ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1 – (Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Tác giả: Tsongkhapa
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
| Mục lục |
Chương 3: Phương Cách Lắng Nghe và Lý Giải về Giáo Pháp của Đức Phật
Mục lục chương 3:
III Phương cách lắng nghe và lý giải về giáo pháp.
A. Phương cách lắng nghe Phật pháp theo cách qua đó cả giáo pháp và tác giả đều cao quý
1. Suy tưởng về lợi ích của việc lắng nghe phật pháp
2. Phát triển sự tôn kính giáo pháp và người hướng dẫn
3. Phương pháp thực sự lắng nghe
a. Từ bỏ ba khuyết điểm của một cái thùng chứa
b.Phụ thuộc vào sáu ý niệm
B. Phương cách giảng giải Phật pháp theo cách qua đó cả giáo pháp và tác giả đều cao quý
1. Suy tưởng về lợi ích của việc giảng giải Phật pháp
2. Phát triển sự tôn kính Thầy và giáo pháp.
3. Với tư duy và cách ứng xử nào khi giảng giải Phật pháp.
4. Phân biệt người nên hay không nên giảng giải Phật pháp.
C. Phương cách kết thúc một thời giảng trong liên hệ giữa lắng nghe và giảng giải Phật pháp.
*****************************
A. Phương cách lắng nghe Phật pháp theo đó cả giáo pháp và tác giả đều cao[1] quý
Làm sao để lắng nghe phật pháp được giảng giải trong ba phần:
1. Suy tưởng về lợi ích của việc lắng nghe phật pháp
2. Phát triển sự tôn kính Phật pháp và người hướng dẫn
3. Phương pháp thực sự lắng nghe
1. Suy tưởng về lợi ích của việc lắng nghe Phật pháp
Thi Kệ Lắng Nghe (Śrutivarga)trong Tiểu Bộ Kinh (Udāna-varga)nói rằng:1
Nhờ lắng nghe, hiện tượng thấu hiểu
Nhờ lắng nghe, sai quấy vượt qua
Nhờ lắng nghe, vô nghĩa tiêu trừ
Nhờ lắng nghe, Niết-bàn đạt đạo [21]
Và:
Như người ở kín trong nhà
Vây quanh phủ đầy bóng tối
Có mắt đó nhưng nào thấy
Sắc hình hiện hữu kia đâu,
Cũng như người sanh trong dòng quý phái
Dù thông minh mang sẵn theo cùng
Cũng đâu hiểu được đến khi được chỉ
Đâu là điều thiện, đâu là không
Cũng như người với đôi con mắt
Nhìn sắc hình nhờ ngọn đèn tỏ soi
Nên nhờ lắng nghe điều thiện là gì và những gì không phải
Người sẽ hiểu chuyện cần thiết phải làm.
Cũng như thế, Bổn Sanh Kinh (Jātakamālā)nói rằng[2]
Nhờ lắng nghe, ngươi trở nên người thành tín
Niềm vui trong đạo hạnh khiến lòng kiên định
Trí huệ bừng lên và tan biến vô minh
Đây chính là điều giá trị thật đáng có
Cho dẫu đổi bằng xương thịt của chính ta.
Lắng nghe {tức là phần của Văn trong Văn, Tư, Tu} là ngọn đèn xóa tan tăm tối vô minh
Tài sản tối thượng mà kẻ cắp không tài nào lấy được,
Một vũ khí đánh tan kẻ thù của bối rối;
Đó là người bạn tốt nhất, cho ta những giáo huấn cá nhân[3], những phương tiện kỹ xảo.
Là bằng hữu không rời bỏ lúc ngươi cần đến,
Một dược chất không hại trị bệnh buồn rầu
Là đại chiến tiêu diệt quân đầy tội lớn
Là vinh quang, là vẻ vang và trang bảo
Là quà tặng tối thượng khi gặp thánh giả
Trong một hội chúng; ôi! Thật hoan hỷ với bậc thắng tri
Và:
Kết quả của lắng nghe là ngõ vào chánh hạnh;
Ngươi sẽ được giải thoát, với ít khó khăn, khỏi thành trì của tái sanh
Hãy phát triển tinh tấn từ tận đáy lòng mình khi đề cập đến lợi ích của việc lắng nghe {giáo pháp}.
Ngoài ra, Ngài Vô Trước trong Bồ-tát Địa (Bodhisattva-bhūmi)[4]nói rằng các vị phải lắng nghe với năm điều tâm niệm; nghĩa là: với (1) tâm niệm về một bảo vật, bởi vì giáo pháp là hiếm quý và ít khi Đức Phật xuất hiện cùng giáo pháp của Ngài; (2) tâm niệm về một con mắt, bởi vì trí huệ khởi sanh cùng với sự lắng nghe giáo pháp nên càng lúc càng tăng trưởng; (3) tâm niệm về tỏa sáng, là do con mắt trí huệ đã, đang và sẽ khởi sanh đó sẽ nhận thức được bản chất thực sự [tính Không] và sự phân hóa [của mọi hiện tượng {các pháp}]; (4) ý niệm về lợi ích lớn lao, cũng vì kết quả cuối cùng của giáo pháp là Niết-bàn và đại ngộ;[22] và (5) ý niệm về không chỉ trích, do ngay từ khoảnh khắc này quý vị sẽ đạt được hỷ lạc của định từ thiền[5] và trí huệ, đạt được nhân của Niết-bàn và đại giác ngộ. Đây chính là những suy ngẫm về lợi ích của việc lắng nghe giáo pháp Phật.
2. Phát triển lòng tôn kính Phật pháp và người hướng dẫn
Kinh Địa Tạng (Kṣitigarbha-sūtra) nói rằng:[6]
Lắng nghe Pháp bằng nhất tâm tin tưởng và tôn kính
Đừng chế nhạo và chỉ trích người giảng cho mình
Hãy vinh danh những người hướng dẫn –
Phát triển tâm xem họ như những Phật-đà.
Như vậy, theo cách nói này, hãy xem người hướng dẫn như là đức Phật. Xoá bỏ hết mọi bất kính, trân trọng sự hiện diện bằng cách quỳ lạy và dâng tặng những đồ vật như sư tử hay những vật tương tự.
Cũng như vậy, theo Bồ-tát Địa, lắng nghe lời giảng không có phiền não [của sự kiêu ngạo và khinh thường] và không mang trong tâm năm điều kiện của một người hướng dẫn[7]. Không kiêu ngạo nghĩa là lắng nghe với sáu thuộc tính sau: (1) lắng nghe ở một thời điểm thích hợp, (2) tỏ sự hồi hướng, (3) tỏ sự tôn kính, (4) không tức giận, (5) thực hành đúng như lời huớng dẫn và (6) không tìm cơ hội để tranh cãi. Không khinh rẻ nghĩa là kính trọng giáo pháp cùng người giảng dạy và không làm giảm giá trị của cả hai. Đừng mang vào tâm trí mình năm điều kiện nghĩa là bỏ đi những ý nghĩ “Tôi sẽ không nghe lời người này giảng bởi vì vị này (1) đã vi phạm những nguyên tắc đạo đức, (2) thuộc về một truyền thống yếu kém,(3) có một thể ngoại hình không hấp dẫn, (4) không phân minh không rõ ràng, (5) hay là nói lời thô thiển và khó chịu”.
Cũng như trong Bổn Sinh Kinh có đề cập:[8]
Hãy ngồi trên ghế thấp.
Biểu trưng vinh quang của giới luật.
Nhìn với đôi mắt hoan hỷ,
Bày tỏ kính trọng và nhất tâm tuân phục,
Tựa như khi uống những lời cam lồ.
Tỏ lòng tôn kính và lắng nghe giáo pháp
Với lòng hoan hỷ trong sáng và tâm không phiền não,
Như khi bệnh nhân lắng nghe lời khuyên của người thầy thuốc.
3. Phương pháp thực sự lắng nghe
Làm sao để lắng nghe gồm có hai phần:
a. Từ bỏ ba khuyết điểm của một cái thùng chứa
b. Dựa trên sáu tâm niệm
a. Từ bỏ ba khuyết điểm của cái thùng chứa
Một cái thùng chứa có thể có ba khuyết điểm sau: (1) bị úp ngược, hay là (2) dù được dựng đứng thẳng, nhưng dơ bẩn; hoặc (3) dù sạch nhưng có lỗ thủng ở đáy. Nếu có những lỗi này, ngay cả khi mưa rơi xuống từ những đám mây do các Giác thể tạo nên thì mưa cũng: (1) không lọt vào bên trong thùng; [23] hay là, (2) lọt vào bên trong thùng chứa, nhưng không thể làm tròn nhiệm vụ của mình – nghĩa là có thể uống được v.v… bởi vì nó nhiễm những chất dơ; hoặc (3) không nhiễm những chất dơ, nhưng không giữ được vì bị chảy ra ngoài. Tương tự như vậy, ngay cả khi các vị ở một nơi mà giáo pháp được giảng giải, sẽ không có mục đích cao quý trong khi lắng nghe lời giảng nếu các vị (10) không chú tâm; hay (2) dù chú tâm, nhưng hiểu lầm những gì đã nghe hay nghe với động cơ xấu như tham chấp; hoặc (3) dù không các lỗi trên, nhưng đã không thấm nhuần ý nghĩa của lời giảng lúc nghe mà để phai mờ đi vì lãng quên và v.v… Vì vậy, các vị phải tránh tất cả các lỗi trên.
Phương thuốc để trị liệu cho các khuyết điểm này được hướng dẫn trong kinh điển trong ba cụm từ sau: “Lắng nghe chú tâm, một cách xuyên suốt và ghi nhớ trong tâm!”[9] Thêm vào đó, như trong Bồ-tát Địa có nói[10], lắng nghe khi mình muốn hiểu tất cả mọi sự, duy trì nhất tâm, chú ý, với tâm trí tập trung và suy ngẫm với sự bình thản hoàn toàn.
b. Dựa trên 6 điều tâm niệm
1. Hãy nghĩ mình là một bệnh nhân. Tịch Thiên trong Nhập Bồ-đề Hành Luận (Bodhisattva-caryāvatāra) nói rằng:[11]
Vì các ngươi phải theo lời thầy thuốc khuyên bảo,
Ngay cả phải chịu những giới hạn của bệnh thông thường,
Cần thiết phải đề cập với người hay bị tác động
Về bệnh do lỗi lầm, tham đắm và tương tự sanh ra
Như Tịch Thiên nói, các vị đã bị vướng từ lâu vào căn bệnh phiền não như tham đắm – một căn bệnh kéo dài, khó trị và tạo nên đau khổ đậm sâu. Vì vậy, các vị phải nhận ra đây là tình trạng của mình. Ga-ma-pa (ka-ma-ba) nói rằng nếu thực sự các vị không có bệnh, thì sự thiền về cái đau đớn đó là sai lầm. Tuy nhiên, bị tác động bởi căn bệnh khó trị và kinh niên của tam độc [tham, sân và si], các vị thực sự đau khổ cùng cực nhưng không nhận thức được là mình đang đau khổ.
2. Hãy nghĩ người dạy là một thầy thuốc. Thí dụ, khi bị bệnh nặng như đầy hơi hay rối loạn về mật, các vị phải đi tìm một thầy thuốc giỏi. Sau khi tham khảo ý kiến, các vị vô cùng hoan hỷ và lắng nghe tất cả những gì thầy thuốc nói, hết một lòng kính trọng. Tương tự như thế, tầm học theo cách này là tầm thầy truyền đạt giáo pháp [24]. Khi các vị đã tìm được ra thầy, hãy kính trọng thầy hết lòng và làm như những gì được chỉ bảo. Khi làm như thế phải xem đó là một đặc ân chứ không phải là gánh nặng. Thế nên, kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tổng Lược Bát Thiên Kệ {Ārya-prajñāpāramitā-ratnaguṇa-sañcaya-gāthā}nói rằng:[12]
Vì vậy, Bồ-tát thông tuệ – người có ý chí mạnh mẽ tìm kiếm giác ngộ siêu việt – sẽ quyết tâm xóa sạch kiêu mạng. Giống như người bị bệnh phải nương nhờ vào các thầy thuốc để được lành bệnh, các người phải nương vào một vị thầy, tự mình ứng dụng những lời dạy một cách tinh tấn.
3. Hãy nghĩ lời giảng giải của người hướng dẫn như là dược phẩm. Bệnh nhân thường coi trọng những dược phẩm do thầy thuốc kê toa, các vị cũng phải như vậy, phải xem những lời hướng dẫn, những giảng giải cẩn thận thầy trao là rất quan trọng, luôn cố giữ với lòng kính trọng và đừng phí phạm thì giờ bằng những sai sót như bỏ quên chúng đi.
4. Hãy suy nghĩ thực hành nghiêm túc là phương cách để chữa bệnh. Bệnh nhân biết rằng bệnh không thể chữa được nếu không uống thuốc theo toa kê của thầy thuốc. Nên họ uống thuốc. Tương tự như vậy, hãy thực hành nghiêm túc khi các vị nhận thấy rằng mình không thể xóa đi những phiền não như tham đắm mà không thực hành những lời chỉ giáo của thầy. Đừng cống hiến trọn đời xếp đầy chữ nghĩa lên thành đống mà không hề thực hành.
Vả lại, một hay hai liều thuốc sẽ không giúp được gì hết cho người bị bệnh phong cùi đã rụng hết tay và chân. Tương tự như vậy, đưa vào thực hành một bài học chỉ một hay hai lần thì không làm sao đủ được cho các vị – những người từ vô thủy đã bị tác động bởi cơn bệnh phiền não. Vì thế, phân tích với trí huệ thấu suốt toàn cả mọi khía cạnh của lộ trình tu tập và làm với tất cả tinh tấn miệt mài như nước chảy một dòng sông. Như Đại Sư Candragomin {Nguyệt Quan} trong Tuyên Nhập Tụng (Deśanā-stava)nói rằng:[13]
Tâm thức ta luôn thường bối rối
Bởi do mình đau bệnh đã lâu
Người bệnh hủi đạt tới gì đâu?
Mất chân tay, thuốc lại ít dùng? [25]
Thế nên, ý niệm chính mình là người bệnh thật là vô cùng quan trọng, bởi vì khi các vị có ý niệm này thì những ý tưởng khác sẽ tiếp theo. Tuy nhiên, nếu ý niệm này chỉ thuần là lời lẽ, thì các vị sẽ không đem những ý nghĩa của lời giảng dạy vào thực hành để xóa tan đi phiền não, nên chỉ là người chỉ biết nghe mà thôi. Điều này giống như người bệnh tìm đến ông thầy thuốc. Nếu người ta chỉ mua thuốc theo toa mà không uống, thì sẽ không bao giờ lành bệnh. Như trong Định Vương Kinh:[14])
Có người bệnh, toàn thân đau đớn
Trong nhiều năm không bớt tạm thì
Do mãn tính, bệnh nhiều phiền não
Họ tầm thầy tìm phương chữa trị
Tầm cầu thầy, và tìm thêm mãi
Sau tìm thấy thầy thật mát tay
Chữa bệnh nhân với cả tâm từ
Rồi dịu nói: “thuốc đây hãy uống”
Thuốc công hiệu và đầy giá trị
Chữa dứt căn nhưng người bệnh không dùng
Đây không phải lỗi do thầy chữa,
Cũng chẳng đâu lầm tại thuốc thang
Thật lỗi chỉ tại người có bệnh
Tương tự vậy khi các vị xuất gia
Để tu học những giáo pháp này
Và đến khi biết đầy năng lực,
An định thiền và các khả năng
Làm sao ta đến được Niết-bàn
Nếu thiếu đi tinh tấn tu thiền
Như nỗ lực hướng về điều đúng?
Cũng như:
Tôi đã giải thích giáo pháp rất hay này
Nếu đã nghe, vẫn không thực hành cho đúng,
Chỉ như người bệnh giữ trên tay gói thuốc
Bệnh tình kia chẳng thể nào chữa dứt được
Và, Tịch Thiên trong Nhập Bồ-đề Hành Luận:[15]
Hãy thật sự thực hành lời hướng dẫn;
Được chi đâu khi chỉ nói lan man?
Người bệnh kia có thuyên giảm chút nào?
Khi chỉ đọc thông tin về bệnh trạng?
Vì thế, nhóm chữ “thực hành nghiêm túc” trong mệnh đề “Hãy xem thực hành nghiêm túc là phương cách tẩy sạch căn bệnh phiền não” có nghĩa là đưa vào thực hành những bài học thầy đã dạy cho quý vị về những gì phải tiếp thụ và những gì phải để sang một bên. Để làm được điều đó, các vị phải biết rõ bài học; để có được điều này, các vị phải học. Mục đích của hiểu biết xuyên qua học chính là hành. Vì thế cho nên, thật là hữu diệuđem ý nghĩa của những gì ta đã nghe vào thực hành nhiều đến mức mình có thể. [26] Trong ý hướng này, theo Thi Kệ Lắng Nghe:[16]
Ngay cả khi các vị nghe giảng thật nhiều
Nếu vẫn không kiềm chế mình theo giới luật
Thì vì thế vẫn bị chế nhạo khinh khi
Và điều học được cũng chẳng gì xuất sắc.
Dẫu khi các vị nghe giảng rất có hạn,
Nếu vẫn luôn kiềm chế mình trong giới luật
Thì vì thế vẫn được tôn trọng, xưng tán
Và như vậy điều đã nghe thật tuyệt luân.
Những ai vốn đã không nghe giảng được nhiều
Mà lại chẳng kiềm chế thuận theo giới luật
Thì vì thế bị chê bỏ về cả hai
Và đạo đức như thế là không tốt đẹp
Những ai vốn đã nghe diệu pháp thật nhiều
Và lại cũng kiềm chế mình theo giới luật
Được tôn vinh, xưng tán trên cả hai điều
Và đạo đức như thế thật là tuyệt mỹ
Thêm nữa:
Dù các vị có thể hiểu kinh do nghe
Và có thể hiểu cốt tủy của thiền định
Kiến thức và việc nghe không quan trọng chi
Nếu các vị làm những hành vi thô thiển
Ai hoan hỷ với lời dạy từ tôn giả
Và rồi thực hành với cả khẩu cùng thân
Ai nhẫn nhịn, vui cùng bạn hữu và sống đời đạo đức
Rồi sẽ đạt được toàn thiện trong lắng nghe và hiểu biết.
Thâm Tâm Cảnh Tỉnh Kinh (Adhyāśaya-saṃcodana-sūtra)cũng đề cập:[17]
Người thiếu khôn ngoan sẽ đau đớn trong giờ tử biệt
Bảo: “Tu hành tôi yếu kém. Giờ sẽ phải làm sao?”
Không tìm hiểu sâu xa, nên gặp muôn vàn đau khổ
Đó chính là lỗi lầm khi chỉ biết lý thuyết suông
Thêm nữa:
Không có gì bổ trên vỏ mía cây
Vị ngọt thơm lành từ bên trong ruột
Nên một người chỉ chuyên ăn vỏ
Sẽ chẳng bao giờ biết mật mía ngon.
Lý thuyết giống như những gì ngoài vỏ
Vị ngon là quán chiếu nghĩa sâu xa
Nên hãy bỏ đi văn vẻ bề ngoài
Luôn cẩn thận và suy lường thâm ý. [27]
5. Nghĩ Như Lai như là một bậcxuất chúng. Phát triển lòng kính trọng bằng cách luôn nhớ nghĩ đến Như Lai [đức Phật], người đã thiết lập nên giáo pháp.
6. Uớc mong giáo pháp tồn tại trong thời gian dài. Hãy nghĩ: “Tùy thuộc vào phương cách các vị tu học các giáo pháp như thế, thật là tuyệt diệu nếu giáo pháp của Bậc Chiến Thắng ngự trị trên thế giới này trong thời gian dài!”.
Thêm vào đó, khi các vị giảng giải hay lắng nghe giáo pháp, nếu tâm ta và giáo pháp cách xa thì cho dù giải thích cách nào đi nữa cũng chỉ là vụn vặt thôi. Thế nên, hãy nghe trong phương cách mà các vị khẳng định định luôn trong tâm tưởng làm cách nào để đem những lời giảng dạy này áp dụng vào đời. Thí dụ, khi các vị muốn tìm liệu có dấu vết dơ, bụi, hay bất cứ gì, trên khuôn mặt mình, thì phải nhìn vào gương và tẩy đi những gì nhìn thấy. Tương tự như vậy, khi nghe những lời giảng dạy, những lỗi lầm của các vị như làm điều sai quấy và tham đắm {chấp thủ} xuất hiện trên tấm gương của giáo pháp Vào lúc đó, các vị hối tiếc là tâm mình đã trở nên như thế, và tự mình tìm cách xóa bỏ lỗi đó đi và tạo những tính tốt. Vì thế, quý vị phải được tu tập trong giáo pháp. Kinh Bổn Sanh:[18]
Khi tôi nhận ra lỗi lầm mình có
Rõ ràng từ tấm gương giáo pháp
Tôi mang cảm giác hối tiếc ngập tràn
Và chuyển tâm mình về nguồn giáo pháp.
Với lời xác định này Saudana đã thỉnh cầu Hoàng tử Sutasoma ban dạy giáo pháp. Ngay sau đó, vị hoàng tử Bồ-tát biết được tâm của Saudana – nghĩa là nhận ra Saudana sẵn sàng nghe pháp nên đã ban cho lời thuyết giảng.
Tóm lại, phát triển tinh thần giác ngộ, hãy phát tâm:
Vì lợi ích cho tất cả chúng sinh hữu tình, con sẽ thành phật. Để đạt được điều này, Con phải tu tập những nhân duyên của nó {nhân duyên dẫn đến giác ngộ}; nên con phải biết rõ những nhân duyên đó. Vì tâm nguyện này, đó là chứng cứ khiến con phải lắng nghe các pháp giảng. Do đó, con sẽ lắng nghe các giáo pháp.
Hãy nhớ kỹ lợi ích của lắng nghe. Xoá bỏ đi lỗi lầm của cái thùng chứa và v.v…và lắng nghe với cả lòng hoan hỷ.
B. Phương cách giảng pháp làm sao qua đó người nghe thấy cả giáo pháp và tác giả cùng cao quý
Có bốn phần trong phương cách này:
1. Suy tư về lợi ích của việc giảng pháp
2. Phát triển sự tôn kính Thầy và Phật pháp
3. Giảng pháp với suy tưởng và cách ứng xử nào?
4. Phân biệt giữa người mà các vị nên hay không nên giảng pháp
1. Suy tư về lợi ích của việc giảng pháp [28]
Thật là nhiều hữu ích để truyền đạt giáo pháp mà không chú trọng đến những gì thuộc về thế gian như: lợi nhuận, danh dự, danh tiếng và những điều giống như thế. Như trong Thâm Tâm Cảnh Tỉnh Kinh đề cập:[19]
Này Di-lặc, có hai mươi lợi ích trong việc bố thí pháp nếu các vị tặng pháp mà không để ý tới vật chất, lợi nhuận hay danh dự. Hai mươi điều đó là gì? Được kể ra như sau. thí chủ sẽ có được (1) trí nhớ; (2) trí thông minh; (3) hiểu biết;(4) an định; (5) trí huệ; (6) trí huệ siêu việt; (7) ít tham {thiểu dục}; (8) ít sân {thiểu sân}; và (9) ít si {thiểu si}. Cùng với (10) ma quỷ không tìm ra cơ hội làm hại mình; (11) Thế Tôn sẽ coi các vị là đệ tử quý báu; (12) Các chúng sinh không thuộc giới người sẽ bảo vệ; (13) các Giác Thể sẽ ban cho uy tín và quyền lực; (14) kẻ thù sẽ không tìm được cơ hội để hãm hại mình; (15) bạn hữu sẽ giữ lòng chung thủy; (16) lời nói được tin tưởng; (17) sẽ có được lòng không sợ hãi; (18) các ngươi sẽ có niềm vui tràn đầy; (19) các ngươi sẽ được các bậc cao minh tán thán; và (20) món quà pháp đó của thí chủ đáng được để người nhớ đến.
Hãy phát triển lòng tin vào các lợi ích của việc giảng pháp từ sâu thẳm của con tim như các lợi ích đó đã sẵn có trong các kinh tạng.
Với bốn lợi ích trên: “các ngươi sẽ đạt được an định” mà theo cách chuyển dịch mới của Tịch Thiên trong Tập Bồ-tát Học Luận (Śikṣāsamuccaya)là “các ngươi sẽ đạt được lòng tin” và trong kinh sách cổ hơn “Các ngươi sẽ có đầy tinh tấn”
2. Phát triển sự tôn kính Thầy (Đức Phật Thích-ca-mâu-ni) và giáo pháp
Khi Đức Phật Như Lai thuyết giảng Bát-nhã Ba-la-Mật-đa (Prajñāpāramitā)Ngài đã tỏ ra hành động tôn kính bằng cách tự mình thiết lập tòa ngự.[20] [29] Tương tự như thế, bởi vì ngay cả các đức Phật cũng tôn kính giáo pháp, nên khi ngươi giảng giải các giáp pháp phải tỏ lòng kính trọng giáo pháp và Thầy [Đức Phật Thích-ca-mâu-ni], luôn tưởng nhớ đến phẩm chất cao quý và từ tâm của Ngài.
3. Giảng pháp với suy tưởng và cách ứng xử nào?
Về phần suy tưởng, phát huy năm điều tâm niệm đề cập trong Hải Huệ Vấn Kinh (Śāgaramati-paripṛcchā-sūtra) – hãy nghĩ mình chính là thầy thuốc, giáo pháp là thuốc men, người nghe giáo pháp là bệnh nhân, và Như Lai chính là đấng toàn hảo và ước mong giáo pháp tồn tại dài lâu.[21]
Vun đắp tình thương cho tất cả mọi người cùng vân tập nghe pháp. Bỏ đi lòng ích kỷ muốn hơn người; sự lười biếng ngần ngại; sự chán nản mệt mỏi do sự giải thích lặp đi lặp lại nhiều lần; tự ca tụng mình và nêu lỗi của người; hà tiện về việc giảng pháp; và quan tâm đến vật chất như thức ăn hay áo quần. Sau đó, hãy tâm niệm: “Phước báu từ giáo pháp là để cho con và người khác đạt được phật tánh chính là điều kiện ưu tiên về an lạc cho mình”
Về cách ứng xử, hãy tắm rửa sạch sẽ cơ thể mình. Rồi thay áo quần sạch, ngồi trên tòa giảng và tọa cụ ở nơi sạch và đẹp. Trong Hải Huệ Vấn Kinh có đề cập là nếu trì tụng chơn ngôn {Mật chú} để trừ ma quỷ,[22] thì quỷ và thần của loại quỷ trong vòng đường kính một trăm lý sẽ không đến được. Ngay cả khi đến được, họ cũng không thể tạo nên những khó khăn. Vì vậy, hãy trì tụng chơn ngôn đó. Và rồi thì, với khuôn mặt ngời sáng, giảng giải, dùng những thí dụ, lý luận, trích dẫn kinh điển và những phụ thuộc khác để xác minh ý nghĩa. Kinh Pháp Hoa có đề cập: [23]
Thiện tri thức luôn cho, không vị kỷ
Lời dạy dịu mềm với nhiều nghĩa ý.
Biếng nhác kia cũng hoàn toàn không có,
Nên sẽ chẳng chán hoài lời giảng lại
Thiện tri thức bỏ hết những ác cảm
Và luôn vun tưới thương yêu cho những người chung quanh
Ngày đêm nuôi dưỡng giáo pháp vô thượng
Dùng triệu triệu thí dụ, thiện tri thức
Mang niềm vui và hoan hỷ tới người nghe pháp
Không một gợn nhỏ nào tham vọng thế gian
Không nghĩ đến chất bổ dưỡng- thức ăn mềm, cứng hay nước uống
Chẳng y phục, giường chiếu hay y áo,
Hay là ngay cả thuốc men để trị bệnh
Người giảng pháp không đòi gì từ người đến nghe
Mà chỉ luôn tâm niệm: “Xin cho con
Và tất cả chúng sanh hữu tình đồng thành Phật đạo” và
“Những gì con chia sẻ về giáo pháp để giúp đỡ mọi người
Là điều kiện thuận lợi cho niềm an lạc của riêng con”
4. Phân biệt giữa người mà các vị nên giảng pháp hay không nên giảng
Đừng giảng pháp khi không có yêu cầu thỉnh giảng; như trong Kinh Giới Luật (Vynaya-sūtra)của Guṇabhadrā {Đức Quang} có đề cập,[24] “Không nên giảng pháp khi không có yêu cầu”. Ngay cả khi được mời, cũng cần phải tìm hiểu người nghe có thích hợp khi nhận giáo pháp đó không. Và ngay cả khi không được yêu cầu, chỉ giảng giáo pháp nào đó khi biết rằng người nghe thích hợp.
Liên quan về vấn đề này, Định Vương Kinh có nêu:[25]
Khi có người yêu cầu
Xin học hỏi giáo pháp, trước tiên hãy nói:
“Tôi đã không được huấn luyện thâm sâu”
Rồi nói: ‘Bạn là người đầy kiến thức và thông thái
Làm sao tôi giảng pháp cho người cao siêu như bạn?”
Đừng giảng pháp do chỉ tình cờ
Mà chỉ sau khi xem xét người nghe có phải là thích hợp
Nếu biết rõ người nghe là khế hợp
Hãy giảng giải ngay dù chẳng có yêu cầu
Thêm vào đó, trong Giới Luật Kinh ngài Đức Quang có đề cập:[26]
Khi đứng, không giảng pháp cho người ngồi; khi ngồi, không giảng pháp cho người đang nằm; khi ngồi trên ghế thấp, không giảng pháp cho người ngồi trên ghế cao. Điều này tương tự như ghế tốt hay xấu. Đừng giảng pháp cho người đi trước trong khi mình bước sau. Đừng giảng pháp cho người đi trên đường trong khi mình đi ở bên lề. [31] Đừng giảng cho người che đầu lại hay người áo trên hay váy dưới xắn lên, người áo trên xếp lại và đặt lên vai , hay là người hai tay chéo với bàn tay đặt trên vai, hay hai bàn tay đan sau cổ. Đừng giảng pháp cho người có thắt nút trên đầu, đội mũ, mang vương miện, hay người có đầu quấn vải. Đừng giảng pháp cho người đang cưỡi voi hay ngựa, người ngồi trên ghe kiệu hay xe kéo, hay cho người đang mang giày hay mang bốt. Đừng giảng pháp cho người cầm cây gậy, cái dù, cái giáo, cây kiếm, hay những vũ khí khác, hay người mặc áo giáp.
Thích hợp để giảng pháp là những người không giống nhóm người kể trên. Thêm vào đó, những hướng dẫn này được áp dụng cho người không bị đau yếu.
C. Phương cách kết thúc một thời giảng trong liên hệ giữa lắng nghe và giảng giải giáo pháp.
Với tâm nguyện tha thiết hồi hướng những phước đứctạo đượctừ giảng giải và lắng nghe giáo pháp về mục tiêu tạm thời và tối hậu[27].
Nếu các vị giảng và nghe pháp theo cách thế đó, thì chắc chắn sẽ nhận được lợi ích như đã đề cập dù chỉ là một thời khóa. Các vị sẽ xóa tan đi được hết tất cả nghiệp chướng đã tích tạo vì không giữ trong tâm những gì đã nghe và giảng giải giáo pháp và đó là kết quả của việc không kính trọng giáo pháp và giảng sư và v.v…Xa hơn nữa các vị sẽ ngừng các tích lũy mới của các trở ngại này. Cũng như vậy, khi các vị giữ trong tâm cách thức này để nghe và giảng giải giáo pháp, thì các giáo huấn đã được giải thích này sẽ lợi ích cho tâm thức của quý vị.Nói chung, sau khi tất cả các bậc cao minh nhận thức được điều này, các vị đã thực hành một cách tinh tấn; nói riêng, các guru {thiện xảo sư} đầu tiên trong các dòng truyền thừa của các giáo huấn này đã nỗ lực một cách nghiêm chỉnh và đầy tinh tấn.
Đây là một lời hướng dẫn cao quý. Các vị sẽ không chuyển hóa tâm được nếu không nắm chắc về điều này. Không có sự nắm chắc đó, cho dù các vị giảng giải sâu xa đến đâu về giáo pháp uyên thâm này, chính những giảng giải này thường chỉ phục vụ như là cộng hưởng với phiền não giống như là một vị giác thể hữu ích biến thành ma quỷ. Kết quả là, người ta nói: “Nếu các vị làm lỗi lầm từ ngày thứ nhất theo tháng âm lịch thì lỗi kia kéo dài đến tận ngày thứ mười lăm”. Thế nên, ai người thông minh hãy tu tập theo cách lắng nghe và giảng giải thành công này và phải có ít nhất một phần của các phẩm chất này mỗi khi hành trì. [32] Đây là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất trong việc giảng giải những hướng dẫn này.
Sợ rằng mình nói quá dông dài, tôi đã làm cô đọng lại những điểm quan trọng. Hãy hiểu chúng sâu xa hơn qua việc sử dụng các nguồn giáo pháp khác. Tới đây là chấm dứt phần giải thích về những điều tiên quyết của lời hướng dẫn.
Chú thích:
[1]BA71 Udāna-varga, Bernhard 1965 (Ud):22.6.22.3-5;P992:97.2.1-3 Thi kệ về Lắng nghelà đầu đề của Chương 22 của Tiểu Bộ Kinh.
[2]BA72 Jātakamālā, Vaidya 1959a (Jm):31.31-34ab, 31.38cd; P5650:56.5-57.1.2, 57.1.5-6. Theo P. tác giả của Jātakamālā là Āryaśūra {Thánh Dũng}
[3]Giáo huấn cá nhân còn được gọi là biệt huấn.
[4]BA73 Yogā-caryā-bhūmau-bodhisattva-bhūmi {Du-già Hạnh Địa Bồ-tát Địa Luận}, Duit 1966 (Bbh):165;P5538:190.1.6-190.2.2. The Bodhisattva-bhumi là phần 15 trongYoga-carya-bhumi (Cấp bậc của hành trạng Du-già) – theo truyền thống Tây Tạng đây một tuyển tập lớn của Vô Trước.
[5]Định từ thiền là thuật ngữ được dùng để chỉ khả năng hay trạng thái định có được từ việc huân tập thiền, tương ứng với thuật ngữ thiền định. Tuy nhiên, vì nguyên bản Anh ngữ dùng thuật ngữ “meditatative serenity” với danh từ chính là serenity và tính từ bổ nghĩa của nó là meditative nhấn mạnh định lực có được từ thiền.
[6]BA74 Daśa-cakra-kṣitigarbha-nāma-mahāyānā-sūtra, {Địa Tạng Thập Luân Đại Thừa Kinh} P905:96.3.6-7. Kṣitigarbha (Địa Tạng) là tên của một vị Bồ-tát.
[7]BA75 Bbh: 73, 165; P5538: 158.4.4-158.5.2-8. Phần bàn luận về năm đìều kiện không mang trong tâm sẽ được đề cập trong chương 16.
[8]BA76 Jm: 31.69-70; P5650:58.2.6-8.
[9]BA77 Lời khuyên nhủ về việc lắng nghe trước khi giảng giải có trong một số kinh điển như Ārya-suvikkrānta-vikrami-paripṛcchā-prajñāpāramitā-nirdeśa (Suvikkrānta Vấn Kinh),trong bộ kinh Mahāyāna-sūtra-saṃgraha (Đại Thừa Tạng Kinh)(Vaidya 1964: 3), kinh Sāgaramati-paripṛcchā-sūtra (Hải Long Vương Vấn Kinh)(P819:91.2.8-91.3.1) và Daśa-cakra-kṣitigarbha-nāma-mahāyānā-sūtra {Địa Tạng Thập Luân Đại Thừa Kinh}(P905:47.4.7-8,53.2.4)
[10]BA78 Bhb: 74; P5538: 158.5.1-2.
[11]BA79 Bodhisattva-caryāvatāra {Nhập Bồ-đề Hành Luận của Tịch thiên}, Bhattacharya 1960 (BCA): 2.54.
[12]BA80 Conze 1973:22.1; P735: 192.2.3-5.
[13]BA81 Deśanā-stava, P2048:98.3.8-98.4.1.
[14]BA82 SR:9.43-46,4.24;P795:284.2.1-4,278.3.1.
[15]BA83 BCA: 5.109.
[16]BA84 Ud:22.7-10,22.18-19;P992:97.2.3-6,97.3.2-3.
[17]BA85 Kinh Ārya-adhyāśaya-saṃcodana-nāma-mahāyānā-sūtra {Thâm Tâm Cảnh Tỉnh Đại Thừa Kinh}là chương 25 của kinh Ratnakūṭa (Bảo Tích Kinh)Tiếng Skt. được thấy trong Vaidya 1960b:63;p760:60.1.6-7; 60.1.8-60.2.1; 60.2.6-7.
[18]BA86 Jm: 31.68-70; P5650: 58.2.4-5.
[19]BA87 Vaidya 1960b: 187; P760.25:55.4.6-55.5.3.
[20]BA88 Conze 1990:38ff.
[21]BA89 Ārya-śāgaramati-paripṛcchā-nāma-mahāyānā-sūtra. {Hải Huệ Vấn Đại Thừa Kinh} P819:92.1.1-2. Tiếng Skt. được ghi trong Vaidya 1960b: 190. Các ý niệm về phương cách nghe pháp cũng tương tự như vậy, với một ngoại lệ: ý niệm về thực hành nghiêm túc xóa tan bệnh phiền não bị bỏ qua, bởi vì ý niệm này chỉ để riêng cho người tu tự suy nghiệm một mình.
[22]BA90 Chơn ngôn này có thể tìm trong Vaidya 1960b: 190; P819: 92.1.1.
[23]BA91 SP: 13.30, 13.32-35; Vaidya 1960a: 189; P781: 50.5.8-51.1.5.
[24]BA92 Vinaya-sūtra, P5619:222.3.7.
[25]BA93 SR:24.44-46. Đoạn văn trong trang 795: 308.4.8-308.5.2 là hoàn toàn khác với cách Ngài Tông-khách-ba trích dẫn. Cách trích dẫn của Ngài rất gần với cách viết trong chương 19 của Śiksā-samuccaya {Tập Bồ-tát Học Luận}, Vaidya 1960b: 189; P5336: 270.3.6-8.
[26]BA94 Vinaya-sūtra, P5619:218.3.3-7.
[27]Theo đức Dalai Lama thì mục tiêu tối hậu này chính là sự việc hạt giống Phật được hoàn toàn phát triển trong ta (phương tiện chính là giới-định-tuệ) và mục tiêu tạm thời là giữ để tiếp tục tái sinh làm người để tu tập (phương tiện chính là bất bạo động và tâm vị tha). Shantideva’s Guide to a Bodhisattva’s Way of Life. Dalai Lama. MP3. Day 3. 2010. Truy cập: 07/06/2011.
<http://www.dalailama.com/webcasts/post/94-shantidevas-guide-to-a-bodhisattvas-way-of-life>.
Hits: 490