Skip to content
We'll be happy to help. Call Us Today: +1800-222-9876

Tâm học yếu lược là phần nội dung do tác giả Tâm Học chọn lọc theo kiến giải riêng của mình… Do thấy kiến thức ở nhiều kinh , sách , bài giảng bị lặp lại nhiều quá. Nội dung chưa phải là chân lý chỉ có tính chất tham khảo.

 

Nguồn từ Wiki và https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/4233

Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam

Bách khoa toàn thư mở WikipediaBước tới điều hướngBước tới tìm kiếm

Đạo Phật Khất Sĩ Việt NamPhật giáo Khất sĩ hay là Hệ phái Khất sĩ Việt Nam là một trong 9 tổ chức thành viên thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hệ phái Khất sĩ được Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập từ năm 1944 với chí nguyện: “Nối truyền Thích Ca chánh Pháp”.

Thời kỳ khởi thuỷ – thập niên 1944- 1954

Thời kỳ này gắn liền với cuộc đời hành đạo của tổ sư Minh Đăng Quang với Tứ Y Pháp:
Nhất biều thiên gia phạnCô thân vạn lý duDục cùng sanh tử lộKhất hóa độ xuân thu

Dịch nghĩa:”Một bát cơm ngàn nhàThân đi muôn dặm xaMuốn thoát đường sanh tửXin độ… tháng ngày qua

Trong thời gian này 64 ngôi tịnh xá được hình thành từ miền Tây đến miền Đông và ra tới miền Trung xa xôi đánh dấu sự hành đạo của Tổ sư và thời kỳ này kết thúc bằng sự mất tích của ngài.

Thời kỳ phát triển thập niên 1954- 1964

Đây là thời kỳ các giáo đoàn được hình thành và phát triển mạnh mẽ:

Giáo đoàn 1: Do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập từ năm 1944 và trực tiếp thu nhận Tăng Ni xuất gia và hướng dẫn hành đạo. Sau khi Tổ sư vắng bóng, Giáo đoàn vẫn tiếp tục hành đạo, mở đạo dưới sự hướng dẫn của Nhị tổ Giác Chánh. Giáo đoàn 1 có 21 ngôi tịnh xá[1]; 03 vị giáo phẩm là Ủy viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam[2] và 1 vị là Ủy viên Hội Hồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam[3].

Giáo đoàn 2: Do trưởng lão Giác Tánh và trưởng lão Giác Tịnh thành lập. Giáo đoàn 2 gồm 15 ngôi tịnh xá, tịnh thất ở Hàm TânPhan ThiếtKhánh HoàQuy Nhơn

Giáo đoàn 3: Do trưởng lão Giác An thành lập hành đạo tại các tỉnh Tây Nguyên như: DaklakGia LaiKontum …

Giáo đoàn 4: Do Hoà Thượng Pháp sư Giác Nhiên làm trưởng Giáo đoàn. Các tịnh xá được Giáo đoàn hình thành phần nhiều tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai. Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang…

Giáo đoàn 5: Do trưởng lão Giác Lý đứng ra thành lập từ năm 1960 và làm Đệ nhất Trưởng Giáo đoàn. Giáo đoàn 5 có hơn 20 tịnh xá, tịnh thất Ở Quảng Nam (Hội An), Cam Ranh, Tháp Chàm, Bình Long, Bà Rịa -VũngTàu, Tp. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vĩnh Long và Gò Công…

Giáo đoàn 6: do Hoà Thượng Giác Huệ đứng ra thành lập từ năm 1962 đặt trụ xứ gốc tại giảng đường Lộc Uyển, quận 6,Tp. Hồ Chí Minh. Giáo đoàn hiện có 18 ngôi tịnh xá, tự viện và tịnh thất.

Ngoài ra còn có Giáo hội Ni giới Khất sĩ do Ni Trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên đứng ra thành lập. Giáo hội Ni Giới Khất sĩ Việt Nam, đặt trụ sở tại tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.

Thời kỳ Hiệp Nhất về Pháp Lý thập niên 1964- 1974

Khoảng năm 1965, hoà thượng Giác Nhu và hoà thượng Giác Thường thuộc Giáo đoàn 1 đứng ra vận động thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam. Bên Ni chúng cũng có 5 đoàn do quý Ni Cô Huỳnh Liên, Ngân Liên, Trí Liên, Diệu Liên, Tạng Liên làm trưởng đoàn. Các đoàn đã du hóa khắp Nam phần và Miền duyên hải Trung phần.

Tháng 05 năm 1966, đại hội đầu tiên được triệu tập để thành lập Ban Trị sự Giáo hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam, nhiệm kỳ I (1966 – 1969). Tổ đình Minh Đăng Quang ở ngã ba Cát Lái, xa lộ Biên Hòa. Hội đồng lãnh đạo trung ương gồm Viện Chỉ Đạo do Thượng Tọa Giác Nhiên làm Tổng Trị Sự.

Thời kỳ trụ xứ sau năm 1975

Sau Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, các chư tăng ni Khất sĩ dừng chân du hoá an tịnh thường trú tại những ngôi tịnh xá được thành lập trước đây tiếp tục con đường tu hành theo lối giáo huấn của Tổ sư. Giáo phái khất sĩ mặc y và du hóa như Nam Tông. Tăng Ni trường chay, kinh điển viết theo lối văn vần. Sau 10 năm hành đạo, tổ sư Minh Đăng Quang lưu lại giáo lý gồm có: Bồ Tát Giáo, và bộ sách CHƠN LÝ. Ông dạy Tăng chúng: Sống là sống chung, biết là học chung, linh là tu chung. Tuy nhiên, gần đây, vì nhiều lý do (đặc biệt do tình trạng khất sĩ giả), các giáo đoàn không còn đi khất thực nữa.

Ngày nay, vì Thượng Tọa Giác Chánh tuổi cao nên Thượng Tọa Giác Toàn điều hành giáo hội khất sĩ. Trụ sở tại Trung Tâm Tịnh Xá Gia Định. Có khoảng 300 ngôi tịnh xá khắp miền Nam, ở hải ngoại Hòa Thượng Giác Nhiên là Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, có trên 20 tịnh xá thuộc giáo phái này ở Hoa Kỳ.

Chú thích

  1. ^ Đều là thành viên các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  2. ^ Hoà Thượng Giác Trang (Tp. Hồ CHí Minh); Hoà Thượng Giác Nhường (Tp. Cần Thơ) và Hoà Thượng Giác Thuận (tỉnh Sóc Trăng)
  3. ^ Thượng toạ Giác Giới

Vài nét về Đạo Phật Khất Sĩ

Đạo Phật Khất Sĩ chính thức ra đời vào năm 1947 trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cụ thể là xuất phát tại Mỹ Tho, trong một môi trường ở đó các tôn giáo chính đã có cơ sở vững vàng, bên cạnh những hình thái tôn giáo khác cũng đang tích cực phổ biến giáo lý, thu hút tín đồ. Mặc dù xuất hiện khá muộn, nhưng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (ĐPKSVN) vẫn phát triển và hiện nay đã trở thành một hệ phái Phật giáo có tầm vóc không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra có mặt ở hải ngoại.

I. Sơ lược tiểu sử ngài Minh Đăng Quang

Sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ ở Việt Nam là ngài Minh Đăng Quang, được nguời đời sau tôn xưng là Tổ sư Minh Đăng Quang. Ngài có thế danh là Nguyễn Thành Đạt, sanh năm 1923 tại quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, con út của cụ Nguyễn Tồn Hiếu (1894-1968) và cụ bà Phạm Thị Tỵ tự Nhàn (1982-1924). Từ nhỏ, ngài đã sớm biết chuyên tâm niệm hương cúng Phật hàng ngày và ăn chay mỗi tháng mười ngày theo gương cha.

Khi đi học, ngài lấy tên Lý Hườn. Tốt nghiệp bằng Sơ học của Pháp năm 13 tuổi, ngài không muốn học tiếp mà xin gia đình cho đi tu nhưng không được chấp thuận. Năm 1937, ngài tự ý rời nhà tìm thầy học đạo trên đất Campuchia. Ở đó, ngài được giới thiệu đến các chùa theo Phật giáo Nguyên thủy để học tiếng Khmer và đọc kinh Phật. Cuối năm 1941, ngài trở về Vĩnh Long rồi lên Sài Gòn làm việc. Ngài lập gia đình vào năm 1942, có được một người con gái, nhưng cả người bạn đời và con gái ngài đều bị bệnh và sớm qua đời.

Vào năm 1943, ngài quyết chí lên vùng núi Thất Sơn ẩn tu. Trong năm 1944, ngài đến Mũi Nai ở Hà Tiên nhập định miên mật trong bảy ngày đêm và ngộ đạo tại nơi đây.

II. Việc mở mang mối đạo (khai sơn phá thạch)

Trong hai năm, từ 1944 đến 1946, ngài được một thiện nam thỉnh về ẩn tu tại chùa Linh Bửu ở làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho.

Sau mùa an cư đầu tiên, ngài bắt đầu hướng dẫn các đệ tử hành đạo quanh vùng. Ngài thu nhận đệ tử rất chọn lọc. Trong năm 1947, ngài chỉ thu nhận bốn vị Tăng, sáu vị Ni và một chú điệu khoảng 10 tuổi. Từ năm 1948 trở đi, ngài thu nhận thêm nhiều người xuất gia; chư Tăng được ngài giáo huấn rất kỹ càng. Trong năm 1948, ngài hướng dẫn một đoàn khất sĩ du hành về Sài Gòn, tạo một dấu ấn nơi thủ phủ miền Nam lúc bấy giờ, rồi lại quay về hành đạo trong khu vực giữa hai nhánh sông Cửu Long, đẩy mạnh việc phát triển nền đạo.

Để mở rộng việc truyền bá tư tưởng, ngài soạn bộ Chơn Lý gồm 69 tập, mở ra nhà in Pháp Ấn đặt tại Tịnh xá Ngọc Viên ở Vĩnh Long chuyên in các tập Chơn Lý do chính ngài sáng tác.

III. Giáo lý của Đức Phật Thíchca trong ĐPKSVN

Với phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tổ sư Minh Đăng Quang gìn giữ truyền thống mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã vạch. Ngài dung hợp mọi tinh hoa của Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông. Ngài đã thành tựu và lưu truyền cho hậu thế một dòng truyền thừa với ba pháp yếu quan trọng sau đây:

1. Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia;

2. Sự tinh tấn trong tu tập;

3. Tinh thần hoằng hóa độ sinh.

Giáo pháp Khất Sĩ nêu cao việc quay về với cội nguồn tâm linh, quyết tâm thực hành Giới-Định-Tuệ. Đối với đời sống cộng đồng, người Khất sĩ cộng trú tu học trong những ngôi già-lam tịnh xá. Tổ sư nêu lên phương châm: Nên tập sống chung tu học: Cái SỐNG là phải sống chung; cái BIẾT là phải học chung, cái LINH là phải tu chung.

Khi chọn Hoa sen và Ngọn đèn Chơn lý làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – ĐPKSVN”, Tổ sư Minh đăng Quang đã bày tỏ ý hướng đem Chánh pháp thanh tịnh như hoa sen của chư Phật để soi đường dẫn lối cho người hữu duyên bằng ngọn đèn chơn lý.

Bằng những hình ảnh ẩn dụ, trong tập Chơn lý “Trên Mặt Nước”, Tổ sư Minh Đăng Quang nói đến lá sen, hoa sen và gương sen đều có chân gốc trong bùn nhưng đã vươn lên khỏi mặt nước và không hề dính bùn. Bùn nặng nề, dơ bẩn, rã rời nên chìm xuống đáy, tượng trưng cho sự xấu ác tội lỗi của con người vị kỷ. Nước trôi chảy, tượng trưng cho xã hội thanh thoát tùy duyên. Sen vượt lên cao tượng trưng bậc xuất gia, người Khất sĩ… có hành động như lá sen, có lời nói như hoa sen, có tư tưởng như gương sen. Gốc sen còn ở trong bùn, tượng trưng người tu còn phải nương nhờ trần thế, xin ăn xin mặc để nuôi thân tu học, nhưng tâm trí đã vượt lên trên sự xấu ác. Sen nhờ bùn nuôi dưỡng, sen cũng trả ơn bằng cách hứng chịu nắng mưa sương gió che chở cho nước và đất trước những động chạm từ bên ngoài. Người tu cũng đền trả cho đời bằng sự hiền lương trong lời nói thuần hòa, việc làm hiền thiện, tư tưởng trong sạch; đóng góp vào việc tạo nên nền tảng đạo đức cho xã hội.

Biểu tượng Hoa sen và Ngọn đèn Chơn lý chính là lý tưởng của Tổ sư về một quốc độ có một cuộc sống an vui thuần thiện của tất cả mọi người; trong đó người tu phải thể hiện một đời sống nghiêm tịnh thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý phụng hiến cho đời.

Tổ sư Minh Đăng Quang còn nêu lên một điều rất đặc biệt mà ít người lưu ý, rằng “Việt Nam đạo Phật không có phân thừa”. Chính vì thế, giáo pháp của ĐPKSVN thể hiện rõ tư tưởng Đại thừa trong khi xiển dương việc thực hành một phần công hạnh của Phật giáo Nguyên thủy. Khác với Phật giáo Nam tông, thay vì dùng Tam tịnh nhục, ĐPKSVN chủ trương ăn chay, mở rộng tinh thần từ bi và sử dụng kinh điển Đại thừa như kinh Kim cương, Hoa nghiêm, Bát-nhã, Pháp hoa, Địa Tạng… trong việc truyền bá giáo lý của Đức Phật.

Xuất thân ở Nam Bộ, ngài Minh Đăng Quang có phương pháp truyền đạo phù hợp với tâm lý người Nam Bộ, thuyết giảng Phật pháp bằng những hình ảnh sống động, sử dụng ngôn từ dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người. Tuy sử dụng ngôn ngữ bình dân, ngài vẫn có những lập luận sâu sắc, thể hiện một trình độ chứng ngộ cao vời, khiến ngay cả những vị trí thức lớn tuổi cũng tâm cảm đón nhận quy kính.

IV. Những đóng góp đầu tiên cho Phật giáo Đồng bằng Sông Cửu Long

1. Hình thành đoàn Du Tăng Khất Sĩ đầu tiên

Rằm tháng Bảy năm Mậu Tý (1948), Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập đoàn Du Tăng Khất Sĩ đầu tiên, gồm có 21 vị sư, xuất phát từ Vĩnh Long đi hành đạo lên vùng Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn (nay là TP.HCM) và miền Đông Nam Bộ. Chuyến hành đạo này đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người ở các nơi đoàn Du Tăng Khất Sĩ đi qua. Lần đầu tiên xuất hiện trong suốt hai ngàn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, đoàn Du Tăng Khất Sĩ là một đường lối hoằng pháp độc đáo của Tổ sư Minh Đăng Quang. Mô hình đoàn Du Tăng này cũng là một bản sao của đoàn Du Tăng thời Đức Phật.

2. Những ngôi tịnh xá đầu tiên

Hình ảnh các vị Khất Sĩ khiêm cung đi xin ăn tu học đã khắc sâu vào lòng người dân niềm kính phục khiến họ quy ngưỡng. Từ đó, những ngôi tịnh xá hình bát giác lần lượt được dựng lên bởi các vị đệ tử tại gia của Tổ sư Minh Đăng Quang để các vị Khất Sĩ tạm trú hành đạo khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Ngay trong năm 1947, ở thị xã Vĩnh Long, ngài cho dựng tại cầu Kinh Cụt ngôi tịnh xá đặt tên là Pháp Vân. Cũng trong tỉnh Vĩnh Long, ngài đã chứng minh cho việc xây dựng tịnh xá Trúc Viên, sau này đổi tên là Ngọc Thuận. Tính đến hết năm 1953, đã có tới hơn hai mươi ngôi tịnh xá, hoặc do chính Tổ sư Minh Đăng Quang đích thân sáng lập hay chứng minh việc xây dựng, hoặc được dựng lên theo chủ trương của các vị đại đệ tử của ngài ở nhiều tỉnh thành miền Nam, như Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Tây Ninh, Sài Gòn, Trà Vinh, Mỹ Tho, Gia Định… Đặc biệt, có cả một ngôi tịnh xá đã được xây dựng tại Bình Thuận thuộc Nam Trung phần. Điều này cho thấy sự phát triển rất mạnh của ĐPKSVN ngay trong buổi đầu mở đạo.

V. Tiếp tục đóng góp cho Phật giáo Đồng bằng Sông Cửu Long sau ngày Tổ sư vắng bóng

1. Sự vắng bóng của ngài Minh Đăng Quang

Ngày rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954), Tổ sư Minh Đăng Quang tập trung chúng Tăng về tịnh xá Ngọc Quang ở Sa Đéc để chỉ dạy việc tu tập. Sau đó, ngài lên đường viếng các tịnh xá ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ, ghé thăm núi Cấm rồi lại về tịnh xá Ngọc Quang tụng giới và cúng hội vào ngày 30 tháng Giêng. Sáng ngày mùng 1 tháng Hai năm Giáp Ngọ (5-3-1954), Tổ sư Minh Đăng Quang đi Vĩnh Long và Cần Thơ. Khi đến bến phà Cái Vồn, ngài được mời gặp tướng Năm Lửa Trần Văn Soái. Kể từ đó, hầu như không ai còn được thấy hành tung của ngài.

Như vậy, ngài Minh Đăng Quang đã có mặt ở trần thế 32 năm, hành đạo suốt mười năm (từ 1944 đến 1954) và nỗ lực nối truyền Chánh pháp của Phật Thích-ca được bảy năm (1947-1954). Về sau, hàng môn đồ đã chọn ngày mùng 1 tháng Hai âm lịch để tưởng niệm sự kiện ân sư vắng bóng. Tuy thời gian hành đạo và hoằng pháp của ngài quá ngắn nhưng Tổ sư đã để lại cho đời hơn 100 vị Tăng Ni đệ tử tiếp nhận chân truyền tư tưởng của Đạo Phật Khất Sĩ cùng với hơn hai chục ngôi tịnh xá rải rác khắp miền Nam Việt Nam làm cơ sở hành đạo và một bộ Chơn Lý gồm 69 bài luận thuyết minh giáo pháp.

2. Các cao đồ của ngài tiếp tục phát triển nền đạo

Tổ sư phó chúc việc lãnh đạo Giáo đoàn vào ngày Rằm tháng Bảy năm Quý Tỵ (1953) tại tịnh xá Ngọc Viên và lời ngài căn dặn chư đệ tử chiều ngày 30 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954) là “sẽ đi tu tịnh tại núi Lửa”, các vị đại đệ tử của ngài hiểu rằng Tổ sư Minh Đăng Quang đã biết trước và đã sắp đặt mọi việc trước ngày đi xa. Thi hành lời dạy của Tổ sư, chư Tăng Ni Khất Sĩ thượng thủ phân công nhau tiếp tục việc hoằng đạo, tạo nên một thời kỳ phát triển mới cho ĐPKSVN.

Theo phó chúc của Tổ sư, các vị Giác Chánh, Giác Tánh và Giác Như điều hành giáo đoàn. Các ngài hướng dẫn đoàn Du Tăng đi ra miền Trung dọc theo duyên hải (1956-1957) rồi sau đó trở lại miền Nam, vào sâu các làng mạc xa xôi thuộc một số tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Trong lúc ngài Giác Chánh lãnh đạo cuộc du phương hành hóa thì ngài Giác Như có nhiệm vụ duy trì sự hoạt động ở các tịnh xá đã thành lập. Trong quá trình du phương hành đạo này, các ngài tiếp nhận thêm đệ tử xuất gia và tại gia, mở rộng Giáo đoàn.

3. Hình thành các Giáo đoàn tiếp theo

Khi đoàn Du Tăng trở về Nam, một số vị đã trụ lại miền Trung tiếp tục hoằng pháp. Trong các năm 1957 và 1958, hai vị Trưởng lão Giác Tánh và Giác Tịnh thành lập Giáo đoàn II, hành đạo ở vùng duyên hải miền Trung từ Bình Định ra đến Quảng Trị; Trưởng lão Giác An thành lập Giáo đoàn III, nỗ lực truyền pháp ở một phần duyên hải miền Trung và đi ngược lên Tây Nguyên. Khi trở về Nam, Pháp sư Giác Nhiên thành lập Giáo đoàn IV vào năm 1957, Trưởng lão Giác Lý thành lập Giáo đoàn V vào năm 1960 và Hòa thượng Giác Huệ, Hòa thượng Giác Đức thành lập Giáo đoàn VI vào năm 1962, tập trung giáo hóa ở vùng Đông và Tây Nam Bộ. Các vị Ni trưởng cũng tích cực hoằng pháp, thành lập Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam lấy Tịnh xá Ngọc Phương ở quận Gò Vấp, Gia Định (nay thuộc quận Gò Vấp, TP.HCM) làm trụ sở chính.

Vào tháng 5-1966, một kỳ đại hội được tổ chức để thành lập Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam. Đến năm 1971, Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ thành lập hai viện: Viện Chỉ đạo cung thỉnh chư trưởng lão Tôn túc chứng minh, Viện Hành đạo quy tụ chư Thượng tọa, Đại đức có năng lực đảm đương Phật sự. Hai viện này đã hoạt động liên tục đến ngày đất nước thống nhất vào năm 1975.

Sau ngày 30-4-1975, chư Tăng Ni Khất Sĩ về an trú tại những ngôi tịnh xá tinh tấn tu hành theo giáo huấn của Tổ sư. Một số vị nương theo thời duyên di chuyển đến các xứ Âu, Mỹ, Úc để phát triển mối đạo. Từ năm 1980, ánh đạo Y Bát chơn truyền của Tổ sư Minh Đăng Quang đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.

Hiện nay, trên cả nước, kể cả ở một số tỉnh thành phía Bắc, Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam có 1.395 vị Tăng và 1.863 vị Ni đang tu học, góp phần làm Phật sự tại 550 tịnh xá. Ngoài ra, ở hải ngoại, chủ yếu là tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc… hiện có trên 50 tịnh xá, tịnh thất với khoảng hơn 100 Tăng Ni tu học và hành đạo.

4. Thực hiện tinh thần “Nên tập sống chung tu học” theo giáo hóa của Tổ sư

Đầu năm 1980, Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam và Giáo hội Ni giới Khất Sĩ Việt Nam cùng tích cực tham gia Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Trên tinh thần hòa hợp, hai Giáo hội Tăng Ni Khất Sĩ cử 6 đại biểu tham dự Hội nghị đại biểu thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, thành phố Hà Nội: trở thành một trong chín tổ chức Phật giáo sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đây, các tổ chức Phật giáo Khất Sĩ dùng chung một danh xưng mới là Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam.

VI. Nét đặc thù trong những đóng góp của Hệ phái Khất Sĩ cho Phật giáo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

ĐPKSVN là một hiện tượng tôn giáo đặc biệt của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với chủ trương rõ rệt là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, và “Đạo Phật Việt Nam không phân thừa”, đi sát với giáo lý nguyên thủy của Đức Phật, thọ nhận hành trì những đặc điểm tinh hoa của Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Dựa vào sự sáng tạo của vị Tổ sư và sự tận tụy của các vị đại đệ tử đã nhận được chân truyền, những đóng góp của ĐPKSVN cho Phật giáo nơi này có nhiều nét đặc thù.

1. Làm sống lại hình ảnh vị Tỳ-kheo thời Đức Phật

Một đóng góp rất quan trọng của ĐPKSVN là làm sống lại hình ảnh các vị Tỳ-kheo thời Đức Phật. Bóng dáng những con người đầu trần chân đất đắp y vàng bá nạp ôm bình bát bình thản chậm rãi bước đi xin ăn để giáo hóa chúng sanh trên mọi nẻo đường đã gieo những ấn tượng sâu sắc trong lòng quần chúng đang đau khổ vì chiến tranh, vì đói khổ, vì bị ức hiếp bởi ngoại bang. Người dân Nam Bộ thời ấy đã thật sự xúc động khi thấy những con người đang thực hành hạnh nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Sự nghiêm cẩn của Tổ sư Minh Đăng Quang trong lúc chọn đệ tử đã là thành công đầu tiên của ngài.

2. Làm phong phú giáo lý của Đức Phật

Với những lời lẽ đơn sơ nhưng không thiếu phần sâu sắc, lại phù hợp với thời đại và tâm lý người đương thời, giáo lý Khất Sĩ đã triển khai những tinh hoa của của Phật giáo, loại bỏ những rườm rà nhuốm màu mê tín hay thần bí, gìn giữ những đặc sắc của tư tưởng Đại thừa và cách hành trì Nguyên thủy: nhấn mạnh đến việc không chen lộn trong đời về chỗ ở: ăn chay mỗi ngày một bữa trước giờ ngọ; tu sĩ không sử dụng tiền bạc; mọi người đều là Khất sĩ như nhau, không hình phạt, không quyền, không trị, chỉ có một sự dạy mà tất cả được yên… Những điều đó đã làm giáo lý của Đức Phật trở thành sống động trong cuộc sống hàng ngày.

3. Làm đậm nét tinh thần hành trì giáo pháp của Đức Phật

Theo đúng những chỉ dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang, người Khất sĩ thực hành nếp sống giản dị. Tài sản vật chất của người Khất sĩ chỉ có một y một bát. Tất cả những phương tiện hành đạo đều thuộc về hàng cư sĩ, các vị hộ pháp. Tài sản thực sự của Khất sĩ là hiểu đúng Võ trụ quan rằng quả địa cầu là cái quả to bằng tứ đại, trong đó có chứa chúng sanh cũng bằng tứ đại, đủ ba hạng… và vì vậy mà xuất gia Khất sĩ lớp trên phải thực hành “Tứ y pháp”: 1. Người tu xuất gia giải thoát phải lượm vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận; 2. Người tu xuất gia giải thoát chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp đọc giới bổn, được ăn tại chùa; 3. Người tu xuất gia giải thoát phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở; 4. Người tu xuất gia giải thoát chỉ dùng cỏ cây hoa lá mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc dầu đường thì được dùng. Tứ y pháp là chánh pháp của võ trụ, quý báu hơn hết.

4. Sáng tạo những nét độc đáo về hình thức tu học

Một trong những nét đặc trưng của giáo lý cũng như sinh hoạt thực tế của người Khất sĩ là có những sáng tạo có tính cách độc đáo về hình thức tu học. Giáo lý của ĐPKSVN được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, sống động, thực tiễn, phù hợp với tâm tính người Nam Bộ. Nghi thức của Khất sĩ cũng rất tinh giản, không rườm rà, hình thức. Đặc biệt, kiến trúc ngôi tịnh xá là một sáng tác của ngài Minh Đăng Quang. Sau ngôi tịnh xá đầu tiên là Pháp Vân, những ngôi tịnh xá kế tiếp đều được Tổ sư Minh Đăng Quang đặt tên ghép với chữ Ngọc: Ngọc mang ẩn dụ tịnh xá là nơi hoằng hóa, làm lợi cho chúng sanh, có giá trị như những viên ngọc quý. Chữ ghép với Ngọc, ngài cho phép tùy nghi dùng tên địa phương nơi tịnh xá tọa lạc hay một từ có ý nghĩa đạo đức thể hiện hoài bão của tập thể dựng nên tịnh xá.

Khi kiến lập cở sở hạ tầng cho Đạo Phật Khất Sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang đã phác họa mô hình tịnh xá tám cạnh làm nơi quy tụ chúng Tăng Ni, tháp 13 tầng để thờ Pháp, có các nhà giảng kinh, nhà nghỉ mát và thọ thực, nơi tạm trú của Tăng, nơi tạm trú của Ni, nơi sinh hoạt của nam nữ cư sĩ riêng biệt… trong một khu đất có hồ sen, có núi đất, có ao rạch nhưng không được trồng bông và cây ăn trái, ở nơi xa chợ búa, xa nơi đông đúc phồn hoa, xa chốn binh gia, xa nơi tôn giáo… có hàng rào làm ranh, có cổng sáng 7 giờ mở ra chiều 5 giờ đóng lại để các sư có nơi tu tịnh.

Với mô hình này, ngài đã xác lập tịnh xá là dành cho cả tứ chúng và chú ý đến tháp là tháp thờ giáo pháp của Đức Phật với 13 tầng tượng trưng cho 13 nấc tiến hóa của chúng sanh từ địa ngục tiến lên chánh giác, gồm lục phàm, tứ thánh, tam tôn. Ngài cũng không xem đạo của ngài là tôn giáo, mà chỉ là con đường.

5. Xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam

Như trên đã trình bày, vào năm 1980, cả hai Giáo hội Khất Sĩ Tăng và Ni đều tích cực tham gia cuộc vận động nhằm thống nhất Phật giáo Việt Nam, và trong Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các đoàn thể Khất sĩ thể hiện tinh thần “Tam tụ – Lục hòa” cùng cử một đoàn đại biểu chung cho Khất sĩ. Tinh thần ấy đã khiến nhiều giáo đoàn Khất sĩ khác, chưa gia nhập Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam thời 1969, lần lượt xin sáp nhập vào Hệ phái Khất sĩ, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay. Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam cũng đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng Giáo hội.

Là một trong các tổ chức Phật giáo tham gia sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc phát triển của Hệ phái Khất Sĩ cũng là sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Hệ phái Khất Sĩ luôn tích cực tham gia mọi Phật sự. Đặc biệt, sự đóng góp của các vị tôn túc giáo phẩm thuộc Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam trong thành phần Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như trong các cấp Giáo hội được đánh giá cao với những hoạt động thiết thực ở mọi lãnh vực, từ Hoằng pháp đến Giáo dục Tăng Ni, từ Truyền thông đến Văn hóa, từ tổ chức Hướng dẫn Phật tử đến Tăng sự, và nhất là trong công tác Từ thiện xã hội, vốn là nếp quen của Hệ phái.

6. Góp phần xây dựng một nền văn hóa dung hợp dựa trên truyền thống Nam Bộ

Với phương châm “Nên tập sống chung tu học”, với quan điểm “Phật giáo Việt Nam không phân thừa” và trên tinh thần thu góp tinh hoa của mọi tông phái, hoạt động của Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam có tác động lớn đến việc xây dựng một nền văn hóa dung hợp, vốn là đặc điểm của tinh thần Nam Bộ, nơi sớm có sự hỗn dung của các nền văn hóa khác biệt vào lúc xây dựng vùng đất mới ở miền Nam nước Việt.

* * *

ĐPKSVN đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Bắc tông và Nam tông, tâm nguyện là một cành nhánh lan tỏa từ ánh đạo vàng của Đức Bổn sư. Như mọi con sông đều đổ về biển cả, giáo lý của ĐPKSVN cùng hội nhập tư tưởng của mọi tổ chức Phật giáo khác trong vùng đều hòa vào biển Phật pháp nhiệm mầu mà Đức Thế Tôn đã khai sáng cách đây hơn 25 thế kỷ.

THÍCH GIÁC TOÀN 

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 349

Hits: 76

Website chia sẻ kiến thức , những tâm đắc về đạo Phật , cổ nhân xưa của 1 cá nhân ( không phải tổ chức , chùa ) . Mọi ý kiến đóng góp, khiếu nại xin gửi về hòm thư [email protected] . Điều khoản , nội quy

Wiki Tâm Học
Copyright 2020 @ Thiết kế bởi DragonKnightMT