1. Bản kinh số 11 đã nêu: Ngoại đạo do vì không liễu tri sự thật Duyên sinh, Vô ngã của các hiện hữu nên không thể liễu tri, không thể hiển thị được sự liễu tri về “Ngã luận thủ”. Vì vậy, bản kinh 13 này giới thiệu ngoại đạo không thể liễu tri về các dục, về các sắc, về các cảm thọ. Đây là điểm gốc của sự khác biệt giữa Phật giáo và ngoại đạo bàn về Dục, sắc và cảm thọ.
2. Để chỉ rõ sự khác biệt trên, kinh dài “Khổ uẩn” này nêu ra ba khía cạnh để hiểu rõ mọi sự vật, đó là: tuệ tri vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly sự vật ấy.
Về dục:
– Vị ngọt của dục: đối tượng của lòng dục là sắc, thinh, hương, vị và xúc khả ái, khả hỷ, khả lạc. Hỷ lạc khởi lên từ đối tượng dục là vị ngọt của đối tượng.
– Nguy hiểm của dục: Để thỏa mãn lòng ham muốn vị ngọt của sắc pháp, con người dấn thân vào các sinh kế để tồn tại và phát triển, dấn thân vào đường danh lợi, chịu đựng sự bức ép, quấy nhiễu của thời tiết, sâu bọ… sự mất mát các sở hữu v.v… mà đi vào cạnh tranh, đấu tranh, chiến tranh… đi vào các nguy hiểm dẫn đến tử vong, bất chấp nhân nghĩa… Đây là khía cạnh nguy hiểm của dục.
– Sự xuất ly dục: là sự chế ngự lòng ham muốn, tham ái; là sự loại bỏ lòng ham muốn. Tuệ tri được ba khía cạnh trên của lòng dục, con người mới thực sự hiểu rõ dục. Hiểu rõ lòng dục thì mới có thể nêu rõ sự hiểu biết về nó.
Về sắc pháp:
– Vị ngọt: nhan sắc mỹ diệu của người khác phái, tiêu biểu là nữ giới, là vị ngọt của sắc pháp.
– Sự nguy hiểm: bệnh tật, lão suy, vô thường phá hỏng nhan sắc, tử vong là nguy hiểm của sắc pháp.
– Chế ngự lòng dục đối với sắc pháp là sự xuất ly khỏi sắc pháp.
Về cảm thọ (nội thọ)
– Vị ngọt: với vị ngọt của sắc pháp và của lòng dục là vị ngọt của ngoại thọ. Bản kinh 13 chỉ đề cập đến nội thọ. Vị ngọt của nội thọ là sự cảm thọ vô hại, an nhiên, an lạc của các cảnh giới định của Sắc giới.
– Sự nguy hiểm: nội thọ là do duyên mà sinh; nó là vô thường, thay đổi, biến hoại. Đây là mối nguy hiểm của nó.
– Sự xuất ly: chế ngự, đoạn trừ dục tham đối với nội thọ là sự xuất ly khỏi nó.
Khả năng tuệ tri về dục, sắc và cảm thọ, và tuệ tri con đường đoạn trừ dục tham đối với chúng không thể tìm thấy ở ngoại đạo, mà chỉ tìm thấy ở con đường tu tập của Thế Tôn, và các đệ tử của Ngài.
Xem thêm : https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-013.htm
Đại kinh Khổ Uẩn – Hòa thượng Pháp Tông thuyết giảng
Hits: 42