu tại đây mà muốn trở về nơi ẩn khi xưa.”Ấn Tông cùng hơn ngàn người cả tăng lẫn tục làm lễ tiển đưa sư về chùa Bảo Lâm.
Quan Thứ sử Thiều Châu là Vi Cứ đã thỉnh sư đến chùa Đại Phạn thuyết giảng pháp vi diệu và thọ giới vô tướng tâm địa. Môn đồ là Pháp Hải Thiền sư đã chép lại thành sách tên gọi Đàn Kinh, truyền bá rộng rãi trong đời.
Sau đó, Sư trở về Tào Khê, thuyết giảng Pháp môn Đốn Ngộ. Học giả thường không dưới ngàn người.
Vua Võ Tắc Thiên từng sai sứ là Tiết Giản đem thư chiếu đến mời sư vào cung thuyết pháp. Sư dâng thư từ chối vì đau yếu, nguyện chung thân ở nơi rừng núi. Vua bảo Tiết Giản đến gặp sư hỏi đạo rồi truyền lại cho vua nghe, Giản nghe sư nói pháp liền đại ngộ, đỉnh lễ từ biệt về triều, dâng thư tâu lại lời dạy của sư. Vua hạ chiếu kính tạ và cúng dường cà-sa ma nạp rất quý và 500 xấp lụa, một chiếc bát vàng.
Đầu niên hiệu Tiên Thiên, Sư báo cùng tứ chúng: “Ta nhận y – pháp của Nhẫn đại sư, nay vì các ông mà nói pháp, nhưng không truyền lại y. Ấy cũng vì gốc tin các ông đã đủ, cứ nhất định chẳng nghi là đã đủ xác nhận sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của ta”. Và đọc kệ:
Tâm địa hàm chư chủngPhổ vũ tất giai sanhĐốn ngộ hoa tình dĩBồ-đề quả tự thành. | Đất tâm dung các giốngMưa khắp tất nẩy sanhĐốn ngộ – hoa bừng nởBồ-đề quả tự thành. |
---|
Nói kệ xong, Sư bảo:” Pháp này không hai, tâm ấy cũng như vậy. Đạo ấy thanh tịnh cũng không có các tướng. Các ông chớ nên chấp quán tịnh và ngoan không cái tâm. Tâm vốn đã tịnh, không thể giữ – bỏ. Mọi người hãy gắng lên, tùy duyên mà đi tới!”.
Sư giảng pháp hóa độ chúng sinh qua 40 năm, đến ngày 6 tháng 7 năm ấy, sư bảo đệ tử đến chùa Quốc Ân Tân Châu lập tháp Báo Ân.
Thị Tịch[sửa | sửa mã nguồn]
Niên hiệu Tiên Thiên năm thứ hai, ngày mùng 1 tháng 7, Sư bảo cùng môn đồ:”Ta muốn về Tân Châu, các ông mau chuẩn bị thuyền”. Lúc ấy, mọi người buồn bã quyến luyến cầu xin sư ở lại. Sư nói:” Chư Phật ra đời vẫn phải thị hiện vào Niết-bàn. Có đến ắt có đi, lẽ thường là vậy. Hình hài này của ta tất cũng phải có chỗ quay về”. Chúng nói:”Sư ra đi, xin mau mau trở lại”. Sư đáp:” Lá rụng về cội, ngày trở lại không nói được”. Chúng lại hỏi: “Pháp nhãn của thầy, truyền lại cho người nào?” Sư nói:”Có đạo thì được, vô tâm thì thông”. Chúng hỏi: “Sau này có nạn gì không?” Sư nói: “Sau khi ta tịch diệt năm sáu năm, sẽ có người đến lấy đầu ta!”. Rồi nói: khi ta tịch diệt 70 năm sẽ có hai Bồ-tát từ phương Đông tới, một tại gia, một xuất gia. Cả hai cùng dựng lập pháp ta, làm hưng thạnh tông phái ta! (tức là Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất và cư sĩ Bàng Long Uẩn sau này)
Ngày mùng 3 tháng 8 năm ấy, sư đến chùa Quốc Ân ở Tân Châu, tắm rửa xong vào ngồi xếp bằng an nhiên thị tịch. Ngày 13 tháng 11, mọi người cùng đưa sư đến nhập tháp tại nơi này, thọ 76 tuổi. Vua Đường Hiến Tông thụy tặng sư là Đại Giám Thiền Sư. Tháp hiệu Nguyên Hòa Linh Chiếu.
Tư Tưởng[sửa | sửa mã nguồn]
Lục Tổ Huệ Năng nói rằng mọi chúng sinh từ ngu dốt đến thông minh đều có sẵn Phật Tính, bởi do có phiền não nên mới thành chúng sinh, chỉ cần ngộ thì lập tức Thành Phật, Sư nói:” Trí Bát Nhã (Phật Tính), người đời vốn tự có, Chỉ bởi tâm mê, không thể tự thấy, nên phải nhờ bậc đại thiện tri thức chỉ ra mới thấy được tính. Nên biết người ngu kẻ trí đều sẵn có tính Phật, chẳng khác chi nhau. Chỉ bởi mê ngộ chẳng đồng, nên mới có người ngu kẻ trí” (trích Pháp Bảo Đàn Kinh, Đoàn Trung Còn dịch). Tư tưởng này vốn đã được nhắc đến nhiều trong các kinh điển Đại Thừa về đề tài Phật Tính và trong bài kệ về Tông chỉ Thiền Tông của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma.
Lục Tổ Huệ Năng chủ trương đốn ngộ, tức là cái ngộ ngay tức khắc, trực nhận bản thể Phật Tính, thanh tịnh, tuyệt đối ngay chính mình, không phải do đọc hiểu văn tự, ghi nhớ, hiểu biết mà được, và cũng không cần phải trải qua nhiều cấp bậc tu chứng như trong các Kinh Điển Đại Thừa(thập tín, thập nguyện, thập hạnh, thập trụ, thập hồi hướng..) hay Nam Tông(4 cấp bậc A-la-hán), và đối với thuyết này, Lục Tổ là nhân vật ví dụ điển hình, sư tuy không biết chữ nghĩa, cũng không được tiếp cận với Kinh điển nhiều, nhưng lại có cái ngộ siêu việt. Từ học thuyết này hình thành nên Thiền Nam Tông để đối lập với Tư Tưởng của Đại sư Thần Tú và các môn đệ của ông, cho rằng người tu hành phải Tiệm Tu, trải qua nhiều cấp bậc tu chứng, phá ngã chấp, diệt trừ phiền não, thiền định trong nhiều kiếp tu hành thì mới thành Phật được, tư tưởng này tạo nên Thiền Bắc Tông.
Các môn đệ của Thần Tú phía Thiền Bắc Tông thường chê Lục Tổ rằng: “Chẳng biết một chữ, có chi là giỏi”.(trích Pháp Bảo Đàn Kinh, Đoàn Trung Còn dịch). Tuy nhiên đại sư Thần Tú có cái nhìn ôn hòa hơn các đệ tử của mình vốn mang tư tưởng cố chấp, tiêu cực. Sư Thần Tú nói rằng: “Vị ấy(tức Lục Tổ) được trí vô sư, ngộ sâu pháp Thượng Thừa, ta chẳng bằng được”. Và sư Thần Tú cũng công nhận Lục Tổ là người được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn được truyền tâm ấn và y bát kế tiếp Tổ vị,sư cũng khuyên các môn đệ của mình nên đến yết kiến Lục Tổ. Trong số các môn đệ của Thần Tú, có các vị như: Chí Thành, Hành Xương từng đến tu học với Lục Tổ và được truyền tâm ấn.
Về Thiền Định và Trí Huệ, Lục Tổ cho hai thứ này vốn là một, không có phân biệt. Sư nói: ” Thiện tri thức, pháp môn này lấy Định- Huệ làm gốc. Các ngươi chớ lầm rằng Định với Huệ có khác; Định Huệ vốn nhất thể, chẳng phải là hai. Định là thể của Huệ, Huệ là dụng của Định, ngay trong lúc huệ có định, ngay trong lúc định có huệ, thấu được nghiã này tức là định huệ đồng nhau. Các ngươi học đạo chớ cho là trước phát định sau phát huệ, hay trước huệ sau định có khác, kiến giải như vậy thành ra pháp có nhị tướng. Miệng tuy nói lành mà trong tâm chẳng lành, tuy có định huệ mà định huệ chẳng đồng nhau. Nếu tâm miệng đều lành, trong ngoài nhất thể, tức là định huệ đồng nhau” (Trích Kinh Pháp Bảo Đàn, HT Thích Duy Lực dịch)
Về vấn đề Tọa Thiền(ngồi thiền), Lục Tổ cho rằng đối với cảnh giới bên ngoài: tâm niệm chẳng khởi lên gọi là Tọa(ngồi),đối với bên trong thấy tự tánh mình chẳng động gọi là Thiền. Còn Thiền Định, Lục Tổ nói rằng bên ngoài lìa tất cả các tướng (hình tướng) gọi là Thiền, bên trong tâm chẳng loạn (động) gọi là Định.
Trong số môn đệ của Thần Tú, có ba người được phong Quốc sư, trong đó sư Phổ Tịch là danh giá nhất, từng làm quốc sư cho ba đời vua, pháp môn tiệm tu của Thiền Bắc Tông phát triển, Phổ Tịch tự tôn Thần Tú làm Lục Tổ Thiền Tông và tự xưng là Thất Tổ, và dùng danh tiếng, mối quan hệ với triều đình để lấy sự ủng hộ. Thiền sư Hà Trạch Thần Hội là người đã đính chính lại vấn đề này, chỉ trích phía Thần Tú không phải Thiền chính thống của Tổ sư Đạt Ma. Ngày 15 tháng Giêng năm thứ 20 niên hiệu Khai Nguyên, Thiền sư Thần hội ở Hoạt Đài (hiện là Hoạt Huyện tỉnh Hà Nam), Chùa Đại Vân lập đại hội vô giá, xác định pháp thống Thiền Tông do Tổ Đạt Ma truyền. Năm thứ 8 niên hiệu Thiên Hữu, một lần nữa xác định Tông chỉ Nam Tông tại Lạc Dương, từ đó Thiền của Lục Tổ được chính thức công nhận là Thiền chính tông.
Dưới Lục Tổ có 33 môn đệ đắc pháp, trong đó nổi bật nhất là 5 vị làm cho Thiền Tông đời sau được hưng thịnh và ảnh hưởng lớn trong Phật Giáo Trung Quốc:
- Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng, từ pháp mạch này sinh ra Tông Lâm Tế, Quy Ngưỡng.
- Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư, từ pháp mạch này sinh ra Tông Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn.
- Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, tác giả của Chứng Đạo Ca và quyển Thiền Tông Vĩnh Gia Tập nổi tiếng
- Thiền sư Nam Dương Tuệ Trung, từng làm Quốc Sư.
- Thiền sư Hà Trạch Thần Hội, người định tông chỉ, đưa Thiền Nam Tông trở thành chính thống.
Đặc biệt, từ hai vị Nam Nhạc Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư, Thiền Tông sản sinh vô số các Thiền sư danh tiếng truyền bá tư tưởng Đốn Ngộ, Thiền Tông trở thành Pháp môn phổ biến, thịnh hành nhất vào các thời Đường, Tống. Được truyền qua nhiều nước như Việt nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đên thời Minh, Thanh, Thiền bắt đầu suy yếu và nhường chổ cho Tịnh Độ Tông. Ngày nay, tuy Thiền Tông đã phần nhiều phai nhạt và không còn ảnh hưởng mấy nữa, nhưng nó vẫn là một đề tài cuốn hút đối với các tăng, ni và cư sĩ, phật tử.
Tham Khảo[sửa | sửa mã nguồn]
- Lục Tổ đại sư pháp bảo đàn kinh 六祖大師法寶壇經, Taishō Vol. 48, No. 2008.
- Kinh Pháp Bảo đàn trong Thích Duy Lực (dịch): Chư Kinh Tập Yếu, Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, 1994.
- Đàn Kinh tinh hoa & trí tuệ, Giả Đề Thao, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội. 2012
- Fo Guang Ta-tz’u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz’u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch’u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
- Dumoulin, Heinrich:
Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.
Hits: 243