Bardo – Thần thức sẽ đầu thai về đâu trong Bardo tái sinh?


Nếu tâm thức không nhận diện được chính nó là Pháp tính diệu minh thường trụ, là Đại Thủ Ấn, thì tâm thức sẽ được chuyển sang cấp độ khác của trạng thái trung gian. Như bài kệ Bardo dạy rằng:

Nếu không thể an trụ trong Bản giác,

Tâm thức từ cửu khướu thoát ra

Rốn, ấn đường, thóp, mũi, rồi tai,

Mắt, niệu đạo, hậu môn và miệng

Nguyện chín cửa đều cùng đóng kín

Xin Thượng sư ban bi mẫn gia trì

Để duy nhất huyệt bách hội mở ra.

Bardo tái sinh là trạng thái trung gian tiêu biểu với những chúng sinh phàm tình như phần lớn chúng ta, những ai mà trong đời sống chưa dày công thực hành tu tập. Bởi chúng ta đã không thể nhận ra và nắm lấy những cơ hội giải thoát trong các giai đoạn Bardo trước đó, lẽ dĩ nhiên, do tập khí và nghiệp lực, thần thức sẽ đi tiếp đến giai đoạn trung gian của sự trở thành, hay Bardo tái sinh.

Thần thức thoát khỏi thân xác qua cửu khướu

Không may thay, một khi không thể trụ lại trong tự tính tâm, thần thức sẽ phải lang thang tới một nơi khác. Hoàn toàn thoát khỏi xác thân của kiếp sống vừa rồi, thần thức tìm kiếm để đầu thai vào một đời sống mới. Khi thần thức rời khỏi thân tứ đại, nó sẽ đi qua một trong chín cửa (cửu khướu). Chín cửa này đều dẫn đến các cõi khác nhau của luân hồi, lục đạo nên cần đóng kín bởi chủng tử tự Hung.

Tuy nhiên, có một vị trí rất quan trọng, không nằm phía trên trán như nhiều người thường nghĩ mà ở cao hơn trán một chút, đó là “huyệt bách hội” trên đỉnh đầu nơi tiếp nối với kinh mạch trung ương. Kinh mạch trung ương là một trong số ba kinh mạch chính của cơ thể con người. Huyệt bách hội cần được khai mở để thần thức có thể thoát ra từ đây.

Nếu bạn đã thành thục pháp thiền định chuyển di tâm thức Phowa, thì đây chính là thời điểm cần phải hết sức định tâm. Bạn cần tập trung quán tưởng đóng tất cả các cửa ngõ còn lại của cơ thể bằng chủng tử tự Hung và chỉ để mở cửa ngõ cuối cùng trên đỉnh đầu. Đồng thời lúc này, bạn cần thực hành pháp Phowa chuyển di tâm thức. Sẽ rất tuyệt vời nếu làm được như vậy nhưng những chúng sinh phàm phu, chưa đạt đến trình độ của những hành giả cao cấp khó có thể thực hiện thiền định chuyển di tâm thức ở giai đoạn này bởi vì tâm thức rất dễ tán loạn và ngoại cảnh phân tán sẽ ngăn che khiến thần thức không thể nhớ nghĩ được về những phương pháp thực hành mà mình đã từng tu tập. Dù vậy, hãy hy vọng và cầu nguyện rằng chúng ta có thể nhớ lại kinh nghiệm tu tập của mình trong đời sống vừa qua và vận dụng chúng trong giai đoạn này.
 

Thần thức thoát ra khỏi cơ thể – cõi đầu thai tương ứng với mỗi vị trí thoát ra

Chín cửa ngõ đã đề cập đến ở trên sẽ là một trong các vị trí mà thần thức thoát ra khỏi cơ thể.

Nếu thần thức thoát ra ngoài từ nơi rốn, thần thức sẽ được dẫn đi đầu thai vào cõi Trời Dục giới, đây không phải là sự lựa chọn tốt. Dục giới chính là cõi Trời nơi chư thiên cư ngụ. Nếu thần thức thoát ra ngoài ở trán, cửa ngõ này sẽ dẫn thần thức vào trong cõi Sắc giới. Đây cũng là cõi Trời và vẫn là luân hồi nơi thời gian kéo dài, vì vậy, chúng ta không nên chọn cửa ngõ này.

Thần thức cũng có thể thoát ra ngoài ở thóp nằm giữa trán và đỉnh đầu là phần rất mỏng và mềm của hộp sọ, có thể được nhận biết một cách rõ ràng khi bạn còn là đứa trẻ sơ sinh. Nếu thần thức thoát ra ngoài theo vị trí này, bạn sẽ được dẫn tới cõi Vô sắc giới, cũng là một trong số các cõi Trời của chư thiên.

Nếu thần thức thoát ra ngoài theo lỗ mũi bên phải, nó sẽ được dẫn tới cõi nergin, là nơi của chư thiên chủ về của cải. Cõi này vẫn nằm trong luân hồi, cho nên, chúng ta không mong muốn thần thức sẽ thoát ra từ đây. Nếu thần thức thoát ra ngoài theo lỗ mũi bên trái, nó sẽ được dẫn đến cõi miumgi, một cõi Trời khá giống với cõi Người, đây cũng không phải là nơi chúng ta nên lựa chọn. Vì vậy chúng ta phải thiền định đóng tất cả các cửa này lại.

Nếu thần thức thoát ra ngoài theo tai phải, nơi đó cũng sẽ dẫn tới cõi trời và không phải là nơi mong đợi. Nếu thần thức thoát ra ngoài bằng tai trái, nó sẽ được dẫn đến cõi mihamgi, cõi Trời đặc biệt của các nữ thần. Đây cũng không phải là nơi ta cần đến.

Nếu thần thức thoát ra ngoài từ mắt, thần thức sẽ được dẫn tới cõi Người. Nếu là mắt phải, đó sẽ là cõi Người thông thường. Nếu là mắt trái, thần thức sẽ sinh làm người thuộc đẳng cấp cao quý, được trọng vọng, vì vậy, đây cũng không nên là đích đến cần lựa chọn.

Nếu thần thức thoát ra ngoài theo hai cửa phía dưới, nếu là lỗ hậu môn, thần thức sẽ bị đọa vào cõi Súc sinh, còn nếu là lỗ sinh dục, thần thức sẽ bị đọa địa ngục. Đây là hai cửa ngõ cần khoá chặt bởi chủng tử tự Hung.

Nếu thần thức thoát ra ngoài từ miệng, bạn sẽ bị đọa vào cõi Ngạ quỷ, đương nhiên đây cũng hoàn toàn là nơi chúng ta không muốn đến.

Bởi vậy, khi một người đang chết, hãy tuyệt đối tránh động chạm vào chân và phần thân thể bên dưới của người chết khi người đó đang trong tiến trình chết. Ngược lại, chúng ta nên chạm tay lên đầu, đặc biệt là đỉnh đầu của người chết, rồi bạn có thể có những kích thích nho nhỏ như giật nhẹ tóc trên đỉnh đầu để gây sự chú ý của thần thức đối với phần cơ thể phía trên, hoặc phần đầu. Làm như vậy, bạn sẽ trợ duyên cho người chết được rất nhiều và đem lại cho người chết nhiều cơ hội giải thoát hơn là những việc làm vô nghĩa như điếu văn tán tụng, ngợi ca, đặc biệt không nên tiêm chọc kích thích vào phần cơ thể phía dưới của người chết. Làm như vậy thực sự vô cùng nguy hiểm đối với người chết. Nghịch duyên này sẽ hủy hoại toàn bộ những nỗ lực cùng công phu tu tập của người chết trong kiếp sống vừa qua. Lẽ dĩ nhiên nghiệp nhân là yếu tố nền tảng căn bản nhưng đồng thời duyên cũng góp phần chi phối nhất định. Việc bạn có được đầy đủ thiện duyên chín muồi vào đúng thời điểm thích hợp là vô cùng quan trọng. Bởi thế, điều then chốt mà chúng ta cần ghi nhớ đó là không nên có những xúc chạm hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới người đang ở trong tiến trình của cái chết. Thông thường, chúng ta không nên động niệm, phiền nhiễu họ, nhưng nếu có động cơ đúng đắn, bạn có thể gây chú ý hoặc xúc chạm trên đỉnh đầu của người chết thay vì động niệm phần dưới cơ thể người đó.

Chúng ta luôn thiết tha mong nguyện được vãng sinh Tịnh độ, được chư Dakini (Không hành mẫu) tiếp dẫn về cõi Tịnh độ của các Ngài:

Nguyện những cửa dẫn đến tái sinh

Vào Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới,

Chư thiên, Atula và Nhân loại

Cùng địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh

Khắp các cửa đều đem đóng lại.

Lòng kiền thành nguyện cầu tha thiết

Xin Thượng sư thương xót rủ lòng

Ban chư Daka Dakini hiện tiền

Tiếp dẫn vãng sinh vào những miền Tịnh độ.

Có nhiều cảnh giới Tịnh độ khác nhau. Phật quả đại giác ngộ là cảnh giới Tịnh độ chính yếu, căn bản. Thứ đến là những cảnh giới Tịnh độ tương ứng với các ngôi địa của các bậc Bồ tát. Tiếp theo là cảnh giới Tịnh độ tương ứng với các quả vị A la hán chứng đạt giác ngộ thông qua thực hành Thiền Nguyên thuỷ. Tùy theo tâm nguyện và sự kết nối với từng vị Phật, chúng ta hãy luôn hướng tâm cầu nguyện được tiếp dẫn, vãng sinh về các cõi Tịnh độ thanh tịnh và thù thắng của các Ngài!

(Nguồn: daibaothapmandalataythien.org)





Nguồn : Source link

Hits: 211

Trả lời