Kinh Tăng Nhất A Hàm trọn bộ ( Audio và sách pdf)

Kinh Tăng Nhất A-hàm, tiếng Phạn là Ekttarikàgama, tiếng Pàli là Anguttara – Nikàya, gồm 51 quyển, do ngài Cù-đàm-tăng-già Đề-bà dịch vào đời Đông Tấn (317-419), Trung Quốc, được xếp vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập 2.

Theo THIỆN KIẾN LUẬT TỲ-BÀ-SA 1, NGŨ PHẦN LUẬT 30, TỨ PHẦN LUẬT 54, sở dĩ nói “Tăng Nhất” là vì bộ kinh này phân loại và tập đại thành thứ tự của các pháp số từ 1 đến 11 pháp. Theo TÁT-BÀ-ĐA TỲ-NI TỲ-BÀ-SA, Tăng Nhất A-hàm là một bộ kinh tổng tập những bài thuyết pháp của Đức Phật tùy thời giảng nói cho chư thiên và chúng sinh nghe. Toàn kinh gồm 52 phẩm, 472 kinh. Kinh này có sắc thái Đại thừa rất đậm, được thành lập trễ nhất trong 4 bộ A-hàm.

Nội dung kinh này ban đầu nói phẩm Tựa, thuật lại chuyện ngài A-nan truyền tụng kinh điển, sự kết tập của kinh này, nhân duyên Ưu-đa-la thọ pháp v.v… Sau đó nương theo thứ tự tăng dần của các pháp số mà phân loại và gom tập. Đặc biệt trong bộ kinh này, sau các phẩm hoặc các kinh phần nhiều có phần tổng tụng, tức phần đại yếu của mỗi phẩm hoặc mỗi kinh.

Về số phẩm và số quyển của Kinh Tăng Nhất A-hàm, 3 bản đời Tống; đời Nguyên và đời Minh có 52 phẩm, 50 quyển; trong Cao Ly tàng bản thì có 50 phẩm, 51 quyển. Về pháp số được trình bày theo thứ tự tăng dần trong kinh này có hai thuyết :

1. Theo Luật Ma-ha Tăng-kỳ 32, Luận A-tỳ-đàm Tỳ-bà-sa 10 và Hữu Bộ Tỳ-nại-da Tạp Sự 39, Kinh Tăng Nhất A-hàm vốn trình bày thứ tự tăng dần từ 1 pháp đến 100 pháp, nhưng về sau bị mất mát hết nên chỉ còn 10 pháp.

2. Theo Luật Ngũ Phần 30, Luật Tứ Phần 54 và Luận Phân Biệt Công Đức 2, Kinh này trình bày thứ tự tăng dần từ 1 pháp đến 11 pháp. Thuyết này phù hợp với nội dung của Kinh Tăng Nhất A-hàm hiện còn.

Kinh này tương đương với Tăng Chi Bộ (Pàli : Anguttara – nikaya) trong 5 bộ kinh hệ Nam truyền. Tăng Chi Bộ gồm 11 tụ, 171 phẩm, 2203 kinh. Theo tác phẩm The four Buddhist Àgamas in Chinese của học giả người Nhật, trong 472 kinh của Tăng Nhất A-hàm (Bản Hán dịch chỉ có 136 kinh là tương đương hoặc có thể đối chiếu so sánh với Tăng Chi Bộ Kinh), Tăng Chi Bộ Kinh không có bao hàm tư tưởng Đại thừa như trong bản Hán dịch, lại ít có dấu hiệu của sự thêm thắt sửa đổi; cho nên có thể niên đại hoàn thành bộ này trước bản Hán dịch, tức khoảng thế kỷ thứ I Tây lịch. Ngoài ra, theo phần đề giải Kinh Tăng Nhất A-hàm trong Phật Quang Đại Tạng Kinh, Tăng Nhất A-hàm có 153 kinh tương đương hoặc gần giống Tăng Chi Bộ Kinh.

Kinh Biệt Sanh (Kinh được trích dịch riêng) của Tăng Nhất A-hàm có Kinh A-la-hán Cụ Đức 1 quyển, kinh này có đến 18 bản dịch khác nhau. Trong các bản Phạn văn mới phát hiện được ở Tân Cương có kinh tương đương với kinh thứ 5 trong phẩm Thiện Tụ của bản Hán dịch, được Học giả R. Hoernle thu lục vào tác phẩm Manuscrip Remains of Buddhist Literature found in Eastern Turkestan, vol 1.

Ngoài ra trong Đại Tạng Kinh Tây Tạng có Kinh Byams-pas shus-pahi lehu (Từ Thị Sở Vấn Phẩm) tương đương với Thiện Tri Thức Phẩm, Kinh thứ 6 bản Hán dịch; Mdo Chen-po rgyal-mtshan dam-pa shes-bya-ba (Đại Vi Diệu Tràng Kinh) tương đương với Kinh thứ nhất của Cao Tràng Phẩm bản Hán dịch; Lden-pa-bshihi mdo (Tứ Đế Kinh) tương đương với Kinh thứ nhất trong phẩm Tứ Đế bản Hán dịch; Byams-pa bsgom-pahi mdo (Từ Quán Tưởng Kinh) tương đương với Kinh thứ 10 trong phẩm Phóng Ngưu.

Các học giả cận đại cho rằng Kinh Tăng Nhất A-hàm là do một phái nhỏ sau cùng của Đại Chúng Bộ truyền.

Tập II

Tập III

https://thuvienhoasen.org/images/file/i4P6q51G0QgQAGYu/kinh-tang-nhat-a-ham-tron-bo-thich-duc-thang-dich.pdf

Hits: 128

Trả lời