Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) »» Phẩm 08 đến phẩm 12



    

(Download file MP3
– 24.88 MB – Thời gian phát: 02 giờ,24 phút 57 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

VIII. Phẩm Chiến Sĩ
(I) (71) Tâm Giải Thoát Quả (1)
1. – Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tâm giải thoát lợi ích, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát lợi ích. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tùy quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê tởm trong các món ăn, với tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tùy quán vô thường đối với tất cả hành, với tưởng về chết, vị ấy nội tâm khéo an trú.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tâm giải thoát lợi ích, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát lợi ích.
3. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có tâm giải thoát và có tuệ giải thoát, này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại, đã lấp các thông hào, đã nhổ lên cột trụ, đã mở tung các ổ khóa, là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy.
Và thế nào là Tỷ-kheo đã cất đi các chướng ngại?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ vô minh, đã cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tàla, làm cho không thể hiện hữu, không thể sinh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã lấp các thông hào?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ tái sanh và sự luân chuyển sanh tử, đã cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tàla, làm cho không thể hiện hữu, không thể tái sanh trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã lấp các thông hào.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Tỷ-kheo đã nhổ lên cột trụ?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ tham ái, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã nhổ lên cột trụ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị Tỷ-kheo đã mở tung các ổ khóa?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể tái sanh trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã mở tung các ổ khóa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi Tỷ-kheo là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ ngã mạn, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi Tỷ-kheo là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không còn gì hệ lụy.
(II) (72) Tâm Giải Thoát Quả (2)
1. – Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tâm giải thoát lợi ích, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát lợi ích. Thế nào là năm?
2. Tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tâm giải thoát quả, tâm giải thoát lợi ích, tuệ giải thoát quả và tuệ giải thoát lợi ích.
3. Khi nào vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, có tâm giải thoát và tuệ giải thoát, này các Tỷ-kheo vị ấy được gọi là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại, đã lấp các thông hào, đã nhổ lên cột trụ, đã mở tung các ổ khóa, là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy.
Và thế nào là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ vô minh, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể tái sanh trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã cất đi các vật chướng ngại.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã lấp các thông hào?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ tái sanh và sự luân chuyển sanh tử, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo dã lấp các thông hào.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã nhổ lên cột trụ?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ tham ái, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã nhổ lên cột trụ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã mở tung các ổ khóa?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo đã mở tung các ổ khóa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi Tỷ-kheo là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn trừ ngã mạn, đã cắt đứt tận gốc rễ, đã làm cho như thân cây tàla, đã làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy.
(III) (73) Sống Theo Pháp (1)
1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– “Sống theo pháp, sống theo pháp”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo là vị sống theo pháp?
2. – Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thông suốt pháp tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Vị ấy dùng trọn cả ngày để học thuộc lòng pháp, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo thông đạt nhiều kinh điển, nhưng không sống theo pháp.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các người khác một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Vị ấy dùng trọn cả ngày để trình bày pháp cho các người khác, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỷ-kheo, đấy gọi là Tỷ-kheo thuyết trình nhiều, nhưng không sống theo pháp.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy dùng trọn cả ngày để tụng đọc, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đọc tụng nhiều, nhưng không sống theo pháp.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với tâm tùy tầm tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy dùng trọn cả ngày suy tầm về pháp, bỏ phế sống độc cư an tịnh, không nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo suy tầm nhiều, nhưng không sống theo pháp.
6. Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Vị ấy không dùng trọn cả ngày để học thuộc lòng pháp, không phế bỏ sống độc cư an tịnh, nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống theo pháp.
7. Này Tỷ-kheo, như vậy Ta đã thuyết về học thuộc lòng nhiều, đã thuyết về thuyết trình nhiều, đã thuyết về đọc tụng nhiều, đã thuyết về suy tầm nhiều, đã thuyết về sống theo pháp. Này Tỷ-kheo, điều gì bậc Ðạo Sư cần phải làm cho các đệ tử vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ khởi lên, các điều ấy, Ta đã làm cho các Thầy. Này Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có để về sau sẽ phải hối tiếc. Ðấy là lời giáo giới của Ta cho các Thầy.
(IV) (74) Sống Theo Pháp (2)
1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– “Sống theo pháp, sống theo pháp”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là vị Tỷ-kheo sống theo pháp?
2. – Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bốn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng, nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo học thuộc lòng nhiều, nhưng không sống theo pháp.
3. Lại nữa, đây các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thuyết pháp cho các người khác một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã học thuộc lòng, nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo thuyết trình nhiều, nhưng không sống theo pháp.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đọc tụng nhiều, nhưng không sống theo pháp.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như được nghe, như đã được học thuộc lòng, nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo suy tầm nhiều, nhưng không sống theo pháp.
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng, và biết mục đích tối thượng với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo sống theo pháp.
7. Này các Tỷ-kheo, như vậy Ta đã thuyết về học thuộc lòng nhiều, đã thuyết về thuyết trình nhiều, đã thuyết về đọc tụng nhiều, đã thuyết về suy tầm nhiều, đã thuyết về sống theo pháp. Này các Tỷ-kheo, điều gì bậc Ðạo Sư cần phải làm cho các đệ tử, vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ khởi lên, các điều ấy, Ta đã làm cho các Thầy. Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có để về sau phải hối tiếc. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Thầy.
(V) (75) Người Chiến Sĩ (1)
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm hạng chiến sĩ này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chiến sĩ chỉ thấy bụi mù dấy lên đã chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tham gia chiến trận. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người chiến sĩ. Này các Tỷ-kheo, đây là người chiến sĩ thứ nhất có mặt hiện hữu ở đời.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có người chiến sĩ có thể chịu đựng bụi mù dấy lên, nhưng khi thấy cờ xí dựng lên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không còn can đảm, không có thể tham gia chiến trận. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người chiến sĩ ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chiến sĩ thứ hai có mặt, hiện hữu ở đời.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có người chiến sĩ có thể chịu đựng bụi mù dấy lên, chịu đựng cờ xí dựng lên, nhưng khi nghe tiếng la hét, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tham gia chiến trận. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người chiến sĩ. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chiến sĩ thứ ba có mặt, hiện hữu ở đời.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người chiến sĩ có thể chịu đựng bụi mù dấy lên, chịu đựng cờ xí dựng lên, chịu đựng tiếng la hét, nhưng khi bị thương trong chiến trận, liền thất kinh, thất đảm. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người chiến sĩ. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chiến sĩ thứ tư có mặt, hiện hữu ở đời.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người chiến sĩ có thể chịu đựng bụi mù dấy lên, chịu đựng cờ xí dựng lên, chịu đựng tiếng la hét, chịu đựng cuộc xáp chiến. Vị ấy, sau khi thắng trận, dự phần vào chiến thắng, cầm đầu trong chiến thắng. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng chiến sĩ. Ðây là hạng người chiến sĩ thứ năm, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
Năm hạng người chiến sĩ này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
7. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, được ví dụ với năm hạng chiến sĩ này, có năm hạng người có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo. Thế nào là năm?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi thấy bụi mù dấy lên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, liền bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Thế nào là bụi mù dấy lên đối với vị ấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được nghe: “Tại một làng hay một thị trấn kia, có người phụ nữ hay thiếu nữ đẹp đẽ, khả ái, làm đẹp lòng người với sắc mặt đẹp thù thắng như hoa sen”. Khi được nghe vậy, vị ấy liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, liền bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Ðây là nghĩa bụi mù dấy lên đối với vị ấy.
Ví như, này các Tỷ-kheo, hạng người chiến sĩ ấy, khi mới thấy bụi mù dấy lên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tham dự chiến trận. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người. Ðây là người, này các Tỷ-kheo, được ví dụ với hạng người chiến sĩ thứ nhất có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.
9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo chịu đựng được bụi mù dấy lên, nhưng khi thấy cờ xí dựng lên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, liền bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Thế nào là cờ xí dựng lên đối với vị ấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có nghe: “Tại một làng hay thị trấn kia, có người phụ nữ hay thiếu nữ đạp đẽ, khả ái, làm đẹp lòng người với sắc mặt đẹp thù thắng như hoa sen”, nhưng vị ấy tự mình thấy một phụ nữ hay một thiếu nữ đẹp đẽ, khả ái, làm đẹp lòng người với sắc mặt đẹp thù thắng như hoa sen. Vị ấy, sau khi thấy người phụ nữ hay người thiếu nữ ấy, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không thể có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, liền bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Ðây là nghĩa cờ xí dựng lên đối với vị ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, hạng người chiến sĩ ấy chịu đựng được bụi mù dấy lên, nhưng khi thấy cờ xí dựng lên, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể ra trận xáp chiến. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người. Ðây là người, này các Tỷ-kheo, được ví dụ với hạng người chiến sĩ thứ hai có mặt, hiện hữu giữa các vị Tỷ-kheo
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, nhưng khi nghe tiếng la hét, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, liền bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Thế nào là tiếng la hét đối với vị ấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một nữ nhân đi đến vị Tỷ-kheo tại ngôi rừng, dưới một gốc cây hay tại ngôi nhà trống, cười nhạo Tỷ-kheo, nói mơn trớn, nói cười lớn tiếng, cợt nhả. Tỷ-kheo bị nữ nhân cười nhạo, nói mơn trớn, nói cười lớn tiếng, cợt nhả, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu lộ sự hèn yếu trong học tập, liền bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Ðây là nghĩa của tiếng la hét đối với vị ấy.
Ví như người chiến sĩ ấy, này các Tỷ-kheo, chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, nhưng khi nghe tiếng la hét, liền chùn chân, rủn chí, không còn can đảm, không có thể ra trận xáp chiến. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ ba có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.
11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được tiếng la hét, nhưng bị thương trong khi xáp chiến lâm trận liền thất kinh thất đảm. Thế nào là xáp chiến lâm trận đối với vị ấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi đi đến ngôi rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, một nữ nhân đến Tỷ-kheo ấy, ngồi sát một bên, nằm sát một bên, vuốt ve mơn trớn. Tỷ-kheo ấy được nữ nhân ngồi sát một bên, nằm sát một bên, được vuốt ve mơn trớn, không từ bỏ học tập, không biểu lộ sự yếu kém trong học tập, (nhưng vị ấy lại) rơi vào hành dâm (với nữ nhân). Ðây là nghĩa xáp chiến lâm trận đối với vị ấy. Ví như người chiến sĩ ấy, này các Tỷ-kheo, chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được tiếng la hét, nhưng khi lâm trận xáp chiến, bị thương, thất kinh, thất đảm. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Như vậy ở đây, này các Tỷ-kheo, là một hạng người. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ tư có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.
12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được tiếng la hét, chịu đựng được xáp chiến lâm trận. Vị ấy sau khi chiến thắng chiến trận ấy, chiến thắng trong chiến trận, vị ấy vẫn đứng hàng đầu trong trận chiến ấy. Thế nào là sự chiến thắng trong chiến trận đối với vị ấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi vị Tỷ-kheo đi đến ngôi nhà rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, có nữ nhân đi đến vị ấy, ngồi xuống sát một bên, nằm sát một bên, vuốt ve mơn trớn. Vị ấy, khi được nữ nhân ngồi sát một bên, nằm sát một bên, vuốt ve mơn trớn, liền gỡ mình ra, gỡ thoát ra, và ra đi chỗ nào mình muốn.
Và vị ấy đi đến một chỗ trống trải, khu rừng, gốc cây, ngọn núi, khe đá, hang núi, nghĩa địa, cao nguyên, ngoài trời, đống rơm. Rồi vị ấy đi đến khu rừng, đi đến gốc cây hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết già, lưng thẳng và để niệm trước mặt. Vị ấy, sau khi đoạn tận tham, an trú với tâm ly tham, gột sạch tâm khỏi tham, sau khi đoạn tận sân, an trú với tâm ly sân, có lòng thương tưởng đến tất cả loài hữu tình và chúng sanh, gột sạch tâm khỏi sân hận; sau khi đoạn tận hôn trầm thụy miên, an trú với tâm ly thụy miên hôn trầm, với tưởng ánh sáng, chánh niệm, tỉnh giác, gột sạch tâm khỏi hôn trầm thụy miên; sau khi đoạn tận trạo cử hối quá, an trú không trạo cử, nội tâm tịch tịnh, gột sạch tâm khỏi trạo cử hối quá; sau khi đoạn tận nghi, an trú với tâm vượt khỏi nghi ngờ, không còn nghi hoặc, gột sạch tâm khỏi nghi ngờ đối với các thiện pháp. Vị ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái này, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, ly dục, ly các pháp bất thiện… chứng đạt và an trú sơ Thiền… an trú Thiền thứ tư.
Vị ấy với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, ly các tùy phiền mão, nhu nhuyến, kham nhẫn, kiên trì, bất động, hướng tâm về trí đoạn tận các lậu hoặc. Vị ấy như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”; như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”; như thật rõ biết: “Ðây là khổ diệt”; như thật rõ biết: “Ðây là con Ðường đưa đến khổ diệt”; như thật rõ biết: “Những pháp này là những lậu hoặc”; như thật rõ biết: “Ðây là lậu hoặc tập khởi”; như thật rõ biết: “Ðây là lậu hoặc đoạn diệt”. Như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến lậu hoặc đoạn diệt”. Do vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, nay không còn trở lui trạng thái này nữa”. Ðây là sự chiến thắng trong trận chiến đối với vị ấy.
Ví như, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ chịu đựng được bụi mù dấy lên, chịu đựng được cờ xí dựng lên, chịu đựng được các tiếng la hét, chịu đựng được sự xáp chiến. Vị ấy, sau khi chiến thắng chiến trận ấy, chiến thắng trong chiến trận, vị ấy vẫn đứng hàng đầu trong trận chiến ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là một hạng người. Này các Tỷ-kheo, đấy là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ năm có mặt, hiện hữu ở đời.
Những người này, này các Tỷ-kheo, được ví dụ với năm chiến sĩ có mặt, hiện hữu ở giữa các vị Tỷ-kheo.
(VI) (76) Người Chiến Sĩ (2)
– Có năm người chiến sĩ này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Người ấy trong trận chiến ấy nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác, trong khi người ấy nỗ lực và hăng hái như vậy, đánh người ấy và áp đảo người ấy. Như vậy, ở đây này các Tỷ-kheo, có hạng người chiến sĩ như vậy. Ðây là hạng chiến sĩ thứ nhất có mặt, hiện hữu ở đời.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy, trong trận chiến ấy, nỗ lực, hăng hái. Nhưng các người khác làm cho người ấy bị thương, khiêng người ấy đi, chở người ấy đến các bà con. Khi chở người ấy đi và chưa đến các bà con, người ấy mệnh chung ở giữa đường. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có một hạng chiến sĩ như vậy. Ðây là hạng chiến sĩ thứ hai, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy, trong trận chiến ấy, nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác làm cho người ấy bị thương và khiêng người ấy đi, chở người ấy đến các bà con. Và những người bà con săn sóc và nuôi dưỡng người ấy. Người ấy, trong khi được các người bà con săn sóc và nuôi dưỡng, bị mệnh chung vì vết thương ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có một hạng người chiến sĩ như vậy. Ðây gọi là hạng chiến sĩ thứ ba có mặt, hiện hữu ở đời.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có người chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy, trong trận chiến ấy, nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác làm cho người ấy bị thương, và khiêng người ấy đi, chở người ấy đến các người bà con. Và những người bà con nuôi dưỡng và săn sóc người ấy. Người ấy, trong khi được các người bà con săn sóc và nuôi dưỡng, được chữa lành các vết thương ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chiến sĩ như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng chiến sĩ thứ tư có mặt, hiện hữu ở đời.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào chiến trận ấy, chiến thắng trong chiến trận, vị ấy vẫn đứng hàng đầu trong chiến trận ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng chiến sĩ như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng chiến sĩ thứ năm có mặt, hiện hữu ở đời.
Năm hạng chiến sĩ này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
7. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có những hạng người được ví dụ với năm hạng chiến sĩ này có mặt, hiện hữu giữa các vị Tỷ-kheo. Thế nào là năm?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống dựa vào ngôi làng hay thị trấn. Vị ấy, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời, không phòng hộ tâm, niệm không an trú, các căn không được bảo vệ. Vị ấy ở đấy thấy một nữ nhân ăn mặc không tề chỉnh, ăn mặc không kín đáo. Ðược thấy nữ nhân ăn mặc không tề chỉnh, ăn mặc không kín đáo, tham dục tấn công tâm vị ấy. Tâm bị tham dục tấn công, không từ bỏ học tập, không biểu lộ sự yếu kém trong học pháp, vị ấy rơi vào hành dâm.
Ví như người chiến sĩ ấy, này các Tỷ-kheo, cầm gươm và mâu, đeo cung và tên tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy trong trận chiến ấy nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác, trong khi người ấy nỗ lực hăng hái như vậy, đánh người ấy và áp đảo người ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có một hạng người như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người được ví dụ với hạng chiến sĩ thứ nhất có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.
9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay thị trấn. Vị ấy, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào làng ấy hay thị trấn ấy để khất thực, với thân không phòng hộ, với lời nói không phòng hộ, với tâm không phòng hộ, với niệm không an trú, với các căn không được bảo vệ. Ở đây, vị ấy thấy một nữ nhân ăn mặc không chỉnh tề, ăn mặc không kín đáo. Ðược thấy nữ nhân ăn mặc không chỉnh tề, ăn mặc không kín đáo, tham dục tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham dục tấn công nên thân bị thiêu cháy, tâm bị thiêu cháy. Vị ấy nghĩ: “Ta hãy đi về khu vườn (chỗ Tăng ở) báo tin cho các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi bị tham dục tràn ngập, bị tham dục ám ảnh, tôi không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, tôi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, từ bỏ học pháp, tôi trở về với đời sống thế tục”. Vị ấy, trên con đường đi đến khu vườn, còn ở giữa đường, biểu lộ sự yếu kém trong học tập, từ bỏ học pháp, trở về đời sống thế tục.
Ví như, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy, trong trận chiến ấy, nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác, trong khi người ấy nỗ lực hăng hái như vậy, làm cho người ấy bị thương, khiêng người ấy đi, chở người ấy, và đưa người ấy đến các bà con, người ấy mệnh chung giữa đường. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống với ví dụ ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có một hạng người như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ hai có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Vị ấy vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào làng hay thị trấn ấy để khất thực, thân không phòng hộ, lời nói không phòng hộ, tâm không phòng hộ, niệm không an trú, các căn không được bảo vệ. Vị ấy ở đấy thấy nữ nhân ăn mặc không tề chỉnh, ăn mặc không kín đáo, tham dục tấn công vị ấy. Vị ấy với tham dục bị tấn công, nên thân bị thiêu cháy, tâm bị thiêu cháy. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta hãy đi đến khu vườn báo tin cho các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi bị tham dục tràn ngập, bị tham dục ám ảnh. Tôi không thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh, sau khi biểu hiện sự yếu kém trong học tập, tôi từ bỏ học pháp, sẽ trở về với đời sống thế tục”. Các vị đồng Phạm hạnh giáo giới, khuyên bảo như sau: “Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói: “Các dục vị ngọt ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như một khúc xương, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như miếng thịt, khổ nhiều, não nhiều, nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như bó đuốc bằng cỏ, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như một hố than hừng, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như một cơn mộng, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như vật dụng mượn dùng, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như quả của cây, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như lò thịt, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như cây gậy nhọn, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn. Các dục được Thế Tôn ví dụ như đầu rắn, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn”. Tôn giả hãy tìm sự thoải mái trong Phạm hạnh! Tôn giả chớ biểu hiện sự yếu kém trong học tập, từ bỏ học pháp và trở lui đời sống thế tục”.
Vị ấy được các đồng Phạm hạnh giáo giới như vậy, khuyên bảo như vậy, liền nói như sau: “Này các Hiền giả, dầu cho Thế Tôn có nói các dục ngọt ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn, nhưng tôi không có thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh. Sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, từ bỏ học pháp, tôi sẽ trở về đời sống thế tục”. Sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, sau khi từ bỏ học pháp, vị ấy trở lui đời sống thế tục.
Ví như, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ ấy, sau khi cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến khốc liệt. Vị ấy, trong chiến trận ấy, nỗ lực, hăng hái. Nhưng các người khác trong khi có nỗ lực, hăng hái như vậy, làm cho người bị thương, khiêng người ấy đi, chở người ấy, và đưa người ấy đến các người bà con. Các người bà con săn sóc nuôi dưỡng người ấy. Người ấy, tuy được các người bà con săn sóc nuôi dưỡng nhưng bị mệnh chung vì vết thương ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này được ví như ví dụ ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người như vậy. Này các Tỷ kheo, đây là hạng người được ví dụ với người chiến sĩ thứ ba có mặt, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.
11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống dựa vào làng hay thị trấn. Vị ấy vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào ngôi làng hay thị trấn ấy để khất thực, với thân không phòng hộ, với lời không phòng hộ, với tâm không phòng hộ, với niệm không an trú, với các căn không được bảo vệ. Vị ấy ở đấy, thấy nữ nhân ăn mặc không chỉnh tề, ăn mặc không kín đáo. Sau khi thấy nữ nhân ăn mặc không chỉnh tề, ăn mặc không kín đáo, tham dục tấn công vị ấy. Vị ấy với tâm bị tham dục tấn công, nên thân bị thiêu cháy, tâm bị thiêu đốt. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta hãy đi đến khu vườn, báo tin cho các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi bị tham dục tràn ngập, bị tham bị tham dục ám ảnh. Tôi không thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh. Tôi tuyên bố sự yếu kém trong học tập, từ bỏ học pháp, trở về với đời sống thế tục”. Vị ấy đi đến khu vườn, báo tin cho các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả, tôi bị tham dục tràn ngập, bị tham dục ám ảnh. Tôi không thể tiếp tục đời sống Phạm hạnh; sau khi biểu lộ sự yếu kém trong học tập, từ bỏ học pháp, tôi trở về với đời sống thế tục”. Các vị đồng Phạm hạnh giáo giới khuyên bảo như sau: “Này hiền giả, Thế Tôn đã nói: “Các dục ngọt ít, đắng nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn… Các dục được Thế Tôn ví như đầu rắn, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại ở đây lại nhiều hơn”. Tôn giả hãy tìm sự thoải mái trong Phạm hạnh. Hiền giả chớ biểu lộ sự kém trong học tập, từ bỏ học pháp và trở lui đời sống thế tục”.
Vị ấy được các đồng giáo giới như vậy, khuyên bảo như vậy, nói như vầy: “Thưa các Hiền giả, tôi sẽ nỗ lực. Thưa các Hiền giả, tôi sẽ cố gắng. Thưa các Hiển giả, tôi sẽ sống thoải mái. Nay tôi không biểu lộ sự yếu kém trong học tập, không từ bỏ học pháp, không trở lui về đời sống thế tục”.
Ví như, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ ấy cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Vị ấy trong trận chiến ấy, nỗ lực hăng hái. Nhưng các người khác, trong khi người ấy nỗ lực hăng hái như vậy, làm cho người ấy bị thương, khiêng người ấy đi, chở người ấy và đưa người ấy đến các bà con. Các người bà con săn sóc người ấy, nuôi dưỡng người ấy. Người ấy, nhờ các bà con săn sóc nuôi dưỡng, được chữa lành khỏi vết thương. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người như vậy. Người này, này các Tỷ-kheo, được ví dụ với chiến sĩ thứ tư có mặt, hiện hữu giữa các vị Tỷ-kheo.
12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Vị ấy vào buổi sáng đắp y, cầm bát y, vào làng hay thị trấn ấy để khất thực, với thân được phòng hộ, với lời được phòng hộ, với tâm được phòng hộ, với niệm được an trú, với các căn được bảo vệ. Vị ấy khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn.
Vị ấy, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến một chỗ sàng tọa trống trải, khu rừng, gốc cây, ngọn núi, khe núi, hang núi, bãi tha ma, cao nguyên, ngoài trời, đống rơm. Vị ấy đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết-gà, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Vị ấy đoạn tận tham ở đời, an trú với tâm ly tham… chứng đạt và an trú sơ Thiền… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy với tâm định tĩnh, trong sáng, không cấu uế, các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyến, kham nhẫn, kiên trì, bất động, hướng tâm về trí đoạn tận các lậu hoặc. Vị ấy như thật rõ biết: “Ðây là khổ”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ tập”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ diệt”, như thật rõ biết: “Ðây là con đường đi đến khổ diệt… không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Ví như, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ ấy cầm kiếm và mâu, đeo cung và tên, tham gia vào trận chiến ác liệt. Người ấy, sau khi chiến thắng trận ấy, chiến thắng trong chiến trận, vị ấy vẫn đứng đầu trong chiến trận ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố người này giống như ví dụ ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có một hạng người như vậy. Ðây là hạng người được ví dụ với chiến sĩ thứ năm, hiện hữu giữa các Tỷ-kheo.
Này các Tỷ-kheo, có năm hạng người được ví dụ với năm người chiến sĩ này, có mặt, hiện hữu giữa các vị Tỷ-kheo.
(VIII) (77) Sợ Hãi Trong Tương Lai (1)
1. – Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sợ hãi trong tương lai này, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng. Khi ta sống một mình trong rừng, con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy là chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đạt những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ nhất này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống ở trong rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống ở trong rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng. Khi ta sống một mình trong rừng, ta có thể vấp ngã và té xuống, cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể làm ta khuấy động, hay niêm dịch (đàm) có thể làm ta khuấy động, các gió như kiếm có thể làm ta khuấy động, do vậy ta có thể mệnh chung. Như vậy là chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy hăng hái, cố gắng để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ hai này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chứa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng. Sống một mình trong rừng, ta chung sống với các loài thú nguy hiểm, như sư tử, cọp, báo, gấu, dã can. Chúng có thể đoạt mạng sống của ta, có thể làm ta mệnh chung. Như vậy là một sự chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy hăng hái tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ ba này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình trong rừng. Trong khi ta sống một mình trong rừng, ta chung sống với các loài ăn trộm, ăn cắp đã hành nghề. Chúng có thể đoạt mạng sống của ta, chúng có thể làm ta mạng chung và như vậy là một chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy hăng hái tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ tư này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống ở rừng quán sát như sau: “Nay ta sống một mình ở trong rừng. Ở trong rừng có những loài phi nhân nguy hiểm, chúng có thể đoạt mạng sống của ta làm ta mệnh chung, như vậy là một chướng ngại cho ta. Vậy ta hãy hăng hái tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ năm này về tương lai, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sợ hãi về tương lai này, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
(VIII) (78) Sợ Hãi Trong Tương Lai (2)
1. – Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sự sợ hãi về tương lai này, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như sau: “Nay ta còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong buổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời. Nhưng rồi đến thời già sẽ xúc chạm thân này. Khi đã già yếu, và bị già chinh phục, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có bị già, ta sẽ sống được thoải mái”.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ nhất này về tương lai, như vậy là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát như sau: “Nay ta ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình, hợp với tinh tấn, nhưng rồi đến thời bệnh sẽ xúc chạm thân này. Khi đã bị bệnh và bị bệnh chinh phục, thật không dễ gì tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, dầu có bị bệnh, ta sẽ sống được thoải mái”.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ hai này về tương lai, như vậy là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát như sau: “Nay không có đói kém, được mùa, đồ ăn khất thực dễ kiếm được, thật dễ dàng để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Nhưng rồi đến thời có nạn đói, mất mùa, đồ ăn khất thực nỗ lực được, không dễ gì nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Và những người bị nạn đói sẽ dời đến chỗ nào được nhiều đồ ăn; tại đấy, phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp. Khi phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có bị đói kém, ta sẽ sống được thoải mái”.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ ba này về tương lai, như vậy là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như sau: “Nay các loài Người sống với nhau thuận hòa, hoan hỷ với nhau, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Nhưng rồi đến thời có sự sợ hãi về nạn cướp rừng, dân chúng trong nước leo lên xe để đi trốn tại nơi nào có sự sợ hãi, dân chúng di động đến chỗ có sự an ổn. Tại đấy, phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp, thật không dễ với quần chúng, sống với hỗn tạp, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng.. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta phải hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có gặp sự sợ hãi, ta sẽ sống được thoải mái”.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ tư này về tương lai, như vậy là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như sau: ” Nay chúng Tăng hòa hợp, cùng nhau hoan hỷ, không tranh luận nhau, sống thoải mái cùng chung một lời dạy… nhưng rồi đến thời chúng Tăng chia rẽ. Khi chúng Tăng chia rẽ, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật. Thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi, cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, chúng Tăng có chia rẽ, ta sẽ sống được thoải mái”.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ năm này về tương lai, như vậy là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sợ hãi này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
(IX) (79) Sợ Hãi Trong Tương Lai (3)
1. – Có năm sợ hãi về tương lai này, này các Tỷ-kheo, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng, sau khi rõ biết, cần phải tinh tấn đoạn trừ chúng. Thế nào là năm?
2. Này các Tỷ-kheo, sẽ có những vị Tỷ-kheo trong tương lai, thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, nếu họ thọ đại giới cho các người khác, họ sẽ không có thể huấn luyện trong tăng thượng giới, trong tăng thượng tâm, trong tăng thượng tuệ. Các người ấy sẽ trở thành những người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, họ sẽ thọ đại giới cho các người khác, họ không có thể huấn luyện trong tăng thượng giới, trong tăng thượng tâm, trong tăng thượng tuệ. Các người ấy sẽ trở thành những người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do Pháp ô nhiễm, nên Luật bị ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp bị ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ nhất về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai; các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn trừ chúng.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trong tương lai sẽ trở thành những người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, họ làm y chỉ sư cho các người khác. Họ không có thể huấn luyện trong tăng thượng giới, trong tăng thượng tâm, trong tăng thượng tuệ. những người ấy sẽ trở thành những người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Các người ấy, do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, lại làm y chỉ sư cho những người khác, họ không có thể huấn luyện trong tăng thượng giới, trong tăng thượng tâm, trong tăng thượng tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do Pháp ô nhiễm, nên Luật bị ô nhiễm. Do Luật ô nhiễm, nên Pháp bị ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, đây là sự sợ hãi thứ hai về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn trừ chúng.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trong tương lai sẽ trở thành những người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Thắng pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng. Này các Tỷ-kheo, đây là do ô nhiễm Pháp, nên sanh ô nhiễm Luật; do ô nhiễm Luật, nên sanh ô nhiễm Pháp.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ ba về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận chúng.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng. Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng. Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập nên các trưởng lão Tỷ-kheo sẽ sống đầy đủ, biếng nhác dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, không có hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tà kiến của họ. Họ sẽ trở thành những người sống đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng, viễn ly, sẽ không hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, do nhiễm ô về Pháp, đưa đến nhiễm ô về Luật; do nhiễm ô về Luật, đưa đến nhiễm ô về Pháp.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ năm về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn tận sự sợ hãi ấy.
Này các Tỷ-kheo, năm sợ hãi về tương lai này, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận những sự sợ hãi ấy.
(X) (80) Sự Sợ Hãi Trong Tương Lai (4)
1. – Có năm sợ hãi về tương lai này, hiện chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận những sợ hãi ấy.
2. Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn các y tốt đẹp. Do họ tham muốn các y tốt đẹp, họ sẽ từ bỏ các y nhặt nơi đống rác, họ sẽ từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng, họ sẽ đi đến các làng, thị trấn, kinh đô vua chúa và sống tại các chỗ ấy. Vì nhân y áo, họ sẽ rơi vào những hành vi tầm cầu không thích hợp.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ nhất về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn các đồ ăn khất thực ngon lành. Do họ tham muốn các đồ ăn khất thực ngon lành, họ sẽ từ bỏ nếp sống khất thực, từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng. Họ sẽ đi vào các làng, thị trấn, kinh đô của vua và sinh sống tại đấy, tìm cầu các món ăn thượng vị, như với đầu lưỡi. Do nhân đồ ăn khất thực, họ sẽ rơi vào nhiều hành động tầm cầu không thích hợp.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ hai về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn sàng tọa tốt đẹp. Do họ tham muốn các sàng tọa tốt đẹp, họ sẽ từ bỏ nếp sống dưới gốc cây, họ sẽ từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng. Họ sẽ đi vào các làng, thị trấn, kinh đô của vua và sinh sống tại đấy. Vì nhân sàng tọa, họ sẽ rơi vào nhiều hành động tầm cầu không thích hợp.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ ba về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai sẽ sống liên hệ với Tỷ-kheo-ni, các chánh học nữ, các Sa-di-ni. Khi sống liên hệ với Tỷ-kheo-ni, chánh học nữ, Sa-di-ni, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là: Họ sẽ không thích thú sống Phạm hạnh, hay họ sẽ rơi vào một trong những tội lỗi ô nhiễm, sẽ từ bỏ học pháp và trở lui lại đời sống thế tục.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai sống liên hệ với các người có hệ lụy đến khu vườn, với các Sa-di. Khi sống liên hệ với các người có hệ lụy đến khu vườn và với các Sa-di, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là họ sẽ sống và tận hưởng các vật liệu cất chứa, và họ sẽ làm các thô tướng đối với đất đai và đối với các sản phẩm trồng trọt.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ năm về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sự sợ hãi ấy.
Năm sự sợ hãi về tương lai này, này các Tỷ-kheo, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận những sợ hãi ấy.
IX. Phẩm Trưởng Lão
(I) (81) Khả Ái
1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
2. Bị tham ái bởi những gì khả ái, bị hiềm hận bởi những gì đáng hiềm hận, bị si mê bởi những gì đáng si mê, bị phẫn nộ bởi những gì đáng phẫn nộ, bị say đắm bởi những gì đáng say đắm. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng Lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
4. Không bị tham bởi những gì khả ái, không bị hiềm hận bởi những gì đáng hiềm hận, không bị si mê bởi những gì đáng si mê, không bị phẫn nộ bởi những gì đáng phẫn nộ, không bị say đắm bởi những gì đáng say đắm. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng Lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.
(II) (82) Ly Tham
1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
2. Không ly tham, không ly sân, không ly si, hư ngụy và não hại.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
4. Ly tham, ly sân, ly si, không hư ngụy và không não hại. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.
(III) (83) Lừa Ðảo
1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
2. Lừa đảo, siểm nịnh (hư đàm), hiện tướng (gợi ý), gièm pha, lấy lợi cầu lợi. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
4. Không lừa đảo, không siểm nịnh, không hiện tướng, không gièm pha, không lấy lợi cầu lợi. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.
(IV) (84) Lòng Tin
1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
2. Không tín, không hổ thẹn, không biết sợ, biếng nhác và ác tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
4. Có lòng tin, có hổ thẹn, có biết sợ, tinh cần, tinh tấn và có tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.
(V) (85) Không Kham Nhẫn
(1-4)… (Như kinh trên, chỉ khác về năm pháp, đó là: không kham nhẫn đối với các sắc, không kham nhẫn đối với các tiếng, không kham nhẫn đối với các hương, không kham nhẫn đối với các vị, không kham nhẫn đối với các xúc. Còn về năm thiện pháp là kham nhẫn đối với các sắc… các tiếng… các hương… các vị và các xúc).
(VI) (86) Vô Ngại Giải
– Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
Ðạt được nghĩa vô ngại giải, đạt được pháp vô ngại giải, đạt được từ vô ngại giải, đạt được biện tài vô ngại giải, đối với các sự việc, các vị đồng Phạm hạnh cần phải làm, hoặc lớn hay nhỏ, vị ấy thiện xảo, không có biếng nhác, thành tựu trí phương tiện. Ở đây vừa đủ để làm, vừa đủ đến khiến người làm.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.
(VII) (87) Giới
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?
2. Có giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhiệm, chấp nhận và học tập các học pháp, nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến; thiện ngôn dùng lời thiện ngôn, lời nói tao nhã, ý nghĩa minh bạch, giọng nói không bập bẹ, phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, đem đến hiện tại lạc trú. Do đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập.
(VIII) (88) Vị Trưởng Lão
1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Trưởng lão đem lại bất hạnh cho đa số, đem lại không an lạc cho đa số, đem lại không lợi ích, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là năm?
2. Vị Tỷ-kheo Trưởng lão là bậc kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, được nhiều người biết đến, có danh vọng, được một số đông người tại gia, xuất gia đoanh vây, nhận được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thành tựu, nhờ chánh kiến. Vị ấy có tà kiến, có tri kiến điên đảo. Vị ấy làm cho nhiều người từ bỏ diệu pháp, chấp nhận phi diệu pháp. Vì vị Tỷ-kheo Trưởng lão là bậc kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì vị Tỷ-kheo Trưởng lão được nhiều người biết đến, có danh vọng, được một số đông người tại gia, xuất gia đoanh vây, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì rằng, vị Tỷ-kheo Trưởng lão nhận được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì rằng vị Tỷ-kheo là bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy.
Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ-kheo Trưởng lão đem lại bất hạnh cho đa số, đem lại không an lạc cho đa số, đem lại không lợi ích, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Trưởng lão đem lại hạnh phúc cho đa số, đem lại an lạc cho đa số, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là năm?
4. Vị Tỷ-kheo Trưởng lão là bậc kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, được nhiều người biết đến, có danh vọng, được một số đông người tại gia, xuất gia đoanh vây, nhận được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh, hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Vị ấy có chánh kiến, không có tri kiến điên đảo. Vị ấy làm cho nhiều người từ bỏ phi diệu pháp, chấp nhận diệu pháp. Vì vị Tỷ-kheo Trưởng lão là bậc kỳ cựu xuất gia đã lâu ngày, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì vị Tỷ-kheo Trưởng lão đã được nhiều người biết đến, có danh vọng, được số đông người tại gia xuất gia doanh vây, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì rằng vị Tỷ-kheo Trưởng lão nhận được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì rằng vị Tỷ-kheo Trưởng lão là bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Trưởng lão đem lại hạnh phúc cho đa số, đem lại an lạc cho đa số, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.
(IX) (89) Vị Tỷ Kheo Hữu Học (1)
1. – Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?
2. Ưa sự nghiệp, ưa đàm luận, ưa ngủ, ưa có quần chúng, không quán sát tâm như đã được giải thoát.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
3. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?
4. Không ưa sự nghiệp, không ưa đàm luận, không ưa ngủ, không ưa có quần chúng, quán sát tâm như đã được giải thoát.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
(X) (90) Vị Tỷ Kheo Hữu Học (2)
1. – Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo hữu học có nhiều công việc, có nhiều việc phải làm, khéo léo trong công việc phải làm, từ bỏ độc cư Thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Ðây là pháp thứ nhất khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học suốt ngày làm những công việc nhỏ nhặt, từ bỏ độc cư Thiền tịnh, không có chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Ðây là pháp thứ hai khiến vị Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học sống liên hệ nhiều với các vị tại gia và xuất gia, hệ lụy với các sự việc tại gia không thích đáng, từ bỏ độc cư Thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Ðây là pháp thứ ba khiến Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo hữu học đi vào làng quá sớm, từ giã làng quá muộn, từ bỏ độc cư Thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Ðây là pháp thứ tư khiến vị Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo hữu học đối với các câu chuyện nghiêm trang, khai tâm như các câu chuyện về ít dục, câu chuyện về tri túc, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không hội họp, câu chuyện về tinh cần, tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Các câu chuyện ấy, vị ấy có được có khó khăn, có được có mệt nhọc, có được có phí sức. Vị ấy từ bỏ độc cư Thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Ðây là pháp thứ năm khiến vị Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
7. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không khiến vị Tỷ-kheo hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo hữu học không có nhiều công việc, không có nhiều việc phải làm, không khéo léo trong công việc phải làm, không từ bỏ độc cư Thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Ðây là pháp thứ nhất không khiến vị Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo hữu học không suốt ngày làm những công việc nhỏ nhặt, không từ bỏ độc cư Thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Ðây là pháp thứ hai không khiến vị Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo hữu học không sống liên hệ nhiều với các vị tại gia và xuất gia, không hệ lụy với các việc tại gia không thích đáng, không từ bỏ độc cư Thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Ðây là pháp thứ ba không khiến vị Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo hữu học không đi vào làng quá sớm, không từ giã làng quá muộn, không từ bỏ độc cư Thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Ðây là pháp thứ tư không khiến vị Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo hữu học đối với các câu chuyện nghiêm trang, khai tâm, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về tri túc, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không hội họp, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Các câu chuyện ấy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức, không từ bỏ độc cư Thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Ðây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, không đưa đến thối chuyển cho vị Tỷ-kheo hữu học.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, không khiến vị Tỷ-kheo hữu học thối chuyển.
X. Phẩm Kakudha
(I) (91) Ðầy Ðủ (1)
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm đầy đủ này. Thế nào là năm?
2. Tín đầy đủ, giới đầy đủ, nghe đầy đủ, thí đầy đủ, tuệ đầy đủ.
Này các Tỷ-kheo, đây là năm đầy đủ.
II (92) Ðầy Dủ (2)
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm đầy đủ này. Thế nào là năm?
2. Giới đầy đủ, định đầy đủ, tuệ đầy đủ, giải thoát đầy đủ, giải thoát tri kiến đầy đủ.
Này các Tỷ-kheo, đây là năm đầy đủ.
(III) (93) Trả Lời
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm cách trả lời về chánh trí này. Thế nào là năm?
2. Vì đần độn, vì ngu si, trả lời về chánh trí; vì ác dục, vì bị dục chi phối, trả lời về chánh trí, vì kiêu mạn, vì tâm tán loạn trả lời về chánh trí; vì tăng thượng mạn, trả lời về chánh trí; vì hoàn toàn chơn chánh, trả lời về chánh trí.
Này các Tỷ-kheo, có năm cách trả lời về chánh trí này.
(IV) (94) Lạc Trú
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm lạc trú này. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ, làm cho tịnh chỉ tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… Thiền thứ tư… do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm lạc trú.
(V) (95) Bất Ðộng
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được nghĩa vô ngại giải, đạt được pháp vô ngại giải, đạt được từ vô ngại giải, đạt được biện tài vô ngại giải, quán sát tâm như đã giải thoát.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu thể nhập vào bất động.
(VI) (96) Nghe Pháp
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thực hành Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo muốn không có nhiều, công việc không có nhiều, nuôi sống dễ dàng, khéo tri túc với những nhu yếu ở đời, ăn uống ít, không chuyên lo về bao tử; ít thụy miên, chuyên chú trong giác tỉnh; nghe nhiều, thọ trì nhiều, tích lũy điều đã nghe; các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, các pháp ấy, Tỷ-kheo đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến; quán sát tâm như đã được giải thoát.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động.
(VII) (97) Nói Chuyện
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo muốn không có nhiều, việc làm không có nhiều, nuôi sống dễ dàng, khéo tri túc với những nhu yếu ở đời; ăn uống ít, không chuyên lo về bao tử; ít thụy miên, chuyên chú vào giác tỉnh; đối với các câu chuyện nghiêm trang, khai tâm, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về tri túc, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không hội họp, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến, các câu chuyện ấy, vị ấy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức; vị ấy quán sát tâm như đã được giải thoát.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động.
(VIII) (98) Rừng
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm cho sung mãn Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo muốn không có nhiều, việc làm không có nhiều, nuôi sống dễ dàng, khéo tri túc với những nhu yếu ở đời; ăn uống ít, không chuyên lo về bao tử, ít thụy miên, chuyên chú vào giác tỉnh; sống ở trong rừng, sống tại các sàng tọa xa vắng; quán sát tâm như đã được giải thoát.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm cho sung mãn Niệm hơi thở vô hơi thở ra, không bao lâu thể nhập vào bất động.
(IX) (99) Con Sư Tử.
1. – Con sư tử, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, từ hang đi ra, sau khi từ hang đi ra, nó duỗi chân; sau khi nó duỗi chân, nó ngó xung quanh cả bốn phương; sau khi nó ngó xung quanh cả bốn phương, ba lần nó rống tiếng rống con sư tử; sau khi ba lần rống tiếng rống con sư tử, nó ra đi tìm mồi. Nếu nó vồ bắt con voi, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu nó vồ bắt con thủy ngưu, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu nó vồ bắt con báo, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu nó vồ bắt các con vật nhỏ khác như thỏ hay mèo, nó vồ bắt rất cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Vì cớ sao? “Mong rằng uy lực của ta không có thất bại”.
2. Con sư tử, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác. Khi Như Lai thuyết pháp cho hội chúng, tức là rống tiếng rống con sư tử. Này các Tỷ-kheo, nếu Như Lai thuyết pháp cho các vị Tỷ-kheo, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các vị Tỷ-kheo Ni, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng nam cư sĩ, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng nữ cư sĩ, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Nếu Như Lai thuyết pháp cho các hàng phàm phu , cho các người bắt chim hay xin ăn, Như Lai thuyết pháp hết sức cẩn thận, chu đáo, không phải không cẩn thận, chu đáo. Vì cớ sao? Vì Như Lai là bậc tôn trọng Pháp, này các Tỷ-kheo, là bậc tôn kính Pháp.
(X) (100) Kakudha
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ Kakudha, người Koliya, là thị giả của Tôn giả Mahàmoggallàna vừa mệnh chung và sanh ra với một thân do ý tạo, thân ấy với tự thể có được (to rộng) ví như hai hay ba thửa ruộng làng ở Magadha. Vị ấy, với tự thể như vậy, không làm cho tự mình hay làm cho người khác bị bệnh. Rồi Thiên tử Kakudha đi đến Tôn giả Mahàmoggallàna; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahàmoggallàna rồi đứng một bên. Thiên tử Kakudha thưa với Tôn giả Mahàmoggallàna:
– Thưa Tôn giả, Devadatta có khởi lên ý muốn như sau: “Ta sẽ lãnh đạo chúng Tăng”. Với tâm khởi lên như vậy, thưa Tôn giả, thần thông của Devadatta bị thối thất.
Thiên tử Kakudha nói lên như vậy, nói như vậy xong, đảnh lễ Tôn giả Mahàmoggallàna, thân phía hữu hướng về ngài rồi biến mất tại chỗ. Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahàmoggallàna bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Kakudha, người xứ Koliya, là thị giả của con, mệnh chung không bao lâu, sanh ra với thân do ý tạo thành, thân ấy với tự thể có được (to rộng) ví như hai hay ba thửa ruộng làng ở Magadha. Vị ấy với tự thể như vậy, không làm cho tự mình hay làm cho người khác bị bệnh. Rồi Thiên tử Kakudha đi đến con; sau khi đến, đảnh lễ con rồi đứng một bên. Sau khi đứng một bên, bạch Thế Tôn, Thiên tử Kakudha thưa với con: “Thưa Tôn giả, Devadatta có khởi lên ý muốn như sau: “Ta sẽ lãnh đạo chúng Tăng”. Với tâm khởi lên như vậy. Thưa Tôn giả, thần thông của Devadatta bị thối thất”. Thiên tử Kakudha, bạch Thế Tôn, nói lên như vậy. Nói như vậy xong, đảnh lễ con, rồi thân phía hữu hướng về con rồi biến mất.
– Này Moggallàna, có phải Thầy với tâm của mình biết được tâm của Thiên tử Kakudha rằng: “Ðiều gì Thiên tử Kakudha nói lên, tất cả đều là như vậy, không thể khác được”?
– Bạch Thế Tôn, với tâm của con, con biết được tâm của Thiên tử Kakudha rằng: “Ðiều gì Thiên tử Kakudha nói lên, tất cả đều là như vậy, không thể khác được”.
– Này Moggallàna, hãy phòng hộ lời nói này! Này Moggallàna, hãy phòng hộ lời nói này. Nay kẻ ngu si ấy sẽ tự mình thấy rõ tự mình. Này Moggallàna, có năm bậc Ðạo sư này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này Moggallàna, có vị Ðạo sư, giới không thanh tịnh lại tự cho rằng: “Ta có giới thanh tịnh. Giới của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm”. Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: “Tôn giả Ðạo sư này có giới không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: “Ta có giới thanh tịnh. Giới của ta thanh tịnh, trong sáng, không uế nhiễm”. Nếu ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Ðạo sư sẽ không bằng lòng. Và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được”. Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở giới cho bậc Ðạo sư, và bậc Ðạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở về giới cho mình.
3. Lại nữa, này Moggallàna ở đây có bậc Ðạo sư mạng sống không thanh tịnh, lại tự cho rằng: “Ta có mạng sống thanh tịnh. Mạng sống của ta thanh tịnh chói sáng, không có uế nhiễm”. Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: “Vị Tôn giả Ðạo sư này có mạng sống không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: “Ta có mạng sống thanh tịnh. Mạng sống của ta thanh tịnh, trong sáng, không uế nhiễm”. Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Ðạo sư ấy không bằng lòng, và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được”. Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở mạng sống cho bậc Ðạo sư, và bậc Ðạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở mạng sống cho mình.
4. Lại nữa, này Moggallàna, ở đây có bậc Ðạo sư thuyết pháp không thanh tịnh, lại tự cho rằng: “Ta thuyết pháp thanh tịnh. Thuyết pháp của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm”. Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: “Tôn giả Ðạo sư này thuyết pháp không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: “Ta thuyết pháp thanh tịnh. Thuyết pháp của ta thanh tịnh, trong sáng, không uế nhiễm”. Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Đạo sư ấy sẽ không bằng lòng. Và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được”. Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử phòng hộ sự thuyết pháp cho bậc Ðạo sư, và bậc Ðạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở thuyết pháp cho mình.
5. Lại nữa, này Moggallàna, ở đây có bậc Ðạo sư trả lời không thanh tịnh, lại tự cho rằng: “Ta trả lời thanh tịnh. Trả lời của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm”. Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: “Tôn giả Ðạo sư này trả lời không thanh tịnh, lại nghĩ rằng: “Ta trả lời thanh tịnh. Trả lời của ta thanh tịnh, chói sáng, không uế nhiễm”. Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Ðạo sư ấy sẽ không bằng lòng và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được”. Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở trả lời cho bậc Ðạo sư, và bậc Ðạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở trả lời cho mình.
6. Lại nữa, này Moggallàna, ở đây có bậc Ðạo sư tri kiến không thanh tịnh, lại tự cho rằng: “Ta có tri kiến thanh tịnh. Tri kiến của ta thanh tịnh, chói sáng, không có uế nhiễm”. Nhưng các đệ tử biết về vị ấy như sau: “Tôn giả Ðạo sư này tri kiến không thanh tịnh, lại tự nghĩ rằng: “Ta có tri kiến thanh tịnh. Tri kiến của ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Nếu chúng ta tin cho các cư sĩ biết như vậy, thời vị Ðạo sư sẽ không bằng lòng và nếu vị ấy không bằng lòng, thời chúng ta sẽ xử sự như thế nào mới được”. Và vị ấy nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Những gì tự ngã sẽ làm, tự ngã sẽ được biết do việc làm ấy. Như vậy, này Moggallàna, các đệ tử che chở tri kiến cho bậc Ðạo sư, và bậc Ðạo sư như vậy chờ đợi các đệ tử che chở tri kiến cho mình.
7. Này Moggallàna, Ta có giới thanh tịnh, và Ta tự biết: “Giới của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Các đệ tử không có che chở Ta về giới, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về giới. Mạng sống của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: “Mạng sống của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Các đệ tử không có che chở Ta về mạng sống, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở cho Ta về mạng sống. Thuyết pháp của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: “Thuyết pháp của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: “Thuyết pháp của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Các đệ tử không có che chở Ta về thuyết pháp và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về thuyết pháp. Các câu trả lời của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết :” Các câu trả lời của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Các đệ tử không có che chở Ta về các câu trả lời, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về các câu trả lời. Tri kiến của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: “Tri kiến của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm”. Các đệ tử không có che chở Ta về tri kiến, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về tri kiến.
XI. Phẩm An Ổn Trú
(I) (101) Ðáng Sợ Hãi
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm pháp này làm cho bậc Hữu học không có sợ hãi. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Cái gì làm cho kẻ không có lòng tin sợ hãi, này các Tỷ-kheo, cái ấy không làm cho người có lòng tin sợ hãi. Do vậy, pháp này là pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi. Cái gì làm cho kẻ ác giới sợ hãi, này các Tỷ kheo, cái ấy không làm cho người có giới sợ hãi. Do vậy, pháp này là pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi. Cái gì làm cho kẻ ít nghe sợ hãi, này các Tỷ-kheo, cái ấy không làm cho người nghe nhiều sợ hãi. Do vậy, pháp này là pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi. Cái gì làm cho kẻ biếng nhác sợ hãi, này các Tỷ-kheo, cái ấy không làm cho kẻ tinh cần tinh tấn sợ hãi. Do vậy, pháp này là pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi. Cái gì làm cho kẻ ác tuệ sợ hãi, này các Tỷ-kheo, cái ấy không làm cho người có trí tuệ sợ hãi. Do vậy, pháp này là pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, là các pháp làm cho bậc Hữu học không sợ hãi.
(II) (102) Ðáng Nghi Ngờ
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo bị mất tin tưởng và bị nghi ngờ là “ác Tỷ-kheo”, dầu cho vị ấy đã đạt được bất động. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến chỗ dâm nữ, đi đến nhà đàn bà góa, đi đến nhà có con gái già, hay đi đến nhà các hoạn quan, hay đi đến chỗ các Tỷ-kheo-ni.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo bị mất tin tưởng và bị nghi ngờ là ác Tỷ-kheo, dầu cho vị ấy đã đạt được bất động.
(III) (103) Kẻ Ăn Trộm
1. – Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, một kẻ ăn trộm lớn xâm nhập vào nhà cửa, mang đồ ăn trộm ra đi, thành người ăn trộm riêng rẽ, thành người cướp chận đường. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự hiểm trở (của con đường), dựa vào sự rậm rạp (của núi rừng), dựa vào quyền thế, là kẻ hối lộ, là kẻ ăn trộm một mình. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự hiểm trở?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn dựa vào các con sông khó lội qua hay núi non hiểm trở. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự hiểm trở. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự rậm rạp?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự rậm rạp của cỏ, cây, bụi cây và của rừng rậm hoang vu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là kẻ ăn trộm lớn dựa vào sự rậm rạp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ ăn trộm lớn dựa vào uy lực?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn dựa vào vua hay các vị đại thần của vua. Anh ta suy nghĩ như sau: “Nếu có ai nói điều gì về ta, các vị vua này hay các vị đại thần của vua sẽ nói những lời che chở cho ta”. Nếu có ai nói điều gì về anh ta, các vua và các vị đại thần ấy nói che chở cho anh ta. Như vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn dựa vào uy lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ ăn trộm lớn dựa vào hối lộ tài sản?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn giàu có, có tiền của nhiều, có tài sản lớn. Anh ta nghĩ như sau: “Nếu có ai nói gì đến ta, từ nay ta sẽ hối lộ người ấy với tài sản”. Nếu có người nói gì đến anh ta, anh ta liền hối lộ với tài sản. Như vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn hối lộ với tài sản. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ ăn trộm lớn là kẻ ăn trộm riêng rẽ?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có kẻ ăn trộm lớn đoạt các tài vật một mình. Vì cớ sao? Anh ta suy nghĩ: “Mong rằng không ai bàn bạc chỗ trốn với ta rồi làm ta rối loạn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ăn trộm lớn thành kẻ ăn trộm riêng rẽ.
Thành tựu năm chi phần này, kẻ ăn trộm lớn xâm nhập vào nhà cửa, mang đồ ăn trộm ra đi, thành người ăn trộm riêng rẽ, thành người cướp chận đường.
8. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, kẻ ác Tỷ-kheo tự mình xử sự như kẻ mất gốc, bị tổn thương, có tội lỗi, bị những bậc trí quở trách, và làm nhiều điều vô phước. Thế nào là năm?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo dựa vào hiểm trở, dựa vào rậm rạp, dựa vào uy lực, hối lộ tài sản và hành động một mình. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào hiểm trở?
10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo thành tựu thân nghiệp hiểm nạn, thành tựu ngữ nghiệp hiểm nạn, thành tựu ý nghiệp hiểm nạn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào hiểm nạn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo dựa vào rừng rậm?
11. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo có tà kiến và thành tựu tri kiến cực đoan. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo dựa vào rừng rậm. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào uy lực?
12. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo dựa vào vua và các vị đại thần của vua. Vị ấy suy nghĩ: “Nếu có ai nói gì về ta, các vua ấy và các đại thần ấy nói lời với mục đích che chở cho ta”. Nếu có ai nói gì về vị ấy, các vua chúa hay các vị đại thần của vua nói lời với mục đích che chở. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo dựa vào uy lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo hối lộ tài sản?
13. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo nhận được các vật dụng nhu yếu như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Nếu có ai nói gì về ta, ta sẽ hối lộ người ấy với vật dụng thâu được!” Và nếu có người nói gì về vị ấy, vị ấy hối lộ với vật dụng thâu được. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo hối lộ với tài sản. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo hành động một mình?
14. Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo sống một mình tức là ở các địa phương biên địa. Tại đấy, vị ấy đến các gia đình và nhận được các lợi dưỡng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo hành động một mình.
Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo tự mình xử sự như người bị mất gốc, bị tổn thương, có phạm tội, bị các người trí quở trách, làm nhiều điều vô phước.
(IV) (104) Ðem Lại An Lạc
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người đem lại an lạc của Sa-môn cho các Sa-môn. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được yêu cầu hưởng thụ nhiều y áo, không phải ít yêu cầu, được yêu cầu hưởng thụ nhiều đồ ăn khất thực, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thụ nhiều sàng tọa, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thụ nhiều dược phẩm trị bệnh, không phải ít yêu cầu. Vị này sống với các vị đồng Phạm hạnh, và các vị này xử sự đối với vị ấy với thân hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý; xử sự với khẩu hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý; xử sự với ý hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý. Những vị này giúp đỡ vị ấy với sự giúp đỡ khả ý, không phải ít khả ý. Và những cảm thọ nào do mật khởi lên, do gió khởi lên, hay do sự phối hợp (của ba sự kiện trên), hay do sự thay đổi thời tiết, hay do sự săn sóc bất cẩn, hay do sự xâm nhập của một vài sự kiện (như một vài chứng bệnh), hay do kết quả của nghiệp, những sự kiện ấy khởi lên không có nhiều. Vị ấy ít bệnh hoạn và đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú (vị ấy) chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người đem lại sự an lạc của Sa-môn cho các hàng Sa-môn.
3. Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách chân chánh về vị đem lại an lạc của Sa-môn cho các Sa-môn, thời này các Tỷ-kheo, vị ấy sẽ nói một cách chân chánh về Ta là người đã đem lại an lạc của Sa-môn cho các Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, Ta là người được yêu cầu hưởng thọ nhiều y áo, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thọ nhiều đồ ăn khất thực, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thọ nhiều sàng tọa, không phải ít yêu cầu; được yêu cầu hưởng thọ nhiều dược phẩm trị bệnh, không phải ít yêu cầu. Ta sống với các vị đồng Phạm hạnh và các vị này xử sự đối với Ta với thân hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý; xử sự với khẩu hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý; xử sự với ý hành nhiều khả ý, không phải ít khả ý. Những vị này giúp đỡ Ta với sự giúp đỡ nhiều khả ý, không phải ít khả ý. Và những cảm thọ do mật khởi lên, do đàm khởi lên, do gió khởi lên hay do sự phối hợp của ba sự kiện trên, hay do sự thay đổi thời tiết, hay do sự săn sóc bất cẩn, hay do sự xâm nhập của một vài sự kiện, hay do kết quả của nghiệp, những sự kiện ấy khởi lên nơi Ta không có nhiều. Ta có ít bệnh hoạn, và đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, Ta chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, Ta tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách chân chánh về vị đem lại an lạc của Sa-môn cho các Sa-môn, thời này các Tỷ-kheo, vị ấy sẽ nói một cách chân chánh về Ta là người đã đem lại an lạc của vị Sa-môn cho các vị Sa-môn.
(V) (105) An Ổn Trú
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm an ổn trú này, Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ thân nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, cả trước mặt và sau lưng; an trú từ khẩu nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng; an trú từ ý nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng; đối với các giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định, vị ấy sống thành tựu các giới như vậy đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng, và đối với tri kiến này, thuộc bậc Thánh đưa đến xuất ly, được người thực hành chân chánh đoạn diệt khổ đau, vị ấy sống thành tựu tri kiến như vậy đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng.
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm an ổn trú.
(VI) (106) Tôn Giả Ananda
1. Một thời, Thế Tôn ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú?
– Này Ananda, khi nào vị Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới. Cho đến như vậy, này Ananda, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú.
– Bạch Thế Tôn, có pháp môn nào khác, nhờ vậy chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú?
– Có thể có, này Ananda!
Thế Tôn nói:
– Này Ananda, khi nào Tỷ-kheo đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới, tự quán sát mình không quán sát người khác. Cho đến như vậy, này Ananda, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú.
– Bạch Thế Tôn, có pháp môn nào khác, nhờ vậy chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú?
– Có thể có, này Ananda!
Thế Tôn nói:
– Này Ananda, khi nào vị Tỷ-kheo đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới, tự quán sát mình, không quán sát người khác, chưa trở thành có danh tiếng, và không cảm thấy bực phiền vì không được có danh tiếng. Cho đến như vậy, này Ananda, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú.
– Bạch Thế Tôn, có pháp môn nào khác, nhờ vậy chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú?
– Có thể có, này Ananda!
Thế Tôn nói:
– Này Ananda, khi nào Tỷ-kheo đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới, tự quán sát mình, không quán sát người khác, chưa trở thành có danh tiếng, và không cảm thấy bực phiền vì không được có danh tiếng, đối với bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Cho đến như vậy, này Ananda, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú.
– Bạch Thế Tôn, có pháp môn nào khác, nhờ vậy chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú?
– Có thể có, này Ananda!
Thế Tôn nói:
– Này Ananda, khi nào Tỷ-kheo đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới, tự quán sát mình, không quán sát người khác, chưa trở thành có danh tiếng, và không cảm thấy bực phiền vì không được có danh tiếng, đối với bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Do đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy tự mình với thắng trí ngay trong hiện tại chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Cho đến như vậy, này Ananda, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú.
Ngoài các an ổn trú này, này Ananda, Ta tuyên bố không có một an ổn trú nào khác cao thượng hơn, thù diệu hơn.
(VII) (107) Giới
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
(VIII) (108) Vô Học
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn, thành tựu vô học giải thoát uẩn, thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính… là phước điền vô thượng ở đời.
(IX) (109) Người Bốn Phương
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người bốn phương. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các tội nhỏ nhiệm, chấp nhận và học tập trong các học pháp, là bậc nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe, tích tập điều đã được nghe. Ðối với các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, các pháp như vậy, vị ấy nghe nhiều, thọ trì nhiều đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến, biết đủ với các vật dụng nhu yếu như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ðối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, vị ấy chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là vị bốn phương hướng.
(X) (110) Khu Rừng
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sử dụng sàng tọa (trú xứ) thuộc rừng núi cao nguyên xa vắng. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới… (xem Kinh 109 ở trên) chấp nhận và học tập trong các học pháp, là bậc nghe nhiều… chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến, sống tinh cần tinh tấn… nỗ lực kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp, đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo là vừa đủ để sử dụng các sàng tọa thuộc rừng núi cao nguyên xa vắng.
XII. Phẩm Andhakavinda
(I) (111) Ði Ðến Các Gia Ðình
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thân cận các gia đình, không được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng, noi gương để tu tập. Thế nào là năm?
2. Vị ấy thân mật với người không thân tín, can thiệp vào việc không có thẩm quyền, ra vào với các phần tử chống đối, nói riêng một bên tai, xin quá nhiều.
Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thân cận các gia đình, không được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng, noi gương để tu tập.
3. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thân cận các gia đình, được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng, noi gương để tu tập. Thế nào là năm?
Vị ấy không thân mật với người không thân tín, không can thiệp vào việc không có thẩm quyền, không ra vào với các phần tử chống đối, không nói riêng một bên tai, không xin quá nhiều.
Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thân cận các gia đình, được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng, noi gương để tu tập.
(II) (112) Sa Môn Tùy Tùng
1. – Này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, một Tỷ-kheo không đáng được nhận làm Sa-môn tùy tùng. Thế nào là năm?
2. Ði quá xa hay quá gần, không cầm lấy bình bát đã được chứa đầy, không ngăn chặn lời nói đưa đến phạm tội, ngắt lời nói của người khác, người ác tuệ đần độn, câm điếc.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo không đáng được nhận làm Sa-môn tùy tùng.
3. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo đáng được nhận làm Sa-môn tùy tùng. Thế nào là năm?
4. Không đi quá xa hay không quá gần, cầm lấy bình bát đã được chứa đầy, ngăn chặn lời nói đưa đến phạm tội, không ngắt lời nói của người khác, người có trí tuệ, không đần độn, không câm điếc.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo đáng được nhận làm Sa-môn tùy tùng.
(III) (113) Thiền Ðịnh
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể đạt đến và an trú chánh định. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không kham nhẫn các sắc, không kham nhẫn các tiếng, không kham nhẫn các hương, không kham nhẫn các vị, không kham nhẫn các xúc.
Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể đạt đến và an trú chánh định.
3. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể đạt đến và an trú chánh định. Thế nào là năm?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn các sắc, kham nhẫn các tiếng, kham nhẫn các hương, kham nhẫn các vị, kham nhẫn các xúc.
Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể đạt đến và an trú chánh định.
(IV) (114) Tại Andhakavinda
1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại Andhakavinda. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda đang ngồi một bên:
– Những Tỷ-kheo nào, này Ananda, là tân học xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này, các Tỷ-kheo ấy, này Ananda, thật sự cần phải khích lệ, cần phải làm cho nhập vào và làm cho an trú trong năm pháp. Thế nào là trong năm pháp?
2. “Hãy đến, này các Hiền giả, các Thầy cần phải giữ giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhiệm, chấp nhận và học tập trong các học pháp”. Như vậy, họ cần được khích lệ, cần phải làm cho nhập vào và làm cho an trú trong sự bảo vệ của giới bổn.
3. “Hãy đến, này các Hiền giả, các Thầy cần phải sống với các căn môn phải được chế ngự, thành tựu với niệm được phòng hộ, với niệm thận trọng sáng suốt, với ý được khéo phòng hộ, với tâm được chánh niệm bảo vệ”. Như vậy, họ cần được khích lệ, cần phải làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong sự bảo vệ các căn.
4. “Hãy đến, này các Hiền giả, hãy nói ít lại, hãy hạn chế lời nói”. Như vậy, họ cần được khích lệ, cần phải làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong sự hạn chế lời nói.
5. “Hãy đến, này các Hiền giả, hãy là những người sống trong rừng, hãy sử dụng các trú xứ núi rừng cao nguyên xa vắng”. Như vậy, họ cần phải được khích lệ, cần làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong nếp sống thân viễn ly.
6. “Hãy đến, này các Hiền giả, hãy có chánh tri kiến, thành tựu chánh kiến”. Như vậy, họ cần phải được khích lệ, cần làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong chánh kiến.
Này Ananda, các Tỷ-kheo nào tân học, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp Luật này, này Ananda, các Tỷ-kheo ấy cần phải được thầy khích lệ, cần phải làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong năm pháp này.
(V) (115) Xan Lẫn
1. – Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?
2. Xan tham về chỗ ở, xan tham về sự giúp đỡ các gia đình, xan tham về các vật dụng được cúng dường, xan tham tán thán, xan tham về pháp.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy bị rơi vào địa ngục.
3. Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?
4. Không xan tham về chỗ ở, không xan tham về sự giúp đỡ các gia đình, không xan tham về các vật dụng được cúng dường, không xan tham về tán thán, không xan tham về pháp.
Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời.
(VI) (116) Tán Thán
1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?
2. Không suy xét, không thẩm sát, tán thán người không đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, không tán thán người đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, đặt lòng tin vào những chỗ không đáng được tịnh tín; không suy xét, không thẩm sát, không đặt lòng tin vào những chỗ đáng được tịnh tín; bác bỏ các vật dụng tín thí.
Do thành tựu năm pháp này, Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?
Có suy xét, có thẩm sát, không tán thán người không đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, không đặt lòng tin vào những chỗ không đáng được tịnh tín; có suy xét, có thẩm sát, đặt lòng tin vào những chỗ đáng được tịnh tín; không bác bỏ các vật dụng tín thí.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.
(VII) (117) Ganh Tỵ
1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?
2. Không suy xét, không thẩm sát, tán thán người không đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, không tán thán người đáng được tán thán; ganh tị; xan tham; bác bỏ các vật dụng tín thí.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.
4. Có suy xét, có thẩm sát, không tán thán người không đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán; không có ganh tị; không có xan tham; không bác bỏ các vật tín thí.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.
(VIII) (118) Tri Kiến
1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?
2. Không suy xét, không thẩm sát, tán thán người không đáng được tán thán; không suy xét, không thẩm sát, không tán thán người đáng được tán thán; có tà kiến; có tà tư duy; bác bỏ các vật tín thí.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.
3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là năm?
Có suy xét, có thẩm sát, không tán thán người không đáng được tán thán; có suy xét, có thẩm sát, tán thán người đáng được tán thán; có chánh tri kiến; có chánh tư duy; không bác bỏ các vật tín thí.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo-ni như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.
(IX) (119) Lời Nói
…(Giống như kinh số 118 ở trên, chỉ có khác trong kinh này: tà tinh tấn, tà niệm thế cho tà tri kiến, tà tư duy và chánh tinh tấn, chánh niệm thế cho chánh tri kiến, chánh tư duy của kinh trước).
(X) (120) Tinh Tấn
…(Giống như kinh số 118) ở trên, chỉ có khác trong kinh này: tà tinh tấn, tà niệm thế cho tà tri kiến, tà tư duy và chánh tinh tấn, chánh niệm thế cho chánh tri kiến, chánh tư duy của kinh trước).



Source link

Hits: 17

Trả lời