I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
(Một số từ ngữ cần giải thích đã được cắt nghĩa)
II. NỘI DUNG KINH KOSAMBÌ
1. Lúc đức Thế Tôn đang trú ở Kosambì, các Tỷ kheo ở Kosambì sống bất hoà, đấu tranh, đả thương nhau bằng ngôn ngữ và binh khí. Nhân sự kiện nầy đức Thế Tôn họp Tăng chúng (nhóm tranh cãi) để rõ sự tình và giảng dạy kinh nầy.
2. Các tu sĩ tranh cãi, đả thương nhau do vì đời sống không với lòng Từ biểu hiện qua các hành động của thân, lời và ý ở giữa tập thể cũng như ở nơi riêng tư.
3. Từ đó, đức Thế Tôn dạy “sáu pháp hoà kính” đưa đến tương ái, tương kính, không tranh luận, hoà hợp nhất trí. Đấy là:
3.1. Biểu hiện các hành động của thân với lòng từ đối với các đồng phạm hạnh ở giữa đám đông hay ở nơi riêng vắng.
3.2. Biểu hiện lời nói với lòng từ đối với các đồng phạm hạnh ở giữa đám đông hay ở nơi riêng vắng.
3.3. Giữ gìn tâm ý với lòng từ đối với các đồng phạm hạnh ở nơi tập thể hay ở nơi riêng vắng.
3.4. Các vật chất nhận được, cho đến thức ăn trong bình bát san sẻ với các đồng phạm hạnh.
3.5. Cùng với các đồng phạm hạnh thực hiện cùng một giới bổn, không phạm, ở tập thể hay ở nơi riêng tư.
3.6. Cùng với các đồng phạm hạnh sống thành tựu “tri kiến” có khả năng hướng thượng đưa đến diệt tận khổ đau.
4. Trong “sáu Pháp hòa kính” thì “tri kiến” thu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả. “Tri kiến” ấy gồm có bảy chi phải thành tựu và khi thành tựu bảy chi ấy thì vị tu sĩ thành tựu Dự lưu qủa (Tu-đà-hoàn). Bảy chi ấy là:
4.1. Tri kiến biết rằng tâm mình không còn các triền phược che khiến không thể thấy biết như thật : không còn tham, sân, si triền phược; không còn hôn trầm, trạo cử, triền phược; không còn nghi triền phược; không còn bị các thế sự đời nầy, đời sau ràng buộc. (tương đương “kiến thanh tịnh”)
4.2. Tri kiến biết rằng tâm ta đã được tịnh chỉ do tu tập nhiều lần tri kiến trên (tương đương “tâm thanh tịnh”)
4.3. Tri kiến biết rằng hai tri kiến trên thành tựu thì không có sự tu tập của các tu sĩ ngoại đạo. (tương đương “đạo tri kiến thanh tịnh”)
4.4. Tri kiến về “Pháp tánh” (Dhammatà) rằng: “Bất cứ giới tội nào vị nầy vi phạm, giới tội ấy liền được xuất tội”. (khi có được kiến nầy thì hầu như hành giả thành tựu “giới thanh tịnh”)
4.5. Tri kiến về “Pháp tánh” nầy: Bất luận sự việc cần phải làm dầu lớn hay nhỏ, giúp cho các đồng phạm hạnh, vị nầy nỗ lực thực hiện, nhưng tha thiết hướng đến tăng thượng Giới học, Định học và Tuệ học.
4.6. Tri kiến về sức mạnh nầy: Trong khi Pháp và Luật do Như Lai thuyết được giảng dạy, sau khi chú tâm chú ý, chuyên chú toàn tâm trí, vị nầy lóng tai nghe Pháp.
4.7. Tri kiến qua Pháp Thế Tôn giảng dạy, chứng đắc được nghĩa tín thọ.
– Atthaveda: Hiểu mục tiêu phạm hạnh và “pháp tín thọ”.
– Dhammaveda: Hiểu rõ Pháp và hiểu rõ sự thật của các hiện hữu, là tri kiến thuộc bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.
III . BÀN THÊM
1. Con người xưa cũng như nay, chấp thủ tự ngã. Do chấp thủ tự ngã mà dục ái sanh, sân hận sanh, si ám sanh. Do dục, sân và si, con người bị cuốn trôi vào dòng thị phi, được, mất, khen, chê, danh vọng và lợi dưỡng, tật đố, xan tham, ác tâm, hại tâm… là các tu sĩ ở Kosambì dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn, cũng bị chi phối bởi các tâm lý thế tục ấy. Do đó mà dẫn đến tranh chấp, tranh cãi với ngôn ngữ và binh khí. Đấy là những tâm lý mà ở thời đại ngày nay có thêm nhiều thức ăn càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Bước đầu tu tập là bước rũ bỏ các tâm lý ấy để tâm đủ định tĩnh thực hiện thiền định và trí tuệ. Đức Thế Tôn, ngoài việc dạy Giới học và nhận thức về con đường, đã ghép các tu sĩ vào trong một khuôn khổ sinh hoạt của “sáu pháp hoà kính”. Đánh mất “hòa kính” là đánh mất lòng từ ái. Đánh mất lòng từ ái đối với những người chung quanh là đánh mất “tư cách” của người Tỷ kheo. Thế nên truyền thống giáo dục Tăng già Phật giáo là truyền thống giảng dạy và thực hiện “Từ Bi”. Đây là lý do mà văn học ở đời thường gọi cửa chùa là “cửa từ bi” hay “cửa Thiền”.
2. Bước thứ hai là thực hiện đi đến thành tựu bảy loại trí để chứng quả Dự lưu, nhập vào biển phạm hạnh, Thánh hạnh (tương tự các bước đi: Giới thanh tịnh, Tâm thanh tịnh, Kiến thanh tịnh và Đạo tri kiến thanh tịnh).
Kinh Kosambì thực sự là kinh lòng của tu sĩ Phật giáo xưa nay.
https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-048.htm
Hits: 91