[ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ] Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng (P1/2)

ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1 – (Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)

Tác giả: Tsongkhapa
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Mục lục |

Chương 9: Chánh Niệm về Cái Chết

Mục lục Chương 9:

b. Con đường thật sự để tận dụng cuộc sống an lạc và đầy thuận duyên

1) Rèn luyện trí tuệ trong các giai đoạn của lộ trình dành cho người có khả năng giới hạn.

a) Điều phục tâm thức cho một người có ít khả năng {căn cơ thấp}

i) Phát triển trạng thái quán chiếu tâm nỗ lực tinh tấn cho lợi ích của những kiếp sống vị lai.

a’ Chánh niệm về cái chết, quán chiếu rằng quý vị sẽ không tồn tại lâu trên cuộc đời này.

1’ Sai lầm của việc không trau dồi chánh niệm về cái chết
2’ Lợi ích của việc trau dồi chánh niệm về cái chết
3’ Loại chánh niệm về cái chết mà quý vị cần khai triển
4’ Phương pháp trau dồi chánh niệm về cái chết

a’’ Tư duy rằng cái chết là lẽ tất nhiên

1’’ Hãy quán chiếu rằng thần chết chắc chắn sẽ đến và vì vậy điều đó là không thể tránh khỏi.
2’’ Hãy quán chiếu rằng đời sống của quý vị không thể kéo dài và thường xuyên suy giảm.
3’’ Hãy quán chiếu về cái chết là chắc chắn ngay cả trong lúc quý vị còn sống thì cũng có rất ít thì giờ cho tu tập tôn giáo

b’’ Hãy quán chiếu về thời điểm bất định của cái chết

1’’ Quán chiếu về tuổi thọ trên thế gian này thật không chắc chắn
2’’ Quán chiếu rằng có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết và rất ít nguyên nhân dành cho sự sống
3’’ Quán chiếu rằng thời điểm xảy ra cái chết là không chắc chắn bởi vì thân thể con người rất mong manh dễ hư hoại.

c’’ Quán chiếu rằng vào thời điểm diễn ra cái chết, sẽ không ai có thể hỗ trợ ngoại trừ sự tu tập tôn giáo

1’’ Bạn bè sẽ không thể hỗ trợ.
2’’ Tài sản vật chất không thể hỗ trợ.
3’’ Thân thể của quý vị cũng không thể giúp ích.

********************

b. Con đường thật sự để được lợi thế trọn vẹn của một cuộc sống an lạc và thuận duyên. [98]

Con đường thật sự để được lợi thế trọn vẹn của một cuộc sống an lạc và thuận duyên được trình bày trong ba phần:

1. Rèn luyện trí tuệ trong các giai đoạn của lộ trình dành cho hành giả có khả năng giới hạn (chương 9-16).

2. Rèn luyện trí tuệ trong các giai đoạn của lộ trình dành cho hành giả có khả năng trung bình (chương 17-24).

3. Rèn luyện trí tuệ trong các giai đoạn của lộ trình dành cho hành giả có khả năng siêu việt

1) Rèn luyện trí tuệ trong các giai đoạn của lộ trình dành cho hành giả có khả năng giới hạn

Có ba phân đoạn trong phần này:

1. Sự rèn luyện thật sự về tâm thức cho hành giả có khả năng giới hạn (Chương 9-15)

2. Sự đo lường thái độ dành cho hành giả có khả năng giới hạn (Chương 16)

3. Loại bỏ những nhận thức sai lầm về thái độ của hành giả có khả năng giới hạn (Chương 16)

a) Sự rèn luyện thật sự về tâm thức cho hành giả có khả năng giới hạn

Sự rèn luyện này có hai phần:

1. Phát triển trạng thái quán chiếu tâm nỗ lực tinh tấn cho lợi ích của những kiếp sống vị lai. (Chương 9-10)

2. Dựa vào những phương tiện để đạt được hạnh phúc trong kiếp sống tiếp theo (Chương 11-15)

i) Phát triển trạng thái quán chiếu tâm nỗ lực tinh tấn cho lợi ích của những kiếp sống vị lai

Điều này được diễn giải trong hai phần:

1. Chánh niệm về cái chết, quán chiếu rằng quý vị sẽ không tồn tại lâu trong cõi đời này (Chương 9)

2. Quán chiếu điều gì sẽ xảy ra trong đời sống tương lai của quý vị: hạnh phúc hay khổ đau của hai loại sự sống (Chương 10)

a’ Chánh niệm về cái chết, quán chiếu rằng quý vị sẽ không tồn tại lâu trong cõi đời này

Chánh niệm về cái chết bao gồm bốn phần:

1. Các sai lầm vì không trau dồi chánh niệm về cái chết

2. Những ích lợi của việc trau dồi này

3. Loại chánh niệm về cái chết mà quý vị cần phát triển

4. Phương pháp trau dồi sự chánh niệm về cái chết

1’ Các sai lầm vì không trau dồi sự quán niệm về cái chết

Như đã đề cập trong phần trước, có bốn sai lầm ngăn trở quý vị hướng đến cuộc sống hoàn toàn an lạc: [(1) lấy sự bất tịnh làm tịnh, (2) lấy khổ làm vui, (3) vô thường mà cho là thường còn, (4) vô ngã mà cho là tự ngã]. Thoạt đầu, chỉ có quan niệm cho sự vô thường là vĩnh hằng chính là con đường dẫn đến khổ đau. Quan niệm này bao gồm hai phần: nghĩa thô thiển và tinh tế. Trong hai phần trên, từ phần suy nghĩ thô thiển của quý vị về sự vô thường, hay chính là sự chết, thì con đường dẫn đến đau khổ chính là ý nghĩ “Tôi sẽ không chết” [99] Tất cả mọi người đều biết rằng cái chết cuối cùng rồi sẽ đến. Tuy vậy, với từng ngày trôi qua, họ đều cho rằng “Ngày mai tôi vẫn chưa chết đâu, ngày mai tôi vẫn chưa chết đâu” và họ gắn chặt suy nghĩ này cho đến phút giây diễn ra cái chết. Nếu thái độ này che mờ lý trí và quý vị không tìm phương thuốc cứu chữa cho tâm thức, quý vị sẽ tiếp tục nghĩ rằng quý vị tồn tại mãi trên cuộc đời này.Tiếp theo, khi quý vị vẫn còn thái độ này, quý vị sẽ tiếp tục suy nghĩ đơn thuần về cách đạt được hạnh phúc và tránh đau khổ chỉ cho kiếp sống này “Tôi cần điều này và điều kia”. Quý vị sẽ không tinh tấn tu tập tôn giáo bởi lẽ quý vị không nghĩ về những điều quan trọng vô cùng, như về những kiếp sống tương lai, sự giải thoát, và nhất thiết trí {toàn giác}. Dù rằng quý vị có thể tình cờ tham gia học hỏi sự quán chiếu, thiền định, v.v…, thì điều đó chỉ phục vụ cho mục đích của kiếp sống này, và bất cứ phẩm hạnh nào quý vị tạo ra cũng chỉ có năng lực yếu ớt. Hơn nữa, bởi vì sự thực tập của quý vị bao gồm cả những việc sai trái, tội lỗi và sự vi phạm, sẽ rất hiếm để việc thực tập phẩm hạnh này không bị trộn lẫn với nguyên nhân dẫn đến sự tái sinh đầy đau khổ. Thậm chí nếu quý vị cố gắng thực tập để hướng đến những kiếp sống tương lai thì quý vị cũng không thể tránh được trì hoãn do lười biếng với suy nghĩ “Cuối cùng tôi cũng sẽ làm thôi”. Bằng việc tiêu phí thời gian cho những sự xao lãng như ngủ nghê, thờ ơ, những cuộc tán gẫu vô nghĩa, ăn uống, quý vị sẽ không đạt được thành quả thích đáng, vì chỉ có những nỗ lực tinh tấn mới vươn đến được thành quả ấy.

Do đó, nếu quý vị bị cám dỗ bởi mong nghĩ rằng cơ thể và cuộc sống này sẽ kéo dài trong một thời gian dài, quý vị sẽ tạo ra sự tham chấp to lớn vào vật chất và dịch vụ phục vụ cho bản thân. Như thể bị cuốn vào dòng sông, quý vị sẽ đắm chìm vào sự thù nghịch hướng đến những điều đã cản trở quý vị, hay những điều mà quý vị lo ngại rằng sẽ cản trở quý vị có được những thú vui mà quý vị đang bám víu; quý vị sẽ đắm chìm vào ảo tưởng vốn thiếu hiểu biết về những sai trái của chúng; và hậu quả của cả hai là, quý vị sẽ đắm chìm vào các phiền não của sự kiêu ngạo và đố kỵ, cũng như những phiền não hệ lụy tiếp theo. Hậu quả của những điều này là quý vị tiếp tục gây tạo thêm những việc bất thiện mỗi ngày như mười ác nghiệp của thân, khẩu, ý, năm tội ác ngũ nghịch, các hành động xấu khác tiếp cận với các tội ngũ nghịch[1], và sự từ bỏ những lời huấn thị vĩ đại, tất cả chúng đều có mãnh lực hoàn toàn trong việc tạo ra sự khốn khổ cùng cực ở những nơi ví dụ như những giới bất hạnh. [100] Bằng việc tạo khoảng cách ngày càng lớn giữa bản thân với những phương pháp chữa trị – vị cam lồ của những lời huấn thị vĩ đại, quý vị sẽ phá hủy cuộc đời quý vị ra khỏi địa vị cao đẹp[2] và những điều tốt lành khác. Rồi thì, cái chết sẽ mang quý vị đi và ác nghiệp sẽ đưa quý vị đến nơi đầy khó chịu và nóng bức với sự đau khổ cùng cực và khắc nghiệt của những giới bất hạnh. Còn điều gì tệ hơn thế nữa không? Trong tác phẩm Tứ Bách Kệ Tụng[3]:

Điều gì có thể nguy hiểm hơn

Việc ngủ vùi như thể thật no ấm

Trong khi lại phó mặc cho thần chết

Là thủ lĩnh ba giới, chỉ mình hắn mà không có bậc đạo sư?

Tương tự, trong tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận[4]

Ta sẽ phải từ bỏ tất cả

Nhưng bởi không nhận biết điều này

Nên ta đã phạm nhiều lầm lỗi

Chỉ vì lợi ích về bạn hay thù

2’ Lợi ích của việc trau dồi sự hiểu biết về cái chết

Khi người ta có một ít hiểu biết về lời huấn thị rằng họ sẽ chết vào hôm nay hoặc ngày mai, họ nhận thấy rằng bạn bè và những sở hữu vật chất sẽ không đồng hành cùng họ, và vì vậy họ từ bỏ sự khát vọng về chúng. Rồi một cách tự nhiên, họ mong muốn tận dụng hữu ích cuộc sống của con người thông qua đức hạnh ví dụ như hạnh bố thí. Vì vậy, nếu quý vị hình thành sự hiểu biết đích thực về cái chết, quý vị sẽ nhận thấy mọi nỗ lực vất vả để đạt đến những điều trên thế gian như vật chất, sự tôn kính và nổi tiếng đều vô ích tương tự như hành động lựa trấu mà thôi, và đó cũng là căn nguyên của sự lừa dối. Tiếp đó, quý vị sẽ rời xa được những việc làm sai trái. Với sự nỗ lực bền bỉ và tinh tấn, quý vị tích lũy thiện nghiệp bởi những việc đức hạnh như quy y và duy trì sự kỷ luật đạo đức. Bằng phương tiện ấy, quý vị sẽ mang lại ý nghĩa lâu bền cho những thứ vốn dĩ không có ý nghĩa như vậy, ví dụ như thân thể này. Quý vị sẽ vươn đến một tư cách cao thượng và hướng dẫn người khác cùng đi con đường này. Còn điều gì ý nghĩa hơn thế nữa không?

Vì nguyên do ấy, nhiều ví dụ được sử dụng trong kinh tạng nhằm ca ngợi sự chính niệm về cái chết. Kinh Đại Bát Niết Bàn[5] nói rằng[6]:

Trong tất cả các mùa thu hoạch, thì vụ gặt mùa thu là quan trọng nhất. Trong các dấu chân thì dấu chân voi là to lớn nhất. [101] Trong tất cả sự hiểu biết thì sự hiểu biết về vô thường và cái chết là cao cả nhất bởi vì với điều ấy, ngươi loại bỏ được sự chấp thủ, vô minh, và tự ngã của ba giới.

Tương tự như vậy, thật đáng xưng tụng để là một cái búa lập tức đập tan những phiền não và hành động sai trái, để là cửa ngõ mở ra cho mọi đức hạnh và tốt lành, v.v…. Trong tác phẩm – Tiểu Bộ Kinh {Udāna-varga}[7]:

Hiểu rằng thân thể tựa như chiếc bình bằng đất sét.

Và tương tự, hiểu rằng các hiện tượng {pháp} chỉ là ảo ảnh,

Như vậy các ngươi sẽ phá hủy được thứ vũ khí hoa tẩm độc của quỷ ma

Và vượt ra khỏi cái nhìn của thần chết.

Tương tự[8]:

Bằng cách nhận biết sự lão hóa, khổ sở vì bệnh tật

Và cơ thể chết đi mà tâm thức rời khỏi từ đó,

Các ngươi sẽ kiên quyết từ bỏ ngôi nhà ngục tù này,

Trong khi những phàm phu thông thường không bao giờ buông được sự dính mắc.

Tóm lại, thời điểm duy nhất để hoàn thành các mục đích của cuộc sống là ngay bây giờ, khi quý vị đã đạt đến cuộc sống đặc biệt đầy an lạc và thuận duyên. Phần lớn quý vị vẫn tiếp tục sống trong những giới đau khổ; một số ít người đến được những cõi hạnh phúc, tuy nhiên đa số họ vẫn ở trong tình trạng thiếu sự an lành. Vì vậy, quý vị sẽ không có cơ may thực tập các lời huấn thị trong những tình huống như thế. Ngay cả khi quý vị ở vào hoàn cảnh thuận lợi cho sự thực tập, thì lý do quý vị không thực tập những lời huấn thị rất có thể là ý nghĩ “Tôi sẽ chưa chết đâu”.Do vậy, chính ý nghĩ rằng quý vị sẽ chưa chết là căn nguyên của sự sa đọa, và phương pháp chữa trị cho điều này chính là chánh niệm về cái chết, nguồn gốc của mọi điều thù thắng. Bởi thế, quý vị không nên nghĩ rằng việc thực tập này chỉ dành cho những người không có được lời huấn thị thâm diệu khác để trau dồi trong lúc thiền. Hay quý vị cũng không nên cho rằng mặc dù điều này này có giá trị cho sự thiền tập, quý vị chỉ nên trau dồi nó một ít vào thời điểm bắt đầu quá trình thiền định bởi vì nó không thích hợp cho tu tập tiếp theo. Trái lại, từ sâu thẳm con tim, quý vị phải kiên định rằng sự chánh niệm ấy cần thiết cho cả tiến trình từ ban đầu, trong khi và kết thúc thiền, và sau đó trau dồi điều đó trong quá trình thiền. [102]

3’ Loại quán niệm về cái chết mà quý vị cần phát triển

Đối với những ai chưa hề tu tập con đường này thì sự sợ hãi cái chết tự nó hiện ra như một nỗi lo lắng rằng họ sẽ phải rời xa những người thân của mình, v.v…. Sự bám víu mạnh mẽ của họ chính là nguyên nhân gây ra nỗi sợ này. Vì thế, đừng tiếp tục phát triển điều này ở đây. Vậy thì, quý vị nên phát triển điều gì? Dĩ nhiên, không có bộ phận nào trên cơ thể quý vị, cái mà quý vị chiếm giữ thông qua nghiệp và những phiền não, sẽ tồn tại trước cái chết. Nhưng, điều này có thể làm quý vị sợ hãi, quý vị không thể ngừng sợ hãi được. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên e sợ cái chết nếu quý vị không đảm bảo được hạnh phúc cho mình trong những kiếp sống tương lai bằng cách chấm dứt những nguyên nhân dẫn đến những giới khốn khổ và gieo nhân cho địa vị cao đẹp và những điều tốt lành khác. Nếu quý vị soi xét nỗi sợ của mình về điều này, thì quý vị hoàn toàn đủ năng lực để không phải sợ hãi vào thời điểm diễn ra cái chết bởi vì quý vị có thể làm những việc để đảm bảo hạnh phúc trong tương lai. Nếu quý vị không hành động những việc này, quý vị sẽ bị nỗi hối tiếc dày vò vào thời điểm cái chết đến, một cách khái quát, quý vị sợ hãi rằng mình sẽ không được giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử hay một cách cụ thể, quý vị sợ mình sẽ bị đọa vào cảnh giới đau khổ. Kinh Bổn Sanh[9] nói[10]:

Dù các ngươi có giữ nhanh thì các ngươi cũng không thể ở lại.
Điều gì lợi ích ở nơi đó
Ngoài sự kinh sợ và hãi hùng
Về những điều không thể thay đổi
Vì vậy, nếu các ngươi phân tích về bản chất của thế gian,
Con người hối tiếc trước cái chết vì họ đã phạm tội
Và không tạo được những đức hạnh.
Họ lo lắng về những đau khổ sẽ đến trong đời sống tương lai
Và nỗi sợ hãi cái chết đã phủ mờ tâm trí của họ.
Tuy nhiên, tôi không hề biết về bất cứ điều gì tôi đã làm
Sẽ khiến tôi hối tiếc,
Và tôi đã giúp bản thân quen với những hành động lương thiện
Vậy thì vì sao một người làm theo lời huấn thị lại phải sợ hãi cái chết?

Trong Tứ Bách Kệ Tụng:[11]

Những ai thấy chắc chắn rằng,

“Tôi sẽ chết”,

Từ bỏ được nỗi sợ hãi.

Vì vậy,

Làm sao họ có thể sợ hãi ngay cả khi tử thần đến? [103]

Do đó, khi quý vị liên tục quán chiếu về sự vô thường, quý vị nghĩ rằng “Chắc chắn tôi sẽ sớm lìa xa thân thể của tôi và mọi nguồn khác”, và quý vị chấm dứt lòng khát khao đã khiến mình hy vọng về việc không rời bỏ chúng. Kết quả là, quý vị sẽ không còn nỗi sợ hãi cái chết gây ra bởi sự đau buồn về việc rời bỏ.

4’ Làm thế nào để trau dồi chánh niệm về cái chết

Tu tập điều này thông qua ba căn nguyên, chín lý do, và ba quyết định. Ba căn nguyên là:

(1) Chết là điều chắc chắn

(2) Không thể biết rõ ràng về thời điểm chết

(3) Vào thời điểm diễn ra sự chết, không điều gì giúp ích được ngoài sự thực hành tu tập tôn giáo

a’’ Quán chiếu rằng cái chết là điều chắc chắn

Sự thiền về lẽ tất nhiên của cái chết bao gồm ba khía cạnh:

(1) Tử thần dứt khoát sẽ đến, và vì vậy không thể né tránh được;

(2) Cuộc đời của quý vị không thể kéo dài và dần dần suy giảm; và

(3) Khi quý vị còn sống, có rất ít thời gian để thực hành tu tập tôn giáo

1’’ Quán chiếu rằng Tử thầ(thn chết) dt khoát sẽ đến, và vì vậy không thể né tránh được

Bất kể khi sinh ra quý vị mang thân hình như thế nào, thì cái chết sẽ đến. Trong Tiểu Bộ Kinh[12]:

Nếu tất cả các vị Phật, các vị Bích Chi Phật và các đệ tử Thanh Văn,

Đều rời xa thân thể họ,

Thì có thể nói gì về thân phàm phu?

Bất kể quý vị ở đâu, thì cái chết sẽ đến. Trong tác phẩm cùng tên[13]:

Nơi sinh sống nào không bị cái chết ảnh hưởng –

Một nơi như thế không hề tồn tại.

Nơi ấy không tồn tại ở không trung, không tồn tại ở biển khơi,

Hay không tồn tại ngay khi các ngươi sống giữa vùng núi

Sự hủy hoại do cái chết của chúng sinh đang sống là như nhau ở bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ hay tương lai. Trong tác phẩm cùng tên:

Người khôn ngoan hiểu rằng

Tất cả những ai đã sinh ra cũng sẽ mất đi,

Rời bỏ thân này, và đi đến cuộc đời kế tiếp

Vì vậy, hãy tạo những nghiệp lành bằng cách tuân theo lời huấn thị.

Quý vị không thể thoát khỏi cái chết bằng việc trốn chạy, quý vị cũng không thể xua đuổi cái chết bằng những câu thần chú. Trong Gián Vương Kinh {Kinh Như Lai Thị Giáo Thắng Quân Vương}[14]:

Lấy ví dụ, bốn ngọn núi vĩ đại từ bốn hướng – rắn chắc, cứng cỏi, đặc ruột, không thể phá hủy, không thể làm hỏng, không khe nứt, vô cùng kiên cường và cùng hiệp thành một – vươn thẳng lên bầu trời và hủy hoại trái đất. [104] Tất cả cỏ cây, thân, cành, lá và tất cả chúng sinh, sự sống, và sinh vật đều bị nghiền thành tro bụi. Khi những ngọn núi này đến, thì không dễ dàng để trốn chạy nhanh chóng, hay xua đuổi chúng bằng vũ lực, của cải, những chất liệu ma thuật, Mật chú hay thuốc men. Đại Vương, ngài cũng vậy, bốn điều đáng sợ này đến, và không dễ dàng để trốn chạy nhanh chóng, hay xua đuổi chúng bằng vũ lực, của cải, những chất liệu ma thuật, Mật chú hay thuốc men. Bốn điều ấy là gì? Đó là tuổi già, bệnh tật, cái chết và sự suy tàn. Tâu Đại Vương, tuổi già đến và hủy hoại thời thanh niên, bệnh tật đến và hủy hoại sức khỏe, sự suy tàn đến và hủy hoại tất cả những điều thù thắng, và cái chết đến để hủy hoại cuộc sống. Thật không dễ dàng để trốn chạy nhanh chóng khỏi chúng, hay xua đuổi chúng bằng vũ lực, của cải, hay dập tắt chúng với chất liệu, Mật chú hay thuốc men.

Ga-ma-pa (Ka-ma-ba) nói rằng “Hiện giờ chúng ta nên sợ hãi cái chết. Đến thời điểm diễn ra cái chết chúng ta không nên sợ hãi. Nhưng chúng ta đang làm ngược lại – hiện tại chúng ta không sợ chết và đến thời điểm chết chúng ta lại đâm móng tay vào ngực mình”.

2’’ Quán niệm rằng cuộc đời của quý vị không thể kéo dài và dần dần suy giảm

Trong Kinh Nhập Thai[15]:

Hiện tại, nếu chúng ta bảo vệ tốt cơ thể để sống thoải mái, thì chúng ta sẽ thọ lâu nhất là một trăm năm hoặc hơn một chút.

Vì vậy, tuổi thọ tối đa không vượt qua con số này. Ngay cả khi có thể sống lâu, thì thời gian dẫn đến cái chết sẽ trôi qua rất nhanh. Một năm qua đi bởi nhiều tháng, tháng qua đi bởi nhiều ngày, ngày qua đi bởi ban ngày và ban đêm, tương tự như vậy đối với bình minh, v.v… Do đó, ít ai trong quý vị đạt được tuổi thọ một trăm năm như mong đợi, vì hầu hết quãng đời của quý vị dường như đã kết thúc, và những gì còn lại không thể kéo dài hơn thậm chí trong một khoảnh khắc [105]. Cuộc đời làm giảm đi ngày và đêm mà không hề có khoảng dừng. Trong tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận[16]:

Cuộc đời này dần dần mất đi
Cả ngày và đêm mà không dừng
Không gì có thể kéo dài thêm.
Vì sao cái chết lại không đến với một người như ta?

Hãy quán chiếu điều này qua nhiều ví dụ. Khi dệt vải, người dệt chỉ cần sử dụng một con thoi cho mỗi lần dệt, tuy vậy họ cũng nhanh chóng hoàn tất công việc. Khi những loài vật như con cừu bị đưa đến lò sát sinh, chúng ngày càng tiến gần đến cái chết trong từng bước đi. Nước bị cuốn đi bởi dòng chảy mạnh mẽ của sông hay nước ở thác trên dốc núi nhanh chóng trôi đi mất. Tương tự như những ví dụ này, cuộc đời quý vị sẽ trôi qua và mất đi nhanh chóng. Giống như khi những người chăn gia súc giơ gậy lùa, thì đàn thú nuôi buộc phải theo họ về nhà, vì vậy bệnh tật và tuổi già sẽ đưa quý vị đến nơi hiện diện của thần chết. Bằng cách này, hãy quán tưởng về lẽ tất nhiên của sự chết từ nhiều viễn cảnh. Trong Tiểu Bộ Kinh[17]:

Ví như khi dệt vải

Các ngươi hoàn tất việc

Do kết từng sợi vải

Thì đời người cũng thế.

Ví như thú giết thịt

Tiến gần lò sát sinh

Qua mỗi bước của mình,

Thì đời người cũng thế.

Như dòng nước chảy xiết

Không thể đảo ngược,

Thì đời người cũng thể

Không đảo ngược được đâu.

Đời khắc nghiệt, ngắn ngủi

Và đầy dẫy khổ đau.

Nó thật nhanh tàn lụi

Tựa như viết trên nước

Bằng một que củi kia.

Tựa đàn gia súc về

Người chăn dắt lùa gậy,

Bệnh tật và tuổi già

Đưa người đến thần chết.

Hơn nữa, kinh điển nói rằng những vị Đại Trưởng lão đã đi đến bờ sông và thiền, dạy rằng chính dòng nước chảy lăn tăn hữu ích cho việc quán tưởng về vô thường. Trong Phật Truyện Ký Kinh[18], sự vô thường cũng được nói đến qua nhiều ví dụ [106]:

Ba cõi thế gian đều vô thường tựa như áng mây mùa thu.

Sự sống chết của chúng sinh tựa như xem một vũ điệu.

Dòng đời như tia chớp giữa bầu trời;

Trôi đi thật nhanh, tựa dòng thác đổ.

Vì vậy, khi sự quán chiếu nội tâm mang lại ý thức vững vàng về vô thường, hãy quán tưởng vô thường bằng cách ứng dụng hiểu biết của quý vị về nó vào nhiều vấn đề, bởi vì tất cả mọi điều diễn ra xung quanh ta đều dạy về vô thường.

Sau khi liên tục quán tưởng điều này, quý vị sẽ đạt được tri thức vững vàng. Sẽ chẳng ích lợi gì nếu quý vị chỉ quán tưởng sơ sài và rồi cho rằng không có điều gì xảy ra. Ngài Ga-ma-pa đã nói: “Các ngươi cho rằng không có gì xảy ra khi các ngươi tư duy về vô thường, nhưng các ngươi đã thật sự quán chiếu vào lúc nào? Nếu đó là ban ngày, thì các ngươi thường xuyên bị phân tán, và nếu là ban đêm thì các ngươi đã ngủ rồi. Đừng nói dối như vậy!”

Vào cuối cuộc đời này, thần chết sẽ hủy hoại quý vị và quý vị sẽ bước vào thế giới tiếp theo. Cho đến thời điểm đó, sẽ không có khoảnh khắc nào mà cuộc đời của quý vị không bị suy giảm, bất kể quý vị đang đi đâu, dạo lòng vòng, hay nằm xuống. Vì vậy, bắt đầu từ thời điểm nhập thai, quý vị không thể dừng lại dù chỉ trong một khoảnh khắc mà luôn luôn tiến đến đời sống tiếp theo. Do đó, thậm chí cuộc sống bị can thiệp của quý vị hoàn toàn tiêu hủy trong một tiến trình đưa đến cái chết mà dẫn đầu là những sứ giả của bệnh tật và sự lão hóa. Cho nên, đừng hân hoan với ý nghĩ rằng khi còn sống, quý vị ổn định một nơi và không di chuyển đến kiếp sống tiếp theo. Lấy ví dụ, khi bị rơi xuống từ hẻm núi cao, thì khoảng thời gian ở trong không trung đến khi rơi xuống mặt đất không dễ chịu chút nào. Như lời trích dẫn của Nguyệt Xứng trong tác phẩm Tứ Bách Kệ Tụng (cātuḥ-śakaṭa-ṭīkā)[19]:

Này những con người anh hùng,

bắt đầu từ đêm đầu tiên

Nhập thai vào thế giới này

Người sẽ di chuyển hằng ngày, không hề trì hoãn

Để đến nơi Tử thần hiện diện

Trong tác phẩm T Ngộ Đoạn Diệt Truyện {Truyện Về Đoạn Diệt Bốn Sai Sót} (Catur-viparyaya-parihāra-kathā)[20]:

Liệu những ai từ đỉnh núi cao rơi xuống?

Có thấy chăng hạnh phúc giữa khoảng không đang hủy diệt?

Nếu họ luôn đuổi theo cái chết từ lúc sinh ra, [107]

Làm sao họ có thể tìm được hạnh phúc trong khoảng thời gian ấy?

Đoạn văn này ngụ ý rằng cái chết chắc chắn sẽ nhanh chóng đến với quý vị.

3’’ Quán niệm về sự chắc chắn của cái chết đến nỗi thậm chí khi còn sống, quý vị cũng có rất ít thời gian để thực hành tu tập

Thậm chí nếu quý vị có thể sống thọ được khoảng thời gian dài nhất như đã diễn giải ở trên, quý vị sẽ sai lầm khi nghĩ rằng mình có nhiều thời gian. Hầu hết cuộc đời của quý vị đã và đang bị lãng phí. Một nửa quãng đời dành cho việc ngủ, và rất nhiều khoảng thời gian tỉnh thức của quý vị bị hao phí cho những sự phân tán tư tưởng. Hơn thế nữa, khi tuổi trẻ tàn phai, thời điểm cho sự già nua sẽ đến. Sức mạnh của quý vị về thể chất lẫn tinh thần bị thoái hóa đến mức ngay cả nếu quý vị muốn thực hành tu tập, quý vị cũng không còn đủ khả năng làm được. Vì vậy, quý vị chỉ có một vài cơ hội ít ỏi để thực hành những lời giáo huấn. Kinh Nhập Thai nói rằng[21]:

Vả lại, một nửa thời gian của quãng đời một trăm năm dành cho việc ngủ. Mười năm trải qua thời thơ ấu. Hai mươi năm là của tuổi già. Sự phiền não, than van, nỗi đau đớn về thân xác, bực dọc về tinh thần, và sự lo âu đã chiếm hết thời gian. Hàng trăm loại bệnh tật khác nhau cũng tiêu tốn thời gian của các ngươi.

Trong phẩm T Ngộ Đoạn Diệt Truyện {Truyn Về Đoạn Diệt Bốn Sai Sót}[22]

Trong quãng đời một trăm năm này, ngay cả người thọ nhất cũng kết thúc cuộc đời trong vỏn vẹn một trăm năm. Trong số đó, khoảng thời gian khởi đầu của tuổi ấu thơ và kết thúc của tuổi già là hoàn toàn vô ích. Những điều như ngủ nghỉ và bệnh tật làm tiêu hủy mọi hy vọng về việc tu tập, không còn thời gian cho điều đó. Vậy thì còn lại bao nhiêu thời gian trong quãng đời của một chúng sinh để được sống hạnh phúc?

Hơn nữa, Chay-ga-wa nói rằng nếu trừ sáu mươi năm quý vị mất đi cho việc ăn mặc, ngủ nghỉ, và bệnh tật, thì thời gian còn lại quý vị dành để thực hành những lời giáo huấn là không quá năm năm.

Điều này có nghĩa là, những điều kỳ diệu của cuộc đời sẽ chỉ còn là ký ức vào thời điểm của cái chết, như thể quý vị tỉnh dậy và nhớ lại những trải nghiệm thú vị trong một giấc mơ. Hãy suy nghĩ xem: “Nếu kẻ thù của quý vị, cái chết, chắc chắn sẽ đến và không thể ngăn cản, thì vì sao tôi lại hân hoan trong những ảo tưởng về cuộc đời này?” [108] Sau đó hãy quyết tâm rằng quý vị phải thực hành lời giáo huấn và dành những sự phát nguyện thành tâm để thực hiện.

Trong Kinh Bổn Sanh {Túc Sinh Truyn Kinh}[23]:

Alas, này những người thế tục đầy khổ đau,

Ta không yêu thích những điều tạm bợ.

Đến cả đóa sen trắng lộng lẫy này

Rồi sẽ thành ký ức mà thôi.

Alas, thật đáng kinh ngạc rằng người không biết sợ,

Khi sống trong cảnh giới như thế này.

Người vui sướng và hành động không hề lo lắng

Dù Thần chết đã khóa kín mọi con đường.

Bởi vì người có những kẻ thù đầy quyền năng,

Hiểm nguy và không thể ngăn chặn

Đó là bệnh tật, tuổi già và sự chết,

Người hẳn phải đến nơi kinh khiếp trong kiếp sống tiếp kề.

Ta tự hỏi người chín chắn sẽ vui thích điều gì trong việc đấy?

Tương tự như vậy, trong tác phẩm Ka-nị-sắc Đại Vương Thư {Thư Gửi Vua Kaniṣka}(Māha-rāja-kaniṣka-lekha) [24]:

Sự nhẫn tâm của Thần chết,

Tiêu diệt chúng sinh đầy sức mạnh một cách vô tình

Khi sự tàn sát ấy chắc chắn đến,

Người khôn ngoan có thanh thản gì chăng?

Nên, khi kẻ chiến binh không khoan nhượng ấy

Chưa đốt cháy chiếc tên bất khả dừng

Mà chúng ta không thoát nổi

Thì hãy tự nỗ lực cho chính hạnh phúc của mình.

Hãy quán chiếu theo phương pháp này.

b’’ Quán niệm về thời điểm không chắc chắn của sự chết

Cái chết chắc chắn sẽ đến vào một thời điểm giữa ngày hôm nay và một trăm năm sau; nhưng quý vị không chắc chắn trong khoảng thời gian này nó sẽ đến vào ngày nào. Vì vậy, quý vị chẳng thể xác định được liệu rằng hôm nay mình sẽ chết hay không. Tuy nhiên, quý vị phải thừa nhận mình sẽ chết và nên nghĩ là “Tôi sẽ chết hôm nay”. Bởi vì, nếu quý vị không thừa nhận mình sẽ chết và nghĩ là “Hôm nay tôi sẽ không chết”, hay “Có lẽ hôm nay tôi chưa chết đâu”, thì quý vị sẽ tiếp tục dành những sự chuẩn bị để ở lại cuộc đời này mà không chuẩn bị cho kiếp sống tiếp theo của mình. Trong khi đó, quý vị sẽ bị Tử thần bắt đi, và rồi quý vị sẽ chết trong sự hối tiếc. Nếu mỗi ngày quý vị đều chuẩn bị cho cái chết, quý vị sẽ thành tựu được nhiều mục tiêu cho kiếp sống tiếp theo. Vì thế, ngay cả nếu hôm nay quý vị không chết thì trong tương lai quý vị sẽ hoàn thành điều này rất tốt. Nếu quý vị chết, thì điều đó thậm chí ý nghĩa hơn bởi quý vị đã thực hiện những việc mình cần phải làm. [109] Lấy ví dụ, khi chắc chắn rằng kẻ thù lớn sẽ đến và làm hại quý vị nghiêm trọng vào thời điểm giữa hiện tại và một lúc nào đó trong tương lai, nhưng quý vị không biết nó sẽ đến vào ngày nào, thì quý vị đều phải cẩn trọng từng ngày. Đó chính là như thế.

Nếu quý vị suy nghĩ từng ngày rằng “Hôm nay tôi sẽ chết”, hoặc ít nhất là “Có thể hôm nay tôi sẽ chết”, quý vị sẽ hành động tất cả những điều mang lại lợi ích cho kiếp sống tiếp theo mà mình sẽ đi tới, và quý vị sẽ không chuẩn bị để ở lại cuộc đời này. Nếu quý vị không tư duy như vậy, quý vị sẽ nhận thấy mình đang ở tại kiếp sống này, và quý vị tích trữ mọi thứ cho cuộc sống hiện tại thay vì vì sự lợi lạc cho kiếp sống tiếp theo. Ví như khi dự định ở lại nơi nào đó trong khoảng thời gian dài thì quý vị sẽ dành nhiều sự chuẩn bị để ở lại đó. Nếu quý vị nghĩ rằng quý vị sẽ không ở nơi đó, mà đi đến chỗ khác, quý vị sẽ chuẩn bị để rời khỏi. Vì thế, mỗi ngày quý vị phải tăng trưởng nhận thức rằng cái chết là điều nhất định sẽ đến bằng cách sau.

1’’ Quán niệm rằng kiếp sống trong thế giới này (Jambudvīpa {Diêm Phù Đề}) tht bấp bênh

Nói chung, tuổi thọ ở Bắc Câu Lư Châu là khá rõ ràng. Dù ở các châu khác bên cạnh Diêm Phù Đề và Bắc Câu Lư Châu, không hề có sự chắc chắn rằng liệu một người có thể hoàn thành trọn vẹn kiếp sống của chính mình hay không, nhưng phần nhiều có một tuổi thọ xác định. Tuổi thọ ở cõi Diêm Phù Đề vô cùng bất định, vào khoảng từ khởi đầu ngắn không thể đo đạc được, cho đến độ dài tối đa cuối cùng là mười năm. Xa hơn, quý vị có thể nhận thấy rằng không có gì chắc chắn về việc cái chết sẽ đến vào tuổi thanh niên, tuổi già hay vào khoảng giữa. Cùng trong nguồn cảm hứng ấy, tác phẩm Vi Diệu Pháp Báu Luận nói rằng[25]:

Tuổi thọ nơi đây thật bất định:

Vào lúc kết thúc chu trình, nó là mười năm;

Vào lúc khởi đầu, không thể đo được.

Trong tác phẩm Tiểu Bộ Kinh[26]:

Trong số chúng sinh mà ta gặp buổi sáng

Chiều đến ta không còn thấy một vài người

Trong số chúng sinh mà ta gặp buổi chiều nay

Sớm mai vài người ta không còn thấy nữa

Tương tự:

Khi rất nhiều đàn ông và phụ nữ

Và ngay cả những thanh niên qua đời,

Làm sao người tự tin để nói,

“Người ấy còn quá trẻ để chết đi”?

Một số người chết trong bụng mẹ,

Một vài người chết mới đẻ ra

Số kia chết ở lứa biết trườn

Số nữa chết khi vừa biết chạy.

Một số đã già, một vài trẻ

Số tuổi thanh niên, số tuổi chơi

Đều phải ra đi từng kẻ một,

Tựa trái chín kia phải rụng rời. [110]

Hãy ghi nhớ những trường hợp khi quý vị chứng kiến hoặc nghe tin về các vị đạo sư hay bạn bè đã đến đoạn cuối của kiếp sống nhưng lại ra đi mà chưa hoàn thành được những dự định, hay đột ngột qua đời bởi các nguyên do nội tại hoặc ngoại cảnh. Hãy nhận thức về cái chết, ngẫm nghĩ và ngẫm nghĩ rằng: “Mình cũng phải lệ thuộc vào cái chết như thế thôi”.

2’’ Quán chiếu rằng nguyên nhân của cái chết thì vô cùng và nguyên nhân cho sự sống thật ít ỏi

Nhiều chúng sinh hữu tình và những vật vô tri đã làm tổn hại cuộc sống này. Hãy nghĩ sâu sắc về nhiều loại tổn thương do con người và ma quỷ gây ra; bao nhiêu loài vật nguy hiểm gây tổn hại đến sự sống và tay chân; và tương tự, những điều tai hại thật lớn xảy ra bởi những chứng bệnh bên trong và các yếu tố ngoại cảnh. Hơn nữa, cơ thể của quý vị được cấu thành từ bốn yếu tố – đất, nước, lửa và gió – và ngay cả chúng sẽ gây nguy hiểm cho nhau nếu bị mất cân bằng. Khi một yếu tố nào đó dư thừa và các yếu tố kia thiếu hụt thì bệnh tật phát sinh, và cuộc đời của quý vị bị cướp đi. Do vậy, khi những điều nguy hiểm có mặt bên trong quý vị thì cơ thể và cuộc sống sẽ không được an toàn. Trong nguồn cảm hứng này, Kinh Đại Bát Niết Bàn[27]:

Ý niệm về cái chết là những kẻ thù đáng ghét đó luôn vây quanh cuộc đời này, hủy hoại cuộc sống trong từng khoảnh khắc. Không điều gì có thể kéo dài tuổi thọ của các ngươi.

Tương tự, trong tác phẩm Bảo Hành Vương Chính Luận {Tràng Hoa Qúy Báu} của Long Thọ[28]:

Các ngươi đứng giữa những nguyên nhân của cái chết

Như ngọn đèn hiu hắt đứng giữa cơn gió mạnh.

Thêm vào đó là tác phẩm Bằng Hữu Thư {Lá Thư Bằng Hữu} của Ngài[29]:

Cuộc đời vô thường hơn cả bong bóng nước

Bị đập vỡ bởi những làn gió hiểm nguy

Nên, ngươi có thể thở ra rồi hít vào

Hay thức dậy sau giấc ngủ – đã là những điều kỳ diệu.

Trong tác phẩm Tứ Bách Kệ Tụng[30]:

Khi Tứ Đại không đủ sức mạnh làm hại lẫn nhau,

Được gọi là hợp thể cân bằng, và sự hỷ lạc về thể chất xuất hiện

Nhưng thật hoàn toàn không hợp lý khi dành tên gọi “hỷ lạc”

Cho một hợp thể vốn xảy ra ngược lại.

Vì đây là thời điểm mà năm điều không thanh tịnh {ngũ chủng bất tịnh}[31] nhanh chóng lan tỏa nên rất ít người tích lũy được đại lực của những nghiệp lành, điều giúp cho tuổi thọ lâu dài. Tương tự, vì năng lực chữa bệnh của thực phẩm và v.v… mà ta dùng rất yếu, nên quý vị kém sức đề kháng bệnh tật. Thực phẩm dự trữ mà quý vị dùng không dễ dàng tiêu hóa và vì vậy, điều đó làm giảm khả năng thúc đẩy những thành tố tốt cho cơ thể. Hơn nữa, bởi vì quý vị rất ít làm những việc tích lũy công đức và những việc sai trái của quý vị lại đầy sức mạnh, nên những việc thực hành như tụng đọc Mật chú rất ít công hiệu. Tất cả những điều này khiến cho việc kéo dài tuổi thọ của quý vị vô cùng khó khăn.

Hơn nữa, không có nguyên nhân nào để sống còn lại không trở thành nguyên nhân của cái chết. Nói cách khác, quý vị tìm kiếm những điều như thức ăn và nước uống, chỗ nương náu và bằng hữu để không phải chết đi, nhưng thậm chí những điều này có thể trở thành nguyên nhân cho cái chết. Ví dụ như quý vị có thể ăn nhầm thực phẩm hoặc uống nhầm nước, hoặc tiêu thụ quá nhiều hay quá ít. Nơi ở của quý vị có thể bị sập đổ, hoặc bạn hữu có thể lừa dối quý vị. Vì vậy, rõ ràng là không có nguyên nhân nào để sống còn lại không thể trở thành nguyên nhân của sự chết. Bởi vì bản thân cuộc đời luôn di chuyển về phía cái chết, nên những điều kiện phục vụ cuộc sống không mang lại sự an toàn cho dù chúng có nhiều vô số. Trong tác phẩm Bảo Hành Vương Chính Luận[32]:

Nguyên nhân của cái chết thì nhiều

Nguyên nhân cho sự sống lại ít ỏi

Chúng cũng thành nguyên nhân gây cái chết

Nên hãy luôn thực hành lời huấn thị.

3’’ Quán niệm rằng thời điểm diễn ra cái chết là không chắc chắn bởi cơ thể con người rất mong manh

Thân thể quý vị thật mong manh như một bong bóng nước. Vì vậy, việc tiêu hủy nó không gây ra nhiều thiệt hại. Cuộc đời của quý vị có thể bị lấy đi bởi những điều mà quý vị chỉ tưởng tượng rằng nó có hại, như thể bị một cái gai châm chích. Do đó, quý vị sẽ dễ dàng bị bất kỳ nguyên nhân nào của cái chết đánh bại. Trong tác phẩm Bằng Hữu Thư[33] [112]:

Nếu ngay cả tro tàn cũng không còn lại khi thế giới vật chất

Trái đất, núi Tu-di, và biển cả

Bị bảy vầng thái dương nóng rực đốt cháy tan,

Liệu có cần đề cập đến con người, vốn tạm bợ mong manh?

Sau khi quán chiếu theo cách này, quý vị nên quyết tâm rằng bởi vì không có gì chắc chắn về thời điểm thần chết sẽ hủy hoại cơ thể và cuộc sống của quý vị, nên quý vị sẽ thực hành giáo huấn ngay bây giờ, và không còn tự cho rằng mình vẫn còn thời gian. Hãy cam kết điều này nhiều lần từ sâu thẳm con tim quý vị. Trong tác phẩm Ka-nị-sắc Đại Vương Thư {Thư Gửi Vua Kaniṣka) [34]:

Thần chết không là

bằng hữu của ai,

Đột ngột tấn công.

Nên đừng chờ đợi

Để mà nói rằng

“Để đến ngày mai

Tôi làm điều đó”.

Hãy nên nhanh chóng

Thực hành lời dạy

Siêu tuyệt thâm sâu.

Thật là không hay

Người ta nói rằng,

“Tôi hoãn việc kia

Đến ngày mai làm

việc của hôm nay”

Rồi ngày mai đến,

Ngươi phải ra đi

Chắc chắn sẽ đến.

Hơn nữa, vua của các nhà du-già, śrī Jagata mitrananda {tên dịch nghĩa Thượng sư Toàn Hữu Lạc} trong tác phẩm Nguyt Vương Thưnói rằng[35]:

Này vị vua thế gian,

Khi thân vay mượn này

Vẫn hãy còn khỏe mạnh,

Chưa bệnh tật yếu suy,

Hãy tận dụng thân kia

Một cách thật hữu ích,

Hãy hành động để dứt

Nỗi sợ hãi của người

Về bệnh,chết, hư hoại.

Khi bệnh, chết, suy tàn,

Và tương tự xảy ra,

Có lẽ người nhớ đến

Việc thực hành tu tập,

Nhưng rồi điều chi nữa

Có thể làm được đây?

Quán niệm về thời điểm bất định của cái chết là một trong ba điều căn bản quan trọng nhất. Đây chính là điều sẽ tái định hướng tâm trí của quý vị, vì vậy hãy thật nỗ lực cho việc ấy.

c’’ Quán niệm rằng vào thời điểm diễn ra cái chết, không điều gì có thể giúp đỡ cho quý vị ngoài sự thực hành tôn giáo

1’’ Bạn hữu sẽ không giúp được

Khi quý vị nhận thấy mình phải đi đến kiếp sống tiếp theo, bất kể có nhiều người thân và bạn hữu lo lắng, yêu thương và ở xung quanh quý vị vào thời điểm ấy, thì quý vị cũng không thể mang một ai đi cùng với mình.

2’’ Vật chất sẽ không giúp được

Bất kể quý vị có hàng đống trang sức đẹp đẽ như thế nào thì quý vị cũng không thể mang theo dù chỉ một món đồ nhỏ.

3’’ Thân thể quý vị sẽ không giúp được

Bởi vì quý vị phải vứt bỏ ngay cả thịt xương mình mà quý vị đã được sinh ra cùng nó, thì liệu có cần đề cập điều gì khác nữa không?

Vì vậy, hãy nghĩ rằng: “Điều tất nhiên xảy ra là mọi thứ tuyệt vời trên thế gian này sẽ rời bỏ tôi; Tôi cũng phải bỏ chúng lại phía sau, và đi tới một thế giới khác. Thật vậy, hôm nay điều ấy sẽ xảy ra!”. [113] Quán niệm rằng bằng cách nào, để ở thời điểm của cái chết, chỉ có sự thực hành tôn giáo sẽ là nơi nương tựa, là sự bảo vệ và phòng hộ cho quý vị. Trong tác phẩm Ka-nị-sắc Đại Vương Thư {Thư Gửi Vua Kaniṣka) [36]:

Khi nghiệp quá khứ đã tạo nên kiếp sống này

Trôi qua,

Và các ngươi được kết nối bởi tạo nghiệp mới

Và được thần chết dẫn dắt đi,

Thì mọi người đều quay trở về.

Ngoại trừ công đức và tội lỗi của các ngươi,

Thì không điều gì sẽ đi theo các ngươi được.

Hãy hiểu điều này và thực hành thật tốt.

Tương tự, Sri Jagata-mitrananda nói rằng[37]:

Thánh Vương, bất kể người đã đạt giàu sang đến mức nào,

Khi người khởi hành đến kiếp sống khác,

Như chiến binh đại bại trên sa mạc,

Người cô độc không con trẻ vợ hiền,

Không bằng hữu, và cũng không y phục

Không vương quốc, không cung điện nguy nga.

Dù quyền lực và đội quân bất bại,

Thì người cũng không nghe hay thấy họ.

Rút cuộc không một người hay một vật

Sẽ đi theo người.

Tóm lại, nếu cái tên người cũng thiếu,

Liệu cần nói về điều gì nữa không?

Hãy cố gắng đạt đến hạnh phúc vĩnh cữu cho những kiếp sống tiếp theo của quý vị bằng việc quán niệm về cái chết theo cách này, quán chiếu về sự an lạc và thuận duyên quan trọng, khó đạt được, và dễ dàng đánh mất như thế nào bất kể quý vị phải khó khăn để nhận về. Nếu thay vào đó, quý vị chỉ đi tìm kiếm niềm vui và né tránh né đau khổ cho đến thời điểm chết, thì quý vị sẽ cần tham dự một khóa học về đạo hạnh để vượt qua hành vi của loài vật, bởi vì những con vật giỏi hơn loài người trong việc tìm những niềm vui tạm thời. Nếu không, dù quý vị có đạt được một cuộc sống trong cảnh giới hạnh phúc, điều đó cũng vô nghĩa như là quý vị không có mà thôi. Bởi vì, như trong tác phẩm “Nhập Bồ-đề Hành Luận” nói rằng[38]:

Những người bị nghiệp xấu hành hạ,

Đã lãng phí sự an lạc và cơ duyên tuyệt vời thật khó đạt

Để tìm lấy những điều vặt vãnh

Những điều không hiếm hoi mà ngay cả loài vật cũng có được.

Vì vậy, dù rằng thật khó khăn trong việc sinh khởi chánh niệm về cái chết, quý vị vẫn phải thực hiện vì đó là nền tảng cho con đường giác ngộ. Bo-do-wa đã nói rằng:

Đối với tôi: “sự trình hiện và loại trừ” [39] chính là phương pháp thiền của tôi về vô thường. [114] Với cách đó, tôi gạt ra tất cả những trình hiện trong cuộc đời này như bạn bè, người thân họ hàng, và tài sản sở hữu. Sau đó, nhận thức rằng tôi luôn phải một mình đi đến kiếp sống tiếp theo mà không mang gì bên mình, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không làm điều gì ngoài tu tập tôn giáo. Từ đó, cuộc sống không dính mắc bắt đầu. Trước khi điều này sinh khởi được trong tâm trí các ngươi thì con đường thực tập những lời huấn thị vẫn còn đóng kín.

Tương tự, ngài Dōl-wa nói rằng:

Đi theo con đường này, hãy tích lũy những sự góp nhặt tri thức và thanh lọc những ngăn trở. Hãy gửi lời thỉnh cầu đến đức Phật và đạo sư. Hãy quán niệm một cách thiết tha với sự kiên trì bền chí. Nếu các ngươi thực hiện những điều này, cho dù các ngươi có thể nghĩ rằng tri thức ấy không nảy sinh thậm chí trong một trăm năm nữa, thì nó vẫn sẽ sinh khởi bằng cách nào đó bởi vì không một pháp cấu hợp nào giữ nguyên như ban đầu.

Khi có người hỏi ngài Ga-ma-pa về việc thay đổi đối tượng thiền, ngài bảo vẫn sử dụng lại cùng một đối tượng ấy. Khi có người hỏi ngài về điều gì sẽ đến tiếp theo, ngài bảo: “Không có điều gì nữa”[40].

Điều này nghĩa là nếu trong trường hợp tâm thức của quý vị thúch hợp, hãy thiền về những điều tôi đã giải thích bên trên[41]. Nếu tâm không hợp, hãy nắm bắt bất cứ điều gì thích hợp trong số chín nguyên nhân và ba căn nguyên. Hãy quán chiếu lặp lại nhiều lần cho đến khi quý vị xoay chuyển được tâm thức khỏi những hoạt động trong cuộc sống, như thể tô điểm cho chính quý vị trong quá trình dẫn đến nền tảng của sự thực tập.

Bất kể những lời huấn thị phụ thuộc vào vị đạo sư, sự an lạc và thuận cảnh, và sự vô thường có thể xảy ra ngay trong lời dạy của đức Phật và những luận giải, hãy nhận biết rằng những điều này cần phải được thực tập và duy trì bằng thiền. Nếu thực hiện như vậy, quý vị sẽ dễ dàng nhận thấy mục tiêu của Bậc Điều Ngự. Hãy hiểu biết rằng quý vị cũng phải tiến lên theo phương pháp này trong bối cảnh của những lời huấn thị khác.

Mục lục | Trang sau |

[1]BA240 Đó là năm loại trọng tội kế sau tội ngũ nghịch: (1) Loạn luân với mẹ mình nếu bà ấy là một A-la-hán; (2) Giết một vị Bồ-tát; (3) hay giết một vị tôn giả theo lộ trình thiền Tiểu thừa; (4) trộm cắp các tài nguyên, nguồn lợi của cộng đồng; và (5) thù hận, phá hủy một ngôi chùa hay một bảo tháp.

[2]Địa vị cao đẹp ở đây chính là việc sinh ra làm người hay làm một vị trời.

[3]BA241 Cś: 1.1; P5246:131.2.3-5.

[4]BA242 BCA: 2.34; P5272: 246.3.4.

[5]Theo bản kinh Tạng ngữ cùng tên chương 3 Phẩm Ai Thán – rất tiếc không tìm thấy đầy đủ trong các bản dịch Việt cùng phẩm này, tất cả đều thiếu mất một câu trong các mùa thu hoạch, thì vụ gặt mùa thu là quan trọng nhất.

[6] BA243 ‘Phags pa yongs su mya ngan las ‘das pa chen po’i mdo, P787:147.3.5,147.3.7-8

[7]BA244 Ud: 18.19; P992: 95.5.7-8.

[8]BA245 Ibid.: 1.27; P992: 90.1.2-3. Thay vì lus in line 3, Bernhard 1965 đọc là ‘jig rten. lib. Jm: 31.60-62; P5650: 58.1.2-6.

[9]Hay Túc Sinh Truyện Kinh, Jàtakamàlà còn có tên gọi khác là Bodhisattva Avadànamàlà.

[10]BA246 Jm: 31.60-62; P5650: 58.1.2-6.

[11]BA247 Cś: 1.25; P5246:133.3.4-5.

[12]BA248 Ud: 1.25; P992: 90.1.1-2. Kệ này trích trong bản skt. của Bernhard.

[13]BA249 Ibid.: 1.26-27 (1.25-26 Bản của Bernhard); P992: 90.1.2-3.

[14]BA250 Ārya-rājavavādaka-nāma-mahāyānā-sūtra, trích dẫn trong Vaidya 1960b: 114;P887:79.5.4-80.1.2.

[15]BA251 Garbhāvakrānti-sūtra P760:108.4.7-8.

[16]BA252 BCA: 2.40; P5272: 246.3.7-8.

[17]BA253 Ud: 1.13-17; P992: 89.5.1-4.

[18]BA254 Ārya-lalita-vistara-nāma-mahāyānā-sūtra Vaidya 1958:13.70; P763:195.1.6.

[19]BA255 Bodhisattva-yogā-caryā-Catuḥ-śataka-ṭīkā P5266: 184.5.2-3.

[20]BA256 Catur-viparyaya-[parihāra]-kathā P5669: 213.3.2-3. Theo danh mục P thì tác giả là Matricitra.

[21]BA257 Garbhāvakrānti-sūtra P760:108.4.7-8. Dường như Tsongkhapa dùng bản dịch khác cho đoạn này.

[22]BA258 Catur-viparyaya-[parihāra]-kathā P5669: 213.4.2-3.

[23]BA259 Jm: 32.7-9; P5650: 59.5.7-60.1.2.

[24]BA260 Māha-rāja-kaniṣka-lekha P5411: 221.1.5-7. Tác giả theo danh mục của P. là Māticitra.

[25]BA261 AK: 3.78cd; P5590:120.2.5.

[26]BA262 Ud: 1.7-10; P992: 89.4.6-8.

[27]BA262 Ud: 1.7-10; P992: 89.4.6-8.

[28]BA263 Rāja-parikathā-[mala]ratnāvalī (Ra): 4.17; P5658,179.5.2.

[29]BA264 Suhṛl-lekha57; P5682: 236.4.5-6.

[30]BA265 Cś: 2.41; P5246: 133.4.7.

[31]BA266 Năm bất tịnh (snyigs ma Inga) là các bất tịnh về (1) chúng sinh, (2) phiền não, (3) các ngã, (4) quan điểm triết học và (5) các nguồn tài nguyên.

[32]BA267 Ra: 3.79; P5658: 179.1.5.

[33]BA268 Suhṛl-lekha57; P5682: 236.4.5-6.

[34]BA269 Māha-rāja-kaniṣka-lekha P5411: 221.1.4-5.

[35]BA270 Candra-rajā-lekha (Thư gửi cho Nguyệt Vương), P5689: 251.2.2-4. Danh mục P liệt kê tác giả là Jagata-mitrānanda.

[36]BA271 Māha-rāja-kaniṣka-lekha T54U: 242.4.8-242.5.2.

[37]BA272 Candra-rajā-lekha P5689: 251.4.8-251.5.2.

[38]BA273 BCA: 8.81; P5272: 256.2.2-3.

[39]BA274 Ba-so-chos-kyi-rgyal-mtshan, mChan: 223.6, cho rằng po-to-wa được hỏi một cách nhún nhường bởi một triết gia: có khẳng địnnh gì về hệ thống của ông trong mối liên hệ đến sự trình hiện và sự loại trừ cũng như là các hiện tượng tích cực và tiêu cực. Ngài đã khéo léo trả lời qua việc dùng thuật ngữ trong khuôn khổ kinh nghiệm về tôn giáo của mình, hơn là trong khuôn khổ bàn luận triết lý. Việc chơi chữ của ông ta về các thuật ngữ trình hiện và loại trừ thật rõ ràng trong bản dịch, nhưng không được rõ cho các hiện tượng tích cực (sgrub pa) và tiêu cực (sgrub pa), ông dùng từ ngữ cho hiện tượng tiêu cực để tạo thành một lối chơi chữ qua việc sử dụng từ có âm tương tự vốn nghĩa là “ngăn trở” (‘gags pa).

[40]BA275 Locho Rimbochay nói rằng hai điều này hoán đổi nhau nghĩa là quý vị phải ở lại với một đối tượng thiền.

[41]BA276 Locho Rimbochay chú giải rằng điều này nghĩa là sự thông tuệ của quý vị đủ rõ để quán chiếu lên điều đã được giải thích trên.

Hits: 490

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10