Ngũ suy tướng hiện và ý nghĩa của tụng kinh là gì?

Hỏi: Nhân đọc sách Phật, chúng tôi có vài điều chưa rõ, nay xin kính hỏi: Ngũ suy tướng hiện là gì? Tôi thỉnh thoảng có đi chùa, được quý thầy khuyên nên cố gắng đi chùa tụng kinh. Vì tôi là một người mới biết đạo Phật nên tôi chưa hiểm lắm về ý nghĩa của việc tụng kinh, xin giúp tôi hiểu rõ.

Cách thức thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật

Đáp: Ngũ suy tướng là năm tướng đại suy hiện ra của chư Thiên ở các cõi trời, biểu thị phước trời sắp hết. Căn cứ theo Pháp Uyển Châu Lâm thì năm suy tướng bao gồm:

1. Y phục cấu uế: Quần áo dơ bẩn. Có nghĩa các chúng chư Thiên thù y (Thù y: áo của chư Thiên nặng 6 thù nên gọi là thù ý), áo quần nhiệm mầu vi diệu, thường đẹp tốt trong sạch, có ánh sáng, lúc mạng hết phước không còn, tự sinh ra dơ bẩn. Đây là tướng đại suy.

2. Đầu thượng hoa: Hoa nơi mũ đội trên đầu khô héo. Có nghĩa các chúng chư Thiên, mũ báu châu ngọc xanh biếc, sắc thái rực rỡ tốt đẹp. Lúc mạng hết phước không còn, hoa ở mũ đội trên đầu tự nhiên khô héo, úa tàn. Đây là tướng đại suy.

3. Dịch hạ hãn hưu: Dưới nách chảy mồ hôi. Có nghĩa các chúng chư Thiên, thân thể thù thắng vi diệu, thanh tịnh trong sạch nhẹ. Khi mạng hết phước không còn, hai nách tự nhiên chảy mồ hôi. Đây là tướng đại suy.

4. Thân thể xú uế: Thân thể xấu bẩn hôi dơ. Có nghĩa chúng chư Thiên, thân thể thù thắng vi diệu khác lạ, sạch thơm tự nhiên. Khi mạng hết phước không còn, chợt sinh ra hôi dơ xấu bẩn. Đây là tướng đại suy.

5. Bất lạc bổn tòa: Không ưa thích nơi chỗ của mình ở. Có nghĩa các chúng chư Thiên rất thù thắng, rất vui sướng, thế gian không có thể có. Khi phước hết mạng không còn, tự nhiên chán nơi chỗ ở của mình. Đây là tướng đại suy.

Kinh điển của Phật là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chính, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau.

Về việc tụng kinh, thắc mắc của bạn có lẽ cũng nghi vấn của nhiều người. Vì có nhiều người thường đi chùa, tụng kinh đều đặn, nhưng khi được đặt câu hỏi tại sao phải tụng kinh thì chưa chắc có thể trả lời một cách rõ ràng, minh bạch.

Trước hết, cần phải thấy rằng, kinh là lời Phật dạy về đạo đức, là cách thức tu tập nhằm chuyển hóa thân tâm, đem lại hạnh phúc cho mình và người ở đời này và đời sau. Theo tác phẩm “Ý nghĩa của kinh và tụng kinh” (Thích Nhật Từ) thì tụng kinh trước nhất và quan trọng hơn hết là để “hiểu chính xác lời Phật dạy, ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân.” Tụng kinh là dịp tốt nhất để chúng ta có thể học hỏi, tư duy về lời Phật dạy rồi áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp chúng ta gặt hái những điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống, như sự an lạc và hạnh phúc. Kinh điển của Phật là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chính, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau.

Ý nghĩa của các hình thức lạy Phật

Ngoài ta, việc tụng kinh còn là một dịp tốt giúp chúng ta trau dồi, phát triển ba nghiệp trong sạch và an tịnh. Trong giờ phút tụng kinh, nhờ sự chú tâm chuyên nhất vào lời kinh, tâm ý của chúng ta chấm dứt sự bám víu vào các duyên thế sự. Tâm ý của chúng ta nhờ đó trở nên thanh tịnh và thuần khiết. Tâm của chúng ta xa lìa các tâm lý tham lam, sân hận, si mê. Trong tư thế ngồi bất động để tụng kinh, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên an tịnh, thuần khiết, nhờ đó chúng ta tránh được tất cả các hành vi xấu ác của thân. Ngoài ra, do miệng đọc tụng lời kinh, các lời nói mang tính chất sai sự thật, ác độc, thêm bớt và nói lời vô nghĩa không có cơ hội để phát triển. Khi đọc kinh thì miệng của chúng ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó chúng ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện. Như vậy, trong khi tụng kinh, chúng ta xa lìa được mười nghiệp ác, ba của ý, ba của thân và bốn của lời. Nói cách khác, trong khi tụng kinh chúng ta đã huấn luyện ba nghiệp của mình về con đường lương thiện và đạo đức. Sự huấn luyện đó giúp chúng ta xa lìa các nghiệp ác, huân tập các điều thiện. Tụng kinh do đó đã trở thành một sự tu tập thân, khẩu và ý trong đạo Phật.

Tụng kinh có nhiều lợi ích nên người Phật tử phải chuyên cần tụng niệm lời Phật dạy

Nói chung, mục đích tụng kinh trong đạo Phật không phải để trả bài hay tính công với Phật, mà là nhằm tìm hiểu chính xác lời Phật dạy, rồi ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Tụng kinh không phải để cầu nguyện Phật và Bồ tát gia hồ cho mình, gia đình và thân quyến tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức, làm ăn thịnh vượng, tuổi thọ tăng trưởng, sở nguyện tùy tâm, kiết tường như ý. Tụng kinh cũng không phải là sự mua bán hay trao đổi về sức khỏe, tài sản, giàu sang và phước báo. Tụng kinh để trau dồi ba nghiệp thanh tịnh, phát triển các hạnh lành, sống đời đạo đức, vô ngã và vị tha, để mình và người được an lạc và hạnh phúc. Muốn được vậy, khi tụng kinh, người Phật tử phải chí thành, hướng tâm về nội dung kinh, ghi khắc sâu chân lý Phật dạy, ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể của cuộc sống, để khắc phục đau khổ, nhổ sạch gốc rễ của khổ đau là tham lam, sân hận, si mê. Tụng kinh như vậy là một sự tu tập: bỏ ác làm lành, một sự an tịnh ba nghiệp, phát triển các đức tính tốt trong mỗi chúng ta. Tụng kinh có nhiều lợi ích như thế cho nên người Phật tử phải chuyên cần tụng niệm lời Phật dạy.

Cả đời bái lạy Phật, Bồ Tát mà không từ bi thì cũng vô ích

(Theo Phật pháp bách vấn, tập I)

Huyền Ngu – Quảng Tánh

https://phatgiao.org.vn/ngu-suy-tuong-hien-va-y-nghia-cua-tung-kinh-la-gi-d45553.html

Hits: 40

Trả lời