Sự xuất hiện phi thường của Đức Phật trong lịch sử nhân loại
Thế kỉ thứ VI trước Công Nguyên, tại phía nam rặng núi Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya), vương quốc Thích Ca (Sakya) thanh bình, kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) phồn thịnh được trị vì bởi đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana) anh minh và hoàng hậu Maya nhân từ (Maha Maya).
Vào một đêm rằm, trăng lên rất đẹp, hoàng hậu ngồi ngắm trăng một mình bên cửa sổ và chợt thiếp đi. Người mộng thấy một con voi trắng sáu ngà, từ trên không trung hiện ra sáng chói, voi từ từ hạ xuống. Dùng cái ngà, vạch một đường bên hông phải của hoàng hậu, rồi bất ngờ mất hút vào trong bụng.
Khi hoàng hậu giật mình tỉnh giấc, khắp phòng hương thơm ngào ngạt, tiếng nhạc du dương còn văng cẳng trên hư không, hoàng hậu cảm thấy an lạc lạ thường và bắt đầu hoài thai.
Đức Phật đản sinh – Suối nguồn từ bi và bình đẳng
Theo truyền thống, khi sắp lâm bồn, thì hoàng hậu phải về quê ngoại, vua Tịnh Phạn đã cho chuẩn bị chu đáo tất cả mọi việc. Lúc đoàn người đi qua cánh rừng Lâm Tỳ Ni (Lumbini), hoàng hậu chợt thấy một loài hoa rất đẹp, hương thơm kì lạ. Người đưa tay định ngắt một cành hoa, nhưng khi vừa chạm tay vào thì lập tức hài nhi bước ra từ hông bên phải cỦA Hoàng hậu, tất cả đều sửng sốt, trên Trời, Chư Thiên tấu nhạc vang lừng, hoa trời rơi rơi nâng từng bước chân của Thái tử, một trận mưa trời đổ xuống như tắm mát cho Thái tử. Cơn mưa vừa dứt, bầu trời trong sáng lạ thường. Thái tử ra đời trong niềm hân hoan chào đón của tất cả người dân vương quốc Thích Ca.
Tại hoàng cung. Khi biết được hoàng hậu Maya và thái tử đã quay trở về hoàng cung, vua Tịnh Phạn kinh ngạc, lập tức chạy đến phòng của hoàng hậu. Khi bước vào, ngài trong thấy Thái tử, bất giác, vua Tịnh Phạn chấp tay quỳ sụp xuống.
Hoàng hậu: Phu quân, sao phu quân lại lạy con của mình? Mọi người biết được, sẽ bàn tán không hay.
Vua Tịnh Phạn đáp: Ta cũng không thể hiểu nổi. Có một sức mạnh kì lạ gì đó từ hoàng nhi, khiến ta kính phục lạ thường, khiến ta không thể kiềm chế được.
Nói rồi, vua Tịnh Phạn bảo hoàng hậu nghỉ ngơi. Sắp tới, khi thái tử được 7 ngày tuổi, sẽ có 7 vị tế sư Bà La Môn tới để xem tướng và đặt tên cho hoàng nhi. Vua Tịnh Phạn là người trực tiếp lo liệu và sắp xếp rất chu đáo.
Bảy ngày sau, tại Lễ Đặt Tên, vị tế sư lớn tuổi và có uy lực nhất thưa với vua rằng:
“Theo như kinh điển tướng thuật Brahma, thái tử có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Chắc chắn, Thái tử là một bậc cao thượng, siêu nhân giữa đời. Sau này chắc chắn sẽ trở thành một Đức Phật cao quý mà trong trăm triệu năm mới xuất hiện, hoặc Thái tử sẽ trở thành vị Chuyển Luân Thánh Vương- Làm vua của các vị vua trên cõi đại địa này”.
Vị tế sư nói tiếp: “Theo ý kiến của các vị Tế sư lỗi lạc Bà La Môn và sự chấp thuận của vua, tên của Thái tử sẽ là Tất-Đạt-Đa (Siddharatha), có nghĩa là Toại Nguyện (Wish-Fulfilled). Tất Đạt Đa của dòng họ Gô-Ta-Ma (Gautama). Thái tử với tên này, sẽ là người mang lại sự toại nguyện cho vương quốc Thích Ca!”
Hoàng hậu Maya mất sớm. Nhờ công đức hoài thai Thái tử, mà hoàng hậu được sinh về cõi trời Đao-Lợi (Tavatimsa). Công nương Ba-sà-ba-đề (Maha Pajapati) đã giúp chị mình chăm sóc chu đáo cho Thái tử, bằng tình thương như chính người mẹ chăm sóc con ruột của mình!
Có lần, công nương nói với vua Tịnh Phạn:
– Thái tử rất kì lạ, hoàng huynh à. Không bao giờ khóc, lúc nào cũng tươi vui. Là hài nhin mà lại tầm tĩnh, đĩnh đạc như người lớn vậy! Thái tử cứ như có một vầng hào quang tỏ ra, làm cho mọi người xung quanh cảm thấy rất ấm áp.
– Sáng nay, có một bầy chim từ đâu bay đến. Cứ lượn quanh Thái tử rồi hót líu lo, mọi người vô cùng ngạc nhiên. Nhưng muội đã dặn dò cung nhân, không được kể những chuyện kì lạ này ra ngoài.
Vua Tịnh Phạn đáp: “Muội làm như vậy là rất đúng. Nếu những nước lân bang mà biết hoàng nhi là người phi thường, sẽ nảy sinh tâm lý sợ hãi rồi lại gây sự với nước chúng ta.”
Khi lên sáu tuổi, vua Tịnh Phạn mời các vị Giáo thọ sư về hoàng cung để dạy dỗ cho Thái tử.
Tất cả mọi người đều phải thừa nhận rằng, Thái tử là một người trí tuệ phi phàm. Học một, hiểu trăm. Có khi chưa học đã biết. Hoặc đoán biết. Hoặc hỏi những câu hỏi làm cho các vị giáo thọ sư lúng túng! Tuy vậy, Thái tử lại là một người lễ độ khiêm cung, vì vậy mà các vị giáo thọ sư cũng cảm thấy vui lòng!
Về võ thuật, Thài tử có một nội lực thâm hậu, nên đòn đánh ra không những chuẩn xác mà kình lực lại phi thường. Thái tử cũng thường thực hành nhiếp tâm tĩnh tọa, nên lòng thấy an lạc vui mừng!
Năm 12 tuổi, khi càng lớn, thì thái tử lại càng thể hiện mình là người có tấm lòng bao la nhân hậu, lúc nào cũng muốn chúng sinh yêu thương nhau. Dù vua cha luôn hy vọng Thái tử sẽ trở thành một vị vua siêu tuyệt, uy quyền hiểm hách và xây dựng quốc gia hùng mạnh. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, thái tử luôn muốn đi tìm một điều gì khác giúp con người có được hạnh phúc vĩnh cửu.
Sau mùa mưa, vua Tịnh Phạn cùng Thái tử chủ trì buổi lễ hạ điền tại ngoại ô kinh thành. Nhà vua đích thân xuống cày những đường cày đầu tiên, cầu chúc cho một mùa màng tươi tốt. Mọi người ai cũng hân hoan vỗ tay cổ vũ mà quên mất đi, Thái tử đã lẳng lặng rời khỏi đám đông, đi tìm đến bên một gốc cây để ngồi thiền. Và lành thay, ngay lúc đó, Thái tử chứng được Sơ Thiền, mức thiền định đầu tiên này có đặc điểm là “Ly dục và Ly bất thiện pháp”. Từ khi chứng được mức thiền định đầu tiên này, Người đã hoàn toàn lìa bỏ sự tham muốn về sắc dục!
Chiều đến, ánh Mặt Trời lặn dần về hướng Tây, tàn cây cũng ngả ngọn về hướng Tây để che mát cho Thái tử. Ai nhìn thấy cũng đều sững sốt trước khung cảnh ấy, chợt…nhà Vua quỳ xuống, chấp tay như muốn lạy chính con trai mình. Quần thần trong thấy, đều chấp tay quỳ xuống và lạy Thái tử! Thái tử vẫn ngồi yên bất động, mọi người đứng nghiêm trang chiêm ngưỡng hình ảnh Thái tử ngồi thiền đẹp rực rỡ như một ngọn núi châu báu chưa từng có!
Đức Phật đã từ bỏ tất cả để có được tất cả
Đức Phật xuất hiện trong cuộc đời đã là một điều vô cùng cao đẹp. Người sinh ra trong một khu vườn lộng lẫy đầy hương thơm, với biết bao niềm hân hoan, vui mừng chào đón của cả Vương quốc Thích Ca. Người mang thân phận của một Thái tử, nhưng chưa bao giờ đặt mình vào vị trí của một người đầy quyền lực để hưởng thụ phú quý vinh hoa hoặc coi thường bất kỳ ai.
Mà trái lại, khi lớn lên Người đã từ bỏ cuộc sống giàu sang nhung gấm ấy để xuất gia và dành trọn cuộc đời giáo hóa chúng sinh, nâng dậy tâm hồn của biết bao con người… Cuối đời, chính Người đã chủ động lựa chọn sự viên tịch của mình và báo trước ba tháng cho đệ tử. Người đã tự du hành tới một khu rừng có hoa Sa la thơm ngát, cực kỳ tinh khiết và giảng Kinh Di Giáo, rồi nằm nghiêng mình về phía tay phải, đầu hướng về phía Bắc, mặt hướng về phía Tây, hai chân duỗi thẳng, chân này gác lên chân kia, Kiết Tường Thị Tịch.
Mọi diễn biến trong cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến lúc rời bỏ thế gian của Đức Phật đều nằm trong bàn tay chủ động của Người. Đây là điều đặc biệt nhất mà không một giáo chủ của bất kỳ giáo phái nào khác có thể làm được. Đức Phật Thích Ca – Giáo chủ của đạo Phật là vị thánh duy nhất trên thế gian này có thể hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình từ lúc Đản sinh cho đến lúc nhập Niết bàn.
Đây chỉ là một điểm rất nhỏ trong cuộc đời Đức Phật, còn rất nhiều sự kiện phi thường khác mà càng tìm hiểu sâu hơn, chúng ta sẽ càng bất ngờ và xúc động. Tuy nhiên, chỉ cần một điểm nhỏ này thôi cũng đã phần nào giúp mọi người có thể cảm nhận được sự vĩ đại, bao dung của Người và từ đó lòng tôn kính Đức Phật sẽ tăng lên.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Khánh Quản
Hits: 25