Lễ hội trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy

Trong Phật giáo Nam tông, những ngày lễ hội thường mang ý nghĩa lịch sử dựa theo kinh điển hơn là lễ hội dân gian truyền thống như những tôn giáo hay hệ phái khác. Ða số các ý nghĩa lịch sử đó dựa trên cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của đức Phật Thế Tôn. Cho nên lễ hội là để biểu duơng đức hạnh và lời dạy của Ngài nhằm rút ra những bài học cho Tứ chúng áp dụng tu học. Vì thế, trong những ngày lễ hội này, Phật giáo Nam tông thường tổ chức lễ thọ hạnh Ðầu Ðà, thức một đêm không ngủ, tỉnh niệm nghe pháp và hành thiền hầu gieo duyên lành giải thoát, và nhờ đó người tại gia cư sĩ có cơ hội tốt để hiểu thêm về lời dạy của đức Phật hầu áp dụng tu tập có hiệu quả.


1. Ý nghĩa lễ hội Rằm tháng Giêng (Màghapùja)


Về ngày rằm tháng Giêng, có hai ý nghĩa chính: một là đức Phật tuyên hứa và khẳng định với Ma vương ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết bàn (cho nên ngày nầy còn được gọi là ngày Phật di chúc), hai là ngày Ðại hội thánh tăng tại Trúc Lâm tịnh xá.
Kinh Ðại Bát Niết-bàn có ghi: một hôm trên trên đường hoằng pháp, sau khi thọ trai ở tư gia chàng thanh niên Cunda, Ngài và hàng đệ tử ngự ngang đền tháp Pàvala. Ngài bảo Ànanda rằng: “Này Ànanda, bảo tháp này tuy cũ nhưng sửa chữa lại thì sẽ tốt đẹp hơn; cũng vậy, một vị Phật tổ do đắc Tứ thần Túc có khả năng duy trì tuổi thọ lâu hơn một kiếp của quả địa cầu”. Nhưng bất hạnh thay, lời nói của đức Phật, do năng lực thần thông của Ma vương che tâm trí khiến Ànanda không hiểu thâm ý của đức Phật để Ananda cung thỉnh Ngài ở lại trần gian thêm nữa để hóa độ chúng sinh. Ðể rồi sau đó đúng vào ngày Rằm tháng Giêng, Ma vương chờ khi Ànanda đi nghỉ vào bạch Phật: “Bạch Thế tôn, những lần trước Thế tôn hứa với đệ tử là khi nào Tứ chúng đông thì Thế tôn sẽ nhập Níp-bàn. Vậy hôm nay xin thỉnh Thế tôn hãy nhập Niết-bàn, vì lẽ Tứ chúng đã đông và hàng tại gia lẫn xuất gia đã đắc quả nhiều”. Ðức Phật dùng tuệ giác chiếu rọi và sau đó trả lời Ma vương: “Này Ma vương! Còn ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập diệt”.
Trong kinh có ghi lại, vừa khi Ngài nhận lời với Ma vương thì trời rung đất chuyển, bình địa nổi phong ba, gió thổi tứ bề, hoa lá héo sầu. Ànanda nghe tiếng rung chuyển bèn vào bạch thế Tôn nguyên nhân và được Ngài trả lời: “Như Lai vừa hứa với Ma vương còn ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn”. Ànanda nghe nói thế khóc than, buồn tủi và cầu xin Thế tôn hoan hỷ ở lại thế gian thêm nữa để Tứ chúng nương theo tu hành. Ðức Phật bảo với Ànanda rằng Như Lai đã tuyên hứa với Ma vương rồi và chuyện này Như Lai đã gợi ý cho Ànanda hơn một lần nhưng không thấy Ànanda thỉnh cầu.
Ðồng thời với ý nghĩa trên, ngày trăng tròn tháng Giêng là ngày đại hội thường lệ của chư Phật tổ được gọi là Caturangasannipàta. Tuy nhiên trong lịch sử những vị Phật tổ trong quá khứ thì số tăng hội, thời kỳ đại hội, địa điểm có phần khác với đức Phật Thích Ca. Còn những yếu tố căn bản cho kỳ đại hội thì hoàn toàn giống nhau. Dường như đây là truyền thống của Chư Phật tổ.

Ðại hội thánh tăng thời kỳ Phật Thích Ca hội đủ bốn chi:


– Ðúng vào ngày trăng tròn tháng Giêng,- Ðại hội có 1250 vị tỷ kheo, tự động đến thăm Ngài mà không mời thỉnh,- Số tăng hội 1250 vị đều xuất gia là Thiện Lai Tỷ kheo (Ehibhikhu), và- Các Ngài đều là Thánh tăng.
Ðại hội thánh tăng này khai mạc đúng vào ngày trăng tròn tháng giêng âm lịch tại Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana). Trong đại hội, đức Phật thuyết cho 1250 vị tỷ kheo về Ba La Ðề Mộc Xoa (Patimokkha), được phân chia làm hai phần:
– Phần một: Giáo giới Ovadapatimokkha, nghĩa là Ngài tóm lược Giáo pháp của Ngài thành ba câu kệ ngôn:
Không làm điều ác (Sabbabàbassa akaranam),Làm các hạnh lành (Kusalassu upasampadà),Giữ tâm ý trong sạch (Sacittapariyotapanam).
Ðó là giáo giới của chư Phật trong quá khứ và của Như Lai vậy.
– Phần hai: Ngài giảng về Anàpatimokkha, có nghĩa là Ngài chuẩn y giới luật cho Chư tỷ kheo phải hành lễ Bố tát (Uposatha) mỗi tháng hai kỳ nhằm ngày 15 và 30 (hoặc 29). Lễ Bố tát là một hình thức giúp cho các vị xuất gia quán chiếu lại giới hạnh của mình cho được tinh nghiêm, nếu có sơ sót trong tiểu giới thì ngày hôm đó các vị sám hối với nhau.

 

Ngày nay chư tăng Phật giáo Nam truyền vẫn còn gìn giữ truyền thống này vì Giới luật là nền tảng của Phật giáo, Giới luật còn thì Giáo pháp còn. Trong ba tạng kinh điển, đức Phật tuyên bố rằng theo thời gian, Luật tạng sẽ hoại diệt sau cùng. Khi nào Luật tạng hoại diệt thì lúc đó là thời mạt pháp, là khởi điểm hết nhiệm kỳ Giáo pháp của một vị Phật tổ.
Ðể kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại đó, giới Phật giáo Nam tông tổ chức lễ rằm tháng giêng bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà… nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.
Ðặc biệt là lễ Ðầu đà (Dhutanga): thức một đêm không ngủ để tưởng nhớ đức Phật – một con người vĩ đại, với một lý tưởng phi thường, suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì quyền lợi của tha nhân. Thông thường trong đêm đầu đà có nhiều tiết mục để người Phật tử tham gia học và thực hành thêm về giáo lý. Những tiết mục đó thường là Thuyết pháp, Chiêm bái Xá lợi, Hành thiền, Vấn đáp Phật pháp, Hái hoa chánh pháp, Luận đạo v.v. Người tham dự một đêm đầu đà, qua những mục đó, chắc chắn sẽ được hiểu biết giáo lý căn của đức Phật và sẽ có thêm niềm tin vững chắc ở Tam bảo.


2. Ý nghĩ lễ hội Rằm tháng Tư (Vesàkhapùja)


Ðã từ lâu bộ phái Phật giáo Nam tông và Bắc tông có sự khác biệt về ngày sinh của đức Từ phụ. Ở Việt Nam truớc năm 1963, Phật giáo Bắc tông sử dụng ngày mồng 8 tháng Tư là ngày Ðản sanh, nhưng sau đó y cứ theo Ðại hội Phật giáo Thế giới điều chỉnh lại để thống nhất là ngày 15 tháng Tư Âm lịch là ngày Phật Ðản. Mặc dù vậy nhưng một vài nơi vẫn còn có quan niệm cho rằng từ mồng 8 tháng Tư đến ngày Rằm tháng Tư gọi là tuần lễ Phật Ðản.
Theo kinh điển Nguyên thủy của Phật giáo Nam tông, Bồ tát Ðản sanh, Bồ tát thành Ðạo và Phật nhập Niết-bàn đều diễn ra vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch. Chúng tôi sử dụng danh từ “Bồ tát” (Ðản sanh và Thành đạo) do vì quan niệm Phật giáo Nam tông bất đồng với Bắc tông về sự “Thị Hiện” của Phật Thích Ca ở cõi Ta bà để tế độ chúng sinh. Phật giáo Nam tông cho rằng vì Ngài khi là vị Bồ Tát đã thành tựu các Pháp độ (Ba-la-mật) trong quá khứ nên kiếp này Ngài mới thành Phật để tế độ chúng sanh. Chính vì thế, nên Phật không có Ðản sanh và Thành đạo, mà chỉ có Bồ tát Ðản sanh và Bồ tát Thành đạo. Kinh điển Pàli không chấp nhận quan niệm cho rằng người giải thoát khỏi sanh tử luân hồi (bậc thánh A-la-hán, Phật Ðộc giác, và Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác) lại còn sanh trở lại Tam giới này. Người tái sanh trở lại Tam giới chỉ dành cho những hạng phàm phu. Cho nên, chúng ta cần phải nghiên cứu và tìm hiểu lại cho chính xác danh từ “thị hiện” trong kinh điển của một vài tông phái khác, bằng không, chúng ta dễ bị Bà-la-môn giáo đồng hóa chúng ta về mặt tư tưởng. Tuy điểm mâu thuẩn đó có vẻ nhỏ nhặt, nhưng có thể tạo sai lầm lớn về mục đích, và nếu không khéo thông hiểu, sẽ làm tri kiến của Phật tử hiểu sai khác về quả vị Phật và đạo quả Níp-bàn. Cần biết rằng bậc thánh đã giải thoát và nhập Níp-bàn thì vắng lặng phiền não, không còn Tham Sân Si. Các bài kinh trong Trung bộ thường có ghi về các vị đã giác ngộ: “Các Ngài đã đặt gánh nặng xuống, chuyện nên làm đã làm, sau kiếp sống này không còn tái sanh nữa”. Căn cứ vào câu kinh Nguyên thủy trên thì việc “thị hiện” của chư vị Phật tổ trong quá khứ theo quan niệm của một vài tông phái khác là một chuyện không thể xảy ra.
Do đó, ngày trăng tròn tháng Tư Âm lịch là ngày lịch sử trọng đại của Phật giáo Nam tông Việt Nam cũng như trong các cộng đồng Phật giáo thế giới, để kỷ niệm một lúc ba sự kiện (Tam hợp): Bồ tát Ðản sanh, Bồ tát Thành đạo và Phật Bát Níp-bàn.

* Bồ tát Ðản sanh


Ở Việt Nam tới ngày Rằm tháng Tư, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều thống nhất biểu ngữ KÍNH MỪNG PHẬT ÐẢN. Ðứng trên phương diện hành chánh, biểu ngữ đó để thống nhất từ Bắc chí Nam là một nghĩa cử rất đẹp, đáng được duy trì, nói lên một tinh thần đoàn kết các bộ phái Phật giáo. Tuy nhiên đứng trên phương diện giáo lý Nguyên thủy, chúng ta cần phải xét lại từ ngữ đó. Về giáo lý thì Phật không có đản sanh mà chỉ có Bồ tát đản sanh. Nếu nói rằng Phật đản sanh thì có người sẽ hiểu Phật đã thành đạo từ nhiều kiếp trước, kiếp này chỉ thị hiện lại. Nhưng nếu đã là Phật, rồi đản sanh thì tại sao đến năm 35 tuổi Ngài còn phải chiến thắng Ma vương và thành đạo dưới cội Bồ đề?
Theo thánh điển Pàli, bộ Phật Tông (Bhuddhavamsa) giải thích có ba hạng Bồ tát tu tập 10 pháp độ (Ba-la-mật): Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Tâm từ và Tâm xả ba-la-mật. Mỗi pháp độ chia làm ba cấp: bờ kia, bờ trên và bờ cao thượng. Ví dụ như Bố thí đến bờ kia là Bố thí tài sản, của cải, sự nghiệp, vợ và con. Bố thí đến bờ trên là bố thí các bộ phận cơ thể như mắt và tứ chi, tim, gan… Bố thí đến bờ cao thượng là bố thí liên quan đến tánh mạng. Cho nên Bồ tát tu hạnh chánh đẳng chánh giác phải thực hành 10×3= 30 pháp độ.
Thế nào là ba hạng Bồ tát? Bồ tát tu hạnh Trí tuệ, Ðức tin, và Tinh tấn. Vị tu hạnh Trí tuệ từ lúc phát nguyện thành Bồ tát tu tập pháp độ đến lúc thành đạo dưới cội Bồ đề có thời gian 20 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. A-tăng kỳ ở đây là một đơn vị thời gian không thể tính được mà trong kinh chỉ cho một hình tượng ví dụ vuông vức 16 cây số ngàn trong đó đựng đầy hạt cải, một trăm năm một vị trời xuống nhặt một hạt và cứ thế nhặt đến khi nào hết những hạt cải trong đó thì mới gọi là 1 A tăng kỳ. Còn 100 ngàn đại kiếp, kiếp ở đây là kiếp của quả địa cầu chứ không phải là kiếp người. Vị tu hạnh đức tin phải thực hành pháp độ mất 40 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vị tu hạnh Tinh tấn thực hành pháp độ mất thời gian 80 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Trong kinh đó có ghi nhận đức Phật Thích Ca tu hạnh Bồ tát Trí tuệ và Phật Di lặc tu hạnh Bồ tát Tinh tấn.
Chú giải bộ Phật Tông (Buddhavamsa) có ghi rằng khi tiền thân của Phật Thích Ca hoàn thành pháp độ, Ngài hóa sanh trên cõi Trời Ðẩu Xuất đà (Tusita), có tên là Setaketu. Vào một ngày duyên lành hội đủ, Chư Thiên và Phạm thiên trong 10 ngàn thế giới đồng hội lại cung thỉnh Ngài giáng phàm xuất gia tu tập thành chánh quả để tế độ chúng sinh. Ngài quan sát năm điều kiện đản sanh theo thông lệ của chư Phật như sau:
1. Thời kỳ: Tuổi thọ chúng sinh thời này không quá 1000 tuổi mà cũng không kém 100 tuổi, vì sống lâu chúng sanh dễ duôi.
2. Quốc độ: Trung Ấn Ðộ, ở đó có nhiều sự bất đồng về giai cấp, nghèo khổ, bệnh hoạn, nhờ thế loài người dễ hướng thiện.
3. Dòng dõi: hoàng tộc Sakya. Trong 30 tục lệ của Chư Phật, tất cả vị Chánh đẳng Chánh giác kiếp cuối không tái sanh trong gia đình thấp hèn.
4. Châu: Ngài chọn Nam thiện Bộ Châu vì ở châu này loài người không quá thiện cũng không quá ác, nên dễ dàng liễu ngộ khi nghe Phật giảng.
5. Cha mẹ: Ngài chọn vua Suddhodana và chánh hậu Mahà-mayàdevì vì nhị vị này đã từng là cha mẹ của Ngài trong nhiều ngàn kiếp và có nhiều phúc đức.
Khi thấy đầy đủ nhân duyên, Ngài nhận lời giáng trần đúng vào Rằm tháng Sáu âm lịch và đúng ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch năm sau Ngài đản sanh ở vườn Lâm Tỳ Ni. Ðó là vào ngày thứ Sáu, rằm tháng Tư năm Tuất, và được đặt tên là Siddhattha (Sĩ-đạt-ta).
Ngài chào đời giống như bao nhiêu hài nhi khác, nhưng có điều khác thường là thân thể không bị hoen ố đồ nhơ uế mà còn rực rỡ như buổi bình minh. Ðiểm đặc biệt là khi Bồ tát đản sanh, có nhiều vị Chư Thiên và Phạm thiên có mặt trong lúc đó chúc tụng, tiếp đón một người cao quí đản sanh.
Sau khi đản sanh, đức Bồ tát mở mắt ngó về hướng đông thấy nhiều vị tiên cúng dường bông hoa cho Ngài. Ngài bèn quay mặt hướng bắc, ung dung bước đi bảy bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, ứng khẩu :
Aggohamasmi lokasmimSettho ettho gianuttaroAyaca antimà jàtiNatthidàni punabbhavo.
Dịch nghĩa:
Ðây là kiếp chót của taDuyên sinh không không còn nữaTrên trời dưới đấtTa là bậc chí tôn
Sau khi ấy, ánh sáng rực rỡ, trời đất rung chuyển, hoa ưu đàm nở, chim hót líu lo, núi Tu Di dường như cúi đầu để tiếp đón bậc thầy của nhân thiên. Kinh có ghi sau khi ứng khẩu xong Ngài trở lại trạng thái bình thường như muôn triệu hài nhi khác.


* Bồ tát Thành đạo


Mặc dù Ngài sanh trưởng trong một gia đình vua chúa và thụ hưởng tất cả những hương vị của cuộc đời, nhưng đối với Ngài tất cả chỉ là bóng mờ sương đêm. Ðể rồi một ngày kia trong chuyến đi du ngoạn bốn cửa thành, Ngài nhìn tận mắt cảnh tượng già, bệnh, chết và một tăng sĩ. Chính nhờ cuộc vân du đó giúp cho Ngài phát huy được hạt giống giác ngộ mà Ngài huân tập từ muôn vạn triệu kiếp qua.
Từ ngày hạnh ngộ bốn cảnh động tâm trên, đêm ngày tâm trí miên man nghĩ đến việc thoát ly gia đình để tìm chân lý giác ngộ. Khi công chúa Da Du Ðà La, người vợ từ nhiều tiền kiếp của Ngài hạ sanh một người con, tên Rahula (La-hầu-la), đêm đó là đêm Ngài vượt cửa thành xuất gia tầm đạo. Ngài ra đi bỏ lại tất cả: cung vàng điện ngọc, vợ hiền con thơ, cung phi mỹ nữ kiều diễm, cha già…
Nhưng bỏ tất cả mà Ngài được tất cả: an lạc, bình yên, ung dung, không dính mắc, tĩnh lặng và Niết-bàn. Có người sẽ hỏi Ngài đi như vậy là thiếu trách nhiệm đối với người con, người cha, người chồng. Câu trả lời là không phải như vậy. Ngài ra đi để tìm một con đường giúp chúng sanh thoát khổ vĩnh viễn, đạt được hạnh phúc tối hậu là Niết-bàn. Sau khi thành đạo, Ngài đã trở về để tế độ vợ con và gia đình dòng họ, để họ cũng đạt được sự hạnh phúc vĩnh hằng như thế. Sẽ có người hỏi tiếp, tại sao trước khi thành Phật Ngài phải trải qua một đời sống thế tục, có vợ con… Xin thưa, đây là tục lệ của chư Phật, đã là tục lệ thì vị Bồ tát nào trước khi thành Phật cũng phải trải qua như vậy. Còn về ẩn ý thì phàm phu khó giải thích. Có thể nghĩ đơn giản là các Ngài có tất cả như vậy mà từ bỏ không bị dính mắc đấy mới là tâm hồn vĩ đại, một lý tưởng phi thường. Cũng có thể giải thích rằng phải trải qua một đời sống như vậy thì mới thấy rõ được sự vô vọng và ràng buộc của lòng tham thủ trong tâm mỗi người.
Khi bỏ tất cả để xuất gia, Ngài tầm sư học đạo, nghe nơi nào có vị thầy trứ danh Ngài liền tìm đến tham vấn. Tất cả những vị thầy trứ danh thời đó Ngài đều đến học và thành công tất cả những sở đắc của họ. Thậm chí Ngài khổ hạnh sáu năm chỉ còn ăn ngày một hạt mè để cầm hơi, đến mức độ chỉ còn da bọc xương. Cuối cùng Ngài nghiệm ra một điều là pháp mà Ngài muốn tu chứng không có ở những vị thầy đã dạy Ngài. Quyết chí bỏ khổ hạnh, ăn ngày một buổi và bắt đầu tham thiền nhập định dưới cội Bồ đề. Ðúng vào ngày thứ Tư, của ngày rằm tháng Tư, năm Dậu, Ngài hoàn toàn giác ngộ, Chư Thiên, Phạm thiên đồng nhau ca tụng Ngài với 10 hồng danh: Ứng cúng , Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn.
Trong kinh có ghi lại đêm thành đạo của Ngài đã diễn ra nhiều chuyện phi thường. Thứ nhất là việc Ma vương đến thử thách Ngài, dùng vũ lực chiến đấu và dùng cả tuyệt chiêu mỹ nhân kế. Nhưng tất cả đều bị vô hiệu hóa. Sở dĩ Ngài chiến thắng được đạo quân của Ma vương là nhờ Ngài khéo huân tập ba mươi pháp độ. Còn về mỹ nhân kế thì đã có giả thuyết cho rằng đó là cách nói ẩn dụ về Tham Sân Si. Người nào diệt tham sân si sẽ chiến thắng ba cô gái Ma vương đẹp tuyệt trần. Danh từ Ma vương (Mara) thường thường chúng ta cho là xấu là ác, nhưng Ma vương ở đây chính là đức vua trời Tha Hóa Tự Tại, người có nhiều quyền lực và phước báu. Chính đức vua trời này thường theo phá đức Phật. Nhưng điểm đáng lưu ý ở đây là những vị Phật tổ trước không bị Ma vương theo phá. Tại sao Phật Thích Ca bị Ma vương theo phá?
Theo kinh điển truyền thống thì một kiếp nọ có ba đứa bé chơi nhau ngoài đường, bỗng gặp một vị Phật. Ðứa thứ nhất hoan hỷ cúng dường và phát nguyện: do nhân này đệ tử xin nguyện sẽ trở thành Phật tổ trong tương lai. Ðứa thứ hai nghe vậy phát biểu, nếu mày thành Phật tao sẽ theo phá mày. Ðứa thứ ba nghe vậy phát biểu, nếu mày phá tao sẽ trị mày. Không ngờ câu chuyện ba đứa nhỏ trong quá khứ về sau thành hiện thực. Ðứa thứ nhất trở thành Phật Thích Ca, đứa thứ hai trở thành Ma vương. Sau khi Phật Níp-bàn ba trăm năm, vào lúc khi Ma vương phá Ðại hội Kết tập lần ba, thì đứa nhỏ thứ ba bấy giờ là vị Sa-di A-la-hán đã trừng trị Ma vương tâm phục khẩu phục.
Sau khi toàn thắng Ma vương, trong canh đầu Ngài thiền định bằng hơi thở, tâm thanh tịnh, tuần tự Ngài đắc bốn bậc thiền hữu sắc. Trên cơ sở tâm thanh tịnh, Ngài hướng tâm tu tập và chứng đắc Túc Mạng Minh (pubbenivàsànussati). Túc mạng minh nghĩa là biết được vô số lượng kiếp, sanh châu nào, tên tuổi, dòng họ, cha mẹ… Trong canh giữa và canh chót Ngài chứng đắc Thiên Nhãn Minh (Dibbacakkhunàna) và Lậu Tận Minh. Thiên nhãn minh là thấy rõ, biết rõ kiếp vị lai của từng chúng sinh, Lậu Tận Minh là tâm thanh tịnh trong sạch do nhờ không bị phiền não chi phối, tâm không còn bị nhiễm bụi trần, tận diệt mọi lậu hoặc.
Trên đà phát triển Thiền An Chỉ (Samàtha-bhàvanà) cực mạnh, Ngài chuyển qua Thiền Minh Tuệ (Vipassanà-bhàvanà), thấy rõ biết rõ Thập Nhị Nhân Duyên bằng chiều thuận, nghĩa là trí tuệ thấy rõ, biết rõ sự Sanh. Ngay khi đó Ngài chứng ngộ Khổ đế và Tập thánh đế. Ðồng thời trí tuệ thấy rõ,  biết rõ sự Diệt theo Thập Nhị Nhân Duyên bằng chiều nghịch, ngay khi đó Ngài chứng ngộ Diệt và Ðạo thánh đế. Giờ đây, trí tuệ Ngài đã thẩm thấu được Tứ thánh đế qua ba luân và mười hai thể cho nên Ngài là bậc A-la-hán Chánh đẳng Chánh giác trong Tam giới này, nên Ngài có hồng danh là Sammàsambuddho.
Tâm hoàn toàn an lạc, giải thoát, đây là lời nói đầu tiên sau khi thành đạo:
“Trong vô vạn kiếp Như Lai lặn lội tìm kiếm anh thợ cất nhà thì sự sanh đã khiến Như Lai đau khổ vô vàn. Này Tham ái (anh thợ), ngươi đã bị Như Lai khám phá ra rồi, từ nay ngươi không còn xây nhà cho ta nữa, rui mè… đã bị Như Lai phá vỡ, tâm Như Lai hoàn toàn vô hành, vô nhiễm.”
Qua lời trên chúng ta thấy rằng đức Phật đã nói lên nỗi niềm đau thương của Ngài trong vòng sanh tử luân hồi. Bài học kinh nghiệm của đức Phật ngày xưa cũng là bài học cho chúng ta ngày nay. Sự sanh đó chính là sợi dây tham ái trong tài sắc lợi danh, dính mắc, ích kỷ, tham lam, bỏn sẻn. Ngài nhận ra một điều là tất cả chúng sinh hiện trầm luân đau khổ là vì những pháp trên. Nay Ngài đã đoạn diệt chúng rồi và Ngài diệt luôn cả thói Tiền Khiên Tật, là những tật xấu huân tập nhiều đời, nhiều kiếp. Các bậc thánh A-la-hán Thinh văn không đạt được điều này. Cho nên là bậc thánh A-la-hán Chánh đẳng Chánh giác, thân khẩu ý của Ngài thật trọn vẹn.


* Phật nhập Niết-bàn


Khi đã thành Phật, Ngài tự thấy giáo lý ngược dòng ái dục của chúng sinh nên do dự về sứ mạng hoằng pháp. Vua trời cõi cao nhất trong tam giới là Phạm thiên Sahampati bèn đại diện Tam giới cung thỉnh đức Phật hoằng pháp độ đời. Ngài quan sát nhận thấy chúng sinh có nhiều thứ, giống như hoa sen, có loại còn nằm dưới bùn, có loại vượt lên khỏi bùn, lưng lửng có loại trồi lên khỏi mặt nước. Cũng như có có người mắt mù, có người mắt sáng không cần tế độ, nhưng có người còn chút bụi dính trong mắt có thể tế độ được… Ngài nhận lời và bắt đầu công cuộc hoằng dương Chánh pháp. Do sự tích đó, ngày nay khi bắt đầu buổi thuyết pháp, các Phật tử thường đọc bài cung thỉnh pháp sư: “… Phạm thiên vẫn ngậm ngùi khẩn khoản, Phật nhậm lời nhưng chẳng dĩ hơi, Quyết lòng mở đạo dạy đời, Nhắm vườn Lộc Giả Ngài dời chơn sang …” (Kinh Nhật Tụng Cư sĩ, Tỳ kheo Tăng Ðịnh biên soạn).
Bài pháp đầu tiên của Ngài giảng ở Isipatana tiếp độ 5 vị Kiều Trần Như (Kondannà) là kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkavattana), và tiếp theo đó là 45 năm thuyết pháp giảng đạo cho những chúng sinh nào hữu duyên giác ngộ.
Thuận theo lẽ vô thường của trời đất, năm 80 tuổi, Ngài nhập Vô Dư Níp-bàn tại vương quốc Kusinara, để lại một di sản pháp bảo vô cùng hữu ích cho nhân loại. Một con người, một cuộc đời tận tụy hy sinh tất cả vì an lạc giải thoát của chúng sinh. Ðể hiểu Ngài nhiều hơn, chúng ta hãy đọc lời Di huấn tối hậu của Ngài trước khi vĩnh biệt trần gian: “Này tứ chúng, trước khi giã từ các vị, Như Lai khuyên các vị một điều: các pháp hữu vi điều vô thường. Do đó các vị chớ nên dễ duôi quên mình. Cúng dường Như Lai cao thượng là thực hành đúng chánh pháp”. Quả thật lời dạy của Ngài đến tận bây giờ cũng chỉ vì an lạc giải thoát của chúng sinh, không màng chi đến quyền lợi cá nhân.
Có người đặt vấn đề lý do nào đức Tôn Sư nhập diệt ở vương quốc Kusinara? Vì vương quốc này nhỏ bé hơn những cường quốc khác. Như chúng ta biết đức Phật là thầy của chư thiên và nhân loại, và mỗi việc làm của Ngài đều có ngụ ý. Sở dĩ Ngài quyết định nhập diệt ở đó là vì những lý do sau:
– Vương quốc này xưa kia là nơi những vị vua chuyển luân Thánh vương ra đời và đã có nhiều gắn bó thân thiết với Ngài trong vô số kiếp .
– Nếu Ngài nhập diệt ở nơi khác thì sẽ không có cơ hội tiếp độ đệ tử Subhadda (học trò cuối của đức Phật).
– Nếu Ngài nhập diệt ở những cường quốc khác sợ e Xá Lợi của Ngài không được chia đều cho các vương quốc khác tôn thờ và ở đây có vị Bà La môn Sona là người hiểu biết phân chia Xá Lợi đồng đều. Do đó chiến tranh sẽ không diễn ra vì sự tranh giành Xá lợi của Ngài.
Nên mặc dù bệnh kiết lỵ đang hành hạ thân xác, đường đi vô vàn hiểm trở, Ngài lại hành trình du phương bằng chân không, Ngài đã quyết định viên tịch tại Kusinara.
Có người hỏi Niết-bàn là gì? Khi đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn thì Ngài sẽ đi về đâu? Danh từ Nam phạn Pàli “Nibbàna” (Bắc phạn, Sankrit: Nirvana) gồm có hai phần: “Ni” và “Vàna”. “Ni” là tiếp đầu ngữ chỉ sự phủ định. “Vàna” là ái dục. Ái dục là nguồn gốc sanh tử luân hồi của chúng sinh và là nhịp cầu nối kiếp sống này sang kiếp sống khác, nên ngày nào còn bị ái dục hay luyến ái trói buộc thì còn tạo nghiệp mới, và nghiệp mới này phải trổ dưới một hình thức nào đó, trong vòng sanh tử. Khi chấm dứt ái dục thì không còn tạo nghiệp mới, lúc đó thành đạt Niết-bàn, chấm dứt sanh tử luân hồi. Thêm một lối định nghĩa nữa, Níp-bàn là dập tắt những ngọn lửa Tham, Sân và Si. Ngày nào không còn tham sân si thì ngày đó chúng ta đắc chứng Niết-bàn. Niết-bàn có hai loại: Hữu dư và Vô dư Niết-bàn (Anupàdisesa và Apàdisesa nibbàna dhàtu). Hữu dư Niết-bàn là vị A-la-hán còn thân ngũ uẩn, Vô dư Níp-bàn là vị A-la-hán không còn thân ngũ uẩn.
Vậy người nhập Vô dư Níp-bàn sẽ đi về đâu? Trong kinh Milinda Panha (Vua Milanda vấn đạo), Ngài Nàgasena (Na-tiên) giải thích câu hỏi ấy như sau: Niết-bàn không phải ở bốn phương tám hướng. Nhưng Níp-bàn thực sự có và người nào có cuộc sống chân chánh, giới hạnh trang nghiêm, chú tâm thiền định thì dù ở Hy Lạp, Trung Hoa, Kosala… đều có thể thành tựu Niết-bàn. Cũng như lửa, không có tích trử một nơi nào đặc biệt, nhưng khi hội đủ điều kiện thì lửa phát sanh. Cũng thế ấy, ta không thể nói Niết-bàn ở đâu, nhưng khi tạo đủ duyên thì quả Niết-bàn được thành tựu…
Trong kinh Rohitassa sutta có ghi Phật ngôn sau đây: “Như Lai tuyên thuyết rằng thế gian (đau khổ), nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian, đều nằm trong tấm thân một trượng này cùng với chánh niệm và tuệ giác”.
Nói đến Níp-bàn ở đâu, trong Tương Ưng bộ kinh có nói: “Nơi mà bốn nguyên tố cấu thành vật chất có đặc tánh dính liền, duỗi ra, đốt cháy và di động, không còn chỗ đứng”. Trong kinh Udana, đức Phật có dạy: “Trăm sông hướng về biển cả nhưng không vì thế mà mực nước dâng lên quá cao hay xuống quá thấp. Tương tự không vì lẽ có nhiều bậc Thánh Thinh Văn, Phật Ðộc Giác và Phật Toàn Giác nhập vô dư Niết-bàn mà Niết-bàn ở đó quá đông đúc hay quá thưa thớt”. Do lẽ đó, Niết-bàn không phải là cảnh trời nào đó dành riêng cho một cá thể xuất chúng mà là một pháp, một sự thành tựu mà mọi chúng sinh đều có thể đạt đến.
Niết-bàn là pháp chân đế, trừu tượng còn hơn tâm thức, cho nên chúng ta không thể giải thích bằng từ ngữ hiệp thế, mà chỉ thật sự trực nhận được Niết-bàn khi nào chúng ta hoàn toàn giải thoát khỏi tham sân si. Về vấn đề này, đức Phật Ngài cũng ít khi giải thích mà Ngài chỉ dạy Tứ chúng nên thực hành Bát chánh đạo thì sẽ thành tựu Niết-bàn. Tại sao Ngài không giải thích nhiều về Niết-bàn? Vì Niết-bàn được thành tựu bằng sự thực hành và tuệ giác chứ không phải bằng các hý luận, lý thuyết suông.
Lại nữa, đối với người chưa thành tựu Niết bàn mà Ngài có giải thích thì chẳng những họ không tin mà còn hoài nghi về lời dạy của đức Giác ngộ. Giống như câu chuyện chị Cá và anh Rùa đàm luận. Chị Cá lâu quá không gặp anh Rùa nên hỏi lâu nay anh đi đâu? Anh Rùa đáp đi lên đất liền. Chị Cá hoàn toàn không tin lời của anh Rùa. Anh Rùa cố gắng hết sức để giải thích về đất liền nhưng chị Cá không thể nào hiểu nổi. Tại sao? Vì chị Cá chưa có khái niệm về đất liền và chưa bao giờ lên thăm đất liền.
Ðể kỷ niệm ngày lịch sử ba dịp trọng đại này, Phật giáo Nam tông tổ chức đại lễ Rằm tháng Tư vô cùng trọng thể. Những nghi thức này rất là đặc thù. Vào buổi sáng, Phật tử vân tập đến chùa làm lễ bái Tam bảo, thính pháp, đặt bát hội đến chư Tăng. Buổi tối, chư Tăng và Phật tử thức trọn đêm không ngủ để ôn lại cuộc đời và giáo Giáo pháp của đấng Cha lành, cùng hành thiền, tu tâm, giác niệm.


3. Ý nghĩa Lễ hội Rằm tháng Sáu (Àsàlhapùjà)


Căn cứ theo kinh điển truyền thống Pàli tạng thì ngày Rằm tháng Sáu chẳng những là ngày khởi điểm mùa an cư Kiết hạ của chư Tăng Phật giáo Nam tông mà còn đánh dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp đạo pháp của đức Tôn sư. Tuy nhiên ở Việt Nam, ngày Rằm tháng Sáu cũng vẫn còn xa lạ đối với đối với đa số Phật tử. Dựa theo kinh điển truyền thống, ngày trăng tròn tháng Sáu âm lịch là ngày kỷ niệm lịch sử trọng đại một lúc bốn sự kiện:
1/ Bồ tát giáng trần2/ Bồ tát xuất gia3/ Ðức Phật chuyển Pháp Luân4/ Ðức Phật thị hiện song thông nhiếp phục ngoại đạo


* Bồ tát giáng trần


Theo bộ kinh Phật Tông, Bồ tát tu hạnh Trí tuệ phải thực hành pháp độ khoảng 20 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Tiền kiếp của Phật Thích Ca là Ngài Vessantara thực hành đại thí đến cụ già Jùjaka thành tựu. Sau đó hết tuổi thọ, Ngài tái sanh vào cõi Trời Ðẩu Xuất (Tusita) có tên là Santusita. Ở cõi Trời này lúc nào cũng trang nghiêm và thanh tịnh, ngoài trừ những ngày Trai giới: mồng 8, 15, 23 và 30. Trong những ngày này, Chư Thiên các nơi vân tập về đây để nghe đức Bồ tát Setaketu thuyết pháp. Thường thường Ngài giảng về bố thí, trì giới, tham thiền, tội ngũ trần, đề cao hạnh xuất gia, ba tướng của vũ trụ… giọng nói của Ngài thanh tao như trời Phạm thiên, y phục chỉnh tề, hào quang sáng chói. Sau thời giảng, Chư Thiên vô cùng hoan hỷ, chấp thọ lời dạy của Ngài và cáo biệt trở về cung điện của mình.
Riêng đức Bồ tát lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng về chí nguyện độ đời của mình. Vì thế Ngài lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng giáng phàm để thành đạo. Thông lệ các vị Bồ tát mặc dù tu hạnh nào trước khi thành Phật cũng phải ngụ trên cõi Trời này để chờ thời gian thích hợp giáng phàm. Bồ tát Setasetu sống trên cõi Trời Ðâu suất khoảng 4000 tuổi. Lúc đó, trời Ðế Thích và Chư Thiên nhận thấy ở cõi Diêm phù đề đã vắng bóng Phật tổ từ lâu nên đồng nhau cung thỉnh Ngài giáng phàm để sau này cứu độ chúng sinh. Ngài quán chiếu năm điều:
– Thời kỳ (kàla): Thời kỳ tốt nhất là chúng sinh sống không quá 1000 tuổi mà cũng không quá 100 tuổi. Lý do là nếu sống lâu thì con người đâm ra dễ duôi, bất chấp tội phước; còn như yểu số thì con người chỉ lo mưu cầu danh lợi, thỏa mãn vật chất, không đủ thời gian tu niệm.
– Quốc độ (desa):ở đây không quá giàu mà cũng không quá nghèo, sự bất công và sự phủ phàng lúc nào cũng hiện diện trong cuộc sống. Nhờ thế con người sẽ dễ hướng thiện. Lại nữa quốc độ này phải nằm ngay trung tâm của cõi Diêm phù đề.
– Châu (padìpa): Loài người hiện sống và tồn tại ở bốn châu thiên hạ, đó là Ðông thắng thần châu (pubbavidehadìpa), Tây ngưu hóa châu (aparagoyànìdìpa) , Bắc cưu lu châu (uttarakuradìpa), Nam thiện bộ châu (jampudìpa). Ðức Bồ tát chọn Nam thiện bộ châu, vì tại châu này chúng sinh không quá văn minh kiêu kỳ mà cũng không quá lạc hậu đần độn. Nhờ vậy, khi gặp Phật, họ sẽ dễ lãnh hội giáo lý, tu hành mau đắc đạo.
– Giòng dõi (kula): Theo 30 tục lệ của chư Phật, là vị Phật tổ không thể nào giáng phàm vào dòng dõi thấp hèn, nếu vậy thì sẽ bất lợi trong việc hoằng pháp độ đời. Còn như giáng phàm trong dòng dõi cao quý thì việc hoằng pháp sẽ có khế lý và khế cơ, do đó sẽ có kết quả tốt.
– Cha mẹ (màtara): Ðức Phật là thầy của Tam giới, cho nên cha mẹ của Ngài kiếp cuối phải là người đại duyên đại hạnh và đã từng có hạnh nguyện với nhau trong vô số lượng kiếp.
Sau khi quan sát năm điều thích hợp trên, Ngài đồng ý giáng sanh xuống trần gian để sau này thành đạo tiếp độ chúng sinh. Hôm đó là ngày thứ Năm, Rằm tháng Sáu, năm Dậu.


* Bồ tát xuất gia


Thông lệ chư Phật trong quá khứ, các vị Bồ tát kiếp cuối khi đản sanh 7 ngày thì người mẹ phải băng hà, hóa sanh vào cõi Trời Ðẩu xuất. Bồ tát Sĩ Ðạt Ta cũng ở trong thông lệ đó. Sau khi hoàng hậu Màya băng hà, kế mẫu Mahàpajàpàtigotamì chăm sóc thái tử chu đáo cho đến ngày thái tử vượt cung thành xuất gia.
Thái tử chào đời không được bao lâu, vua cha cho mời những vị thầy nổi tiếng về thiên văn địa lý đến xem tương lai của thái tử và đuợc họ trả lời, nếu thái tử ở hoàng cung sau này sẽ trở thành vua chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia sau này sẽ trở thành bậc thầy của nhân thiên. Lời tiên tri này khiến cho vua cha vừa mừng vừa lo. Nhưng mừng thì ít mà lo thì nhiều. Trong lòng nhà vua suy nghĩ rồi mai này con ta đi xuất gia thì vương quốc này thuộc về ai?
Nỗi lo niềm sợ của nhà vua càng ngày càng thêm chồng chất, vì thái tử càng khôn lớn thì có những đặc tính khác phàm, thường hay trầm tư , thích yên tỉnh… Nhà vua báo cho bá quan văn võ hay biết về những đặc tính đó của thái tử , và họ đề nghị nhà vua nên tổ chức lễ cuới cho thái tử càng sớm càng tốt, vì điều đó có khả năng giữ chân thái tử ở hoàng cung. Ðức vua nghe vậy rất đắc ý. Thế là công chúa Da Du Ðà La (Yasodhara) ở một nước lân bang, con vua Thiện Giác (Suppabuddha), chính thức tuyển vào cung làm vợ của thái tử. Công chúa là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đức hạnh đoan trang, hoa hậu thời đó. Vua cho xây ba tòa nhà tiện nghi cung ứng với ba mùa thích hợp: mùa lạnh, mùa nóng và mùa mưa để cho thái tử và công chúa hưởng thụ những khoái lạc của trần thế. Vua cha rất mừng khi thấy con sống hạnh phúc êm đềm với Da Du.
Nhưng ai nào có ngờ đâu, sau chuyến du ngoạn bốn cửa thành, thái tử nhìn thấy được bản chất của cuộc đời là vô thường, tạm bợ. Ngài trở về hoàng cung với một nỗi buồn ê chề. Công chúa Da Du bạch hỏi: Sao thái tử buồn, thần thiếp có làm điều chi Phật ý thái tử chăng? Ngài đáp: Không, ta tưởng hạnh phúc của chúng ta sẽ vĩnh hằng mãi mãi, ta nghe trong ta, trong ái khanh và trong mọi người đều phải chịu sức tàn phá của búa thời gian. Dung nhan kiều diễm của ái khanh rồi sẽ bị mai một theo ngày tháng, tóc đen rồi sẽ bị phai màu… Tất cả đều giả tạm, như vậy cái gì là chân hạnh phúc? Ta quyết sẽ thoát ly để tìm một hướng đi đích thực cho ta và cho mọi người.
Hình ảnh bốn cửa thành lúc nào cũng ẩn sâu trong tâm khảm của Ngài – già, bệnh, chết và vị Sa môn, dường như lúc nào cũng thôi thúc Ngài phải thoát ly. Mười ba năm chung sống với Da Du rất hạnh phúc. Ngày Da Du hạ sanh Rahula (La-hầu-la) tưởng là ngày vui nhất của thái tử nhưng khi thái tử nghe tin này Ngài tự than, lại thêm một sợi dây trói buộc. Ngài than như vậy không phải là Ngài không thương vợ con mà Ngài nghĩ đến tình thương vạn loại. Chúng sinh hiện giờ lầm than đau khổ bởi màn vô minh, chỉ có Ngài mới có khả năng giúp họ vượt qua biển sanh tử luân hồi đó. Thừa cơ hội triều đình đang say sưa trong bữa tiệc vui mừng ngày hạ sanh Rahula, trong đêm đó Ngài quyết định cùng với Sa Nặc vượt cửa thành xuất gia vào nữa đêm. Ðó là ngày thứ Năm, Rằm tháng Sáu, năm Mẹo.


* Ðức Phật chuyển Pháp luân


Ðông cung thái tử Sĩ Ðạt Ta xuất gia năm 29 tuổi và thành đạo năm 35 tuổi. Khi giác ngộ, trời Phạm thiên Sahampati cung thỉnh Thế tôn vì lòng từ bi thuyết pháp độ đời. Ngài quan sát thế gian và nhận lời thuyết pháp. Ðầu tiên Ngài nghĩ sẽ thuyết pháp cho ai, người được nghĩ đến là đạo sĩ Alàrakàlàma và đạo sĩ Uddaka Ràmaputta, hai vị này là thầy dạy đạo cho Ngài khi còn là Bồ tát, nhưng Chư Thiên báo là hai vị này đã qua đời. Tiếp đến Ngài nghĩ đến năm người bạn Kiều Trần Như đồng tu khổ hạnh với Ngài và hiện giờ họ đang ở vườn Lộc Uyển Isipatana gần thành Ba La Nại (Bàrànasi).
Từ Bồ đề đạo tràng sang vườn Lộc Uyển rất xa, khoảng 18 do tuần, chư Phật trong quá khứ chuyển bánh xe Pháp lần đầu thường đi bằng thần thông. Nhưng đức Phật Thích Ca quan sát thấy du sĩ Upaka có duyên với Ngài, nếu Ngài đi bằng thần thông thì du sĩ sẽ không có cơ hội gặp gỡ Ngài, mặc dù cuộc hạnh ngộ với đức Phật ngắn ngủi nhưng là một túc duyên cho Upaka sau này giác ngộ. Chính vì thế nên Ngài quyết định đi bộ. Ðường xá xa xôi, đường đi hiểm trở, tất cả cũng vì tình thương và sự giác ngộ của chúng sinh. Không màng những khó khăn cực nhọc trên một đoạn đường dài như vậy và cuối cùng Ngài đến vườn Lộc Uyển đúng vào ngày Rằm tháng Sáu, năm Thân.
Khó khăn thay! Với tình thương dạt dào và tình nghĩa bao la đối với năm người bạn đồng tu như vậy. Ấy vậy mà, khi Ngài đến, chư vị giã vờ không tiếp đón Ngài nồng hậu, trái lại còn định cô lập và hắt hủi Ngài, nhưng Ngài rất bình thản, ung dung, tâm hồn rộng mở đối với các vị.
Tại sao là bạn thân tình với Ngài trong thời gian dài khổ hạnh, sao giờ đây các vị đối xử tệ với Ngài? Vì lẽ chung tu với nhau trong thời gian khá lâu các vị này thấy Sa môn Gotama tuyệt thực để khổ hạnh chỉ còn da bọc xương. Ðể rồi khi Ngài nghiệm ra pháp tu trung đạo, Ngài bỏ lối tu khổ hạnh, ngày ăn một buổi, tích cực thiền định để tìm chân lý giác ngộ. Ngay lúc Ngài bỏ lối tu khổ hạnh, chưa kịp giải thích thì năm người bạn của Ngài bất mãn và tự âm thầm ra đi, với tâm tự kiêu cho rằng Sa môn Gotama bây giờ không còn là vị chân tu chân chánh nữa. Mang những quan niệm sai lầm như thế nên khi thấy Ngài vừa đến tưởng như giờ đây Ngài Gotama buồn không ai phục vụ và tâm sự nên tìm đến họ. Như vậy các vị đó quyết định không tiếp Ngài. Nhưng với oai phong của vị Chánh Ðẳng Chánh Giác khi vừa ngự đến thì tất cả tâm tư của những vị này hoàn toàn thay đổi với ý nghĩ ban đầu, đồng thời các vị chia nhau mỗi người một việc tiếp rước Ngài như một người hầu. Mặc dù vậy nhưng các vị vẫn còn hoài nghi Ngài chưa phải là vị hoàn Toàn giác ngộ. Nếu tâm các vị này còn hoài nghi thì đức Phật Ngài không thuyết pháp. Do đó Ngài bảo các vị đừng có gọi Như Lai bằng tên tộc nữa vì Như Lai đã hoàn toàn giác ngộ, nhưng các vị vẫn không tin. Ðức Phật nói tiếp: Các thầy nghĩ kỹ lại xem từ trước đến giờ Như Lai có khi nào nói với các thầy như vậy không? Lúc đó năm anh em Kiều Trần Như bắt đầu suy nghĩ …. Khi thấy cơ duyên đã chín muồi, đức Phật bắt đầu thuyết pháp về đề tài Tứ diệu đế để tiếp độ năm vị này làm đệ tử đầu tiên. Ðây là bài pháp nồng cốt trong triết lý Phật giáo, cũng còn gọi là bài CHUYỂN PHÁP LUÂN.

Bài pháp Chuyển Pháp Luân


Nội dung bài pháp đầu tiên, gồm có bốn vấn đề:
1. Khổ đế: trình bày tất cả những nỗi đau khổ trên trần gian2. Tập đế: chỉ rõ nguyên nhân của đau khổ là Ái dục3. Diệt đế: là trạng thái tịch tịnh, vắng lặng, Níp-bàn4. Ðạo đế: là con đường Trung đạo có tám ngành.
Tứ diệu đế là pháp môn tu tập bao gồm toàn bộ giáo lý của Phật Thích Ca. Giáo pháp mặc dù nhiều nhưng đức Phật chỉ dạy có hai điều: khổ và diệt khổ. Lại nữa trong phần đạo đế, đức Phật trình bày xuyên suốt 37 phẩm trợ đạo bồ đề dành cho những chúng sinh nào hữu duyên tu tập theo từng pháp môn. Ðó là: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo. Cho nên bài pháp đầu tiên là bài giảng tổng thể và từ đó suốt 45 năm thuyết pháp Ngài chỉ triển khai đề tài này dưới nhiều góc độ khác nhau để tiếp độ chúng sinh.
Bố cục Tứ diệu đế được sắp xếp theo trình tự rất khoa học, logic và hệ thống chặt chẽ. Những học giả Tây phương từng tuyên bố, nghiên cứu Tứ diệu đế không những ở nội dung uyên thâm, mầu nhiệm mà còn cả kiến trúc, bố cục đặc thù của từng pháp môn. Bố cục Tứ diệu đế được trình bày như sau:
Ví dụ như chúng ta đang đứng trước một bức tranh gồm có hai phần chính, phần dưới có những sự bất công, khổ đau, bất hạnh, phiền toái… trong cuộc đời (khổ đế). Trong phần này tác giả cũng cho thấy nguyên của những thảm họa đó là nguồn gió của ái dục, tham sân si (tập đế).
Phần trên chúng ta thấy không gian thênh thang, êm ả, tĩnh lặng, cố nhiên là không có những sự bất công, rên siết, khóc than khổ lụy. Người ở đây bình tĩnh, vui tươi, hồn nhiên thanh bình không bị ái dục chi phối, tâm an lạc giải thoát (diệt đế).
Trong phần này chúng ta cũng nhìn từ dưới lên trên có những con đường đề chữ Bát chánh đạo, Tứ niệm xứ… (đạo đế).
Qua sơ đồ đó cho chúng ta thấy rằng lối trình bày của đức Phật rất tâm lý, thực tế và trí tuệ. Ðiều đó ví như có người bảo chúng ta lên đường ra đi, thì phải cho chúng ta biết rõ đi đến đâu, phải nêu mục đích đến như thế nào, rồi để chúng ta suy xét, lựa chọn có nên đi hay không. Nếu như chúng ta thấy mục đích ấy cao quý, đẹp đẽ, có triển vọng trong tương lai thì chúng ta mới hăng hái nỗ lực thực hiện mục đích trên.
Tóm lại, Ngài chỉ cho chúng sinh thấy niềm đau nỗi khổ trên cuộc đời và nguyên nhân đưa đến đau khổ. Ðồng thời Ngài giới thiệu sau khi hết khổ sẽ có hạnh phúc, an lạc, tự do và thoải mái và sau đó Ngài chỉ cho thấy những con đường phải đi để thành tựu được niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
Kinh ghi lại trước khi Ngài bắt đầu thuyết pháp Tứ diệu đế, Ngài giảng hai điều mà các thầy cần phải tránh xa, đó là khổ hạnh và lợi dưỡng. Khổ hạnh ép xác thái quá và sống lợi dưỡng thái quá cũng không đưa đến giải thoát. Mà tránh xa hai con đường này đó là con đường Trung đạo. Kết quả sau thời giảng là năm vị Kiều Trần Như mở pháp nhãn, giác ngộ đạo quả Tu đà hườn và nhiều ngàn Chư Thiên trong tam giới đắc đạo chứng quả.

 

* Ðức Phật thị hiện song thông nhiếp phục ngoại đạo


Trong 30 tục lệ của chư Phật, dùng thần thông để nhiếp phục ngoại đạo là một trong ba mươi tục lệ đó. Ðã là tục lệ thì vị Phật tổ nào cũng phải thực thi đúng như vậy. Tục lệ có nghĩa là luật lệ, quy định, điều lệ đã định sẵn để dành cho những vị Phật tổ trong quá khứ, hiện tại và tương lai thi hành đúng niêm luật.
Cho nên câu chuyện Phật Thích Ca nhiếp phục ngoại đạo bằng thần thông là một chuyện bình thường vì đây chỉ là một việc làm kế thừa truyền thống của chư Phật. Trong thời đức Phật có tổng cộng sáu nhóm ngoại đạo. Những vị này đều có tuổi đời rất thâm niên và tín đồ vô cùng đông đảo. Tên của các vị này là:
– Purànakassapa- Makkhaligosana- Ajitakesakambala- Sanjayavelatthaputta- Pakuddhakaccayana- Niganthanàtaputta
Từ khi đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ đề và Ngài thuyết pháp giảng đạo, có rất nhiều người hữu duyên tìm đến với Ngài. Pháp của Ngài giảng có hệ thống, tâm lý, triết học, hoàn hảo đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, chúng sinh nào có duyên chắc chắn giác ngộ ngay trong kiếp hiện tiền. Do đó nhiều đệ tử của Phật Thích ca xuất gia, đắc đạo mặc dù họ đã có nhiều năm tu hành theo sáu vị lãnh đạo nêu trên. Các vị lãnh đạo đó nhìn thấy đệ tử của mình mỗi ngày mỗi ít, đa số đã từ giã mình đi theo thọ giới với Sa môn Cồ Ðàm. Không nói được, nhưng càng nhìn đệ tử từ giã ra đi lại càng thêm căm phẫn Phật Thích Ca. Thế nên hình ảnh Phật Thích Ca và đệ tử của Ngài là một sự căm thù đối với nhóm lục sư ngoại đạo trên. Mọi sinh hoạt của Ngài đều bị họ theo dõi để tìm khuyết điểm xuyên tạc, nhục mạ, hạ uy tín… nhưng tất cả đều như gió thoảng mây bay.
Sở dĩ có chuyện Phật dùng thần thông chiến thắng ngoại đạo là vì Ðại đức Pindolabhàradvàja vâng lời Ngài Mục Kiền Liên đi thâu bát trầm trên hư không của một vị trưởng giả. Có một ông trưởng giả tìm được một khối trầm, cho tạc thành một bình bát và ông ta treo giải thưởng nếu ai lấy được bát ông sẽ trọng thưởng và cả gia đình theo nương nhờ làm học trò. Nhóm lục sư ngoại đạo nghe vậy cho người môi giới đến xin nhưng ông từ chối. Họ nói với ông trưởng giả chẳng lẽ vì một cái bát mà phải dùng thần thông thì không xứng đáng. Họ tìm nhiều mưu mô để đoạt được bát trầm nhưng không được. Ông trưởng giả nghĩ rằng trong nước mình đang ở có nhiều tôn giáo họ tự xưng là A-la-hán cho nên ông treo giải thưởng như vậy người nào lấy được mới quả là A-la-hán. Nhưng bảy ngày trôi qua nhóm lục sư ngoại đạo không người nào thi hành theo tâm nguyện của ông trưởng giả.
Thế là một buổi sáng tinh sương, Ngài Mục Kiền Liên và Ngài Pindo vào thành khất thực nghe dân chúng đồn xôn xao về bình bát trầm của ông trưởng giả, nên Mục Kiền Liên bảo Ðại đức Pindo hãy đi thâu bát. Ông trưởng giả và dân chúng nhìn thấy tận mắt Ðại đức Pindo lấy bát, ông trong sạch và hoan hỷ cúng dường tứ sự. Từ chuyện lấy bát của Ðại đức Pindo, dân chúng kính trọng và sùng ái đệ tử Sa môn Gotama, và họ rủ nhau đến chùa đông đảo để tìm Ðại đức. Ðức Phật hay biết chuyện này nên Ngài kêu Ðại đức Pindo vào và cấm từ nay về sau, Ðại đức và chư Tăng không được tự tiện dùng thần thông trước quần chúng.
Khi đức Phật cấm chế điều luật đó, nhóm lục sư ngoại đạo hay biết được và cho người đi tuyên truyền rằng: đệ tử của Sa môn Gotama còn vì danh lợi nên mới đi lấy bát còn chúng tôi là A-la-hán không vì danh lợi nên không lấy bát theo lời yêu cầu của trưởng giả. Sa môn Cồ Ðàm còn đập bát và cấm chế điều luật, không cho đệ tử sử dụng thần thông. Do đó họ quyết định thi thố thần thông với ông Sa môn Cồ Ðàm.
Vua A Xà Thế hay tin ngoại đạo nói như vậy, vội vã vào yết kiến Thế tôn và bạch rõ vấn đề những vị lãnh đạo tôn giáo đó muốn thách thức so tài thần lực với Thế tôn. Ðức Thế tôn trầm lặng trong giây lát, Ngài nói với nhà vua rằng Như Lai đồng ý so tài thần thông với họ. Vua nói: – Bạch Thế tôn, còn việc Ngài cấm sử dụng thần thông thì sao? – Tâu Ðại vương, Như Lai cấm đệ tử chứ Như Lai đâu có cấm Như Lai đâu! Thế là đức Phật báo rõ địa điểm và thời gian để so tài thần thông với nhóm Lục sư ngoại đạo. Ngày đó là Rằm tháng Sáu tại Savatthì.
Khi ngoại đạo hay tin đức Phật đồng ý so tài thần thông với họ, nên họ rất sợ và hoang mang. Vì họ nghĩ rằng, Ngài cấm chế không cho đệ tử sử dụng thần thông thì chắc Ngài cũng không được phép sử dụng, ai ngờ bây giờ ông ta đồng ý đấu thần thông với chúng ta thì chúng ta tính sao đây? Nhưng dù sao thì đã lỡ công bố rồi! Nhóm Lục sư ngoại đạo cùng nhau kéo về Sàvatthì và họ kêu gọi tín đồ hùn tiền để xây tháp đài để so tài thần lực với Sa môn Gotama, nên họ thu được một số tiền rất lớn. Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) hay biết tín đồ của nhóm lục sư ngoại lo lắng cho thầy như vậy Ngài cũng nao nao trong lòng. Hôm sau vua vào lễ Phật và xin Phật cho Ðại vương xây một tháp đài giống như ngoại đạo để Thế tôn so tài với họ. Ðức Phật khước từ và Ngài bảo sẽ hiện thần thông dưới gốc cây xoài.
Ngoại đạo biết được cuộc nói chuyện giữa đức Phật và vua Pasenadi, nên họ cho đệ tử chặt hết những cây xoài trong thành Savatthì. Ðã đến ngày giờ so tài với ngoại đạo, Phật ngự vào thành nhưng chưa đến thành thì có một người giữ vườn Thượng Uyển thấy xoài chín hái dâng cho Phật. Phật hoan hỷ thọ lãnh và tìm một chỗ thích hợp ngồi thọ xoài, còn hạt xoài Ngài bảo người giữ vườn đào lỗ trồng và chính tay Ngài tưới nước. Chẳng bao lâu hạt xoài mọc lên một cây xoài xanh tươi nhiều hoa lá và có nhiều trái thơm ngon.
Dân chúng đến tham dự cuộc so tài của đức Phật và ngoại đạo, họ thấy xoài có nhiều trái chín nên họ hái cùng nhau ăn. Họ ăn xoài thấy hương vị ngon lạ lùng, càng ngon họ càng nguyền rủa bọn ngoại đạo vô cớ chặt hết những cây xoài trong thành Sàvatthì, nên họ thấy bọn ngoại đạo ở đâu họ dùng hạt xoài ném vào bọn ngoại đạo. Ðúng là quả báo nhãn tiền.
Sắp đến giờ so tài, bọn ngoại đạo khủng hoảng tinh thần trước quần chúng. Liền sau đó đức Phật hóa một con đường bằng ngọc báu, rồi Ngài đi thiền hành trên con đường đó.Tiếp theo, Ngài hóa thân, từ một thân thành nhiều thân, lúc đó quần chúng thấy nhiều Phật, Phật ngồi, nằm hoặc hai vị thuyết pháp với nhau… Cuối cùng, Ngài hiện song thông (yamakapàtihàriya), với năng lực này chỉ có đức Chánh đẳng Chánh giác mới có thể thực hiện được. Thần thông này cùng một lúc hiện ra hai điều kỳ diệu: từ thân vừa phún tia nước, vừa phún tia lửa; từ thân phát hào quang xanh và đỏ… Trước uy lực của một vị Phật như vậy, bọn ngoại đạo kiếp sợ và rút lui chạy tán loạn chỉ còn lại dân chúng đang hướng về đức Phật thành kính lễ bái. Ðồng thời Ngài thuyết một bài pháp đúng vào tâm lý của từng chúng sinh, nên hôm đó Chư thiên và nhân loại đắc đạo chứng quả nhiều vô số kể.
Trong giây lát, đức Phật chiêm nghiệm bằng tuệ giải thoát, Ngài thấy chư Phật trong quá khứ sau khi dùng thần thông thắng ngoại đạo là ngự lên cõi Trời Ðạo Lợi thuyết pháp độ Phật mẫu bằng tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Hôm ấy đúng vào ngày Rằm tháng Sáu.
Từ việc đức Phật so tài với ngoại đạo giúp chúng ta có thêm những ý niệm về lời dạy của đức Phật như sau:
– Việc đức Phật thị hiện song thông để chiến thắng ngoại là một chuyện không phải chỉ dành riêng của Phật Thích Ca, mà các vị Phật tổ đều có hành động giống nhau. Lý do thì không thấy kinh điển chú giải thêm nhưng điều đó có thể là để khẳng định trước Tứ chúng về sự uy nghiêm và oai phong của một vị Phật tổ.
– Có thêm một luận cứ trong kinh tạng Nguyên thủy cho rằng đức Phật nhập hạ thứ Bảy trên cõi Trời và Ngài giảng Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) độ Phật mẫu. Căn cứ vào những điểm lịch sử trên, chúng ta không thể nào lãng quên ngày trăng tròn tháng Sáu âm lịch của Phật giáo, mặc dù ngày nay có một số quan niệm cho rằng tạng Vi Diệu pháp không phải do Phật thuyết mà do các vị Luận sư sau này viết ra… Phật giáo Nam tông thường có truyền thống, hằng năm cứ vào ngày này đều tổ chức một đêm đầu đà, để chư Tăng và Phật tử ôn lại ý nghĩa của những điểm lịch sử trên, hầu cúng dường đến đức Phật để gieo duyên lành giải thoát trong tương lai.


4. Ý nghĩa lễ hội Rằm tháng Bảy

Lễ hội Rằm tháng Bảy là một ngày lễ quan trọng của Phật giáo Bắc tông. Ðây là ngày Vu lan Báo hiếu, đồng thời là ngày mãn mùa An cư Kiết hạ (Tự tứ) của chư Tăng Phật giáo Ðại thừa. Tuy nhiên trong Phật giáo Nam tông, ngày này là ngày lễ bình thường, vì lịch sử của ngày này không thấy ghi trong kinh điển nguyên thủy. Phật giáo tại Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Bắc tông trong gần hai ngàn năm lịch sử, nên ý niệm về ngày Rằm tháng Bảy đã ghi sâu vào trong tâm tư của quần chúng. Vì thế, Phật giáo Nam tông tại Việt Nam cứ đến mỗi độ thu về cũng hòa đồng trong sự lễ lạc chung với Phật giáo Bắc tông, cũng có tổ chức lễ Rằm tháng Bảy nhưng theo nghi thức riêng của hệ phái Nguyên thủy.
“Vu lan” tiếng Phạn gọi là Ullambana là cái chậu cứu nạn treo ngược, Bồn là tiếng Hán, nghĩa là dụng cụ đựng thức ăn. Vu lan bồn là pha tạp tiếng Hán lẫn tiếng Phạn, tức là dụng cụ cứu nạn treo ngược (hồn kẻ thác bị treo ngược ở âm phủ). Còn tiệc Vu lan bồn là thức ăn để trong chậu đem cúng dường với chư Tăng nhân ngày Rằm tháng Bảy để các Ngài nhân danh Tam bảo cầu nguyện cho vong hồn khỏi bị đọa ở cảnh ngạ quỷ. Còn về nguồn gốc của kinh Vu-lan là do vị sư người gốc Tây Trước tên Hộ Pháp (Dharmaraksa) đời Tây Tấn, thế kỷ thứ ba hoặc thứ tư dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán.
Trong kinh này, đức Phật khuyên người tại gia nên cầu siêu cho thân bằng quyến thuộc đã quá vãng và cầu an cho thân bằng quyến thuộc còn hiện tiền nhân ngày Rằm tháng Bảy. Kinh còn đề cập đến một chi tiết quan trọng nữa là khi Ngài Mục Kiền Liên đắc đạo, Ngài nhớ đến công ơn mẹ, dùng thần thông quan sát tìm mẹ, thấy mẹ đã sanh vào cõi ngạ quỷ. Ngài thương tiếc, mang cơm xuống dâng mẹ nhưng người mẹ không ăn được. Khi về thế gian, Ngài đem chuyện này bạch Phật và Phật dạy hãy chờ đến rằm tháng Bảy khi chư Tăng mãn hạ hội về, Mục Kiền Liên làm phước hồi hướng cho mẹ thì người mẹ mới có thể nhận được phước báu.
Trong khoảng thập niên 1960, kể từ khi quyển sách “Bông hồng cài áo” ra đời, phát sinh thêm một nghi thức mới lạ trong ngày rằm tháng bảy, rất đặc thù, làm sống động hình ảnh của cha mẹ, hai đấng sinh thành dưỡng dục. Mặc dù nghi thức đó – qua quyển sách trên – chịu ảnh hưởng văn hóa của Nhật Bản nhưng được nhiều người tán đồng, cho rằng có ý nghĩa, đáng được phát huy và duy trì. Những người tham dự lễ đều được cài trên áo một bông hồng theo từng hoàn cảnh khác nhau. Nếu cha mẹ còn sinh tiền thì được cài trên áo một bông hồng màu đỏ thắm. Nếu như mất mẹ thì được cài hoa hồng màu trắng. Cảm động là ở chỗ nhìn thấy người khác hoặc mình khi có cài trên áo một bông hồng màu trắng thì cảm thấy xót xa thân phận mất mẹ hiền, thông cảm với người đồng phận, và cảm thấy chạnh lòng thương nhớ bà mẹ vô cùng. Chính vì thế ngày Rằm tháng Bảy trở thành ngày lễ hội quan trọng cả hai giới tại gia lẫn xuất gia. Cứ đến ngày này chư vị cư sĩ sắm sửa món ngon vật lạ đem cúng dường Tam bảo để cầu an cho gia đạo và cầu siêu cho cửu huyền thất tổ đã quá vãng. Còn đối với người xuất gia, ngày này đánh dấu ngày tăng thêm một tuổi đạo và xứng đáng thọ lãnh quả báu cúng dường y phục và tứ vật dụng của đàn na tín thí.
Một điều ghi nhận ở đây là trong kinh tạng nguyên thủy, không thấy có bộ kinh nào tương đương với quyển kinh Vu lan bồn của Bắc tông. Không biết những nhà kết tập kinh điển nguyên thủy có lược bỏ một số kinh văn nào hay không, hay kinh này là do phong trào phát triển Phật giáo trước tác thêm vào sau này. Một điều khó hiểu này là tại sao đức Phật lại khuyên Ngài Mục Kiền Liên muốn trả hiếu cho mẹ phải đợi đến rằm tháng Bảy? Chắc có lẽ là vào ngày này, khi chư Tăng mãn mùa an cư nên Tăng chúng đông đảo và phước báu sẽ nhiều hơn. Nhờ oai lực đó thì cầu nguyện dễ siêu thoát. Thế nhưng, theo giới luật Phật giáo Nam tông, chư Tăng nhập hạ ngày rằm tháng Sáu và ra hạ vào ngày rằm tháng Chín. Như thế, nếu Phật tử trong truyền thống Nam tông tin theo quyển kinh Vu lan bồn thì họ phải điều chỉnh lại ngày Vu lan báu hiếu đến ngày rằm tháng Chín chứ không phải rằm tháng Bảy.
Có một quyển sách tựa đề “Cuộc đời tôn giả Mục Kiền Liên” do học giả người Ðức Hellmuth Hecker biên soạn rất công phu, đã được dịch giả Nguyễn Ðiều dịch sang Việt ngữ, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành trong mấy năm qua. Quyển sách tuy mỏng, nhưng độc giả sẽ nhận thấy người viết đọc hiểu kinh tạng nguyên thủy rất uyên thâm, viết về cuộc đời và đạo hạnh của tôn giả Mục Kiền Liên rất đầy đủ, đồng thời khi đề cập đến phần nào đều có trích dẫn kinh điển nghiêm túc. Ðọc tác phẩm này thì lại không thấy đề cập chi đến kinh Vu lan bồn, hoặc về chuyện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ ở địa ngục, v.v. Thêm nữa, đạo Phật là đạo dựa trên nền tảng lý nhân quả và nghiệp báo. Ðức Phật từng tuyên bố gieo giống nào gặt quả nấy. Ngài đã trầm lặng, không thể can cứu khi hay biết vua Thiện Giác (cha vợ) bị đất rút và dòng họ Thích Ca bị tàn sát. Ngài có nhiều phép thần thông siêu xuất trong tam giới này nhưng qua kinh điển, Ngài vẫn phải để cho nghiệp lực chúng sinh trổ quả theo chu trình tự nhiên. Mặc dù biết trước việc tàn sát dòng họ Thích Ca, và đã hơn hai lần đến thương lượng ngăn cản chiến tranh, cuối cùng thì Ngài cũng không giúp được gì hơn, bởi vì nghiệp dòng họ Thích Ca gieo trong kiếp quá khứ nay đến chu kỳ phải trả quả. Cho rằng Ngài Mục Kiền Liên dù là một đại thánh tăng đã đắc quả A-la-hán, có nhiều thần thông mà vẫn không cứu mẹ được, phải nhờ đến đại chúng Tăng cùng cầu nguyện mới cứu được, có thể sẽ dễ đưa đến một ngộ nhận cho rằng bây giờ chúng ta không cần phải tu tập tâm tánh, cứ tự do làm tội lỗi và cố dành dụm một số tiền lớn để lại cho thân nhân, và nhờ họ sau khi ta qua đời, nhớ rước thầy đông đảo để  cầu nguyện cho siêu thoát. Một quan niệm như thế có thể sẽ có những hậu quả tiêu cực, không có lợi chi trên con đường tu tập giải thoát.
Về mặt sử liệu và kinh điển của các truyền thống thì có mâu thuẫn đôi chút như thế. Nhưng về mặt hướng thiện, đạo đức của quần chúng Phật tử thì việc tổ chức ngày Rằm tháng Bảy rất hữu ích. Việc này giúp cho người tại gia lẫn xuất gia có một ngày trọn vẹn để tưởng nhớ đến hai đấng sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, giúp họ có ý thức vững chắc để hành thiện, bố thí, đền đáp công ơn trời biển của cha và mẹ.
Hòa nhịp trong sinh hoạt chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến rằm tháng bảy mỗi chùa Nam tông đều tổ chức lễ đặt bát hội cho chư Tăng. Nghi lễ thường là người Phật tử sắm thực phẩm và tứ sự như cơm, nước, trái cây … để đợi đến giờ chư Tăng xếp hàng đi chậm rãi trong chánh niệm, theo thứ tự trưởng hạ, Phật tử thành kính để thức ăn vào trong bình bát của chư Tăng. Chư Tăng hoan hỷ thọ nhận và đọc kinh Phúc chúc để Phật tử thành tâm chú nguyện chia đều phần phước này thấu đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng, rồi sau đó Phật tử cùng đọc kinh hồi hướng. Chương trình lễ thường có buổi thuyết giảng của chư Tăng để người Phật tử hôm đó được dịp ôn lại trọn vẹn hình ảnh công ơn bao la của cha mẹ, để thấy rằng bổn phận làm con là phải đáp đền công ơn cao cả này.
Thêm vào đó, người Phật tử Nam tông cũng cần hiểu rằng việc trả hiếu phải thực hiện trong bất cứ ngày, tháng, năm nào chứ không phải đợi đến rằm tháng Bảy. Ví như người thân chúng ta thiếu nước thì chúng ta phải cung cấp cho họ ngay. Trong kinh Tăng chi, Phật dạy người con chí hiếu phải phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sinh tiền những nhu cầu vật chất, không làm cha mẹ phiền lòng, thậm chí nếu cha mẹ không hiểu đạo thì người con phải cố gắng an trú cha mẹ vào trong chánh pháp, khi cha mẹ qua đời mới hồi hướng phước cho cha mẹ. Chứ không phải lúc cha mẹ còn sống thì người con ăn nói thô lỗ, bất hiếu, đến khi cha mẹ qua đời thì lại khóc lóc, cầu trời vái Phật, hoặc đi nhiều kiểng chùa để cầu siêu cho cha mẹ, vì rằng làm như thế cũng sẽ không có kết quả chi cả!
Tóm lại, hành lễ ngày Rằm tháng Bảy hằng năm là để nhắc nhở những người con nam nữ phải nhớ đến công ơn vô bờ bến của cha mẹ. Nếu cha mẹ còn sinh tiền thì người con nên mua món quà nào đó để kính dâng lên Ba má để nhớ đến ơn nghĩa sinh thành, để tự nhắc nhở đến sự hiện hữu vi diệu của một niềm hạnh phúc rất đáng giá, ghi khắc trong tâm và tự hứa với đất trời không thể quên lãng người cha yêu dấu, người mẹ hiền thân thương. Nếu như người đã ngàn thu vĩnh biệt thì người con phải làm phước, bố thí, trì giới, tham thiền và lập trai đàn cầu siêu cho cha mẹ. Trên nền tảng căn bản đó, người Phật tử luôn ghi nhớ trong tâm: hiếu hạnh là truyền thống của chư Phật. Vì thế bổn phận làm con phải nhớ đến ơn nghĩa sinh thành và phải đáp đền trong muôn một. Không phải đợi đến ngày Rằm tháng Bảy mới nhớ đến công ơn của cha mẹ mà phải suốt đời, suốt năm, suốt tháng, chúng ta đáp đền công ơn hiếu dưỡng của hai đấng sinh thành.


5. Ý nghĩa lễ hội Rằm tháng Chín


Rằm tháng Chín Âm lịch là ngày mãn mùa An cư Kiết hạ (tự tứ) của chư Tăng Nam tông, đồng thời là khởi điểm mùa dâng y Kathina trong một tháng, từ 16- 9 đến 15-10 âm lịch. Có thể nói trong một năm, chư Tăng và Phật tử rộn rịp, tưng bừng và hoan hỷ trong ngày Rằm này, với người tại gia cư sĩ chuẩn bị lễ phẩm, tứ vật dụng cúng dường chư Tăng và tham gia dự lễ dâng y các chùa Phật giáo Nguyên thủy. Chư Tăng lại càng hoan hỷ hơn vì ngày này đánh dấu thêm một tuổi đạo.
Phật giáo Nam tông căn cứ theo lịch của Ấn Ðộ nên nhập hạ vào ngày15-6 âm lịch còn Phật giáo Bắc tông căn cứ theo lịch của Trung Hoa nên nhập hạ vào ngày 15-4 âm lịch. Cả hai bộ phái đều trung thành với quan niệm truyền thống của mình, nhập hạ đúng theo quy định truyền thống và ngày ra hạ đều gọi là ngày Tự tứ (Pavàràna).
Tự tứ là buổi lễ được tổ chức vào ngày mãn mùa an cư kiết hạ, tiếng Pàli gọi là Pavàràna, nghĩa là “thỉnh cầu, tùy ý”. Do đó, ngày Tự tứ là ngày thỉnh những vị Tỳ kheo đồng phạm hạnh nói rõ những sai lầm, khuyết điểm dù thấy, nghi hoặc nghe về giới hạnh của mình trước sự chứng minh của chư Tăng để sám hối. Ðây là một hình thức rất tốt trong Phật giáo, mặc dù là giới luật ngày xưa nhưng vẫn không lạc hậu với xã hội đương đại. Hình thức này nói lên tinh thần tập thể góp ý, phê bình cá nhân, và cá nhân tiếp nhận ý kiến sửa đổi và hứa sẽ không tái phạm.
Nghi thức sám hối (Parisuddhi) là một công việc của các vị tỳ kheo phải thực hiện thường xuyên một tháng hai lần, vào ngày 15 và 30 trước khi cử hành lễ Bố tát (Uposatha). Như vậy một năm có 24 lần các Tỳ kheo cử hành lễ sám hối và Bố tát, nhưng các vị cử hành chỉ một lần lễ Tự tứ duy nhất trong năm. Sám hối là nghi thức nêu ra những lỗi lầm của mình do vô tình hay cố ý phạm những học giới với một vị Tỳ kheo cùng phạm hạnh, đồng thời thời điểm đó vị Tỳ kheo ấy cũng sám hối những lỗi lầm của mình cho vị Tỳ kheo bạn. Sau đó nếu trong tự viện có khoảng 4 vị Tỳ kheo trở lên thì các vị bắt đầu cử hành lễ Bố tát. Nghi thức lễ Bố tát là một vị Tỳ kheo thông thạo giới luật đại diện chư Tăng trùng tuyên lại tất cả giới luật của các vị Tỳ kheo. Mục đích là giúp các vị ôn lại tất cả giới luật mà mình đã thọ trì, nếu vi phạm thì các vị lập tức sám hối trước Tăng chúng, hoặc chịu hành phạt tùy theo giới luật vi phạm. Lễ sám hối, Bố tát và Tự tứ là do đức Phật chế định khi Ngài còn tại thế, Sau khi thành đạo, Ngài đi hoằng dương giáo hóa, thành lập Tăng đoàn để hành đạo. Chúng ta có thể xem thêm phần này trong Tương ưng bộ kinh và Luật tạng.
Ngày 15 tháng Chín âm lịch cũng là ngày các chùa của Phật giáo Nguyên thủy tổ chức lễ ra hạ. Lễ này thường do Phật tử thí chủ dâng y tổ chức. Chương trình rất đơn giản, thông thường là tổ chức một buổi trai tăng cúng dường đến chư Tăng an cư kiết tại bổn tự và mời các Phật tử khác cùng đến tham dự. Thật ra, buổi lễ này là do vị thí chủ dâng y tổ chức để tiễn chư Tăng ra hạ chứ không có liên hệ gì đến điều kiện giới luật đã quy định.
Sau khi chư tăng ra hạ, đức Phật cho phép được tổ chức một ngày lễ dâng y trong vòng một tháng từ 16 tháng Chín âm lịch đến 15 tháng Mười âm lịch. Ðiểm đáng lưu ý là trong một năm chỉ được tổ chức lễ dâng y một lần trong một tháng, một tháng chỉ được tổ chức một ngày. Tại sao khi ra hạ, đức Phật cho phép tổ chức dâng y một ngày trong vòng một tháng không hơn không kém? Lý do Ấn Ðộ chỉ có ba mùa: mùa lạnh, nóng và mưa, như vậy mỗi một mùa có bốn tháng. Nhập hạ chỉ có ba tháng, thế nên còn một tháng chư Tăng cũng không tiện vân du hoằng pháp mà phải ở lại tu viện cho hết mùa mưa. Do đó tháng này là tháng thích hợp để tổ chức dâng y. Nếu không còn trong phạm vi của tháng dâng y mà tổ chức dâng y thì không thành tựu quả báu Kathina.
Ðiều kiện được nhận y Kathina là vị tăng ấy phải nhập hạ liên tục ba tháng tại đây không bị đứt hạ, phải có 5 vị Tỳ kheo trở lên, 4 vị làm tăng để giao y Kathina, một vị thọ y. Vị Tỳ kheo được thọ y Kathina là vị có y đã cũ rách hoặc vị đó do tăng chúng đề cử. Phương pháp thọ y Kathina khác biệt hơn cách thọ tứ sự cúng dường của đàn na tín thí. Thông thường, khi nhận những tứ sự cúng dường khác, chư Tăng thọ bằng thân và khẩu. Trái lại, khi nhận tăng y Khathina, chư Tăng thọ bằng tâm chứ không thọ bằng lời. Những thủ tục trên đã hội đủ, chư Tăng hội họp nhau trong ranh giới Simà và chỉ định hai vị tuyên ngôn trình tăng rằng: – “Bạch hóa Ðại đức tăng nay tăng y đã phát sanh đến Tăng rồi, nay tăng giao y Kathina đến Tỳ kheo… nếu các vị hoan hỷ thì làm thinh, lần thứ nhì …, lần thứ ba… Y cứ làm thinh của chư Tăng tăng y giao cho Tỳ kheo … thọ.”
Khi tuyên ngôn giao tăng y đến vị Tỳ kheo… thì vị ấy chỉ thọ một trong 3 y, đó là Tăng già lê, hoặc y vai trái, hoặc y nội, chứ không được thọ 3 y. Nếu thọ y nào thì vị ấy phải xả y cũ và nguyện y mới. Bên cạnh ấy, những vị đồng nhập hạ nói lên lời tùy hỷ. Nói lời tùy hỷ trước chư Tăng vừa dứt thì tất cả những vị nhập hạ đều hưởng năm quả báu. Ðiểm này khác biệt hơn những việc làm phước khác. Thường người làm phước thì hưởng phước báu, nhưng đặc biệt trong dịp lễ dâng y người thọ y cũng hưởng năm quả phước. Năm quả báu này giúp cho vị Tỳ kheo thuận lợi trong việc tu học, thọ thực, đi lại.
Quang cảnh buổi lễ dâng y thật hoan hỷ. Mỗi chùa thường có thí chủ hoặc thí chủ tập thể. Họ sắm y phục và những thứ vật dụng phụ tùng cần thiết của các vị Sa môn, tất cả đều mang đến chùa, trước khi dâng cúng đến chư Tăng, Phật tử thường tỏ lòng tôn kính nên đội tất cả những lễ phẩm tứ sự đó đi nhiễu ba vòng chánh điện. Không khí rất vui tươi và đầy hoan hỷ của những tâm hồn mộ đạo. Trong một tháng dâng y, thông thường Phật giáo Nam tông Việt Nam sắp xếp mỗi chùa tổ chức một ngày dâng y, do đó chư Tăng và Phật tử luân phiên nhau tham dự lễ dâng y. Nghi thức tổ chức dâng y các chùa của Phật giáo Nam tông đều thống nhất nhau trên mặt giáo luật, cho nên khi tham dự lễ chúng ta thấy tiến trình lễ diễn tiến đều giống nhau.
Tỳ kheo Thiện Minh
Nguồn: http://budsas.net/uni/u-gioithieu-pgnt/gioithieu-06.htm

https://phatgiao.org.vn/le-hoi-trong-truyen-thong-phat-giao-nguyen-thuy-d16074.html

Hits: 219

Trả lời