Triết lý “Tính không” trong triết học Phật giáo

I. Triết lý “Tính không” trong triết học Phật giáo từ Phatgiao.org.vn

Thuyết tính Không chính là chìa khóa để nhận thức thế giới duyên sinh, vô ngã, vô thường, là ánh sáng soi rọi tâm hồn con người, giác ngộ trở về với chính mình. Tính Không không chỉ là một khái niệm của tri thức luận.

1. Khái niệm Không và thuyết tính Không

Trong triết học Phật giáo, thuyết tính Không là một trong những học thuyết quan trọng bậc nhất, song còn chưa được nghiên cứu nhiều bởi đó là một trong những vấn đề khó, tương đối chuyên sâu. Mặc dù đề tài về tính Không đã không còn xa lạ trong văn học Phật giáo và cũng đã được một số tác giả như Kurt Schmidt, D.T. Suzuki, Tuệ Sỹ, Ấn Thuận, Thích Tâm Thiện… bàn đến, nhưng đây vẫn là học thuyết dễ bị hiểu nhầm nhất. Do vậy, việc nghiên cứu thuyết tính Không là một nhu cầu cần thiết, không chỉ nhằm tìm hiểu triết lý Phật giáo, mà còn tạo cơ sở cho việc tiếp cận những giá trị cốt tủy của hệ thống tư tưởng Phật học.

Trước hết, phải nói rằng thuyết tính Không (sunyata) trong triết học Phật giáo liên quan mật thiết với khái niệm Không (sunya). Hơn nữa, trong nhận thức thông thường, Phật giáo luôn được nhìn từ góc độ một tôn giáo. Nhiều người không hiểu một cách tường tận những triết lý cao siêu của nó về duyên khởi, vô ngã, vô thường…(*)Đó là căn nguyên khiến họ đồng nhất thuyết tính Không với khái niệm Không đơn giản. Theo đó, không được hiểu như một phủ định từ – đối lập với có. Thông thường, khi thấy sự vật hiện hữu thì ta gọi là có, nhưng khi nó biến mất ta lại cho nó là không. Vì thế, Không thường bị hiểu là triệt tiêu, hư vô. Từ đó, người ta phê phán giáo lý đạo Phật là bi quan, yếm thế. Song, trong Phật giáo, không được hiểu không phải như vậy. Có và không là hai mặt của sự vật từ lúc sinh ra cho đến khi chấm dứt, cũng tức là mọi hiện hữu vừa là nó vừa không phải là nó.

Với ý nghĩa này, tính Không là một cái không sinh động, tồn tại cùng với nhịp điệu vô tận của sự sinh thành và phân hủy của vạn hữu. Tính Không là tính không thực thể của mọi sự vật hiện tượng. 

Thực chất, quan hệ giữa tính Không và Không là quan hệ bao hàm. Thuyết tính Không được xây dựng và phát triển trên nền tảng của khái niệm Không nhưng trong đạo Phật, tính Không còn là một lý thuyết triết học cao siêu, thâm diệu về bản thể.

2. Sự phát triển tư tưởng tính Không trong lịch sử Phật giáo

Ban đầu, trong Phật giáo nguyên thủy, tính Không khởi nguồn từ khái niệm Không, được đức Phật đề cập khá sớm trong các Kinh tạng Nikaya hay A hàm. Theo đó, Không là trạng thái tâm của người xuất gia không còn phiền lụy về cuộc sống gia đình. Đức Phật nhắc các Tỳ kheo phải an trú vào Không, thực tập buông bỏ những lo âu phiền lụy về vợ con, ruộng vườn, trâu bò, nhà cửa, thôn xóm…(1). Không là đời sống tu tập không vướng bận. Xem tất cả là Không để dẹp bỏ đam mê về vật chất, tiền tài, danh vọng, dẹp bỏ mọi hưởng thụ dục lạc, xuất gia tìm con đường giác ngộ, buông bỏ mọi phiền não của trần tục để có được đời sống phạm hạnh thanh cao, giải thoát mọi khổ đau, tìm về chân – thiện – mỹ. Trạng thái tâm không còn ưu tư phiền lụy về cuộc sống gia đình này được gọi là Không, khái niệm Không này không mang ý nghĩa triết lý sâu xa, nhưng nó là cơ sở, là nghĩa ban đầu của thuyết tính Không trong triết học Phật giáo.

Trong các kinh điển A hàm hay Nikaya, khái niệm Không còn dùng để chỉ sự giả hợp của các sự vật hiện tượng. Đây mới là nghĩa chủ đạo của tính Không. Cái Không này được hiểu là không có thực thể cố định (chứ không phải là hư vô, không có gì hết, không hiện hữu). Theo đức Phật, sự tồn tại của các sự vật, hiện tượng trên thế gian thật mong manh, ngắn ngủi, vô thường chẳng khác nào những bọt nước trôi trên dòng sông Hằng. Đám bọt nước ấy là rỗng không và nếu như sự hình thành và tồn tại của những bọt nước trôi trên sông là ảo ảnh, chỉ trong phút giây, có rồi không, sinh rồi lại diệt, vô thường mau chóng thì chúng ta phải chấp nhận một sự thật hiển nhiên rằng, các sự vật hiện tượng trên thế gian này vốn từ cái không mà sinh ra thành có, rồi lại từ cái có mà thay đổi, biến hoại và trở về không. Từ đó, đức Phật cho rằng, vạn vật không có tướng trạng cố định, thế giới là rỗng không như bọt nước.(1) 
 
 
 
 
Tư tưởng về cái Không này được Phật giáo Nguyên thủy biểu đạt bằng khái niệm Đệ nhất nghĩa không(2). Theo đó, sự vật hiện tượng không sinh, không diệt. Khi nhìn từ bề mặt thì sự xuất hiện của một sự vật nào đó là sinh, sự tan rã của sự vật là diệt. Đức Phật cho rằng, bởi ta cắt xén thời gian, dựa vào khúc đoạn hữu hạn của thời gian mà xét, nên mới có sự sinh và diệt. Nếu tách khái niệm thời gian, không gian khỏi sự vật hay nới rộng thời gian vô cùng, vô tận thì khái niệm sinh và diệt này không còn nữa. Nếu đứng từ góc độ thời gian vô cùng tận đó để xem xét sự vật, hiện tượng, thì sự xuất hiện của sự vật, hiện tượng không phải là sinh, sự biến mất của chúng cũng không phải là diệt. Việc đến hay đi trên đời này đều do duyên, mọi sự chỉ là giả hợp mà có. Đức Phật gọi hình tướng của sự vật, hiện tượng trong quá trình sinh diệt, diệt sinh không ngừng này là Không hay không tướng (con người và vạn vật đều là không, chẳng có tướng trạng bền vững). Thấu triệt được tư tưởng này, tức là nắm được đạo lý duyên sinh và tính Không vì Không cũng chính là trùng trùng Duyên khởi. Điều này cũng cho thấy rằng triết lý Duyên khởi (Duyên sinh) là cơ sở của thuyết tính Không. 

Về sau, tư tưởng “Đệ nhất nghĩa không” được Long Thọ Bồ tát (Nagarjuna)(3) kế thừa và phát triển lên một bước mới với chủ trương “Không luận”. Sử dụng nguyên lý “Duyên khởi” của đức Phật, Long Thọ Bồ tát phân tích bản chất của vạn vật và chỉ ra tính Không của tất cả các pháp(4). Từ đây, Long Thọ Bồ tát đã nêu lên tư tưởng của mình về triết lý tính Không hay còn gọi là Duyên khởi tính Không trên nền tảng phù định triệt để vạn vật đều là Không nhằm phá hủy tất cả kiến chấp sai lầm hay mọi định kiến về có, không, sinh, diệt…
Triển khai lời dạy của đức Phật về ý niệm Sunyata (rỗng không) trong ý nghĩa sự vật “không có bản thể” hay “vô ngã”, các thiền sư  đã thực hiện sự phủ định tuyệt đối trên bình diện bản thể (Sein, Existence) bằng từ vô như vô ngã, vô niệm, vô thường và từ bất như bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thoạt tiên, sự phủ định này thường dẫn đến ngộ nhận rằng lý thuyết tính Không hàm chứa khái niệm hư vô. Tuy nhiên, tính Không không phải là một chủ thuyết nhằm hư vô hóa thế giới. Mục đích của sự phủ định này không phải là phủ nhận sự tồn tại hiện hữu của thế giới hình danh, sắc tướng, mà nhằm soi rọi chân lý nền tảng về bản chất thực sự của tồn tại.1(3)

Quả vậy, Phật giáo dùng cặp phạm trù “sắc – không” vừa để chỉ sự hiện hữu của các sự vật hiện tượng (sắc), lại vừa để khẳng định tính vô ngã của chúng (không). Tương quan giữa sắc và không là “tương y tương thành”, tức là dựa vào nhau mà cùng tác thành cho nhau. Điều này khó có thể biểu đạt được bằng ngôn ngữ và nhận thức thông thường. Vì thế, Phật giáo dùng một loạt từ phủ định để nói rõ tính Không của nó, tiến hành phá trừ một cách sâu sắc, tuyệt đối pháp vô ngã. 

Theo quan điểm của Phật giáo, sắc không thường còn, luôn biến đổi để rồi khi hoại diệt thì nó lại trở về với cái Không, những gì nó vay mượn từ các đại lại trả về với các đại; trong trạng thái Không đó lại chờ đợi duyên hợp khác để kết hợp thành cái khác, lại hoại diệt để trở lại trạng thái Không. Do vậy, “có có” hay “không không” trong mệnh đề “sắc sắc không không” cũng chỉ là hai hình thái khi ẩn khi hiện của cùng một bản thể. Sự phủ định vì thế cũng chính là khẳng định. Điều này được biểu đạt trong câu “sắc bất dị không, không bất dị sắc”(5), nghĩa là sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, tuy hai mà một. Đó cũng là ý nghĩa của câu: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, nghĩa là sắc và không chung quy cũng chỉ một pháp. Tựa như nước và sóng. Sóng không khác với nước, nước không khác với sóng; nước là sóng và sóng cũng là nước, nhưng nước là bản thể, luôn luôn ở đó, không sinh, không diệt (nghĩa là bản thể nó thường hằng), không nhơ không sạch (tác dụng của nó vô phân biệt), không tăng, không giảm (nghĩa là nó thường tự viên mãn), còn sóng là hiện tượng, chỉ là biểu hiện nhất thời của nước, có con sóng mới sinh ra, có con sóng đang lụi tàn, có sóng đục, sóng trong. 

Tương tự như vậy, Không là bản thể chân thật của vạn vật và vạn vật chỉ là biểu hiện thoáng qua của Không. Mọi vật chẳng khác với Không, Không chẳng khác với bất kỳ vật gì; mọi vật là Không. Đó là ý nghĩa của câu “Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm”(6). Phật giáo đã áp dụng lý luận phủ định một cách cô đọng (lục bất) để phủ định bất cứ đặc tính nào của các pháp, cũng đồng thời là sự khẳng định tính Không của chúng, rằng tất cả các pháp “sinh diệt”, “cấu tịnh”, “tăng giảm” đều nhờ nhân duyên mà có, nên tự tính của chúng là Không: Vạn pháp vô ngã.2(5)

Như vậy, Phật giáo chủ trương rằng, vạn vật tuy có hình tướng, nhưng đó chỉ là giả tướng, giả hợp; thực tính của mọi hiện hữu là Không; vạn vật vô tự tính, thực tại không có bản chất thường hằng, không có một hình tướng cố định, chứ không phải là không hiện hữu. Đó là toát yếu của triết lý tính Không. Lĩnh hội được triết lý đó thì có thể quán triệt được hệ thống tư tưởng Phật học. 

3. Nội dung thuyết tính Không trong bản thể luận Phật giáo

Phật giáo thành lập thuyết tính Không dựa trên nguyên lý duyên sinh, lý luận về vô ngã và vô thường. Theo đó, tất cả mọi sự vật hiện tượng trên thế giới này đều do nhân duyên sinh, đều là giả hữu, đều vô ngã, hết thảy đều không và đều chịu sự chi phối của luật biến đổi, tức vô thường.

3.1. Thuyết tính Không qua Duyên sinh và giả hợp

Thuyết Duyên sinh (Duyên khởi), hay còn gọi là thuyết Nhân duyên sinh, là bản thể luận của Phật giáo về sự sinh thành, biến dịch của vạn vật trong vũ trụ. Nhân duyên là những quan hệ biện chứng trong không gian và thời gian giữa các sự vật. Một sự vật bất kỳ đều ảnh hưởng dây chuyền (duyên) đến các sự vật khác. Sự vật không có chủ thể, chỉ hư ảo tạm thời, sinh ra vì nhân duyên hòa hợp (sắc), diệt đi vì nhân duyên tan rã (không). Tất cả muôn vật đều do duyên giả hợp, nên đều là Không. Mọi vật đều trải qua quá trình thành – trụ – hoại – không (sinh thành, phát triển, biến hoại và diệt vong) trong muôn vàn mối quan hệ nhân duyên chằng chịt, ràng buộc lẫn nhau, không thể tách rời. Cái này hội đủ điều kiện, nhân duyên thì sinh thành ra cái kia, cái kia đủ điều kiện thì lại sinh ra cái khác, cứ như thế tạo thành một dòng chảy liên tục cả về không gian và thời gian. Vì mối tương quan này được nối dài không giới hạn, nên xét đến cùng, thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều liên quan với nhau, đều nương theo nhau mà sinh khởi và tồn tại. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều mang tính cấu hợp và không hàm chứa một thực thể có tự tính nội tại độc lập nào cả. Sự vắng mặt của thực thể độc lập và trường tồn ấy gọi là sự trống không, hay tính Không của chúng. Phật giáo coi triết lý Duyên khởi tính Không là nguyên lý phổ quát tuyệt đối của mọi tồn tại, từ vật vô tri đến vật hữu tình như con người.

Theo thuyết Duyên sinh, con người cũng chỉ là một giả hợp của ngũ uẩn. Trong đó, sắc uẩn là yếu tố vật chất tạo nên thân thể con người, bốn uẩn còn lại là thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (suy tư), thức (ý thức) cấu thành nền tảng tinh thần, trạng thái tâm lý của con người. Phật giáo cho rằng, năm uẩn đều không thật, đợi duyên hợp mới có nên thể tính là Không. 

3.2. Tính Không qua cái nhìn của Vô ngã, Vô thường

Vạn vật trong vũ trụ đều không thể vượt qua lý “vô ngã”, “vô thường”. Vô ngã theo nghĩa đen là không có cái “tôi”, theo nghĩa triết học là sự vật không có bản chất trường tồn, bất biến, không có cái gọi là “ngã”. Bản ngã chỉ là giả, bởi lẽ vạn vật chỉ là sự giả hợp do hội đủ nhân duyên mà thành ra có (tồn tại). Cái có  ấy vốn là Không. 

 
Con người bởi vì không hiểu biết (vô minh), thường ngộ nhận cái “ngã” tồn tại nên mọi ý nghĩ và hành động đều vì cái ngã này. Phật giáo cho rằng, không ai có một bản ngã thường hằng. Con người sinh ra từ nhiều nhân tố trong vũ trụ: nước, khoáng chất, hóa chất… Khi con người chết đi (cái tôi tan biến), nhưng những nhân tố tạo nên nó thì vẫn còn đó trong vũ trụ, chúng ở đó và tùy theo nhân duyên sẽ lại tạo nên những thứ khác. Vì thế, nói theo cách của triết học là từ vũ trụ tôi đến và trở về với vũ trụ tôi ra đi. Nhưng vũ trụ là gì? Là một khoảng không rộng lớn vô tận – một cái Không lớn. Vì thế, câu nói triết học trên sẽ chuyển thành từ Không tôi đến và trở về Không tôi ra đi. Nói theo ngôn ngữ của Bát nhã(7): “Tôi là Không, Không là tôi”. Tôi là một biểu hiện phù du của cái Không lớn là vũ trụ. Đây là ý nghĩa của “vô ngã” trong tinh thần của Bát Nhã. Chúng sinh trôi lăn trong sinh tử chỉ vì vô minh mà lầm tưởng có một cái “tôi” hiện hữu, rồi bám vào nó, chấp ngã. Sự thật cái “ngã” ấy chẳng phải là cái “thật ngã”, chỉ là một giả danh, “giả tạm” mà thôi. 

Vô thường là một tư tưởng biện chứng của Phật giáo nói về sự lưu chuyển, biến dịch bất tận của vạn vật. Mọi vật luôn ở trong trạng thái biến đổi không ngừng. “Tất cả những gì giả hợp đều chịu kiếp hủy hoại, không thể khác được”(8). Vô thường nghĩa là không thường còn, không ở yên một trạng thái nhất định, luôn thay hình đổi dạng, đi từ sinh thành đến biến đổi rồi tan rã. Phật giáo cho rằng vạn vật hay vạn pháp đều chịu sự chi phối của lẽ vô thường, vô ngã. Không có gì là tồn tại vĩnh viễn nên gọi là pháp vô thường. Mọi thứ chỉ là giả tạm, cho nên cũng gọi là pháp vô ngã. 

Phật giáo quan niệm con người là “một pháp” đặc biệt của thế giới, thân xác con người được tạo thành bởi sự giả hợp của tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong), khi chết đi thân tứ đại lại hoàn trả về cho tứ đại. Cho nên, thân xác ấy là vô thường. Khi phân tích khái niệm “ngã” trong triết học Phật giáo, ta chỉ thấy nhóm tập hợp năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) nằm trong tương quan điều kiện duyên khởi “cái này có thì cái kia có, cái này diệt cho nên cái kia diệt”. Ngũ uẩn phối hợp với nhau hoạt động nhịp nhàng khiến người đời lầm tưởng có một cái ngã (cái tôi) tồn tại, nhưng thực chất, con người sinh – diệt chỉ là sự hợp tan của ngũ uẩn. Do đó không có cái gọi là bản ngã (cái tôi). Tồn tại con người chỉ là vô ngã. Vô ngã là bản chất của ngã trong dòng duyên khởi của thập nhị nhân duyên. Nói tóm lại, vô ngã và vô thường là bản chất của cái “tôi”, bởi vì trên thực tế chúng ta không tìm được một cái “tôi” bất biến thường còn, thoát khỏi quy luật tự nhiên sống chết.

Chính vì mọi sự vật là do Duyên khởi, kể cả con người, nên không có những cái duyên ấy kết hợp thì không còn cái “ngã” (cái “tôi”) nữa. Vì vậy, tất cả là vô ngã. Vì sự vật biến chuyển không ngừng (chư hành vô thường), cho nên sự vật không duy trì được tính cách đồng nhất tuyệt đối của nó. Vô thường, vì vậy, là một tên khác của vô ngã. Đứng về mặt thời gian, sự vật là vô thường; đứng về mặt không gian, sự vật là vô ngã. Vô thường cũng có nghĩa là vô tướng (còn gọi là không) vì thực tại của vạn hữu thoát ra ngoài mọi kháiniệm và ngôn từ. Như vậy, vô thường, vô ngã liên quan mật thiết với thuyết Duyên sinh và cùng biểu đạt tính Không của mọi tồn tại.

Tóm lại, Thuyết tính Không chính là chìa khóa để nhận thức thế giới duyên sinh, vô ngã, vô thường, là ánh sáng soi rọi tâm hồn con người, giác ngộ trở về với chính mình. Tính Không không chỉ là một khái niệm của tri thức luận. Sự chứng nghiệm, lĩnh ngộ tính Không còn là một phương cách giúp con người vượt qua được những cám dỗ trong cuộc sống hiện đại đầy áp lực, điều chỉnh hành vi cho mỗi cá nhân, hoàn thiện mình theo chuẩn mực đạo đức của xã hội. Thuyết tính Không có công năng dẹp trừ mọi cố chấp, góp phần giúp con người trong xã hội hiện nay tu dưỡng đạo đức, từ bi, nhân ái và thăng hoa đến chân – thiện – mỹ.

Nguyễn Tiến Nghị
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6/2015

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Thiện Hoa. Phật học phổ thông, quyển 3, Thành Hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, tr.609.
2. T.R.V. Murti. Tánh không cốt tủy của triết học Phật giáo: Nghiên cứu về Trung quán tông (Huỳnh Ngọc Chiến dịch), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2013.
3. Thích Đức Thắng (dịch). Linh Sơn pháp bảo Đại tạng kinh, Kinh tập A hàm, t.5, Nxb Hội Văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000
4. Nguyễn Đăng Thục. Lịch sử triết học phương Đông, t.3, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1997
5. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung A hàm, t.4, 1992
6. Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Kinh Ma ha Bát Nhã ba la mật, t.1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2006.
(1) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1992), Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung A hàm, t.4, tr.226.
(2) Thích Đức Thắng (dịch) (2000), Linh Sơn pháp bảo Đại tạng kinh, Kinh tập A hàm, t.5, Nxb Hội Văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc.
(3) Long Thọ khoảng thế kỷ I – II, người Trung Ấn, triết gia quan trọng hàng đầu của Phật giáo Đại Thừa, là bậc trưởng lão của phái Không luận, người sáng lập lý thuyết Trung Đạo.
(4) Pháp có nhiều nghĩa, nội hàm cơ bản của khái niệm này là chỉ tất cả các sự vật hiện tượng trong vũ trụ (vạn vật – vạn pháp). 
(5) Hòa thượng Thích Trí Tịnh (2006), Kinh Ma ha Bát Nhã ba la mật, t.1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.527.
(6) Thích Thiện Hoa (2002), Phật học phổ thông, quyển 3, Thành Hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, tr.609.
(7) Kinh điển của Phật giáo Đại thừa, tên đầy đủ là Ma-ha Bát Nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh, gọi tắt là Bát Nhã tâm kinh hay Tâm kinh – Bộ kinh trọng yếu của Đại Thừa về tính Không.
(8) Nguyễn Đăng Thục (1997), Lịch sử triết học phương Đông, t.3, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr.206.

Nguồn : Source link

II. Hiểu về Tánh Không và Vô Ngã theo PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

III. Tánh Không – Nền Tảng Triết Học Đại Thừa – Thầy Thích Phước Tiến 2017

Hits: 487

Trả lời