Chương XXII (Abhidhammatthasangaha)
1. VẤN ÐỀ SỰ VIÊN MÃN CỦA ÐỜI SỐNG PHẠM HẠNH (Paranibbanakathā)
Ðiểm tranh luận: Một đời sống Phạm hạnh được viên mãn không cần phải đoạn tận triền.
Theo chú giải: Quan niệm này của bộ phái Andhakas.
(Lý luận như XXI. 3)
2. VẤN ÐỀ TÂM THIỆN (Kusalacittakathā)
Ðiểm tranh luận: Bậc A-la-hán trước khi chết vẫn có tâm thiện.
Theo chú giải: Quan niệm này của bộ phái Andhakas.
(1) Th: – Ngài bao hàm rằng: Một bậc A-la-hán vẫn còn tạo phước hành, bất động hành, vẫn còn tạo nghiệp để đi đến các thú hướng, vẫn còn tái sanh, còn tạo những tài sản lớn và có những hậu thuẫn trong cõi chư thiên hay nhân loại.
(2) Ngài bao hàm rằng: Một bậc A-la-hán khi viên tịch vẫn còn chấp cũng như buông bỏ, giải thoát hay chấp thủ, chất chứa hay ràng buộc, vẫn còn tích trữ hay thâu thập. Ðối với một vị A-la-hán một người đã hoàn toàn giải thoát có thể nào cho rằng vị ấy vẫn còn chấp thủ, bị ràng buộc không?
3. VẤN ÐỀ TÂM BẤT ÐỘNG HÀNH (Anenjakathā)
Ðiểm tranh luận: Bậc A-la-hán hoàn toàn hiện hữu trong trạng thái bất động hành.
Theo chú giải: Quan niệm này của phái Uttarāpathakas.
(1) Th.- Nhưng có phải bậc A-la-hán không có những tâm hạnh sao? Ngài đồng ý là có. Như vậy, làm thế nào Ngài có thể giải được điều này trong chính luận điểm của Ngài đưa ra?
(2) Ngài bao hàm bậc A-la-hán khi tịch diệt với tâm hạnh. Có phải tâm này không cho quả?
(3) Dù Ngài cho rằng bậc A-la-hán khi tịch diệt với tâm vô ký hạnh, nhưng tôi vẫn cho rằng tâm vô ký quả?
(4) Có phải Ðức Thế tôn xuất khỏi Tứ thiền rồi sau đó mới tịch diệt ư?
4. VẤN ÐỀ CHỨNG NGỘ TỨ ÐẾ (Phanunablusamayakathā)
Ðiểm tranh luận: Chúng sanh trong bào thai vẫn có khả năng chứng ngộ tứ đế.
Theo chú giải: Quan niệm này của phái Uttarāpathakas, cho rằng một người trước khi sanh ra đã là bậc Dự lưu nên có thể chứng ngộ tứ đế trong bào thai
(1) Th: – Ngài bao hàm rằng chúng sanh trong bào thai có thể thuyết pháp, thính pháp, có khả năng nguyện giới, có khả năng thu thúc… có phải sự thật thì không ngược lại?
(2) Có phải không có duyên để phát sanh chánh kiến như thinh của người khác và như lý tác ý?
(3) Và có thể nào một người đang ngủ, dễ duôi, thất niệm, không giác tỉnh, cũng chứng ngộ tứ đế?
5. VẤN ÐỀ SỰ CHỨNG NGỘ (Tissopikathā)
Ðiểm tranh luận: Có 3 trường hợp:
– Chứng ngộ A-la-hán trong bào thai.
– Chứng ngộ Tứ Ðế với người đang chiêm bao.
– Chứng ngộ A-la-hán với người đang chiêm bao.
Theo chú giải: Vì có trường hợp chứng quả A-la-hán của con trai người cư sĩ Suppayasa khi vừa lên bảy tuổi nên một số tông phái đã có quan niệm này. Tất cả ba trường hợp này lý luận như trên (XXII. 4)
6. VẤN ÐỀ PHÁP VÔ KÝ (Abyakatakathā)
Ðiểm tranh luận: Tất cả tâm chiêm bao đều là vô ký.
Theo chú giải: Quan niệm này của phái Uttarāpathakas.
(1) Th.- Có phải Ngài thừa nhận rằng người đang chiêm bao có thể thấy mình đang phạm tội sát sanh, trộm cắp…? Như vậy làm thế nào Ngài có thể gọi tâm này là vô ký được?
(2) U: – Nếu tôi sai lầm, có phải Ðức Thế tôn đã từng cho rằng loại tâm chiêm bao là không đáng kể (vì không có sự chú ý)?
Và nếu như thế, luận điểm của tôi đưa ra có thể đứng vững được.
7. VẤN ÐỀ CỐ HƯỞNG DUYÊN (Asevanapaccayakathā)
Ðiểm tranh luận: Không có cố hưởng duyên.
Theo chú giải: Quan niệm này của phái Uttarāpathakas.
(1) Th.- Nhưng có phải Ðức Thế tôn đã từng thuyết rằng “Này các Tỳ kheo, sát sanh được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ (sabbalahuse), của sát sanh là được làm người với tuổi thọ ngắn”.
(2) Lại nữa, “Này các Tỳ kheo, lấy của không cho được thực hiện… ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của lấy không cho làm được người với sự tổn hại tài sản. Này các Tỳ kheo, tà hạnh trong các dục được thực hiện… ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của tà hạnh trong các dục là được làm người với sự oán thù của kẻ địch. Này các Tỳ kheo, nói láo được thực hiện… ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói láo là được làm người bị vu cáo không đúng sự thật. Này các Tỷ Kheo. Nói hai lưỡi được thực hiện,… ngạ quỷ. Quả dị thục hềt sức nhẹ của nói hai lưỡi là được làm người với bạn bè bị đổ vỡ. Này các Tỳ kheo nói ác khẩu được thực hiện… ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói ác khẩu là được làm người với được nghe tiếng không khả ý. Nầy các Tỳ kheo nói lời phù phiếm được thực hiện…. Ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói lời phù phiếm là được làm người với được nghe những lời khó chấp nhận. Nầy các Tỳ kheo, uống rượu men, rượu nấu, được thực hiện… ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của uống rượu men rượu nấu là được làm người với tâm điên loạn”? (1)
8. VẤN ÐỀ THỜI GIAN SÁT NA (Khanikakathā)
Ðiểm tranh luận: Tất cả các pháp chỉ hiện hữu trong một sát na.
Theo chú giải: Quan niệm này của các phái Pubbaseliyas và Aparaseliyas, cho rằng tất cả các pháp là vô thường nên chúng chỉ hiện hữu trong một sát na tâm.
(1) Th: – Có phải Ngài bao hàm rằng: Núi, biển, núi Tudi, nước lửa, gió, cây cỏ, rừng rậm, tất cả đều hiện hữu trong một cái tâm? Ngài từ khước…
(2) Hay là, Có phải Ngài bao hàm rằng nhãn xứ đồng sanh với những nhãn thức trong cùng một sát na tâm không? Nếu Ngài đồng ý thì tôi xin nhắc cho Ngài những pháp mà Ðức Xá Lợi Phật đã tuyên bố rằng “Này hiền giả, nhãn là pháp bên trong chưa diệt mất, nhưng sắc là pháp bên ngoài chưa đến thì không có sự phối hợp, sự hòa hợp, sự hiện bày của thức chưa có, Và nếu nhãn là pháp bên trong chưa diệt mất… Nhĩ xứ, Tỷ xứ, Thiệt xứ, Thân xứ.” (2) Vậy căn cứ vào đâu mà Ngài có thể xác định quan niệm của mình?
(3) Bài kinh tương tự như thế nói về 4 thức: Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân.
(4) P. A.: – Nhưng có phải tất cả pháp trường tồn… không thay đổi?
Th: – không, không thể nói như vậy.
Chú thích:
(1) A. iv 247.
(2) M. 190
Hits: 286