Nguồn http://www.daophatngaynay.com/
Nhân mùa Phật đản năm 2021, tôi tổ chức phiên dịch lại bản tiếng Việt và ấn tống rộng rãi tác phẩm này chỉ với mục đích duy nhất là giúp cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và nước ngoài có cơ hội tiếp cận 490 đoạn kinh văn tiêu biểu của ba trường phái Phật giáo, nhờ đó, việc học Phật và tu Phật của Phật tử đạt được tính hệ thống và nền tảng, dẫn đến các kết quả an vui và hạnh phúc trong hiện tại.
Hạ tải phiên bản PDF của Phật điển thông dụng: Lối vào tuệ giác Phật
LỜI NÓI ĐẦU
Quyển “Phật điển thông dụng: Lối vào tuệ giác Phật” là thành quả tập thể của dự án “biên soạn bộ kinh Phật giáo thống nhất” giữa ba trường phái Phật giáo gồm Thượng tọa bộ, Đại thừa và Kim Cương thừa, do trường Đại học Mahāchulalongkorn Rajavidyalaya, Thái Lan chủ trương và bảo trợ từ năm 2009.
Nguyên tác tiếng Anh là “Common Buddhist Text: Guidance and Insight from the Buddha,” dịch sát nghĩa là “Phật điển thông dụng: Hướng dẫn và tuệ quán từ đức Phật.” Tựa sách tiếng Việt có thay đổi so với nguyên tác nhằm gây ấn tượng cho người đọc về trí tuệ Phật từ việc xem, nghiền ngẫm và áp dụng lời Phật và thánh hiền Phật giáo trong cuộc sống.
Tác phẩm này gồm hai thành phần tham gia. Thứ nhất là Ủy ban biên soạn (Compiling Committee) gồm có 10 người, trong đó về phía Việt Nam, có GS.TS. Lê Mạnh Thát và tôi (Thích Nhật Từ). Ngoài việc tham gia xây dựng tổng mục lục của tác phẩm, tôi còn được Ủy ban biên soạn giao nhiệm vụ tuyển chọn lựa tất cả đoạn kinh Đại thừa. Phần này tôi tuyển chọn khoảng 400 trang A4. Vì giới hạn số trang từ 1000 trang xuống còn gần 500 trang của toàn sách, chỉ có gần một phân nửa các đoạn kinh Đại thừa do tôi tuyển chọn được đưa vào tuyển tập này, chiếm khoảng 1/3 các đoạn kinh văn trong quyển sách.
Thứ hai là nhóm dịch giả tiếng Anh gồm có 6 người, về phía Việt Nam có HT. Thích Tuệ Sỹ và biên tập toàn bộ bản dịch tiếng Anh là giáo sư Peter Harvey. Tuyển chọn và phiên dịch tiếng Anh từ kinh điển Pāli trong sách này là hai giáo sư tiến sĩ người Tích Lan gồm P.D.Premasiri và G.A. Somaratne. Phần kinh văn của Kim cương thừa do giáo sư Tamás Agócs và Dharmacārī Śraddhāpa phụ trách. Các thành viên còn lại trong hai hội đồng chủ yếu tham gia thảo luận, đánh giá các bản văn kinh tiêu biểu, các đoạn kinh chọn lọc, cũng như nội dung của toàn tác phẩm trong các phiên làm việc.
Sau 7 năm với 12 phiên làm việc tập thể tại trường Đại học Mahachulalongkorn Rajavidyalaya (MCU), Bangkok, Thái Lan, Ủy ban biên soạn đã hoàn tất bản thảo cuối cùng vào năm 2015. Sau hai lần thẩm định của lãnh đạo Phật giáo thế giới tham gia Đại lễ Vesak LHQ, ấn bản tiếng Anh đầu tiên của quyển này được ra đời vào mùa Phật đản năm 2017, tái bản năm 2018. Song song với ấn bản tiếng Anh còn có ấn bản tiếng Thái do các học giả MCU phiên dịch năm 2018. Ấn bản tiếng Việt đầu tiên do HT. Thích Tuệ Sỹ và GS. Lê Mạnh Thát làm chủ biên bản dịch, xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào mùa Phật đản năm 2019.
Vì rất muốn phổ biến rộng rãi ấn bản tiếng Việt đến cộng đồng Phật giáo Việt Nam, nhưng do không xin được bản dịch tiếng Việt đã xuất bản trước, tôi quyết định tự mình dịch tác phẩm này. Do bận nhiều Phật sự nên tôi không thể thực hiện ý định trong năm 2018-2020. Trước tết 2021, tôi mời 8 thành viên của Trung tâm nghiên cứu và phiên dịch Phật học do tôi làm Giám đốc thuộc Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam cùng tham gia phiên dịch bản tiếng Việt thứ hai này. Có thêm một bản dịch tiếng Việt đối với sách này chắc chắn sẽ góp phần làm phong phú giá trị của tác phẩm, vốn là sự đóng góp chất xám tập thể của gần 20 người đại diện các trường phái Phật giáo, trực tiếp tham gia công trình biên soạn này.
Ngoài việc phân công, đôn đốc các dịch giả, tôi hiệu đính bản dịch, bổ sung dấu đối với các thuật ngữ Pāli, Sanskrit, thống nhất hóa một cách tương đối các thuật ngữ trong sách, Việt hóa tối đa các thuật ngữ Phật học, bổ sung bảng viết tắt… để độc giả Việt Nam dễ hiểu và trải nghiệm lời Phật trong cuộc sống.
Mục đích của tôi là cúng dường dịch phẩm này lên đức Phật nhân mùa Phật đản năm 2021, đồng thời góp phần kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng cách ấn tống rộng rãi tác phẩm này đến cộng đồng Phật giáo Việt Nam.
Về cấu trúc, tác phẩm chia làm ba phần gồm 12 chương, mỗi chương được trình bày song song các đoạn kinh văn Thượng tọa bộ (Theravāda, viết tắt là Th kèm theo con số chỉ cho số thứ tự các đoạn kinh), kinh văn Đại thừa (Mahāyāna, viết tắt là M) và kinh văn Kim cương thừa (Vajrayāna, viết tắt là V).
Phần một của tác phẩm có hai chương, xoay quanh cuộc đời đức Phật lịch sử, cũng như các phương diện khác nhau về đức Phật. Từ lúc thụ thai, đản sanh, thời niên thiếu, hôn nhân của thái tử Tất-đạt-đa, cho đến ý nguyện xuất gia, sáu tháng tầm sư học đạo ở Tỳ-xá-ly và gần sáu năm tu tập khổ hạnh tại Ma-kiệt-đà, sự chứng đạo cũng như 45 năm truyền bá chân lý của Phật… được nêu ra trong chương đầu, cũng là chương duy nhất trong tác phẩm không có các đoạn kinh văn tương đương trong Đại thừa và Kim cương thừa, nhằm khắc họa bức tranh về đức Phật lịch sử mang tính thống nhất chung.
Chương 2 giới thiệu danh hiệu của đức Phật, các phẩm chất cao quý, đặc tính của đức Phật, vai trò đạo sư, học thuyết ba thân Phật, học thuyết năm gia đình Phật, cũng như đức Phật bên trong được trình bày và so sánh giữa ba trường phái.
Phần thức hai của tác phẩm gồm có 8 chương, giới thiệu khái quát những lời dạy minh triết của đức Phật trong ba truyền thống Phật giáo, bao gồm: đặc điểm của Phật pháp, xã hội và quan hệ con người, cuộc sống con người, đạo đức Phật giáo, thiền định, trí tuệ, con đường Phật pháp và sự hành trì cũng như mục đích Phật giáo.
Thông qua các chủ đề này, người đọc nắm vững được quan điểm Phật giáo về thế giới quan, xã hội quan, chính trị quan, đạo đức quan, tu đạo quan và giải thoát quan. Các đoạn kinh văn thuộc ba trường phái Phật giáo giúp cho người đọc thấy rõ sự tương đồng lớn, bên cạnh các dị biệt không đáng kể. Nhờ đó, Tăng đoàn và cộng tử Phật tử thuộc các trường phái Phật giáo khác nhau có thể gắn kết nhau trong cách tiếp cận, thực tập và truyền bá Phật giáo, nhằm giúp nhiều tộc người có cơ hội trải nghiệm hạnh phúc ngay giữa đời thường.
Phần thứ ba gồm hai chương, giới thiệu về Tăng đoàn, các tấm gương cao quý của các bậc thánh Tăng, thánh Ni tiêu biểu, cũng như các cư sĩ lỗi lạc góp phần phát triển Phật giáo thời đức Phật.
Bên cạnh sáu phụ lục cần thiết cho độc giả, sách này còn có phần giới thiệu dẫn nhập, bao gồm cuộc đời đức Phật lịch sử, tăng đoàn Phật giáo, giới thiệu về nội dung các đoạn kinh trích từ Phật giáo Thượng tọa bộ, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Kim Cương thừa.
Đại lễ Vesak LHQ được các Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trọng thể tổ chức hằng năm từ năm 2000 đến nay, tại trụ sở LHQ ở New York và các khu vực. Dưới sự khởi xướng của Phật giáo Thái Lan thông qua Trường đại học MCU, đại lễ Vesak LHQ được cộng đồng Phật giáo thế giới tổ chức thành công 12 lần tại Thái Lan, 1 lần tại Tích Lan và 3 lần rất trọng thể và thành công tại Việt Nam.
Ngoài việc gắn kết tác phẩm này, tôi còn vinh dự đảm trách vai trò Phó Tổng thư ký của đại lễ Vesak LHQ vào các năm 2006, 2007 tại Thái Lan, 2014 tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) và năm 2019 tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam). Vinh dự hơn hết là tôi được cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng lão HT. Thích Trí Tịnh, nguyên là Chủ tịch GHPGVN giao vai trò Tổng thư ký của Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Tôi và GS. Lê Mạnh Thát là hai người vận động đưa Vesak LHQ về Việt Nam lần đầu tiên. Nhiều năm liền tại Thái Lan từ năm 2004, tôi tham gia Ban điều phối của các Hội thảo quốc tế gắn liền với đại lễ Vesak LHQ. Ba lần tại Việt Nam, tôi đảm trách gần phân nửa các hoạt động văn hóa, phụ trách trọn vẹn các phái đoàn Phật giáo Quốc tế, tham gia điều phối Hội thảo quốc gia bằng tiếng Việt và Hội thảo quốc tế bằng tiếng Anh.
Nhân mùa Phật đản năm 2021, tôi tổ chức phiên dịch lại bản tiếng Việt và ấn tống rộng rãi tác phẩm này chỉ với mục đích duy nhất là giúp cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và nước ngoài có cơ hội tiếp cận 490 đoạn kinh văn tiêu biểu của ba trường phái Phật giáo, nhờ đó, việc học Phật và tu Phật của Phật tử đạt được tính hệ thống và nền tảng, dẫn đến các kết quả an vui và hạnh phúc trong hiện tại.
Tôi tán dương quý Thầy, Sư cô và các Phật tử thuộc Trung tâm nghiên cứu và phiên dịch Phật học đã hoan hỷ đồng hành với tôi trong việc phiên dịch hoàn thành tác phẩm này trong 45 ngày. Tôi tán dương các Phật tử chùa Giác Ngộ và Ban lãnh đạo Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã phát tâm ấn tống hàng chục ngàn bản của tác phẩm này.
Tôi xin hồi hướng công đức của ấn tống này đến với cộng đồng người Việt Nam. Tôi cầu nguyện rằng chân lý Phật qua tác phẩm này được lan tỏa trong cộng đồng người Việt Nam trong nước và nước ngoài để nhiều người được lợi lạc và hạnh phúc từ việc hiểu và thực hành Phật pháp.
Mùng 1 tháng 2 năm 2021 (13/3/2021)
Kính cẩn
Thượng tọa THÍCH NHẬT TỪ
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam
Phó Viện trưởng thường trực Học viện PGVN tại TP.HCM
Hits: 54