ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1 – (Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Tác giả: Tsongkhapa
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
| Mục lục |
Chương 5: Thời Thiền
Mục lục chương 2:
2. Một chỉ định tóm tắt về phương cách duy trì thiền
a. Phương cách thực tiễn để duy trì thiền
1) Phải làm gì khi đang trong thời thiền
a) Chuẩn bị
b) Thực sự nhập thiền
i) Làm sao để duy trì thiền tổng quát
ii) Làm sao để duy trì thời thiền chuyên biệt
c) Phải làm gì sau khi xả thiền
2) Phải làm gì giữa các thời thiền
a) Kiểm soát các giác quan
b) Hành động với cảnh giác
i) Các nền tảng để hành động đặt làm căn bản
ii) Hành động một cách cảnh giác với tôn trọng nền tảng
c) Chế độ ẩm thực thích hợp
d) Làm sao hành trì một cách tinh tấn để không ngủ sai thời và làm sao hành động đúng lúc đi ngủ.
********************
2. Một chỉ định tóm tắt về phương cách duy trì thiền
Làm sao duy trì thiền có hai phần:
1. Phương cách thực tế để duy trì thiền (Chương 5)
2. Bác bỏ quan niệm sai lầm về thiền (Chương 6)
a. Phương tiện thực tiễn để duy trì thiền
Phương tiện thực tiễn để duy trì thiền được giải thích trong hai phần:
1. Phải làm gì khi đang trong thời thiền
2. Phải làm gì giữa các thời thiền.
1) Phải làm gì khi đang trong thời thiền
Một thời thiền được chia làm ba giai đoạn: (1) trước khi nhập thiền; (2) trong lúc nhập thiền; (3) sau khi nhập thiền.
a) Chuẩn bị
Sáu khía cạnh của sự chuẩn bị là những hoạt động của Ser-lin-ba. Đó là: (1) dọn sạch sẽ nơi thiền, và bày biện ngăn nắp những biểu tượng về thân, khẩu và ý của Phật. (2) Chọn phẩm vật cúng dường không dối trá, và sắp xếp thật đẹp. (3) Ngồi thẳng lưng trên chỗ ngồi thoải mái với tư thế thích hợp, chân kiết già hay bán già, và chú tâm vào hành trì quy y và phát tâm giác ngộ. Trong Thanh Văn Địa (Śrāvaka-bhūmi)[1] dạy rằng: ngồi trong tư thế kiết già trên một ngự tòa, ghế thấp hay tương tự như vậy để xóa đi hết những chướng ngại như vương vấn những đối tượng tham muốn và đi tới đi lui để tâm tẩy sạch khỏi những chướng ngại của sự buồn ngủ và mệt mỏi. (4) Hãy quán tưởng ngồi trên không trung trước mặt quý vị là những đạo sư từ các dòng truyền thừa thâm sâu vô cùng, cũng như vô lượng chư Phật, chư Bồ-tát cao quý, chư Phật Độc Giác {skt. pratyekabuddha}, chư Thanh Văn {skt. śrāvaka}, và tất cả những ai làm theo lời Phật dạy.[2] Rồi hãy quán tưởng một miền rộng để huân tập phước báu và trí huệ cao siêu.
(5) Những điều kiện hỗ tương cho sự tạo nên lộ trình trong tâm là (1) Tích lũy các công đức, đó là những thuận duyên, và (2) thanh tịnh hóa tâm từ những chướng ngại, đó là những nghịch duyên. [56] Nếu còn thiếu những điều kiện hỗ tương này, thật là vô cùng khó khăn khi tạo nên lộ trình, ngay cả khi chịu đựng nhiều đau đớn để duy trì thiền vốn là các nguyên nhân chủ yếu của lộ trình tu tập[3]. Bây giờ quý vị phải thanh tịnh hóa tâm bằng hành trì bảy hạnh nguyện[4] – pháp bao gồm những điểm quan trọng để huân tập các pháp và thanh tịnh hóa các chướng ngại đối với tâm.
Về hạnh nguyện, trước hết là phần lễ kính, bao gồm lễ kính bằng thân, lời và tâm. Phần này được giải thích trong thi kệ đầu thứ nhất của Hạnh Nguyện Phổ Hiền (Samantabhadra-caryā-praṇidhāna):[5]
Con cúi lạy với cả thân, khẩu và ý trong sáng
Lạy tất cả những Sư tử trong loài người,[6] không sót một ai
Những ai đã đi ngang qua suốt cả ba thời trong thế giới
Và có thể còn nhiều nữa trong khắp cả mười phương
Thi kệ này là sự chân thành tôn kính hạnh nguyện thân, khẩu và ý mà không phải chỉ đơn giản tuân theo như người khác làm. Đừng lấy đối tượng thiền là chư Phật ở một phương trong vũ trụ hay chỉ là một thời. Tốt hơn, nên là tất cả chư Phật trong mười phương cũng như cả những vị đã ngự trong thế giới này trước đây, các vị sẽ đến trong tương lai và đang hiện tiền nơi đây. Đại sư Ye-shay-day (Ye-shes-sde) giảng giải trong luận giảng,[7]“Ngay cả khi con cúi xuống lạy chỉ một vị Phật, phước báu cũng vô lượng. Quý vị còn gì phải bàn khi đề cập đến phước báu có được vì quán tưởng vô lượng chư Phật trong khi lễ lạy?”
Trong việc lễ lạy thân, khẩu, ý, việc lễ lạy thân được diễn tả trong thi kệ thứ hai:
Con kính lạy tất cả các Đấng Chiến Thắng
Với thân lạy nhiều như các vi trần {các hạt rất nhỏ} trong thế giới
Cảm nhận tất cả chư Phật
Qua sức mạnh của lời cầu nguyện mong mỏi các hành vi thiện đức.
Hãy quán tưởng chư Phật ngự trong tất cả các phương và các thời như chính quý vị thực sự cảm nhận chư Phật là đối tượng trong tâm mình. Cũng như thế, khi cúi lạy, hãy quán tưởng hình tượng phó bản của chính mình hóa hiện từ trong thân ta với số lượng bằng những hạt nhỏ trong cảnh giới của chư Phật. Thêm vào đó, quý vị phải khởi năng từ sức mạnh của lòng tin sâu xa vào thiện hạnh của đối tượng mình đang lễ lạy. Đại sư Ye-shay-day giải thích[8]“Ngay cả khi lễ lạy một vị phật thôi cũng được phước báu không thể nghĩ bàn {bất khả tư lường}. Có cần chi đề cấp đến việc lễ lạy số lượng khổng lồ các vị phật?”
Hạnh nguyện bằng ý được diễn tả trong thi kệ kế tiếp:
Trên mỗi hạt vi trần có nhiều đức Phật, nhiều như
Số hạt có trong các thế giới đó, và
Tất cả ngồi giữa chúng đệ tử.
Với cách này, tất cả là các cảnh giới thực tại.
Con quán tưởng các đấng chiến thắng phủ đầy tất cả các hạt nhỏ kia.
Chư Phật tọa trên mỗi một hạt nhỏ của hầu hết các hạt vi trần tạm thời đó và số lượng bằng với số lượng của tất cả các hạt này. Mỗi đức Phật được chư Bồ-tát đệ tử bao quanh. Hạnh nguyện về ý phát triển niềm tin thông qua việc huân tập các phẩm hạnh cao đẹp của chư phật.
Hạnh nguyện về khẩu được trình bày trong thi kệ sau:
Để tán dương tất cả các Như Lai {skt. sugata},[9]
Con xin ví sự cao siêu của chư Phật
Với cả đại dương âm thanh trong giọng hát
Và vô vàn những ngợi ca không dứt. [57]
Trước hết, theo kinh điển, hãy quán tưởng vô số đầu bắt nguồn từ mỗi thân trong vô lượng thân của quý vị và vô số lưỡi từ mỗi cái đầu đó. Hạnh nguyện về khẩu {lời nói} được diễn tả bằng những bài hát êm dịu với lời tán dương vô tận về các thiện đức của chư Phật. Trong thi kệ này “bài hát” có nghĩa là những lời tán dương. “Tiếng” của bài hát là nguyên nhân: đó là “lưỡi”. “Đại dương” là từ ngữ để chỉ sự vô số.
Hạnh nguyện tôn kính thứ hai đó là cúng dường. Có hai cách đó là sự cúng dường có thể đo lường được và không đo lường được. Sự cúng dường có thể đo lường được được diễn tả trong hai thi kệ sau:
Con cúng duờng lên chư Phật
Hoa đẹp, những tràng hoa tươi đẹp nhất,
Nhạc cụ, thuốc mỡ, những dù che tuyệt hảo,
Những ngọn đèn chiếu sáng, và hương thơm chọn lọc.
Con cúng dường lên chư Phật
Trang phục đẹp nhất và nước hoa thượng hạng
Bột hương cao đầy như núi Tu-di
Tất cả trong cách chưng bày tuyệt hảo.
“Hoa đẹp” là những đóa hoa rơi tuyệt diệu như là các hoa từ những vùng của người hay nơi thần thánh. Các “Tràng hoa” là nhiều loại hoa khác nhau được kết thành tràng liên tiếp đan nhau. Cả hai từ ngữ này để chỉ hoa thật và hoa quán tưởng. “Nhạc cụ” là các loại nhạc khi gẩy dây {đàn}, thổi {kèn, sáo}, hay có âm hưởng {chiên, trống}. “Thuốc mỡ” là các loại dầu thơm cho cơ thể. “Dù che tuyệt hảo” là những chiếc dù đẹp nhất. “Những ngọn đèn” bao gồm các châu ngọc quý giá chiếu sáng cũng như ngọn đèn thơm hương và sáng ngời như những đèn bơ. “Hương đang đốt” là các loại hương có một mùi hay nhiều mùi hương trộn lẫn. “Trang phục đẹp nhất” là tất cả các loại y phục mỹ miều nhất. “Nước hoa thượng hạng” là loại nước có hương thơm đựng trong những bát cúng dường; bao gồm các loại nước chưng cất các chất hương thơm có mùi lan tỏa khắp cả ba tỷ thế giới trong vũ trụ. Lượng “bột thơm” có chiều cao và bề rộng bằng núi Tu Di. Cũng có thêm những hàng cát màu thay đổi để tạo dựng các maṇḍala hay là bột hương thơm để rải quanh hoặc đóng thành gói nhỏ để đốt. “Cách trưng bày” để chỉ tất cả các phẩm vật trên, phải phần lớn là có phẩm chất tốt đẹp, dùng để trang trí và phong phú.
Thi kệ kế tiếp tả những phẩm vật không đo lường được:
Con quán tưởng tất cả phẩm vật to tát, không vượt qua nổi
Cúng dường lên chư Phật.
Với cả sức mạnh của lòng tin vào hạnh lành
Con quỳ xuống và dâng lên tất cả chư Phật.
Các cúng dường có thể vượt qua được là của người thế tục. Vì vậy, những cúng dường không thể vượt qua được chỉ toàn là những phẩm vật tốt đẹp tạo nên từ những vị đầy nămg lực, ví như các Bồ-tát. Hai câu cuối của thi kệ này nên được đi kèm theo với tất cả các thi kệ nào đã kể trên mà trong đó cảm xúc của hai dòng này chưa được diễn bày. Chúng chỉ rõ động lực của mình và đối tượng nhận hướng đến của hạnh nguyện cùng với phẩm vật cúng dường của quý vị.
Thi kệ kế tiếp tả hạnh nguyện thứ ba – sám hối các tội lỗi:
Bất cứ tội lỗi nào con đã làm
Qua thân, khẩu, hay ý
Dưới ảnh hưởng của tham, sân, si
Xin sám hối cho từng lỗi ấy. [58]
Bản chất của tội lỗi là tam độc {tham, sân, si} từ tâm ý đó khiến quý vị sử dụng thân, khẩu và ý thực sự tiến hành thành một hành vi – nghĩa là, tự mình làm lấy, hay kết hợp cùng làm với người khác, hay vui mừng khi người khác làm. Cho nên để bao gồm tất cả các loại này, thi kệ dùng chữ “Bất cứ”. Sám hối tội lỗi là nhớ lại tất cả tội lỗi mình đã làm và hối tiếc việc đã làm. Thú tội với tận đáy lòng bằng thái độ sẽ không tái phạm trong tương lai.
Thi kệ kế tiếp diễn đạt hạnh nguyện thứ tư – hoan hỷ:
Con hoan hỷ với tất cả phước báu, bất cứ loại nào.
Của tất cả mười phương chư Phật, đệ tử của chư Phât,
Phật Độc Giác, của những vị đang tu học,
Của vị vô lậu học[10], và của mọi phàm phu.
“Hoan hỷ” nghĩa là luôn nhớ tới lợi ích của công đức của năm loại người này[11], và rồi phát tâm hoan hỷ như chính người nghèo tìm được kho tàng châu báu.
Thi kệ kế tiếp diễn tả hạnh nguyện thứ năm – thỉnh cầu chuyển pháp luân:
Con thỉnh cầu đến chư hộ pháp,
Tỏa sáng từ khắp mười phương thế giới
Của người đã chứng nghiệm Phật tánh, thoát ngoài bám chấp
Để chuyển pháp luân không hề sánh được.
Thỉnh cầu chuyển pháp luân là liên quan đến sự quán tưởng đầu tiên, đó là quán tưởng phóng xuất từ thân mình thành nhiều thân bằng với số lượng chư Phật trong mười phương. Rồi thì chính quý vị thỉnh cầu chư Phật giảng pháp. Các vị Phật này cư ngự trong các cảnh giới Phật của mười phương, không đợi lâu để giảng dạy sau khi tỉnh thức đi vào giác ngộ và đạt được tri kiến không còn bám chấp và cũng chẳng chi là chướng ngại. Đạo sư Ye-shay-day trích dẫn [12] trong sách giảng luận và giảng giải nhóm chữ “tỉnh thức đi vào giác ngộ”.
Thi kệ kế tiếp diễn tả lễ kính thứ sáu – nguyện cầu:
Con cầu khẩn với đôi tay chắp nguyện
Cho những ai ước về Niết-bàn {skt. Nirvān } rốt ráo
Xin ở lại nhiều kiếp như các vi trần trong vũ trụ
Để đem an bình và lợi lạc đến cả mọi chúng sinh.
Sự nguyện cầu bao gồm quán tưởng vô số thân của chính mình. Trước mặt mình là chư Phật trong cảnh giới Phật của mười phương đang giảng dạy phương cách đi vào Niết-bàn rốt ráo. Rồi khẩn cầu chư Phật thị hiện trong nhiều kiếp lượng bằng với số lượng các hạt tử chóng vánh trong mỗi cảnh giới Phật để đem đến bình an tạm thời và lợi lạc tối hậu cho mọi loài chúng sinh.
Thi kệ kế tiếp nói về lễ kính thứ bảy – hồi hướng:
Bất cứ phước báu nào con huân tập, dù nhỏ bao nhiêu,
Từ sự hạnh nguyện, cúng dường, sám hối,
Hoan hỷ, thỉnh cầu và nguyện cầu
Con xin hồi hướng toàn vẹn cho giác ngộ.
Hồi hướng nghĩa là không bao giờ làm cạn kiệt hết tất cả cội nguồn của đức hạnh – được giảng giải bằng sáu cách lễ kính trên – bởi vì quý vị với hạnh nguyện dũng mãnh đã hồi hướng mọi công đức đó như là các nguyên nhân của sự giác ngộ hoàn toàn của chính mình và của mọi loài chúng sinh.
Khi hiểu về ý nghĩa của lời trong các thi kệ này, hãy chậm rãi tụng những thi kệ không phân tâm. [59]. Một khi làm được điều này, quý vị sẽ có được công đức vô lượng.
Quý vị huân tập phước báu và trí huệ siêu việt – là những thuận duyên – bằng cách thực hành năm hạnh nguyện, cúng dường, hoan hỷ, thỉnh cầu chư Phật chuyển Pháp Luân, và cầu xin chư Phật đừng nhập niết-bàn. Nhờ sám hối quý vị sẽ xóa tan đi được những chướng ngại, đó là những nghịch duyên. Vun xới niềm vui trong công đức đang làm – là một phần của hoan hỷ – sẽ gia tăng công đức của mình. Quý vị có thể có vài công đức tăng cường như là kết quả của huân tập, thanh tịnh hóa, nhưng công đức đó sẽ gia tăng rất lớn vì sự hồi hướng này. Mặc dù các hiệu quả của công đức đó có thể có tạm thời rồi tan biến đi, nhưng nhờ hồi hướng mà chúng sẽ không bao giờ biến mất. Tóm tắt, bảy hạnh nguyện thuộc về 3 phương tiện: huân tập, thanh tịnh hóa, và gia tăng công đức cùng không làm tan biến đi.
(6)[13] Sau đó, khi trong tâm quý vị đã có hình ảnh maṇḍala và đã cúng dường maṇḍala, hãy cầu khẩn nhiều lần với lời nguyện thiết tha:[14]
Xin gia trì cho tất cả chúng sinh – các mẹ của con – và con để chúng con được nhanh chóng ngưng các trạng thái đầy sai sót của tâm thức, kể cả việc không kính trọng thầy và cho đến việc chấp nhận các biểu tướng về sự tồn tại thật sự của hai loại ngã[15].
Xin gia trì cho chúng con để chúng con dễ dàng tạo được trạng thái không lỗi lầm của tâm, bắt đầu từ sự kính trọng thầy và kết thúc bằng nhận biết thực chất của vô ngã.
Xin gia trì cho chúng con dứt sạch tất cả chướng ngại nội tại và ngoại tại.
b) Buổi nhập thiền thực sự
i) Làm thế nào để duy trì thiền một cách tổng quát
Những gì được biết đến như là “thiền” là hành động duy trì được đối tượng của thiền và các phương diện chủ quan đặc thù[16] qua việc tập trung lặp đi lặp lại tâm thức của quý vị vào một đối tượng dụng công của thiền {tức là đối tượng tạo công đức do thiền}. Mục đích của việc này là như sau: từ vô thỉ, quý vị đã bị tâm thức kiểm soát; nhưng tâm thức của quý vị đã không được chế ngự. Thêm vào đó, tâm thức quý vị thường có khuynh hướng bị che mờ bởi các phiền não và v.v… Cho nên, mục đích của thiền là mang tâm thức vốn khởi sinh đầy sai lạc trở về chịu sự kiểm soát và rồi sau đó biến nó trở nên khả dụng. Sự khả dụng này có nghĩa là quý vị có thể hướng tâm về các đối tượng dụng công của thiền tùy theo ý muốn.
Quý vị có thể cố gắng duy trì thiền bằng cách nhảy từ đối tượng thiền này sang đối tượng thiền khác. [60] Quý vị có thể sắp xếp như ý mình rất nhiều đối tượng dụng công khác nhau của thiền không theo một thứ tự đặc biệt nào cả. Mặc dù quý vị có thể làm điều này, nhưng quý vị sẽ không thể nào giữ được đối tượng thiền bằng phương cách này. Kết quả là, chính quý vị đã làm cản trở khả năng của tâm thức mình trong việc hướng như ý mình muốn về một đối tượng thiền. Nếu như quý vị tạo điều này thành một thói quen từ lúc bắt đầu, thì hành trì dụng công của quý vị trong cả đời sẽ có lỗi lầm.
Vì vậy, ngay từ đầu, quyết định một thứ tự rõ ràng một cách chắc chắn và liệt kê danh mục những đối tượng thiền mà quý vị muốn để duy trì. Sau đó, gia tăng sức mạnh ý chí mình bằng cách luôn tâm niệm “Tôi sẽ không làm gì khác vớí những gì mình đã quyết định”. Dù không tiến bộ hay không làm đủ những gì đã quyết định, hãy duy trì thiền vớí đầy toàn tâm và tỉnh thức[17].
ii)Làm sao duy trì thiền một cách chuyên biệt
Trước tiên hãy quán tưởng về các lợi lạc của việc nương tựa vào thầy, như là nhanh chóng đạt được Phật quả, và về các bất lơi của việc không nương tựa vào thầy như là khởi tạo các đau khổ trong đời này và các kiếp sau. Rồi hãy, suy tư nhiều lần với thái độ cẩn trọng: “Con không bao giờ cho phép mình tưởng tượng đến các lỗi lầm của đạo sư”. Sau khi suy ngẫm về bất cứ thiện đức nào của thầy mà mình biết – chẳng hạn như giới hạnh, thiền, trí huệ, và tri kiến – hãy thiền về tất cả các điều đó cho đến khi quý vị tạo được niềm tin có tính rõ ràng của tâm. Sau đó, theo các bản kinh đã trích dẫn ở trên, suy ngẫm về lòng từ của đạo sư và điều đó sẽ trợ giúp ta. Thiền như thế cho đến khi tạo được sự kính trọng thầy từ tận đáy lòng.
c) Làm gì sau khi nhập thiền
Bằng cách tụng Phổ Hiển Hạnh Nguyện và Thất Thập Thệ Nguyện Tụng (Praṇidhāna-saptati),[18] để hồi hướng tất cả công đức quý vị đã huân tập. Làm việc đó với hạnh nguyện mạnh mẽ đến độ nó trở thành là nguyên nhân để hoàn thành mục đích tạm thời và sau cùng. Thiền theo cách này trong bốn thời: trước bình minh, buổi sáng, buổi trưa và sau khi trời tối.
Thêm vào đó, nếu lúc đầu quý vị thiền trong thời gian dài, thì sẽ sẵn sàng dễ bị hôn trầm và trạo cữ[19]. Nếu điều này trở thành thói quen, thì rồi sẽ rất khó khăn để chỉnh đúng về sự tỉnh thức. Vì thế, nên thiền trong nhiều thời ngắn. Nếu ta chấm dứt thời thiền trong khi vẫn còn muốn tiếp tục thiền, thì mình sẽ hăng hái vào thiền trong các thời tương lai. [61] Nói cách khác, quý vị sẽ có cảm giác buồn nôn khi nhìn thấy gối đệm để ngồi thiền.
Khi các thời thiền được coi là có phần nào an định, hãy kéo dài thời thiền. Trong tất cả các thời hãy thực hành không có chút lỗi nào vì thư giãn hay ép buộc mình quá độ, và như thế là sẽ duy trì được thiền. Theo cách này quý vị sẽ có ít chướng ngại và sẽ vượt qua được quá mệt mỏi, hôn trầm và thiếu sinh khí.
2) Phải làm gì giữa các buổi nhập thiền[20]
Tổng quát có nhiều việc phải làm giữa hai thời thiền, như là lễ lạy, đi nhiễu quanh tượng Phật, và trì tụng [lời cầu nguyện và kinh]. Tuy nhiên, các việc chính phải làm theo sách này là như sau:
Sau khi đã cố gắng nhập thiền thực sự và ở ngay thời điểm xả thiền, quý vị có thể không tiếp tục phụ thuộc vào toàn tâm và tỉnh thức nữa, và có thể thay vào đó là hoàn toàn xả đi hết những gì đã phải trụ tâm vào như đối tượng thiền và các phương diện chủ quan. Nếu quý vị làm như vậy, sự tiến bộ sẽ rất ít. Vì thế, ngay cả ở giữa các thời thiền, hãy đọc những lời giảng dạy để nhận ra ý nghĩa của đối tượng thiền, và ghi nhớ kỹ trở đi trở lại. Huân tập, bằng nhiều phương tiện, đó vốn là thuận duyên để tạo nên các thiện đức. Cũng như thế, bằng nhiều phương tiện hãy tẩy xóa đi những trở ngại, đó chính là những chướng duyên. Bằng cách áp dụng những gì đã biết, cố gắng hết sức với lời nguyện mình đã hứa giữ, như đây chính là căn bản của mọi việc. Thêm vào đó, áp dụng lời hướng dẫn có tên gọi là “Kết hợp” gồm có (1) luyện tâm trong đối tượng thiền và các phương diện chủ quan, (2) giữ giới nguyện, và (3) huân tập các thiện hạnh.
Ngoài ra, hãy học bốn điều kiện tiên quyết cần thiết vì đó là cơ nguyên để tạo được quý vị đường về an lạc và tuệ giác: (a) kiềm chế các giác quan, (b) hành động tỉnh thức, (c) dinh dưỡng thích hợp, và (d) nỗ lực hành trì không ngủ sai giờ giấc, và hoạt động đúng đắn vào giờ ngủ.
a) Kiểm soát các giác quan
Có năm điểm trong phần này, trước tiên là về cách mình kiểm soát các giác quan. Kiểm soát chúng bằng việc duy trì thường hằng chánh niệm và việc liên tục trụ giữ chánh niệm này. Trong nội dung của hai việc trên, thì việc đầu, tức là duy trì chánh niệm, nghĩa là quý vị tu tập chánh niệm lặp đi lặp lại không quên lời dạy phải kiềm chế các giác quan cũng như giữ ba điều kiện tiên quyết kia. Thứ hai, liên tục kiên trì chánh niệm, nghĩa là quý vị hành trì chánh niệm liên tục và với lòng tôn nghiêm. Những gì quý vị đang giữ gìn là kiềm chế sáu giác quan {lục căn}. Điều mà quý vị đang kiềm chế các giác quan đó tránh xa khỏi là sáu đối tượng thụ cảm {lục trần}lôi cuốn và không lôi cuốn.[21]
Cách thức để củng cố các giác quan có hai phần như sau:
1) Phòng giữ năm giác quan: [62] Sau khi sáu thức[22] phát khởi dựa trên các đối tượng cảm thụ và giác quan tương ứng của chúng, thì ý thức sẽ tạo sinh nên sự lôi cuốn hay là sự ghét bỏ đến với các đối tượng thụ cảm. Việc phòng giữ các giác quan nghĩa là bảo vệ tâm quý vị khỏi các cuốn hút hay thù ghét và nỗ lực tinh tấn to tát để tránh tạo sinh ra các thụ cảm đó
2) Thực hành kiềm chế với sáu cơ quan cảm giác là thực sự ngừng các giác quan cảm xúc. Chẳng hạn, quý vị không để chúng tương tác với các đối tượng thụ cảm tương ứng khiến tạo sinh phiền não khi chúng gặp các đối tượng này.
Thêm vào đó: “phòng giữ năm giác quan” nghĩa là không lưu ý đến sáu đối tượng xúc cảm và cũng không phóng tưởng[23] đến chúng, và đạt được qua kiềm chế, ngay cả khi một ứng xử lỗi lầm như bám víu {chấp trước} khởi lên do quên lãng và nhiều phiền não. Chữ “lưu ý” ở đây có nghĩa là cảm xúc và chú ý đến sự xuất hiện có chủ tâm hay không có chủ tâm của các đối tượng cảm xúc như các sắc tướng mà mình không nên nhìn vào. “Phóng tưởng” có nghĩa là ý thức của sự nắm bắt về các đối tượng thụ cảm vốn tạo ra bám víu, ghét bỏ và vô minh sau khi sáu thức đã thụ cảm được chúng. Thuật ngữ đó cũng có thể để chỉ đến việc nghe về các đối tượng thụ cảm này từ người khác và rồi tưởng tượng chứ thực sự chưa bao giờ thọ nhận.
Kiềm chế nghĩa là bảo vệ tâm không bị phiền não động, và rồi trụ tâm vào điều trung tính hay thiện đức. Ở đây, giờ trụ tâm vào điều gì đó “không chướng ngại và trung tính” không phải là vào lúc tâm thức đang nắm bắt một đối tượng thiền đầythiện đức, mà chính là những lúc khác, ví dụ như lúc có các hành vi thể chất..
b) Hành vi với tỉnh thức
i) Các nền tảng mà theo đó quý vị hành động
Phần này có hai điểm: năm hành vi di chuyển, và năm hành động về sinh hoạt trong chùa.
Năm hành động khi di chuyển {cần được kiểm soát} là:
(1) Hành vi của thân: đi ra ngoài đến những nơi khác, ví dụ như ra phố, đi chùa, và trở về.
(2) Hành vi của mắt: cả hai mắt chỉ lướt qua các đối tượng khác nhau bởi vì quý vị đã ngó chúng một cách không chủ ý và hoàn toàn quan sát đến những đối tượng nào mà quý vị đã chủ tâm nhìn đến.
(3) Hành vi của tay chân, ngón tay và ngón chân: duỗi tay chân, ngón tay và ngón chân ra và co chúng lại.
(4) Hành vi về pháp phục {áo tràng, cà-sa, hay y} và bình bát {gọi chung là y bát}: [63] sử dụng ba loại pháp phục và bình bát và
(5) Hành vi liên quan đến việc khất thực: ăn, uống và v.v…
Năm hành động về sinh hoạt trong chùa {cần được kiểm soát} là:
(1) Hành vi của thân: Hãy đi trong một nơi chốn đã định rõ; đi với những người theo cùng một pháp tu; nhập vào lộ trình vì lợi ích của giáo pháp này; đứng khi có sự hiện diện của người mình sắp gặp và người theo cùng giáo pháp như vị trụ trì, thầy, đạo sư và các vị tương tự; hoặc là ngồi thế kiết già và v.v…
(2) Hành vi của khẩu: Hãy nhận khẩu truyền trong mười hai nhóm kinh điển[24] mà trước đó chưa được nhận; hiểu tất cả; trì tụng những kinh được trao truyền; chỉ lại cho người khác; và chuyện trò với người khác để khuyến khích sự hoan hỷ tinh tấn.
(3) Hành vi của ý: ngủ trong khoảng chu kỳ ban đêm; nghỉ ở nơi yên lặng và không được nói khi suy tưởng về ý nghĩa của những điều đã nghe, thực hành định bằng phương tiện của chín trạng thái tâm thức và cố gắng hết mức để đạt được tuệ giác; và khi cảm thấy mệt do trời nóng, hãy làm một việc gì đó để xóa tan đi ý muốn ngủ trái giờ; và
(4) Hành vi ban ngày và (5) hành vi ban đêm: Cả hai đều để nói rõ là không ngủ ban ngày hay trong thời khoảng đầu và cuối của ban đêm. Điều này cũng đề cập đến những hành vi của cơ thể và lời nói. Thêm vào đó, ở đoạn trên có câu “Ngủ trong khoảng ban đêm” là chỉ để đề cập đến hành vi ban đêm và hành vi của tâm thức.
ii)Hành vi một cách cẩn trọng với lòng tôn trọng những căn bản
Hành vi cẩn trọng với lòng tôn trọng mười điều căn bản kể trên như sau. Khi quý vị bắt đầu một hành vi hay hoạt động, từ khởi điểm hãy hành động một cách có lương tâm và đầy chánh niệm với lòng tôn trọng các hành vi đó. Thấm nhiễm hai điều này, phân tích các các yếu tố của hiện trạng và phân tích phương cách làm sao thực hiện; rồi suy tưởng để rồi thấu rõ được những gì quý vị đã kết luận.
Về vấn đề này, có bốn yếu tố:
1) Yếu tố căn bản: Với lòng tôn trọng mười điều căn bản – như hành vi của thân và v.v… – quý vị phân tích những gì sẽ xảy ra, làm sao tiến hành và rồi quán xét rõ ràng những gì đã kết luận. [64] Ví dụ, về việc tôn trọng các quy định đi ra ngoài và trở về, hãy hiểu rõ về thái độ đi và đến như được dạy trong sách về giới luật. Và suy tưởng khi đi và đến. “Bây giờ tôi đang làm điều này và bây giờ đến điều này”.
2) Yếu tố về phương hướng: Về phương hướng, bạn phải phân tích để khám phá ra điều gì sẽ xảy ra và làm sao thực hiện, và rồi xem xét rõ ràng hiện trạng mà mình đã kết luận . Chẳng hạn , như khi đi ra ngoài, đừng đi đến năm nơi sau: nơi bán rượu và v.v…[25]. Phải hiểu là quý vị nên đi đến những nơi khác với năm chốn đó, hãy tỉnh thức về việc này mỗi khi đi ra ngoài.
3) Yếu tố thời gian: Về khoảng thời gian, phải phân tích để khám phá ra điều gì sẽ xảy ra và làm sao thực hiện, và rồi xem xét rõ ràng hiện trạng mà mình đã kết luận. Ví dụ, một khi hiểu được đúng đắn là đi ra ngoài phố vào buổi sáng chứ không phải là buổi chiều, hành vi đúng đắn và tỉnh thức vào lúc đó.
4) Yếu tố hành vi: không cần biết bao nhiêu hành vi đang làm, quý vị phải phân tích để khám phá ra điều gì sẽ xảy ra và làm sao thực hiện, và rồi xem xét rõ ràng hiện trạng mà mình đã kết luận. Chẳng hạn, khi đi ra ngoài, giữ trong Tâm bất cứ giới luật gì về việc đi ra ngoài, như là “Đi qua chỗ ở khác với tư cách rất kiềm chế”.
Tóm tắt, phải toàn tâm về bất cứ hành vi nào xảy ra trong đêm hay ngày. Phải hiểu những gì cần làm và những gì không nên làm. Khi nào thì tiến hành việc phải làm và quay lưng đi với điều không nên làm, phải tỉnh thức và hãy nghĩ “Bây giờ tôi tham dự vào hay quay lưng đi với việc này và phải làm như vậy”. Nếu làm như vầy, người ta nói rằng quý vị sẽ không hoen ố danh dự vì sự phạm giới trong đời này; ngay cả sau khi chết, quý vị sẽ không tái sanh vào các giới đau khổ; và sẽ có những điều kiện trước cần có để đạt được kiến thức cho quý vị các con đường mà mình chưa tới được.
Tôi đã xếp đặt cả hai, phần này về hành vi tỉnh thức và phần kiểm soát các giác quan theo như phần trích dẫn kinh điển của đạo sư thánh giả Vô Trước và những lời giảng luận về ý nghĩa của các phần trích dẫn đó. Hãy thực hành những tu tập này, bởi vì người ta nói rằng nếu quý vị làm, quý vị sẽ có được những thành đạt khác thường trong tất cả các tu tập thiện đức, đặc biệt, nguyên tắc giới đức của quý vị sẽ hoàn toàn thanh tịnh; và quý vị sẽ dễ dàng đạt được trạng thái không rời rạc của sự tập trung bao gồm định từ thiền và trí huệ[26]. [65]
c)Ẩm thực đúng đắn
Một chương trình ẩm thực đúng đắn có bốn đặc điểm:
1) Không ăn quá ít: Nếu ăn quá ít quý vị sẽ đói bụng, và sẽ yếu người đi, không có sức mạnh cho các hoạt động đạo đức. Vì thế, “Không được ăn quá ít” nghĩa là quý vị phải ăn vừa đủ số lượng để không phải bị khổ vì đói bụng cho đến bữa ăn ngày mai. [27]
2) Không ăn quá nhiều: Bởi vì nếu ăn quá nhiều thì cơ thể sẽ nặng nề, như thể mình mang một gánh nặng. Sẽ rất khó khăn khi thở ra và thở vào. Sự buồn ngủ và mệt mỏi sẽ gia tăng. Quý vị không khỏe để làm bất cứ việc gì, và sẽ không có sức mạnh để xóa tan phiền não.
3) Ăn thực phẩm dễ tiêu và lành: Với những loại thức ăn đó quý vị sẽ xóa được cảm giác cũ do khổ tạo nên vì ăn uống và không tạo nên những cảm giác mới.
4) Ăn thực phẩm phù hợp không tạo các phiền hà: Với những loại thức ăn như thế thì sẽ không làm những hành vi xấu, và quý vị có thể luôn an lạc.
Thêm vào đó, phương cách chữa trị cho việc thèm ăn nằm trong cách thiền về những khuyết điểm của thức ăn. Có ba loại khuyết điểm: (1) Khuyết điểm khởi từ nguyên nhân của sự ưa thích: Hãy suy nghĩ màu sắc, mùi thơm, và vị ngon của thức ăn như là đồ nôn mửa ra sau khi ta nhai và làm ướt nhuyễn bằng nước miếng. (2) Khuyết điểm khởi từ việc tiêu hóa thức ăn: hãy suy nghĩ về cách thức ăn tạo ra các nguyên tố trong cơ thể như thịt và huyết sau khi tiêu hóa trong khoảng thời gian giữa và cuối đêm. Hãy nghĩ về thức ăn biến thành phân và nước tiểu, rồi được giữ lại trong phần dưới của cơ thể; cộng với việc mỗi ngày quý vị phải bài tiết nó ra ngoài. Nghĩ về biết bao nhiêu bệnh hoạn khởi phát từ mối dây với thực phẩm này. (3) Năm khuyết điểm do việc tìm kiếm thực phẩm: Năm đìểm đó được liệt kê như sau:
1) Khuyết điểm trong việc tìm kiếm: Trong khi khổ vì nóng lạnh, quý vị phải cố gắng nhiều để tìm được thức ăn và tạo ra nó. Nếu không kiếm được thì sẽ đau khổ buồn rầu. Ngay cả khi đã có thức ăn rồi, quý vị cũng sợ hãi là sẽ bị mất cắp hay phí phạm, và rồi khổ sở vì quá khổ khi bảo vệ nó.
2) Khuyết điểm của việc làm tiêu tan các mối liên hệ gần gũi: Ngay cả với thân quyến ruột thịt, như cha và quý vị, sẽ không đồng thuận và cãi nhau chỉ vì thức ăn. [66]
3) Khuyết điểm của việc không thỏa mãn: Các vị vua và những người tương tự sẽ gây ra chiến tranh và sẽ chịu nhiều đau khổ khi cường độ tham muốn về thức ăn gia tăng.
4) Khuyết điểm của việc thiếu sót tính cách độc lập: Những người ăn thức ăn của người khác sẽ chịu nhiều đau khổ khi thay mặt lãnh tụ chiến đấu với đối phương.
5) Khuyết điểm khởi từ việc làm sai trái: Có những tội lỗi lớn của thân, khẩu và ý vì thức ăn và nguyên nhân của nó, quý vị sẽ nhớ những tội lỗi của mình khi sắp từ biệt cõi đời và chết đi với sự hối tiếc. Thêm vào đó, sau khi chết, quý vị sẽ tái sanh vào giới khổ não.
Mặc dù có tất cả các điều này, những thực phẩm cũng mang lại vài lợi ích – rốt cùng thì cơ thể quý vị người phụ thuộc vào chúng. Hãy ăn sau khi quý vị nghĩ rằng: “bởi vì thật là không đúng khi nhờ vào thức ăn chỉ để dưỡng nuôi cơ thể, tôi phải tự mình tạo ra một phong cách thanh tịnh khi phải cần đến chúng như vậy. Các mạnh thường quân và những người làm việc thiện nguyện chăm chỉ đến da, thịt và máu của họ khô đi! Rồi họ mang những tặng vật này trao với ước muốn cho một kết quả đặc biệt. Tôi tin chắc chắn là hành vi của các vị ấy có một ảnh hưởng lớn”. Hãy nhớ như lời ngài Tịch Thiên dạy trong Bồ-tát Học Luận[28] {skt. śikṣāsamuccaya } khi ăn phải suy tưởng những điều sau đây (1) quý vị đang làm lợi ích cho người; (2) bây giờ là lúc quý vị đang tập hợp những vi sinh vật trong cơ thể mình từ những quà tặng vật chất đó là thức ăn, trong tương lai quý vị sẽ tập hợp các chúng sinh này qua giáo pháp; và (3) quý vị sẽ làm trọn việc phụng sự tất cả chúng sanh. Long Thọ trong Bằng Hữu Thư (Suhrl-lekha) {Lá Thư cho Bạn}có đề cập:[29]
Với hiểu biết thức ăn như dược phẩm
Thọ thực với tâm không ghét bỏ hay tham luyến
Cũng không vì ám ảnh hay có thể là
Nỗ lực tìm kiếm, mà chỉ vì để dưỡng nuôi cơ thể thôi.
d)Thực hành tinh tấn như thế nào đề không ngủ trái giờ và hành vi đúng trong khi ngủ
Trong Bằng Hữu Thư:[30]
Hởi Người Hữu lý, sau khi tạo công đức nguyên ngày
Và cũng như trong thời đầu và cuối của đêm thâu
Hãy ngủ giữa các thời này với chánh niệm
Chớ xin đừng phí phạm ngay cả trong thời gian ngủ.
“Nguyên ngày” và “Thời đầu và thời cuối của đêm” là những gì để chỉ ta phải làm gì giữa các thời thiền. [67] Vì thế, khi ngồi hay đứng, hãy hành động có mục đích, như tôi đã giải thích trước đây với cách tạo tâm trong sáng không chịu ảnh hưởng của năm chướng ngại.[31]
Có nhiều giáo pháp giảng về các thời thiền và giữa các thời thiền liên quan đến việc kiểm soát các giác quan và hành vi tỉnh thức, cũng như phần này nói về cố gắng thực hành thay vì đi ngủ. Thế nên, ở đây tôi chỉ rõ ra các bài giảng về giờ khắc giữa những thời thiền. Những kiểm soát trong khi ngủ xảy ra giữa các thời thiền, như thế hãy đừng xem đó là những hành vi không có mục đích.
Như vậy thì quý vị phải ngủ như thế nào? Ban ngày và một phần tư thời gian đầu của đêm, hãy dùng thời gian này để làm các hành vi đạo đức; rồi hãy đi ngủ khi các khoảng thời gian giữa đêm đến. Bởi vì, giấc ngủ sẽ làm gia tăng năng lực của các yếu tố có lợi cho cơ thể. Khi quý vị dưỡng nuôi cơ thể mình theo cách đó, thì tâm mình sẽ thích ứng nhất để thực hành cả hai loại tinh tấn hoan hỷ[32] khi tạo hạnh đức, và việc này cũng mang lại nhiều lợi ích.
Khi đi ngủ, khi ra khỏi phòng thiền, việc trước tiên là rửa chân và vào phòng riêng của mình. Rồi, nằm nghiêng về phía bên phải, đặt chân trái lên chân phải, và ngủ như thế nằm của một con sư tử. Sao lại ngủ với thế nằm của sư tử, bởi vì trong tất cả các loài súc vật sư tử là loài có khả năng siêu việt, tự tin, và có sức mạnh để khuất phục lực đối kháng. Tương tự như thế, người tinh tấn một cách hoan hỷ hành trì thay vì ngủ sẽ dùng khả năng siêu việt và v.v… để khuất phục đối lực và khi nghỉ ngơi sẽ ngủ như là một con sư tử. Đây là sự ngủ không giống như ngạ quỷ, thần, hay là những ai quẩn quanh với tham luyến, bởi vì họ lười biếng, ít lòng kiên nhẫn, và khả năng khuất phục đối lực rất yếu kém[33] .
Theo một quan điểm khác thì nằm ngủ nghiêng về tay phải như con sư tử nghĩa là tạo cho cơ thể mình tự nhiên mà không ở thế chơi vơi. Ngay cả khi chìm vào giấc ngủ, quý vị cũng không đánh mất chánh niệm. Giấc ngủ sẽ không trở nên nặng nề. Quý vị sẽ không có những giấc mơ xấu và đầy tội lỗi. Nhưng nếu quý vị ngủ theo các thế cách khác, tất cả các lỗi lầm đó là có sự xuất hiện của bốn điều trái ngược.
Có bốn loại tư tưởng khi vào giấc ngủ:
(1) Ý tưởng về sự chiếu sáng: Trước tiên nghĩ về hình tượng của một ánh đèn và rồi ngủ trong khi tưởng tượng về ánh sáng đó. [68] Như vậy, khi đi vào giấc ngủ, sự tối tăm sẽ không khởi lên trong tâm thức ta.
(2) Chánh niệm: Điều này có do đã được nghe, suy nghĩ và thiền về các giáo pháp đầy ý nghĩa và thiện đức. Thực hành như vậy cho đến khi đi vào giấc ngủ. Bằng phương cách này, ngay cả khi ngủ, tâm của ta cũng tiếp tục học hỏi giáo pháp như khi ta không ngủ. Tóm lại, quý vị sẽ duy trì hành vi thiện đức ngay cả khi ngủ.
(3) Tỉnh thức: Khi nuôi dưỡng về chánh niệm theo cách này, bất cứ phiền não nào cũng có thể khởi lên. Nếu bất cứ điều gì xảy ra, thì phải nhận dạng ngay và diệt trừ chúng hơn là chấp thuận chúng.
(4) Ý tưởng về thức giấc Điều này có ba khía cạnh. Thứ nhất, đừng để tâm thức chìm vào trạng thái hoàn toàn do giấc ngủ chiếm ngự. Thay vào đó là ngủ nhẹ nhàng như một con nai, với tâm thấm nhuần sự tinh tấn đầy hoan hỷ. Điều này sẽ ngăn được giấc ngủ nặng nề, và quý vị sẽ tỉnh giấc mà không ngủ quá lố. Thứ hai, hãy nghĩ rằng “À! Tôi sẽ luôn luôn thực hành pháp chánh niệm [34] như Đức Phật đã dạy”, và với một nỗ lực lớn tạo một tâm nguyện về chiều hướng này. Theo cách này, cách ngủ của quý vị sẽ không xa với cách ngủ của con sư tử mà Đức Phật đã dạy. Thứ ba, hãy nghĩ rằng “Vì tôi hoan hỷ tinh tấn tu tập thiện đức và không ngủ hôm nay, tôi sẽ làm như thế vào ngày mai”. Việc này sẽ ngăn chận được sự gián đoạn trong tâm nguyện tu tập thiện đức. Ngay cả nếu quý vị quên tâm nguyện, hãy luôn luôn cố gắng để làm chúng tốt hơn.
Sống theo lối này khi ăn và khi ngủ thì sẽ không làm những điều sai quấy. Bởi vì hành vi chủ ý theo phương cách này thì rõ ràng là giúp quý vị không phí phạm thời gian trong đời mình, tôi đã giảng giải cũng như ngài Vô Trước, trích dẫn kinh điển, cùng quyết định như vậy. Tất cả những gì tôi đã nói về cách hành trì trước, trong, sau và giữa các thời thiền phải áp dụng trong tất cả khi tu thiền được giảng giải từ chương này và bao gồm cả chương về tuệ giác. [69] Ngoại lệ duy nhất là những phương cách thiền đặc biệt trong các thời thiền thực sự. Đến đây là chấm dứt phần giải thích phương cách làm thế nào giữa các thời thiền.
Chú thích:
[1]BA152 Yogā-caryā-bhūmau-śrāvaka-bhūmi (Śbh) {tức Du-già Hạnh Địa Thanh Văn Địa luận}, P5537: 58.4-58.5.8. Śrāvaka-bhūmi là chương thứ 13 của Yogā-caryā –bhūmi.
[2]BA153 Geahay Nawang Lhundup giải thích là “ai người làm theo lời Phật dạy” là để chỉ về phần còn lại trong việc huân tập phước báu và trí huệ cao siêu – các thiện nam, tín nữ, dakas {Không Hành Nam} và ḍākinī {Không Hành Nữ} và các vị hộ pháp cho giáo pháp. “Làm theo” ở đây có nghĩa là tuân theo và thực hành những lời khuyên dạy của Đức Phật.
[3]Theo lời giảng của đức Dalai Lama, thì các nguyên nhân (nhân) khiến xảy ra một hậu quả có thể phân làm hai loại:
Nguyên nhân trọng yếu (hay nguyên nhân chính) là lý do trực tiếp hay vật chất khiến xảy ra hậu quả hay sự kiện đặc thù.
Nguyên nhân góp phần (hay nguyên nhân bổ phần) là các tác động thêm vào khiến sự vật được xảy ra một cách đặc thù. Tuy nhiên nó không thể đóng vai trò trực diện làm nảy sinh hậu quả đó.
Ngoài ra còn các các điều kiện khác (duyên) gây ảnh hưởng đến một hậu quả cụ thể.
The Four Noble Truths. His Holiness The Dalai Lama 14. Trans – Thupten Jinpa.Chapter 2. p 62. Thorsons.1997.
[4]Tác giả đề cập đến các Hạnh Nguyện Phổ Hiền. Thường trong các kinh điển Hán và Việt có liệt kê đến 10 hạnh nguyện. Trong luận này và nhiều luận Tạng ngữ khác thì các hạnh nguyện thường được giảng cô đọng thành 7. (Xem thêm phẩm Nhập Bất Tư Nghị giải Thoát Cảnh giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Kinh Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm. Thích Trí Tịnh Dịch Việt từ bản dịch Hán của Tam Tạng Pháp Sư. Truy cập 18/05/2011.
<http://www.niemphat.net/Kinh/phamphohien.htm>.
[5]BA154 Thi kệ này và mười hai thi kệ nổi tiếng tiếp theo được trích từ phần đầu của bzang spyodsmon lam(Samantabhadra-caryā-praṇidhāna {Phổ Hiền Hạnh Bồ-tát Nguyện}) (cũng còn mang tên Vua của các lời nguyện) cũng là phần cuối của Gaṇḍa-vyūha {Hoa Nghiêm} (P761: 320.1.7-320.3.2), phẩm cuối cùng củaBuddhāvataṁsaka-nāma-mahā-vaipulya-sūtra{Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh}. Tsongkhapa chỉ trích dẫn những dòng đầu của mỗi thi kệ, mà đã được dẫn ở đây để làm sáng tỏ.
[6]BA155 Mi yi seng ge, sư tử trong loài người. Đây ám chỉ chư Phật.
[7]BA156 bZang spyod kyi ‘grel pa bzhi’i don bsdus nas brjed byang du byas pa ) (Ghi chú Tóm tắt các đề tài trong Bốn Luận Giải về Kinh Phổ Hiền), P5846: 89.4.5-6.
[8]BA157 Ibid., P5846: 89.5.6-7.
[9]BA158 Sugata (bde bar gshegs pa) là từ ngữ dành cho một vị Phật có nghĩa là “người đã đạt được an lạc cao nhất” và cũng là “người đã hoàn thành việc tốt”.
[10]Theo một cách phân chia về con đường tu tập của các Bồ-tát sẽ bao gồm 5 giai đoạn tương ứng với Mật chú của Bát-nhã Tâm Kinh: gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā (theo đức Dalai Lama 14 chú giảng thì câu này có nghĩa là “đi, đi, đi qua, đi xuyên suốt, và đi qua đến bên kia bờ giác Discourse on the Heart Sutra[DVD]. Dalai Lama. Beckmann Visual. 2006.
gate – Lộ trình tích lũy
gate – Lộ trình chuẩn bị
pāragate – Lộ trình tri kiến
pārasaṃgate – Lộ trình thiền định
bodhi – Lộ trình vô lậu học
Như vậy các tầng bậc trước tầng bậc cuối thì các Bồ-tát vẫn phải còn tu học và ở bậc cuối là bậc không còn gì để học (vô lậu học – phân biệt với năm loại người được xác định do chú thích kế bao gồm Phật (1), Phật Độc Giác (2), các vị đang tu tập (3), các vị không còn gì để tu tập (4), và người thường hay phàm phu (5))
Essence of Heart Sutra. His Holiness the Dalai Lama 14. Dịch Thupten Jinpa.Wisdom.2002.
[11]BA159 Kensur Yeshe Thupten giảng là có năm loại người nếu đặt các Thanh Văn, bao gồm trong người phải học thêm và nhóm người đạt đến trình độ vô lậu học.
[12]BA160 bZang spyod kyi ‘grel pa bzhi’i don bsdus nas brjed byang du byas pa, P5846: 92.2.3-4.
[13]BA161 Đây là khía cạnh thứ sáu và cuối cùng của việc chuẩn bị cho thời thiền. Năm khía cạnh kia đã được đề cập ở phần trên. Thường thì cúng dường maṇḍala bao gồm trong phần thứ năm, trong bảy hạnh nguyện, nhưng ở đây theo ‘Jam-dbyangs-bzhad-pa (mChan: 126.3) thì maṇḍala được cúng dường ở phần cuối.
[14]BA162 Bài kinh này mang tên Don chen po gsum la gsol ba ‘debs pa (Cầu khẩn cho ba đại mục đích).
[15]Thuật ngữ biểu tướng (hay biểu hiệu) ở đây được hiểu là các khái niệm, các tên, đặc tính hay định nghĩa chung về một loại đối tượng. Như vậy biểu tướng là các đối tượng của quá trình định danh. Vế thứ nhì của câu trên đề cập đến sự tồn tại thật sự của hai loại bản ngã: ngã của tâm thức (nhân ngã) và ngã của các hiện tượng (pháp ngã). Ngài Tsongkhapa theo quan điểm của Trung Quán tông phủ nhận sự tồn tại thật sự (tồn tại tự tính hay tồn tại không phụ thuộc vào nhân duyên) hai loại bản ngã này. Do đó, nếu tâm thức ở trong trạng thái nhận thức hay có khái niệm về sự tồn tại thật sự của hai loại ngã này sẽ là các sai sót cần phải loại trừ.
[16]BA163 Nội dung này bao gồm:
phương diện chủ quan về đối tượng (yul gyi rnam pa) tức là đạo sư vốn đang là một vị Phật và phương diện chủ quan về tâm thức của thiền giả (yul can gyi rnam pa): tức là niềm tin rằng đạo sư chính là một vị Phật.
[17]Toàn tâm hay chánh niệm ở đây có nghĩa là khả năng tập trung bền vững không bị quên hay phân tán khỏi đối tượng thiền.
[18]BA164 Luận praṇidhāna-saptati-nāma-gāthā {Thất Thập Thệ Nguyện Tụng – hay Bảy Mươi Hạnh Nguyện Kệ} thuộc về gZan-la-phan-pa’i-dbyangs dGon-pa-pa và Āryaśūra {Thánh Dũng} (Beresford 1979).
[19]Đây là thuật ngữ thông dụng trong thiền học. Hôn trầm là trạng thái mà tâm thức không còn thấy rõ ràng hay sắc nét vào đối tượng của thiền. Ngược với tạng thái hôn trầm là trạng thái trạo cữ, tức là hành giả bị rơi vào trạng thái quá kích động hay hăng hái khiến cho hành giả dễ bị phân tán hướng tưởng ra khỏi đối tượng của thiền. Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) bài số 4 “Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm” (Bhayabherava Sutta) có dạy qua về hai khái niệm này. Trung Bộ Kinh. Bài số 4 “Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm”. Thích Chơn Thiện. Truy cập 22/06/2009.
<http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-004.htm. 2003>.
[20]BA165 Chi tiết trong tiểu đề này không có văn bản gốc mà được các biên tập viên thêm vào để làm cho bản dịch dễ đọc hơn.
[21]BA166 Cảm thọ hay thụ cảm trong tâm lý học Phật giáo gồm có ba khía cạnh: các giác quan {căn} (gồm ý thức và năm giác quan), đối tượng {trần}, và các thức {tương ứng} sinh khởi lên phụ thuộc vào giác quan và đối tương của nó. Sáu đối tượng thụ cảm {sáu trần} gồm 5 đối tượng của các thức thụ cảm: sắc tướng (sắc), âm thanh (thanh), mùi thơm (hương), vị nếm (vi), các đối tượng cảm giác được (xúc) cùng với các hiện tượng (pháp) là đối tượng của ý thức {các căn tương tác cùng với các trần làm nảy làm hoạt hóa các thức. Các khái niệm này được gọi chung là 18 giới}.
[22]Các trạng thái cơ bản của tâm được phân chia thành các thức (skt. Vijñāna) (còn được gọi là các trạng thái tâm vương). Tùy theo trường phái Phật giáo mà các thức có thể được phân chia khác nhau. Theo Trung Quán tông, thì chỉ có đúng sáu loại thức (skt. ṣaḍāyatana) trong đó năm thức đầu tương ứng theo năm cơ quan thụ cảm là mắt, tai, mũi, lưỡi và xúc giác tương ứng với các cảm nhận (nhận thức thụ cảm – hoàn toàn không có khả năng khái niệm) của tâm là nhãn thức (skt. cakṣur-vijñana), nhĩ thức (skt. śrotra-vijñana), tỷ thức (skt. ghrāṇa-vijñana), thiệt thức (skt. jihva-vijñana) và thân thức (skt. kāya-vijñana). Loại thức thứ sáu là thức đặc biệt có khả năng khái niệm là ý thức (skt. mano-vijñana). Sáu thức này tương tác với sáu loại yếu tố của môi trường tương ứng là sắc tướng (sắc), âm thanh (thanh), mùi hương (hương), vị nếm (vị), cảm giác (xúc) và các hiện tượng (pháp) còn gọi là sáu trần.
[23]Phóng tưởng hay tưởng tượng có thể xảy ra khi tâm nhận thức về một đối tượng (từ các cơ q uan thụ cảm) và liền sau đó phát sinh các trạng thái tư tưởng thứ cấp từ nhận thức đầu và dòng tư tưởng này có thể đúng có thể sai do thiếu đi các lập luận hay các chứng cứ hỗ trợ.
[24]Theo các trang Wikipedia về Phật giáo, 12 loại kinh điển này bao gồm:
Kinh (skt.. sūtra) hoặc Khế Kinh, cũng được gọi theo âm là Tu-đa-la, chỉ những bài kinh chính Phật thuyết;
Trùng Tụng (skt. geya) hoặc Ứng Tụng, gọi theo âm là Kì-dạ, một dạng kệ tụng mà trong đó nhiều câu được lặp đi lặp lại;
Thụ ký (skt. vyākaraṇa), dịch âm là Hoa-già-la-na, chỉ những lời do Phật thụ kí, chứng nhận cho các Bồ-tát, đệ tử mai sau thành Phật, và những việc sẽ xảy ra…;
Kệ-đà (skt. gāthā), cũng được gọi là Ký Chú hay Phúng Tụng, những bài thi ca không có văn xuôi đi trước (trường hàng), xem Kệ;
(Vô vấn) Tự thuyết (skt. udāna) hoặc Tán Thán Kinh, dịch âm là Ưu-đà-na, chỉ những bài kinh mà Phật tự thuyết, không phải đợi người thỉnh cầu mới trình bày;
Nhân Duyên (skt. nidāna) hay Quảng Thuyết, dịch âm là Ni-đà-na, chỉ những bài kinh nói về nhân duyên khi Phật thuyết pháp và người nghe pháp…;
Thí Dụ (skt. avadāna) hoặc Diễn Thuyết Giải Ngộ Kinh, dịch âm là A-ba-đà-na, chỉ những loại kinh mà trong đó Phật sử dụng những thí dụ, ẩn dụ để dùng việc đời mà gợi mở việc đạo làm người nghe dễ hiểu hơn;
Như Thị Pháp Hiện (skt. itivṛttaka) hoặc Bản Sự Kinh, dịch âm là Y-đế-mục-đa-già, chỉ những bài kinh nói về sự tu nhân chứng quả của các vị đệ tử trong quá khứ, vị lai;
Bổn Sinh Kinh (skt. jātaka), gọi theo âm là Xà-đà-già. Kinh kể về các tiền kiếp của đức Phật;
Phương Quảng hay Phương Đẳng (skt. vaipulya, dịch âm là Tì-phật-lược;
Hi Pháp (skt. adbhutadharma) hoặc Vị Tằng Hữu, dịch âm là A-phù-đà Đạt-ma, kinh nói về thần lực chư Phật thị hiện, cảnh giới kì diệu, hiếm có mà người phàm không hiểu nổi;
Luận Nghị (skt. upadeśa), cũng được gọi là Cận Sự Thỉnh Vấn Kinh. Dịch âm là Ưu-ba-đề-xá, chỉ những bài kinh có tính cách vấn đáp với lí luận cho rõ ngay thẳng, xiên vẹo.
Cách sắp xếp bên trên được các trường phái ngoài Đại thừa chấp nhận, tuy nhiên, Thượng tọa bộ loại bỏ ba phần 6., 7. và 12. ra.
[25]BA167 ’Jam-dbyangs-bzhad-pa (mChan:135.5) liệt kê năm nơi chốn như chỗ bán rượu, nhà thổ, lò sát sanh xấu, cung điện vua, và một lò sát sanh thường.
[26]Thiền, theo ý nghĩa chung của Phật giáo, có hai loại – thiền định (hay thiền chỉ skt. samādhi) và thiền quán(hay minh sát hay phân tích skt. vipaśyanā). Loại đầu, thiền chỉ là sự thực tập bình lặng hay nhất tâm rèn luyện để có định lực và loại thứ hai là thiền quán để thực hành các phân tích (tuệ giác) trong lúc vẫn giữ trạng thái định để có trí huệ (hay tuệ giác). Trong cả hai trường hợp, điều rất quan trọng để có một nền tảng vững vàng của chính niệm và tỉnh thức, được cung cấp bởi sự thực hành giới luật. Hai nhân tố này, chính niệm và tỉnh thức, là quan trọng không chỉ trong thiền, mà cũng quan trọng trong đời sống hằng ngày. Theo bài giảng A Survey of the Paths of Tibetan Buddhism của đức Dalai Lama vào 1988 tại Luân-đôn Anh quốc.
Chương Concentration < http://www.lamayeshe.com>. Truy cập 22/05/2011
Xem bản dịch Việt của Tuệ Uyển. Truy cập 22/05/2011.
<http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-81_5-50_6-5_17-241_14-1_15-1_4-7661/>.
Trong quyển ba của bộ đại luận này ngài Tsongkhapa sẽ dạy rõ các chi tiết và khẳng định khả năng định phải đến trước hay đồng thời với tuệ và không thể có trường hợp ngược lại.
[27]Theo giới luật của nhiều tông phái Phật giáo trong đó có Phái Gelug của ngài Tsongkhapa thì các tăng ni thường sẽ không có buổi ăn tối.
[28]BA168 Vaidya 1960b: 72; P5336: 216.5.7.
[29]BA169 Suhrl-lekha: 38; P5682: 236.2.3-4.
[30]BA170 Ibid.: 39;P5682: 236.2.4-5.
[31]BA171 Ibid: 44 điểm về năm chướng ngại {ngũ triền cái}: phấn khởi và hối tiếc, ác tâm, thiếu sinh lực và buồn ngủ, ước muốn dục vọng và nghi ngờ. {Xem thêm chi tiết trong Kinh Tăng Chi Bộ Phẩm Đoạn Triền Cái. Thích Minh Châu dịch. Truy cập: 15/012012.
<http://www.daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/pali/3590-Kinh-Tang-Chi-Bo-Chuong-I-Pham-doan-trien-cai-Phan-tich.html>}.
[32]BA172 Hai loại tinh tấn hoan hỷ đó là hoan hỷ tinh tấn hành trì liên tục (rtag sbyor) và hoan hỷ tinh tấn đầy kính trọng (gus sbyor). Loại đầu là tự như thế và loại hai là nhập vào hoan hỷ và cố gắng tinh tấn nhiều hơn.
[33]BA173 ‘ Jam-dbyangs-bzhad-pa (mchan:141.2-3) cho biết cách ngủ của ngạ quỷ là úp mặt xuống, thần thánh ngủ nằm ngửa, và người nhiều tham luyến ngủ nghiêng về bên trái.
[34]BA174 Điều này theo như lời dạy trong Ganden Bar Nying (33a.2) được đọc là mi nyal ba, tương tự như mChan (142.4). Đọc là nyal stangs theo như trong LRCM (68.11).
Hits: 490