ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1 – (Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Tác giả: Tsongkhapa
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
| Mục lục |
Chương 1: Atiśa[1]
Mục lục chương 1:
Ở đây là một trong những chương đầu nên chưa đưa hết vào các từ vựng Phật học và sẽ dẫn nhập theo thời gian
1. Chỉ ra sự vĩ đại của tác giả của giáo pháp này để xác lập rằng giáo pháp đó là nguồn chánh pháp {quyền năng}:
A. Tái sinh trong một dòng dõi quý tộc
B. Đạt được các phẩm hạnh cao quý.
1. Qua học hỏi nhiều kinh văn đạt được tri kiến trác tuyệt
2. Đạt phẩm hạnh thâm sâu về tri kiến chứng nghiệm từ việc thực hành đúng.
a. Ngài Atiśa thành tựu trong rèn luyện giới luật
1) Giữ gìn các thệ nguyện tối cao về việc giải thoát cá nhân[2]
2) Giữ gìn Bồ-tát giới[3]
3) Giữ gìn các thệ nguyện Kim Cương thừa
b. Ngài Atiśa thành tựu trong tu tập thiền định
1) Rèn luyện định lực theo kinh điển và mật điển thông thường
2) Rèn luyện các định lực siêu việt
c. Ngài Atiśa thành tựu trong rèn luyện trí huệ
1) Rèn luyện trí huệ thông thường
2) Rèn luyện Trí huệ siêu việt
C. Sau khi có được các phẩm hạnh cao quý, ngài Atiśa đã tiếp tục hoằng hóa
1. Hành trạng tại Ấn
2. Hành trạng tại Tây Tạng
***************
I. Chỉ ra sự vĩ đại về giáo pháp của tác giả để xác lập rằng đó là nguồn chánh pháp {quyền năng}:
Những huấn thị này một cách tổng quát là từ Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Abhisamayālaṇkāra)[4] được soạn thảo bởi đức Di Lặc. Riêng, nội dung của luận này là từ tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận
(Bodhi-patha-pradipa)[5] của Atiśa; do đó, tác giả của Bồ-đề Đạo Đăng Luận cũng chính là tác giả của bản [luận] này[6].
Tên khác của Atiśa tuyệt vời là đại sư dīpaṅkaraśrījñāna.
A. Tái sinh trong một dòng dõi quý tộc
Như đã được nhắc đến trong bài kệ Bát Thập Kệ Tụng (bsTod pa brgyad cu pa) viết bởi đại dịch giả Nag-tso (Nag-tsho)[7]
Ở Za-hor (nay là Bengal) thuộc phía đông Ấn độ,
Có một thành phố lớn là Vikramanipūra.
Đóng tại trung tâm thành phố là cung điện nguy nga
Của Hoàng gia với tên Kim Thắng Phướng
Với tài nguyên, sức mạnh và sự thịnh vượng
không thua kém vương triều của Trung Hoa ở phương đông.[8]
Vua của xứ này là Kalyanaśri
Và hoàng hậu Śriprabhā
Có ba hoàng tử là Padmagarbha,
Candragarbha, và Śrigarbha.
Hoàng thái tử, Padmagarbha có năm hoàng thái phi và chín người con trai.
Con trai cả của ông, Puņyaśri,
Là một học giả vỹ đại thời bấy giờ
Thường được biết đến qua tên gọi Dhanaśri[9].
Người con út, Ṥrigarbha, tức là sư viryācandra.
Người con giữa, Candragarbha là đạo sư[10] tức tôn sư [Atiśa].
B. Đạt được các phẩm hạnh cao quý.
Việc ngài đạt đến các phẩm hạnh cao quý được giải thích trong 2 phần:
1. Bằng cách hiểu biết nhiều về các kinh văn, ngài đạt đến tri kiến sâu sắc về kinh điển.
2. Qua việc tiến hành tu tập đúng đắn, ngài chứng nghiệm được các phẩm chất cao quý về tri kiến chứng nghiệm.
1. Bằng cách hiểu biết nhiều về các kinh văn, ngài đạt đến tri kiến trác tuyệt về kinh điển
Trong Bát Thập Kệ Tụng của Nag-tsho có viết: [11]
Vào tuổi hai mươi mốt,
Người đã tinh thông sáu mươi bốn bộ môn[12].
Tất cả các loại hình công nghệ,
Phạn ngữ và toàn bộ triết học.
Như khẳng định ở đây, vào thời điểm hai mươi mốt tuổi, ngài đã trở thành một học giả trưởng thành sau việc rèn luyện trong các đề tài về kiến thức chung trong và ngoài Phật giáo, bốn loại kiến thức về văn phạm, lý luận, các kỹ năng, và y học.[13] [5] Đặc biệt hơn, Dro-lung-ba đệ nhất (Gro-lung-pa) kể rằng vào tuổi mười lăm, sau một lần nghe qua Chính Lý Nhất Đích Luận[14] của Nguyệt Xứng, Atiśa đã tranh luận với một học giả luận lý học phi Phật giáo nổi tiếng và đã đánh bại người này, bởi đó danh tiếng của ngài lan rộng khắp nơi.
Sau đó, ngài nhận điểm đạo trọn vẹn từ đạo sư Rāhulagupta, vị tổ thiền quán của Hắc Sơn Tự[15], người đã mục quán được Hevajra[16] và nhận được lời tiên tri từ Vajraḍākini[17]. Ngài đã được đặt pháp danh Mật thừa là Jñānaguhyavajra. Bằng sự rèn luyện trong suốt hai mươi chín năm trong Kim Cương Thừa với nhiều đạo sư, ngài đã đạt tới các thành tựu tinh thần và trở nên thiện xảo trong tất cả các mật điển và các giáo huấn. Khi ý tưởng “ta một mình thiện xảo trong Mật chú thừa”[18] nảy lên với ngài thì lòng tự hào đó đã bị khuất phục bởi các Không hành nữ[19] trong một giấc mơ khiến ngài thấy khối lượng lớn về lộ trình Mật chú mà ngài chưa bao giờ được biết trước đó.
Sau đó, các đạo sư và các giác thể[20] được ủy thác hoặc trực tiếp hoặc trong mơ thúc giục ngài xuất gia, bảo rằng làm thế sẽ mang lại ích to tát cho giáo pháp và cho chúng sinh. Theo lời khẩn hoản của họ, ngài đã xuất gia, nhận lễ thọ cụ túc giới[21] từ một trụ trì đã đạt mức chứng nghiệm được thực tại[22] qua thiền định đạt đến lộ trình chuẩn bị[23]. Vị Trụ trì này tên Śilarakṣita[24], là một trưởng lão của Đại chúng bộ[25] là một cột trụ lớn về kinh văn của luật tạng. Như phát biểu trong Bát Thập Kệ Tụng, trụ trì của ngài đã được mọi người biết đến như là người đã đạt tới lộ trình chuẩn bị” [26] Xa hơn nữa, Atiśa đã được đặt pháp danh là Śri Dipaṃkarajñāna[27].
Cho đến tuổi ba mươi mốt, Atiśa đã tu học qua tập hợp các kinh luận ở các trình độ cao và thấp trong nội dung triết lý truyền thống Phật giáo. Đặc biệt tại O-tan-ta-pῡ-ri[28], Ngài tu học ở đó trong mười hai năm với vị đạo sư là Dharmarakṣita[29] về Đại Tì-bà-sa Luận[30]. Qua việc thông tuệ các kinh luận của bốn truyền thừa[31], ngài phân biệt và không nhầm lẫn cho đến từng chi tiết nhỏ nhất giữa các trường phái này về các ứng xử nào nên được tiếp thu và nên tránh trong các giới luật như là những phương thức để bố thí và thọ thực. [6]
Do vậy, thông hiểu qua lượng giáo pháp nhiều tựa biển của truyền thống riêng và của các truyền thống khác, ngài đạt đến chính kiến về tất cả các mấu chốt của giáo pháp kinh điển.
2. Qua việc tiến hành tu tập đúng đắn, ngài chứng nghiệm được các phẩm chất cao quý về tri kiến chứng ngộ.
Một cách tổng quát có Tam Tạng kinh điển[32] quý báu bao gồm tất cả các giáo pháp của đức Tối Thắng[33]. Giống như là việc tất cả các giáo pháp của kinh điển được chứa trong Tam tạng thì tất cả các giáo pháp như khi được chứng nghiệm gọi là Pháp của giác ngộ được bao gồm trong Tam học[34] [đoạn này LD dịch từ Sopa trang 38 vì bản chính viết không rõ nghĩa]Với mối quan hệ như thế, các kinh văn và các chú giải của giáo pháp đề cao việc tu tập giới luật như là một cơ sở cho tất cả các phẩm chất tốt đẹp như là các tu tập trong định và tuệ. Do đó, ngay từ khởi đầu các thiện tri thức cần phải có những phẩm chất tốt của tri kiến đến được từ khung cảnh của việc rèn luyện giới luật.
a. Ngài Atiśa thành tựu rèn luyện giới luật[35]
Việc ngài Atiśa thành tựu rèn luyện giới luật được giải thích trong mối quan hệ đến 3 khía cạnh:
- Các thệ nguyện tối cao cho việc giải thoát cá nhân
- Giới nguyện Bồ-tát
- Giới nguyện Kim Cương thừa
1) Giữ gìn các thệ nguyện tối cao về giải thoát cá nhân
Trong Bát Thập Kệ Tụng, Nag-tso viết:[36]
Con cúi đầu trước trưởng lão trì giữ các giới luật,
Các tăng sĩ tối cao, thành tựu trong các hạnh nghiệp cao quý
Ngài, đã bước vào ngưỡng cửa Thanh Văn[37] thừa
Bảo tồn giới hạnh tựa bò-tót[38] giữ đuôi.
Bò-tót thật luyến chấp các sợi lông đuôi của nó đến nổi lỡ khi một cọng lông vướng vào trong bụi cây, thì nó có thể bất chấp tính mạng nhằm bảo đảm không để mất cọng lông nào ngay cả khi nó có thể bị giết bởi người thợ săn. Cũng như thế, sau khi nhận đủ các hạnh nguyện tu sĩ, không phải chỉ với các giới điều trọng yếu mà dù chỉ với những chi tiết nhỏ, ngài đã dám liều thân để gìn giữ. Do đó, như có nêu trong Bát Thập Kệ Tụng, ngài là một trưởng lão trì giữ các giới luật.
2) Atiśa thành tựu trì giữ các giới nguyện Bồ-tát
Trong Bát Thập Kệ Tụng có nêu:[39]
Ngài, đã bước vào ngưỡng cửa Bát-nhã thừa
Phát triển một giải pháp toàn tâm thuần khiết và dựa trên tâm giác ngộ, ngài
không bỏ rơi các chúng sinh
Con cúi đầu trước ngài, đấng trí huệ và từ bi.
Cho nên, điều đó nói lên rằng ngài đã tu tập nhiều giáo pháp để phát triển tâm thức của giác ngộ, có gốc rễ từ yêu thương và bi mẫn. Đặc biệt, nhờ vào ngài Ser-ling-pa (gSer-gling-pa)[40], ngài đã tu tập trong thời gian dài giáo pháp được chuyển xuống từ Bồ-tát Di lặc và Văn-thù-sư-lợi cho đến Vô Trước và Tịch Thiên một cách tương ứng. [7]
Qua đó, như trong Bát Thập Kệ Tụng có nêu: [41]
Người gạt một bên quyền lợi riêng mình và nhận lấy
gánh nặng từ lợi ích của tha nhân[42] chính là đạo sư của con [Atiśa]
Khởi lên trong tim ngài là tâm thức của giác ngộ chắt chiu cho tha nhân hơn cho chính mình. Tâm nguyện đó trong ngài bao gồm tâm thức của giác ngộ {Bồ-đề tâm (tib. བྱང་ཀྱི་སེམས་)} đã phải được thực thi. Sau đó, ngài tu học các pháp nhằm theo đuổi các hứa nguyện của ngài để rèn luyện trong các đợt sóng vĩ đại của các nguyện ước Bồ-tát, và với những hành vi thiện đức đó, ngài không bao giờ vi phạm các giới luật của các con Phật[43].
3) Atiśa thành tựu trì giữ các giới nguyện Kim Cương thừa
Bát Thập Kệ Tụng có ghi:[44]
Đã bước qua ngưỡng của Kim cương thừa,
Ngài tự quán mình là một giác thể và đạt được Tâm Kim cương[45]
Thiền Vương, Avadhūtipa[46],
Con cúi đầu trước ngài người tiến hành các tu tập Mật.
Nag-tso biểu lộ một xưng tụng chung, gọi Atiśa là Du-già vương do ngài đạt được mức tập trung của giai đoạn tổng quát, trong đó ngài xem thân mình như là một giác thể, và sự thiền định của giai đoạn hoàn tất, theo đó ngài đạt tới trạng thái kim cương của tâm thức. Đặc biệt, trong khía cạnh về việc bảo đảm các thệ nguyện và không vi phạm các luật Mật thừa, thì Bát Thập Kệ Tụng có nêu[47]:
Vì ngài luôn toàn tâm và tỉnh thức,
Ngài không còn những ý tưởng vô hạnh
Tế nhị và cảnh giác, không mánh khóe không đòi hỏi,
Ngài không nhiễm uế bởi những sai phạm.
Do vậy, Atiśa không chỉ dũng cảm trong việc hứa hẹn tu tập các giới luật của cả ba cấp độ[48] mà còn bảo trì các giới luật đó bằng cách giữ gìn các tuyên hứa và không vi phạm các giới hạn của các giới luật. Ngay cả với vi phạm nhỏ nhặt, ngài lập tức gột rửa sai sót đó bằng nghi thức thích hợp để phục hồi lời nguyện. Biết rằng bản tiểu sử này làm hoan hỷ các học giả hiểu biết về các điểm mấu chốt của kinh điển; nêu gương cho họ. [8]
b. Atiśa thành tựu tu tập thiền định
1) Rèn luyện định lực theo kinh điển và mật điển thông thường
Tâm thức ngài trở nên hoạt dụng trong thiền định
2) Rèn luyện các định lực siêu việt
Ngài đạt tới một sự an trụ cao trong giai đoạn tổng quát bởi do đã thực hành các công năng thâm diệu trong sáu hay ba năm[49]. Thời đó, sau khi nghe các bản nhạc mật điển được hát bởi các Không hành nữ tại Oḍḍiyāna, ngài ghi nhớ chúng.
c. Ngài Atiśa thành tựu trong rèn luyện trí huệ
1) Rèn luyện trí huệ thông thường
Ngài đạt đến một tuệ giác hợp nhất giữa thiền định và trí huệ
2) Rèn luyện trí huệ siêu việt
Ngài đạt tới một định lực đặc biệt của giai đoạn hoàn tất. Bát Thập Kệ Tụng viết:
Rõ ràng ngài thành tựu lộ trình chuẩn bị
Theo đúng với kinh điển mật chú thừa
c. Sau khi có được các phẩm hạnh cao quý, ngài Atiśa đã tiếp tục hoằng hóa
1. Hành trạng tại Ấn-độ
Trong cung điện về đại giác ngộ ở Bodh-gaya[50], ngài duy tôn Phật pháp ba lần bằng cách sử dụng các giáo pháp để đánh bại giáo lý của các triết gia ngoài Phật giáo. Với sự tôn trọng đến các giáo phái Phật giáo cao lẫn thấp, ngài đã thuyết giảng sâu hơn thông qua việc dọn sạch những sai lạc của vô minh, những tà kiến, và những nghi ngờ. Vậy nên các giáo phái không cùng hệ phái, xem ngài như là một bảo trang. Như trong Bát Thập Kệ Tụng:[51]
Trong thánh điện của toàn giác
Khi tất cả đã tụ họp về
Với giọng âm tựa sư tử hống
Ngài làm bối rối tâm trạng tất cả
Những ai bênh vực các tín điều thấp kém,
Của giáo phái mình và giáo phái khác
Cũng như là:[52]
Có tại Otantapūri
Hai trăm măm mươi tăng sĩ
Tại vikramaśīla
hiện diện gần đủ trăm
Cả bốn truyền thừa chính[53] đều tham dự
Ngài không chút kiêu hãnh trước các truyền thừa
Mà trở nên bảo trang của tất cả
Tứ chúng của cùng một bổn sư
Trong mọi lãnh vực
Thuộc vương quốc Magadha[54] [9]
Vì ngài truyền các giáo pháp chung
Của cả mười tám bộ phái[55] [và do đó là bất bộ phái]
Mọi người cùng tu học theo ngài.
2. Hành trạng tại Tây Tạng
Các hoàng thân đã xuất gia, chú và cháu[56], nối tiếp nhau gửi hai dịch giả đến Ấn độ là Gya-dzön-seng (brGya-brtson-seng)[57] và Nag-tso Tshul-trim-gyal-wa (Nag-tsho-tshul-khrims-rgyal-ba). Vì họ đã có những nỗ lực rất lớn để mời ngài nhiều lần, Atiśa đã đến Thượng Nga-ri (mNga’-ris) trong thời đại của chup-ö (byang-chub-‘od).
Được chào đón tại đó, những thí chủ đã cầu nguyện rằng ngài có thể tinh lọc Phật pháp. Dựa trên lời cầu này, ngài truyền giảng sâu hơn qua các hoạt động như là soạn thảo Bồ-đề Đạo Đăng Luận một tác phẩm kết nối các giai đoạn tu tập lại với nhau, cô đọng những điểm mấu chốt của kinh thừa và mật chú thừa. Hơn thế nữa, với ba năm tại Nga-ri, chín năm tại Nye-tang (sNye-thang), và năm năm tại những nơi khác trong Ü (dBus) và Tsang (gTsang), ngài dạy tất cả các giáo pháp của các kinh văn trong kinh thừa và mật chú thừa cho các đệ tử có cơ duyên[58]. Kết quả là ngài đã tái lập hệ thống tu hành Phật giáo vốn đã bị suy thoái; ngài đã tiếp thêm sinh lực trở lại cho những truyền thống mà chỉ còn lại một cách lu mờ; và xóa bỏ sự sai lạc dựa trên những tà kiến. Do đó, ngài đã tạo ra những giáo lý quý giá không bị ô nhiễm.
Một cách tổng quát, các đại sư trứ danh Tịch Hộ và Liên Hoa Sinh đã du nhập hệ thống tu hành phật giáo vào Xứ Tuyết [Tây Tạng] trong giai đoạn sơ khai của sự hoằng hóa giáo pháp[59]. Tuy nhiên, vị trụ trì Trung Hoa là Ha-sang (Hva-shang)[60] đã làm cho giáo pháp bị suy sụp. Ông ta đã không hiểu tính Không một cách đúng đắn và do đó đã phỉ báng yếu tố phương tiện và phủ nhận việc đem bất kì điều gì vào tâm thức, ngay cả các công hạnh. Đại sư Tịch Hộ, sau đó cũng đã bác bỏ Ha-sang, thiết lập chủ ý của Đấng Điều Ngự[61]; do đó, lòng tốt của ngài to tát nhất.
Trong việc hoằng hóa giáo pháp sau này tại Tây Tạng, một số người cho rằng những học giả và nhà du-già giả đã giải thích sai về ý nghĩa của các lớp mật điển. Vì thế, họ đã gây thiệt hại lớn cho việc bảo tồn giới luật, nguồn cội của các giáo pháp. Kẻ xuất chúng này [Atiśa] đã bác bỏ họ hoàn toàn. Hơn nữa, ngài đã làm cho các lỗi lầm của họ tiêu biến và sau đó đã hồi phục lại giáo pháp hoàn mỹ. [10] Bởi vậy, sự tử tế của ngài đã ảnh hưởng rộng đến tất cả người sống ở Xứ Tuyết.
Xa hơn nữa, tác giả của các luận giải về chủ ý của bậc Thánh giả phải nên có được 3 phẩm chất. Đó là, tác giả cần (1) thông thạo năm đề tài của tri thức[62]; (2) làm chủ được các giáo pháp mà đó là các điểm mấu chốt cho việc tu tập theo ý nghĩa của các đề tài về tri kiến Phật giáo đã được truyền giao trong một truyền thừa không đứt đoạn qua các truyền nhân xuất chúng từ đức Phật toàn hảo truyền xuống; và (3) được chuẩn y cho phép để soạn thảo luận giải đã trải qua sự thị kiến về một giác thể được chọn trước. Một người có bất kì phẩm chất nào trong ba điều kể trên có thể soạn thảo một luận giải, và trường hợp lý tưởng là có cả ba phẩm chất. Người đại sư này được phú cho cả ba phẩm chất như sau:
1. Về việc các giác thể được chọn của ngài hỗ trợ cho ngài, Bát Thập Kệ Tụng nêu[63]:
Vì có các thị kiến và nhận được chuẩn y
Từ Hevajra cao quý
Trisamayavyūharāja[64],
Quán Thế Âm dũng mãnh
Thánh giả và tôn sư Tārā[65], và v.v…
Ngài luôn lắng nghe lời giáo huấn tuyệt luân
Của những tri kiến thâm diệu và hạnh nghiệp đại từ bi
Trong mơ hay trực tiếp.
2. Về các dòng truyền thừa của các vị đạo sư[66], có hai truyền thừa: tổng quát [cho cả Tiểu thừa và Đại thừa] và riêng của Đại thừa. Trong dòng Đại thừa, lại chia làm hai: Bát-nhã thừa và Mật chú thừa. Trong Bát-nhã thừa có hai lần phân chia – truyền thừa về tri kiến thâm diệu và truyền thừa về các hạnh nghiệp[67] – và trong dòng Phương tiện này tách xuống kể từ ngài Di-lặc và từ ngài Văn-thù-sư-lợi, tạo nên ba dòng truyền thừa trong Bát-nhã thừa. Xa hơn, riêng về Mật chú thừa, có năm hệ thống truyền thừa[68]. Thêm vào đó, còn có các dòng truyền thừa như dòng các giáo thuyết, dòng các hỷ lạc, và dòng của nhiều pháp môn. Atiśa đã được phú cho các giáo pháp từ rất nhiều dòng kể trên. Các đạo sư mà Atiśa nhận được giáo huấn trực tiếp, theo Nag-tso nêu ra là[69]:
Những guru mà ngài luôn tin nhận
Đã thành tựu những tri kiến tinh thần; nhiều vị là:
Śānti-pa và Ser-ling-ba
Bhadrabodhi, và Jñānaśri[70]
Và, biệt lệ, ngài thành tựu
Các giáo phâp tri kiến thâm diệu và hạnh nghiệp đại từ
Chuyển xuống qua nhiều thế hệ từ Long Thụ. [11]
Tiếng vang là ngài có mười hai đạo sư những người đã thành tựu các tri kiến tinh thần, và cũng có nhiều sư phụ khác.
3. Sự tinh thông về năm đề tài của tri thức đã được giải thích trước đây.
Do đó, đại sư này đã có thể xác định được chủ ý của Đấng Điều Ngự.
Đại sư này với những phẩm chất trên đã có số đệ tử đông không tưởng tượng nổi tại Kashmir, Oḍḍiyāna, Nepal và Tây Tạng. Nói về các đệ tử đứng đầu ở những nơi này, thì tại Ấn-độ, có bốn học giả Bi-do-ba (Bi-to-pa), Dharmākarāmati, Mahyasinha, và Kṣitigarbha tất cả đều có tri kiến tương đương với ngài Trưởng Lão [Atiśa]. Một số người cũng bao gồm thêm Mitraguhya như là học giả thứ năm. Tại Nga-ri, có dịch giả Rin-chen-sang-bo (Rin-chen-bzang-po), dịch giả Nag-tso, và hoàng thân đã xuất gia Jang-chup-ö. Tại Tsang, có Gar-gay-wa (‘Gar-dge-ba) và Gö-kuk-ba-hlay-dzay (‘Gos-khug-pa-lhas-btas). Tại Hlo-drak (lHo-brag), có Chak-ba-tri-chok (Chag-pa-khri-mchog) và Gay-wa-gyong (dGe-ba-skyong). Tại Khams có Nal-jor-ba-chen-bo (rNal-‘byor-pa-chen-po), Gön-ba-wa (dGon-pa-ba), Shay-rap-dor-jay (Shes-rab-rdo-rje), và Chak-dar-dön-ba (Phyag-dar-ston-pa). Tại trung tâm Tây Tạng, có 3 vị, Ku-dön Dzön-dru-yung-drung (Khu-ston-brtson-‘grus-gyung-drung), Ngok Lek-bay-shay-rap (Ngog-legs-pa’i-shes-rab) và Drom-dön-ba Gyel-way-jung-nay (‘Brom-ston-pa-rgyal-ba’i-‘byung-gnas)[71].
Từ những vị này, người truyền nhân của dòng truyền thừa tiếp tục các hoằng hóa của chính đạo sư [Atiśa] là Drom-dön-ba Gyel-way-jung-nay – người đã được tiên tri bởi Tārā.
Đây là bài tóm lược về sự vĩ đại của tác giả. Chi tiết có thể tìm biết từ văn chương tiểu sử lớn[72].
Chú thích:
[1]Có nơi dịch là A-Đề-sa hay Nhiên Đăng Cát Tường Trí (skt. Atiśa) , một Đại sư người Đông Ấn (982-1054), đã đóng góp rất nhiều trong việc truyền Phật giáo sang Tây Tạng. Sư chuyên nghiên cứu các phương pháp phát triển Bồ-đề tâm (skt. bodhicitta). Là Tổ của dòng Ma-kiệt-đà (skt. magadha) và thuyết sư tại đại học Siêu Giới (skt. vikramaśīla), Sư được mời qua Tây Tạng và sống ở đó 12 năm cuối đời mình. Sư là người sáng lập trường phái Kadampa (Ca-đương) và có ảnh hưởng lớn đến phái Gelug (Cách Lỗ).
[2]Chữ Phạn là Prātimokṣa hay tên phiên âm từ chữ Hán là Ba-la-đề Mộc-xoa (chn. 波 羅 提 木 叉) còn gọi là biệt giải thoát giới là các giới luật ban đầu của hàng tăng sĩ Phật giáo – tức là các thệ nguyện hay là các nội quy cấm kỵ mà người tu hành không được vi phạm. Việc giữ gìn các giới luật được gọi là trì giới hay giữ giới.
[3]Hay còn gọi là các hạnh nguyện Bồ-tát.
[4]BA5 Đoạn văn này hàm ý về các kinh điển Ba-la-mật (prajna-paramita sutra), chi tiết hóa lộ trình để giác ngộ (Sopa tr. 22).
[5]Bồ-đề Đạo Đăng Luận (skt. bodhipathapradīpa) là một tác phẩm quan trọng của Đại sư Atiśa (980-1054), người truyền Phật pháp sang Tây Tạng trong thời kỳ truyền pháp thứ hai. Tác phẩm này là nền tảng tu học của hầu hết các tông phái Phật giáo tại đây. Đại ý của tác phẩm này là việc chia ra thứ bậc trong việc tu hành Phật pháp do căn cơ không giống nhau.
[6]BA6 Vì nguồn chính văn của bản luận Lamrim Chenmo là Bồ-đề Đạo Đăng Luận, nên Tsongkhapa cho rằng bản luận này cũng là của Atiśa qua đó nêu bật sự vĩ đại của Atiśa. Steps on the Path to Enlightenment. Vol1. P22. Lhundub Sopa. Wisdom. 2004.
[7]BA7 Nag-tsho-lo-tsa-ba-tshul-khrims-rgyal-ba (1011 – ?) sinh tại vùng Gung-thang của nNga’-ris nay là Ladakh. Ông đã thành công trong việc thỉnh mời và tháp tùng Atiśa đến Tây Tạng và lưu lại đó nhiều năm làm thầy dạy. Tên đầy đủ của bài kệ xưng tụng này về Atiśa của Nag-tsho là Khams gsum chos kyi rgyal pod pal ldan mar me mdzad ye shes la bstod pa’i rab tu byed pa tshigs bcad brgyad cu pa. Bài tụng được tìm thấy trong Legs par bshad pa bka’ gdams rin po che’i gsung gi gces btus nor bu’i bang mdzod (bKa’ gdams bces btus) được dịch bởi Ye-shes-don-grub-bstan-pa’i-rgyal-mtsha, pp.30 -39. Một bản tiểu sử nhiều chi tiết hơn, Jo bo rje dpal ldan mar me mdzad ye shes kyi rnam thar rgyas pa (rNam thar rgyas pa) (bản tiểu sử chi tiết của Atiśa) phần lớn dựa vào Nag-tsho về Atiśa. Trích dẫn trên và trích dẫn sau đây lấy từ tác phẩm của Nag-tsho là bsTod pa brgyad cu pa đều thấy có trong rNam thar rgyas pa (Jo bo rje dpal ldan mar me mdzad ye shes kyi rnam thar rgyas pa), và khoảng gần mười câu kệ khác tiếp sau đó – có thể có một ngoại lệ. Các trích dẫn theo sau của Tsongkhapa từ các bài câu xưng tụng này sẽ được trích ra từ rNam thar rgyas pa. Các câu trích dẫn ở đây (với một ít khác biệt) là từ rNam thar rgyas pa: 48.8-12 và 49.9-16 nhưng là của Paṇḍita Kaṣitigarbha (Sa’i-snying-po), đệ tử đầu tiên của Atiśa. Đọc thêm chi tiết về rNam thar rgyas pa xem Eimer 1979, chi tiết về bsTod pa brgyad cu pa xem Blue annals (Roerich:242), và Eimer 1997: 142-146).
[8]Theo niên đại thì đây có thể là Vương triều hậu Đường – Tóngguāng (同光) (923-926).
[9]BA9 Ba-so-chos-kyi-rgyal-mtshan (mChan: 20.5) cho rằng đó là Dhanaśrimita
[10]Từ chữ guru (skt. गुरु – guru) dịch nghĩa là đạo sư, thuật ngữ từ tiếng Tây Tạng nghĩa là một người có được tri kiến và trí tuệ sâu sắc cũng như có đủ thẩm quyền và đủ khả năng để hướng dẫn người khác. Còn được dịch là thiện sư hay thiện xảo sư. Theo trang WEB Rigpa Shedra thì thuật ngữ này được xem là tương đương với thuật ngữ “lama” {lạt-ma} (tib. བླ་མ་རྣམ་པ་བཞི་, lama nampa shyi): Trong Phật giáo Tây Tạng thì người ta chia làm 4 loại guru: (1) Truyền nhân (tib. གང་ཟག་བརྒྱུད་པའི་བླ་མ་, gangzak gyüpé lama) nắm giữ truyền thừa, (2) Phật ngôn sư (tib. རྒྱལ་བ་བཀའ་ཡི་བླ་མ་, gyalwa ka yi lama) là người thầy đại diện cho ngôn từ của đức Phật, (3) Tôn sư {bổn sư} (tib. སྣང་བ་བརྡ་ཡི་བླ་མ་, nangwa da yi lama) là một vị sư phụ biểu tượng cho mọi trình hiện, (4) Chân sư (tib. རིག་པ་དོན་གྱི་བླ་མ་, rigpa dön gyi lama) là vị đạo sư tuyệt đối, là bản chất thật của tâm.
Guru. Rigpa Shedra. Truy cập: 12/02/2012.
<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Guru>.
[11]BA10 rNam thar rgyas pa: 51.2-51.5.
[12]BA11 Sgyu rtsal. A-kyayongs’-dzin (A-kya: 89.1-2) có cho giải thích chi tiết về 64 môn công nghệ mà ông cho rằng đến từ bộ luận Mahāvihābṣa (Thuyết nhất thiết hữu bộ đại luận hay Tì-bà-sa đại luận), một yếu giải về Vi Diệu Pháp của phái Thuyết nhất thiết hữu bộ. Những bộ môn này cũng có liệt kê trong Bod rgya tshig mdzod chjen mo (Từ điển Tạng –Hoa) (Nhà xuất bản Nhân Dân 1984). Bao gồm 30 kỹ năng (bzo), như văn chương, thiên văn, võ nghệ, nài và huấn luyện các loại thú, và các môn thể thao; 18 kỹ năng thuộc về âm nhạc (rol mo’i bye brag) chủ yếu là các loại nhạc cụ khác nhau cùng như là giọng hát và các điệu đi kèm với tay chân; 7 loại cất giọng (glu dbyangs kyi nges pa), là các âm thanh giống các loài chim hay thú khác nhau để diễn bày các cảm xúc khác nhau; và 9 kỹ năng là các trạng thái cảm xúc múa (gar gyui cha byad) diễn bày các ý tưởng cung cách khác nhau của thân (mãnh liệt, hùng dũng), khẩu, và ý (từ bi, an hòa). Ganguly (1962) có mô tả những điều này từ quan điểm của truyền thống Ấn.
[13]BA12 rNam thar rgyas pa:34-35 có cho chi tiết về những gì mà Atiśa đã tu học.
[14]skt. Nyāyabindu-prakaraṇa đây là một trong loạt 7 tác phẩm làm nền tảng cho luận lý học Phật giáo của ngài Pháp Xứng (~ 600-650) Các tác phẩm đó là Quan Tướng Thuộc Luận(skt. saṃbandhaparīkṣāprakaraṇa), Lượng Quyết Định Luận (skt. pramāṇaviniścaya) Lượng Thích Luận(skt. pramāṇavarttika-kārikā), Chính Lý Nhất Đích Luận (skt. nyāyabindu-prakaraṇa), Nhân Luận Nhất Đích Luận(skt. hetubindu-nāma-prakaraṇa), Luận Nghị Chính Lý Luận (skt. vādanyāya-nāma-prakaraṇa), Thành Tha Tướng Thuộc Luận (skt. saṃtānāntarasiddhi-nāma-prakaraṇa). Pháp Xứng là một trong những luận sư quan trọng của Phật giáo truyền thừa Nālandā. Ngài có nhiều đóng góp trong Duy thức học và Nhân minh học (túc là khoa học về lập luận).
[15]BA13 Tức là vùng Kṛṣṇagiri hay Kālaśilā (Chattopadhyaya 1981:73). nhưng Kālaśilā có nhiều khả năng hơn, theo quan điểm của Hội Đồng Phật giới luật Phật giáo (Buddhist Council Law) và cũng được dẫn bởi Roerich (1979:242) rằng nơi này là một trong 7 ngọn đồi nổi tiếng gần Rājagṛha. [LĐ tìm thấy nhận định trong trang 73 của sách “Atisa and Tibet” 1999. Motilal Banarsidass ISBN:8120809289 của Alaka Chattopadhyaya, Lama Chimpa lại ghi rằng “ The Black Mountain or Kṛṣṇagiri (Ri-nag-po) is considered by R.C. Majumdar to be the same as modern Kanheri in the Bombay Precidency But without any sound evidence, B.C. Law, on the other hand, identifies it with Kālaśilā one of the famous seven hills near Rājagṛha — Do đó, để tránh trình trạng thiếu chính xác LĐ ghi gọn lại chú thích này ! ]
[16]Hevajra còn được mang tên là Hô Kim Cương, một giác thể (thánh bổn tôn) chính trong Mật tông. Vị đối ngẫu của Hevajra là Nairātmyā.
[17]Ba-so-chos-kyi-rgyal-mtshan (mChan: 20.5) cho rằng đó là Dhanaśrimita.
[18]BA14 Mật chú thừa (gsang sngags kyi theg pa), hay Kim Cương thừa (rdo rje theg pa) là pháp tu hành được giảng dạy trong các kinh văn Mật tông, các Mật điển, và các lớp Mật điển (rgyud sde).
[19]BA15 về Thub pa’i dgongs gsal, Xem Geshe Wangyal and B. Cutillo, Illuminations (Novato, 1988)
[20]Từ chữ “deity”.
Trong trường hợp được sử dụng thông thường thì thuật ngữ này chỉ đến các thần linh, các vị thuộc cõi trời, hay các biểu tượng siêu việt và sẽ được dịch là phạm thiên, chư thiên, thần thể, trời, hay thần linh tùy ngữ cảnh hay dòng văn.
Trong ngữ cảnh tu tập thiền Phật giáo, có một sự gần gũi giữa khái niệm này và khái niệm Yidam được dùng rộng rãi trong Anh ngữ. Theo giải thích của ngài Sogyal Rinpoche về thuật ngữ này thì: “Trong Mật thừa, nguyên lý về các giác thể là phương cách của giao cảm. Thật khó khăn để liên hệ sự biểu thị của các năng lực giác ngộ nếu chúng [các giác thể] không có sắc tướng hay nền tảng cho việc giao cảm cá nhân. Các giác thể được hiểu như là các biểu tượng, vốn được nhân cách hóa và thu bắt các phẩm chất và năng lực vô hạn của tâm trí huệ của các vị phật. … Qua tu tập việc tạo ra và thẩm thấu vào các giác thể trong thực hành quán tưởng, hành giả ngộ ra rằng tâm chức vốn nhận thức giác thể và chính giác thể đó không tách biệt”. Như trong nhiều giáo pháp mô tả về đối tượng thiền cũng như trong các maṇḍala {đàn tràng} thì giác thể có thể mang hình thức của các sự vật (không phải người) như hoa sen hay các âm tiết Phạn ngữ, xa hơn trong nhiều trường hợp liên quan đến tu tập thiền và maṇḍala giác thể có thể là một biểu tượng về sự hợp nhất của hai đặc tính giác ngộ dưới dạng kết hợp trong dạng hai người hay dạng hai chúng sinh đối ngẫu. Một số tài liệu đã dịch từ này trùng nghĩa với thuật ngữ Yidam là bổn tôn hay hộ phật với ý tưởng các giác thể đó mang sắc tướng một con người hay chúng sinh đã giác ngộ (nghĩa hẹp); tuy nhiên, ở đây chúng tôi dùng thuật ngữ giác thể trong ý nghĩa tổng quát như vừa nêu trên.
Về khái niệm “yidam” (iṣṭadevatā) hay thần thể, bổn tôn hay bổn sư: Cũng theo Sogyal Rinpoche thì: “Các hành giả Phật giáo Tây Tạng sẽ có một bổn tôn, đó là, một pháp tu tập về một vị phật hay một vị giác thể cụ thể mà với vị bổn tôn đó họ có một mối liên hệ về nghiệp mạnh mẽ, vốn đối với họ là hiện thân của chân lý [giác ngộ], và họ mời gọi bổn tôn như là trọng tâm của tu tập. Vì sự tu tập của họ đã công nhận bổn tôn như là sự phát tỏa hào quang của tâm thức giác ngộ, nên họ có thể thấy các trình hiện cùng với sự công nhận này và khiến họ khởi sinh hình ảnh bổn tôn như là một giác thể”.
Như vậy, trong sách này, chúng tôi sẽ tùy theo ngữ cảnh để dùng thuật ngữ bổn tôn, giác thể, hay thần thể cho phù hợp. Nói chung giác thể trong một nghĩa hẹp chính là bổn tôn.
The Tibetan Book of Living and Dying. P 289. Sogyal Rinpoche. HarperOne. 1994.
[21]Tức là lễ tấn phong để trở thành một tăng sĩ chính thức (sa-di).
[22]Ngụ ý vị thầy của Atiśa đã thực chứng được tính Không. Steps on the Path to Enlightenment. Vol1 p24. Lhundub Sopa. Wisdom. 2004.
[23]BA16 Có 5 giai đoạn tu tập từ lúc bất đầu tu tập thiền định cho đến giác ngộ được gọi là 5 lộ trình: (1) Lộ trình Tích lũy – đạt được chánh định mạnh mẽ và làm việc hướng tới một trạng thái giác ngộ tính Không khởi lên từ thiền định. (2) Lộ trình Chuẩn bị – quen thuộc với trạng thái giác ngộ tính Không, cùng với việc nuôi dưỡng động lực từ bi, nhận thức được sự trình hiện của tính Không ngày càng rõ ràng hơn. (3) Lộ trình Tri kiến – tính Không được liễu ngộ trực tiếp, mà không có các ô nhiễm vi tế từ sự trình hiện nhị nguyên. Ở thời điểm này trong Đại thừa, bắt đầu giai đoạn thực hành Bồ-tát đạo. (4) Lộ trình Thiền định – lộ trình thiền định này là một lộ trình mở rộng sự thân thuộc hoá về tính Không. Ở cấp độ này, các mức cao hơn của Bồ-tát đạo lần lượt được chứng đắc. (5) Lộ trình Vô học – các trở ngại rất vi tế bị loại trừ hoàn toàn để đạt chánh giác. Tiếp theo đó, tâm thức đạt thành chánh đẳng chánh giác, và bản chất sâu xa của tâm trở thành Phật trí. How to Practice . p202-207.Dalai Lama. Pocket Books. 2002.
[24]Tên Śilarakṣita có thể dịch là Hộ Giới.
[25]Đại Chúng Bộ (skt. mahāsāṅghika) là thuật ngữ chỉ chỉ phái “đại chúng”, phần lớn, đa số của Tăng-già, tách ra từ đại hội kết tập Phật giáo lần thứ ba tại pāṭaliputra. Quan điểm của Đại chúng bộ được xem là tiền thân của giáo pháp Đại thừa sau này. Người ta đã tìm thấy nơi Đại chúng bộ quan điểm cho rằng, tất cả đều chỉ là giả danh, cái tuyệt đối cũng như tương đối, Niết-bàn hay Luân hồi, thế gian hay xuất thế gian. Tất cả những danh tự đó không hề có một thật chất trường tồn.
[26] BA17 rNam thar rgyas pa: 61.12. Tài liệu ở đây và đoạn tiếp sau tìm thấy ở rNam thar rgyas pa: 60.3-62.6. Có sự khác biệt nhỏ trong trích dẫn ở dòng thứ hai: như được trích bởi Tsongkhapa, kết thúc dòng là rab tu grags; như được tìm thấy trong rNam thar rgyas pa lại viết thành grags pa yin. Về ý thì cùng một nghĩa.
[27]Tên Śri Dipaṃkarajñāna dịch nghĩa là Nhiên Đăng Cát Tường Trí.
[28]BA18. Có nhiều cách viết tên này, một cách viết thông dụng khác là Odantapuri. Vị trí chính xác của Odantapuri chưa được khẳng định. [Những đoạn còn lại không khế hơp với câu văn này nên không cần dịch lại]
[29]Dịch nghĩa tên này là Pháp Hộ.[Xem http://en.wikipedia.org/wiki/Dharmaraksita nhưng lại là một người trùng tên – xem tiếp: http://en.wikipedia.org/wiki/Dharmarakshita_(Sumatran) ]
[30]BA19 Đại tì-bà-sa Luận (skt. mahāvibhāṣā), một bộ luận được biên soạn trong lần Đại hội kết tập Phật giáo lần thứ IV tại Kashmir dưới sự chủ trì của Thế Hữu (skt. vasumitra). Đại tì-bà-sa luận trình bày quan điểm chính thức của phái Thuyết nhất thiết hữu bộ.
[31]BA20 Bốn truyền thừa hay bốn trường phái thuộc Tiểu thừa. Theo Ngag-dbang-rab-brtan (mChan:23.6) đó là Thuyết nhất thiết hữu bộ (skt. Sarvāstivādin), Đại chúng bộ (skt. Mahāsaṃghika), Thượng tọa bộ hay Trưởng lão bộ (skt. Sthāvira) và Chánh lượng bộ (skt. Sammitīya).
[32]Toàn bộ giáo pháp Phật giáo được phân chia thành 3 loại chính đó là
Kinh tạng (sūtra-piṭaka) bao gồm các bài giảng của chính đức Phật hoặc các đại đệ tử.
Luật tạng (vinaya-piṭaka) chứa đựng lịch sử phát triển của Tăng-già (saṅgha) cũng như các giới luật cho người tu hành.
Luận tạng (abhidharma-piṭaka) cũng được gọi là A-tì-đạt-ma chứa đựng các quan niệm đạo Phật về triết học và tâm lý học. Ba thành phần này gọi chung là Tam Tạng (tripiṭaka).
[33]Đức Tối Thắng ở đây tức là đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
[34]BA21 Tam học (triśikṣā) là ba pháp môn tu học chính của người theo đạo Phật gồm:
giới (adhiśīlaśikṣā): Hạn chế các hành vi tạo nghiệp bất thiện và phát huy các hành vi thiện đức; định (adhicitta-śikṣā): Thiền định tập trung, rèn luyện sự tỉnh giác trong đời sống; tuệ(adhiprajñā-śikṣā): phát triển tuệ giác thấu hiểu bản chất của sự vật (pháp) nhằm đạt đến giải thoát trọn vẹn. Cả ba pháp môn trên liên hệ chặt chẽ và bổ xung nhau. Hành giả không thể đạt đến giác ngộ viên mãn nếu không hoàn tất cả ba pháp môn trên.
[35]BA23 Đề mục này không được nêu rõ trong đại luận của Tsongkhapa, nhưng nó lại được tìm thấy trong danh mục của các dàn bài khác như trong bộ luận Byang chub lam rim chen mo’i sa bcad và trong bộ luận ‘Jam-dbyangs-bzhad-pa. ‘s mChan (Chú giải về bốn mối tương quan chặt chẽ) 24.5. Sự thích đáng cần nêu ra của đề mục này được biểu thị qua luận điểm song hành với các phần tiếp theo sau là: b. Ngài Atiśa thành tựu trong rèn luyện thiền định và c. Ngài Atiśa thành tựu trong rèn luyện trí huệ.
[36]BA24 rNam thar rgyas pa:94.15-18.
[37]BA25 Điều này có nghĩa là các thệ nguyện tu sĩ được thực thi tương hợp với kinh văn của Thanh Văn thừa chứ không phải nói rằng Atiśa là một Thanh Văn trong ý nghĩa ngài có một động lực theo tiểu thừa.
[38]Anh ngữ viết là Yak, tên giống đực của một loại bò-tót với lông dài phổ biến ở các vùng Hymalaya Trung Nam Á, cao nguyên Tây Tạng, Tân Cương và Mông Cổ. Vì chúng thuộc dạng bò-tót và ở Tây Tạng không bị nhầm lẫn với các loài bò khác, chúng tôi đôi khi sẽ dùng thuật ngữ “bò-tót” để chỉ giống bò Yak này.
[39]BA26 rNam thar rgyas pa:95.9-12.
[40]BA27 Xem J. Hopkins, Practice of Emptiness: The Perfection of Wisdom Chương vềFifth Dalai Lama’s “Sacred Word of Manjusrl” (Dharamsala, 1976).
[41]BA28 rNam thar rgyas pa:87.2-3.
[42]Chữ “tha nhân”, người dịch dùng ở đây và về sau là để ám chỉ tất cả các chúng sinh hữu tình khác với chủ thể trong câu chứ không riêng dành cho những “con người” hay “chúng sinh dạng người”.
[43]BA29 Con Phật (rgyal sras) tức là Bồ-tát.
[44]BA30 rNam thar rgyas pa:95.16 – 96.1.
[45]BA31 Ở đây ngài Atiśa tu tập pháp môn thiền định giác thể (diety yoga). Điều này cho thấy Atiśa đã đạt giai đoạn hoàn tất của thực hành Mật điển tối cao tức là đạt trạng thái thiền định trí huệ bất nhị giữa tính Không và hỷ lạc. Steps on the Path to Enlightenment. Vol1 p30-31. Lhundub Sopa. Wisdom. 2004.
[46]BA32 Avadhūtipa là một danh hiệu cho Atiśa nghĩa là “người đã tiến hành các tu tập liên quan đến kinh (mạch) trung ương”. – {Ngoài ra, theo tài liệu của Berzin Archieve, và nhiều trang Phật giáo Tây Tạng như www.lamrim.com và www.fpmt.org thì Atiśa cũng có một sư phụ tên là Avadhutipa.
<http://www.berzinarchives.com/web/en/archives/approaching_buddhism/teachers/lineage_masters/life_Atiśa.html>. May 02 2009. Geshe Ngawang Dhargyey. 2009. The Berzin Archives}.
[47]BA33 rNam thar rgyas pa:96.17 – 97.1.
[48]BA34 Ba cấp độ giới luật là Thanh Văn, Bồ-tát, và Mật thừa.
[49]BA35 Lochö Rimbochay cho rằng “thực hành các công năng thâm diệu” (rig pa brtul zhugs) tức là các rèn luyện của người thực hành Mật tông cao cấp tương phản với những người thông thường rằng người đó trông như mất trí.
[50]Là thánh địa Phật giáo thuộc bang Bihar Ấn-độ. Đây chính là nơi đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập niết bàn. Còn gọi là Bồ-đề Đạo tràng.
[51]BA36 rNam thar rgyas pa:40.13-16. Bốn trang cuối cũng được trích dẫn tại 21.7-8.
[52]BA37 Ibid.: 92.13-93.1. Roerich (1979: 43) các trích dẫn của kệ này như là nguồn chỉ cho thấy sự suy tàn như thế nào của Phật giáo tại Ấn trong vào thời gian của Atiśa.
[53]BA38 Xem lại chú thích 30 về các giáo phái chính trong tiểu thừa
[54]BA39 Tứ chúng tức là bốn loại người theo Phật giáo gồm: tăng chúng (các tu sĩ nam), ni chúng (các tu sĩ nữ), các nam cư sĩ và các nữ cư sĩ.
[55]Mười tám bộ phái được hình thành từ bốn truyền thừa chính. Đó là: (1) Bắt nguồn từ Ðại Chúng Bộ gồm: Ðông Sơn Trụ Bộ, Tây Sơn Trụ Bộ, Tuyết Sơn Bộ, Thuyết Xuất Thế Bộ và Thuyết Giả Bộ. (2) Có nguồn gốc từ Nhất thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin) bao gồm: Căn Bản Nhất thiết Hữu Bộ, Ẩm Quang Bộ, Hóa Ðịa Bộ, Pháp Tạng Bộ, Ða Văn Bộ và một phần của Phân Biệt Thuyết Bộ. (3) Có nguồn gốc từ Chánh Lượng Bộ, bao gồm Kê Dẫn Bộ, Đại Bất Khả Khí Tử Bộ, và Ðộc Tử Bộ. (4) Có nguồn gốc từ Thượng tọa bộ bao gồm Chế Ða Sơn Bộ, Vô Úy Sơn Trụ Bộ và Ðại Tự Phái. Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ Nalinaksha Dutt. Nguyên Tạng dịch. Chptr4 . PL.2015.
[56]BA40 Họ là vua Ye-shes-‘od (ye-shay-ö) sống và cuối thế kỉ 9 đầu thế kỉ thứ 10, và Byang-chub-‘od (jang-chup-ö) sống trong tiền bán thế kỉ thứ 11 đã từng là vua của miền Tây Tây Tạng.
[57]BA41 brGya-brtson-’grus-seng-ge mất năm 1041 trên đường về Tây Tạng cùng với Atiśa.
[58]BA42 Ngag-dbang-rab-brtan (mChan: 29.4-6) đề cập tới việc có hai truyền thuyết về khoảng thời gian mà Atiśa lưu lại tại Tây Tạng. Một cho rằng ngài ở đó mười một năm, thuyết khác mà Tsongkhapa tin theo cho rằng ngài đã ở hết mười bảy năm; cả hai đều xác định ngài mất lúc bảy mươi ba tuổi.
[59]Tịch Hộ (skt. śāntarakṣita), 750-802, là một Cao tăng Ấn Độ thuộc truyền thừa Trung Quán tông, người truyền bá Phật pháp sang Tây Tạng thời kỳ đầu. Sư quê tại Bengal (Đông Bắc Ấn) và là giảng sư tại viện Nālandā. Ngài đến Tây Tạng cả thảy hai lần, trong lần thứ hai đi cùng cùng với Liên Hoa Sinh. Lần đó, sư hoằng hóa 13 năm tại Tây Tạng.
Liên Hoa Sinh (skt. padmasambhava, padmakāra) là một đại sư Ấn độ sống vào thế kỉ thứ 8. Người có công truyền Mật tông sang Tây Tạng và sáng lập phái Ninh Mã (Nyingma) là một trong bốn tông phái lớn nhất ở đây. Tên Padmasambhava có nghĩa là sinh từ hoa sen. Ngài thường được gọi là Guru Rinpoche.
[60]Ha-sang còn được phiên âm là Hòa Thượng.
[61]Tức là đức Phật.
[62]BA43 Năm đề tài của tri thức mà một học giả cần thông thạo là: Phật giáo (nang rig pa), phi Phật giáo (phyi’i rig pa), văn phạm và luận lý (sgra gtan tshigs), các nghệ thuật (bzo), và y học (gso ba). Có trường hợp danh mục của năm đề tài được chia thành: kiến thức Phật giáo, văn phạm, luận lý, các nghệ thuật và y học.
[63]BA44 rNam thar rgyas pa: 4.4-8. Dòng thứ năm, “venerable tārā, and so forth”, được cắt bỏ vì là lỗi sao chép. Trong chú giải theo câu này, rNam thar rgyas pa liệt kê sáu giác thể chính (thugs dam gyi gtso bo) của Atiśa là Đà-la tôn (skt. Tārā, tib. Jo-mo sGol-ma), Quán Thế Âm (skt. Avalokiteśvara, tib.’Phags-pa sPyan-ras-gzigs), Bất Động Địa (skt. Ācala, tib. Mi-g yo-ba), Đề-li-tam-muội-da Trang nghiêm vương (skt. Trisamayarājavyūharāja; tib. Dam-tshig-gsum-bkod-pa’i-rgyal-po), Luân Cấm (skt. cakrasaṃvara, tib. bDe-mchog-‘khor-lo) và Hô Kim Cương (skt. Hevajra tib. dPal dGyes-pa-rdo-rje).
[64]Dịch Việt là Tam Muội Hoa Nghiêm Mật Điển.
[65]Tārā (Tib. སྒྲོལ་མ་), nghĩa là: ‘Thánh Nữ người giác ngộ’ — một giác thể thị hiện trong dạng nữ liên quan đến các hành vi từ bi và giác ngộ. Có nhiều dạng Tārā như là Tám vị Tārā Hộ trì khỏi sự sợ hãi và 21 vị Tārā nhưng vị phổ biến nhất là vị hộ thần Lục Tārā (Tārā có thân hình màu xanh lục) và Bạch Tārā hỗ trợ cho sự trường thọ. Tương truyền là khởi thủy Tārā thị hiện từ các giọt nước mắt của đức Quán Thế Âm (skt. Avalokiteśvara). Tara. Rigpa Shedra. Truy cập: 16/06/2011.
<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Tara>.
[66]Các dòng truyền thừa này không bị gián đoạn tính từ đức Phật Thích-ca-mâu-ni truyền xuống (Sopa vol1 p.40).
[67]Truyền thừa Tri kiến thâm diệu còn được gọi là truyền thừa Trí huệ và truyền thừa về các hạnh nghiệp còn được gọi là truyền thừa Phương tiện.
[68]BA45 Năm truyền thừa bao gồm: Dòng truyền chung cho mọi giáo pháp mật điển, truyền thừa Bí Mật Tập Hội (skt. Guhyasamāja), dòng Mẫu Thân, dòng Phụ Thân, dòng Mật điển Hành động và Du già, và dòng Diêm Vương Bất Động hay Diêm-mạn-đức-ca (skt. Yamāntaka) (Sopa Vol1 p .41).
[69]BA46 Trích dẫn trong rNam thar rgyas pa:21.17-22.2. Đoạn ngay trước đó là một phiên bản cô đọng của phần 6-21 trong rNam thar rgyas pa. Các phần tương ứng với 3 đoạn tiếp theo có thể tìm thấy trong rNam thar rgyas pa ở các phần:6.3, 18.16 và các phần tiếp sau của chúng cũng như là trong 225.1-226.8.
[70]Các tên gọi Śānti-pa, Ser-ling-ba (hay Dharmarakshita), Bhadrabodhi, và Jñānaśri lần lượt có tên dịch nghĩa là Tịch Tĩnh, Pháp Hộ, Giác Hiền (hay Bồ-đề Hiền) và Cát Tường Trí.
[71]BA47 Sơ lược tiểu sử của nhiều nhân vật trên tìm thấy trong Tshe-mchog-gling-Ye-shes-rgyal-mtshan (Ye-shay-gyen-tsen, 1713-1793), Byang chub lam gyi rim pa’i bla ma brgyud pa’i rmam par thar pa (Cuộc Đời các Đại Sư thuộc Giáo Huấn Lamrim), vol. 1, pp. 259-385. Các niên lịch đã biết về họ không được ghi rõ trước đây là: Rin-chen-bzang-po (958-1055), rNal-‘byor-ba-chen-po (1015-1077), dGon-pa-ba (1016-1082), ‘Brom-ston-pa-rgyal-ba’o-‘byung-gnas (1005-1064).
[72]BA48 rNam thar gyi yi ge chen mo rnams. Chúng ta không biết có một lý lịch chuẩn mực nào của Atiśa qua tựa này. Nó có thể là rNam thar rgyas pa hay là các tiểu sử đã được biết vào thời của Tsongkhapa, bao gồm cả rNam thar rgyas pa và rNam thar rgyas pa yongs grags (xem chú thích trước).
Hits: 490